Hôm nay,  

Láng Giềng

09/06/200100:00:00(Xem: 5784)
Việt Nam ta có câu: "Bà con xa hơn láng giềng gần". Câu này hàm ý tình máu mủ, ruột thịt trong gia tộc vẫn hơn người ngoài. Cũng như câu: "Giọt máu đào hơn ao nước lã "hoặc câu: "Nhất cận thân, nhì cận lân" đều mang ý nghĩa tương tự. Dẫu sao, ca dao tục ngữ không có giá trị tuyệt đối, mà nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội, thời gian, không gian... Nghĩa là vị trí địa lý, văn hóa, phong tục, tập quán chi phối rất nhiều trong quan hệ tình cảm con người: Thành viên trong gia đình cũng như láng giềng hàng xóm.

Sau ngày mất nước 30/4/75, hàng triệu người Việt Nam chạy trốn hiểm họa cộng sản, tỵ nạn định cư khắp nơi trên thế giới. Trên bước đường lưu lạc, bà con thân bằng quyến thuộc mỗi người một nơi. Có gia đình kẻ đi, người ở lại. Có gia đình kẻ mất người còn. Quốc phá thì gia vong! Âu đó cũng là định luật của trời đất! Vì vận nước không may, nên đồng bào ta cũng chịu nằm trong định luật đó!

Hơn phần tư thế kỷ, chúng ta là những người tỵ nạn (dù vượt biên hay đoàn tụ, dù vì lý do chính trị hay kinh tế) ở một đệ tam quốc gia. Dần dần chúng ta cũng đã hội nhập với xã hội Tây phương. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng lâu ngày chúng ta cũng đã quen dần với nếp sinh hoạt chung của dân bản xứ...

Vấn đề tôi muốn nêu lên đây là một thực tế chúng ta phải đối diện hàng ngày. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta. Nhiều khi còn hơn cả thân nhân ruột thịt: Đó là "láng giềng".

Xã hội Tây phương, một thế giới làm việc. Mọi thao tác hàng ngày, từ công ty văn phòng đến hãng xưởng, nhà máy, nông trại... đều nhằm phục vụ cho nhu cầu và tiện ích con người. Xã hội càng văn minh, thì nhu cầu càng nhiều...Do đó người dân ngày càng tham gia vào việc kinh bang tế thế. Bởi thế có nhà văn đã lên tiếng: "Cuộc đời không phải là một ngày sầu muộn, không phải là một ngày hưởng thụ mà là một ngày làm việc". Thật không sai.

Cũng chính vì công việc hàng ngày nên anh em bà con, dù nhà... không xa nhau mấy, vẫn ít có dịp gặp nhau. Trái lại, người mà chúng ta thường gặp hàng ngày, đó là láng giềng. Quả thật láng giềng đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Riêng gia đình tôi và cá nhân tôi cơ may giữ được một mối giao hảo với hàng xóm rất đẹp, nếu không muốn nói là nhiều khi còn hơn cả giọt máu đào...ở xa...

Hơn mười lăm năm định cư trên đất Úc, từ kinh nghiệm bản thân, tôi có một số nhận xét về phân loại láng giềng ra làm ba thành phần như sau: Loại thứ nhất, vô thưởng vô phạt, họ không "care" mình là ai, làm gì". Loại thứ hai, làm phiền hàng xóm, họ bao gồm các thành phần kỳ thị, hoặc Úc hoặc di dân, thành phần trộm đạo, chích choác, phá rối trị an.... Loại thứ ba là loại A 1, sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm khi cần. Là những công dân gương mẫu của xứ hoàng gia. Và là người thực thi đứng đắn khẩu hiệu "Neighbour Watch" của Council đề xướng.

Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến hai loại hai và ba. Còn thành phần vô thưởng vô phạt, phớt tỉnh Ăng lê chẳng có gì để bàn đến...

Trước tiên, những năm đầu định cư ở Úc, gia đình tôi thuê mướn căn flat trung bình, gần trường học, bệnh viện, ga xe lửa. Dĩ nhiên ở chung đụng với đủ mọi thành phần trong một building tức phải đương đầu với nhiều phiền toái. Sự phiền toái đầu tiên là tiếng ồn ào, tiếng nhạc disco khi mình cần giấc ngủ. Kế đến là mùi xào nấu những món ăn khác với khứu giác Việt Nam... Building của chúng tôi có đủ mọi sắc dân. Tàu, Libang, Nam Tư, Ấn Độ và cả Úc nữa.

