Hôm nay,  

Sách Mới Nhã Ca: Đường Tự Do, Saigon (68)

02/08/200600:00:00(Xem: 1652)

Bìa sách “Đường Tự Do, Saigon”

Lần đầu tiên, ‘Đường Tự Do, Saigon’ trường thiên tiểu thuyết của Nhã Ca được ấn hành thành sách. Sau hơn 40 tác phẩm đã xuất bản, đây là bộ sách “nặng ký” nhất của Nhã Ca: 4 cuốn, 2, 560 trang.

Tiểu thuyết ‘Đường Tự Do, Saigon’  đã đăng tải trên Việt Báo liên tục hơn 10 năm, từ 1993 tới 2003. Sau hai năm sửa chữa, thêm bớt, tác phẩm được sắp xếp thành bộ truyện gồm 4 cuốn.  mỗi cuốn 640 trang, có cốt truyện riêng, nhân vật riêng,  tình tiết riêng.  Tất cả hợp lại thành một trường thiên tiểu thuyết viết về những nhân vật và khung cảnh khác thường của Saigon đổi đời sau 1975. 

Sách ‘Đường Tự Do Saigon’ cuốn đầu tiên 640 trang, ấn phí 24 mỹ kim, hiện đã phát hành khắp nơi. Xin hỏi tại các hiệu sách địa phương. Bạn đọc ở xa có thể liên lac với Việt Báo đặt sách gửi tận nhà, trả bằng chi phiếu, lệnh phiếu hay thẻ tín dụng, 24 mỹ kim kể cả cước phí.  Sau đây, Việt Báo trân trọng giới thiệu mỗi ngày một đọan tiêu biểu trích từ  tác phẩm của Nhã Ca. 

Đường Tự Do Saigon:

71. Lên tàu ngoại quốc

Thằng Xiếu đã tắt máy, thả thuyền một chỗ. Xa xa có một đốm lửa đi lại. Lúc này chắc khuya lắm rồi, cả hai đứa đều không có đồng hồ. Đốm lửa tới gần hơn, rồi đốm lửa như di động, chạy qua chạy về. Thằng Xiếu kêu:

“Bả đến.”

“Đ M.”

Thằng Lai càng quạu hơn.

“Bả đến rồi. tao đang lo...”

“Lo cứt gì, thằng hèn.”

“Tao cho mày xuống thuyền mà không cho bả biết. Tại tao muốn đưa mày đi.”

“Hừ...”

Chiếc thuyền cặp lại gần, rồi giọng con gái:

“Xiếu. Mày bển phải không"”

“Em đây.”

“Mày một mình chớ.”

“Dạ em...em...”

“Tao hỏi mày trả lời đàng hoàng. Mày một mình hay có đứa nào...”

“Dạ em...”

“Có đứa nào phải không" Ông cố nội mày, mày là thằng trời đánh thánh đâm, cô hồn dịch vật, hà bá uống mày, thiên lôi nện mày...”

Thằng Lai lên tiếng:

“Nè bà kia, cái miệng của bà phun toàn cức không vậy"”

“Xiếu, mày đem theo thằng côn đồ nào" Há. Ê, mày là thằng nào, ngon nói tao nghe coi.”

“Tao hả. Mày vểnh tai mà nghe đây. Tao là “sư phụ” của thằng Xiếu”

“Phải, phải, “đại ca” của em”.

“Trời đất. Thằng khốn nạn khi không phá ngang...tao dập mày chết tươi nghe Xiếu. Mày muốn..chết phải không Xiếu"”

“Ê bà kia. Bà đừng có nói xàm nghen bà. Tui không phải là thứ cớm hèn hạ ăn cứt chó đâu bà ơi. Có bà ăn cứt chó hôi miệng thì có...”

Giọng nữ bên kia bớt gay gắt:

“Tao chửi thằng em tao ngu thôi. Mày là ai vậy"”

“Tao nói rồi. Sư phụ của thằng Xiếu được không"”

Giọng thằng Xiếu tía lia:

“Tui rủ “đại ca” theo tui. Tui muốn chia tay với đại ca, thằng bạn thân nhứt của tui. Bà đừng làm khó nữa.”

Thằng Lai che mắt nhìn, bên ghe kia, phía sau lưng con chị của thằng Xiếu, có một bóng người bự tổ chảng không rõ mặt mũi.

