Hôm nay,  

Phỏng Vấn: T.t. Thích Trí Siêu

15/02/199900:00:00(Xem: 8814)
Phỏng vấn: T.T. THÍCH TRÍ SIÊU:
"... Xu thế của thời đại không còn quốc gia hay cộng sản,
cũng không còn tư bản hay cộng sản mà chỉ còn giữa giàu và
nghèo..."
"... Xung đột hiện nay là xung đột giữa giầu và nghèo chứ
không còn xung đột của ý thức hệ chính trị..."
"... Tranh đấu để đòi hỏi có sự thay đổi về chính sách..."

NGUYỄN VẠN HÙNG thực hiện
(Thời Luận)

Qua sự sắp xếp của một người bạn, Thầy Trí Siêu đã dành
cho tôi một cuộc phỏng vấn. Đúng giờ hẹn, tôi gọi điện thoại về
Việt Nam. Người có mặt tại Văn phòng thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh
cũ, trả lời tôi là Thầy đã đi xa.

Vài giờ sau đây tôi gọi lại. Một người khác bắt máy, cho
biết Thầy Trí Siêu không còn ở đó. Ngày hôm sau, tôi gọi nữa.
Người bên kia đầu dây bảo tôi chờ để ông ta đi gọi Thượng Tọa.
Hơn 20 phút sau, điện thoại lặng lẽ cúp. Ít giờ sau, tôi gọi thì
người bên kia đầu dây bảo Thượng Tọa Trí Siêu ở phòng sát bên Hòa
Thượng Minh Châu và khuyên tôi nên gọi thẳng cho Hòa Thượng Minh
Châu. Tôi nghe lời, thì thấy có người bốc máy, mà tôi đoán là Hòa
Thượng Minh Châu, vì tôi có dịp nói chuyện với ngài đôi lần trước
năm 1975. Nhưng sau khi nghe tôi trình bầy thì người đó trả lời
Thượng Tọa Trí Siêu đã đi vắng và không biết khi nào trở về.

Mãi chiều thứ ba tuần qua, tôi gọi về Việt Nam lần nữa.
Người bốc máy hỏi lý lịch của tôi, tôi đành nói dối là "bạn" của
Thầy Trí Siêu, gọi vấn an Thầy. Vài phút sau, tôi nghe tiếng Thầy
Trí Siêu. Quá mừng rỡ, tôi xin phép thầy được phỏng vấn ngay Thầy
đôi điều kẻo máy điện thoại lại bị cúp, đến nỗi tôi không kịp xin
lỗi Thầy về chuyện tôi đã nhận láo là "bạn" của Thầy, nhưng không
ngoài mong ước để được gặp Thầy. Tôi cũng không có lời nào hỏi thăm
sức khỏe, đời sống của Thầy từ khi được thả hồi đầu tháng 9 tới nay.
Song tôi cũng mừng vì giọng nói của Thầy vẫn chắc nịch, tiếng cười
của Thầy vẫn còn dòn dã an nhiên tự tại...

* Tại sao năm 1975 không di tản

Nguyễn Vạn Hùng: Thưa Thượng tọa, một người từng du học
và có quan hệ với nhiều trường đại học Hoa Kỳ, nếu muốn thì hồi
1975 chắc chắn là Thầy có thể di tản. Vậy thì động cơ nào khiến
Thầy chọn ở lại"

Thượng Tọa Thích Trí Siêu:

Trước biến cố 1975, tôi giảng dạy tại Đại Học Vạn Hạnh
sau khi tôi du học trở về. Trong những tháng cuối khi tình hình
miền Nam bất ổn, tháng 3, 1975, tôi đến Bộ Nội Vụ, trả lại giấy
tờ du học cũ để quyết định ở lại. Một số vị trong Bộ hỏi tôi: Mọi
người tìm tờ giấy này không được, sao Thầy không đi mà trả lại"
Tôi trả lời: Tôi đang dạy ở Đại Học Vạn Hạnh, đồng thời đang
thế giáo sư Lê Thành Trí dạy môn
Luận Lý tại đại học Văn Khoa, tôi nghĩ tôi phải ở lại để tiếp tục
công việc giảng dạy của mình. Quả thật, sau 1975 Hà Nội đã mời
tôi tiếp tục giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa.