Căn Unit hai phòng ngủ của gia đình tôi cạnh một người Úc tên Ray Logan, độc thân, mà chúng tôi thường gọi tắt là Mr.Ray. Đối diện chúng tôi M.Ali gốc Ả Rập. Gia đình Ali gồm hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Đây là những người láng giềng đầu tiên trên đất Úc có ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng tôi. M.Ali vai u thịt bắp, hưởng thất nghiệp dài hạn. Nhưng mới nhìn qua cứ tưởng y phải là manager của một đại công ty nào đó. Áo quần bảnh bao, xe hơi láng coóng. Nội cái xe Toyota Lexus của y đậu ở carpot cũng làm bà con lé mắt. Bốn bánh xe mới cáu cạnh, Mag wheel, dàn âm thanh nổi Hifi, CD staker. Sau đuôi xe còn gắn thêm spoiler hiên ngang như chiếc phản lực cơ chiến đấu. Chính Mr.Ray mỗi lần ra sân, nhìn thấy xe Ali cũng phải lắc đầu chứ đừng nói đến ai. Riêng vợ Ali, là một máy phóng thanh không người lái, tối ngày khoe của...Chỉ nhìn chiếc nhẫn hột xoàn 6 ly của y thị mang trên tay với chiếc vòng ngọc thạch bóng loáng bà con cũng ngán rồi...

Tuy ở đối diện đã mấy năm nhưng chúng tôi cũng chỉ nói chuyện đâu một hai lần gần carpot. Tôi nhớ mãi chuyện bà kể lại: Mấy cô nhân viên phòng An sinh xã hội ưa nhìn bàn tay đeo nhẫn mỗi lần y thị đi nộp form thất nghiệp vì... những nữ trang bà đeo trên tay. Thật là khôi hài! Chính nhân viên làm lâu năm ở phòng thất nghiệp chưa chắc dám nghĩ đến việc tậu mãi đồ nữ trang như vợ Ali. Còn chuyện "an sinh" thì hết chê! Gia đình Ali ưa nghe nhạc om xòm. Ngay cả Mr.Ray, mỗi lần nghe nhạc bên phòng Ali mở cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán, bước vào nhà đóng cửa lại. Dầu vậy, thỉnh thoảng cũng có những cú phôn nặc danh gọi cảnh sát đến can thiệp Ali hãy để cho hàng xóm được bình an...

Bây giờ tôi xin nói qua sinh hoạt của Mr.Ray. Ông là một giáo viên hồi hưu, cũng là người trợ tế trong các buổi lễ ở nhà thờ Catholic. Ông sống độc thân, ngày đêm đọc thánh kinh, nghe tin tức và xem tivi. Mr.Ray ở đây đã lâu. Có thể nói, ông là người "tiền phong" đến cư ngụ trong building này. Có lần ông cho tôi biết, trước đây ông mua unit này với giá 14,000 đô la, đến giờ giá cả lên tới gần 200,000 đô. Thế mới biết, ông là dân kỳ cựu ở vùng này...

Như tôi trình bày ở trên, tôi có thể xếp Mr.Ray vào loại láng giềng A 1. Ông sống rất mẫu mực, đạo đức. Hàng ngày, ông thường đến nhà thờ hoặc trường học để phụ giúp các cha thầy hay các giáo viên tiểu học. Có lẽ vì hồi xưa Mr.Ray dạy học, nên đến bây giờ ông vẫn còn yêu nghề ấy chăng" Về việc nội trợ trong nhà, ông thường tự lo nấu nướng mình ên. Bữa ăn của ông thật là thanh đạm. Vài cộng salad, nửa trái cà chua, một cặp sandwich, một miếng cheese là xong bữa. Ông ít uống sữa, chỉ uống nước trong sau khi ăn táo hoặc nho tráng miệng. Buổi trưa ông nghỉ ngơi, coi tivi một chút. Mr.Ray không có video để coi phim. Có lần tôi tò mò hỏi sao ông xài video thì ông chỉ trả lời vắn tắt là "không cần thiết". Ông thường phàn nàn vì giá cả thị trường đắt đỏ, vật giá leo thang... Kỳ thật, tôi thấy Mr. Ray chẳng mua sắm gì nhiều ngoại trừ khoai tây cà rốt, rau đậu. Đến đây chắc độc giả nghĩ rằng Mr.Ray là người Úc già xài kỹ! Không phải thế đâu! Xin quý vị chớ vội hiểu lầm! Tôi là người sống gần ông nên tôi biết về ông ấy rất rõ. Này nhé, hãy nhìn xem những người đi lạc quyên cho hội Hồng Thập Tự (Red Cross). Hãy để ý các anh em học sinh đến nhà Mr.Ray xin giúp đỡ, gây quỹ cho trường (Fund raising). Kìa là hội từ thiện đi xin thuốc men, áo quần để cứu trợ các nước gặp thiên tai, nghèo đói... Không bao giờ tôi thấy Mr.Ray ngoảnh mặt làm ngơ. Trái lại, lắm lúc ông giúp đỡ cho các hội đoàn còn nhiều hơn người khác....

