Hôm nay,  

Người Tù Kiệt Xuất (phần 1)

18/11/200100:00:00(Xem: 6272)
LTS: Tối Thứ Sáu tuần tới, 30/11, vào lúc 7 giờ tối, tại Nhà Hàng Crystal Palace, Canley Heights, sẽ có một đêm họp mặt văn nghệ với mục đích "cứu trợ nạn nhân bão lụt tại quê nhà", do một số Bác sĩ cùng Nhạc sĩ Phạm Quang Ngọc và Nhà báo Gia Du tổ chức. Đặc biệt, trong đêm họp mặt sẽ có phần ra mắt cuốn bút ký "Bè bạn gần xa" của nhà văn Phan Lạc Phúc.

Nhà văn Phan Lạc Phúc là người được đông đảo độc giả tại Việt Nam cũng như hải ngoại ái mộ qua các bút hiệu: Ký Giả Lô Răng, Tường Huân, Huy Quân, Thiên Chương, Thiên Khải và Phan Lạc Phúc. Nhất là với bút hiệu Ký Giả Lô Răng, cách đây mấy chục năm, ông được đông đảo đồng nghiệp thừa nhận là đã có công sáng lập thể loại "tạp ghi" trong báo chí Việt ngữ, một thể loại trong đó vừa có những sự kiện khách quan nóng hổi mang tính thời sự, vừa có những suy tư, những thao thức, băn khoăn của tác giả, lại vừa có cái giá trị của văn chương, của nghệ thuật, cái giá trị mà nhà văn Võ Phiến đã đánh giá "là mỹ văn". Và chính vì cái "mỹ văn" đó, ngay từ thập niên 1960, nhà văn Mai Thảo đã hơn một lần tâm sự: Ký Giả Lô Răng là người đã có công mang vô cái thế giới sô bồ, hối hả có tính "mì ăn liền" của báo chí, cái đẹp, cái mẫn cảm, đầy xúc động và có giá trị vĩnh cửu của văn chương.

Cũng chính vì cái giá trị "mỹ văn" trong những bài viết của nhà văn Phan Lạc Phúc, nên nhiều người, trong đó có cả những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tại Việt Nam và hải ngoại, ước mong được thấy những bài viết trên báo suốt mấy chục năm qua của nhà văn Phan Lạc Phúc được in thành sách, để người đọc xa gần có được cơ hội đã đọc rồi nay được đọc lại, đã đọc lại rồi sẽ còn được đọc lại nữa, để được thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái mẫn cảm đầy xúc động của văn chương mà nhà văn Phan Lạc Phúc đã tài tình thể hiện.

Bắt nguồn từ những ước mong chân thành đó, tác phẩm "Bè bạn gần xa" của nhà văn Phan Lạc Phúc đã đến tay bạn đọc, và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mấy tháng trời, tác phẩm đã được sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo độc giả tại Mỹ, tại Gia Nã Đại... Riêng tại Úc, tác phẩm vừa được tái bản và sẽ ra mắt độc giả vào tối Thứ Sáu tuần tới, 30/11.

"Bè bạn gần xa" gồm 36 bài bút ký, nội dung tuy dài ngắn khác nhau, nhưng qua đó, tác giả đã phác họa một cách linh động và tài tình đời sống, tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam trải qua những nghiêng ngửa của lịch sử, của đất nước sau biến cố 4.75. Nhưng vượt lên trên những phác họa thành công có tính tả chân, những bài bút ký của nhà văn Phan Lạc Phúc còn có giá trị giúp cho độc giả thấy được niềm tin cao cả, sức mạnh vô biên và ý chí bất khuất của những người lính VNCH, giữa thế giới tù ngục CS đầy thù nghịch, tàn nhẫn và phi nhân tính.

Bài bút ký "Người tù kiệt xuất" sau đây trích trong tác phẩm "Bè bạn gần xa" sẽ cho qúy độc giả thấy được, sức mạnh vô biên của niềm tin, của chính nghĩa, đã giúp người Biệt Kích Dù không những sống kiên cường bất khuất trong rừng gươm biển giáo của lòng thù hận, mà còn có khả năng cảm hóa được cả kẻ thù CS.

Sàigòn Times xin chân thành cảm ơn nhà văn Phan Lạc Phúc, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài bút ký "Người tù kiệt xuất".

