Hôm nay,  

Diễn Đàn Độc Giả

15/03/200400:00:00(Xem: 4803)
Ông Cung Đình Thanh đã đăng một giả thuyết lỗi thời"!

Hải V. Trần - Sydney

Sau khi đọc báo Sàigòn Times 2 số vừa rồi, tôi có rất nhiều đắn đo không biết có nên viết bài đóng góp với ông Cung Đình Thanh hay không. Đọc bài viết của ông Trung Tỉnh Cư Sĩ, tôi thấy ông đã nói rất đúng, nếu chúng ta muốn làm văn hoá thì cần phải có con người văn hoá. Nhưng ngoài những điều phi văn hoá mà ông Trung Tỉnh đã viết, tôi thấy ông Thanh còn phạm phải một sai lầm trầm trọng nữa là ông đã đăng một giả thuyết bị lịch sử đào thải. Không những thế, ông còn cổ võ cho cái giả thuyết lỗi thời đó. Cái điều đó vô cùng nguy hại, nên tôi xin được lên tiếng đóng góp, và kính mong các vị thức giả tại Úc, tại Mỹ nếu có thể bớt chút thì giờ lên tiếng quanh vấn đề này thì thực là quý hoá.
Thưa quý vị, tôi nhớ là vào khoảng cuối năm 1999, một người bạn có đưa cho tôi coi cuốn tập san Tư Tưởng số 2 của ông Cung Đình Thanh phát hành vào tháng 4 năm 1999. Trong số đó tôi thấy có đăng bài "Thắp sáng lại quá khứ bị lãnh quên" của tiến sĩ Wilhem G. Solheim II do tác giả Hoài Văn Tử & Vĩnh Như dịch. Theo như phần Lời Toà Soạn đăng trên tạp chí Tư Tưởng số 2 thì bài viết của ông tiến sĩ Solheim này đã được ông Lê Linh Thảo chuyển cho tạp chí Tư Tưởng đúng lúc báo chuẩn bị lên khuôn. Trong phần Lời Toà Soạn, ông Cung Đình Thanh viết, "Lập trường của Giáo sư W.G. Solheim II, chúng tôi đã được đọc đây đó trong các sách khảo cổ từ lâu, nhưng đến nay mới có may mắn có được tài liệu quý này, mà lại là một bản dịch rất hay của người bạn cố tri đã lâu không gặp. Tôi xin phép đăng thêm trong tập san số này để cung cấp cho bạn đọc một sử liệu quý giá, có thể thêm chứng tích nói lên Hoà Bình, phần đất nay thuộc Bắc Việt Nam, là một trong những cái nôi cổ nhất của nhân loại." Lúc ấy thấy tạp chí Tư Tưởng đăng bài đó, tôi đã rất ngạc nhiên vì bài viết của giáo sư Solheim nguyên tác bằng tiếng Anh là "New Light on a Forgotten Past", được đăng trên tạp chí National Geographic số tháng 3 năm 1971, tức là cách đây đã trên 30 năm. Thời năm 1971, chẳng phải chỉ Việt Nam mà ngay cả Thái Lan và Lào cũng đều vui mừng đón nhận giả thuyết của ông Solheim. Nhưng cho đến nay thì giả thuyết này đã bị đào thải từ lâu. Tôi nhớ là trong hội nghị kỷ niệm 60 năm phát hiện nền văn minh Hoà Bình được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 1993, (trung tuần tháng 12 thì phải"), dưới sự bảo trợ của bộ ngoại giao Pháp và Viện Khảo Cổ Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Solheim cũng đã tham dự và trong dịp này ông đã thừa nhận, là giả thuyết được ông trình bầy trong bài "New Light on a Forgotten Past" là không đúng thực tế.
Rồi cái điểm quan trọng nữa là trong một bài viết cách đây không lâu, sử gia nổi tiếng Lê Thành Khôi cũng đã phê bình cuốn "Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam" của ông Trần Ngọc Thêm khi ông Thêm dẫn trong sách bài viết "New Light on a Forgotten Past" của Solheim viết từ năm1971. Trong bài phê bình, sử gia Lê Thành Khôi xác nhận rằng, giả thuyết của Solheim cho rằng văn minh Hoà Bình đẻ ra nền văn minh Trung Hoa, đã bị các nhà khảo cổ trên thế giới bác bỏ từ lâu. Sử gia Lê Thành Khôi cũng nêu rõ, tôi trích nguyên văn: "Sử học và nhất là khảo cổ học đi rất nhanh. Một bài viết cách đây 30 năm khó mà còn giá trị tới bây giờ".
