Hôm nay,  

Sự Lớn Mạnh Của Trung Quốc Gây Bất Ổn

17/05/200600:00:00(Xem: 1924)

- John J. Mearsheimer <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

- Prof. of Political Science, <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Universityof Chicago(Current History/May 2006)

 

Nguyên Anh chuyển ngữ.

 

LGT: Nguyệt san “Current History” –quy tụ những cây viết gồm những học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư Đại học Hoa Kỳ- trong số tháng 05/2006 đã ra một chủ đề về sự chuyển mình của Á Châu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự trổi dậy của Trung Quốc. Chúng tôi chọn lựa chuyển ngữ bài viết của GS John J. Mearsheimer để giới thiệu đến độc giả vì đồng tình với quan điểm của ông. N.A.

 

Trung quốc có thể phát triển trong hoà bình" Câu trả lời của tôi là không. Nếu trong vài thập niên tới Trung quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế với tốc độ đáng kể như hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc rồi sẽ dấn mình vào một cuộc chạy đua về an ninh ngày càng căng thẳng tiềm ẩn mối nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc -kể cả Ấn Độ, Nhật Bản, Tân Gia Ba, Nam Hàn, Nga, và Việt Nam- rồi sẽ bắt tay cùng với Hoa Kỳ để ngăn chặn thế lực của Trung Quốc.

 

Để tiên đoán tương lai Á Châu, ta cần một học thuyết về chính trị quốc tế có thể giải đoán được những thế lực cường quốc đang lên sẽ hành xử như thế nào và các quốc gia trong vùng sẽ phản ứng ra sao. Học thuyết này dĩ nhiên phải thuần lý và phải được đặt cơ sở trên thái độ ứng xử của những thế lực đại cường đó trong quá khứ.

 

Học thuyết của tôi về chính trị quốc tế là, những thế lực siêu cường khi muốn làm bá chủ một khu vực trên thế giới đồng thời cũng phải để mắt canh chừng không cho một thế lực cường quốc đối thủ nào có thể trổi dậy thống trị ở một khu vực khác. Học thuyết này giúp ta lý giải chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ kể từ khi lập quốc, cùng những tác động của nó lên mối liên hệ giữa Trung quốc và Hoa Kỳ trong tương lai.

 

SỰ TRANH ĐUA QUYỀN LỰC

 

Căn cứ trên những hiểu biết của tôi về nền chính trị quốc tế, sự sống còn là mục tiêu quan trọng nhất của một quốc gia, bởi vì một quốc gia không thể theo đuổi bất cứ những mục tiêu nào khác nếu như nó không tồn tại. Quan tâm đến mối an nguy của chính mình, cơ cấu căn bản của những quốc gia trong hệ thống quyền lực quốc tế được xây dựng trên sự cạnh tranh lẫn nhau về quyền lực, mà mục tiêu tối hậu của mỗi đại cường là ai cũng muốn dành tối đa quyền lực thế giới về phần mình và đi đến việc chế ngự toàn bộ hệ thống.

 

Hệ thống quyền lực quốc tế có ba đặc tính nổi bật. Thứ nhất, những kép chánh là những quốc gia hoạt động theo kiểu cách vô chính phủ -trong cái ý nghĩa đơn giản là không có một quyền lực nào cao hơn ở trên họ. Thứ hai, tất cả các siêu cường đều có khả năng tấn công quân sự, tức là họ có thể gây thương tổn lẫn nhau. Thứ ba, không một quốc gia nào có thể hiểu được ý định của những quốc gia khác một cách chắc chắn, đặc biệt là những ý đồ tương lai của họ. Giản đơn là như thế, ví dụ như làm sao ta có thể biết được những toan tính của Đức hay Nhật đối với những quốc gia láng giềng của họ vào năm 2025"

 

Trong một thế giới mà có thể không thiếu những quốc gia có những ý đồ xấu cũng như có khả năng tấn công quân sự đáng kể, các quốc gia thường có khuynh hướng sợ hãi lẫn nhau. Sự sợ hãi này được tích lũy do một sự kiện thực tế rằng họ đang sống trong một thế giới vô chính phủ, không có ai để kêu cầu khi họ gặp phải vấn nạn.

