Hôm nay,  

Tai Họa Điện Tốn Năm 2000: Điện Cúp, Nước Cắt, Phi Cơ Rơi

28/04/199900:00:00(Xem: 12330)
Dưới đây là bài nghiên cứu về hiểm họa điện toán Y2K, tác giả là Giáo Sư Hà Hữu Quang, người từng làm việc cho các hãng về điện toán trong nhiều năm qua và hiện đang dạy tại Đại học Cộng Đồng Houston (Houston Community College) về ngành Electromechanical Design. Anh cũng là tác giả một số sách chuyên môn hiện được dùng làm tài liệu giáo khoa giảng dạy tại Đại học này. HCC là trường đại học lớn nhất tiểu bang Texas với 72,000 sinh viên trong đó có khoảng 3,000 sinh viên Viet nam. Sau khi du học về nước, anh làm việc một thời gian ngắn dưới thời chính phủ Việt nam Cộng hòa cho đến tháng 5/1975. Điện thư liên lạc: Ha_F@hccs.cc.tx.us. Bài viết như sau.

Bạn bước vào thang máy để lên lầu trong một cao ốc nhưng được nửa chừng thì thang rơi tõm xuống đất.
Bạn bay chuyến bay đêm 31/12/1999 từ Houston qua Los Angeles để kịp thăm bà con bạn bè vào dịp đầu năm. Chiếc phi cơ đang bay ngon lành thì đột nhiên toàn thân máy bay rung lên, chực lao đầu xuống đất. Nếu viên phi công lúc đó không khéo thì lại thêm một tai nạn nữa xảy ra. Chưa hết, khi đến gần phi trường Los Angeles, đài kiểm báo không lưu ra lệnh phi cơ cứ tiếp tục bay vì hệ thống kiểm soát không biết được là nên cho máy bay nào xuống trước vì có quá nhiều tín hiệu phi cơ xuất hiện cùng một lúc!
Sáng sớm mùng một tết Tây, thứ Bảy 1/1/2000, bạn thức dậy nhưng cảm thấy trong nhà lạnh quá! Máy sưởi bật từ đêm trước nhưng sao không chạy" Bạn mở đèn nhưng đèn không sáng. Ra mở vòi nước rửa mặt nhưng nước không chảy. Bạn bốc điện thoại gọi cho bà hàng xóm nhưng đường dây cứ bị bận hoài. Bực mình bạn lấy xe lái ra phố nhưng đèn lưu thông ngã tư nào cũng chớp màu vàng, có chỗ thì cả bốn chiều đều bật xanh hay đỏ cùng một lúc làm xe phải nối đuôi nhau qua từng chiếc một. Bạn chạy tới trạm xăng thì thấy người nào lái xe vào cũng dều chạy ra mà không đổ xăng được. Bạn tự hỏi không biết tại sao mà mọi thứ đều ngưng hoạt động cùng một lúc vậy"
Trên đây là các viễn tượng có thể xảy ra khi chúng ta bước vào thế kỷ 21 trong vòng vài tháng nữa. Đó là hiện tượng Y2K. Y viết tắt của chữ Year hay là năm, 2K là 2000. Tai biến năm 2000!
Tại sao có hiện tượng đó" Chẳng qua cũng chỉ vì cái máy điện toán. Ai cũng biết là máy điện toán mang đến cho chúng ta nhiều tiện lợi nhưng nó cũng có thể sẽ mang tai ương đến trong những ngày sắp tới. Thật vậy, không một hãng xưởng kỹ nghệ hay cơ sở dịch vụ nào mà không dùng đến điện toán. Nếu nhà bạn có thì thế nào cũng có lúc bạn ngồi mò mẫm trên bàn chữ, không xục xạo trên mạng lưới toàn cầu thì cũng đang gửi điện thư cho... ông hàng xóm. Thế thì tại sao chuyện điện toán lại dính dáng đến thang máy rớt, máy bay rơi, điện bị tắt, nước bị cúp, hay xăng bị nghẹt" Muốn biết lý do thì cần phải tìm hiểu cấu trúc căn bản của máy điện toán.