Tôi cũng nói thêm để quý vị hiểu, ông Trần Ngọc Thêm là phó giáo sư phó tiến sĩ hiện dậy tại đại học ngoại ngữ và tin học ở Sàigòn dưới sự bảo trợ của Trần Bạch Đằng và Trần Văn Giầu. Vì vậy, cuốn sách "Tìm về bản sắc văn hoá VN" của ông được bộ trưởng bộ giáo dục Hà Nội khen ngợi hết lời và chỉ trong thời gian ngắn có mấy năm (1999-2003) sách đã tái bản nhiều lần. Nhưng vì kiến thức về khảo cổ của ông Thêm hạn chế, nên tác phẩm của ông Thêm mới bị ông Lê Thành Khôi phê phán. Còn về ông Lê Thành Khôi thì tôi cũng xin thưa để quý vị rõ ông là người đã sang Pháp du học từ năm 1947, sau trở thành giáo sư tiến sĩ giảng dậy tại đại học Sorbonne. Năm 1955, tại Paris, ông đã viết cuốn "Việt Nam lịch sử và văn minh" (Le Vietnam, Histoire et Civilisation) mà cho đến nay vẫn được thừa nhận là giá trị cho nhiều thế hệ ở trong nước cũng như ở hải ngoại.
Qua những điều vừa trình bầy, tôi thấy ông Cung Đình Thanh quả thật đã thiếu sót khi cho đăng lại bài viết lỗi thời đã xuất bản cách đây hơn 30 năm. Việc ông Lê Linh Thảo gửi một tài liệu đã lỗi thời cho tạp chí Tư Tưởng, chuyện đó có thể châm chước. Nhưng khi nhận được tài liệu đó, ôâng Cung Đình Thanh phải có bổn phận nghiên cứu kỹ càng trước khi đăng, chứ không thể vì "báo chuẩn bị lên khuôn" mà vội vàng cho đăng ngay. Buồn hơn nữa là 5 năm sau đó, trong cuốn "Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học" vừa mới ra mắt, ông Cung Đình Thanh lại tiếp tục cho đăng bài viết đã lỗi thời đó một cách rất trang trọng. Điều này chứng tỏ ông Cung Đình Thanh và ban biên tập tạp chí Tư Tưởng đã vừa không có kiến thức chuyên môn của một nhà khảo cổ, lại vừa không có sự cẩn thận của những người làm văn hoá. Điều này dễ khiến người đọc vì "một sự bất tín, nên vạn sự bất tín" đâm ra nghi ngờ luôn cả những gì ông Thanh đã trình bầy và viện dẫn trong cuốn sách. Và nếu vậy, tôi thành thực e ngại, tác phẩm "Tìm về nguồn gốc Văn minh Việt Nam" của ông Thanh chỉ là sự cóp nhặt một cách vội vã và hổ lốn những kiến thức chuyên môn về nhân chủng, khảo cổ, văn hoá, của một người không am tường về nhân chủng, khảo cổ, văn hoá.
Cuối cùng, nếu tôi nhớ không lầm thì tác giả Hoài Văn Tử và Vĩnh Như đã dịch bài "New Light on a Forgotten Past" từ trước 1975. Thời đó tin này gây xôn xao trong hàng ngũ thức giả Việt Nam và có nhiều người dịch bài này vì họ rất thích thú khi có một nhà khảo cổ ngoại quốc đưa ra giả thuyết cho rằng văn minh Hoà Bình có trước cả văn minh Trung Hoa. Tôi nhớ, lúc ấy nghe nói, có nhiều người, kể cả ông Lê Bá Kông đều cho rằng, hai chữ "New Light" dịch là "Thắp sáng lại" vừa sai về nghĩa lại vừa không đúng vị trí từ loại trong nguyên tác tiếng Anh. Thay vì vậy nên dịch "New Light" là "Ánh Sáng Mới" thì phù hợp với ý tác giả hơn.

