Hôm nay,  

Anh Hùng Há Sợ Chi Ai…

24/12/199900:00:00(Xem: 5651)
Từ ngày được định cư trên xứ Úc thòi lòi đến nay, Mõ nghe không biết bao nhiêu lần về hai chữ thiện nguyện. Về những tấm lòng vàng san sẻ nỗi khổ với tha nhân. Thiệt tình mà nói từ hồi nào tới giờ Mõ ít để ý đến chuyện này, bởi ở quê Mõ người ta đổi công cho nhau. Tuần này cấy cho người ta thì tuần sau người đáp lại, mà giả như có làm chùa thì cũng năm ngày nửa tháng, chứ không phải từ năm này kéo tận đến năm kia. Mà chỉ làm bi nhiêu đó thôi cũng bị bà con sỉ vả:
- Cái thằng ăn phải giống gì mà lú hết trọi hết trơn! Người ta đi cấy lấy công còn mày khúc mía còn không có mà gặm...
Thét rồi Mõ chẳng thiết tha gì ba cái chuyện ăn cơm nhà đi vác ngà voi, bởi chẳng hơi sức đâu ách giữa đàng mang vào cổ. Chừng đến đảo mới thấy mẹ thấy cha, khi nghĩ đến cảnh người ta xa vợ xa con để lên cái đảo tí híu này giúp đỡ thuyền nhân mới thấy trái tim mình quá nhỏ. Đã vậy còn tận mắt chứng kiến một ít đồng hương làm chuyện công ích có chút xíu mà đi đâu cũng oang oang. Cũng muốn cho thiên hạ thấy rõ công đức hiện tiền quá cản. Rồi Mõ chợt nhớ tới ông bà có dạy thuở xưa: Tay phải làm việc thiện thì đừng cho tay trái nó biết, bởi như thế chỉ yêu mình chứ tha nhân có xơ múi được chút nào đâu!
Rồi đến khi theo thằng con đến trường tiểu học, mới hoảng hốt nhận rằng người ta làm thiện nguyện quá xá quà xa. Nào là bán ở căng-tin, nào là vô lớp kể chuyện cho các nhi đồng thưởng lãm, nào là đến trường lau chùi quét dọn lung tung, rồi còn phụ thầy cô khi có dịp ra ngoài. Đã vậy vẫn chưa xong bởi có lần Mõ đến bệnh viện thăm người quen đang... nằm ho-li-đây ở đó, mới thấy người thiện nguyện đông quá sức quá tay, riết rồi chẳng biết đường đâu mà nói. Rồi Mõ nhớ lần đi dự pạc-ti, quanh đi quẩn lại chỉ nghe thiên hạ kể cách làm giàu, cùng nổi sung sướng về thăm lại quê hương, nơi mà đô Úc xài thả dàn thả cửa. Thậm chí có anh hùng phát biểu như ri:
- Nhiều lúc nhớ chuyện vượt biên mà lòng tui hãi sợ, bởi hết trốn đầu này lại lũi đầu kia. Chừng cá lớn ra khơi lại chết cha với ba thằng hải tặc, nên khi lên đảo tui thề tự hậu chẳng bao giờ rời bỏ đất nước mà đi. Cực khổ sung sướng chi cũng phè ra đó. Vậy mà về bển có một lần tui thấy tội mẹ gì không đi bởi tiền Úc đem về xài mệt nghỉ, còn được người trọng vọng đón đưa. Đó là chưa nói đến mục nhậu nhẹt ăn chơi mới là đã điếu, rồi một đống ao nhà tắm lội mút mù khơi. Có điều muốn chơi ngon thì trước hết phải cày cái đã, chứ tội mẹ gì mà đi làm thiện nguyện mần chi. Mà giả như muốn làm việc bác ái cứ rộng tay góp vô vài ba đồng bạc, đặng thiên hạ thay mình đem về cứu lũ lụt miền Trung, coi như của ít lòng nhiều thì lương tâm cũng được... trăm phần thanh thản. Vả lại, vào hãng chỉ một giờ là mười mấy đô nằm êm trong túi, chứ dại dột gì đưa đầu ra gánh vác chuyện người ta. Chẳng những không được tí in-com còn bị thiên hạ đè ra mà... luộc. Luộc tới chừng nào... rục rệu thì thôi! Chắc ăn nhất là mát mặt ngày nào hay ngày đó, chứ tâm huyết cho lắm mà làm gì, bởi cuối cùng cũng... bực bội chứ có được cái mụ nội gì đâu!