 

Thế nên, các quốc gia đều nhận thức một điều rằng, để sống còn trong một hệ thống như thế, tốt nhất là phải sửa soạn cho mình càng có nhiều sức mạnh càng tốt so với những đối thủ tiềm ẩn. Một quốc gia càng hùng mạnh chừng nào thì càng ít lo sợ mình sẽ bị các quốc gia khác tấn công. Cụ thể như không có người Mỹ nào lại lo lắng chuyện Gia Nã Đại hay Mễ Tây Cơ sẽ tấn công Hoa Kỳ bởi vì cả hai nước này không có ai đủ mạnh để tính chuyện đánh nhau với Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên những đại cường không hoàn toàn cố gắng để trở thành một siêu cường mạnh nhất, mặc dù đó là kết quả mà ai cũng muốn. Mục tiêu tối hậu của họ chỉ là để trở thành một thế lực bá quyền -đại cường duy nhất trong khu vực của mình.

 

Ý nghĩa chính xác nhất của việc trở thành một thế lực bá quyền trong khung cảnh thế giới hôm nay là gì" Hầu như là chuyện bất khả cho một quốc gia đạt đến vị trí bá chủ toàn cầu, bởi vì quả là điều cực kỳ khó khăn để dự phóng và giữ vững quyền lực của mình ở trên khắp thế giới cũng như lên lãnh địa của những đại cường ở xa. Thành tựu tốt nhất mà một quốc gia hy vọng là trở thành một thế lực bá quyền khu vực và như thế họ có thể thống trị một khu vực địa lý riêng biệt. Hoa Kỳ đã và đang là một bá quyền khu vực ở vùng Tây Bán Cầu kể từ những năm 1800. Mặc dù hiện nay Hoa Kỳ là một quốc gia mạnh nhất trên hành tinh này, nó không hẵn là đang làm bá chủ thế giới.

 

Những quốc gia khi đã trở thành một thế lực bá quyền khu vực đều có thêm một mục tiêu khác nữa: Họ tìm cách ngăn ngừa những đại cường của những khu vực khác dẫm lên chân họ. Những bá quyền khu vực luôn luôn không muốn có những kẻ ngang tầm với mình. Ngược lại họ muốn những cường quốc trong các khu vực khác chia rẽ, tranh chấp lẫn nhau để không còn chỉa mũi dùi vào họ. Một cách tổng quát, lý thuyết của tôi là, tình huống lý tưởng nhất cho bất cứ đại cường nào là trở thành một thế lực bá quyền duy nhất của một khu vực trên thế giới.

 

BÁ QUYỀN MỸ

 

Một cái nhìn thoáng qua về chính sách ngoại giao của HK minh họa sự giải thích quyền lực của lý thuyết này. Khi Hoa Kỳ dành được độc lập từ Anh quốc năm 1783, nó chỉ là một quốc gia nhỏ yếu với 13 tiểu bang nằm trên bờ Đại Tây Dương. Cái quốc gia mới mẻ này đã bị bao quanh bởi đế quốc Anh và Tây Ban Nha, đồng thời vùng lãnh thổ trải dài từ dãy núi Apalachian đến Mississipi River lại ở dưới sự kiểm soát của những bộ lạc da đỏ thù nghịch. Đó là một khung cảnh đầy hiểm nguy và đe dọa.

 

Trong khoảng thời gian hơn 115 năm sau đó, những người hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã làm việc một cách cần mẫn để đưa nước Mỹ trở thành một thế lực bá quyền khu vực. Họ đã mở rộng biên cương bờ cõi của nước Mỹ từ Đại Tây Dương qua đến tân bờ Thái Bình Dương trong một phần của chính sách được biết đến như là “Định Mệnh Hiển Nhiên”  (Manifest Destiny). Hoa Kỳ đã đánh nhau với Mễ Tây Cơ cùng các bộ lạc da đỏ và đã đoạt của họ khá lớn đất đai. Quốc gia này dã trở thành một thế lực bành trướng bậc nhất, như TNS Cabot Lodge đã từng phát biểu, “Hoa Kỳ đã có một lịch sử về xâm lấn, đô hộ, và bành trướng lãnh thổ hơn bất cứ một quốc gia nào khác trong thế kỷ thứ 19”.

