Hôm nay,  

Thác Watergate: Fbi Theo Dõi Bạch Ốc

09/06/200500:00:00(Xem: 5054)
Nhìn lại vụ Watergate, vụ án cung đình siêu nghiêm trọng trong nền dân chủ, ta nên giật mình về khía cạnh an ninh của Hoa Kỳ.
Suốt tuần qua, truyền thông Mỹ đã nói rất nhiều đến việc Mark Felt sau cùng công nhận mình là nguồn tin cho báo chí trong vụ Watergate khiến Richard Nixon phải từ chức. Tuy nhiên, có một khía cạnh ít được nói tới, mà lại rất thời sự, đó là an ninh của nước Mỹ. Đã đến lúc ta nên ngó vào đấy - và liếc về Hà Nội.
Dù Richard Nixon có còn làm Tổng thống Hoa Kỳ năm 1975 hay không, Hoa Kỳ cũng rút khỏi Việt Nam, vì đấy là chủ trương của Nixon và nói chung của giới lãnh đạo Mỹ kể từ 1968. Việc ông ta phải từ chức và chính quyền Mỹ bị suy yếu với Tổng thống chỉ định Gerald Ford có thể khiến Hoa Kỳ không hoàn tất việc triệt thối một cách êm đẹp như dự tính - thí dụ như Pháp rút khỏi Việt Nam sau Điện biên phủ 1954. Hà Nội biết khai thác cơ hội ấy để thắng lớn - và dại to sau đấy. Nhờ vậy, hay vì vậy, ta mới có nạn thuyền nhân và sự hiện hữu của một cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Do đó, khi tìm hiểu hay phân tách vụ Watergate, chúng ta nên tránh để bị chi phối bởi yếu tố Việt Nam. Tuy nhiên, lòng vòng mãi rồi ta cũng sẽ trở lại chuyện Việt Nam, nhưng vào lúc sau cùng… Xin hãy kiên nhẫn.
Hãy trở lại vụ Watergate đã.
Richard Nixon có thể không ra lệnh cho thuộc cấp nghe lén bộ chỉ huy của đảng Dân chủ và văn phòng bác sĩ tâm phân học của Daniel Ellsberg (người tiết lộ hồ sơ mật của Ngũ giác đài). Người ta không có chứng cớ là Nixon đã đề xướng chuyện ấy. Tuy nhiên, vì muốn tránh tội cho thuộc hạ, Nixon tìm cách ém nhẹm nội vụ và phạm tội - là điều nhiều tổng thống tiền nhiệm đã làm mà thốt. Chứng cớ rành rành khiến Nixon bị Quốc hội đàn hặc và cuối cùng phải từ chức. Nếu không được Tổng thống Ford ân xá sau đó, ông còn bị truy tố trước công lý. Không ai có thể chạy tội cho ông ta được, cùng lắm thì chỉ giải thích thêm rằng khi làm Biện lý tại California ba mươi năm về trước, ông đã từng ráo riết truy tố một nhân viên cao cấp trong chính quyền về tội là điệp viên cho Liên xô, đó là Alger Hiss. Vụ án này khiến ông mua thù chuốc ốn với giới truyền thông thiên tả và không được họ tha thứ trong vụ Watergate.
Bây giờ, ta mới nói đến vai trò của Mark Felt.
Đã đành rằng Nixon có tội, nhưng vì sao Felt riết róng nhập cuộc và chỉ đường cho hai ký giả còn trẻ và lắm tham vọng là Woodward và Bernstein (xin viết tắt là Woodstein cho đỡ tốn giấy mực)" Động lực của ông ta là điều đáng tìm hiểu vì nó rọi đèn vào cách làm việc của FBI trong thời ấy.
Mark Felt là nhân vật đứng hàng thứ ba trong hệ thống chỉ huy FBI, dưới số một là Giám đốc J. Edgar Hoover và số hai là Clyde Tolson. Nhiều lời đồn đốn còn cho rằng Hoover và Tolson đã từng có quan hệ tình ái, và Tolson sau đó đã từ chức, Felt mới trở thành số hai.
