Hôm nay,  

Những Điều Trông Thấy: Cờ Tổ Quốc...

06/12/200400:00:00(Xem: 4847)
Sau ba mươi năm Tỵ Nạn, lần đầu tiên cộng đồng người Việt tại Úc nôn nóng đón mừng tin đã có được một Kỳ Đài riêng biệt tại Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Úc Cabra-Vale Park, Fairfield. Sự kiện này đã khiến tất cả những người Việt yêu tự do thao thức, rạo rực, xúc động, đến nghẹn ngào, như sắp được thấy hình ảnh lá Cờ Vàng tung bay trên nước Úc, quê hương thứ hai của mỗi người Việt phải ly hương vì CS.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối, sự việc lại gặp qúa nhiều trở ngại, hậu quả từ những áp lực của bọn VC, xuyên qua bộ Ngoại Giao Úc, dẫn đến một thay đổi lớn. Thay vì HĐTP Fairfield cho phép chúng ta làm lễ thượng kỳ Úc -Việt một cách chính thức mang tính thường trực tại Kỳ Đài Cabra-Vale Park, như văn thư quyết định đầu tiên của HĐTP đề ngày 30-9-2004, để tưởng niệm những quân nhân Úc -Việt và tất cả những người đã hy sinh vì hai chữ Tự Do trong cuộc chiến Viêt Nam trước năm 1975, thì bây giờ họ chỉ cho chúng ta mượn cột cờ để thượng kỳ vài giờ trong buổi lễ và sau đó phải kéo xuống. Hơn nữa, trong các văn thư sau tháng 9, họ không hề xác nhận đây là lá Cờ Vàng tượng trưng cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền của CĐNVTD tại Úc Châu mà chỉ công nhận như là cờ hiệu của một tổ chức. Như vậy, họ đã đi ngược lại nguyện vọng và ý nghĩa lá cờ biểu tượng của chúng ta mà HĐTP Fairfield đã công nhận trong quyết định trước đây.
Đối với người Việt Tỵ Nạn chúng ta, thường hay gọi Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là cờ VNCH, vì hai nền Cộng Hoà Miền Nam VN đã xử dụng lá cờ này đại diện cho Quốc Gia trong suốt hơn 20 năm cầm quyền với ý nghĩa đích thực của nó là Dân Chủ, Tự Do và Nhân Quyền. Nhưng trên thực tế, theo "Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca", khi Bà Trưng, Bà Triệu nổi lên đánh Tầu, các vị anh thư nước Việt đã dùng ngọn Cờ Vàng làm biểu tượng cho chính nghĩa dân tộc. Vì thế mới có câu "Đầu voi phất ngọn Cờ Vàng". Đến triều nhà Nguyễn, dưới thời vua Khải Định (1916- 1925), lá Cờ Vàng được thêm hai sọc đỏ ở giữa và được gọi là cờ "Long Tinh". Cho đến đời Hoàng Đế Bảo Đại, lá cờ được cải biến thành Ba Sọc Đỏ theo hình quẻ Ly và đã được chính phủ Trần Trọng Kim chính thức ban hành ngày 2-6- 1945 (Nền Vàng Ba Sọc Đỏ, sọc giữa bị đứt đoạn). Ngày 2-6-1948, với kết qủa của một cuộc trưng cầu dân ý, Thủ Tướng Nguyễn văn Xuân đã chính thức công bố Quốc Kỳ VN hình chữ nhật, chiều ngang bằng hai phần ba chiều dài, Nền Vàng, Ba sọc đỏ liền như nhau, tượng trưng cho ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam. Như vậy, Cờ Vàng Ba sọc Đỏ không phải là cờ riêng của bất cứ một chế độ nào, mà là lá cờ chính thức của dân tộc đã được sự chấp thuận của toàn dân.

Với hoàn cảnh ngặt nghèo của vận nước, lịch sử Việt Nam nghiễm nhiên trở thành một tranh đấu sử, lá Cờ Vàng cũng đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, vinh nhục cùng giống nòi và gói trọn xương máu , anh linh tất cả những anh hùng, nghĩa sĩ của dân tộc trong suốt chiều dài của lịch sử.

Một miếng vải đủ hồn thiêng sông núi
Mầu vàng tươi da thịt của giống nòi
Ba sọc đỏ là ba miền đất nước
Bắc, Trung, Nam, kiêu hãnh Việt Nam tôi

Bây giờ, trong hoàn cảnh ly hương, lá Cờ Vàng còn là một sự nhắc nhở cho con cháu chúng tạ biết được tại sao mình phải ra đi. Những danh từ Tỵ Nạn, Thuyền Nhân, không phải tự trời cao rơi xuống để gắn liền vào thân phận của chúng ta, mà nó đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu, nhục nhằn và đã trở thành một dấu ấn thiên thu trong dòng lịch sử Việt. Lá Cờ Vàng còn nhắc nhở những người ra đi phải có nhiệm vụ tranh đấu cho người ở lại. Hơn nữa, lá Cờ Vàng cũng chính là linh hồn của người Việt Tỵ Nạn và tượng trưng cho tình yêu, nhân bản.
Nguyện vọng của người Việt tại Úc chỉ mong sao được hãnh diện đứng trước kỳ đài chính thức của riêng mình, nghiêm trang nhìn lá cờ Tổ Quốc tung bay thường trực trên nền trời trong xanh, hoà với những âm vang bản quốc ca hùng tráng, để cùng bồi hồi xót xa nhỏ những giọt lệ nồng thắm cho một quê hương, nay đã nghìn trùng xa cách. Trong giờ phút linh thiêng ấy, chắc chắn những chữ "Quê Hương, Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm" sẽ thấm thía hơn bao giờ hết trong từng huyết mạch của những người còn tâm huyết với cội nguồn. Vì vậy, chúng ta không bao giờ chấp nhận chỉ được phép mượn cột cờ của họ vài giờ trong buổi lễ và sau đó kéo xuống như một việc đãi bôi đối với những anh hồn tử sĩ.

Thân dẫu nát, nhưng cờ không thể nhục
Sống trên đời không chỉ vị miếng cơm
Còn danh dự, còn Quê Hương, Tổ Quốc
Tránh mai sau con cháu vướng tủi hờn.

Tóm lại, việc BCHCĐNVTD/NSW quyết định long trọng làm lễ truy điệu anh hồn tử sĩ Úc, Việt đã hy sinh cho tự do của VN, nhưng không chấp nhận làm lễ kéo Cờ Vàng trong vài giờ đồng hồ như nghị quyết được HĐTP Fairfield thông qua tối 23-11-2004, rõ ràng là một quyết định sáng suốt thể hiện đúng đắn lập trường minh bạch và niềm tự hào của một cộng đồng tỵ nạn CS. Dĩ nhiên, ở thời điểm hiện nay, quyết định này của CĐNVTD/NSW hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta chống đối HĐTP Fairfield, mà chỉ nhằm minh xác một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng: Yêu cầu HĐTP Fairfield tôn trọng quyết định, chấp thuận cho CĐNVTD/NSW treo Cờ Vàng thường xuyên, liên tục tại Kỳ Đại Úc Việt mà HĐTPF đã viết trên giấy trắng mực đen qua văn thư đề ngày 20-9-2004.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.