*

Biệt Kích Dù

Tôi đã nhiều lần định viết về những người tù kiệt xuất của Quân Lực VNCH: những anh em Biệt kích dù, những người "từ trên trời rơi xuống", nhưng tôi cứ lần lữa mãi. Lười biếng thì chỉ có một phần. Lý do chính yếu là những người bạn tù mà tôi bội phần cảm phục ấy đang ở trong một tình trạng hết sức khó khăn. Chúng tôi đi cải tạo sau tháng 4 đen 1975, dù đớn đau, khổ nhục đến đâu, vẫn có tên, có tuổi, hàng tháng, hằng quý vẫn còn liên lạc được với gia đình. Anh em, bè bạn ở nước ngoài vẫn còn có chút âm hao để mà theo dõi. Những anh em Biệt kích dù thì đúng là "thượng diệt, hạ tuyệt" -không có quân bạ, quân số, không có tên có tuổi nào được dăng ký, không có chính phủ nào, quân đội nào công nhận có những người lính ấy ở dưới tay. Không được liên lạc với ai, coi như không còn hiện diện ở trên trái đất. Ở trên trời rơi xuống Bắc Việt vào đầu thập niên 60 thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những anh em Biệt kích dù đã tham dự một cuộc chiến tranh tối mật (secret war). Những người tình nguyện tham gia cuộc chiến này đã tự coi mình đã chết; Nhảy xuống, tìm được địa bàn hoạt động, trà trộn được, ẩn giấu được là sống là thi hành xong nhiệm vụ, nếu bị lộ, bị bắt, bị giết thì "Anh tự lo liệu cho cái thân anh, không có cơ quan nào, tổ chức nào đứng ra can thiệp hay bảo trợ cho anh được". Những người tù "đứt dây rơi xuống" này không được hưởng chút quyền lợi nào từ quy chế tù binh (Genève); các cơ quan nhân đạo quốc tế như Hội Hồng Thập Tự, Hội Ân Xá Quốc Tế cũng không biết làm sao can thiệp vì các anh đâu có quân bạ, quân số, đâu có tên tuổi được đăng ký hợp pháp ở một chính phủ nào.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa (thời tổng thống Ngô Đình Diệm), nghe nói đại tá Lê Quang Tung, em là thiếu tá Lê Quang Triệu phụ trách công tác này. Ở đằng sau có cơ quan tình báo hay phản gián nào của Mỹ yểm trợ hay không, điều này ai cũng hiểu là phải có, nhưng cơ quan nào: CIA hay thuộc cơ quan tình báo Ngũ Giác Đài, không ai dám đoan chắc, mà cũng không ai dám biết.

Nghe nói những người được tuyển chọn vào Biệt Kích dù tham gia vào cuộc chiến tranh tối mật, ngoài những khả năng đặc biệt về nghiệp vụ như tình báo, truyền tin, phá hoại, trà trộn dưới đồng bằng, ẩn giấu trong rừng sâu, chiến đấu với đối phương, với bịnh tật với thiên nhiên, được trang bị thật kỹ từ A đến Z về mưu sinh thoát hiểm, họ còn phải là những người tuyệt đối tin tưởng vào quốc gia, lãnh tụ. "Sống không rời nhiệm vụ, chết không bỏ lập trường" đó là vũ khí chung của anh em Biệt kích...

Như mọi người đã biết, cuộc chính biến 1 tháng 11 năm 1963 đã làm sụp đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa, anh em tổng thống Ngô Đình Diệm bị hạ sát; người rất thân tín, người ủng hộ đến cùng anh em tổng thống Diệm là anh em đại tá Lê Quang Tung, thiếu tá Lê Quang Triệu tất nhiên cũng bị triệt hạ theo. Các anh em Biệt kích dù sau tháng 11 năm 1963, khi anh em tổng thống Diệm chết đi, khi anh em người chỉ huy chiến dịch Lê Quang Tung - Lê Quang Triệu bị hạ sát, đã rơi vào tình trạng rắn mất đầu. Sự tan vỡ như thế là không tránh khỏi. Không biết có một sự kiện "vỡ kế hoạch" vô tình hay cố ý nào không, nhưng các anh em Biệt kích dù ra Bắc lần lượt bị phát giác bị truy bức, bị giết và bị bắt. Không ai biết rõ hay là biết mà không dám nói ra, đã có bao nhiêu Biệt kích dù ra Bắc, công trạng họ lập nên được những gì" Bao nhiêu người sống, bao nhiêu người chết" Chiến tranh tối mật nên những người thực hiện sống hay chết đều nằm trong bóng tối. Đó là quy luật của cuộc chơi. Một cuộc chơi quyết liệt và tàn nhẫn. Có nhiều người cho rằng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, người có công nhất chưa chắc đã là viên thống soái chỉ huy ba quân tướng sĩ, mà người có công nhất có thể là người chiến sĩ vô danh chết chồng đống trong chiến hào, chết âm thầm trong rừng sâu, chết lạnh lùng dưới biển. "Gươm anh linh, biết bao lần vấy máu, còn xác xây thành, thời gian luống vô tình" (Chiến sĩ vô danh - Phạm Duy). Thời gian cũng như lòng người, đều vô tình như nhau. Nào ai còn nhớ trong biết bao nhiêu người chiến sĩ Biệt kích dù ra Bắc đầu thập niên 60 năm ấy, ai còn, ai mất"

Năm 1980 khi lũ tù cải tạo chúng tôi đến huyện Như Xuân chốn rừng sâu Thanh Hóa, gần biên giới Lào, chúng tôi thấy đây là một trại tù mới dựng giữa rừng sâu. Trước đó, chắc trại Thanh Phong này chưa có tên trên bản đồ các trại tù miền Bắc. Đây là trại tù ẩn giấu, nơi giam giữ những tù nhân "ẩn giấu". Lũ tù cải tạo chúng tôi đến đây, thuộc loại được đánh giá là "ác ôn nợ máu" gồm thành phần An ninh, Phòng Nhì, Trung ương tình báo, Chiến tranh chính trị, Bình định nông thôn... thành phần mà "Cách mạng" cho rằng có liên hệ với CIA. Nhưng so với anh em tù nhân lưu cựu ở đây thì anh em chúng tôi chưa có ký lô nào hết. Chúng tôi ở phân trại mới K2, phân trại chính và có mặt ở đây trước là K1, nơi giam giữ tù nhân kêu bằng CIA, nhưng thực ra chính là anh em Biệt kích dù từ đầu thập niên 60 đã nhảy dù ra Bắc.