Vụ đột nhập trụ sở Ủy ban Quốc gia (của đảng) Dân chủ để nghe lén đã xảy ra vào tháng Tám năm 1972. Hoover từ trần vào tháng Năm, ba tháng trước. Khi ấy, nhiều người và nhất là Felt đều nghĩ là ông ta xứng đáng kế nhiệm Hoover, vì là một nhân viên mẫn cán và tận tụy với thượng cấp là Hoover, hoàn toàn chấp hành lề lối quản trị và điều khiển của Hoover. Tuy nhiên, chính đức tính thứ nhì ấy mới khiến Nixon không bổ nhiệm Felt vào chức vụ Giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI. Ông chỉ định một nhân vật thân tín của mình, và một kẻ ngoại đạo, vào vai trò ấy, là Patrick Gray, điều ấy khiến Mark Felt bất mãn. Ngày nay, khi Felt chính thức công nhận mình là nhân vật nặc danh, từ hơn ba chục năm qua chỉ được biết dưới hỗn danh là "Deep Throat", là kẻ đưa tin cho Woodstein, người ta tranh luận xem Felt là người hùng - dám có hành động của ngự sử giám sát - hay là một kẻ bội phản thượng cấp.
Ta không đi vào cuộc tranh luận ấy mà cố nhìn xa hay nhìn sâu hơn vào xã hội Mỹ, ở thời đó.
Deep Throat là tên một cuốn phim khiêu dâm nổi tiếng trong các năm 1972-1973 với cô đào Linda Lovelace, trời sinh có yết hầu rất sâu để làm được nhiều phép lạ về thuật mây mưa. Lấy tên ấy cho một người điềm chỉ, nước Mỹ quả là cần tới nhà tâm phân học Sigmund Freud. Hai nhân vật số hai số ba của FBI lại là người đồng tính, dù Hoover nổi tiếng bảo thủ và vô cùng nghiệt ngã với loại sinh hoạt ông cho là thiếu đạo đức. Ông còn nổi tiếng hơn thế vì ra lệnh theo dõi rất nhiều người, từ Mục sư Martin Luther King đến anh em Tổng thống Kennedy, với Robert Kennedy là Tổng trưởng Tư pháp nghĩa là thượng cấp trực tiếp của mình. Những cuộc tình lang chạ của anh em Kennedy đều được Hoover nắm vững. Chúng ta thiếu một công trình nghiên cứu về "dục tính hay tình dục trong chính trường Mỹ" - vào cái thời mà dư luận Việt Nam vẫn soi mói vào đời tư của một vài bà lớn Sài Gòn, chẳng hạn, và coi nền dân chủ hoặc nếp sống đạo hạnh của xã hội Hoa Kỳ như khuôn vàng thước ngọc!
J. Edgar Hoover có hồ sơ mật về mọi người và dùng cái thế ấy để bảo vệ quyền lực cá nhân, chi phối các quyết định chính trị từ bên trong hậu trường và mua chuộc báo chí với những tiết lộ có chọn lọc. Ông ta dùng chức năng đặc biệt của mình để đạt mục tiêu riêng và không là một nhân vật gương mẫu: giữa việc truy tố sự sai quấy của các nhân vật thần thế trước công lý hoặc khai thác hồ sơ ấy cho mục tiêu riêng, Hoover chọn hướng thứ nhất.
Suốt mấy thập niên phục vụ Hoover từ cấp thấp nhất lên tới vị trí số ba của FBI, Felt không thể không biết về sự thể tồi bại này. Chẳng những không thể không biết mà Felt còn tham gia vào trò chơi đen tối ấy, với lý cớ là bảo vệ nền độc lập của một cơ quan công quyền, không cho chính trị hay các chính khách chi phối.