“Hừ, biết làm sao đây. Thôi, giong ghe xuống dưới kia cho tụi nó qua với mày một ghe. Còn thằng bạn mày...lát nữa phải sang ghe tao. Hay mày rủ nó đi...Tao nói không được đâu nghen...”

“Ê, bà đừng có lo mất công. Tui hổng đi đâu hết. Xiếu, mày làm tao phiền lắm rồi nghe mày....”

“Vậy được. Thôi giong ghe theo tao, Xiếu.”

Thằng Xiếu bẻ lái, rồi lấy cái chèo ra chèo. Ghe truớc cũng tắt máy, chèo tay, đi xuống dưới vùng ánh sáng điện chói chang từ mấy chiếc tàu ngoại quốc đang đậu. Thằng Xiếu nói:

“Nếu tao đi thoát tao sẽ gửi quà cho mày. Gửi gì hen" Quần bò mày thích không"”

Thằng Lai im re. Xiếu tiếp:

“Quần bò là phải có rồi. Nhưng tao muốn gửi cho mày tiền để mày mua cái xe đạp đi cho oai. Mày thích lạng xe lắm phải không"”

“Thích cức gì" Dẹp đi. Có xe rồi để đâu" Mày thấy ông Nho học tập về, vợ đuổi, có chiếc xe đạp. Ổng ngủ ở công viên, khóa xe đạp vô chân ông mà cũng bị rinh đi đó thôi. Có cũng không giữ được thì có làm gì.”

“Ờ hén. Vậy trần trụi mà khỏe re, Lai!”

“Đói vàng con mắt, ở đó khỏe re. Thôi, mày bỏ chuyện đó đi.”

“Tao sẽ nhớ mày nhứt đó Lai.”

“Tao bảo câm.”

“Mày phải cho tao nói. Tao nói thiệt, tao thích mày lắm Lai. Đi rồi, tao nhớ con sông này, tao nhớ tiếng ghe máy nổ. Nhớ cái bến, nhớ từng cục đá, bọt nước. Đi là phải đi thôi...Tao còn cái con Chót bên xóm, tao với nó đã biết rồi nghen mày...tao....”

Nó cầm tay thằng Lai, nhưng thằng Lai hất ra. Không phải nó muốn làm thằng Xiếu buồn đâu. Nhưng bên tai nó, tiếng chèo khấy nước sao mà êm ả quá, rồi giòng sông trong đêm như mênh mông không có bờ bến, rồi xóm nghèo bên kia Thủ Thiêm, ngủ sớm và chìm mất trong đêm rồi. Nó biết thằng Xiếu đang đau lòng. Cũng như nó đây, mang máu lai trong người, cha là ai, không biết, mẹ là ai, cũng không biết luôn. Nhưng nó lớn lên, đầu đường xó chợ, quen cảnh màn trời chiếu đất. Đến như một lần được ngủ giường chiếu ngon lành, nó không quen, nhớ cái vỉa hè mà không chợp được mắt.

“Lai à, mày không muốn đi khổ đi sở như tao, mày đi đăng ký con lai mà đi máy bay... Mày còn có một người cha ngoại quốc mà...”

Cái thằng cứ lải nhãi hoài. Thằng Lai dụi mắt. Ai khóc đâu! Ai thèm khóc. Nó phải chửi thề:

“Đ.M. Mày làm như hay lắm.”

“Mày phải đi Lai à. Qua bển chắc được đi học. Tao thèm được ôm cái cặp, ngồi ở lớp. Từ nhỏ tới giờ chưa biết di học ra làm sao há mày. Nghĩ tới tao thấy sướng quá mày ơi.”

Thằng Lai lầm lầm lì lì. Nhưng khi sang ghe, nhường chỗ cho hai đứa mới nhập bọn, thằng Lai ứa nước mắt. Thay vì ôm thằng Xiếu, nó lụi cho thằng “đàn em” một cái đau điếng.

“Đ.M mày.”

Thằng Xiếu cứ nhào tới ôm cho được nó một cái. Lúc qua bên kia ghe rồi, nó đưa tay quệt nước mắt. Chiếc thuyền kia biến mất tiêu. Đêm ở ngoài sông tối hơn đêm trong thành phố.

“Vô trỏng dùm đi ông. Còn ngóng.”

Tiếng chửi thề mắc cứng trong cổ nó. Tiếng kêu “Xiếu” muốn đuổi theo cũng mắc cứng theo. Nó bước vào trong.

Trời đất! Có tin được mắt mình không" Thằng Long Tân Định. Thằng này cũng nhận ra nó rồi. Nó đưa tay:

“Lại biểu coi, mày.”