*

Đóng góp Trung Tâm Văn Hoá là làm văn hoá có ý nghĩa nhất!

Vũ T.T. - Cabramatta NSW

Tên tôi là Thanh, đàn bà con gái nghề nghiệp nội trợ xưa rày nên tôi chả dám xía vô những chuyện quốc gia đại sự kẻo rồi mấy ông lại bảo đàn bà nhẹ dạ, đái không qua đầu ngọn cỏ, biết gì mà nói. Nhưng thấy chuyện ông xã tôi bốc đồng đi mua một cuốn sách của ông giáo sư Cung Đình Thanh về rồi bảo làm văn hoá thì tôi thấy đúng là dại dột vì ông Thanh này xưa nay đàn bà con gái chúng tôi biết quá mà, ông ta chỉ mượn cớ làm văn hoá để gây phân hoá cộng đồng mình rồi làm lợi cho CS thôi. Người Việt mình ai cũng có lòng với văn hoá dân tộc nhưng đừng dại dột lú lẫn để người ta "dứ dứ nắm cỏ văn hoá" rồi sỏ mũi dắt đi đâu cũng đi như dắt trầu thì kỳ lắm. Như vậy mình vừa mất công mất sức lại còn bị người ta cười cho là dại. Tôi hỏi ông nhà tôi chớ ông mua về ông có đọc hay không. Ông bảo thì giờ đâu mà đọc. Mà dù ông có đọc cũng không hiểu họ nói cái gì. Thằng em ông xã nhà tôi cũng học hành đại học ở Việt Nam rồi đại học ở đây, trước đây đã dậy sử bao nhiêu năm, mà chú còn bảo đọc chả hiểu gì. Thôi thì cứ đem số tiền mấy chục đồng mua sách đó làm một việc làm có ý nghĩa nhất là đóng góp cho BS Tấn để xây trung tâm văn hoá ở Bonnyrigg là tôi thấy làm văn hoá đúng đắn nhất.

