Hôm nay,  

Mỹ Nghèo Bán Cảng Lấy Tiền

25/02/200600:00:00(Xem: 5313)
- Người Mỹ có thể kịch liệt tranh luận về chuyện họ không biết và lòi ra cái tánh khinh người. Đáng ghét!

Trong vụ công ty Dubai Ports World (DPW), quốc doanh của xứ United Arab Emirates (UAE), mua lại công ty Peninsula & Oriental Steam Navigation (P&O Co.) của Anh quốc và qua đó sẽ quản lý việc bốc rỡ sáu hải cảng của Hoa Kỳ, dư luận Mỹ đã ráo riết tranh luận. Dường như bên chống bên thuận đều có lý cả. Việt Báo đã sớm có bài trình bày nội vụ từ khi cuộc tranh luận chưa bùng nổ thành một đề tài chính trị sôi nổi trong mấy ngày qua ("Chơi với Mỹ- Nên chăng"" của Võ Thành Văn, trên cột báo ngày trong số ra ngày 22 tháng Hai).

Trong cả hai đảng, giới báo chí và người Mỹ của hai xu hướng tả hữu, ta đều thấy có bên đồng ý (Tổng thống Bush, cựu Tổng thống Jimmy Carter, Cố vấn Karl Rove, nhật báo Los Angeles Times…), có bên chống (Nghị sĩ Cộng hòa, nguyên trưởng khối đa số, là Bill Frist, hai Nghị sĩ Dân chủ của New York là Chuck Schumer và Hillary Clinton, tờ New York Times…) Điều đáng chú ý nhất là lập trường gay gắt của cả hai bên.

Tổng thống Bush chưa từng dùng quyền phủ quyết bao giờ trong hơn năm năm nhậm chức, lần này đã hăm dọa là sẽ dùng quyền này nếu Quốc hội bác bỏ việc ấy. Ngược lại, phe chống đối đã phóng đại sự kiện, rằng Hoa Kỳ bán hải cảng cho một xứ Á Rập, hoặc chính quyền không quan tâm đến an ninh nên để cho quân khủng bố có thể tấn công vào các hải cảng Hoa Kỳ khi cho phép DPW mua các thương cảng của Mỹ.

Sự thật lại không đơn giản và ngô nghê như vậy.

Theo nguyên tắc tự do kinh tế mà Hoa Kỳ kịch liệt đề cao, việc ngoại quốc đầu tư vào nước Mỹ là chuyện bình thường, còn được khuyến khích. Hoa Kỳ mắc nợ thế giới vì tiêu xài phóng túng nên trông đợi các nước trút tiền đầu tư vào Mỹ. Các nước Đông Á dành dụm tiền bạc rất nhiều vẫn đầu tư vào Mỹ khi mua Công khố phiếu của Hoa Kỳ. Các nước dầu hỏa Trung Đông cũng vậy, khi dầu thô lên giá, tiền thu của họ, được gọi là "petrodollars" cũng như con nước, cứ chảy vào chỗ trũng là Hoa Kỳ. Nhờ vậy mà lãi suất tại Mỹ đã xuống đến mức rất thấp.

Người Mỹ hài lòng khi dân Ả Rập tỷ phú và các vương quốc ngồi trên dầu hỏa vẫn đầu tư vào Mỹ qua ngả Công khố phiếu. Bây giờ, một nghiệp vụ đầu tư của xứ UAE lại bị chống.

Trên bình diện kinh tế thuần túy, đấy là một lập trường bất nhất của Hoa Kỳ.

Nhưng, hồ sơ đầu tư của DPW lại dính đến chuyện an ninh, dư luận có ngại thì cũng phải.

Sự thật vẫn không hẳn như vậy. Hoa Kỳ không bán các thương cảng cho ngoại quốc, đặc biệt là không bán sáu hải cảng lớn là New York, Newwark, Philadelphia, Baltimore, Miami, New Orleans hay Houston cho xứ UAE. DPW chỉ mua lại P&O của Anh và qua đó tham gia vào một số hoạt động quản lý tại các hải cảng trên, xưa nay vẫn do P&O phục vụ êm thấm.

Vì việc đầu tư của DPW liên hệ lãnh vực an ninh, hồ sơ đầu tư này phải được một ủy ban liên bộ cứu xét.