Hỏi:
Lý do nào mà Thượng tọa bị bắt rồi bị ra tòa lãnh án tử
hình"

Đáp:
Tôi bị bắt,theo án lệnh chính thức của chính quyền về tội
"có âm mưu lật dổ chính quyền nhân dân." Sau đó họ đưa tôi ra
tòa, và họ đưa ra những cái gọi là bằng cớ chứng minh tôi có âm
mưu lật đổ, kết án tôi tử hình. Thế nhưng sau đó do áp lực của
đồng bào trong ngoài nước nên họ giảm án xuống còn 20 năm tù.

Hỏi:
Sau chuyến đi Việt Nam tìm hiểu về tự do tôn giáo, ông
Amor, viên chức Liên Hiệp Quốc đã chính thức bầy tỏ sự thất vọng
về nhà cầm quyền Hà Nội. Bởi vì một số tu sĩ còn trong tù hay vừa
được phóng thích, ông ta muốn tới gặp mà bị công an ngăn cản.
Ngược lại phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Nội lại nói rằng ông
Amor đã nhìn thấy tôn giáo ở Việt Nam được tự do. Vậy Thượng tọa
nghĩ thế nào"

Đáp:
Tôi nghĩ ông Amor mới là người có thẩm quyền dầy đủ nhất
để viết và trả lời câu hỏi này. Vả lại ông đã có công bố quan
điểm của ông rồi. Ở trong nước thì mặt này mặt kia đều có vấn
đề...

Hỏi:
Trong danh sách những người mà ông Amor muốn kiếm gặp, có
tên Thượng tọa. Nhưng Thượng tọa và ông ấy không gặp nhau, vì
sao"

Đáp:
Tất nhiên là tôi không tránh ông ấy. Đơn giản là ông Amor
đã không bắt liên lạc được với tôi. Tôi cũng chẳng được ai báo
cho biết là ông Amor muốn gặp tôi và ông ấy làm gì ở cái nước
này.

* Thế giới chỉ còn chia ra giàu và nghèo

Hỏi:
Cả một guồng máy thống trị một phần ba nhân loại một cách
có hệ thống, đã ra sức tiêu diệt tôn giáo suốt gần thế kỷ 20. Tôn
giáo không chết mà hệ thống thống trị kia sụp đổ, một phần ba
nhân loại đó lần lượt dược giải phóng. Cộng sản Việt Nam thuộc
vài ba nước rơi rớt lại của hệ thống đó, theo Thượng tọa thì họ
có rút ra dược bài học nào không"

Đáp:
Tôi nghĩ chắc chắn là họ đã nhìn ra. Hơn nữa, thế giới
này nay không còn giữa Đông và Tây, không còn giữa Cộng sản và
không cộng sản mà chỉ còn là giữa giầu và nghèo, lạc hậu và tiến
bộ. Quốc gia nào cũng có mục tiêu làm cho đất nước giàu lên.
Nhà nước Việt Nam này cũng nhìn thấy đất nước quá lạc hậu. Và quả
thật như thế. Người dân dù phải sống tại nước ngoài hay ở trong
nước, nhìn sự thịnh vượng của đất nước người rồi nhìn sự tụt hậu
của đất nước mình, ai ai cũng canh cánh trong lòng, ai ai cũng
muốn đóng góp một điều gì đó để đưa đất nước tiến lên.