*

Xin ông Thanh đừng lợi dụng văn hoá để gây phân hoá

Ng. V.H. - Yagoona NSW

Trước hết tôi xin thưa là tôi không thuộc hội đoàn đoàn thể nào. Tôi chỉ là một độc giả bình thường, chỉ biết đi cầy đóng thuế rồi hú hí chuyện nhà. Nhưng sau vụ chống SBS chiếu đài của CS, tôi thấy cả gia đình tôi lên tinh thần hẳn. Vì thế, nghe đài quảng cáo buổi ra mắt sách của ông Cung Đình Thanh tôi cũng tính đi dự nhưng vì có gia đình cô em ở dưới Melbourne lên chơi nên lần lữa mấy chuyện shopping mua sắm không tới dự được. Nhưng có người bạn trước ở VN cũng dậy học ở Sàigòn, anh ta có tham dự thì anh ta nói buổi ra mắt sách dành cho dân có "trình độ cao tốc"("!) thôi. Mày có đi thì cũng chẳng hiểu gì. Nhưng có câu ông tác giả CĐ Thanh tuyên bố khiến nhiều người ở đó bất bình nhất là ông đã lợi dụng văn hoá để gây phân hoá. Ông bảo đại khái là có nhiều người ôm bụng kinh luân (nghĩa là thuộc loại có trình độ và có tài) ở VN gặp CS không thể thi thố. Sang đến Úc gặp mấy vị chủ tịch CĐ trước không biết trọng nhân tài sao đó nên họ cũng không thể thi thố tài năng luôn. Bây giờ với vị tân chủ tịch CĐ, thì ông CĐ Thanh ông nói là ông hy vọng họ sẽ có cơ hội để thi thố tài năng đóng góp cho CĐ. Ông Thanh phát biểu như vậy thì quả là không nên và tôi cũng không đồng ý. Tôi chả hiểu ông ám chỉ ai là những người ôm bụng kinh luân nhưng bất cứ ai đã có tài mà có lòng thì dấn thân mà làm việc. Việc chung cộng đồng đâu có ai độc quyền bao giờ đâu mà bảo thi thố với không thi thố. Ông cứ làm như mấy vị chủ tịch CĐ trước toàn là những người hãm tài không cho những người có bụng kinh luân trổ tài không bằng. Ông lại so sánh chuyện CĐ ở đây với CS ở VN thì thật là tệ. Xưa nay ông chẳng sinh hoạt CĐ bao giờ, nay phát hành sách, bao nhiêu người trong CĐ chẳng tỵ hiềm gì cả đều giúp ông mà ông nói vậy thì thật là cạn tàu ráo máng quá ông Thanh. Mà chẳng nói đâu xa, cứ riêng ông Thanh thôi, trước đây VNCH cho ông xuất ngoại du học, đến khi ở Mỹ về thì ông bảo ông "biết rõ thế nước" nên không chịu hợp tác với bất cứ ai dù được nhiều người mời gọi. Như vậy là cái khôn lỏi và cái ích kỷ đã ngăn chặn ông Thanh không cho ông thi thố tài năng chứ đâu có phải vì bị ai ngăn cản hay đố kỵ tài năng. Sang đây ngót 15 năm, thử hỏi ông làm được những gì cho cộng đồng" Tôi xưa nay nghe thiên hạ bàn ra tán vô về ông Thanh, tôi vẫn để ngoài tai. Tôi cũng chưa có dịp gặp ông Thanh. Nhưng trong một buổi sinh hoạt văn hoá phát hành sách của ông, mà ông Thanh lại có lời phát biểu gây đố kỵ, phân hoá trong cộng đồng như vậy là tôi không phục. Phải chăng ông muốn lợi dụng văn hoá để gây phân hoá trong cộng đồng, thưa ông CĐ Thanh"

*

Hoan nghênh những hy sinh của ông Cung Đình Thanh

Chiến Sĩ Văn hoá - Australia

Theo dõi những bài báo Sàigòn Times đăng tải chỉ trích việc phát hành sách của cựu luật sư kiêm đương kim sử gia và học giả Cung Đình Thanh, tôi triệt để phản đối việc làm cực kỳ phản động của báo SGT. Tôi thấy việc làm của học giả Cung Đình Thanh rõ ràng phát huy trí tuệ và sức mạnh của người Việt trong môi trường thực tiễn hải ngoại, và là một bước ngoặt lịch sử, tạo nên biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, giúp người Việt chúng ta đi vào lịch sử thế giới như một nòi giống vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Và theo chúng tôi thì đây là một sự kiện có tầm vóc quốc tế, có tính thời đại sâu sắc, đúng như học giả Cung Đình Thanh đã viết trong Thư Ngỏ: "đưa được đất nước đến ngang tầm thời đại".