Ủy ban Committee on Foreign Investment in the United States (CFIUS) gồm đại diện của sáu bộ, kể cả bộ Nội an, đã mất ba tháng điều tra hồ sơ đầu tư và việc DPW có thể tham gia quản trị một phần của các hải cảng trên, và đã đề nghị thông qua vì không thấy có trở ngại. Trước đấy, ủy ban CFIUS này đã từng sưu tra và kiểm soát nhiều công ty có trụ sở tại Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và Đan Mạch trước khi cho họ tham gia việc quản lý thương cảng Los Angeles. Những lần ấy lại không gây tranh luận sôi nổi và tới nay, Los Angeles vẫn an toàn, dù Nhật cũng từng bị khủng bố tấn công, hay Trung Quốc hoặc Singapore cũng có kiều dân theo đạo Hồi… Y như nước Anh.

Thực ra, các viên chức trong ủy ban này là những người có thể mẫn cán mà không tinh về chính trị, nên không nhìn thấy trước phản ứng của các chính khách, truyền thông, Quốc hội, các Thống đốc hay Thị trưởng, để trình báo lên thượng cấp là các Tổng trưởng. Mà quý vị này cũng không khá hơn nên Tổng thống Bush chỉ được biết khi hồ sơ đã được đề nghị thông qua. Ông đồng ý với quyết định ấy vì lý do nguyên tắc và lập tức gặp sự chống đối "lưỡng đảng": lần đầu tiên các nhân vật ồn áo nhất của cả hai đảng đều thống nhất quan điểm, là chống lại lập trường của Tổng thống!

Trong khi ấy, cả thế giới theo dõi cuộc tranh luận và tự hỏi về những nguyên tắc mà Hoa Kỳ vẫn đề cao. Thí dụ như tự do kinh tế, hoặc hợp tác với các chế độ Hồi giáo ôn hòa để cùng diệt trừ khủng bố Hồi giáo. Một trong những nước Hồi giáo hợp tác chặt chẽ nhất chính là UAE ngay giữa chiến trường Trung Đông.

Tại xứ UAE các chiến hạm Hoa Kỳ vẫn cập bến cảng Dubai và được phục vụ an toàn; UAE cũng là xứ đã đầu tiên tham gia kế hoạch của Mỹ là kiểm soát các linh kiện di chuyển ngay từ nước ngoài trước khi vượt đại dương vào các hải cảng của Mỹ. Riêng công ty DPW này lại không xa lạ gì với Quân lực Hoa Kỳ. Hải quân Mỹ sử dụng hai hải cảng Jebel Ali và Fujairah nhiều hơn mọi hải cảng quốc tế, và được DPW phục vụ chu đáo an toàn. Công ty này còn thầu quản lý cơ sở của căn cứ Không quân Mỹ tại Al Dhafra.

Nhưng, UAE là một xứ Hồi giáo có hai công dân đã can dự vào vụ khủng bố 9-11 và phi trường Dubai là trạm quá quan của 11 công dân Saudi trong số 19 tay đặc công tham gia vụ khủng bố 9-11. Đã thế, xưa kia các tiểu vương xứ này có liên lạc với Osama bin Laden tại Afghanistan, và UAE đã công nhận chế độ Taliban tại đây. Tội nặng lắm! Khốn nỗi hai xứ khác từng công nhận Taliban là Saudi Arabia và Pakistan, ngày nay là đồng minh chí thiết của Mỹ trong trận chiến chống khủng bố!…

Rắc rối hơn vậy, dường như là xứ UAE còn can dự vào việc giúp cho nhà bác học nguyên tử của Pakistan bán kỹ thuật chết người đó cho Iran. Nhưng, hình như là chính nhà bác học Abdul Khan này lại có hợp tác với tình báo CIA của Hoa Kỳ, và nếu điều ấy chưa chắc - có ai công nhận chuyện ấy bao giờ - thì chính quyền UAE thực sự đã báo cáo tất cả cho CIA và còn giúp tình báo Mỹ theo dõi mọi hành tung của ông Khan này! Nội vụ coi bộ không đơn giản.

Dù sao, đấy là chuyện ở xa, lần này dân Á Rập lại vào tới các hải cảng trong lãnh thổ Mỹ!

