Hôm nay,  

Khía Cạnh Pháp Lý Và Chính Trị Về Việc Dẫn Độ Lý Tống

17/04/200600:00:00(Xem: 6049)
LGT: Trong cuộc đấu tranh chống bạo quyền cộng sản của dân tộc Việt Nam, xuyên suốt thời gian hơn ba thập niên qua, đã có không biết bao nhiêu những tấm gương anh hùng, trong đó, những việc làm của anh hùng Lý Tống đã mang đến cho anh một bản sắc, phong thái và tiếng vang riêng biệt, khiến cuộc đời anh, mỗi khi được nhắc đến, ai cũng trầm trồ, ngạc nhiên, coi như một huyền thoại. Trong niềm tự hào về anh, một người anh hùng chống cộng bền bỉ bằng những hành động cụ thể làm rúng động chế độ cộng sản; cùng những lo âu trước tin anh tuyệt thực; sau đây Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của LS Lê Đình Hồ, về những khía cạnh pháp lý và chính trị quanh việc CSVN đòi dẫn độ Lý Tống.

*

Trước khi trình bầy về "Khía Cạnh Pháp Lý và Chính Trị về Việc Dẫn Độ Lý Tống", thiết tưởng chúng ta cũng nên lược sơ qua những nét chính yếu về các hoạt động chống cộng của ông kể từ tháng 4 năm 1975.
Là một sĩ quan không quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thuộc Phi đoàn phản lực 548 tại Phan Rang, ngày 5 tháng 4 năm 1975, ông được lệnh phá sập cây cầu trên Quốc lộ 1 từ Khánh Hòa về Ninh Thuận. Chẳng may phi công của ông bị CS bắn hạ, và ông bị bắt giam tại Trại giam A.30, tỉnh Phú Khánh. Ngày 12 tháng 7 năm 1980, ông vượt ngục thành công, để rồi từ đó bắt đầu con đường vượt biên bằng đường bộ dài 3000 cây số qua các quốc gia Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai và cuối cùng là Tân Gia Ba. Ngày 1 tháng 9 năm 1983, ông được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho tỵ nạn chính trị và được định cư tại Boston, Hoa Kỳ.
Ngày 4 tháng 9 năm 1992, trên chiếc phản lực cơ của hàng Không Việt Nam cất cánh từ Bangkok đến Sài Gòn, ông đã buộc phi hành đoàn phải bay lượn trên thành phố Sài Gòn để ông rải 50,000 tờ truyền đơn kêu gọi đồng hương hưởng ứng cuộc tổng nổi dậy lật đổ chế độ CSVN. Sau đó, ông đã nhảy dù xuống ngoại ô thành phố Sàigòn, và bị nhà cầm quyền CSVN bắt, tuyên án 20 năm tù.
Tuy nhiên, dưới áp lực quốc tế và do sự đấu tranh không biết mệt mỏi của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, nhà cầm quyền CSVN đã phải trả tự do cho ông vào năm 1998. Sau đó ông trở lại New Orleans, Hoa Kỳ.
Vào ngày 1 tháng Giêng năm 2000 ông đã mướn chiếc máy bay Cessna 172 tại Miami và bay đến Thủ Đô Havana của Cuba, với độ cao rất thấp hầu tránh sự phát hiện của hệ thống radar. Máy bay của ông đã đến Havana vào lúc 8 giờ sáng và ông đã thả truyền đơn kêu gọi dân chúng Cuba đứng lên lật đổ chính quyền CS Fidel Castro. Ông đã bay trở về một cách an toàn và được cộng đồng Cuba tại Hoa Kỳ đón tiếp và biểu dương như là một anh hùng của những ngươi Cuba yêu tự do.
Vào ngày 17 tháng 11 năm 2000, trong thời gian Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton đang thăm viếng Việt Nam, từ Thái Lan, ông Lý Tống đã mướn một chiếc máy bay loại dùng để huấn luyện, và cùng với viên phi công người Thái, bay vào không phận Sài Gòn và rải 50,000 truyền đơn kêu gọi mọi người biểu tình chống cộng. Sau khi bay trở lại Thái Lan ông đã bị bắt và bị xử 7 năm tù về "hành động cưỡng đoạt máy bay", và 4 tháng tù về tội "vi phạm không phận Thái Lan". Thực ra "hành động cưỡng đoạt phi cơ" là hoàn toàn trái với sự thật, vì thực tế cho thấy, chính viên phi công của chiếc máy bay huấn luyện đã đồng ý nhận $US 10,000 để bay vào không phận Sài Gòn cho Lý Tống rải truyền đơn.
Với bản án vừa nêu, nếu tính theo sự chiết giảm 1/4 về việc thụ hình tại Thái Lan thì Lý Tống sẽ được trả tự do vào ngày 17 tháng 5 năm 2006. Tuy nhiên, Sứ Quán Hoa Kỳ tại Thái Lan trong văn thư đề ngày 10.8.2005 đã thông báo cho gia đình Lý Tống biết rằng Bộ Tư Pháp Thái Lan đã chấp nhận lời yêu cầu dẫn độ Lý Tống về Việt Nam của nhà cầm quyền CSVN hầu xét xử ông về tội vi phạm không phận Việt Nam.
Vào ngày 28.3.2006 để phản đối Bộ Tư Pháp Thái Lan về quyết định này, Ông Lý Tống đã tuyệt thực tại nhà tù Rayon và quyết định tuyệt thực đến chết.
Với sự kiện vừa nêu, để có một cái nhìn tường tận hơn, chúng tôi xin lần lượt trình bày khía cạnh pháp lý và chính trị về việc dẫn độ này.