Để phản bác những luận điệu cực kỳ phản động của những Việt kiều như Hữu Nguyên, Trung Tỉnh Cư Sĩ, Lê Thị Bạch Tuyết... (mà chúng tôi đoán là của 1 người viết) trong 2 số báo Sàigòn Times vừa qua, tôi xin đưa ra một số bằng chứng hùng hồn để thấy rõ học giả Cung Đình Thanh luôn luôn là người cầm lái con tàu văn hoá một cách kiên định lập trường trước mọi phong ba bão táp của thời cuộc tư bản chủ nghĩa, và học giả Cung Đình Thanh luôn sáng mắt sáng lòng, quyết tâm giương cao ngọn cờ văn hoá, tập hợp được những người Việt kiều yêu nước, yêu văn hoá đoàn kết, xứng đáng là khúc ruột ngàn dặm và mặt trời mọc tại hải ngoại.
Bằng chứng đầu tiên là khi rời Việt Nam đi sang Úc, chính luật sư sử gia kiêm học giả Cung Đình Thanh đã chịu khó mang theo cả tấn sách vở. Điều này chứng tỏ ông CĐT là người một lòng một dạ quan hoài đến văn hoá, đến sách vở. Xin hỏi quý vị là trong số mấy triệu Việt kiều yêu nước ở hải ngoại, có ai khi bỏ nước ra đi chịu khó mang theo cả tấn sách vở hay chỉ lo mang theo của cải, vàng bạc, tiền đô" Suốt mấy chục năm qua, mặc dù đảng và nhà nước ta liên tục khuyến khích người Việt khi đi ra nước ngoài nhớ mang theo sách vở, tài liệu của đảng nhưng không một ai chịu nghe. Ngay cả khi đảng và nhà nước cho xuất cảng ra hải ngoại không biết bao nhiêu là sách vở, bán cho các thư viện với giá thành rẻ mạt để người Việt hải ngoại có dịp thấm nhuần đường lối chỉ đạo của đảng và nhà nước, nhưng vẫn có báo chí như báo Sàigòn Times phản đối một cách cuồng tín và phản động.
Bằng chứng thứ hai là để in cuốn sách "Tìm về nguồn gốc Văn Minh VN" đó, luật sư sử gia kiêm học giả Cung Đình Thanh đã chịu khó đi Mỹ, đi Pháp, đi Việt Nam để chụp hình, thu thập tài liệu. Tiền bạc, chi phí khi di chuyển đều do chính học giả Cung Đình Thanh tự túc. Mỗi chuyến đi như vậy là tốn kém tiền bạc lắm. Tiền bạc đó ở đâu ra" Ông Cung Đình Thanh đã lớn tuổi, lại không có việc làm, xưa nay ông chỉ làm văn hoá, nếu ông không biết thắt lưng buộc bụng, góp nhặt từng đồng, thì làm sao ông làm được những việc văn hoá có ý nghĩa như vậy" Vì thế quý vị Việt kiều yêu nước hải ngoại phải biết hoan nghênh ông mới phải, chứ không nên chỉ trích ông. Còn bảo ông Thanh tại sao không đi biểu tình chống SBS, không tham gia sinh hoạt cộng đồng thì xưa nay mỗi người ông trời cho một khả năng. Có người thích ăn cơm nhà vác ngà voi, có người thích viết sách để lưu danh với hậu thế. Đừng bắt người có tài như học giả Cung Đình Thanh phải làm những việc cuồng tín, thất đức giống như mình. Như vậy là độc tài là phi dân chủ là phản động.
