Hôm nay,  

Giải Phẫu Vụ Bẻ Tay: Xóa Nợ Hay Không?

18/12/200300:00:00(Xem: 4560)
Cuối cùng rồi Đức và Pháp cũng đồng ý sẽ xóa nợ cho Iraq, vì không lẽ lại đòi Saddam Hussein" Ông ta còn có 750.000 tiền mặt, mà tất nhiên đã bị tịch thu rồi.
Bị chìm trong sự ồn ào của vụ bắt giam Saddam Hussein là vụ hai quốc gia phản chiến và chống Mỹ om xòm nhất là Đức và Pháp cuối cùng cũng đồng ý sẽ xóa nợ cho Iraq, như Hoa Kỳ đề nghị. Thế còn vụ Mỹ quyết định là những quốc gia không ủng hộ chiến dịch Iraq sẽ không được dự thầu các hợp đồng tái thiết Iraq" Truyền thông Mỹ, nhất là loại truyền thông thiên tả đầy thiên kiến, đã gây hiểu lầm về sự việc xảy ra bên trong.
Cho nên, xin nói theo ông Phạm Duy.... xin đi lại từ đầu.
*
Quốc hội Mỹ đã thỏa thuận là Hoa Kỳ sẽ bỏ ra 18,6 tỷ Mỹ kim để góp phần tái thiết Iraq. Quyết định này đã gây tranh luận khi Hành pháp George Bush đề nghị một ngân sách khoảng 87 tỷ cho nhu cầu tái thiết Afghanistan và Iraq trong trận chiến chống khủng bố, nhưng cuối cùng rồi đề nghị này cũng được Lập pháp thông qua, sau rất nhiều trò biểu dương vớ vẩn.
Tuần qua, Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz bị công kích từ nhiều phía khi loan báo quyết định của chính quyền Bush là các quốc gia không tham gia vào việc ổn định Iraq sẽ không được dự thầu các hợp đồng tái thiết được tài trợ bởi ngân khoản 18,6 tỷ ấy, vốn là tiền của dân thọ thuế tại Mỹ. Trước đó, chính quyền Bush cũng loan báo đã mời James Baker, tay cự phách của đảng Cộng hòa trong việc giải quyết các hồ sơ tế nhị, đi vận động các quốc gia chủ nợ của Iraq hãy đồng ý xóa nợ giảm lãi cho xứ này trong khi dân Iraq đang nỗ lực tái thiết lại xứ sở của họ. Ba quốc gia chủ nợ lớn nhất của Iraq là Nga, Pháp và Đức dĩ nhiên là không ưa gì việc mình mất cả chì lẫn chài như vậy.
Hai vụ “xóa nợ” và “miễn dự thầu” vì vậy được lồng vào nhau, nhưng lại được truyền thông Mỹ (không nói đến dư luận báo chí của ba nước đã từng hào phóng cho chế độ Saddam Hussein vay tiền ngày trước) trình bày theo lối đảo ngược tương quan nhân quả và đưa ra một hình ảnh ngớ ngẩn về các quyết định của ông Bush: là dân Texas thô lỗ, ông ta hay bị bệnh ngập ngọng như vậy. Sự việc nó rắc rối và tinh vi hơn vậy.
Trước hết, Thứ trưởng Paul Wolfowitz không là người lấy quyết định, ông chỉ là người thông báo, quyết định này thuộc phạm vi cao hơn lãnh vực thẩm quyền của bộ Quốc phòng vì liên hệ đến nhiều cơ chế khác. Thứ hai, truyền thông Mỹ lẫn lộn nhân với quả khi công kích chính quyền là vừa mời James Baker (cựu Ngoại trưởng, Bộ trưởng Ngân khố và Bộ trưởng Phủ Tổng thống) đi thuyết phục các nước chủ nợ hãy xóa nợ cho Iraq thì lại tung ra quyết định không cho các nước chống việc Mỹ tham chiến được dự thầu. Họ đả kích là Wolfowitz làm cho công việc của ông Baker thành khó khăn hơn tại Pháp, Đức và Nga.
