Hôm nay,  

Việt Nam Và Wto

27/07/200400:00:00(Xem: 5134)
Sau bốn ngày thăm viếng và làm việc tại Hà Nội, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã rời Việt Nam ngày Chủ Nhật vừa qua và cho biết là Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Đài RFA trao đổi sau đây với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về vấn đề này như sau.
Hỏi: Thưa ông, hôm Thứ Bảy vừa qua, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là bà Josette Sheeran Shiner đã tuyên bố tại Hà Nội là thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tùy thuộc ở Việt Nam và sau khi chứng kiến một số nỗ lực giải tỏa mậu dịch vừa qua của Hà Nội, bà cho biết Hoa Kỳ đã đề nghị trợ giúp về kỹ thuật để Việt Nam sớm đạt mục tiêu này. Ông nghĩ sao về lập trường của Hoa Kỳ trong việc đó"
-- Trước hết, đây là một tin vui cho Việt Nam, nhưng cần đặt vào một bối cảnh rộng lớn về quyền lợi và khả năng của Việt Nam. Tổ chức Thương mại hay Mậu dịch Thế giới mà người ta hay gọi tắt theo Anh ngữ là WTO, quy tụ 147 hội viên tự nguyện trao đổi tự do về ngoại thương, không hạn ngạch và với quan thuế biểu thấp. Sau khi tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đệ nạp đơn xin gia nhập tổ chức này từ năm 1995 và khởi sự đàm phán với WTO từ năm 2002, với hy vọng hội nhập vào câu lạc bộ các nước tự do mậu dịch vào đầu năm tới. Thời điểm này rất quan trọng vì WTO sẽ bãi bỏ mọi hạn ngạch giữa các hội viên kể từ mùng một Tháng Giêng năm 2005. Nếu không kịp gia nhập, Việt Nam sẽ gặp bất lợi vì mình vẫn bị chế độ hạn ngạch đó. Lập trường của Mỹ là một điều thuận lợi cho Việt Nam trong chiều hướng đó.
Hỏi: Vì sao sự ủng hộ của Hoa Kỳ lại quan trọng như vậy"
-- Theo quy định của WTO, việc gia nhập phải được mọi hội viên đồng ý sau khi được cơ chế quản trị tổ chức này tại Genève cứu xét. Trong thực tế thì, thứ nhất sau các vòng đàm phán của Việt Nam với WTO, nếu có một hội viên nào còn hồ nghi do dự và đòi ký một thỏa ước thương mại song phương với mình trước khi Việt Nam gia nhập thì Việt Nam cũng phải chấp hành. Việt Nam đã ký một thỏa ước thương mại như vậy với Hoa Kỳ năm 2000 và thỏa ước được áp dụng từ ngày 10 tháng 12 năm 2001. Là một thị trường lớn coi trọng tự do mậu dịch, nếu Mỹ ủng hộ thì điều đó có sức thuyết phục cao đối với các nước khác. Nhìn lại thì người ta mới thấy tầm quan trọng của thương ước Mỹ-Việt ký kết năm 2000, mà ở nhà gọi là Hiệp định Thương mại Song phương.