Những buổi sáng đẹp trời, Mr.Ray thường dậy sớm đi bộ. Khi trở về, ông không quên đi một vòng quanh building nhặt rác. Nhiều lúc, thấy bậc thềm lắm bụi, Mr.Ray xách luôn cái xô và khăn lau, một mình lau lấy mấy bậc thềm sạch bóng. Các cư dân trong building, nếu ai làm mất vệ sinh là ông sửa sai tại chỗ. Dẫu thế, chẳng có ai phàn nàn ông, mà trái lại hầu hết mọi người đều quý mến và nể nang ông. Vì ông luôn luôn làm điều phải (do the right thing).

Riêng gia đình tôi may mắn được ở gần Mr.Ray. Trong khả năng của ông, ông sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi cần. Từ những ý kiến về việc giáo dục con cái, đến việc giao tế, luật pháp, ngân hàng... Mr.Ray đã trao đổi với chúng tôi như một người cố vấn không công, như người bạn thân trong cuộc sống. Tôi còn nhớ mãi lời khuyên bóng bảy, tế nhị của Mr.Ray có liên quan đến sức khỏe tôi. Số là một buổi tối hôm nọ, tôi sang nhà thăm ông. Thấy tôi, ông vào bên trong mặc vội chiếc áo tay dài rồi trở lại phòng khách, chúng tôi vừa nói chuyện vừa em tivi chương trình Burkes Backyard. Bỗng dưng ông hỏi tôi thích làm vườn không" Tôi trả lời: "Tôi thích". Rồi ông nói tiếp: "Người làm vườn thường không hút thuốc", và ông hỏi tôi biết tại sao không" Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã giải thích: "Tại chất Nicotin phá hoại Oxygen, phá luôn cả màu xanh cây lá, cuối cùng cây sẽ héo khô mà chết...". Đêm đó, về nhà tôi suy nghĩ, thảo nào mỗi lần thấy tôi hút thuốc, ông thường tránh đi nơi khác. Cũng từ dạo đó tôi bỏ thuốc lá. Dĩ nhiên sức khỏe tôi tốt hơn trước nhiều.

Sống gần Mr.Ray được vài năm, gia đình chúng tôi dọn về vùng South West. Rời khỏi một khu unit để kiếm mua một căn nhà vừa ý là một biến cố lớn đối với gia đình chúng tôi. Một số vấn đề đặt ra trước mặt: trường học xa ga xe lửa, thuận tiện cho công ăn việc làm hay không" Chúng tôi có nhiều chuyện phải lo. Một trong những nguyên tắc tìm mua nhà là "thà chọn căn nhà xấu trong vị trí tốt còn hơn căn nhà tốt trong vị trí xấu". Vị trí ở đây không những về địa lý, kinh tế, mà còn về mặt tương quan xã hội. Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi vẫn là "láng giềng". Thử tưởng tượng, căn nhà mình ở là một biệt thự nguy nga, đồ sộ mà chung quanh quy tụ một đám đầu trộm đuôi cướp, xì ke ma túy thì chắc là không êm rồi!

Cơ duyên đến với gia đình tôi. Căn nhà ở South-West, chung quanh chúng tôi, hàng xóm cũng là một tạp chủng như trước đây. Nhưng có điều may mắn là láng giềng Libăng đối diện nhà tôi là một gia đình sùng đạo. Theo tôi được biết, Mohamed Sam theo chính thống giáo (Orthodox). Hàng tuần, họ hàng bà con của Sam thường tụ tập ở nhà ảnh để làm lễ, cầu nguyện... Điều này chứng tỏ Sam là người có uy tín trong cộng đồng của anh.Sam có công ăn việc làm đàng hoàng chứ không như vợ chồng Ali. Cơ sở của Sam là một gagrage ở Bankstown. Hình như ảnh hùn hạp với bà con thì phải. Có lần tôi đã đến đó để tham quan cho biết. Tôi quen Sam vào một buổi sáng, khi tôi thay nhớt xe mình ên. Thấy thế, anh bèn đi qua ngỏ ý giúp tôi nếu tôi cầm. Sam còn nói với tôi khi nào xe có vấn đề gì, cho anh biết để anh giúp đỡ...