Lũ chúng tôi mới tới được đưa ra tắm suối. Chợt gặp 2 người, lưng mang dao quắm, khiêng mỗi người một bó nứa khá to. Hai người đặt bó nứa xuống và hỏi: "Các bác mới ở Tân Lập, Vĩnh Phú xuống"" Chúng tôi gật đầu đồng ý. Hai người liền lật đật đứng nghiêm, giơ tay chào theo đúng lễ nghi quân cách mà đồng thanh nói: "Chúng em là Biệt kích dù đây".

Chúng tôi vừa xúc động, vừa hoang mang chưa biết nói năng gì thì một người vừa giơ ống tay áo lên lau mắt vừa nghẹn ngào: "Gần hai mươi năm nay chờ đợi các anh. Không ngờ lại gặp các anh trong tình cảnh này, đau đớn quá".

Anh em Biệt kích dù về miền thượng du Thanh Hóa, gần biên giới Hạ Lào này trước chúng tôi chừng vài năm, sau khi đã trải qua những năm tháng tù đầy khốn khổ ở những trại tù rùng rợn vùng biên giới phía Bắc: Trại Cổng Trời Hà Giang, trại "Mục Xương" Cao Bằng hay trại Sơn La "âm u núi khuất trong sương mù". Nếu quân "bành trướng Trung Hoa" không tấn công 6 tỉnh miền Bắc sát biên giới hồi đầu 1979 thì có lẽ anh em Biệt Kích Dù vẫn còn quẩn quanh nơi núi rừng phía Bắc. Ở đâu anh em cũng bị "cất giấu" chốn rừng sâu, cách biệt hẳn với loài người. Một anh Biệt Kích Dù nói với tôi: "Coi như ở đây, trại Thanh Phong này là tụi em được gần gũi với "nhân dân" nhiều nhất. Cũng vì thế nên mới được gặp các anh ngày hôm nay" Trong số các anh em Biệt Kích Dù ở trại Thanh Phong năm ấy (1980) người tù lâu nhất là 20 năm, người ít nhất là 17 năm. "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", chúng tôi đi cải tạo đã được 5 năm, đã thấy cuộc đời tù dài dằng dặc, nhưng so với anh em Biệt Kích Dù này thì thật là chưa thấm vào đâu. Anh em cải tạo tụi tôi vẫn còn liên lạc được với gia đình, vẫn nhận thư, nhận quà, có anh còn được người nhà từ trong Nam ra thăm nuôi nữa. Mới đây một số anh em trẻ, cấp bậc nhỏ đã lác đác được về. Như vậy là ở cuối đường hầm chúng tôi đã có leo lét một vài tia sáng. Anh em Biệt Kích Dù thì từ 20 năm nay hoàn toàn nằm trong bóng đêm, sống cách biệt hẳn với loài người, coi như những người "bị bỏ quên" trên hành tinh trái đất. Người tù truyền thuyết trong cổ tích Trung Hoa là ông Tô Vũ cũng chỉ chăn dê ở Hung Nô đâu có 17 năm. Xem ra thâm niên đi tù của ông Tô Vũ cũng còn thua xa anh em Biệt Kích Dù. Từ 20 năm nay, tù Biệt Kích Dù chưa hề có ai được tha về. Không, cũng có một số anh em được về - nhưng... đó là "về với đất".