Thế kỷ tới, hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và nghèo càng rõ
nét hơn, sâu đậm hơn. Rõ ra, các nước giầu sẽ giầu hơn, các nước
nghèo sẽ nghèo hơn. Chính vì thế mà các quốc gia nghèo hiện nay
đang cố gắng vượt thoát. Và một số các quốc gia giầu đã đưa tay,
chia sẻ kiến thức, tài nguyên để kéo các quốc gia nghèo lên. Dân
chúng các nước nghèo đã cố gắng làm việc cật lực, đặc biệt là
dân chúng Việt Nam. Cho nên vấn đề chính của Việt Nam ngày nay
là thuộc về nhà nước. Làm thế nào để đưa đất nước tiến lên là một
câu hỏi hệ trọng và nhà nước phải giải đáp vì người dân đã hy sinh
cạn kiệt năng lực của họ rồi.

* Vai trò của trí thức Việt Nam

Hỏi:
Trước đà tụt hậu mọi mặt của đất nước, một số trí thức
Việt Nam đã cất tiếng phản kháng chế độ. Tuy nhiên những tiếng
nói đó vẫn còn quá ít so với hàng ngũ trí thức đông đảo của trên
70 triệu dân. Tại sao" Phải chăng giới trí thức đã bị bạo lực hay
vật chất khuất phục" Hay họ bằng lòng ủng hộ chế độ" Tiêu biểu
cho giới trí thức Việt Nam, xin Thượng Tọa cho biết ý kiến.

Đáp:
Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải thực hiện một bảng thống
kê sau khi mở cuộc điều tra rồi mới đưa đến kết luận. Tôi đồng ý
là con số trí thức phản kháng chế độ chỉ đếm trên ngón tay. Nhưng
đó là mới chỉ nói về mặt nổi của vấn đề. Sự thực thì tôi thừa
nhận và xác quyết rằng rất nhiều trí thức Việt Nam phản kháng chế
độ. Họ phản kháng dưới những hình thức khác nhau. Do đó tôi chưa
thể trả lời câu hỏi về trí thức trong nước đầu hàng hay phản
kháng chế độ.

Đằng khác, tôi vẫn tin rằng truyền thống của giới trí
thức Việt Nam đã được lịch sử chứng minh, sau thời đại Hai Bà
Trưng, thành phần trí thức đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc
dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và rõ ràng nhất là nhà trí
thức Nguyễn Trãi. Đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay họ có đầy đủ
bản lãnh như cha ông và họ đang cật lực đưa đất nước đi lên ở mặt
này hay ở mặt khác, tùy theo hoàn cảnh và vị trí đứng của mỗi
người. Có người nói thẳng, có người thầm lặng, nhiều cách.
Bài học lịch sử cận đại là thời thực dân Pháp đô hộ. Hàng
ngũ trí thức Việt Nam vào thời ấy cũng hiến hoi nhưng vẫn là đội
ngũ tiền phong, không đầu hàng trước bạo lực.
Tin vào truyền thống ấy, tôi vững tin ở khả năng nhận
thức và khả năng hành động của hàng ngũ trí thức Việt Nam hiện
nay. Một số trí thức mà anh được biết tên tuổi của họ ở hải ngoại
chỉ là mặt nổi của một tảng băng, còn dưới mặt nổi đó là một khối
lượng khổng lồ, anh chưa nhìn thấy được. Vì thế chớ nên vội vã
kết luận về thái độ của hàng ngũ trí thức Việt Nam ngày nay ở
trong nước.

Hỏi:
Vượt trội lên trên cuộc sống thường hằng, nhiều tù nhân
chính trị và tôn giáo đã coi nhà tù cũng là nhà tu. Vậy Thượng
Tọa đã có những suy tư gì trong khi bị buộc chọn hoàn cảnh ấy"