Vì sao người ta có thể kết luận như vậy"

Vì chỉ vài ngày sau khi trụ sở đảng Dân chủ đặt trong khách sạn Watergate bị đột nhập, Felt đã cho Woodward biết về vai trò của E. Howard Hunt. Nghĩa là ngay từ đầu ông ta đã theo dõi việc nhân viên đảng Cộng hòa theo dõi đảng Dân chủ. Ông ta không thể tự ý lập ra hệ thống theo dõi ấy sau khi Hoover từ trần, chỉ ba tháng về trước. Hệ thống này đã có từ thời Hoover và Felt có biết. Có khi ông còn là người điều động hệ thống ấy nên mới biết nhanh và biết rõ như thế. Vì vậy, thay vì truy tố việc theo dõi trái phép của ban tham mưu của Nixon và đảng Cộng hòa trước tòa án, Felt dùng ngả khác. Nếu đưa nội vụ ra tòa, ông ta không thể giải thích được vì sao mình lại biết - nhân viên FBI lại theo dõi sinh hoạt trong tòa Bạch Cung là điều không thể chấp nhận được trước bồ thẩm đoàn của tòa đại hình!
Mark Felt dùng ngả khác: đó là khai thác sự cả tin lẫn tham vọng của Woodstein để cung cấp những tin thật chính xác nhưng có chọn lọc. Ông ta là cái lọc tinh tế nhất. Vì cả tin, thay vì xét hỏi tới động lực không có gì là đáng kính trọng của người điềm chỉ, họ hoàn tất nhiệm vụ Felt trông đợi ở họ: đánh cho gục chính quyền Nixon. Chủ biên tờ Washington Post khi ấy là Ben Bradlee có thể không ngây thơ như cặp tay mơ Woodstein, nhưng lại khỏi muốn đào sâu hơn về động lực của kẻ điềm chỉ: ông ta ủng hộ Kennedy và có ác cảm với Nixon. Khi thấy ra những tin tức quá chính xác của Woodstein, Nixon càng hốt hoảng và càng đa nghi. Mắc bệnh tự kỷ ám thị - nhìn đâu cũng thấy kẻ thù - ông ta càng phạm sai lầm.
Mark Felt vận dụng - lợi dụng - Woodstein với lối tiết lộ có chọn lọc nhằm gây tối đa tổn thất cho nhân viên phủ Tổng thống, cho chính Tổng thống, nhưng xóa dấu tích của mình và làm cho Tòa Bạch Cung không thể chống đỡ nổi. Mỗi khi thấy dư luận bắt đầu nguội thì Felt lại châm thêm tin để hâm nóng hồ sơ và rốt cuộc gây hốt hoảng trong ban tham mưu của Nixon, khiến một phụ tá thân tín là John Dean đã phản thùng và Nixon bị đánh gục.
Điều quan trọng ở đây không phải là nghệ thuật lợi dụng báo chí của Mark Felt - hay của vị tiền nhiệm là Hoover. Cặp Woodstein được thánh cho ăn lộc và vô tình là công cụ của một âm mưu đen tối, thế thôi. Feld giấu mặt để khỏi lộ ra tội nghe lén thượng cấp mà lại xỏ mũi được báo chí. Đối với hai ký giả chuyên về điều tra, sự kiện ấy không là một lời khen tặng!
Điều quan trọng là cơ quan FBI khi ấy đã lén theo dõi tòa Bạch Cung và biết nhiều chuyện mật mà chính Tổng thống không biết. Vấn đề vì vậy nên được nhìn theo nhiều hướng khác.
Trong nền dân chủ, một cơ quan công quyền có thể là công cụ cho mưu tính cá nhân không"
Nhân viên cao cấp của FBI có quyền khai thác hồ sơ mật mình có trong tay để tiết lộ riêng cho vài nhà báo được không" Việc tiết lộ ấy có thể là "hối mại quyền thế" hay chăng"
Phần mình, đành rằng báo chí có nhiệm vụ thông tin cho "rộng đường dư luận". Nhưng muốn như vậy thì cũng phải tìm hiểu về động lực hay ý đồ của kẻ đưa tin, nếu không, báo chí phạm lỗi chuyên môn, ít nhất là thiếu chuyên nghiệp. Tờ Newsweek bị lỗi ấy cách đây một tháng khi khai thác "nguồn tin viên chức trong chính quyền" rồi gây họa về một chuyện không có là lính Mỹ vứt kinh thánh Koran vào bồn cầu tiêu. Vụ Watergate cũng không hơn.