 

Những nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ trong thế kỷ đó không phải chỉ quan tâm đến việc biến quốc gia này thành một thế lực đáng kể trong khu vực mà đồng thời còn còn có quyết tâm đẩy các đại cường Âu Châu ra khỏi khu vực Tây Bán Cầu với một thông điệp khá rõ ràng là không muốn họ quay lại vùng đất này. Chính sách này mệnh danh là Học thuyết Monroe, được đưa ra lần đầu tiên bởi Tổng Thống James Monroe vào năm 1823 trong bản thông điệp hàng năm đọc trước Quốc hội. Đến năm 1898 thì đế quốc Âu châu cuối cùng tại châu Mỹ sụp đổ và Hoa Kỳ trở thành một thế lực bá quyền khu vực lần đầu tiên trong lịch sử thế giới đương đại.

 

Thế nhưng, công việc của một đại cường không bao giờ hoàn tất một khi nó đạt đến ngôi vị bá quyền khu vực. Nó không muốn trông thấy bất kỳ một cường quốc nào theo gót mình thống trị những khu vực khác trên thế giới. Trong thế kỷ 20 có bốn cường quốc có khả năng chạy đua để trở thành một bá quyền khu vực, đó là: Đế chế Đức (1900-1918), Đế chế Nhật (1931-1945), Quốc Xã Đức (1933-1945), và Liên Bang Sô Viết trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1989). Không có gì đáng ngạc nhiên, mỗi quốc gia đã nỗ lực để vươn tới những gì mà Hoa Kỳ đã thành tựu được trong vùng Tây Bán Cầu trong thế kỷ thứ 19.

 

Và rồi Hoa Kỳ đã phản ứng như thế nào" Trong mỗi trường hợp, nó đã đóng vai trò chủ chốt trong việc đánh bại và triệt phá bất cứ những ai có ý tưởng lăm le muốn trở thành những thế lực bá quyền khu vực. Hoa Kỳ đã nhảy vào Đệ I Thế Chiến vào tháng Tư năm 1917 khi thấy Đế quốc Đức có vẻ như sắp thắng trận đến nơi và sẽ thống trị toàn cõi Âu châu. Quân lực Hoa Kỳ đã dự phần quyết định trong việc làm nghiêng cán cân thăng bằng chống lại Kaiserrich, dẫn đến sự sụp đổ chế độ này vào năm 1918.

 

Trong những năm đầu của thập niên 1940, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã điều động Hoa Kỳ can dự vào Đệ Nhị Thế Chiến để bẻ gãy những tham vọng của Nhật tại Á Châu và của Đức tại Âu Châu. Trong cuộc chiến tranh này, Hoa Kỳ đã góp phần tiêu diệt cả hai quốc gia phe Trục, và sau năm 1945, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã trù liệu để nắm chắc một điều rằng cả Đức lẫn Nhật sẽ ở trong vị thế yếu kém về quân sự. Cuối cùng, trong cuộc chiến tranh lạnh vừa qua, Hoa Kỳ đã làm việc một cách  kiên định nhằm ngăn chặn Liên Bang Sô Viết đặt ách thống trị lên cả Âu và Á châu, và rồi đến cuối thập niên 1980 đã góp phần vào việc loại bỏ đế quốc này vào đống rác của lịch sử.

 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, năm 1992, trong cuốn “Chỉ Nam về Quốc Phòng” của chính phủ Bush (cha), bị rò rỉ ra báo chí, đã nêu rõ rằng Hoa Kỳ hiện nay là cường quốc bậc nhất trên thế giới và nó sẽ trù liệu để giữ vững vị trí trội bật này. Nói một cách khác, Hoa Kỳ sẽ không khoan thứ cho bất kỳ một thế lực cạnh tranh nào ngang tầm với mình.

 

Thông điệp này đã được lập lại một lần nữa vào năm 2002 trong bản “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” nổi tiếng của chính phủ Bush (con). Đã có ít nhiều chỉ trích liên quan đến văn bản này, đặc biệt là ý niệm “đánh phủ đầu”, thế nhưng chẳng có một lời phản đối nào về sự khẳng định rằng Hoa Kỳ nên phải kiểm tra các thế lực đang lên và giữ vững vị trí lãnh đạo trong việc cân bằng thế lực toàn cầu.