Đáp:
Trước đây, người cộng sản vẫn thường nói nhà tù là trường
học của họ. Thực tế cho thấy hiện nay đa số người bị bắt vào tù
là vì bất đồng chính kiến. Suy nghĩ của tôi, điều đó không nên.
Một chính quyền không thể phải xây cất nhiều nhà tù để nhốt giam
những người bất đồng quan điểm chính trị với chính quyền. Điều đó
chỉ tạo ra sự chia rẽ và phân hóa thêm. Điều tôi ngạc nhiên là
người cộng sản họ đã hiểu rõ điều đó thế nhưng họ vẫn xây cất
nhiều nhà tù. Họ biết nhà tù là trường "đại học" thế mà họ vẫn
lập thêm nhiều trường đại học đó. Các ông ấy không nhớ tí nào về
kinh nghiệm mà các ông ấy có cả.
Sau năm 1975 chúng tôi cũng đã trình bầy nhiều với họ và
ngay hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục nói, là bất cứ chính quyền
nào cũng phải để cho người dân có ý kiến về những vấn đề của đất
nước bởi vì đất nước là của chung của toàn dân. Thời đại ngày nay
khác với thời phong kiến ngày xưa. Ngày xưa vua nói gì thì người
dân chỉ hô vạn tuế, nếu không sẽ bị kết tội khi quân. Thế nhưng
thậm chí ngay cả thời phong kiến, vua vẫn nghe lời can gián. Các
quan trong triều đình vẫn có người phê bình khi vua nói hay làm
những điều không đúng.

* Đảng Cộng sản không thể thay đổi

Hỏi:
Thưa Thượng Tọa, sự phóng thích một số tù nhân lương tâm,
trong đó có Thượng tọa, có phải đó là dấu hiệu báo trước đảng
Cộng sản Việt Nam sẽ có những đổi mới"

Đáp:
Không. Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bởi lẽ đa phần
những người được thả đều gần mãn hạn tù. Tôi cũng vậy, chỉ còn
một hai năm tù nữa sá gì so với hàng chục năm trở lên đã nằm
trong nhà tù.

Hỏi:
Dân chúng trong nước được tự do đến chùa, nhà thờ, và Hà
Nội nói rằng dân chúng đã có tự do tôn giáo. Thượng tọa có đồng ý
như vậy không"

Đáp:
Không. Tôi không đồng ý lập luận đó. Trước đây còn ở
trong tù, một bạn tù nhận được lịch phụng vụ của Giáo hội Thiên
chúa giáo và cho tôi xem. Dường như lịch phụng vụ năm 1995. Trong
lịch phụng vụ này, theo thống kê của tòa thánh Vatican, Việt Nam
có khoảng trên 4 triệu tín đồ Thiên chúa giáo. Nhưng một điều tôi
nhận thấy là tín đồ ở Miền Bắc lại đông hơn miền Nam dù rằng sau
Hiệp định Geneve 1954 gần một triệu tín đồ Thiên chúa giáo đã từ
miền Bắc di cư vào Miền Nam, nên vào thời điểm đó Miền Bắc ít tín
đồ Thiên Chúa giáo hơn Miền Nam.
Vì vậy rốt ráo của vấn đề tín ngưỡng là Niềm Tin. Nhà
nước ngăn cản hay tự do cũng thế thôi, khi người dân có Niềm Tin
thì họ vẫn thực hiện. Đến được cái nơi thờ phượng trong hoàn cảnh
tự do hay bị ngăn cản, cũng chỉ là biểu hiện hình thức bên ngoài
của người có đức tin.
Nhớ lại, vài những năm 1965 - 1966, thời ấy Trung quốc
đang có cuộc Cách Mạng Văn Hóa và lúc ấy tôi đang có mặt tại Hoa
Kỳ. Một nhà nghiên cứu tại trường đại học Harvard bỏ ra nhiều
thời gian để nghiên cứu tình hình tôn giáo trong thời điểm khó
khăn ấy tại Trung quốc. Vị ấy đã cho tôi xem, và tôi nhớ không
lầm, thì sau đó tài liệu ấy được trường Harvard xuất bản. Điều mà
tôi lưu ý qua tài liệu nghiên cứu đó là phần thuật lại câu chuyện
một phật tử Trung Quốc thuần thành, trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa,
bà ta đã không dám trưng bầy nơi bàn thờ phượng mà phải đốt nhang
khấn vái vào ban đêm và ở nơi xó bếp. Qua câu chuyện đó, tôi muốn
nói thêm rằng khi con người đã có Niềm Tin thì bất cứ nơi chốn
nào mình vẫn có thể thực hiện được đức tin của mình.
Chính các nhà nghiên cứu tôn giáo ngày nay cũng đã xác