ĐỒNG HỒ LỊCH
Bên trong máy điện toán có rất nhiều bộ phận nhưng có hai thứ liên quan đến thời gian:
- Thứ nhất là một con chip [xin xem Ghi chú 1] có tên là BIOS [xin xem Ghi chú 2]. Con chip này có nhiệm vụ làm trung gian giữa cương liệu (hardware) và nhu liệu (software) để chỉ thị cho các bộ phận khác 135 - phải làm những gì. Thí dụ như bạn đánh vào bàn chữ ba con số: 6, 2 và 1, thì BIOS sẽ ra lệnh tức khắc cho mạch điện video truyền tín hiệu lên mản ảnh và bạn thấy số 621 hiện ngay trên đó.
- Thứ hai là đồng hồ lịch gọi là RTC [xin xem Ghi chú 3] có nhiệm vụ giữ giờ giấc và ngày tháng trong máy cho đúng với thời gian thật. Trước khi tắt máy, nhờ đồng hồ lịch, con chip BIOS sẽ đóng dấu giờ phút và ngày tháng vào hồ sơ. Khi mở máy lại, con chip này sẽ căn cứ trên thời gian đã lưu trữ để thực hiện các nhiệm vụ kế tiếp. Các tay viết chương trình gọi là thảo chương viên (programmer) dựa trên đó để tính toán thời gian và dữ kiện rồi viết chương trình cho máy phải làm những gì, thí dụ như chỉ thị cho mạch điện nằm trong hộp kiểm soát đèn lưu thông tại ngã tư rằng, cứ 45 giây thì bật đèn xanh bên này và đèn đỏ bên kia, rồi 30 giây sau thì bên này đèn đỏ bên kia đèn xanh, tùy theo lượng lưu thông mỗi chiều, và tiến trình này cứ lập đi lập lại hết giờ này qua giờ khác.
Đêm cuối cùng của năm 1999, trước khi đi ngủ, bạn tắt máy đi thì đồng hồ lịch vẫn chạy như thường, nhưng sáng hôm sau, 1/1/2000, mở máy ra thì con chip BIOS không đọc được nữa vì nó không hiểu đồng hồ lịch nói gì. Con chip không đọc được nên cũng không thể chỉ thị cho các hệ thống trong máy phải làm gì. Vì máy đã mở rồi, nghĩa là tín hiệu đã liên tiếp được truyền ra, con chip BIOS không thể ngồi yên nên nó cứ rà tới rà lui như đánh võ rừng trong máy để rồi, hoặc là tự phá bỉnh bằng cách ngưng chạy (lock-up), hoặc là bí quá thì cho ra các kết quả tầm bậy. Cũng dùng thí dụ đèn lưu thông ở trên, khi máy ngưng hoạt động thì tất cả các đèn lưu thông sẽ liên tục chớp mầu đỏ khiến xe phải thay nhau chạy qua từng cái một như chúng ta thỉnh thoảng vẫn thấy. Nhưng nếu máy cho ra kết quả tầm bậy thì có thể tất cả các đèn đều hiện lên mầu xanh hết và bạn có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Để nói rõ hơn, mời bạn chịu khó đọc thêm dưới đây để biết tại sao con chip BIOS và đồng hồ lịch không thông cảm nhau trong ngày đầu năm đó. Lịch sử điện toán bắt đầu từ thập niên 1950 khi mà kỹ thuật hãy còn đơn giản. Thời đó người ta phải dùng các tấm thẻ bìa cứng bằng bàn tay gọi là punched card board để lưu trữ dữ kiện bằng cách dùng máy đục các lỗ hình chữ nhật nhỏ xíu như hạt gạo trên nhiều vị trí khác nhau của tấm bìa. Để tiết kiệm chỗ chứa rất hạn hẹp trên tấm thẻ, các thảo chương viên chỉ dùng có 6 con số để ghi nhận thời gian: hai số cho ngày, hai số cho tháng và hai số cho năm, có khi xen kẽ bằng dấu gạch ngang (dash) cho dễ đọc. Do đó, bạn thấy 12-31-98 chứ không phải 12-31-1998 (bên Âu châu hay Việt Nam mình thì lại viết ngày trước tháng sau nhưng cũng vậy). Sau này, khi kỹ thuật tiến bộ, người ta không dùng các tấm thẻ nữa và thay thế bằng các nhu liệu nhưng nguyên tắc 6 con số vẫn được duy trì. Thời đó không ai để ý đến chuyện gì sẽ xảy ra 50 năm tới khi thế giới bước vào thế kỷ 21.
