Hôm nay,  

Lời Lỗ Của Trận Chiến Iraq

08/04/200300:00:00(Xem: 4215)
Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Trước khi cuộc chiến Iraq kết thúc, thế giới đã nói đến khoản lời to lớn cho doanh nghiệp, nhất là tập đoàn Mỹ, trong việc tái thiết xứ này. Thực ra, chiến tranh luôn luôn khởi đầu bằng tàn phá, trước khi con người nhìn thấy những công trình hay lợi ích được xây dựng về sau, trong giai đọan trùng tu.
Nhưng, riêng về trường hợp Iraq, vào đúng ngày chiến tranh khai diễn, ba giáo sư kinh tế của Đại học Chicago nổi tiếng về môn kinh tế của Mỹ đã có một báo cáo về lợi ích kinh tế của cuộc chiến Iraq, so với nguyên trạng trước đó. Đài Á Châu, trong chuyên mục Diễn đàn Kinh tế ngày 08 tháng Tư, 2003, đãõ tìm hiểu về những lý luận có vẻ ngược ngạo nói trên, qua bài trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, như sau:
Hỏi: Thưa ông, cách đây hơn một tháng, ông có nêu lý luận rằng chiến tranh là một tổn thất, chứ không thuần túy là một lợi ích mà người ta chỉ thấy về sau; trường hợp đó có đúng với cuộc chiến Iraq đang sôi nổi chăng"
- Tôi thiển nghĩ là lý luận đó có thể áp dụng cho mọi trường hợp có sự hủy diệt. Giới kinh tế minh diễn điều này bằng một ẩn dụ là cánh cửa kính bị vỡ. Khi cửa kính bị vỡ, thí dụ như do tai nạn hay trẻ em tinh nghịch ném đá, thì chủ nhà phải mất tiền đặt làm một cánh cửa khác, nhờ đó người thợ bán và lắp ráp tấm kính có được việc làm và có thêm lợi tức. Người ta gọi đó là "lợi ích của sự hủy diệt", nhưng giới kinh tế thì cố nhìn xa hơn, thí dụ như khoản tiền mua kính mới đó đáng lẽ có thể được dùng vào việc khác, tỷ như sơn lại mặt tiền ngôi nhà và có lợi cho thợ sơn, thay vì chỉ để thay một chồng kính vụn. Người ta hay nhìn thấy cái được mà quên cái mất, và do đó, chiến tranh không đơn giản là cơ hội làm giầu mà còn là sự hao tán tài sản trước đấy, chưa kể tới bao tổn thất nhân mạng. Trường hợp Iraq cũng vậy mà thôi.
Hỏi: Thế ông nghĩ sao về báo cáo của ba nhà kinh tế của Đại học Chicago tại Mỹ, vừa công bố hôm 20 tháng trước" Họ nói là chiến tranh đó có lợi về kinh tế, điều này chả mâu thuẫn với lý luận của ông sao" Phải chăng vì lợi ích đó mà Mỹ nhất quyết tham chiến dù bị nhiều quốc gia đả kích"
Thưa, tôi không nghĩ là có mâu thuẫn mà chỉ là cách đặt vấn đề trên bình diện khác thôi. Trước tiên, về nguyên tắc thì mọi quyết định kinh tế đều là kết quả của một sự chọn lựa. Khi mua vật này, làm việc này là không thể mua vật khác hay làm việc khác vào cùng lúc. Quyết định kinh tế luôn luôn là sự cân nhắc để thỏa mãn một mục tiêu trong lúc này mà tạm hy sinh một yêu cầu khác, vào lúc khác mới thực hiện được, thí dụ như khi phải mất tiền thay kính thì khỏi sơn lại cửa. Ba giáo sư kinh tế trên mới làm con tính về hai vế chọn lựa. Một là duy trì hiện trạng tại Iraq, và so sánh mọi sự được mất với giải pháp thứ hai là kết thúc chế độ Saddam Hussein. Họ kết luận là giữa hai vế chọn lựa đó thì chiến tranh vẫn là có lợi hơn, và quan trọng nhất, có lợi hơn cho chính người dân Iraq.
Hỏi: Đây quả là đề tài ly kỳ, xin ông trước nhất giải thích cho nội dung nghiên cứu này.
