Hôm nay,  

Diễn Văn Của Tổng Thống Clinton Tại Đại Học Quốc Gia Việt Nam, Hà Nội - Phần I

02/12/200000:00:00(Xem: 4382)
LTS: Tháng 11 vừa qua, người Việt khắp nơi trên thế giới đều hồi hộp phỏng đoán, chờ đợi, theo dõi và rút tỉa những bài học quanh chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Clinton. Trên bình diện lịch sử, chuyến viếng thăm của ông đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối bang giao giữa hai quốc gia. Trên phương diện ngoại giao và chính trị, nhiều người cho rằng chuyện viếng thăm của một tổng thống vào thời điểm chỉ còn 8 tuần lễ là hết nhiệm kỳ, chắc chắn không hứa hẹn những thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, trên phương diện nhân tâm, chuyến viếng thăm của tổng thống Clinton quả thực đã tạo nên những thay đổi vô cùng lớn lao trong tâm hồn và trí óc của 80 triệu dân Việt Nam. Theo dõi chuyến viếng thăm VN của tổng thống Clinton, ta phải thừa nhận, lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại, chưa có một lãnh tụ nào, dù là lãnh tụ người Việt hay lãnh tụ ngoại quốc, có được sự tiếp đón nhiệt thành và chân tình như tổng thống Clinton. Nhìn những gương mặt tươi rạng rỡ, những nụ cười rộng mở, những ánh mắt ngời sáng, những bày tay cố vươn... của đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, nhất là thanh niên nam nữ, dành cho tổng thống Clinton, ta không thể không xúc động, ngạc nhiên đến độ bàng hoàng, thảng thốt... Rõ ràng, tình cảm tốt đẹp của người dân Việt Nam dành cho tổng thống Clinton không chỉ bắt nguồn từ lòng hiếu khách, mà còn biểu lộ niềm khao khát tự do vô bờ bến, và lòng ngưỡng mộ chân thành dành cho thể chế tự do dân chủ mà tổng thống Clinton là một biểu tượng cụ thể, bằng xương bằng thịt. Rõ ràng, khi người dân Việt Nam phải sống trong một xã hội không có tự do dân chủ, dưới sự kìm kẹp của chế độ cộng sản, niềm khao khát đó, lòng ngưỡng mộ đó đã được nhân lên gấp bội. Và như vậy, qua chuyến viếng thăm VN của tổng thống Clinton ta mới thấy mọi sự tuyên truyền, nhồi sọ, bôi nhọ "đế quốc Mỹ" của cộng sản trong suốt nửa thế kỷ qua tại Miền Bắc và phần tư thế kỷ qua tại Miền Nam, đều trở thành vô hiệu. Hiển nhiên, sau chuyến viếng thăm của tổng thống Clinton, cộng sản VN cũng đã nhận ra sự dại dột qua ba điểm then chốt. Thứ nhất, cộng sản đã ấu trĩ mời ông viếng thăm VN. Thứ hai, cộng sản đã ngu ngốc để người dân VN đón tiếp ông. Và thứ ba, cộng sản đã đần độn để tổng thống Clinton nói chuyện với sinh viên, học sinh tại viện đại học quốc gia Hà Nội, và cho truyền hình trực tiếp buổi nói chuyện đó.

Nhận thấy bài diễn văn của tổng thống Clinton có một giá trị đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam cũng như tương lai tự do dân chủ tại Việt Nam, sau đây, Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả nguyên văn bài diễn văn của ông.

*

Chào các bạn, và chân thành cảm ơn các bạn. Thưa các bạn, quả thực, tôi thấy không có một nơi nào thích hợp hơn là Đại học Quốc gia Việt Nam để tôi bắt đầu một chuyến viếng thăm vào một thời điểm tràn đầy hy vọng của lịch sử bang giao giữa hai nước chúng ta. Tôi đã được dạy một câu chào bằng tiếng Việt, và tôi sẽ cố gắng nói câu đó ngay bây giờ. Nhưng nếu tôi đọc sai, các bạn cứ việc cười thoải mái... "Xin chào các bạn!" (vỗ tay)

Các bạn thân mến, bao nhiêu hứa hẹn của quốc gia trẻ trung này được tích lũy nơi đây. Và tôi cũng biết rằng các bạn có những chương trình trao đổi với gần 100 đại học, từ Canada sang Pháp và Hàn Quốc. Các bạn cũng đang tiếp đón 12 sinh viên từ Đại học California Hoa Kỳ hiện đang học tại đây.