Bên cạnh nhà Sam là nhà của một người Ấn Độ. Tôi thường nghĩ dân này ít ra cũng phải là dân nhà giàu hoặc quý tộc từ Bombay qua đây chứ không vừa đâu. Căn nhà 2 story của ông Sing lộng lẫy double gagrage. Sing có đủ con trai con gái, có giáo dục, chào hỏi láng giềng rất lịch sự lễ phép... Hai bên nhà tôi là hai gia đình Úc. Cả hai có thể xếp vào loại láng giềng A 1. Tuy thế chúng tôi chơi thân với gia đình Maurice nhiều hơn nhà bên kia. Maurice tuổi ngoài 60, vợ ông đã qua đời cách đây bốn năm vì bịnh ung thư phổi. Nhà chỉ còn hai bố con côi cút. Cảnh "gà trống nuôi con" thật đáng thương làm sao! Nói về sức khỏe của hai bố con không lấy gì làm khả quan cho lắm. Bố thì mắc đủ thứ bệnh. Còn đứa con trai tên Berri tuổi chừng bốn mươi mà khi đi phải chống gậy. Số là trước đây, Berri là một tay "motorist". Hồi xưa Berri cũng vang bóng một thời, tung hoành ngang dọc nào có thua kém ai đâu. Nhưng sau một tai nạn xe cộ, cuộc đời của Berri từ một thanh niên mạnh khỏe đã trở thành người tàn phế (handicafted). Cả hai bố con hiện là Pensioners.

Vì là chỗ "cận lân" nhà sát bên hông, lại có nhiều quan hệ mật thiết hàng ngày nên khi nói đến hàng xóm láng giềng, là tôi nghĩ đến gia đình Maurice nhiều nhất. Maurice gốc gác là một chiến sĩ hải quân, thuộc quân đội Hoàng Gia Úc. Trong quá khứ ông đã từng tham chiến ở Long Tân, Bà Rịa (Phước Tuy) Việt Nam khoảng cuối năm 1968-1969. Cũng vào thời điểm này tôi cũng đã tham dự nhiều cuộc hành quân ở Núi Dinh, Xuyên Mộc. Biết đâu 30 năm trước, Maurice và tôi đã có lần hành quân chung với nhau" Thế nên khi biết Maurice là một chiến hữu tôi càng có cảm tình với gia đình ông ta nhiều hơn...

Như tôi vừa nói, láng giềng Maurice thuộc loại A 1 nên gia đình tôi rất hài lòng được ở cạnh ông. Sau đây là một vài chi tiết tôi kể ra để độc giả biết thêm loại A 1 như thế nào"

Hễ mỗi lần có ai đến nhà tôi lúc tôi vắng nhà, khi trở về là Maurice vội vàng báo cáo. Nào là xe màu gì" Mang bảng số gì" Đến nhà tôi lúc mấy giờ. Mọi chi tiết đều được ghi trên giấy để đưa cho tôi đọc. Có lần tôi phát giác ông đã ghi số xe của cậu tôi... Tôi chỉ mỉm cười cảm ơn Maurice!

Năm rồi, tôi đi xuyên bang một tuần lễ để thăm bà con. Thế là ở nhà, Maurice tự động đem máy qua cắt cỏ cho sân nhà tôi. Để đáp lại lòng tốt của ông, mỗi lần đi chợ cuối tuần, chúng tôi không quên mua biếu bố con Maurice một ít trái cây, hoặc một món ăn Việt Nam. Được thưởng thức món lạ, hai bố con cảm ơn rối rít. Tôi còn nhớ rõ, vào dịp Mother Day năm nọ, Maurice đến một Spot Club ở Bass Hill để chơi Raffle. Gần nửa đêm ông trở về bằng xe Taxi, qua gõ cửa nhà tôi. Ông khệ nệ khiêng một chiếc giỏ lớn đầy quà cáp. Thấy chúng tôi ông vội chúc mừng: "Happy mother day". Rồi ông chỉ vào món quà và giải thích: "Đây là giải nhất trong cuộc xổ số mà tôi thắng được, cũng là giải dành cho mummy, nhưng nhà tôi mummy đã mất, nên tôi đem tặng các bạn đây."

Thế là vợ tôi lãnh trọn phần quà Mother Day năm đó...