I. VỀ PHƯƠNG DIỆN PHÁP LÝ

Luật pháp định nghĩa dẫn độ là: "sự giao trả bởi một quốc gia cho một quốc gia khác một người bị cáo buộc về một tội phạm hình sự. Tại Úc, sự dẫn độ xuyên qua ranh giới các tiểu bang hầu như tự động, nhưng sự dẫn độ qua các biên giới quốc tế thường tùy thuộc vào các điều khoản trong hiệp ước dẫn độ giữa hai quốc gia liên hệ. Mặc dầu Úc đã ký kết hiệp ước dẫn độ với các quốc gia khác, nhưng Úc luôn luôn từ chối sự dẫn độ các người bị truy nã vì những lý do chính trị." (Return by one nation to another of a person accused of a crime. In Australia, Extradition across state boundaries is almost automatic, but extradition across international boundaries usually depends upon the provisions of the extradition treaty between the two contries concerned. Although Australia concluded extradition treaties with most other countries, it always refuses extradition of those wanted for political reasons).
"Sự dẫn độ" (extradition) không phải là một vấn đề được quy định bởi luật pháp quốc tế, vì thế, việc giao nộp kẻ phạm tội thường được quy định trong "hiệp ước dẫn độ" (extradition treaty).
Tại Anh Quốc "Đạo Luật Dẫn Độ" (Extradition Act 1870) quy định các điều kiện và thủ tục theo đó việc bắt giữ và giao trả kẻ phạm tội phải được tuân theo. Vì thế, việc không chịu thực hiện đúng theo sự quy định của Đạo Luật sẽ làm cho sự dẫn độ vô hiệu lực.
Tại Hoa Kỳ, sự dẫn độ được quy định bởi các hiệp ước và luật pháp liên bang. Các hiệp ước cũng như luật lệ liên bang nêu rõ các điều kiện và thủ tục cần thiết liên hệ đến sự dẫn độ cần phải được tuân hành. Các tiểu bang không có quyền ký kết hiệp ước dẫn độ với ngoại quốc.
Để ngăn chận các hoạt động khủng bố, vào tháng 10 năm 2005, Hiệp Hội Các Quốc Gia Thuộc Vùng Đông Nam Á - gọi tắt là ASEAN - đã đề nghị một "hiệp ước dẫn độ đa phương" (Multilateral Extradition Treaty), theo dự định sẽ được ký kết trong năm 2006. Tuy nhiên, hiện giờ giữa Thái Lan và Việt Nam vẫn chưa có một hiệp ước dẫn độ nào được ký kết.