 

Căn bản của vấn đề là, Hoa Kỳ –vì những lý do chiến lược- đã hoạt động cật lực trong hơn một thế kỷ qua để đạt đến vị trí bá quyền ở vùng Tây Bán Cầu. Sau khi đạt đến vị trí bá quyền khu vực, nó đã phải làm việc hết sức mình để ngăn chặn  các cường quốc khác có khả năng kiểm soát Á hay Âu châu.

 

Cách hành xử của Hoa Kỳ trong quá khứ sẽ có những tác động nào trước sự trổi dậy của Trung quốc" Một cách ngắn gọn, Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào khi càng ngày càng trở thành một thế lực đáng kể" Và rồi Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác tại Á Châu sẽ phản ứng như thế nào trước một Trung Quốc hùng cường"

 

TIÊN ĐOÁN TƯƠNG LAI TRUNG QUỐC

 

Trung Quốc có vẻ như dồn nỗ lực để thống trị Á Châu giống như cách mà Hoa Kỳ thống trị vùng Tây Bán Cầu. Một cách cụ thể, Trung Quốc sẽ tìm cách để tăng cường tối đa khoảng cách sức mạnh của mình đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và Nga. Trung Quốc muốn chắc một diều là nó sẽ trở thành một quốc gia hung cường để  không bất cứ một quốc gia Á châu nào có khả năng đe dọa nó. Có vẻ như Trung Quốc sẽ không theo đuổi một sự vượt trội về sức mạnh quân sự để rồi nổi cơn lên đi xâm lăng các quốc gia Á Châu trong vùng, tuy nhiên ta cũng không bao giờ nên loại trừ khả năng này. Thay vào đó, điều mà Trung Quốc có thể làm là sẽ bức chế các quốc gia láng giềng trong vùng về những giới hạn trong cách hành xử mà nó có thể chấp nhận được,  cũng giống như cung cách mà Hoa Kỳ chứng tỏ cho các quốc gia khác ở châu Mỹ biết rằng mình là ông chủ. Trở thành bá chủ khu vực, theo tôi nghĩ, là con đường duy nhất để Trung Quốc có thể thâu hồi lại Đài Loan.

 

Một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh rồi đây cũng sẽ có những nỗ lực để đẩy thế lực Mỹ ra khỏi Á châu, chẳng khác gì cung cách mà Hoa Kỳ đã đẩy các thế lực Âu châu ra khỏi vùng Tây Bán Cầu trước đây. Một “Học thuyết Monroe” kiểu Trung quốc rồi sẽ ra đời giống như Nhật Bản đã làm trong thập niên 1930.

 

Những mục tiêu chính sách này quả là một cái nhìn chiến lược dễ hiểu đối với Trung quốc. Một điều chắc chắn là Bắc Kinh muốn thấy các lân bang Nhật Bản và Nga yếu kém hơn họ về mặt quân sự, cũng giống như Hoa Kỳ muốn nhìn  thấy một nước láng giềng Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ yếu kém quân sự hơn mình. Hẵn nhiên là đâu có quốc gia nào lại muốn thấy có những quốc gia hùng mạnh khác ở ngay trong khu vực của mình" Hầu hết những người dân Trung hoa chắc là vẫn còn nhớ những gì đã xảy ra trong thế kỷ rồi khi Nhật Bản là một đại cường và Trung quốc là một nhược tiểu. Trong cái bầu khí của chính trị thế giới vô chính phủ này, tốt nhất là trở thành một anh dã nhân khổng lồ Godzilla hơn là một chú thỏ hiền lành Bambi.