Trở lại với con BIOS, con chip này dựa trên ngày tháng của đồng hồ lịch để chỉ thị cho các bộ phận khác trong máy thi hành các mệnh lệnh. Tuy nhiên máy điện toán không biết suy luận như con người. Khi lịch chuyển qua ngày 1/1/00 thì con chip lại tưởng là 1900 chứ không cho đó là năm 2000. Kết quả là các dữ kiện sai lạc sẽ được gửi đi, thí dụ như trong ngân hàng, con chip ra lệnh cho máy in gửi hóa đơn đến khách hàng bắt trả ngược tiền lời cho đến năm 1972 [xin xem Ghi chú 4] hoặc cho đến năm 1900.
Trên thế giới hiện nay, có khoảng 50 tỷ con chip BIOS được sử dụng cho các máy điện toán hệ thống lẫn điện toán cá nhân [xin xem Ghi chú 5] rải rác khắp nơi và có thể đang có mặt trong nhà bạn. Mặc dù cố vấn tổng thống Clinton là ông John Koskinen tính rằng chỉ có 3% gặp rủi ro khi đến năm 2000; tuy nhiên, với bằng ấy con chip đang hoạt động thì 3% kia cũng đã chiếm tới 150 triệu con rồi. Còn chủ tịch Ủy ban North American Electric Reliability Council lạc quan cho rằng tại Mỹ có tới 80% các dàn điện toán (network) sẽ hoạt động bình thường vào ngày 1/1/2000 nhưng Michael Hyatt, một chuyên gia hàng đầu về máy điện toán đã nói với tạp chí Computing Today là chỉ với 20% không bình thường đó cũng đủ làm điên đảo thế giới rồi.

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA"
Mặc dù nhiều công ty đã mướn chuyên viên điều chỉnh và thay thế các bộ phận nhưng không ai tiên đoán được điều gì sẽ xảy ra vào ngày này. Có thể sẽ chỉ là một vài sai trật và được sửa chữa kịp thời nhưng cũng có thể là một tai họa lớn như nước máy bị ô nhiễm vì bộ phận lọc nước không hoạt động, hay tiền lời trong các chương mục của khách hàng bị xóa sạch, v.v... Hoặc giả, hệ thống phòng chống nguyên tử bằng điện toán của cả Mỹ lẫn Nga sẽ báo động liên tục vì bên này tưởng bên kia đang phóng hỏa tiễn qua đất mình.
Nhưng điều đáng sợ hơn hết là với nguy cơ to lớn như thế mà nhiều chính quyền và hãng xưởng lớn trên thế giới cứ tỉnh bơ, không thèm để ý hay sửa chữa gì hết, cho rằng “để đến ngày đó sẽ tính”. Đối với nước Mỹ, theo chuyên gia Jim Seymour, điều lo ngại nhất là hệ thống điện lực. Trên đất Mỹ có khoảng 20% các nhà máy phát điện chạy bằng năng lượng nguyên tử. Theo luật lệ của Tổng Cục Kiểm tra Nguyên tử (NRC - Nuclear Regulatory Commission) thì nếu khi nào thấy không an toàn một chút thì các lò nguyên tử phải bị tắt ngay, nghĩa là điện sẽ bị cúp. Vào tháng 6 vừa qua, NRC gửi công văn đến tất cả 108 nhà máy nguyên tử trên toàn quốc yêu cầu cho biết đã làm gì để đối phó với Y2K chưa" Tất cả đều trả lời “chưa làm gì hết”.