1. Trách nhiệm dẫn độ

"Luật lệ về tập tục quốc tế" (customary international law) không đòi hỏi các quốc gia phải thực hiện nhiệm vụ dẫn độ. Luật pháp quốc tế quy định rằng để có thể dẫn độ một phạm nhân, các quốc gia cần phải ký kết một hiệp ước dẫn độ "song phương" (bilateral) hoặc "đa phương" (multilateral).
Luật lệ của Hoa Kỳ cũng như tại Anh Quốc đều quy định rõ ràng rằng các quốc gia không có nhiệm vụ phải giao trả các phạm nhân nếu không có hiệp ước dẫn độ được ký kết giữa 2 hoặc giữa các quốc gia đó.
Tại Anh Quốc cũng như tại Hoa Kỳ, luật pháp còn quy định rằng cơ quan hành pháp hoàn toàn không có thẩm quyền để đưa ra quyết định dẫn độ nếu không có hiệp ước dẫn độ quy định về vấn đề đó, như đã được xét xử trong vụ Factor v. laubenheimer, 290 U.S. 276 (1933).
Trong vụ đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã tuyên bố như sau: "luật lệ quốc tế công nhận là không có quyền dẫn độ ngoại trừ do hiệp ước quy định. Trong lúc đó chính quyền có thể, nếu có sự cho phép của hiến pháp và luật pháp, hành xử tự nguyện thẩm quyền giao trả kẻ trốn tránh pháp luật cho quốc gia mà đương sự đã đào thoát, và người ta cho rằng đó là nghĩa vụ đạo đức phải làm như thế,... quyền hạn pháp định để yêu cầu dẫn độ đương sự và nghĩa vụ tương quan để giao nộp đương sự cho quốc gia thỉnh cầu chỉ hiện hữu khi được thiết định bằng hiệp ước dẫn độ." (international law recognise[s] no right to extradition apart from treaty. While a government may, if agreeable to its own constitution and laws, voluntary exercise the power to surrender a fugitive from justice to the country from which he has fled, and it has been said that it is under a moral duty to do so,... the legal right to demand his extradition and the correlative duty to surrender him to the demanding country exist only when created by treaty).

2. Các phạm nhân chính trị

Ngoại trừ trường hợp chính quyền muốn xét xử "khuyết tịch" (in absentia) một phạm nhân, việc hành xử thẩm quyền tư pháp đối với một cá nhân tùy thuộc hoàn toàn vào sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ của quốc gia.
Hiệp ước dẫn độ được ký kết nhằm mục đích yêu cầu chính quyền của quốc gia, nơi mà cá nhân phạm pháp đang trốn tránh, giao trả về quốc gia nơi mà cá nhân đó vi phạm luật pháp để được xét xử theo sự quy định của luật pháp.
Tuy nhiên, theo tập tục cũng như các thỏa ước quốc tế, các phạm nhân chính trị và quân sự không chịu sự chi phối bởi các hiệp ước dẫn độ.
Tại Anh Quốc, điều 3 của Đạo Luật Dẫn Độ quy định rằng, phạm nhân sẽ không bị giao trả nếu sự vi phạm liên hệ đến việc giao trả có tính cách chính trị, hoặc nếu phạm nhân chứng minh cho tòa thấy được rằng việc yêu cầu giao trả nhằm mục đích xét xử và trừng phạt đương sự về những vi phạm có tính cách chính trị.
Trong vụ Re Castioni [1891] 1 QB 149, phạm nhân bị bắt theo trát tòa để được dẫn độ về Thụy Sĩ. Trong tiến trình bạo loạn một số công dân thuộc Canton đã tịch thu vũ khí và chiếm tòa thị sảnh, phạm nhân đã bắn một thành viên của Hội Đồng thành phố Canton trong tiến trình chiếm giữ tòa thị chính.
Để biện minh cho việc nên tha cho phạm nhân vì không có gì nghi ngờ về bản chất chính trị của vụ giết người, Thẩm Phán Denman cho rằng "để tránh sự dẫn độ về hành động giết người như vậy... ít nhất phải chứng minh được rằng hành động đó đã được thực hiện để thúc đẩy... việc bạo loạn về chính trị..." (in order to avoid extradition for such an act of muder... it must at least be shown that the act is done in furtherance of... a political rising...).
Trong vụ Schtraks v. Government of Israel [1964] AC 556 (HL), Lord Reid tuyên bố rằng "Phong trào kháng chiến bí mật có thể lật đổ chính quyền và khó có thể cho rằng tội phạm xảy ra một ngày trước khi bùng nổ sự bạo loạn sẽ bị xem như là phi chính trị trong lúc đó tội phạm tương tự y như vậy xảy ra 2 ngày sau sẽ là tội phạm có tính cách chính trị. Và tôi không thấy được tại sao điều khoản phải bị giới hạn đối với các âm mưu lật đổ chính quyền. Sự xử dụng vũ lực, hoặc có thể là những phương tiện khác,... để buộc chính quyền thay đổi chính sách có thể có tính cách chính trị như việc xử dụng võ lực để hoàn thành một cuộc cách mạng..." (An underground resistance movement may be attempting to overthrow a government and it could hardly be that an offence committed the day before open disturbances broke out would be treated as non-political while a precisely similar offence committed two days later would be of political character. And I do not see why the section should be limited to attempts to overthrow a government. The use of force, or it may be other means,... to compel a governmnt to change its policy may be just as political in character as the use of force to achieve a revolution...).