Khẩu Lệnh Biệt Kích Dù

Phân trại K2 của chúng tôi nằm cách K1 nơi giam giữ các anh em Biệt Kích Dù chừng 4 cây số đường rừng. Ở cách K2 chừng 1 giờ đi bộ còn có K3 - nơi giam tù hình sự loại hung dữ nhất: cướp của, giết người. Từ huyện lỵ Như Xuân, vào đến K1 khoảng 15 cây số. Ngày xưa hồi kháng chiến chống Pháp cuối thập niên 40, đi vào khu 4, nghe nói đến địa danh Hồi Xuân - La Hán so với đường vào trại Thanh Phong thì chưa đi đến đâu... Một người bạn có vợ thăm nuôi vào được đến Thanh Phong, gặp chồng rồi là cứ ôm chồng mà khóc. Người vợ ấy không dám nói cho người chồng xấu số biết chị vừa trải qua những khốn khổ nào. Chỉ biết chị đi từ huyện Như Xuân vào đây chưa đầy 20 cây mà hai ngày mới đến, phải ngủ giữa rừng. Cái gì đã xảy ra cho người đàn bà miền Nam một nách trên 30 ký quà cáp, không có xe phải đi bộ trên những con đường băng rừng lội suối. Nếu đang đi mà trời đổ mưa xuống thì là tai họa. Suối đang nông lội qua được, mưa xuống chẳng bao lâu là nó thành sông. Miền Trung đất hẹp, rừng không giữ được nước nên nước trên trời đổ xuống là nó theo sông theo suối cuốn trôi ngay ra biển. Suối liền trở thành sông. Người ở đâu ở đó, làm gì có phương tiện sang sông lúc nước đang lên cuồn cuộn. Nước lên rất mau và xuống cũng rất mau. Người đàn bà thăm nuôi chồng phải nghỉ qua đêm ở một cái chòi vắng ven rừng. Đêm đến, những "con người thú" đã khai thác đến tận cùng thân xác và của cải người đàn bà thân cô thế yếu giữa rừng sâu. Sáng ra chị đã muốn cắn lưỡi tự tử, nhưng vì không muốn bỏ rơi mấy đứa con còn nhỏ lại ở Sàigòn, nên chị mới lê tấm thân nhơ nhớp đến gặp chồng đang cải tạo. Quà cáp cũng bị cướp đi luôn. Hai vợ chồng cứ ôm nhau mà khóc.

Câu chuyện đau khổ ấy, dù người chồng câm nín không tiện nói ra nhưng dần dần anh em ai cũng biết. Nó trở thành một nỗi lo âu trong đám tù cải tạo. Ai mà không mong một ngày nào đó được thăm nuôi, được gặp vợ, gặp con. Nhưng nếu vợ con mình, thân nhân mình phải hứng chịu những tai vạ đau thương nhường ấy để được thăm nuôi mình thì khốn nạn cho vợ con mình quá. Nhưng lo thì lo vậy, biết tính làm sao. Thân mình còn chưa chắc là của mình thì còn lo cho ai được nữa. Trước sự kiện mất an ninh, cướp bóc, hiếp đáp giữa đường như vậy, trại cũng ra thông cáo là sẽ điều tra, sẽ trừng trị nhưng chưa thấy biện pháp nào cụ thể. Anh em Biệt Kích Dù thì ngược lại phản ứng tức thời. Đa số anh em Biệt Kích Dù ở đây là "diện rộng" tỏa ra đi lao động trên rừng. Trại Thanh Phong ngán ngại anh em Biệt Kích Dù, nhưng trong thực tế, trại "nể" anh em. Trại nể anh em Biệt Kích Dù vì tác phong của họ, vì sự trên dưới một lòng của họ, nhưng lý do chính yếu nhất là vì Biệt Kích Dù chính là cái "túi tiền" của ban Giám thị trại. Trại tù ở trên rừng, đâu còn chấm mút được gì. Nhưng vì ở chốn rừng sâu, không ai léo hánh đến đây nên trại dễ làm mưa làm gió. Tục ngữ có câu "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà bá". Chỉ cần có nhân công biết nghề rừng, có kỹ thuật và có sức. Điều này thì không ai sánh được với Biệt Kích Dù. Rừng ở đây thuộc loại rừng đại ngàn nên gỗ quý thiếu gì, lại còn có quế nữa. Quế Thanh Hóa xưa nay vẫn có tiếng trong nền y dược Đông Phương.

Bây giờ không còn bao nhiêu nhưng một tổ anh em Biệt Kích Dù vẫn được lên rừng tìm quế cho trại trưởng Thùy "mồi", bên ngoài gọi là đi lấy nứa. Anh em diện rộng Biệt Kích Dù có 3 đội đi rừng lấy gỗ. Lấy về trại xây dựng thì ít mà lấy gỗ súc đem ra Thanh Hóa bán chui thì nhiều. Tôi được biết trại trưởng Thùy "mồi", phân trại trưởng K2 Vũ B., ai cũng được anh em Biệt Kích Dù lo sẵn mỗi người một số danh mộc (như lim sến, cán bộ vừa vừa thì có gỗ thao lao, bằng lăng) đủ làm một căn nhà bề thế ở quê nhà.

Anh em Biệt Kích Dù như vậy là một thứ tù "thượng thừa" của trại. Tiếng nói của anh em rất được lắng nghe. Phần lớn anh em Biệt Kích Dù là hạ sĩ quan, có một số là dân sự nữa. Chỉ có một sĩ quan chỉ huy, đại úy Nguyễn Hữu L. Chưa được gặp anh, nhưng tất cả anh em Biệt Kích Dù nói đến người chỉ huy của họ với tất cả tấm lòng kính mến. Rất ít người được gặp vị sĩ quan Biệt Kích Dù này, vì anh không lao động, không đi ra ngoài. Tuy vậy một mệnh lệnh của vị chỉ huy Biệt Kích Dù đưa ra, dù là ở trong cảnh tù đày, nhưng anh em Biệt Kích Dù vẫn tuân hành răm rắp.