định điều tôi vừa nói. Họ gọi "sentiment de religieux" - cảm tính
về tôn giáo - đó mới là thực chất, đó mới là điều quan trọng.
Không phải đền to, chùa lớn mới là nói lên đức tin của tôn giáo
mà chính là Niềm Tin ở trong tim mỗi tín đồ. Và sự thịnh suy của
một tôn giáo đều đặt trên căn bản đó.
Chúng ta đều biết, Phật giáo, Thiên chúa giáo đều từ bên
ngoài truyền bá vào Việt Nam. Ban đầu chỉ vài người tin sâu sắc
và thực thi những điều mà tôn giáo đó dạy, dần dần theo thời gian
mà tôn giáo đó phát triển. Việt Nam trở thành một nước Phật giáo
cũng trong tiến trình ấy. Tóm lại, không phải hình thức bên ngoài
là có tự do hay bị cấm đoán mà tôn giáo phát triển hay bị tiêu
diệt. Sự trường tôn của mỗi tôn giáo phụ thuộc vào Niềm Tin của
mỗi tín đồ.

* Xã hội Việt Nam đang thay đổi

Hỏi:
Là một nhà nghiên cứu, Thượng tọa nhận xét thế nào về
tình huống đất nước hiện nay mà nhà cầm quyền cũng thú nhận là
"tụt hậu", nhiều "tệ đoan xã hội" "ma túy", "giết người"...

Đáp:
Thực tiễn thì ngày nay mọi mặt đều đình đốn. Nhà nước
cũng thường nói đến điều đó. Thế nhưng phải nhìn nhận, so với hồi
mười mấy năm về trước, trước khi tôi bị bắt, và ngày nay, đời
sống người dân có khá hơn. Lẽ tất nhiên đưa đất nước vượt qua
những nghèo đói, tụt hậu là công việc đòi hỏi nhiều thập niên và
điều kiện tiên quyết là nhà nước phải có chính sách đúng đắn.
Ngay vào những năm 1984, khi tranh đấu, tôi đã trình bầy cho nhà
nước, chỉ riêng về mặt kinh tế chứ chưa nói đến các mặt khác, là
phải làm sao cho dân giầu rồi nước mới mạnh. Còn chủ trương của
nhà nước lúc đó thì trái lại, là nước giầu dân mạnh.

Nhưng gần đây, khi còn trong tù, một số đảng viên nhà nước tiếp
xúc với chúng tôi, xác định một phần cương lĩnh về mặt kinh tế
của chúng tôi thời ấy ngày nay đang được đảng cộng sản mang ra áp
dụng, nghĩa là chấp nhận cho dân giầu rồi thì nước mạnh. Dân giầu
là người dân có của cải, có tư hữu và trở thành tư sản. Tôi mới
ra khỏi nhà tù không lâu nên không thể đưa ra một nhận định chính
xác, thế nhưng qua hiện tượng tôi đã thấy người dân bây giờ đã
có xe, đã làm chủ một số nhà máy, có vàng và đô la mà người dân
không phải lo sợ nhà nước như trước kia.

Nhìn chung, xã hội Việt Nam đang có thay đổi. Đó là xu hướng của
thời đại, của thế giới. Như tôi vừa nói với anh, là xu thế thời
đại không còn quốc gia hay cộng sản, cũng không còn tư bản hay
cộng sản mà chỉ còn là giầu và nghèo. Chế độ nào làm cho dân giàu
là nước đó thành công.

Việt Nam ngày nay là một nước nghèo, còn các nước trong khối cộng
sản cũ như Liên xô thì không thể làm cho người dân giàu, nên tất
cả các nước đó phải quay lại nền kinh tế thị trường. Kinh tế thị
trường là bản chất của một nền kinh tế tư bản. Dù người ta cố
giải thích kinh tế thị trường là chung chứ không phải là của tư
bản hay cộng sản thì đó cũng chỉ là lối giải thích để tránh sự
thật.