Tôi chào mừng nỗ lực của các bạn trong việc bắt tay với cộng đồng thế giới. Dĩ nhiên, như sinh viên khắp nơi trên thế giới, tôi cũng biết rằng các bạn còn bận tâm nhiều chuyện khác ngoài việc đèn sách. Ví dụ: vào tháng 9, các bạn vừa học vừa theo dõi thành tích của cô Trần Hiếu Ngân tại Sydney. Và tuần này, các bạn lại vừa học vừa ủng hộ cho các anh Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hồng Sơn tại cuộc tranh tài bóng đá tại Bangkok. (vỗ tay)

Tôi hân hạnh là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Hà Nội và thăm trường đại học này. Tôi làm như thế vì ý thức được rằng, lịch sử giữa hai quốc gia chúng ta là một lịch sử gắn bó, bao gồm cả những đau thương của các thế hệ đã qua lẫn cả những hứa hẹn tốt đẹp cho các thế hệ sắp tới.

Cách đây 2 thế kỷ, trong những ngày tháng khai sinh của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cha ông chúng tôi đã vượt biển tìm đối tác mậu dịch và một trong những nước tiếp cận lúc đó là Việt Nam. Quả thật, cách đây 200 năm, một trong những nhà lập quốc Hoa Kỳ, ngài Thomas Jefferson, đã tìm cách mua hạt giống gạo Việt Nam để trồng trên nông trại của ông tại Virginia. Cho đến khi thế chiến thứ hai xảy ra, Hoa Kỳ đã là xứ tiêu thụ hàng xuất khẩu đáng kể từ Việt Nam. Vào năm 1945, lúc quốc gia của các bạn được thành lập, những ngôn từ của Thomas Jefferson đã được chọn để vang vọng trong bản Tuyên ngôn Độc lập của các bạn: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã cho chúng ta những quyền bất khả xâm phạm: đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."

Dĩ nhiên, tất cả lịch sử chung dài 200 năm này, đã bị lu mờ trong vài thập niên vừa qua bởi một cuộc xung đột chúng tôi gọi là Chiến tranh Việt Nam và các bạn gọi là Chiến tranh chống Mỹ. Các bạn chắc biết rằng ở Washington D.C., Quảng trường Quốc gia chúng tôi, có một bức tường đá đen, khắc tên những người Mỹ Hoa Kỳ đã bỏ mình tại Việt Nam. Tại tượng đài oai nghiêm này, một vài cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng nhắc đến "mặt bên kia của bức tường" đó là sự hy sinh chồng chất của toàn thể nhân dân Việt Nam hai miền trong cuộc xung đột đó - gồm hơn 3 triệu thường dân và chiến sỹ dũng cảm.

Sự đau khổ chung này đã cho hai quốc gia chúng ta một quan hệ không giống bất cứ quan hệ nào khác. Bởi vì sự xung đột này, Hoa Kỳ bây giờ là quê hương của 1 triệu người Việt Nam. Bởi vì sự xung đột này, 3 triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ đã phục vụ tại Việt Nam, cũng như nhiều nhà báo, nhân viên đại sứ quán, nhân viên cứu trợ và nhiều người Mỹ khác, đã mãi mãi gắn liền với quốc gia của các ban.

Cách đây gần 20 năm, một nhóm chiến binh Hoa Kỳ đã bước những bước chân đầu tiên để tái lập mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Họ trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ cuộc chiến, và khi họ đi trên những đường phố Hà Nội, nhiều người Việt Nam biết họ đến thăm đã đến gần hỏi họ: "Các ông là lính Mỹ có phải không"" Không chắc chuyện gì sẽ xảy ra, những cựu chiến binh của chúng tôi trả lời: "Đúng vậy!" Và rồi họ cảm thấy thật nhẹ nhõm khi những người Việt Nam nói với họ một cách giản dị: "Chào mừng các ông tới Việt Nam!"

Tiếp theo là nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ đã đặt chân đến đất nước của các bạn, trong đó có cả những cựu chiến binh nổi tiếng và những anh hùng hiện đang phục vụ tại Hạ viện hoặc Thượng viện Hoa Kỳ như Nghị sỹ John McCain, Nghị sỹ Bob Kerrey, Nghị sỹ Chuck Robb, và Nghị sỹ John Kerry của tiểu bang Massachusett, là người có mặt tại đây với tôi hôm nay, cùng một số dân biểu của quốc hội, trong đó có vài người là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.