Thật ra, việc bảo vệ an ninh thương cảng thuộc trách nhiệm của Lực lượng Duyên phòng Coast Guard, Quan thuế (US Customs) và Lực lượng Biên phòng Border Protection và nhà chức trách địa phương, nó không nằm trong quyền hạn của công ty đầu tư dân sự, dù là Hoa Kỳ hay ngoại quốc. Đã thế, sau vụ khủng bố 9-11, giới chức an ninh và quản trị thương cảng đều ý thức được một điều đã là luật lệ: an ninh và ưu tiên, kinh doanh là thứ yếu. Các nhà quản trị Mỹ hay ngoại quốc và phu bốc rỡ người Mỹ hay di dân, đều phải tuân thủ những đòi hỏi về an ninh của các cơ quan hữu trách.

Khi nhắc lại vào chuyện bối cảnh, chúng ta suy ra một vài việc sau đây.

Dư luận Hoa Kỳ khó theo dõi những chuyện ngoắt ngoéo và những đảo điên trong thế giới Hồi giáo đầy phức tạp, nhưng các chính trị gia Mỹ lại rất thính mũi với chuyện ăn khách. Nhất là trong mùa bầu cử.

Thứ hai, trong việc bảo vệ an ninh của Mỹ, đảng Dân chủ luôn luôn ngăn chống việc kỳ thị sắc tộc (racial profiling) và còn nhắc nhở dư luận là đừng kỳ thị người Hồi giáo, đừng gây ác cảm với thế giới Hồi giáo. Cựu Phó Tổng thống Al Gore còn mị dân đến độ nói nhảm ngay tại Saudi Arabia cách đây hai tuần, rằng dân Hồi giáo bị ngược đãi tại Mỹ và đấy là lỗi của ông Bush. Lần này, các danh ca của đảng đã quên hẳn nguyên tắc lý tưởng ấy và sát cánh cùng các lãnh tụ Cộng hòa để chống dự án này.

Thứ ba, phe Cộng hòa khỏi cần nhờ Tổng thống nữa, vì ông Bush không ra tái ứng cử, cho nên, đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ. Họ không giải thích nội vụ cho công chúng rõ mà lên lưới "bảo vệ an ninh lãnh thổ" dập banh vào lưng ông Bush!

Thứ tư, tổng thống có thể không cần biết đến từng dự án đầu tư của nước ngoài; nếu hồ sơ nào của ủy ban CFIUS cũng phải đưa lên Tổng thống Bush thì nước Mỹ loạn to. Nhưng, ban tham mưu của ông và các Tổng trưởng liên hệ đến vụ này đáng lẽ phải thấy trước. Họ là chính trị gia mà lại không biết tâm lý dân chúng và các chính khách" Đáng lẽ họ phải thấy trước và trình bày lên thượng cấp để chuẩn bị việc thông báo và cách thông báo cho dư luận yên tâm. Họ không làm tròn nhiệm vụ.

Vốn là người trọng nguyên tắc, ông Bush nhất quyết không nhượng bộ và tự gây cho mình những trở ngại lớn khi đang cần thuyết phục công chúng về nhiều kế hoạch cho đất nước. Chính quyền Bush xưa nay chưa khi nào nổi tiếng là có khả năng về chiến tranh tâm lý và tuyên truyền. Lần này, người ta có một minh chứng chói lọi.

Thứ sáu và sau cùng, trong cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ đã làm các đồng minh Hồi giáo thất vọng vì những lụp chụp, bất nhất và mị dân ở bên trong. Quan trọng nhất là cái tánh khinh người và coi thường đồng minh của các chính khách Mỹ. Một điều đáng tiếc.

Ngoại trưởng Condoleezza Rice ngẫu nhiên lãnh nhiệm vụ giải thích phân bua khi thăm viếng các nước Trung Đông tuần qua. Hiển nhiên là người ta sẽ phải tìm ra một giải pháp thỏa đáng sau vài tuần triển hạn để bàn cãi tranh luận, nhưng thất lợi về ngoại giao thì đã xảy ra rồi.

Khủng bố chưa ra tay ở các hải cảng, các chính khách Mỹ đã tự bắn vào chân khi đòi bắn nhau về một vấn đề giả.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.