Chưa hết, 40% nhà máy phát điện khác chạy bằng than được các chuyến xe lửa xuyên bang cung cấp hàng chục ngàn tấn mỗi ngày. Các đầu máy xe lửa này dùng các máy điện toán cũ kỹ sản xuất hàng chục năm về trước và các con chip BIOS chắc phải lỗi thời. Kế đến, 30% các nhà máy còn lại chạy bằng gas thiên nhiên, mà các nhà máy chế biến gas thì lại đứng gần chót trong bảng danh sách các kỹ nghệ quan tâm đến việc điều chỉnh Y2K. Chỉ có 10% chạy bằng dầu hỏa thì lại là các nhà máy nhỏ. Khám phá này khiến các chuyên viên năng lượng thú nhận rằng việc cúp điện liên tục và dài hạn khó tránh khỏi trên toàn nước Mỹ khởi sự từ tháng 1 năm 2000. Và điều đáng nói nữa, tháng giêng là cao điểm của mùa đông.
Còn tại các nước khác thì sao" Người ta tiên đoán thế nào cũng sẽ xảy ra hàng loạt các biến cố trên toàn thế giới. Như tại Na-uy, bạn có thể được đổ xăng không mất tiền vì giá xăng được máy ấn định cho đến ngày cuối của năm 99 thôi rồi sau đó... máy nghỉ. Hay tại Âu châu, nếu bạn đi chơi vào dịp này thì có thể máy điện toán tại một vài phi trường sẽ không đọc được sổ thông hành của bạn, và không chừng tên bạn lại hiện lên sổ đen những người đang bị truy nã vì khủng bố! Tại Trung hoa, có đến 53% các hãng xưởng lớn không biết làm sao để sửa chữa các hệ thống của họ cho thích hợp với Y2K, thậm chí có nhiều ông chủ lại còn không biết tại sao có hiện tượng Y2K nữa. Tại Nga-sô, chính phủ nói phải cần đến 3 tỷ dô-la để sửa chữa các hệ thống điện toán trong khi nước này đang nợ như chúa chổm. Chính phủ Moscow ngại nhất là hệ thống phóng đầu đạn nguyên tử sẽ khai hỏa bậy nếu không sửa chữa kịp nên đã xin Mỹ gởi chuyên viên qua giúp đỡ và Mỹ phải hoan hỷ nhận lời thôi. Còn tại Việt Nam thì sao" Trong số 22,000 máy điện toán của Hàng không Việt nam thì quá nửa đã lỗi thời chắc khó qua được ảnh hưởng của tai biến Y2K. Các hãng lớn của Mỹ như Microsoft, Compaq, IBM cũng đang giúp sửa chữa các máy vi tính tại Việt nam trong các lãnh vực quan trọng như ngân hàng, bưu điện và dầu khí nhưng cho đến nay chưa biết kết quả như thế nào.


DÂN MỸ PHẢN ỨNG RA SAO"
Vào ngày cuối năm 1998 vừa qua, viện Gallup cùng với nhật báo USA Today đã làm một cuộc thăm dò dân chúng Mỹ về việc họ sẽ làm gì trong ngày 1/1/2000 sắp tới. Gần một nửa người Mỹ cho biết họ sẽ nằm nhà chơi chứ nhất định sẽ không bay đi đâu dù có ai cho vé đi không mất tiền. Hai phần ba số người được phỏng vấn cho biết việc đầu tiên sau khi nghỉ tết Tây là sẽ hỏi thăm ông nhà băng xem số tiền tiết kiệm trong quỹ hưu trí có còn không hay đã biến mất, có khi lại còn bị số âm, nghĩa là nợ lại nhà băng. Nhiều người lo xa hơn nữa cho biết họ sẽ rút hết tiền mặt trong nhà băng để thủ rồi sau ngày đó muốn gửi lại thì gửi khiến Ngân hàng Dự trữ Liên Bang mới đây phải quyết định sẽ in thêm 75 tỷ đô la để sẵn sàng cung cấp cho các ngân hàng. Một số khác cho biết họ dã bắt đầu mướn hãng đặt máy phát điện bằng tia sáng mặt trời gắn trên nóc nhà.