Tại Úc, trong vụ Prevato v. The Governor, Remand Centre [Quản Đốc, Trung Tâm Tạm Giam] (1986) 8 FCR 358, Prevato bị cáo buộc nhiều tội trạng khác nhau tại Ý, liên hệ đến việc đồng lõa trong cuộc vận động lật đổ và cố ý gây thiệt hại đối với các cơ sở giáo dục của chính quyền. Được biết rằng cuộc vận động này được thực hiện nhằm chống đối cách thức được xử dụng để tuyển chọn sinh viên. Đạo Luật của Ý liên hệ đến tội trạng này quy định thời gian ở tù tối đa nếu bị kết tội là hơn 2 năm, nhưng trong một vài trường hợp đặc biệt thì án tù có thể nhẹ hơn.
Vào lúc xét xử, các lời khai đã được đệ trình cho tòa để hỗ trợ cho việc dẫn độ. Vị chánh án tọa xử đã đưa ra án lệnh rằng bị cáo sẽ bị dẫn độ liên quan đến các tội trạng bị cáo buộc và ra lệnh đưa bị cáo vào tù trong lúc chờ đợi án lệnh giao trả phạm nhân.
Bị cáo bèn kháng án vì cho rằng các sự vi phạm này có tính cách chính trị, và các tội trạng này sẽ bị trừng phạt với thời gian thụ hình không ít hơn 2 năm, vì thế theo các điều khoản liên hệ trong hiệp ước dẫn độ với Ý, bị cáo không thể bị dẫn độ đối với các tội trạng này.
Tòa Kháng Án cho rằng sự vi phạm mà bị cáo bị cáo buộc là những vi phạm có tính cách chính trị, theo đó bị cáo không thể bị giao trả lại cho chính quyền Ý theo sự quy định của hiệp ước dẫn độ được ký kết giữa 2 quốc gia.

3. Sự dẫn độ và thẩm quyền tư pháp của quốc gia

Như đã được đề cập ở trên, muốn dẫn độ một phạm nhân vi phạm luật pháp tại một quốc gia và lẩn trốn tại một quốc gia khác, thì giữa hai quốc gia này phải có một hiệp ước dẫn độ theo sự quy định của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vũ lực đã được xử dụng để đưa phạm nhân từ lãnh thổ của quốc gia này đến một quốc gia khác xét xử mà không có sự đồng ý của quốc gia nơi phạm nhân đang ẩn náu, hoặc vi phạm các thủ tục được quy định trong hiệp ước dẫn độ mà 2 quốc gia đó đã ký kết trước đây.
Trong những trường hợp này vấn đề được đặt ra là liệu tòa án phán xét vụ kiện sẽ hành xử thẩm quyền tư pháp để hủy bỏ vụ kiện với lý do là có sự vi phạm nghiêm trọng về thủ tục đã được quy định trong các hiệp ước hay không"
Trong vụ State v. Ebrahim 31 ILM (1991) 888, bị cáo là công dân của Nam Phi, bị cáo buộc về tội phản quốc. Bị cáo bị bắt cóc tại Swaziland và chuyển đến Nam Phi. Người ta nghi rằng việc bắt cóc này đã được thực hiện bởi các nhân viên tình báo của chính quyền Nam Phi. Điều này đã vi phạm luật pháp quốc tế, vì đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Swaziland, mặc dầu Swaziland không đưa ra lời phản đối chính thức về điều này.
Bị cáo đã kháng án về sự kết tội với lý do là các tòa án tại Nam Phi không có thẩm quyền tư pháp vì bị cáo đã bị đưa ra xét xử trước các tòa án này là do hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Tối Cao Pháp Viện Nam Phi đã đồng ý với lập luận này và đã hủy bỏ vụ truy tố.
Trong vụ United States v. Alvarez- Machain 31 ILM (1992) 902, bị cáo là công dân của Mễ Tây Cơ. Đương sự bị bắt cóc tại Mễ tây Cơ và chuyển đến Hoa Kỳ và bị kết tội sát hại nhân viên thuộc "Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy của Hoa Kỳ" (US Drug Enforcement Agency). Vụ kiện đã bị bác bỏ bởi tòa sơ thẩm với lý do là sự bắt cóc đã vi phạm hiệp ước dẫn độ giữa Mễ tây Cơ và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã cho rằng sự bắt cóc này không vi phạm hiệp ước dẫn độ, và mặc dầu sự bắt cóc có thể đã vi phạm luật pháp quốc tế - "sự vẹn toàn lãnh thổ của Mễ Tây Cơ" (the territerial integrity of Mexico) - nhưng tòa án của Hoa Kỳ vẫn có thể hành xử thẩm quyền tư pháp.
Qua những điểm vừa trình bầy, rõ ràng về phương diện pháp lý, Việt Nam không thể yêu cầu Thái Lan giao trả Lý Tống cho Việt Nam sau khi ông mãn hạn tù, vì Thái và Việt Nam không có hiệp ước dẫn độ; và việc Lý Tống làm, được CSVN viện dẫn để đòi dẫn độ, là một việc làm chính trị. Vì thế, mọi quyết định hoặc hành vi hành chánh của bất cứ cơ quan nào thuộc chính quyền Thái Lan đưa ra nhằm giao trả Lý Tống cho chính quyền Việt Nam đều vi phạm các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế.
Trên đây chúng tôi vừa đề cập đến phương diện pháp lý của sự dẫn độ, sau đây chúng tôi xin xét đến phương diện chính trị của sự dẫn độ này.