Vâng, ba giáo sư đó là Steven Davis, Kevin Murphy và Robert Topel, họ thực hiện công trình nghiên cứu này cho Đại học Chicago là một trong mấy trường lẫy lừng nhất của Mỹ về khoa kinh tế. Và họ công bố kết quả này hôm 20, nội dung báo cáo được trình bày trên mạng điện toán của trường Chicago. Vì là đề tài quá chuyên môn nên công chúng ít tìm hiểu trong khi phe tả hay chủ hòa vẫn cho rằng chiến tranh là vô đạo và tốn kém, chỉ có lợi cho bọn buôn súng. Nhưng mình không quên rằng ai cũng tin là cuộc chiến của mình có chính nghĩa. Đừng nói đâu xa, ông Hồ Chí Minh kia chả từng kêu gọi đốt sạch rặng Trường Sơn để chống Mỹ hay sao" Ông Hồ không tính ra cái phí tổn của việc đốt phá đó, chứ sau này, giới kinh tế vẫn tính ra là khi Việt Nam xua quân chiếm đóng Kampuchia từ 1979 đến 1989 vì cái gọi là "nghĩa vụ quốc tế", tức là có lý do chính đáng nếu không về đạo đức thì về chính trị, kinh tế Việt Nam mỗi năm bị hao hụt mất 3% trong đà tăng trưởng của tổng sản lượng GDP. Với đà gia tăng dân số trên 2% một năm, 10 năm nghĩa vụ tại Campuchia khiến Việt Nam bị nghèo hẳn đi mỗi năm mất 5% chưa kể tới bao thiệt hại của đường lối quản lý tập trung bao cấp, tới khi khủng hoảng bùng nổ thì đảng Cộng sản mới tiến hành đổi mới và rút khỏi Campuchia. Kinh tế có sự tính toán lời lỗ rất lạnh lùng của nó mà người lãnh đạo nhiều khi không biết, không thấy. Và ba kinh tế gia kia đã làm công trình kiểm kê so sánh để thấy ra những lời lỗ của hai kịch bản, hai vế chọn lựa.
Hỏi: Xin ông cho biết trước tiên về khoản gọi là tổn thất của chiến tranh, theo sự tính toán của ba kinh tế gia này.


Chúng ta nhớ là tuần trước, Tổng thống Mỹ đã đệ trình Quốc hội và quốc dân Mỹ ngân sách phí tổn của chiến tranh và tái thiết, khoảng 75 tỷ Mỹ kim. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ sau đó chuẩn chi 80 tỷ cho yêu cầu này. Trước đó, cơ quan hỗn hợp về ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Quốc hội Mỹ đã dự đoán chiến tranh sẽ làm hao tốn từ 50 đến 60 tỷ và có thể tốn thêm 23 tỷ nếu kéo dài quá bốn tháng, vị chi là tối đa lên tới 83 tỷ. Bên cạnh đó, việc cứu trợ nhân đạo, tái thiết và gửi quân gìn giữ trật tự sau chiến tranh có thể tốn thêm 40 tỷ trong hai năm, đa số sẽ do dân thọ thuế của Mỹ thanh toán vì Mỹ giữ vai chủ động trong cuộc chiến. Tính chung một cách bi quan thì phí tổn cho Mỹ sẽ lên đến 125 tỷ đô la, tức là hơn gấp rưỡi ngân khoản do hai viện của Quốc hội Mỹ vừa phê chuẩn tuần trước. Ba kinh tế gia của Chicago dùng con số bi quan này làm cơ sở so sánh.
Hỏi: Đó là phí tổn vì chiến tranh. Nếu không có chiến tranh thì người ta tốn những gì"
Trước hết, sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, Mỹ vẫn phải chi tiền thực hiện quyết định của Liên hiệp quốc là bảo vệ hòa bình tại Trung Đông để Iraq khỏi vi phạm, như họ vẫn thường xuyên vi phạm. Hàng năm, Mỹ mất 13 tỷ cho việc đó. Sau vụ khủng bố 9-11 năm kia, nhu cầu tăng cường việc canh phòng gây thêm tốn kém, có thể bằng 50% ngân sách trên, vị chi là 19 tỷ đô la một năm. Vì chế độ Saddam Hussein đã tồn tại sau tám năm chiến tranh với Iraq, sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 91 và 12 năm canh chừng của Liên hiệp quốc, nếu không có chiến tranh thì chế độ này sẽ còn tồn tại khá lâu, như người ta có thể thấy tại Cuba hay Bắc Hàn. Nó có đổi mới dần thì cũng còn khả năng tồn tại ba chục năm nữa, so với 40 năm của Cuba hay 50 năm của Bắc Hàn. Nếu tính theo hiện giá của đồng bạc sau khi làm phép chiết khấu, thì 19 tỷ mỗi năm trong 30 năm tới cũng là 380 tỷ theo giá ngày nay. Đó là một cách so sánh với khoản 80 tỷ hay 125 tỷ ta vừa nói... Nếu chế độ Saddam Hussein lại dùng võ khí tàn sát thi hành việc khủng bố cũng nguy hại như vụ 9-11 tại Mỹ năm kia thì Mỹ có thể mất thêm rẻ ra là 50 tỷ, nghĩa là bổ đồng thì có thể mất đến 450 tỷ đô la của dân Mỹ thọ thuế. Hiện nay, để phòng ngừa khủng bố, Mỹ dự trù mất mỗi năm 80 , nếu cho là trong đó có 10 tỷ bị dồn vào việc canh phòng khủng bố từ Iraq, thì trước sau gì Mỹ cũng sẽ tốn 630 tỷ nếu cứ giữ nguyên hiện trạng.