Riêng các cơ quan an ninh thì e ngại nạn cướp bóc hôi của có thể sẽ xảy ra nếu tình hình rối loạn như đã từng xảy ra tại New York năm 1977 khi thành phố này bị mất điện, hoặc như tại Los Angeles cách đây ít năm khi dân da den nổi lên đốt phá tùm lum sau vụ tòa án tha bổng cho các cảnh sát viên da trắng đánh đập một người da đen. Một vài nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo như Pat Robertson thì cho rằng có thể đó là trận chiến Armageddon khởi đầu để chuẩn bị cho ngày tận thế tiếp sau đó đúng như Kinh Thánh sách Khải Thị (Revelation) đã tiên đoán. Một vấn đề khác chắc sẽ xảy ra là các hãng xưởng sẽ kiện tụng tùm lum và đổ lỗi cho nhau về các trục trặc do Y2K gây ra.
Báo Times vừa qua có kể đến câu chuyện khá buồn cười của gia đình ông Bruce Eckhart, 44 tuổi, sống tại Lisbon, tiểu bang Ohio. Ông này cùng bà vợ và đứa con gái 11 tuổi không những sắm nguyên một máy phát điện to tướng đặt sau vườn để phòng khi điện bị cúp mà còn mua một số lượng lớn thực phẩm xấy khô đủ sài cho một năm! Hơn nữa, sợ rằng hệ thống cung cấp nước uống bị trục trặc hay ô nhiễm, ông ta mua cho bà vợ một chiếc giường nệm bằng nước thật lớn có thể chứa tới 1,200 lít. Với lối đề phòng đó, gia đình ông sẽ có một số lượng nước lớn để uống trong một thời gian lâu. Tuy nhiên bà vợ ông vì quá thích chiếc giường êm ái do anh chồng tặng nên đã tâm sự với nhà báo rằng: “Tôi hy vọng tình hình sẽ không đến nỗi tệ khiến ông ấy phải lấy nước trong giường tôi ra mà uống!”

CÁC ĐẠI CÔNG TY ĐỐI PHÓ THẾ NÀO"
Trong số 500 công ty lớn nhất nước Mỹ, có 70% tường trình với Ủy Ban An Toàn và Hoán Chuyển Tiền Tệ (Securities and Exchange Commission) rằng họ đang nỗ lực làm việc để đối phó với Y2K bằng cách dành ra một số tiền lớn trong ngân sách để thuê mướn chuyên viên. Các cuộc thăm dò gần đây cho biết mặc dù đã chi ra hàng tỷ đô-la để điều chỉnh hệ thống điện toán, nhiều đại công ty không chắc là mọi chuyện sẽ êm xuôi. Thí dụ như McDonald’s bán bánh mì thịt xay hamburger cho các chú con nít đã lo sợ không biết các hãng thầu nhỏ sản xuất thịt xay có cung cấp được cho các tiệm vào những ngày đầu năm không, hay là thay vì đưa thịt xay lại đưa toàn da và xương xay để làm hamburger! Hãng Dupont chuyên sản xuất các đồ cao su cho các bà lại lo ngại không biết các nhà thầu có giao nguyên liệu thứ thiệt cho các nhà máy của hãng không. Còn hãng Coca Cola, vì sợ nước uống bị nhiễm độc nên đã dự trữ hàng triệu lít nước. Một số đại công ty khác như hãng Sears, hãng máy bay Cessna... thiết lập nguyên một phòng chiến tranh (war room) trong đó các viên chức cao cấp và chuyên viên điện toán túc trực để tuyên chiến với Y2K. Các “trung tâm hành quân” này trang bị máy phát điện và hệ thống truyền tin riêng để chỉ thị kịp thời cho các bộ phận bên dưới vì họ không tin vào hệ thống điện thoại và nhà máy điện lực địa phương vào lúc này.
Còn máy điện toán trong nhà bạn có bị ảnh hưởng không" Xin bạn đọc tin tiếp theo đây. Có một anh chàng tò mò không có chuyện gì làm, muốn biết các máy điện toán có hoạt động bình thường không khi bước vào qua năm 2000 nên đã đi mua một lúc cả chục chiếc máy của một số hãng sản xuất về chứa trong căn hầm nhà anh ở Albany, New York. Suốt trong hai tuần lễ dưới hầm, sau khi cài đặt các nhu liệu, anh điều chỉnh cho đồng hồ của các máy chỉ 11g55 đêm 31/12/99 rồi ngồi chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Kết quả là hầu hết các máy đều bị trục trặc không nặng thì nhẹ. Khi tiết lộ khám phá này cho một ký giả, anh dã không cho biết là máy nào vì sợ các hãng sản xuất kiện anh về thí nghiệm chết người này. (Bạn đọc có thể tự thử lấy cho máy mình. Xin xem phần Phụ lục.)