Còn việc ông Hữu Nguyên bảo ông Thanh đăng lại những bài cũ tới 9 phần mười cuốn sách thì chúng tôi thấy chuyện đó đâu có sao. Xưa nay thiếu gì người làm như vậy. Trước đây, những bài đó in rải rác, độc giả khó theo dõi, nay tập hợp lại trong một cuốn cho dễ theo dõi thì là chuyện tốt, chuyện đáng hoan hô. Mà ông Thanh có lấy tiền của quý vị để in đâu mà quý vị lo. Tiền túi của ông Thanh và bạn hữu của ông quyên góp mà. Bộ quý vị tưởng in một cuốn sách cả sáu, bảy trăm trang này là ít tiền đấy hả" Một quyển sách như vậy dù có in rẻ ở Việt Nam đi nữa thì cũng mất vài chục ngàn Úc kim là ít. Thử hỏi trong đội ngũ Việt kiều yêu nước hải ngoại có mấy người hy sinh tiền bạc, thời gian và công sức cho văn hoá được như ông Cung Đình Thanh"
Còn cái chuyện ông Hữu Nguyên bảo việc cần kíp trước mắt ông Cung Đình Thanh nên làm là chứng minh cho mọi người thấy Bản Giốc và Ải Nam Quan thuộc chủ quyền Việt Nam, thì đúng là ông Hữu Nguyên chỉ thấy được chuyện trước mắt mà không có tầm nhìn xa trông rộng thấy được những chuyện tương lai một vài trăm năm nữa. Cái chuyện cỏn con đó để dành cho mấy luật sư, sử gia "con cóc" họ làm. Còn người có tài như học giả Cung Đình Thanh thì phải làm chuyện đại sự. Ông Hữu Nguyên phải biết là nếu hôm nay, cựu luật sư, kiêm đương kim sử gia và học giả Cung Đình Thanh chứng minh được với thế giới, văn minh Hoà Bình đã đẻ ra văn minh Trung Hoa, thì sớm muộn gì, dân tộc Trung Hoa cũng trở về với mẹ Việt Nam, và hai quốc gia sẽ hợp nhất thành một quốc gia. Khi đó ngay cả Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành, Tô Châu, Thượng Hải... cũng thuộc về Việt Nam. Lúc đó, ai rỗi hơi bàn đến chuyện Bản Giốc, Ải Nam Quan thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Hoa"
Người Việt ở hải ngoại làm báo như quý vị rõ ràng là còn tư tưởng bảo thủ, chưa chịu khắc phục triệt để những thành kiến của quá khứ. Ở bên này tiêm nhiễm tư tưởng tự do tư bản, sống ngoài tầm tay của đảng và nhà nước, nên các vị tha hồ chống đối. Có giỏi, quý vị cứ về Việt Nam một lần thử coi, xem có còn tiếp tục chống đối được nữa hay không"