Làm thiện nguyện. Nói dễ nhưng nhúng tay vào thiệt là chằng ăn trăn quấn, bởi thói đời... trâu nằm chuồng ghét trâu chạy lăng xăng, thành ra chưa đụng đậy cái chi chi đã bị người ta xúm vô mà rủa. Làm được chẳng có gì hay. Nhưng lỡ chuyện không xong thì coi như đêm đen rớt xuống cuộc đời. Ái chà chà! Lúc í cứ là vuốt mặt không kịp. Trời mưa còn biết đường che chống chứ thiên hạ lên... đài chỉ có nước lấy bông gòn đóng mẹ cái lỗ tai. Đó là chưa nói đến hiền thê ở nhà đem con đi bác sĩ. Nhắc nhở chúng học hành. Lại còn may vá phụ thêm, để ông chồng rảnh chân rảnh tay xả thân vì đại nghĩa. Vậy mà vui đâu chưa thấy! Chỉ thấy nổi đớn đau thắt chặt vào tim thì hứng thú ở đâu để chồng đi làm thiện nguyện. Vậy là tắt bếp. Là người hiền mỗi ngày một lặn mất tiêu thì việc chung lấy ai đứng mũi chịu sào" Mà lẽ ra mình không làm thì để yên cho người khác họ làm, chứ đằng này đã không động đến móng tay rồi ở ngoài xách cây mà thọc thì thiệt là can không nổi! Cầm bằng như thấy họ làm không ngon thì xắn tay áo lên mà phụ. Có như vậy mới thể hiện được cái tâm. Cái lòng sẵn sàng vượt qua mọi tự ái nhỏ nhoi để mưu cầu đại sự. Mà nói gì thì nói chớ chăm chút cho riêng mình dù gì cũng sướng hơn. Chứ thừa lúc mình đang mãi miết với tha nhân rồi mấy thằng cốt đột qua mặt không bóp kèn thì lúc í kêu Trời hổng thấu! Chừng ấy mới ể mình ể mẩy. Chẳng vậy mà lần họp mặt mới đây, có người bạn mới cắc cớ hỏi rằng:
- Ba người đi chung một chiếc thuyền. Chồng, vợ và mẹ. Bỗng đâu giông bão nổi lên khiến thuyền chìm lỉm. Trong trường hợp cứu được một người. Thử hỏi, ông chồng sẽ cứu ai"
Một anh bạn trẻ ào ào lên tiếng:
- Cổ nhân có dạy: Huynh đệ như thủ túc. Phu thê như y phục. Chỉ mới huynh đệ thôi mà đã là tay chân máu huyết. Không thể lìa xa. Huống chi là mẹ" Mà ở đây con đã lớn ắt mẹ đã già. Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau. Quý như vậy hổng cứu mẹ thì cứu ai" Vả lại, vợ chết rồi lấy vợ khác có khó chi chứ mẹ đi luôn thì biết đến bao giờ mới tìm được mẹ" Đó là chưa nói đến phong tục người mình đề cao chữ hiếu. Hiếu nghĩa chưa tròn thì làm sao dám đốt nén nhang thơm trên bàn thờ tiên tổ. Làm sao dám ngẩng mặt nhìn đời mà không hổ thẹn với lương tâm!
