Hôm nay,  

Về Cách Giải Quyết Hồ Sơ Con Các Gia Đình H.o.

28/01/200000:00:00(Xem: 5072)
Dưới đây là bản văn của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển gửi ngày 26 tháng 1, 2000, giải thích về các hồ sơ gia đình HO có con còn tại Việt Nam.

Cuối năm ngoái Quốc Hội thông qua đạo luật HR 3194, với điều khoản 255 nới rộng Tu Chính Án McCain. Trong thời gian qua chúng tôi nhận được nhiều thắc mắc từ các gia đình HO có con cái kẹt lại ở Việt Nam. Vì thiếu nhân sự chúng tôi không thể trả lời riêng rẽ. Sau đây là phần giải đáp chung cho các thắc mắc này. Chúng tôi hy vọng rằng phần giải đáp này sẽ giúp trả lời được phần lớn vướng mắc mà quý vị gặp phải.

1. Những Thành Phần Nào Được Cứu Xét"
Theo Tu Chính Án McCain Nới Rộng và điều lệ nội bộ của Sở Di Trú, có ba thành phần sau đây sẽ được cứu xét.

(a) Thành phần bị từ chối SAU ngày 1 tháng 4, 1995: Thành phần này được quyền yêu cầu mở lại hồ sơ cứu xét bất luận lý do bị từ chối. Không có hạn tuổi cho những hồ sơ này, miễn là phải còn độc thân vào thời điểm bị từ chối.

(b) Thành phần bị từ chối TRƯỚC ngày 1 tháng 4, 1995 nhưng DƯỚI 21 tuổi vào thời điểm bị từ chối: Thành phần này được quyền yêu cầu mở lại hồ sơ cứu xét bất luận lý do từ chối, miễn là phải còn độc thân vào thời điểm bị từ chối.

(c) Thành phần bị từ chối TRƯỚC ngày 1 tháng 4, 1995 nhưng TRÊN 21 tuổi vào thời điểm bị từ chối: chỉ những người con bị từ chối thuần tuý vì lý do không cùng hộ khẩu liên tục với cha mẹ (và phải còn độc thân vào thởi điểm bị từ chối) thì mới được cứu xét.

(d) Những thành phần còn lại: Chính sách hiện nay chưa cho phép giải quyết các hồ sơ nằm ngoài ba thành phần kể trên. Chẳng hạn những người con trên 21 tuổi bị từ chối phỏng vấn trước thời điểm 1 tháng 4, 1995 vì lý do nghi ngờ quan hệ gia đình thì hiện nay không được cứu xét theo Tu Chính Án McCain Nới Rộng. Đối với những trường hợp này, hiện nay chỉ có cách là bảo lãnh theo diện di dân nếu cha mẹ đã có quốc tịch hoặc người con vẫn còn độc thân.

(Chúng tôi đang bàn thảo với một số vị dân cử Hoa Kỳ về việc giải quyết cho số trường hợp này. Tuy nhiên triển vọng thành công rất thấp.)

2. Làm Sao Để Biết Lý Do Từ Chối"
Thường thường khi bị từ chối thì gia đình sẽ nhận được một tờ đơn từ cơ quan Joint Voluntary Agency (ICMC) báo cho biết lý do bị từ chối (thường là viết tay ở cuối tờ đơn). Chiếu theo đó, quý vị có thể biết được rằng con cái của mình nằm trong thành phần nào kể trên.
Tuy nhiên cũng có một số gia đình không hề nhận được giấy báo lý do từ chối, hoặc có nhận được giấy từ chối nhưng giấy này lại không ghi rõ lý do. Trong những trường hợp này chúng tôi đề nghị vẫn mở hồ sơ như thể bị từ chối vì lý do hộ khẩu không liên tục để xem Sở Di Trú sẽ trả lời ra sao. Tuỳ theo sự trả lời này quý vị sẽ biết được con cái của mình ở trong thành phần (a), (b), (c), hoặc (d).

Ngoài ra còn có một số trường hợp cùng một người nhưng bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau cùng một lúc. Chẳng hạn có người con đã bị từ chối phỏng vấn vì cả hai lý do: tình nghi quan hệ gia đình và không cùng hộ khẩu liên tục, và trên 21 tuổi khi bị từ chối. Theo đúng ngôn ngữ của điều khoản 255 của đạo luật HR 3194, thì những trường hợp này sẽ không được giải quyết. (Ngôn ngữ này nhấn mạnh là chỉ cứu xét cho những trường hợp bị từ chối trước ngày 1 tháng 4, 1995 nếu lý do từ chối thuần tuý là vì không cùng hộ khẩu liên tục.)