Như đã nói ở trên, cái khó của vấn đề là không ai quả quyết được chuyện gì sẽ xảy ra vì không ai dám thử tất cả hệ thống bằng cách vặn hết kim đồng hồ đến ngày 31/12/99 rồi ngồi chờ kết quả. Bởi nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng đến các cơ cấu khác, trong đó có những hệ thống không thể ngưng hoạt động được dù chỉ một phút như máy trợ tim, máy truyền máu trong bệnh viện, mạng lưới an ninh quốc phòng, các phi trường, hay các hệ thống điện thoại, điện lực chẳng hạn.
Kinh tế gia Edward Yardeni của báo Wall Street Journal cho rằng nếu không chấn chỉnh được những trở ngại thì nhân loại sẽ rơi vào một suy thoái kinh tế lớn. Ngay cả viên chủ tịch Ngân Hàng Dự Trữ Trung Ương Alan Greenspan, người được xem là nắm vận mạng túi tiền của tất cả dân Mỹ, cũng úp úp mở mở rằng “hình như có điều gì không ổn” vào đầu năm tới. Thấy được viễn tượng đen tối đó, theo Merrill Lynch và tuần báo PC Magazine, nước Mỹ đã và đang phải tiêu khoảng 1,000 tỷ đô-la (gấp đôi chi phí chiến tranh Việt nam) cho việc chữa trị bệnh Y2K này.

HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
Bên cạnh tai ương Y2K nói trên, vào ngày 9/9/99 này, toàn thế giới có thể sẽ chứng kiến một biến cố khác mà ít ai để ý tới có liên quan đến Cobol, một ngôn ngữ điện toán hiện đang được sử dụng rất nhiều trong kỹ nghệ, và đặc biệt trong Bộ Quốc Phòng và Quân Đội Hoa Kỳ. Theo đó, để tiết kiệm thì giờ, các thảo chương viên thường cho các ám số (code) để ra lệnh cho máy thi hành những tác vụ. Theo David Ivanovich, nhiều thảo chương viên ưa dùng số 9999 để ra lệnh cho máy ngưng hoạt động (quit) hay là chấm dứt hồ sơ (end of the file). Nghĩa là nếu bạn đánh bốn con số 9 thì máy điện toán tự động tắt đèn đi ngủ. Đến ngày 9/9/99, khi mà mọi dịch vụ đang trôi chảy, nếu một tay thảo chương nào buồn ngủ, đánh bốn con số 9, thay vì vào khu vực thời gian (date field) lại nhầm vào khu vực ra lệnh thi hành (executive field) thì Cobol sẽ quit ngay không nghĩ ngợi gì hết.