Người khác hùng hổ góp vô:
- Thiệt tình mà nói lúc í đầu óc hoảng loạn nên thuận đâu cứu đó chứ làm gì có chuyện phân phải trái được hơn, thành ra trúng ai thì coi như số Trời chưa tới. Đó là chưa nói lên bờ phải quỳ xuống tạ ơn, bởi Trời Đất đã không lấy đi một lúc hai người thân thương cả đời gắn bó. Vả lại, từ ngàn xưa người ta đã nói: Thê như... mẫu! Diễn nôm ra là vợ và mẹ có gì khác biệt đâu nên cứu ai cũng cứ coi như là... cứu mẹ!

Rồi phong ba bão tố ì đùng bởi người nào cũng cho mình có lý. Chứ chẳng ma nào chịu nhìn nhận cái lý của người kia. Thành ra bay mẹ nó két bia vẫn đang còn sôi nổi, mà hình như dzô càng nhiều thì càng giữ chặt tâm ý của mình hơn. Chợt một hảo hán từ nãy giờ im lặng, bỗng toét miệng ra cười rồi sang sảng nói dzô:
- Mấy ông nhìn chưa qua cái lỗ mũi mà rối rít cả lên! Làm như trên thế gian này chỉ có cách giải quyết của mấy ông là hợp tình hợp lý. Đáng lẽ tui chẳng mở miệng mần chi cho mất công nhưng nghe mấy ông phang riết không làm sao nhịn được. Chẳng trách người xưa hay nói: Thùng rỗng kêu to. Chẳng có nước nôi gì trỏng mới la làng là xóm. Chuyện nhỏ híu thế kia giải quyết còn chưa xong thì đại sự biết chừng nào mới thành được. Gặp phải tay tui, vừa chớm thấy nguy cơ chìm xuồng đưa tới, tui vội nắm tay mẹ hiền mà thủ thỉ thấu ruột thấu gan: Cả cuộc đời mẹ đã hy sinh cho con. Từ lúc nằm nôi cho đến tuổi trưởng thành, ơn ấy không bao giờ con quên được. Có điều mẹ cũng biết con mượn ngân hàng đến một trăm tám chục ngàn để mua căn nhà mới xây, mà một tay con không thể nào gánh nổi. Nay vì cứu mẹ khiến vợ con mất đi thì lấy ai may vá phụ vô phần khiếm khuyết" Lúc ấy, chẳng những cháu nội của mẹ không còn nơi nương náu mà bản thân con cũng hổng còn chỗ trú nắng đụt mưa. Thế thì tiếc gì mẹ không hy sinh thêm chút nữa cho trọn tình máu mủ" Chứ mẹ sống mà nhìn con cháu không nhà không cửa. Không chỗ dung thân. Lại thiếu vắng bàn tay dịu hiền chăm sóc, thì chắc chắn mẹ hổng làm sao vui được... Và như vậy tui cứ vợ mà cứu chớ cần gì phải nghi ngại nọ kia, bởi người ta có nói ngược nói xuôi rồi cũng trôi vào dĩ vãng. Chứ khen chỉ một lời mà khổ... một đời thì tội gì vác nợ vào thân!