II. VỀ PHƯƠNG DIỆN CHÍNH TRỊ

Thực ra, theo chúng tôi nghĩ, yêu cầu đòi dẫn độ ông Lý Tống của CSVN, chỉ là một trò tung hứng chính trị của chính phủ CS Hà Nội. Chính quyền Việt Nam thừa hiểu rằng việc yêu cầu chính phủ Thái Lan để dẫn độ Lý Tống về Việt Nam hầu xét xử tội vi phạm không phận, là một việc làm đi ngược lại tập tục cũng như các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế.
Vì thế, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao chính quyền Việt Nam phải đòi hỏi dẫn độ Lý Tống về Việt Nam để xét xử trong lúc này" Thực ra điều này có cần thiết hay không" Nếu có, thì ở dưới dạng thức nào" Nếu không, thì tại sao lại đưa ra để tạo nên sự tranh cãi và chống đối"
Đảng Cộng Sản Việt Nam [ĐCSVN] với hơn 2 triệu đảng viên đã điều hành guồng máy cai trị cả nước Việt Nam trên 30 năm qua. Với dân số trên 80 triệu, và bản chất độc tài, độc đài, CS ngày nay có đủ nhân lực, vật lực, tài lực cùng thủ đoạn để thực hiện dường như tất cả những sách lược tàn bạo mà họ muốn.
Để chuẩn bị cho Đại Hội X, các cán bộ và cơ quan đặc trách về "Việt kiều" của đảng CS phải tìm cách làm tê liệt, làm giảm tiềm năng, hoặc làm lung lạc tinh thần chống cộng quyết liệt của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại để họ không còn đủ thì giờ phê phán, chỉ trích, chống đối các sách lược của đảng CS trước ngày tổ chức Đại Hội. Trong chiều hướng đó, việc đòi dẫn độ Lý Tống là một trong những kế sách mà CSVN phải thực hiện.
Thực hiện âm mưu này, trước tiên cơ quan đặc trách về "Việt kiều" phải liên lạc để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các viên chức cao cấp trong chính quyền Thái. Sau khi đã móc nối và sắp xếp xong kế hoạch, họ bắt đầu cho thực hiện bằng cách tung tin là sẽ đòi dẫn độ Lý Tống về VN xét xử. Tiếp đó, chính phủ Thái cũng công bố, sẽ chấp thuận yêu cầu dẫn độ của CSVN sau khi ông Lý Tống mãn hạn tù.
Nhìn vào tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay, ta thấy nếu CSVN đưa Lý Tống về xét xử và giam giữ tại Việt Nam, thì việc xét xử Lý Tống tại tòa án Việt Nam một lần nữa sẽ tạo nên trò cười cho cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, việc xét xử này sẽ được các quan sát viên quốc tế lưu ý, đặc biệt là đối với sự vi phạm các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế về sự dẫn độ của CSVN. Vì thế, sẽ có những bài tường thuật rất bất lợi cho hệ thống pháp luật và chính quyền Việt Nam.
Nếu sau khi xét xử, tòa án CS tuyên phán buộc Lý Tống phải thụ hình tại Việt Nam thì việc này lại gây thêm những rắc rối khác, vì chính quyền Việt Nam không thể ngăn cấm đại diện của chính quyền Hoa Kỳ cùng các chính khách vào tù thăm Lý Tống, vì ông là công dân Hoa Kỳ. Việc nhân viên Sứ Quán hoặc các chính khách Hoa Kỳ vào thăm Lý Tống tại nhà tù Việt Nam sẽ tạo nên những rắc rối khác, chẳng hạn như về chính sách đối xử với tù nhân rồi từ đó các vấn đề khác sẽ được lưu ý đến chẳng hạn như các vấn đề về nhân quyền, rồi các tổ chức luật pháp quốc tế, các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới sẽ tiếp phê phán, chỉ trích chế độ CSVN.