Phản ứng trước sự mất an ninh con đường từ huyện Như Xuân đến trại, anh em Biệt Kích Dù đề nghị mở một "dịch vụ chuyên chở" từ huyện lỵ đến trại Thanh Phong. Lúc ấy đang có phong trào "hạch toán kinh tế". Anh em Biệt Kích Dù có kế hoạch đóng hai xe trâu, do trâu của trại kéo cùng với 2 anh em Biệt Kích Dù phụ trách. Hai xe, 1 ra, 1 vào giúp cho thân nhân của anh em cải tạo viên có phương tiện đi lại, khỏi phải gồng gánh đi chân như trước, trại cũng có một nguồn thu ổn định. Hoặc có thể dùng xe trâu để chuyên chở nông lâm sản hay hàng tiêu dùng cho trại và dân chúng. Đề nghị này được chấp thuận và sau đó gia đình cải tạo viên tới thăm nuôi có xe trâu chở hàng, chở người, tuy chậm nhưng mà chắc, không bị dân vùng đó hà hiếp, bắt chẹt giá cả gồng gánh - quà cáp và thân nhân tù cải tạo cũng được bảo vệ an toàn.

Cùng một lúc với việc đóng xe trâu chở hàng, chở người, anh em Biệt Kích Dù "diện rộng" đi "rỉ tai" khắp các vùng thôn bản xa gần trong huyện Như Xuân "khẩu lệnh" của Biệt Kích Dù. Khẩu lệnh như sau: "Thân nhân cải tạo viên ở trại Thanh Phong này là bà con ruột thịt của Biệt Kích Dù. Anh em Biệt Kích Dù xưa nay không động đến ai, nhưng thằng nào con nào động đến thân nhân của anh em cải tạo, dù là về của cải, dù là về nhân thân, là Biệt Kích Dù nhất định không để yên. Luật của Biệt Kích Dù là "mất một đền mười". Động đến thân nhân cải tạo viên, nhẹ là chặt chân tay, nặng là giết mà giết cả nhà. Biệt Kích Dù không có gì để mất, đã nói là làm".

Từ đó về sau, thân nhân cải tạo viên trại Thanh Phong đi thăm nuôi an toàn tuyệt đối...

Gặp người chỉ huy Biệt Kích Dù

Hai cái xe trâu, mộ ra, một vào từ trại Thanh Phong tới huyện Như Xuân do anh em Biệt Kích Dù phụ trách không những giúp cho thân nhân cải tạo viên thăm nuôi đi lại an toàn thuận tiện, mà còn là một đường giây giúp chúng tôi liên lạc với "thế giới bên ngoài". Muốn "bắn" một cái thư khẩn cấp về Sàigòn, muốn mua thuốc lào, thuốc lá, hay thuốc tây, báo chí... cứ nhờ anh Biệt Kích Dù đánh xe trâu. Chiều nào khoảng 3, 4 giờ là xe trâu của anh Biệt Kích Dù cũng lịch kịch đi qua mấy cái lán của đội mộc, đội rau, đội mía, đội nông nghiệp tụi tôi ven đường. Biệt Kích Dù gần như quen biết hết cán bộ coi tù. Anh em có "mánh" để giao thiệp với họ. Bao giờ anh em cũng làm đầy đủ thủ tục đầu tiên: đồng quà, tấm bánh, ít ra cũng là điếu thuốc có cán, hay là tờ báo. Cán bộ nào tới đây cũng nhờ vả anh em Biệt Kích Dù không ít thì nhiều. Vài bó nứa sửa lại căn nhà, cây tre làm cột, ít vòng mây buộc lại cái cổng, cái giàn hoa. Cán bộ có chức có quyền thì như đã nói, anh em Biệt Kích Dù "đấm mõm" hết: không một bộ khung nhà bằng danh mộc thì cũng gỗ súc hay đóng bàn đóng ghế. Trên 250 anh em Biệt Kích Dù ở K1 làm đủ mọi nghề, cung cấp nhân lực và kỹ thuật cho hoạt động của toàn phân trại K1. Diện rộng đi rừng lấy gỗ, lấy nứa, lấy mây - ở nhà thì có các đội mộc, đội rèn, đội xây dựng, đội chăn nuôi... anh em Biệt Kích Dù bao thầu hết. Tù thâm niên 20 năm có khác. Biết rõ hết đường đi nước bước của cán bộ coi tù.