Hỏi: Như vậy, Hiệp định đó là bước đầu cho Việt Nam hội nhập vào kinh tế thế giới"
-- Vâng, Việt Nam đề nghị ký kết với Mỹ từ năm 1996, một năm sau khi đôi bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mà sau hơn chục vòng đàm phán mãi đến năm 1999 mới thông qua và giờ cuối Hà Nội lại không chịu ký. Kểà từ khi áp dụng, từ đầu năm 2002 trở đi, trao đổi giữa hai nước tăng hơn gấp đôi và Việt Nam được xuất siêu trong quan hệ mậu dịch với Mỹ. Nhưng văn kiện này chỉ có giá trị trong vòng bốn năm, nên Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phải thương thuyết lại, sau khi duyệt xét kết quả áp dụng. Việc kiểm điểm và đàm phán giữa đôi bên sẽ khởi sự vào tháng 10 này. Chúng ta phải đặt lời tuyên bố đầy khích lệ của đại diện Hoa Kỳ vào bối cảnh đó. Nghĩa là Mỹø đang khuyến khích Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách để kịp gia nhập WTO, nhất là từ khi đại diện tổ chức này tỏ vẻ dè dặt, vào trung tuần tháng trước, rằng Việt Nam sẽ không kịp vào WTO đúng thời hạn đề ra, là đầu năm tới. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam về kỹ thuật nếu được yêu cầu, để Việt Nam hoàn tất được những điều kiện của WTO. Điều này khiến ta lại nhớ đến lời phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội gần hai tháng trước: ông Raymond Burghardt bày tỏ ý kiến là muốn Việt Nam sớm gia nhập WTO.
Hỏi: Nhưng điều đó cũng khiến ta nhớ tới lời phát biểu của phái đoàn Thương mại Liên hiệp Âu châu trong vòng đàm phán vừa qua tại Hà Nội"
-- Vâng, sau khi đặt chân tới Việt Nam, cũng với rất nhiều thiện chí và cảm tình, đại diện của Liên Âu đã phát biểu trước khi ra về là Việt Nam có thể không kịp gia nhập theo thời hạn mà có khi phải đợi đến cuối năm tới. Sau những tin xấu đó từ phía WTO và Liên Âu, Việt Nam cho biết là sẽ cố gắng để gia nhập "càng sớm càng hay". Nghĩa là chỉ tiêu 2005 đã thành một mục tiêu di động và bị đẩy xa hơn vào tương lai, thậm chí cho đến giữa năm sau nữa, nghĩa là giữa năm 2006. Trong khi đó, tình hình kinh tế của Việt Nam vào năm tới sẽ còn gặp .nhiều thách đố, từ cả bên trong lẫn bên ngoài và có thể bị hiện tượng xin tạm gọi là "trì phát", đà tăng trưởng thì bị trì trệ, suy trầm, mà lạm phát vẫn gia tăng, là hiện tượng "stagflation", theo thuật ngữ kinh tế.

Hỏi: Trước đây, ông từng bày tỏ sự bi quan đó và cho rằng đấy là bất lợi cho Việt Nam.
-- Vâng, thời điểm 2005 là một bản lề, là bước ngoặt quan trọng vì từ đó các hội viên WTO sẽ giao dịch với nhau theo tinh thần tự do, còn nằm ngoài WTO là bị cạnh tranh nặng hơn. Lý do đáng buồn là Việt Nam không kịp giải tỏa nhiều hạn chế về mậu dịch và đầu tư, nhất là trong khu vực dịch vụ, và vì chính quyền Việt nam vẫn muốn bảo vệ khu vực quốc doanh, với chủ trương dùng doanh nghiệp nhà nước làm xương sống cho nền kinh tế họ gọi là theo cơ chế thị trường nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, còn phải nói đến một điều nhạy cảm mà ít người chú ý. Khi làm ăn buôn bán với thế giới văn minh, người ta phải có sổ sách minh bạch, được kiểm toán hẳn hoi, bởi các công ty giám định kế toán độc lập. Đi gần đến thời hạn gia nhập WTO, Việt Nam mới thấy sổ sách của các doanh nghiệp nhà nước là không đáng tin. Đào sâu hơn mới thấy ra những ổ tham nhũng bên dưới. Hàng loạt những vụ tai tiếng hay tham ô đang bùng nổ, như trong khu vực xăng dầu hay thủy sản, chính là hậu quả của nạn kế toán lem nhem đó. Trong hiện trạng, mỗi khu vực kinh doanh lại thuộc vùng ảnh hưởng của một phe có chức có quyền ở trên, phe này bị tố thì phe kia cũng bị và không ai bảo vệ được ai nữa. Đấy là hậu quả của cơ chế kinh tế và chính trị thiếu trong sáng tại Việt Nam. Việc gia nhập WTO bị trở ngại chính là vì chủ trương chính trị của giới lãnh đạo và sự thiệt hại kinh tế ấy, người dân phải hứng chịu.