Trong những trường hợp này, việc trước hết cần làm là xác minh quan hệ gia đình; sau đó lập luận rằng sau khi đã xác minh được quan hệ gia đình thì lý do bị từ chối độc nhất còn lại là “không cùng hộ khẩu liên tục;” hồ sơ do đó rơi vào thành phần (c) ở trên. Sở Di Trú có lẽ sẽ không vui vẻ chấp nhận lập luận kiểu này vì trong thời gian chúng tôi đang vận động cho điều khoản 255 thì chính Sở Di Trú đã chống lại một cách hết sức mạnh mẽ. Cuối cùng họ chấp nhận nhượng bộ nhưng với điều kiện hạn chế thành phần (c) chỉ cho những trường hợp bị từ chối thuần tuý vì lý do không cùng hộ khẩu liện tục. Chính vì vậy mà các gia đình có con cái trong tình trạng này lại càng cần sự can thiệp đặc biệt và mạnh mẽ của các dân biểu và thượng nghị sĩ.

Lại cũng có một số gia đình có nhiều con cái cùng bị từ chối một lúc nhưng vì những lý do khác nhau; có người bị từ chối vì không cùng hộ khẩu liên tục với cha mẹ; có người lại bị từ chối vì quan hệ gia đình không rõ ràng. Trong trường hợp này, hồ sơ phải được tách ra và giải quyết riêng rẽ.

3. Những Trường Hợp Con Cái Đã Có Chồng, Có Vợ
Theo chính sách kể trên, điều kiện độc thân chỉ tính vào thời điểm khi bị từ chối phỏng vấn. Nếu sau đó người con lấy vợ, lấy chồng, và có con cái thì vợ, chồng, và con cái sẽ được giải quyết cho đi cùng.

Trước đây việc lấy vợ lấy chồng phải xẩy ra trước khi người con (hay người xin tị nạn nói chung) được ban cấp quy chế tị nạn tại bàn phỏng vấn. Theo điều lệ do Sở Di Trú ban hành tháng 2 năm 1998 thì việc lấy vợ lấy chồng có thể xẩy ra sau khi phỏng vấn, nhưng phải trước khi người con lên đường đi định cư.

Lợi dụng điều lệ mới này, công an cùng với một số người chạy mối ở Việt Nam đã thành lập dịch vụ “ghép hộ” lấy tiền, thường là 10 đến 15 ngàn Mỹ kim cho mỗi người muốn ghép hộ. Bộ Ngoại Giao và Sở Di Trú Hoa Kỳ đã phát hiện tình trạng này và đang có những biện pháp để phòng ngừa. Hành động bất chính này của công an Việt Nam đang làm khó dễ cho cả những trường hợp vợ chồng thật; nhân viên di trú lúc nào cũng nghi ngờ và sẽ kiểm tra hết sức khắt khe, nhất là những trường hợp vừa mới lấy vợ, lấy chồng sau khi có tin tức về Tu Chính Án McCain Nới Rộng.

Chính chúng tôi cũng đã gặp phải một số hồ sơ bị từ chối nhập cảnh mặc dù thoạt tiên đã được chấp nhận cho tị nạn vào Hoa Kỳ, vì nhân viên Sở Di Trú Hoa Kỳ khám phá ra việc ghép hộ giả mạo. Luật pháp Hoa Kỳ tự động loại trừ những ai toan tính đem người di dân lậu vào Hoa Kỳ. Những trường hợp này không thể nào can thiệp được.

Hơn nữa, như một nguyên tắc đạo đức, chúng tôi sẽ tuyệt đối không can thiệp cho những hồ sơ mà chúng tôi khám phá ra là giả mạo. Chúng tôi kêu gọi mọi người trong cuộc hãy hết sức cẩn thận và đề cao cảnh giác. Nếu thân nhân ở trong nước bị công an làm áp lực bắt phải ghép hộ, chúng tôi có thể giúp thông báo một cách kín đáo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để can thiệp đặc biệt.