Sự lẫn lộn này chứng tỏ là truyền thông Mỹ hoặc cận thị hoặc có gian ý: đề nghị xóa nợ đã được Mỹ nêu ra từ tháng 10 tại Hội nghị Madrid, và đã bị ba nước trên từ chối, cũng như đã từ chối tham gia việc ổn định và tái thiết Iraq dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Vì sự từ chối ấy mới có chuyện ba xứ đó bị gạt khỏi danh sách các nước có thể dự thầu, như một biện pháp trả đũa hay bẻ tay để thuyết phục của Mỹ. Chứ không phải là một quyết định ngu xuẩn của Paul Wolfowitz làm cho James Baker khó ăn khó nói hơn. Nhìn theo lối trình bày của truyền thông Mỹ, chính quyền Bush là một đám ngu xuẩn lớ ngớ. Thực tế thì Wolfowitz và Baker là “một đồng một cốt”, bên tung bên hứng. Nói theo ngôn ngữ túc cầu thì Wolfowitz giao banh và Baker làm bàn trong khi Saddam lãnh thẻ đỏ.
Vì rốt cuộc thì Pháp và Đức đồng ý xóa nợ, nghĩa là áp lực của Mỹ đã có tác dụng: muốn ăn thì xin lăn vào bếp. Đó là về bối cảnh của sự việc, khác hẳn với những luồng dư luận, đứng đầu là tờ New York Times, sẵn sàng bóp méo sự thể để công kích Hoa Kỳ hay chính quyền Bush. Sự việc nó không ngây ngô như vậy. Mà tàn nhẫn hơn vậy.
*
Điều đó mới dẫn ta tới câu hỏi vì sao Pháp và Đức cuối cùng vẫn phải đồng ý với Mỹ"
Chính quyền Bush có nhược điểm là coi thường ngôn ngữ ngoại giao và làm các nước chống Mỹ thêm ghét Mỹ. Họ có ưu điểm là biết rõ sự đời: càng cần ai lại càng ghét người ấy và trong cái thế giới đầy thiên kiến lẫn khủng bố này, Hoa Kỳ cần người ta sợ hơn người ta thương. Thái độ đó cũng là lối ngoại giao kiểu Mỹ truyền thống, lối ăn nói lạnh lùng giữa những ai phải xử trí các hồ sơ về quyền lợi và an ninh quốc gia. Nó không là lối ngoại giao liếm mép của Bill Clinton là quét vấn đề vào dưới thảm cho kẻ khác dọn.

Hãy nhìn sự việc dưới một góc cạnh khác mà xem.
Khi Saddam Hussein tấn công Kuweit và bị cả thế giới trừng phạt, doanh nghiệp Mỹ bị lệnh cấm vận ngăn cản không được kinh doanh tại Iraq. Đó là về an ninh và quyền lợi. Trong lúc đó, và xứ chống Mỹ kia làm gì" Giúp đỡ chính quyền Saddam và cho đến cuối cùng vẫn bênh vực ông ta bằng giải pháp câu giờ gọi là đa phương, quốc tế, để ngăn Mỹ nhập trận cho Saddam đi chỗ khác chơi. Đó là về tình nghĩa đồng minh.
Ba xứ đó thành chủ nợ của một chế độ tàn ác, đã rút sạch tài nguyên quốc gia để xây dựng lầu đài và tiêu diệt mọi mầm chống đối. Bây giờ, chế độ tàn ác đó bị lật đổ, dân Iraq đang cố xây dựng lại một xứ sở mới (dưới sự lãnh đạo hay yểm trợ hay chiếm đóng của Mỹ, tùy theo quan điểm chính trị). Bây giờ ba chủ nợ đến đòi dân Iraq thanh toán các khoản nợ của chế độ Saddam Hussein. Nếu là dân Iraq, ta có chịu thanh toán không"
Lịch sử không thiếu trường hợp quịt nợ, có “chính nghĩa” hay không, và thực tế thì ba chủ nợ kia tất nhiên cũng biết là... bắc thang lên hỏi ông trời, hay xuống lỗ, ở Tikrit, rằng tiền cho chế độ Saddam vay mượn khi xưa có đòi được hay không. Vấn đề vì vậy không phải là tiền bạc mà là cách xử trí với sự thể mới: Saddam không còn, chủ mới nay là Mỹ hay là hệ thống chính quyền chưa thành hình tại Iraq. Dù chống Mỹ đến tối mắt, chính quyền Pháp, Đức và Nga cũng đọc ra quy luật các cụ ta dạy: “già néo đứt dây”. Đòi không được mà còn bị rơi vào tư thế đứng ngoài chửi đổng thì sẽ bị chửi lại, bị chính các doanh nghiệp trong nước chửi lại, vì mất hợp đồng, mất cơ hội kiếm tiền và kiếm việc cho dân.