Trên nguyên tắc trại Thanh Phong K1 đặt dưới quyền chỉ huy của trại trưởng, trung tá công an Thùy "mồi", nhưng trên thực tế anh em Biệt Kích Dù suốt 20 năm tù đầy gian khổ, vẫn tuân hành tuyệt đối mệnh lệnh của vị chỉ huy của họ, đại úy Nguyễn Hữu Luyện. Đây là một con người huyền thoại. Chúng tôi nghe đến tên anh từ lâu nhưng chưa bao giờ được gặp, vì anh không đi lao động ở ngoài. Anh em Biệt Kích Dù đều tỏ ra rất nghiêm trang, rất kính cẩn mỗi khi nhắc đến "ông thầy" của họ. Truyện về đại úy Biệt Kích Dù này khá nhiều, đầy vẻ hoang đường, truyền thuyết. Đây là người tù sau 20 năm bị bắt vẫn còn tuyên bố: "Tôi Nguyễn Hữu Luyện, đại úy QLVNCH... tôi chưa thua các anh. Tôi mới thua một trận, chưa thua cuộc chiến này". Bắt Nguyễn Hữu Luyện đi lao động, anh nói: "Các anh có thể giam tôi, bắn tôi, nhưng danh dự của một sĩ quan QLVNCH không cho phép tôi làm những công việc mất nhân cách. Quy chế sĩ quan không cho phép tôi làm như vậy". Anh đã bị kiên giam nhiều năm tại rất nhiều trại rùng rợn, dã man nổi tiếng nhưng Nguyễn Hữu Luyện trước sau vẫn là Nguyễn Hữu Luyện, không thay đổi, không khiếp sợ, không khuất phục. Việc Nguyễn Hữu Luyện, không đi lao động như mọi tù nhân khác từ gần 20 năm nay đã trở thành một nề nếp đặc biệt, các trại tù ngoài Bắc dù muốn dù không đều phải chấp nhận. Người ta chưa lường được hết quyền năng của Nguyễn Hữu Luyện đối với anh em Biệt Kích Dù như thế nào. Khi cần Nguyễn Hữu Luyện ra lệnh là tất cả anh em Biệt Kích Dù nghỉ hết. Như bữa ở trại Thanh Phong có một anh em Biệt Kích Dù ho "tổn" nhiều năm không có thuốc nên anh "về nước Chúa". Phần lớn các anh em Biệt Kích Dù đều là người Thiên Chúa Giáo nhiệt thành, kể cả Nguyễn Hữu Luyện. Nói chuyện với anh em Biệt Kích Dù họ đều nói "anh em lãnh tụ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chúng tôi chưa có chết. Còn ẩn lánh đâu đó... Lãnh tụ chúng tôi ngày nào đó sẽ trở về...". Nghe anh Biệt Kích Dù ho tổn nằm xuống, các đội Biệt Kích Dù khi có lệnh xuất trại đều ngồi yên không đi làm. Họ nói "được lệnh của đại úy Nguyễn Hữu Luyện anh em Biệt Kích Dù ở nhà để lo hậu sự cho người anh em vừa mới mất". Cán bộ trực trại đến hỏi Nguyễn Hữu Luyện tại sao ngăn trở việc điều hành của trại. Nguyễn Hữu Luyện trả lời: "Các anh tôn trọng đồng chí của các anh thì chúng tôi cũng yêu thương đồng đội của chúng tôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, anh em chúng tôi phải ở nhà để một lần cuối cùng vĩnh biệt người nằm xuống". Sau điều đình mãi, chỉ có đội Biệt Kích Dù lo về cơm nước cho phân trại và bộ phận chạy máy điện là đi làm, kỳ dư anh em Biệt Kích Dù khác đều nghỉ hết.

Gặp gỡ anh em Biệt Kích Dù, nghe chuyện kể về đại úy Biệt Kích Dù Nguyễn Hữu Luyện, tôi vừa tự hào vừa buồn bã. Tự hào vì đồng đội đã có những người kiệt xuất như vậy, buồn bã vì nhìn lại bản thân, nhìn anh em xung quanh mình thấy khá nhiều người bất xứng. Những năm tháng trong trại tù giữa rừng núi Thanh Phong, anh em Biệt Kích Dù đối với chúng tôi, vừa là một đường giây yểm trợ vật chất, mà cao trọng hơn, còn là một nơi nương tựa tinh thần.

Tết năm 1982. Một số lớn anh em trong trại K2 đã chuyển về Nam. Đội văn nghệ nghiệp dư của tụi tôi thiếu rất nhiều "nhân tài" nhưng vẫn phải trình diễn cho anh em vui Tết. Thiếu người, thiếu tiết mục, chúng tôi nhập luôn đội múa lân vào đội văn nghệ cho xôm tụ. Không ngờ đội văn nghệ "què" như vậy tết lại phải đi "lưu diễn" trên K1 và K3. Mùng 2 chúng tôi lên K1 - đường dài 4 cây số chúng tôi đi gần 2 tiếng đồng hồ khoảng gần 9 giờ mới tới. Một đại diện anh em Biệt Kích Dù nói rằng: "Chẳng mấy khi được đón tiếp các anh, bữa nay anh em K1 chúng tôi xin được hạ một con heo để đón mừng anh em văn nghệ". Tôi được biết sau này sự hậu đãi ấy là do ý kiến của đại úy Nguyễn Hữu Luyện đề xuất. Chưa bao giờ đội văn nghệ tù chúng tôi được tiếp đón long trọng và săn sóc chu đáo như vậy. Theo chương trình, đội văn nghệ trình diễn buổi trưa, diễn xong, ăn uống rồi về.