Riêng báo Geography và Daily Telegraph, mỗi buổi sáng, sau khi đọc xong ông không quên "bàn giao" lại trên bậc thềm nhà tôi trước 8 giờ. Mặc dù đọc báo sau ông Maurice, nhưng tôi khỏi mất công order hay đi mua báo hàng ngày. Còn chuyện đổ rác hàng tuần, cũng là lý do thắt chặt tình láng giềng chúng tôi. Vào một buổi sáng hôm nọ, Berri vai mang túi rết, tay chống gậy ra cây xăng mua báo. Khi trở về khập khiễng đẩy thùng rác nhà tôi từ ngoài đường đi vào. Ngay lúc đó tôi vừa đi ra, thấy thế tôi bảo Berri: "Cảm ơn bạn! Nhưng đây không phải là việc của bạn, mà là của tôi. Từ nay về sau, bạn hãy để tôi làm! Tôi sẽ lấy giùm thùng rác cho bạn nữa! O.K." Ấy thế mà vẫn có nhiều lần, hai bố con Maurice dậy sớm "tranh thủ" làm việc đó thay tôi...

Có những weekend đẹp trời, chúng tôi ngồi uống trà chung. Hoặc qua nhà Maurice hoặc ở backyard của tôi. Những lúc này, Maurice và tôi thường nói chuyện quá khứ. Quân đội hoàng gia, quân lực VNCH, chiến trận Long Tân, hành quân Bà Rịa... Những lần như thế chúng tôi không khỏi bùi ngùi với dĩ vãng. Hàng năm, vào dịp ANZAC Day là chúng tôi thường mang tâm trạng buồn buồn làm sao ấy.

Thế rồi việc gì đến, phải đến. Maurice...phải... ra đi. Chuyện xảy ra đúng vào dịp ANZAC Day vừa rồi. Vào một buổi sáng, tôi thức dậy ra sân vươn vai hít thở, thì chợt thấy chiếc xe Ambulance đậu trước nhà Maurice. Tôi vội vàng chạy qua thăm hỏi. Lúc đó, có hai nhân viên bệnh viện vào tận phòng ngủ dìu Maurice ra xe. Tôi chưa kịp hỏi thăm ông, thì ông đã thì thào mấy tiếng: "...Very...very... bad! Mate"! Chỉ nói được bấy nhiêu, thì cửa xe cũng khép lại. Ở nhà, tôi vẫn qua lại thăm hỏi Berri để biết tin. Hôm sau, Berri cho tôi hay Maurice phải đưa đi giải phẫu cấp cứu ở bệnh viện Westmead. Đấy là lần giải phẫu thứ hai vì chứng sạn thận của ông. Lúc bấy giờ tôi thấy trên mặt Berri lộ vẻ đăm chiêu tư lự. Anh ta buồn rầu và lo lắng... hai mắt đỏ ngầu. Nhìn Berri tôi vô cùng ái ngại. Tôi thầm cầu nguyện cho Maurice tai qua nạn khỏi... để còn chăm sóc Berri, và làm bạn chuyện trò với tôi...

Qua hai hôm sau, một buổi sáng tôi vừa bước ra sân thì thấy một người lạ đi đi lại lại trước nhà Maurice. Tôi vừa hello thì ông ta tự giới thiệu ông là con rể của Maurice vừa bay từ Melbourne đến đây hôm qua, vì vừa nhận được tin Maurice qua đời! Nghe hung tin, tôi bàng hoàng, có cảm giác như vừa mất một người bạn thân của gia đình mình vậy.

Tang lễ của Maurice được cử hành trọng thể trong Chapel-Rookwood, với sự tham dự đông đảo của các cựu chiến binh Úc-Việt và nhiều thân hữu trong hội quán RSL. Đúng 9 giờ hôm đó, mọi người vào dự lễ đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Maurice. Nhìn những chiếc huy chương đính trên lá cờ Úc, bỗng dưng tôi liên tưởng đến những chiến hữu Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh vì chính nghĩa quốc gia trước năm 1975. Vị linh mục chủ trì kể công trạng, hạnh kiểm của Maurice... Sau đó là bài điếu văn, rồi... tiếng kèn truyền thống tiễn đưa ông lần cuối. Khoảng 10 giờ sáng, buổi lễ hoàn tất. Chiếc màn the từ từ kéo lại. Linh cữu Maurice được đưa qua một phòng thiêu (Crematorium). Kẻ sụt sùi, người ngậm ngùi vẫy tay vĩnh biệt. Berri nức nở như một đứa trẻ...

Đây là lần đầu tiên tôi đi dự đám tang của một người Úc trên quê hương thứ hai này. Trên đường về nhà, tôi trầm ngâm suy nghĩ. Vòng tử sinh nào ai thoát được. Dẫu biết thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy như mình bị mất mát một cái gì... một cái gì quý giá... thanh thương trong đời...Đúng! Tôi đã mất thêm một chiến hữu và là... một láng giềng...

V.T.Tôn - NSW

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.