Nếu ta là người đóng thuế cho xã hội Mỹ, ta có đồng ý hay không với việc máu Mỹ và tiền Mỹ đổ ra tại Iraq cuối cùng lại chui vào túi mấy xứ đã góp phần nuôi dưỡng chế độ Saddam" Chính quyền Bush có lẽ cũng biết câu trả lời của dân Mỹ nên chính ông Bush đã thành khẩn nói là dân thọ thuế chỉ muốn có sự công bằng. Có chi thì có thu, không thì thôi. Kiểu ngoại giao đó nó có phũ phàng, nhưng ít ra là nó ngay thật!
*
Nhìn xa hơn một vụ bẻ tay làm áp lực về tiền bạc, ta có thể thấy những gì"
Các nước chủ nợ tất nhiên cũng biết là mình đánh bạc lầm cửa, và đã vĩnh biệt các khoản nợ đã lên chùa, tức là hết hy vọng thu hồi. Việc chính quyền Bush ngang ngược tung ra quyết định trên là điều gây khó chịu nhưng về mặt pháp lý thì có cả chục cơ chế đa phương như Liên hiệp quốc cũng chẳng bác bỏ được. Liên hiệp quốc vừa bị đánh bom ở Iraq là cúp đuôi chạy thì còn nói gì được, ngoại trừ yêu cầu là đừng xử tử hình Saddam. Tổ chức mậu dịch WTO cũng chả thể nói gì hơn về các dự án được tài trở bởi ngân sách Mỹ. Sự thể đã bi thảm vậy thì có nên thả mồi trước mặt bắt bóng sau lưng hay chăng"
Dại chỉ một lần, lần này, các chủ nợ đành “hòa giải hòa hợp”, “rũ bỏ quá khứ để cùng tiến đến tương lai”, tiến đến những dự án ra tiền. Nghĩa là móc không được, tha làm phúc, để có cơ hội xếp hàng dự thầu. Họ càng trở nên biết điều hơn khi thấy chính quyền Bush không nhượng bộ, dù truyền thông Mỹ om xòm nói nhảm và sau một tháng Ramadan máu lửa, coi bộ Hoa Kỳ vẫn trụ khá vững tại Iraq. Họ trở nên biết điều hơn nữa khi khách nợ ngang tàng của họ, Saddam Hussein Đại đế, lom khom chui từ dưới lỗ lên, với vỏn vẹn có 750.000 tiền mặt.
Còn lại, có Vladimir Putin. Khi Jacques Chirac của Pháp và Gerhard Schroeder của Đức mà còn bọc xuôi đành chịu mất nợ thì mình làm được gì" Trong ba lãnh tụ đó, Putin là người lạnh lùng tỉnh trí nhất, và cũng là người biết rõ nhất quy luật đen tối của chuyện nợ nần: Nga từng là con nợ số một của Đức!
Huề cả làng chăng"
Không! Mỹ thắng lớn với huy chương vàng. Ba nước kia lãnh huy chương bạc... đồng hạng, nhờ lời hứa hẹn của các lãnh tụ (hiện vẫn chỉ là lâm thời) của Iraq: “Chúng tôi muốn có một nền kinh tế tự do, bình đẳng; các quốc gia đã từng sát cánh với dân tộc Iraq trong quá khứ lẫn tương lai sẽ dự phần tái thiết Iraq”.
Cho hay, ngoại giao cũng có nhiều kiểu nói! Khác hẳn kiểu bi bô trật chìa của Hà Nội, sau quá nhiều năm khắng khít với chế độ Saddam mà chưa kịp sang số đổi đài đổi giọng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.