Nếu máy đang nối liền với những hoạt động quan trọng khác thì tức khắc sẽ làm cho cả một hệ thống bị trục trặc. Giả tỉ như ngay lúc đó, chiến tranh Trung Đông đang diễn tiến, một hỏa tiễn được điều khiển bằng điện toán bắn đi từ một căn cứ quân sự nào đó, bay qua các quốc gia bạn để tới đất Iraq. Đột nhiên, nó quit và rơi tõm xuống thủ đô xứ thân Mỹ Saudi Arabia chẳng hạn. Hoặc giả một phi thuyền con thoi của Mỹ được phóng lên vào 11g58 phút đêm 8/9/99. Hai phút sau, máy điện toán ngưng làm việc khiến hệ thống phóng hỏa ngưng theo. Thế là cả con tàu đâm đầu xuống biển mang theo các phi hành gia và bao công trình nghiên cứu khác của trung tâm không gian NASA. Câu chuyện trên chỉ kể cho vui thôi, chắc khó xảy ra. Tuy nhiên, sẽ có nhiều trục trặc trong các lãnh vực khác mà không ai ngờ được vì làm sao người ta nhớ hết và làm hết được mọi thứ đối với cả triệu máy điện toán đang hoạt động ngày đêm trên thế giới"
Bản tin mới nhất của mạng lưới Infobeat cho biết, tại thành phố East Coast, tiểu bang Philadelphia đã bắt đầu xảy ra một biến cố mà người ta vẫn chưa biết tại sao. Chỉ trong khoảng thời gian 15 tiếng cuối tháng 1/99 vừa qua, hơn 10,000 khách hàng ATM rút tiền qua máy tại nơi công cộng đã bị trừ vào trương mục của mình ba lần so với số tiền thực sự rút ra. Thí dụ như lấy ra có $100 đôla tiền mặt, biên nhận được in tại chỗ là $100, nhưng hồ sơ lưu trữ trong ngân hàng do máy điện toán ghi thì đương sự rút ra tới ba lần, mỗi lần $100. Sự việc được báo động khi một số khách hàng khám phá ra chương mục của mình bị hụt quá nhiều.
Mọi người bắt đầu lo sợ không biết rồi điều gì khác sẽ xảy ra" Nhiều người lo quá đâm nói ẩu. Họ nói rằng mấy tay thảo chương viên tiền phong của thập niên 50 khi viết chương trình đã nghĩ đến chuyện cứu bồ, tức là tìm cách giữ vững công ăn việc làm cho đàn em mình nên hè nhau chỉ cho có 6 con số thay vì cả 8 con. Không thể nào họ chẳng biết rằng chỉ còn vài chục năm nữa là bước vào thế kỷ 21 rồi. Nếu làm siêng ghi cả 8 con số thì bọn đàn em sau này đâu còn việc nữa mà làm như hiện nay để xơi 1,000 tỷ đô-la nói trên"
Hà Hữu Quang (4/99)

GHI CHÚ:
1. CHIP = Còn được gọi là IC (Integrated Circuit) là một mạch tích hợp (microprocessor) chứa các lát điện tử rất mỏng gọi là layers nằm chồng lên nhau. Tuy con chip chỉ lớn bằng hộp diêm quẹt nhưng nó chứa hàng triệu phần tử bán dẫn (transistor) nhỏ li-ti. Các phần tử này được nối với nhau bằng những sợi dây điện hợp chất vàng và tungsten cực nhỏ (cỡ 1/100 của sợi tóc). Một con chip CPU Pentium III 500MHz - bộ óc của máy điện toán - vừa do hãng Intel tung ra thị trường, giá khoảng 700 dô-la, được gắn trong máy điện toán cá nhân nhưng có vận tốc gấp ngàn lần nhiều hơn cả một dàn máy điện toán chứa trong bốn năm phòng lớn trị giá nhiều triệu dô-la hơn 25 năm trước đây, được Bộ Quốc Phòng VNCH trang bị hồi trước 1975.
2. BIOS (Basic Input/Output System) = Hệ thống Xuất/Nhập Mệnh lệnh - BIOS nằm trong con chip khác tên là ROM gắn trên mạch điện mẹ (mother board) của máy điện toán. BIOS có nhiệm vụ kiểm soát các dữ kiện dựa trên thời gian do đồng hồ lịch cung cấp, để sau đó ban lệnh cho các bộ phận khác như màn hình, máy in, modem,... thi hành theo.
3. RTC (Real Time Clock) = Đồng hồ lịch - Là một cái đồng hồ cũng nằm trong mạch điện mẹ. Vì chạy bằng pin nên nó hoạt động liên tục ngay cả khi tắt. RTC có nhiệm vụ cung cấp giờ giấc ngày tháng cho BIOS.
4. Theo tây lịch, cứ 28 năm thì chu kỳ lập lại với các ngày/thứ trong tuần và tháng giống hệt nhau. 28 năm về trước của năm 2000 là năm 1972.
5. Đại đa số máy điện toán cá nhân trên thị trường hiện nay có cùng một cấu trúc căn bản của máy PC-IBM nguyên thủy nên gọi là IBM compatible.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.