Hỏi:
Thưa Thượng Tọa, không có người Việt nào dù trong hay
ngoài nước mà không cảm thấy nhục khi đọc báo nước ngoài thấy hai
chữ Việt Nam gắn liền với những từ "lạc hậu", "chậm tiến", "tham
nhũng", "độc tài"... Và nước Việt Nam ngày nay phải ngửa tay xin
khắp thế viện trợ cho cái này cái kia. Nhưng người trong nước thì
bị công an kiểm soát kìm kẹp, người hải ngoại thì buông xuôi. Vậy
thì ta phải làm gì đây theo ý Thượng Tọa"

Đáp:
Chính vì câu hỏi ấy mà chúng tôi đã phải làm và đã trả
giá bằng mười mấy năm trong tù. Chúng tôi không muốn làm người
ngoại cuộc, bàng quan với đất nước mình. Tôi đã tranh đấu đòi hỏi
chế độ phải thay đổi chính sách, chẳng hạn như chính sách dân
giàu nước mạnh thay cho chính sách của nhà nước là nước giầu dân
mạnh. Những người ở nước ngoài nếu theo dõi tình hình trong nước
sẽ thấy được sự tranh đấu của chúng tôi đã có một phần tác dụng.
Qua các đại hội 6,7 và 8 của đảng Cộng sản Việt Nam, cương lĩnh
của họ đã có những thay đổi cơ bản. Sự đổi mới ngày càng rõ ràng.
Chúng tôi tranh đấu để đòi hỏi có sự thay đổi về chính sách chứ
chưa nhằm thay đổi về con người. Lẽ đơn giản vì tất cả đều là
Việt Nam.

Hỏi:
Lịch sử Việt Nam cho thấy mỗi khi đất nước lâm nguy thì
các nhà sư cũng dời chùa để cùng toàn dân lo cứu nước. Đến khi an
bình thì các vị đó lại về chùa. Như thế có thể hiểu rằng Thượng
tọa chọn con đường ở lại nước, mà Thương tọa nói là để tiếp tục
dạy học, nhưng công việc của Thượng tọa cho thấy Thượng tọa đã đi
theo con đường của tiền nhân, có phải thế không"

Đáp:
Chúng tôi hy vọng nhưng không dám kỳ vọng vào những việc
to lớn ấy. Bởi lẽ các tiền nhân thì đã thành công, công việc họ
thực hiện được đã quá rõ ràng, còn chúng tôi thì lại càng không
dám nghĩ đến điều đó vì nó quá to lớn.

* Tình hình Phật Giáo trong nước

Hỏi:
Ban nãy Thượng Tọa nói rằng tôn giáo sống còn là do Niềm
Tin trong mỗi tín đồ. Vậy thì Thượng Tọa có ý kiến gì về Phật
giáo ở trong nước, nhất là ở Miền Bắc sau năm 1954, khi mà nhà
nước coi tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ"