Đang trông nom cho anh em dựng sân khấu ở hội trường, chợt có một anh em Biệt Kích Dù đến bên tôi khẽ nói: "Anh Luyện em mời anh vô trong lán uống trà". Đi lên đây K1, ước mong thầm kín của tôi là được gặp người sĩ quan Biệt Kích Dù truyền thuyết ấy. Xem con người thật và con người "huyền thoại" giống nhau, khác nhau ra sao. Tôi vội vàng theo người anh em Biệt Kích Dù đi vào trong lán. K1 cũng như K2 cũng như K3 lán tù thường tối và thấp. Đi qua 2, 3 căn nhà dài hôi hám, mờ mịt tôi tới một căn buồng đầu lán. Vừa bước chân vô chưa kịp định thần, tôi đã thấy một người cao lớn, mắt sáng trán cao đứng phắt dậy, chụm chân theo động tác quân sự, giơ tay chào đúng lễ nghi quân cách, miệng nói: "Mes respects, mon colonel!"

Tôi thảng thốt không biết phản ứng ra sao" Đi tù 5, 6 năm nay, mình là giai cấp đang bị triệt tiêu, là tù nhân đứng hàng thứ bét của nấc thang xã hội, tại sao lại có người chào mình trân trọng như vậy. "Mes respects mon colonel" là lễ nghi theo kiểu Pháp. Bao nhiêu năm nay, có nghe thấy, nhìn thấy kiểu chào này đâu. Mình bây giờ là tù khổ sai biệt xứ, đâu còn gì mà "Kính chào trung tá".

Tôi vội vàng tiến tới nắm lấy tay người đang đứng cứng người chào tôi theo đúng lễ nghi quân cách mà hỏi: "Thưa anh, anh là Nguyễn Hữu Luyện"" Người ấy, vẫn đứng nghiêm, chỉ đưa tay xuống rồi tiếp: "Vâng, thưa anh tôi là Luyện". "Anh Luyện ơi, anh làm vậy, tôi khó xử quá, thời buổi này anh em mình gặp nhau là quý". Lúc ấy, Nguyễn Hữu Luyện mới rời bỏ tư thế đứng nghiêm, khẽ nói, "Thưa anh, anh vẫn cứ phải cho phép tôi làm như vậy. Dù sao chăng nữa, anh vẫn là đàn anh của tôi".

Nguyễn Hữu Luyện học khóa 4 phụ Thủ Đức. Tôi học khóa 2 có ra trường trước anh vài khóa thật, nhưng 20 năm qua, nếu anh còn ở lại miền Nam, với khả năng ấy, thiện chí ấy không biết anh đã lên tới cấp nào, đâu có lẹt đẹt như tôi. Khóa 5 Thủ Đức đã có người lên tướng. Nhưng đối với người như Nguyễn Hữu Luyện theo tôi cấp bậc là thứ yếu, nhân cách mới là chính yếu. Ở trong quân đội miền Nam, về nhân cách, ai xứng đáng là đàn anh của đại úy Biệt Kích Dù Nguyễn Hữu Luyện bây giờ"