4. Cách Thức Can Thiệp Hồ Sơ
Đối với các thành phần hồ sơ (a), (b) và (c) mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi đang thực hiện các bước sau đây.

(a) Bước đầu tiên là thảo các thư mẫu để chính mỗi gia đình gởi đi cho vị dân biểu và 2 vị thượng nghị sĩ của mình để nhờ can thiệp với Văn Phòng Tị Nạn của Bộ Ngoại Giao. Mục đích của bước này là vận động sự quan tâm và can thiệp của các vị dân cử cho từng hồ sơ một. Theo nguyên tắc hành chánh, Bộ Ngoại Giao bắt buộc phải chính thức trả lời cho các vị dân cử về tình trạng và diễn tiến của hồ sơ.

(b) Bước thứ hai là nộp hồ sơ đầy đủ cho mỗi trường hợp con cái còn ở Việt Nam. Trong trường hợp người con đã lập gia đình (sau khi bị từ chối phỏng vấn) thì hồ sơ này sẽ phải gồm có cả giấy hôn thú và nếu đã có con cái thì phải có cả giấy khai sanh của con cái, kèm với bản dịch Anh Ngữ. Các hồ sơ này chính các gia đình HO sẽ chuyển thẳng cho Bộ Phận Định Cư Tị Nạn của Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sàigòn.

Điều cần lưu ý là bước đầu chỉ cốt thúc đẩy Bộ Ngoại Giao và Sở Di Trú nhanh chóng giải quyết hồ sơ và do đó chỉ cần cung cấp những tin tức tóm tắt cho các vị dân cử. Còn bước thứ hai mới thực sự cung cấp hồ sơ cho việc cứu xét. Một số gia đình thắc mắc là sao trong thư gởi các vị dân cử trong buớc đầu thiếu tên con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại... và ngần ngại không dám ký tên gởi thư đi. Xin nhắc lại là những tin tức này chỉ cần thiết trong bước thứ hai.
Để giúp chúng tôi tiến hành bước thứ hai, xin quý vị nào đã nộp hồ sơ thì gấp rút bổ túc các giấy tờ như hôn thú và khai sanh như kể trên để chúng tôi hoàn tất hồ sơ cho bước thứ hai. Những gia đình nào mà con cái còn độc thân thì cũng xin thông báo cho chúng tôi biết để chúng tôi chuyển ngay sang bước thứ hai.

(c) Đối với các trường hợp bị từ chối vì lý do quan hệ gia đình khả nghi thì việc can thiệp sẽ công phu hơn, vì trước hết phải xác minh quan hệ gia đình. Trước đây, vì thể thức hết sức khắt khe, hầu như chỉ có cách thử nghiệm DNA thì mới may ra được chấp nhận. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp mà kết quả thử nghiệm DNA với xác suất 99.95% mà vẫn bị Sở Di Trú từ chối.

Với sự can thiệp của Quốc Hội, Sở Di Trú gần đây chấp nhận cứu xét dựa trên các chứng từ phụ trội như học bạ, y bạ, sổ gia đình trước năm 75, giấy rửa tội... mà có ghi tên của người con cùng với cha mẹ. Hơn nữa, Sở Di Trú cũng đồng ý ra điều lệ quy định là nếu kết quả DNA với xác suất trên 99.00% thì phải được công nhận.

Với điều lệ mới này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp được cho các gia đình này xác minh quan hệ máu mủ qua những chứng từ phụ trội, để tránh cho các gia đình này phần chi phí rất lớn cho việc thử DNA (khoảng 800 Mỹ kim cho mỗi người con). Chỉ chừng nào cách thức này không xong thì các gia đình này mới phải xin thử DNA.

5. Vợ Kẹt Ở Việt Nam
Trong một số ít trường hợp, khi con cái bị kẹt lại thì người mẹ cũng không chịu ra đi vì muốn ở lại trông nom cho con cái. Điều đáng tiếc là Tu Chính Án McCain dù đã nới rộng, vẫn chỉ áp dụng cho con cái chứ không áp dụng cho người mẹ.