Hỏi: Và thưa ông, đó là chỉ là tốn kém của Mỹ trong việc phòng thủ, chưa nói gì đến những mất mát kinh tế của dân Iraq, phải không"
Vâng, giới kinh tế ưa nói đến các hậu quả trường kỳ và toàn diện, tức là của mọi thành phần liên hệ gần xa đến một quyết định kinh tế. Ai lời ai lỗ trong từng quyết định kinh tế có thể là một bài toán chính trị. Thí dụ gần với Việt Nam là quyết định về "giá, lương, tiền" hoặc biện pháp gọi là "bù giá vào lương" hồi giữa thập niên 80 vừa qua, tưởng là có lợi cho công nhân viên chức nhà nước, nó lại gây tổn thất cho toàn dân vì lạm phát vọt lên tới hơn 700% một năm mà giới lãnh đạo kinh tế khi đó không tính ra. Ba nhà kinh tế của trường Chicago đã cẩn thận làm con tính kinh tế về phí tổn của chế độ Hussein. Từ khi Hussein lên cầm quyền năm 1979 đến nay, mức sống dân cư Iraq bị sụt mất 75%, đang có lợi tức đồng niên giả dụ như 1.000 đô la một năm thì nay chỉ còn 250 đô la. Vì vụ xâm lấn Kuweit, Iraq bị Liên hiệp quốc trừng phạt làm thất thâu dầu khí một năm mất hơn 12 tỷ trong suốt 12 năm qua, chưa kể là bao tài nguyên quốc gia bị hao tổn vào bộ máy chiến tranh và tuyên truyền cho chế độ. Nếu vì cuộc chiến đang xảy ra mà có thay đổi chế độ và trong 20 năm tới, dân Iraq sẽ lấy lại được những gì đã mất từ 1978 đến nay, tức là trở lại 30 năm cũ, rồi mất phân nửa lợi tức GDP của toàn năm vì cuộc chiến này, sau đó chỉ đạt tốc độ tăng trưởng rất bình hòa là 3% một năm, chưa bằng phân nửa của Việt Nam, v.v... dựa trên các giả thuyết thực ra chả có gì là lạc quan như thế thì mức sống dân cư Iraq sẽ được nâng cao chừng 50% so với hiện trạng. Đó là một lợi ích không nhỏ.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, thế còn những tổn thất nhân mạng"
Vâng, giới kinh tế không phải là phường duy vật vô tâm, ít ra ba giáo sư đó cũng nói đến phí tổn nhân mạng. Dân Iraq bị chết 20 vạn bị thương 40 vạn trong tám năm chiến tranh với Iran, chưa kể tổn thất còn cao hơn vậy cho Iran như vụ khai quật tử thi tuần qua tại Iraq có cho thấy. Dân Kurd bị Hussein tàn sát mất 20 vạn, dân Iraq chết một vạn trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, dân Shiite của Iraq bị tàn sát sau khi Mỹ rút quân năm 1991 mất mươi vạn và từ đó đến nay có chừng mươi vạn dân Iraq bị chết vì nghèo đói dưới sự cai trị của Hussein. Nói chung, từ khi ông ta lên cầm quyền năm 1979 đến nay, dân Iraq coi như đã chết mất nửa triệu, có thể là vài ba vạn mỗi năm riêng trong 12 năm qua khi Liên hiệp quốc giữ nguyên trạng. Nếu nói về tổn thất nhân mạng thì cuộc chiến này không thể gây ra kết quả kinh hoàng đó, và đấy cũng là một kết luận của ba kinh tế gia Đại học Chicago.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.