Khi họ đến đây, họ đã nhất quyết vinh danh những người tham chiến mà không khơi lại cuộc chiến; để nhớ kỹ lịch sử của chúng ta, nhưng không kéo dài nó mãi mãi; để cho những người trẻ như các bạn tại hai quốc gia chúng ta có một cơ hội sống trong tương lai, chứ không phải quá khứ. Đúng như Đại sứ Pete Peterson đã nói, "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Những gì chúng ta có thể thay đổi được là tương lai."

Mối quan hệ mới của hai quốc gia chúng ta trở nên thuận lợi hơn khi cựu chiến binh Hoa Kỳ thành lập những tổ chức thiện nguyện giúp đỡ nhân dân Việt Nam, chẳng hạn như cung cấp những dụng cụ cho những người bị thương tích chiến tranh để giúp họ sống một cuộc sống bình thường. Sự sẵn lòng của Việt Nam giúp chúng tôi bằng cách trao trả hài cốt những quân nhân Mỹ đã là sự thúc đẩy lớn nhất để cải tiến mối quan hệ. Và có rất nhiều người Hoa Kỳ tại đây đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực đó, gồm cả Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh của chúng tôi, Hershel Gober.

Lòng mong muốn để được tái hợp với thân nhân thất lạc là một điều mà tất cả chúng ta đều hiểu. Nhiều người Hoa Kỳ rất cảm động khi biết rằng chương trình truyền hình người Việt Nam xem nhiều nhất vào mỗi chủ nhật là chương trình nhờ khán giả giúp họ tìm kiếm những thân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Và chúng tôi mang ơn những người dân làng Việt Nam đã giúp chúng tôi tìm kiếm những người mất tích của chúng tôi và vì thế tạo được sự ổn định tinh thần cho những gia đình Hoa Kỳ khi họ biết rằng chuyện gì thật sự đã xảy ra đối với thân nhân của họ.

Chưa bao giờ trên thế giới có hai quốc gia nào làm những chuyện mà chúng ta đang làm để tìm kiếm những người mất tích của cuộc xung đột Việt Nam. Rất nhiều người Hoa Kỳ và Việt Nam làm việc cùng nhau, đôi khi tại những nơi khó khăn và nguy hiểm. Chính phủ Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu và thông tin để hỗ trợ cuộc tìm kiếm của chúng tôi. Đáp lại, chúng tôi đã trao cho Việt Nam gần 400.000 trang tài liệu để trợ giúp cuộc tìm kiếm những người mất tích của các bạn. Trong chuyến thăm này, tôi mang thêm 350.000 trang tài liệu mà tôi hy vọng sẽ giúp những gia đình Việt Nam tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy đến với những thân nhân mất tích của họ.

Hôm nay, tôi đã hân hạnh trao những tài liệu đó cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tôi cũng nói với ngài rằng, từ nay đến cuối năm, Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 1 triệu trang tài liệu nữa. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giúp đỡ và kêu gọi sự giúp đỡ của các bạn khi cả hai chúng ta giữ lời cam kết là làm bất cứ chuyện gì ta có thể làm được cho đến bất cứ khi nào để đạt được một thống kê đầy đủ nhất về thân nhân chúng ta.

Sự hợp tác của các bạn trong sứ mạng đó trong 8 năm vừa qua đã khiến Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong việc vay tiền từ các cơ quan tài chánh quốc tế, tái lập mậu dịch giữa hai quốc gia chúng ta, thiết lập mối quan hệ ngoại giao bình thường và ký Hiệp định Thương mại năm nay.

Sau cùng, như dân tộc các bạn đã tha thiết mong mỏi trong bao nhiêu năm qua, chúng tôi coi Việt Nam là một quốc gia, chứ không phải là một bãi chiến trường. Một quốc gia với tỷ lệ biết chữ cao nhất ở Đông Nam Á; một quốc gia mà giới trẻ vừa đoạt được những huy chương vàng tại Thế vận hội Toán học Quốc tế Seoul; một quốc gia của những doanh gia tài năng, tận tuỵ đang xuất hiện sau những năm xung đột và bất trắc, để nhào nặn một tương lai sáng lạn.