 

Hơn nữa, làm sao Trung Quốc lại có thể chấp nhận chuyện quân lực Hoa Kỳ hoạt động ở ngay sân sau nhà mình" Những nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ chắc chắn là sẽ nóng mặt lên khi thấy những cường quốc khác đưa quân lực của họ vào vùng Tây Bán Cầu. Những thế lực quân sự ngoại quốc này sẽ được nhìn một cách dứt khoát như là một hăm dọa tiềm ẩn đối với nền an ninh Hoa Kỳ. Trung quốc cũng thế thôi. Làm sao Trung Quốc cảm thấy an toàn được khi lực lượng Hoa Kỳ bày binh bố trận trước ngưởng cửa nhà mình" Trên cơ sở luận lý của Học thuyết Monroe, phải chăng nền an ninh của Trung Quốc sẽ được cải thiện tốt hơn nếu đẩy được thế lực quân sự Hoa Kỳ ra khỏi Á Châu"

 

Tại sao chúng ta lại chờ đợi chuyện Trung Quốc sẽ hành xử khác hơn với cung cách mà Hoa Kỳ đã từng làm" Bắc Kinh nguyên tắc hơn Hoa Thịnh Đốn" Đạo lý hơn" Ít tinh thần ái quốc hơn" Ít quan tâm đến chuyện sống còn hơn" Tuyệt nhiên là không hề có những chuyện đó, và như vậy điều dĩ nhiên là họ cũng sẽ bắt chước Hoa Kỳ để thực hiện cái tham vọng trở thành một bá quyền khu vực.

 

VẤN NẠN TRƯỚC MẶT

 

Xuyên qua chứng liệu lịch sử, ta cũng có thể thấy được một điều khá rõ ràng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung quốc muốn trở thành một thế lực thống trị Á Châu. Chắc chắn là Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận có những thế lực đối đầu ngang tầm với mình. Như đã được chứng minh trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã biểu lộ quyết tâm giữ vững vị trí thế lực bá quyền khu vực duy nhất trên thế giới. Thế nên điều mà chúng ta có thể chờ đợi là Hoa Kỳ sẽ nỗ lực tối đa để bao vây ngăn chặn Trung Quốc mà mục tiêu tối hậu là làm suy yếu nó đến mức không bao giờ còn có khả năng hoành hành tại Á Châu. Một cách cụ thể, Mỹ sẽ hành xử với Trung Quốc trong một cung cách chẳng khác gì đã đối phó với Liên Sô trước đây trong thời chiến tranh lạnh.

 

Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc chắc chắn cũng đều lo sợ sự trổi dậy đó và rồi họ cũng sẽ làm bất cứ những gì có thể làm được để ngăn chặn Trung Quốc trở thành một thế lực bá quyền khu vực. Thực vậy, đã có những bằng chứng cụ thể cho thấy những quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Nga cũng như các tiểu quốc như Tân Gia Ba, Nam Hàn, Việt Nam đã tỏ ra lo lắng trước uy thế đang lên của Trung Quốc và đang tìm cách để ngăn chặn. Cuối cùng rồi thì họ cũng sẽ đứng vào trong một lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo để canh chừng và kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, chẳng khác gì Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và ngay cả Trung Quốc đã liên kết lực lượng với Hoa Kỳ để ngăn chặn thế lực của Liên Bang Sô Viết trong thời chiến tranh lạnh vừa qua.

 

Cuối cùng, do vị trí chiến lược quan trọng của Đài Loan trong việc kiểm soát hải hành trong vùng Tây Á, ta khó mà tin rằng Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản lại để cho Trung Quốc kiểm soát hải đảo lớn lao này. Sự thực, Đài Loan sẽ là một con bài quan trọng trong lực lượng liên minh chống Trung quốc, và chắc chắn điều này sẽ càng chọc giận Trung Quốc, châm dầu thêm vào cuộc chạy đua an ninh giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.

 

Bức tranh mà tôi vẻ ra về những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng như hiện nay quả là không tươi đẹp chút nào. Quả thực đây là điều khá nãn và tôi mong muốn có thể trình bày một cái nhìn lạc quan hơn về tương lai. Thế nhưng thực tế cho thấy chính trị quốc tế là một dịch vụ bẩn thỉu, đầy hiểm nguy và không một thiện chí nào có thể cải thiện được bầu khí tranh đua an ninh căng thẳng đã bắt đầu khi tinh thần bá quyền xuất hiện trong vùng Âu Á. Đó là bi kịch của những thế lực chính trị đại cường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.