*

Góp ý với ban tổ chức ra mắt sách của ông CĐT

Vũ Đình Chương - Bankstown NSW

Tôi không phải là người am tường, hiểu biết về văn hoá, khảo cổ. Vì vậy, tuy cũng hân hạnh đến tham dự buổi phát hành sách của ông Cung Đình Thanh nhưng tôi không dám có ý kiến gì về nội dung cuốn "Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học" của ông. Tôi chỉ xin đóng góp ý kiến với ban tổ chức về 3 điểm ngắn gọn. Điểm tích cực của buổi ra mắt sách đúng như ông Hữu Nguyên đã viết là phần văn nghệ giúp vui rất xuất sắc và chọn lọc cả về nghệ thuật biểu diễn lẫn nội dung. Tôi rất mong cộng đồng chúng ta thường xuyên có những sinh hoạt với những tiết mục văn nghệ chọn lọc như vậy. Điểm tiêu cực là ban tổ chức đã mời quá nhiều diễn giả mà hầu hết đều không có ai am tường về nguồn gốc văn minh Việt Nam. Trong thời gian ngắn ngủi có 3 tiếng đồng hồ gồm cả giờ nghỉ giải lao và 6 phần trình diễn văn nghệ, mà quý vị nhét vô tới 12 diễn giả thì thật là quá ôm đồm, làm sao các diễn giả có đủ thì giờ trình bầy. Xem ra ban tổ chức làm như vậy là quá chú ý đến số lượng mà coi nhẹ về chất lượng. Trong một buổi phát hành sách như vậy, ban tổ chức phải tôn trọng khán giả và diễn giả. BTC chỉ nên mời diễn giả trình bầy những gì họ am tường. Không nên đẩy họ vô hoàn cảnh khó xử, không nhận thì phụ lòng người mời, mà nhận thì không biết nói cái gì. Ngoài ra, có tôn trọng diễn giả thì qua đó ban tổ chức mới chứng tỏ được sự tôn trọng đối với khán giả tham dự. Điểm thứ ba là xin quý vị không nên tra tấn khán giả bằng cách để cho những người không am tường lên nói vòng vo tam quốc như ông giáo sư kinh tế Trần Nam Bình lên lớp về tầm quan trọng của việc nghiên cứu Việt học tại hải ngoại. Nếu trong phần giới thiệu diễn giả ghi rõ, ông GS Bình trình bầy về nguồn gốc Văn minh Việt Nam thì xin ông ngắn gọn đi thẳng vào trọng tâm. Là một giáo sư, ông Bình hiểu, điều quan trọng nhất nên tránh là đi lạc đề. Nếu mình không am tường vấn đề văn minh VN, thì thẳng thắn từ chối. Có ai bắt ông phải nói điều ông không am tường đâu. Trái lại, đã không biết, mà vẫn nhận để được nói, và nói lạc đề như ông đã làm thì quả là ông đã không tôn trọng ông LS Thanh, không tôn trọng cả khán giả và ông thiếu tôn trọng luôn cả bản thân ông. Xin quý vị nên nhớ là khán giả chúng tôi tuy không hiểu biết gì về cái gọi là "văn minh Hoà Bình là cái nôi đầu tiên của văn minh nhân loại" nhưng chúng tôi đủ khôn để hiểu diễn giả nào nói đúng đề tài, và ai nói lạc đề. Rất mong đây là bài học chung cho tất cả cộng đồng chúng ta. Xin chớ vì chói mắt trước chiêu bài "văn hoá" mà rồi không chịu dùng đến óc phán đoán, cứ vỗ tay hoan hô tràn những trò lố bịch, coi thường khán giả như GS Trần Nam Bình vừa qua.

*

Một đóng góp nhỏ với ông Cung Đình Thanh

Ái Thơ -NSW

Thứ bẩy vừa qua, khi ông nhà tôi đi dự buổi ra mắt sách của ông Cung Đình Thanh về, có mua một cuốn sách. Nhìn cái tên đã làm tôi nhức đầu chóa mắt nên vội cầm đọc... hoạ may có đỡ nhức đầu. Nhưng đọc được vài trang, tôi lại càng nhức đầu và có cảm tưởng như mình đang bới một đống xà bần, chẳng hiểu tác giả nói cái gì. Tha lỗi cho tôi, đầu ốc đàn bà đần độn, không hiểu được những điều cao siêu mà ông Thanh đã viết. Đến khi đọc báo SGT số 349, thấy cụ Trung Tỉnh Cư Sĩ viết "Một cuốn sách dầy hơn 600 trang mà chỉ có vỏn vẹn 40 trang là viết mới (Chương1: 19 trang; Phụ lục 2: 20 trang) còn lại tất cả đều in lại những bài cũ rích cả, như vậy mới ở chỗ nào"""" Khi đọc đoạn này, tôi không tin có chuyện đó vì, ông Thanh chẳng gì cũng là một LS kiêm giáo sư lẫn cả học giả, ai mà lại làm chuyện lạ đó. Nhưng hỏi kỹ ông nhà tôi, thì tôi mới biết chuyện đó là có. Thiệt thương cho ông Thanh thì thôi. Làm văn hoá mà mệt nhọc phải lấy bài cũ in vô sách mới như vậy thì thê thảm quá. Mà rồi vậy thì con cháu nó cười cho. Mà rồi nghe chuyện ông xã tôi bỏ $50 để mua cuốn sách gồm toàn bài cũ, nghe đâu có đầy cả trên Internet, tôi bực qúa trách chồng, thì chồng tôi lại nguỵ biện bênh ông mới khổ. Ổng bảo lấy bài cũ đăng lại cũng tốn công tốn của lắm. Sách dầy thế này bán có $50 là rẻ lắm. Mình phải mua ủng hộ người làm văn hoá chứ.
Thôi thì ông nhà tôi đã có lòng như vậy thì tôi đành thương ông mà chấp nhận. Nhưng tôi rất mong ông Thanh và những bạn bè của ông từ nay về sau cũng không nên lợi dụng lòng tốt của những người yêu văn hoá mà làm những chuyện thiếu văn hoá như vậy.