Hôm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu một giai đoạn mới trong mối quan hệ của hai quốc gia, vào lúc mọi người trên toàn thế giới buôn bán nhiều hơn, đi lại nhiều hơn, biết nhau nhiều hơn và nói chuyện với nhau nhiều hơn bao giờ hết. Ngay cả khi mỗi người tự hào về nền độc lập của quốc gia mình, chúng ta đều biết rằng càng ngày chúng ta càng trở nên lệ thuộc vào nhau hơn. Thành thật mà nói, sự giao lưu con người, tiền bạc và tư tưởng xuyên qua các biên giới, đã gieo rắc sự lo ngại chính đáng trong lòng những thiện dân của mọi quốc gia. Họ lo lắng về xu hướng toàn cầu hóa bởi vì những xáo trộn, những hậu quả bất ổn không lường trước có thể xảy ra, hậu quả của xu hướng này.

Nhưng, xu hướng toàn cầu hóa không phải là một thứ mà chúng ta có thể ngăn cản hoặc loại trừ được. Xu hướng này cũng giống như sức mạnh của tự nhiên, như gió hoặc nước. Chúng ta có thể dồn gió cho căng buồm. Chúng ta có thể dùng nước để tạo ra năng lượng. Chúng ta có thể cố gắng làm việc để bảo vệ nhân dân và tài sản tránh bão và lũ lụt. Nhưng chẳng lợi ích gì khi chúng ta phủ nhận sự hiện hữu của gió và nước, hoặc tìm cách loại bỏ gió hoặc nước. Xu hướng toàn cầu hoá cũng thế. Chúng ta có thể nỗ lực để tối đa hoá lợi ích và giảm thiểu những rủi ro, nhưng chúng ta không thể bác bỏ nó, và chắc chắn xu hướng này sẽ không biến mất.

Trong thập niên qua, khi số lượng buôn bán trên thế giới đã tăng gấp đôi, số lượng đầu tư từ những quốc gia giàu có vào những quốc gia đang phát triển đã tăng sáu lần, từ 25 tỷ đô la vào năm 1990 lên đến hơn 150 tỷ đô la vào năm 1998. Những quốc gia mở rộng cánh cửa nền kinh tế của họ cho hệ thống mậu dịch quốc tế đã tăng trưởng nhanh ít nhất gấp đôi so với những quốc gia có nền kinh tế khép kín. Công ăn việc làm của các bạn trong tương lai rất có thể tuỳ thuộc vào mậu dịch và đầu tư của nước ngoài. Nói đến đây, khi mà chỉ còn 8 tuần nữa sẽ mãn nhiệm kỳ tổng thống, tôi tin là việc làm sau này của tôi sẽ tùy thuộc vào mậu dịch và đầu tư.

Trong 15 năm qua, Việt Nam đã phát động chính sách Đổi Mới, gia nhập APEC và ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Cộng đồng Châu Âu và Hoa Kỳ, và giải thể hợp tác xã nông nghiệp, để nông dân tự do trồng những loại gì mà họ muốn và thu nhập trên chính thành quả lao động của họ. Những kết quả đó là minh chứng hùng hồn nhất về sức mạnh thị trường và khả năng đa dạng của nhân dân các bạn. Các bạn không chỉ khống chế được sự suy dinh dưỡng, các bạn còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và đã đạt được sự phát triển kinh tế toàn diện mạnh hơn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế có chậm lại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có giảm đi, điều này cho thấy rằng bất kỳ sự cố gắng nào nhằm tránh những rủi ro của một nền kinh tế toàn cầu thì sự cố gắng đó cũng làm cho nền kinh tế quốc gia bị loại khỏi những phần thưởng do nền kinh tế toàn cầu mang lại.

Vào mùa hè năm nay, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nói, và tôi xin được trích dẫn nguyên văn, "Chúng tôi chưa đạt được tầm phát triển xứng với các khả năng của đất nước chúng tôi. Và chỉ có một cách duy nhất là mở cửa hơn nữa nền kinh tế." Nên trong mùa hè năm nay, điều mà tôi tin tưởng sẽ được xem là một bước trọng yếu trong sự thịnh vượng tương lai của các bạn, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một hiệp định thương mại song phương lịch sử, xây dựng một nền tảng để Việt Nam cuối cùng gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới.

Theo Hiệp định này, Việt Nam sẽ cho phép các công dân của mình, và dần dần sẽ cho phép công dân của các nước khác, các quyền được nhập khẩu, xuất khẩu và phân phối hàng hoá; cho người dân Việt Nam các quyền mở rộng để quyết định vận mệnh kinh tế của chính họ. Việt Nam đã đồng ý sẽ đưa ra các quyết định quan trọng của mình theo quy tắc của luật lệ và hệ thống mậu dịch quốc tế, tăng cường nguồn thông tin tới mọi người dân, và tăng cường sự thăng tiến của nền kinh tế tự do và khu vực tư nhân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.