“C...”. Nó đáp khô khốc.

“Này bà, tại sao có thằng chó này ở đây. Bộ bà muốn phản thùng sao hả"”

“Hổng phải đâu. Bị thằng em tui rủ nó đi theo mới kẹt. Tui bắt nó sang bên này ngồi để phòng nó đi báo. Hiểu chưa ông.”

“Hừ. Mấy chuyện này mà bà coi thường quá, chết người không đó. Có dây thừng tui trói nó lại cho ăn chắc.”

“Dây ở đâu giữa sông giữa biển.”

“Ném cha nó xuống sông là chắc bụng.”

Thằng Lai đánh lô tô trong bụng. Bộ thằng đàn em mình đưa mình đến chỗ chết" Giọng cô gái:

“Không được. Nó là người nhà của tui. Để nó yên. Nó không làm gì được đâu!”

“Sao bà tin nó.”

“Ít nhứt cũng tin nó hơn anh. Đến giờ này mà anh chưa chịu chung đủ tiền, anh mới coi thường tụi này.”

“Tiền trao cháo múc. Luật giang hồ nó vậy. Rồi, bà bảo đảm nghe, có gì tui hớt cổ bà ngọt xớt.”

“Mày ngồi im, thấy gì không tò mò, nếu không là chỗ của mày dưới đáy sông.” Cô gái nói.

Thằng Long đưa hai tay dứ dứ bóp cổ nó:

“Tao chỉ vặt một cái. Mày biết bàn tay tao từng giết người không gớm mà. Hiểu được thì tốt.”

“Đ.M. Thằng này mắt đui tai điếc. Được chưa"”

Thằng Lai đáp. Quen thói nó nhổ nuớc bọt đánh roẹt. Nó vào tuốt phía sau, ngồi co ro một góc. “Mày nghe Xiếu. ĐM mày, đúng là đồ Xiếu liều.” Nó nuốt nước bọt và cảm thấy thằng “đàn em ” mình hơn cơ mình rồi.

Giòng sông cũng như ngái ngủ, bị khuya dậy bởi tiếng chèo nên bực bội ào ào nhào vào vỗ mạn thuyền. Không biết đi trong bao lâu, vùng ánh sáng đã hiện ra. Cả khoảng sông ở đây, lâu lâu một luồng sáng chạy qua, do tàu tuần chiếu đèn. Chiếc thuyền trôi tọt xuống phía dưới, rồi tới tấp lướt nhanh qua vùng sông tối đen trước khi ánh đèn xẹt trở lại. Thằng Lai nhìn thấy một sườn tàu cao chót vót. Chiếc đèn dầu trên tay cô gái trước mui đong đưa, rồi một vật gì to tròn như cái thúng từ trên gióng xuống. Giọng cô gái:

“Ra được rồi.”

Thằng Long Tân Định đi ra.

“Còn khoản chung tiếp đi.”

“Chung cho mày" Tới đây rồi thì coi như mày hết mong gì nữa. Tao chưa lên trển làm sao chung hết cho mày.”

“Ê, rồi mày quịt" Vậy thôi, tao bảo tụi nó...”

Một con dao vung lên, dứ ngay cổ cô gái.

“Tao lên trển sẽ nhờ tụi nó chuyển xuống phần của mày. Hiểu chưa.”

“Mày là đồ phản. .”

Thằng Long đã leo vào bên trong cái thúng sắt tròn. Con dao nó cầm lăm lăm trong tay như sẳn sàng phóng tới. Và khi cái thúng sắt từ từ được kéo lên thì nó liệng con dao tới trước, bay về phía cô gái. Thằng Lai suýt la lớn lên. Cô gái đã kịp ngồi thụp xuống, con dao xớt ngang qua, bay xuống sông, chìm lỉm.

“Đồ khốn nạn. Hà bá sẽ ăn nó...”

Cô gái tức tưởi. Chiếc thúng sắt đã lên cao, mất hút. Giọng thằng Long cũng từ trên cao vọng xuống:

“Con đĩ. Qua bển tao gửi về cho...”