Vấn đề khác nữa là công chúng có quyền được biết rằng kẻ điềm chỉ là nhân viên cao cấp - cao cấp nhất khi ấy - của FBI hay không" Giá trị và trình độ của nền dân chủ đòi hỏi việc ấy.
Quan trọng hơn cả là ai sẽ bảo vệ an ninh đất nước khi chính những kẻ bảo vệ an ninh lại xâm phạm vào an ninh và thậm chí đường lối lãnh đạo của đất nước"
Câu hỏi ấy dẫn ta trở lại Việt Nam.
Vụ án cung đình siêu nghiêm trọng đang gây sôi nổi trong dư luận - chủ yếu là dư luận hải ngoại, vì dư luận trong nước vận còn bị bưng bít. Một cơ quan an ninh quân đội lại trở thành công cụ của vài người nhằm bảo vệ lãnh tụ và triệt hạ các nhân vật khác với những đòn vu cáo rất bỉ ổi. Khác với vụ Watergate, các vụ Sáu Sứ, T4, hay thành tích tồi bại của Lê Đức Anh, Nguyễn Chí Vịnh, v.v… vẫn được giữ kín. Người am hiểu thì cho rằng lề lối kỳ cục ấy là bản chất của đảng Cộng sản, kể từ đầu nguồn, từ thời dựng đảng cho đến ngày nay. Chúng ta có thể khỏi cần biết ai phải ai trái, ai thắng ai bại, cho đến Đại hội X vào năm tới, nhưng không thể nêu câu hỏi: nếu Bắc Kinh muốn khai thác các hồ sơ mật hay tỳ vết cá nhân để chi phối nhận thức của lãnh đạo Hà Nội về an ninh xứ sở và sai khiến tiến trình quyết định của Việt Nam, thì liệu họ có thể làm được chăng"
Nhiều phần là có.
Hãy xem cách thức thông báo hai bản hiệp định Hà Nội đã ký kết với Bắc Kinh về lãnh thổ và lãnh hải thì rõ. Hãy nhớ đến việc Hà Nội quyết định không ký kết Thương ước Mậu dịch Song phương với Hoa Kỳ năm 1999 thì rõ. Hãy xem cách Bắc Kinh mua chuộc các Trung ương Ủy viên của đảng Cộng sản Việt Nam thì rõ….
Tại Hoa Kỳ, mọi sự đều bị phanh phui - có khi vô trách nhiệm, có khi thiếu chuyên nghiệp, có khi với ẩn ý chính trị - nhưng trước sau gì dư luận cũng có thể biết và lãnh đạo bắt buộc phải sửa sai. Họ đã sửa sai nhiều và luôn luôn tôn trọng tinh thần minh bạch hóa mọi sự, với cái giá nhiều khi đắt đỏ về ngoại giao hay an ninh. Lối phân tách tình báo sai lầm về võ khi tàn sát (WMD) tại Iraq hoạc tai tiếng trong các nhà tù Abu Ghraib hay Guantanamo đang là thí dụ nóng hổi. Mọi chuyện đều công khai hóa, một binh lính nóng nẩy vứt kinh Koran xuống đất là vị tướng chỉ huy có khi bay chức nếu muốn ém tin! Cơ quan FBI ngày nay hết là con quái vật hắc ám của thời J. Edgar Hoover và CIA hết là trạm bắn sẻ vào phủ Tổng thống vì lập tức bị báo chí phanh phui hay phản pháo.
Tại Việt Nam, báo chí chưa có những quyền ấy dù có thể là công cụ của những đấu đá cung đình. Hãy xem cách Thành ủy Hà Nội phá hoại chuyến đi Mỹ của Phan Văn Khải qua tờ Hà Nội Mới thì rõ. Và tại Việt Nam, công chúng chưa thể biết, rằng ngay trong lúc này, vận mệnh của mình có khi bị chi phối bởi những động lực đen tối, và an ninh tổ quốc có khi bị đe dọa vì đảng chỉ quan tâm đến an ninh của đảng.
Đấy mới là bài học của vụ Watergate cho Việt Nam!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.