Hỏi: Nhưng, việc Việt Nam hội nhập vào luồng trao đổi của thế giới và gia nhập WTO vẫn là một điều tất yếu, cần thiết và không tránh được"
-- Tôi mong vậy, nhưng vẫn nghĩ rằng vấn đề không thu gọn vào ngoại thương và giao dịch buôn bán với thế giới, mà nằm trong tư duy và cách xử lý của người cầm quyền. Ví dụ như sau khi gia nhập WTO, Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề tranh tụng trong tổ chức này vì đấy là một diễn đàn giải quyết những mâu thuẫn về mậu dịch giữa các hội viên với nhau mà mâu thuẫn thì khi nào cũng còn. Chẳng hạn như sau khi ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn còn gặp trở ngại về việc xuất khẩu cá da trơn hay tôm vào thị trường Mỹ và phía Hoa Kỳ vẫn cho rằng Việt Nam chưa có một nền kinh tế thị trường đích thực. Việc gia nhập WTO là điều cần thiết và có lợi, nhưng cũng tạo ra nhiều thách đố mới cho nhà cầm quyền, nếu họ không tự giác và tự sửa đổi, thay vì chỉ phản ứng, và rất chậm, mỗi khi gặp áp lực và thoái thác không được.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nhìn trong một viễn ảnh dài hơn, trong mối giao dịch với thế giới bên ngoài thì Việt Nam nên xử trí thế nào về mặt kinh tế"
-- Đây là một vấn đề trường kỳ nhưng phải thấy ngay trước mặt. Sau khi đổi mới kinh tế, Việt Nam tưởng là mình đã cải cách. Thực tế thì chỉ mới từ bỏ chủ trương lạc hậu thời trước là tập trung quản lý trong một chế độ bao cấp đầy tốn kém cho người dân, và đi theo chủ trương tưởng là đã hiện đại của các nước lân bang trong vùng Đông Á. Nay Việt Nam tự hào là đã có quyền tự chủ, có nền độc lập và có một chế độ kinh tế nằm trong vòng ảnh hưởng của chính quyền, giữa một vùng thịnh vượng của Đông Á. Nhưng, nếu nhìn xa hơn, người ta thấy là lạc quan lắm, Việt Nam cũng mới chỉ lập lại kinh nghiệm Đông Á, là thắt lưng buộc bụng, cố gắng tiết kiệm để xuất khẩu tối đa với giá rất rẻ bằng chế độ hội đoái và lương bổng. Kết quả là sự chuyển dịch lợi tức từ các vùng nghèo khổ chậm tiến vào khu vực tiếp giáp với bên ngoài, và chuyển dịch lợi tức từ nước nghèo qua nước giàu. Trong sự chuyển dịch đó, các thành phần có quyền hay có tiền thì hưởng lợi nhiều, nhờ chủ nghĩa tư bản thân tộc (crony capitalism) nhờ ảnh hưởng chính trị, và tiền tài thu được thì lại chuyển ngược về Mỹ hay các nước giàu có khác. Chủ quyền thực tế về kinh tế vì vậy vẫn nằm ngoài tầm quyết định của người dân và khu vực tư doanh. Cho nên, cùng với việc hội nhập vào luồng trao đổi của thế giới, Việt Nam nên nhìn xa hơn; trước tiên là nhìn vào trong, vào một chiến lược phát triển hài hòa hơn giữa các địa phương và nhắm vào sự tăng trưởng của thị trường nội địa, vào sức tiêu thụ, tức là lợi tức, của người dân. Đây là một vấn đề phức tạp và lâu dài mà sau này ta sẽ còn có dịp đề cập tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.