Do đó trong trường hợp này, người chồng ở Hoa Kỳ phải làm bảo lãnh tị nạn cho vợ (mẫu I-730). Nếu người chồng đã đến Mỹ từ trước ngày 28 tháng 2, 1998 thì hạn chót để làm bảo lãnh theo diện tị nạn là ngày 28 tháng 2, 2000. Những người qua sau đó thì có đúng 2 năm để làm bảo lãnh kể từ khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Một điều cần lưu ý là người chồng nếu đã có quốc tịch thì xem như mất quy chế tị nạn và do đó không thể bảo lãnh cho vợ theo diện tị nạn nữa, mà phải bảo lãnh theo diện di dân (mẫu I-130).

Có một vài bác HO đã nằng nặc đòi chúng tôi lập hồ sơ chung cho mẹ lẫn con. Điều này không thể thực hiện được vì luật lệ không cho phép, như giải thích ở trên. Tuy nhiên, khi vào phỏng vấn người mẹ hay người con có quyền xin phái đoàn sắp xếp để mẹ con cùng đi một chuyến bay.

6. Tiến Trình Giải Quyết Hồ Sơ
Văn phòng định cư tị nạn ở Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ vừa mới mở cửa hoạt động tháng Giêng này. Hiện nay còn 400 hồ sơ thuộc diện McCain đã lên danh sách nhưng bị đình hoãn phỏng vấn từ năm ngoái. Chúng tôi ước lượng rằng số hồ sơ này sẽ được ưu tiên giải quyết trước. Còn các hồ sơ con cái HO hội đủ tiêu chuẩn McCain nới rộng sẽ được giải quyết kế tiếp.
Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi hy vọng rằng với các văn thư can thiệp của các vị dân biểu và thượng nghị sĩ, Bộ Phận Định Cư Tị Nạn của Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ đã bắt đầu lập danh sách cho các hồ sơ mới này. Tính đến nay, chúng tôi biết chắc rằng 150 hồ sơ (trong số tổng cộng 450 hồ sơ mà chúng tôi nhận được) đã được các vị dân biểu và thượng nghị sĩ chuyển cho Bộ Ngoại Giao để lập danh sách. Số 300 hồ sơ còn lại thì chúng tôi chưa nhận được tin tức từ đầy đủ từ các gia đình.

Chúng tôi ghi nhận là đa số các vị dân cử đều sốt sắng can thiệp và chuyển hồ sơ theo yêu cầu của các gia đình HO. Riêng có văn phòng của Bà Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein (California) là thiếu hợp tác, có lẽ do thái độ bê trễ của một vài nhân viên nào đó. Chúng tôi đã liên lạc với văn phòng của Bà Feinstein về vấn đề này.
Đối với một số nhỏ hồ sơ chúng tôi đã bắt đầu chuyển sang bước thứ hai: lập hồ sơ đầy đủ để các gia đình chuyển thẳng cho Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sàigòn. Hiện nay mới chỉ có khoảng 30 hồ sơ là có đầy đủ tin tức cần thiết cho bước này.

Đến nay chúng tôi đã nhận được tổng cộng khoảng 450 hồ sơ và hàng tuần đều nhận thêm dăm ba hồ sơ mới. Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn một số gia đình ở những vùng không có phương tiện thông tin Việt ngữ nên vẫn chưa nhận được tin. Để tránh cho những gia đình này khỏi bị thiệt thòi, xin quý vị nào biết những trường hợp như kể trên thì chuyển tin tức đến cho họ. Chúng tôi cũng xin các báo chí và cơ quan truyền thông Việt ngữ đưa tin thật rộng rãi đến mọi gia đình như là một nghĩa cử đối với đồng hương trong cảnh khốn khó.

Một điều cần lưu ý là mỗi hồ sơ đều được đánh mã số riêng (Số Hồ Sơ) để chúng tôi dễ theo rõi hồ sơ. Mã số này là của riêng chúng tôi và không liên can gì đến số HO của văn phòng ODP trước đây. (Có một số người đã gọi điện thoại lo lắng khi tưởng rằng chúng tôi ghi nhầm số HO của họ.) Khi liên lạc với chúng tôi, xin cho biết mã số này để chúng tôi dễ truy tìm và phối kiểm.

Hồ sơ ở California, xin gởi về địa chỉ:
S.O.S. Service Center/HO Children, 6885 Lindale Drive, Sacramento, CA 95828
Số Hồ Sơ: ......
Các hồ sơ ngoài California, xin gởi về:
S.O.S. Service Center/HO Children, 2800 Juniper Street, # 8, Fairfax, VA 22031-4411
Số Hồ Sơ: ..…

(Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.