Đáp:
Vào năm 1980, nhân một Đại hội tại miền Bắc, Ủy Ban Trung
Ương Đảng Cộng Sản VN có mời tôi ra tham dự. Trong dịp này tôi có
đi thăm một số chùa. Tôi nói thẳng, chẳng hạn chùa Trấn Quốc,
chùa Một Cột thì thiếu Thầy. Mãi đến sau này khi nhà nước lập ra
Giáo Hội Phật Giáo mới và ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội này là
đào tạo tăng ni để bổ sung những nơi đang thiếu. Và họ đã thực
hiện được một số việc. Gần 20 năm nay tôi chưa có dịp trở lại
miền Bắc nên chưa có nhận xét mới hơn. Riêng về việc đào tạo tăng
ni thì vẫn được tiếp tục, như Hòa Thượng Thích Minh Châu, là chỗ
tôi đang ở, ông ấy vẫn tiếp tục công việc đào tạo tăng ni của ông
ấy. Theo tôi, điều đó cũng tốt thôi. Nói gì thì nói, việc trước
tiên là phải đào tạo những người có học. Nước nào cũng cần người
có học. Phật giáo cũng thế, phải đào tạo những người có kiến
thức.
Hỏi:
Xin Thượng Tọa cho biết những vị trong hai Giáo Hội Phật
Giáo ở trong nước đối xử với nhau ra sao"
Đáp:
Về cơ bản thì Giáo Hội Phật Giáo được nhà nước thành lập
mới đây xuất phát từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất biến
hình thôi, ngay từ đầu. Thế nhưng ngay sau đó, vì những lý do đặc
biệt, lại biến thể. Chính Hòa Thượng Quảng Độ đã nói Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chưa bao giờ tuyên bố tự giải thể
và nhà nước cũng chưa bao giờ đưa ra một văn bản cấm Giáo Hội đó
hoạt động. Nói một cách khác, trên nguyên tắc, Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất vẫn tồn tại và vẫn hoạt động trong điều
kiện có thể hoạt động được.
Hỏi:
Tình trạng sức khỏe của các vị lãnh đạo Phật Giáo bị giam
giữ mới được thả và chưa được thả, có vị nào quan ngại lắm không,
thưa Thượng Tọa"
Đáp:
Tôi chỉ mới thăm được Hòa Thượng Đức Nhuận, Hòa Thượng
Quảng Độ. Hòa Thượng Đức Nhuận còn khỏe. Hòa Thượng Quảng Độ mới
được thả về, bị sưng đầu gối nhưng nay đi đứng gần bình thường
không khó khăn như lúc mới về. Hòa Thượng Huyền Quang thì tôi
chưa đi thăm được, nhưng qua một số Thầy đi thăm cho biết thì Hòa
Thượng ăn cơm gạo lứt muối mè, sức khỏe tạm ổn.
Hỏi:
Một bản tin của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế nói
rằng trong tù Thượng Tọa vẫn tiếp tục nghiên cứu. Thượng Tọa
nghiên cứu cách nào và kết quả ra sao"
Đáp:
Thực ra tôi đang chuẩn bị san định để cho xuất bản những
nghiên cứu mà tôi thực hiện trước khi bị bắt. Năm 1984 tôi vào tù
thì bỏ dở từ đó. Các nghiên cứu của tôi là về các Thiền Sư của
Phật Giáo Việt Nam. Trước đây cũng đã có người viết về đề tài này
nhưng mới chỉ tổng quát và một đôi chỗ sai lệch. Quá trình nghiên
cứu đã cho tôi một số nhận định mới để biên khảo lại kỹ lưỡng
hơn, đặc biệt về các vị như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Huyền
Quang, các THiền Sư Viên Thái, Pháp Tỉnh...
Sau đó là bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam. Trước năm 1984,
tôi đã xong hai tập, rồi bị ngưng từ đó. Tiếp theo tôi tính viết
lại bộ Lịch Sử Văn Học Việt Nam đặc biệt thời Hùng Vương, thời
Hai Bà Trưng và sau đó. Chúng ta vẫn thường tự hào là đất nước ta
có 4,000 năm văn hiến. 1,000 năm kể từ thời đại hiện nay trở về
trước thì tài liệu tương đối rõ ràng, nhưng tiến về xa xôi trước