*

Làm Văn Hoá cho người bình dân nên thiết thực và dễ hiểu

Trần VK. - Sydney NSW

Thưa cụ Trung Tỉnh Cư Sĩ, ông Hoàng Tuấn, ông Hữu Nguyên... Tôi thuộc thế hệ 60, đáng là học trò của ông Cung Đình Thanh. Tôi cũng là người đã tham dự buổi ra mắt sách và đã mua cuốn "Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học" của ông Cung Đình Thanh. Từ xưa đến nay, tôi chưa hề đọc tập san Tư Tưởng, nên chuyện ông Cung Đình Thanh đăng lại những bài trong tạp chí Tư Tưởng, đối với tôi không quan trọng. Tất cả vẫn là mới mẻ đối với tôi. Nhưng thú thực, tuy là người say mê nghiên cứu về văn hoá VN, từng đọc một cách hứng thú các sách khảo cứu về văn minh VN như cuốn "Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam" của Bình Nguyên Lộc, "Việt Nam Văn Hoá Sử Cương" của Đào Duy Anh, "Việt Nam Văn Minh Sử Cương" của Lê Văn Siêu... nhưng tôi chưa thấy cuốn nào lại lộn xộn khó hiểu và nhức đầu như cuốn "Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam Dưới Ánh Sáng Mới Của Khoa Học" . Cái lộn xộn hiển nhiên nhất là từ chương 2 đến chương 14 đều đăng lại những bài viết của ông Cung Đình Thanh đã đăng trong tập san Tư Tưởng mà không hề theo một trật tự tư duy hay hình thức nào. Trong khi Chương 5 đăng bài ở tập san Tư Tưởng số 12, thì Chương 6 lại đăng bài ở tập san Tư Tưởng số 4. Rồi Chương 7 thì đăng bài ở tập san Tư Tưởng số 18, đến Chương 8 thì lại đăng bài ở tập san Tư Tưởng số 2.(!"") Toàn bộ sự lộn xộn này không hề được ông Cung Đình Thanh giải thích tường tận trong phần nói đầu. Ý tôi muốn nói là nếu ông Cung Đình Thanh cho đăng lại những bài đã viết trong tạp chí Tư Tưởng thì cũng nên theo trình tự. Còn nếu có sự đảo lộn thì phải nên giải thích. Chứ đọc kiểu này dám "tẩu hoả nhập ma" lắm. Riêng về nội dung, tôi thấy tác giả Cung Đình Thanh chỉ sao chép một cách máy móc những tài liệu của các nhà khảo cổ, nhân chủng, văn hoá. Vì không tiêu hoá được nên khi trình bầy, ông cũng viết một cách máy móc, khó hiểu. Vì đối tượng khán giả mà ông Thanh nhắm đến là những người bình dân thì những bài ông viết phải phù hợp đám đông bình dân, nghĩa là phải ngắn gọn, thiết thực và dễ hiểu. Ông Thanh đã từng là tổng giám đốc trường Bách khoa Bình dân, thì ông phải hiểu, tuỳ theo trình độ của đối tượng mà viết sách, soạn giáo án. Vài lời chân thành, nếu có gì khiến ông không vừa ý, kính mong ông bỏ qua.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.