Thằng Lai buồn ngủ muốn rục mà cứ phải nhướng con mắt lên. Chiếc ghe chở bọn thằng Xiếu cũng không thấy đâu nữa. Cô gái chèo ghe thoát khỏi vùng cấm, rồi quần quanh quẩn không chịu vô bờ. Thằng Lai biết, cô gái cũng như nó, đang lo, không biết bọn thằng Xiếu ra sao rồi. Đã ngồi yên bên trong bánh lái chưa" Mà ngồi được, có bị bánh chân vịt quạt cho đứt cổ không" Sao mà bọn chúng có thể liều đến được như vậy. Còn cái con chị bà chằng kia, chuyện như vậy mà không có một giọt nước mắt, coi bà đã như con khô mực quắt lại rồi chắc.

Không biết bao lâu. Canh mấy, giờ mấy. Cái bà chằng cứ chèo lên chèo xuống và thằng Lai ngủ quên lúc nào không hay và không biết mấy cơn mơ hãi hùng đã đi qua trong giấc ngủ của nó.

“Dậy. Lên bờ đi ông!”

Nó mở mắt. Cô gái bà chằng đá vào mạng sườn làm nó tỉnh. Mấy giờ rồi vậy" Vẫn còn đêm. Nó hỏi:

“Tụi nó thoát không"”

Cô gái không trả lời. Nó leo lên bờ và đi thất thểu trên con đường vắng lặng. Giờ này thằng Xiếu ra làm sao rồi" Nó không ngừng được thắc mắc. Dòng đèn đường chột, còn một bóng điện hắt hiu, soi theo mãi cái dáng gầy còm khẳng khiu của nó.

Nó không thể về chỗ ngủ được. Lòng nó nóng như lửa đốt và nó đi lang thang mãi, cho tới lúc bước vào công viên,nó thấy chị Bảy cà tong sao không ngủ mà ngồi chỏm hỏm trên chiếc ghế đá của con Quê. Vậy là con Quê bận đi “làm”, chưa xong ca đêm của nó.

“Ê Lai”

Chị Bảy cà tong lên tiếng.

“Gì, bà"”

“Mày có thấy...”

Nói nửa chừng lại bỏ lửng. Muốn nghe chửi không.

“Cái gì" Nói mẹ nó đi, bà.”

“Mày có thấy thằng Long Tân Định đâu không"”

“ĐM, con mẹ già mê trai quá xá. Nó biết thằng Long Tân Định giờ đang ở đâu nhưng ngu gì nói. Muốn ách giữa đàng quàng vào cổ sao đây"”

“Bà mà hổng biết thì ai biết"”

“Nó có hẹn với tao...”

“Thiệt hông đó. Bà đừng nằm mơ, hồi tối nó đi với một con “mới vô nghề” còn tốt lắm.”

Nó thấy mặt mũi chị Bảy cà tong có gì kỳ lắm. Coi như muốn khóc mà không phải khóc, muốn cười mà không phải cười. Tội bà già hông" Hết người thương sao đi thương thằng trời đánh đó"

Nó ngồi xuống tựa đầu vào một gốc cây. Lạ chưa, hổng thấy buồn ngủ nữa. Giờ này về chỗ lại mệt với sự hạch hỏi của con Đuông và con Quynh. Nó lại nghĩ tới thằng Xiếu. Lạ chưa" Khi không đưa tay dụi mắt. Đâu có buồn ngủ mà cay mắt" Lòng thương thương, xót xót gì vậy" Thương thằng Xiếu hay tự thương nó đây" Nếu vô tới bánh lái tàu rồi thì mày đang xoay xở ra làm sao" Tao nghi mày chết quá, Xiếu! ĐM, thằng Xiếu liều...mày đừng có chết, mày đừng...

Nó cố giữ tiếng la thất thanh. Hình như vừa mới có cái mặt nở phình, to bằng cái thúng của thằng Xiếu hiện ra trước mắt nó. Nó đứng dậy, đưa chân đá không khí một cái...rồi bước khỏi công viên, nó đi ra phía bờ sông vừa lúc trời mờ sáng.

Trên chiếc ghế đá ở công viên, chị Bảy vẫn ngồi. Không biết  chị chờ thằng Long hay chờ mong mấy cây vàng trở lại.

. . .

Kỳ tới, trích đoạn 72: Chương 13 

NHÃ CA

(Trích Đường Tự Do Saigon)

-------------------------------------

Đường Tự Do Saigon *

Tiểu thuyết Nhã Ca, 640 trang
Đặt sách gửi tận nhà, trả bằng lệnh phiếu hay thẻ tín dụng:
24 mỹ kim kể cả cước phí

Liên lạc phát hành: Việt Báo
14841 Moran St.
Westminster, CA 92683
(714) 894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.