III. KẾT LUẬN

Dựa vào nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn, về phương diện pháp lý, chúng ta có thể thấy được rằng việc Chính quyền Việt Nam yêu cầu chính quyền Thái Lan giao trả Lý Tống về Việt Nam để được xét xử là một yêu cầu trái nghịch với nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nếu Thái Lan đáp lại lời yêu cầu đó, thì đây là một hành động vi phạm nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế của chính phủ Thái Lan.
Như chúng ta đều biết giữa Thái Lan và Việt Nam chưa có một hiệp ước dẫn độ nào đã được ký kết, vì thế nếu bất cứ một hiệp ước dẫn độ nào được ký kết giữa Thái Lan và Việt Nam, hoặc giữa Việt Nam và các thành viên thuộc Hiệp Hội các Quốc Gia Thuộc Vùng Đông Nam Á [ASEAN], thì các hiệp ước dẫn độ đó cũng không thể quy định về "hiệu lực hồi tố" (retroactive effect) nhằm mục đích áp dụng để xét xử hoặc trừng phạt những vi phạm đã xảy ra trước ngày các hiệp ước đó được ký kết.
Về phương diện pháp luật quốc tế, thỉnh thoảng có những vụ dẫn độ trái với thủ tục quy định trong các hiệp ước dẫn độ, nhưng thông thường những hành vi và quyết định trái với nguyên tắc của luật pháp quốc tế đó thường được sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chận những tội phạm hình sự nguy hiểm như đã được đề cập ở trên trong vụ United States v. Alvarez-Machain 31 ILM (1992) 902.
Riêng các sự vi phạm có tính cách chính trị thì cộng đồng quốc tế sẽ không nhân nhượng khi có sự vi phạm trắng trợn tập tục cũng như luật pháp quốc tế của các quốc gia thành viên.
Nói tóm lại, hành vi của Ông Lý Tống là một hành vi chính trị như đã được quyết định trong vụ Re Castioni [1891] 1 QB 149, và trong vụ Schtraks v. Gover- nment of Israel [1964] AC 556 (HL).

Riêng ông Lý Tống, chúng tôi tha thiết mong ông nghĩ lại quyết định tuyệt thực của ông, vì ông nên giữ gìn sức khỏe, bảo trọng sinh mạng và tinh thần đáng quý, để làm những việc quan trọng mà người Việt hải ngoại đang kỳ vọng ở ông.

Cuối cùng, mặc dù CSVN và chính phủ Thái đã có những tung hứng chính trị quanh việc đòi dẫn độ ông Lý Tống, cộng đồng người Việt tại Hải ngoại vẫn cần tích cực đoàn kết để đấu tranh chống lại việc đòi dẫn độ đầy phi lý của CSVN, vì đây là dịp chúng ta chứng minh cho thế giới thấy được sự mọi rợ, phi pháp và dốt nát của chính quyền CSVN khi chúng đòi dẫn độ ông Lý Tống, bất chấp thực tế, bất chấp pháp lý quốc tế. Mặt khác, cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn tiếp tục tấn công vào thành luỹ của CS Hà Nội, phơi bầy những tội ác chà đạp nhân quyền, đàn áp tôn giáo và những tệ nạn tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ... của chế độ CSVN trong dịp chúng tổ chức Đại Hội 10 sắp tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.