đó đến thời Hai Bà Trưng, thời Hùng Vương thì tài liệu thiếu sót.
Vì thế tôi dồn mọi cố gắng để tìm hiểu về những thời đó.
Hỏi:
Như thế thì Thựơng Tọa có tính xin ra nước ngoài để vào
các thư viện lớn tìm kiếm tài liệu, hay chỉ tìm những tài liệu ở
trong nước"
Đáp:
Cho tới nay thì tôi chưa tính xin ra hải ngoại vì những
tài liệu trong phạm trù nghiên cứu của tôi phần chính là ở trong
nước. Tôi cũng có biết có một số tài liệu nằm ở thư viện ở Pháp,
Nhật, Mỹ, và thậm chí có cả ở bên Nga nữa. Trước đây tôi đã thấy
tài liệu về Việt Nam thời cổ có trong thư viện ở Anh, ở Hòa Lan.
Tất nhiên nếu có điều kiện ra nước ngoài tham khảo thì cũng bổ
ích hơn.
Hỏi:
Chúng tôi cũng biết trước là Thượng Tọa không tính ra
khỏi nước lúc này. Vậy thì những trăn trở về đất nước hiện nay
của Thượng Tọa là gì"
Đáp:
Dân tộc ta quá tụt hậu rồi, quá nghèo khó rồi. Giải quyết
vấn nạn ấy thì cốt lõi nằm ở mặt kinh tế. Mà kinh tế thì gắn liền
với thựơng tầng kiến trúc, nghĩa là phải giải quyết cả về mặt
chính trị. Xung đột của thế giới ngày nay như tôi vừa nói, là
xung đột giữa giầu và nghèo chứ giờ thì không còn xung đột về ý
thức hệ chính trị. Nước mình đã là nước nghèo. Muốn xóa bỏ đói
nghèo thì đòi hỏi nhà nước phải có một chính sách đứng đắn, để
người dân dù khác biệt chính kiến vẫn có quyền tham dự và đóng
góp.
Ngay sau tháng Tư, 1975 những người từ miền Bắc vào, gồm
một số trí thức, những người trong Ủy Ban Khoa Học Xã Hội nhà
nước, và những Ủy viên Trung Ương Đảng, khi tiếp xúc với chúng
tôi, chúng tôi đã thẳng thắn nói với họ về ba vấn đề lớn:
-Thứ nhất: đối với miền Nam, đừng hợp tác hóa nông
nghiệp.
-Thứ hai: đừng quốc hữu hóa công nghiệp.
-Thứ ba: đới với chính quyền miền Nam, người miền Bắc hãy
bắt chước chính sách thời Vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.
Thời đó, sau khi đánh quân nhà Nguyên xong, thu được giấy
tờ của một số quan chức Việt Nam đã đầu hàng quân Nguyên, vua
Trần đã mang đốt tất cả những giấy tờ ấy trước mặt bá quan văn võ
để mọi người thấy rằng nhà Vua sẽ không dùng giấy tờ đó để xử tội
họ. Nhà Vua còn phủ dụ rằng chỉ vì hoàn cảnh mà họ phải hàng giặc
Nguyên thôi.
Tôi nói với họ đó mới chính là truyền thống của dân tộc
Việt Nam.
Thế nhưng, những gì tôi đề nghị với họ đều bị họ bỏ ngoài
tai. đã thế tôi còn bị tù tội vì những điều mình chỉ mới đề nghị
với họ.
NGUYỄN VẠN HÙNG:
Thưa Thượng Tọa, để kết thúc buổi phỏng vấn này, Thượng
Tọa có điều gì muốn nhắn gởi tới đồng bào hải ngoại"
THƯỢNG TỌA THÍCH TRÍ SIÊU:
Trước hết, qua cuộc phỏng vấn này, tôi xin chân thành tri
ơn đồng bào hải ngoại, đặc biệt là đồng bào Phật Tử, đã đấu
tranh, cổ võ và ủng hộ để tôi còn sống được đến ngày nay. Tôi
không biết làm sao bày tỏ hết nỗi lòng của mình với đồng bào Phật
Tử. Sự quan tâm, biểu lộ tình cảm trong thời gian chúng tôi gặp
hoạn nạn là vô cùng to lớn và quí giá. Tiếp đến, tôi ao ước đồng
bào hải ngoại cũng như đồng bào Phật Tử tiếp tục hỗ trợ để tôi có
thể tiếp tục công việc trong thời gian sắp đến.
Cuối cùng, cảm ơn Thời Luận đã tạo cho tôi điều kiện để
nói lên một số suy nghĩ riêng tư của tôi.

NGUYỄN VẠN HÙNG
Los Angeles, Nam California 11.9

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.