Sau một tuần trà Nguyễn Hữu Luyện chậm rãi nói nhỏ với tôi: "Có một 'thằng em' vừa nhận được một cái tin rất lạ, rất mới. May mà lại được gặp anh hôm nay ở đây. Được biết anh vốn là một nhà báo. Xin anh cho ý kiến về tin vừa mới nhận này". Nói xong Nguyễn Hữu Luyện ra dấu cho một anh em nào đó đứng gần bên "Gọi Th. lên đây". Trước khi Th. tới, anh Luyện có cho tôi hay Th. là một biệt kích dù cấp bậc thượng sĩ chuyên lo về truyền tin. Th. là một chuyên viên về địa hạt này. Hai chục năm bị bắt nhưng Th. vẫn xử dụng được tay nghề. Ở ngoài Bắc lúc ấy, tiêu chuẩn của một người "phấn đấu tiến bộ" là đạt 3Đ: Xe Đạp, Đồng Hồ và Đài (radio). Trong hàng ngũ cán bộ thì công an vốn là một nơi an toàn "kiếm được". Chỉ có hàng ngũ bộ đội là phải đi chiến trường chết banh thây mất xác hoặc phải đóng quân ở những nơi đầu sóng ngọn gió nghèo mạt rệp mà thôi. Cán bộ công an tương đối có nhiều người đạt tiêu chuẩn 3Đ. Nhưng đài ngoài Bắc phần lớn thuộc loại xưa, khó xài, dễ hỏng. Vì vậy nên chuyên viên truyền tin Th. luôn luôn có việc làm. Một lát sau anh Th. lên gặp chúng tôi. Anh nói rằng: "Em sửa đài cho cán bộ quanh năm không lúc nào hết việc. Nhưng không bao giờ em sửa đài xong xuôi, rốt ráo. Lúc nào em cũng phải lấy cớ này cớ kia để giữ lại bên mình một cái đài "chạy được". Em giữ lại để đeo "ê cút tưa" vào nghe tin tức một mình. Thưa anh, tối hôm qua, mùng 1 Tết, chính tai em nghe có một ông tướng Mỹ mà em không nhớ tên đang ở VN, nói chuyện với các nhà lãnh đạo Hà Nội về vấn đề cựu chiến binh Mỹ mất tích, về tù nhân chính trị... Lần đầu tiên chính tai em nghe là những biệt kích nhảy dù ra Bắc đầu thập niên 60 cũng được xét đến trong dịp gặp gỡ này. Thưa anh, vài chục năm nay nghe đài, đây là lần đầu em nghe đài nhắc đến số phận tụi em. Chúng em là những người bị bỏ quên, coi như đã chết rồi. Không số quân, không tên tuổi, không nơi nào nhận. Chúng em là những người "đứt dây rơi xuống" luôn luôn sống ở một xó rừng góc núi "trên không chằng dưới không rễ", không còn liên hệ gì với xã hội loài người. Bây giờ em nghe tin ông tướng Mỹ sang Hà Nội nói đến số phận tụi em, em nghe xong mà tự nhiên nước mắt chảy ròng ròng... không biết là mơ hay thật đây". Tôi vội cầm lấy tay người thượng sĩ Biệt Kích Dù mà nói: "Đúng đấy bạn ơi, thời gian này ông tướng Vessy, đặc sứ (special envoy) của tổng thống Reagan đang viếng thăm Hà Nội. Các báo VN đều nhắc đến sự kiện này. Tin mà bạn vừa nghe được rất đáng tin cậy". Nguyễn Hữu Luyện vội chen vào "Làm sao mình tin được đài Hà Nội". Tôi nói tiếp: "Đây là một sự kiện có tính quốc tế, truyền thông thế giới đều theo dõi sự viếng thăm của tướng Vessey, nên đài Hà Nội dù muốn giấu cũng khó lòng. Vả chăng thông tin của khối Xã Hội Chủ Nghĩa xưa nay chỉ loan tin nào có lợi cho họ. Tin bất lợi, họ quên ngay đi. Việc tướng Vessey đến VN, ở bên trong chắc đã có một thỏa thuận nào có lợi cho Hà Nội không mặt này thì mặt kia. Mình chưa biết được sự thỏa thuận ấy đến đâu, chi tiết ra sao nhưng việc loan tin sự hiện diện của đặc sứ Vessey đến Hà Nội, nhìn chung là một chỉ dấu thuận lợi cho lũ tù nhân chúng ta, đặc biệt là đối với các anh, những người mà trên 20 năm nay họ cố ý hay vô tình quên lãng". Nguyễn Hữu Luyện trầm ngâm "Như bản thân tôi và anh em chúng tôi ở đây đã từng rút kinh nghiệm, không nên tin tưởng nhiều quá vào người Mỹ". "Đồng ý trên nguyên tắc, nhưng trong số những người Mỹ còn nhớ đến đồng minh cũ, còn lưu ý đến số phận khốn khổ của chúng ta thì ông Reagan là số 1. Nếu năm ngoái cái tên Mỹ khùng nào nó bắn ông ấy chết thì chúng ta còn vất vả hơn nhiều. Bây giờ đặc sứ của ông Reagan, tướng Vessey sang đây có đích thân nhắc đến Biệt kích dù thì tôi nghĩ sớm muộn trường hợp các anh sẽ được giải quyết. Các bạn có thể được về...". Một nụ cười mơ hồ trên khuôn mặt Nguyễn Hữu Luyện. Anh như nói một mình "Được về, được về, mà về đâu"..."

Lời bình "Mao Tôn Cương của tôi hồi đầu năm khi lưu diễn ở K1 không ngờ được chứng nghiệm. Đến nửa năm 1982, có 2 đợt thả Biệt Kích Dù, mỗi đợt trên dưới 100 người. Chuyện không ai ngờ mà tới. Ông tướng Vessey đặc sứ của tổng thống Mỹ Reagan đã giở lại chồng hồ sơ mật đầu thập niên 60, can thiệp với Hà Nội để cho những Biệt Kích Dù bị giam trên dưới 20 năm ở nơi thâm sơn cùng cốc được trở về hội nhập với loài người. Cùng thời gian đó chương trình "nước sông công tù" đem cải tạo viên đến khai hoang những vùng rừng núi âm u (như trại Thanh Phong huyện Như Xuân giáp với Hạ Lào này) trở thành nông trường, lâm trường rồi đem gia đình cải tạo viên lên chỉ định cư trú ở những chốn rừng sâu nước độc, cũng được dẹp bỏ luôn. Phần lớn anh em tù chính trị được chuyển về Nam hay đổi đi trại khác. Đến cuối năm 1982, trại Thanh Phong K 2 chỉ còn lại trên 50 tù chính trị. Còn lại toàn là tù "đui, què, mẻ, sứt", già yếu bệnh tật... hay là thuộc loại "không tiện cho về Nam". Tôi thuộc số trên 50 người còn lại này. Ngày 14 tháng 11 năm 1982 trên nguyên tắc phân trại tù chính trị K2 giải thể. Những người tù còn lại đi ra K1. Ở đây tù chính trị sẽ cùng anh em Biệt Kích Dù còn lại lên xe đi đến một trại khác ở Nghệ Tĩnh: Trại Tân Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.