Thiệt là quý tử thời nay có khác! Cái gì thì cái chứ lợi về mình vẫn thấy phẻ phắn trong lòng trong dạ hơn. Rồi Mõ chợt nhớ tới một bà có bốn cô con gái. Chồng... lạc mất từ hồi ra bãi vượt biên nên đến Úc xong năm mẹ con cứ quây quần với nhau mà đợi. Và thời gian có khác gì vó câu qua cửa sổ nên mới đó mà đến ngày cất bước vu quy. Khổ một nổi con gái mít ta quý hơn vàng hơn bạc, nên... giữ kỹ nó rình, để hở nó rinh. Thành ra mới đến tuổi cập kê đã có người mau mau đến rước. Rồi hết chị đến em cứ lũ lượt kéo nhau lên xe bông mà an tọa. Đã một cái là chị nở nhụy khai hoa thì em cũng ớn cơm tanh cá. Báo hại mẹ hiền không có giờ điểm phấn thoa son bởi cứ cắm đầu cắm cổ hướng nhà thương mà chạy. Chí đến một ngày dượng hai nó mới thả vào tai vợ những lời quá đã quá phê:
- Vợ chồng mình mong ước có ba mặt con cho dzui nhà dzui cửa, mà ở xứ này vướng con mọn thì chuyện ăn làm giải quyết mần răng, rồi khéo ra lại thua chị kém em thì thiệt là tủi hổ. Chi bằng em cứ rụp rụp một hơi ba đứa. Vừa tiết kiệm được tiền bạc sắm mua. Vừa khỏi lo áo quần dư... đành cho hội. Lại nữa, mẹ tuy đã già nhưng thuộc loại già... gân nên sẵn nhờ mẹ đến chăm lo cho có tình bà cháu. Trước là ấm cúng dòng tộc tổ tiên, sau nữa cho sấp nhỏ biết thế nào là tiếng Việt. Chứ em làm trể qua rủi dì Ba nó phỏng tay trên thì lúc ấy tiền đâu mà đi gởi" Lấy gì trả nợ nhà cửa xe hơi" Với lại, mỗi ngày trôi qua mẹ già đi một chút, rồi lỡ một mai mẹ già... thiệt thì vợ chồng mình biết nương dựa vào đâu!
Thế là tí nhau cứ êm xuôi góp mặt với đời. Và ngoại, trong nổi mừng mừng tủi tủi, bỗng thấy đôi giòng lệ lả chả tuôn rơi bởi thiếu vắng tía nó chung xẻ niềm vui có người thừa tự. Rồi như kiếp tằm phải nhả tơ. Ngoại vất vã chạy... sô hết nơi này đến nơi khác bởi đâu đâu cũng là núm ruột của mình. Mà cuộc đời mưa vùi sóng dập chứ làm gì êm ả mãi được ư nên một hôm ngoại không tài nào ngủ được, bèn thầm thì nói chuyện mình ên:
- Tui vẫn biết làm cha làm mẹ là hy sinh. Là xuôi ngược cả đời cho con cái. Là như cây nến tàn lụi đi để con được sáng sủa với người. Có điều con mình bốn đứa. Gần chục cháu ngoại phải lo. Thét rồi kham không nổi. Phải chi giờ này có ông bên cạnh, đỡ đần tui một tay thì có lẽ cũng vơi đi phần nào nhọc mệt. Mà ông à, nhọc mệt thì ráng chịu rồi nó cũng qua, chứ thấy mấy đứa con ganh nhau mà nước mắt không làm sao tui cầm được. Con thì đứa nào cũng mang nặng đẻ đau. Cũng chín tháng mười ngày bụng mang dạ chửa. Cũng một giòng sửa mẹ chứ có phải sửa bò sửa đặc gì đâu! Vậy mà qua đây chúng đổi tình đổi nết. Hở một chút là tị hiềm so sánh hơn thua, rồi nỡ lòng kết tội tui thương đứa nhiều đứa ít. Thiệt tình mà nói từ lúc ẳm ngửa đến lớn khôn, đứa nào mạnh yếu ho hen làm sao tui hổng biết" Thành ra tùy đó mà đong. Tùy sức mà liệu. Chứ làm gì có chuyện nặng nhẹ trọng khinh" Đã vậy người ta ở đây vào hội này hội nọ. Rồi đi du ngoạn hết chỗ này đến chỗ kia. Lại có bạn cùng trang lứa đở nâng lúc bóng ngã về chiều, khiến cuộc sống được nhiều phần an ủi. Còn tui, cả cuộc đời tất tả ngược xuôi đến hôm nay tóc bạc trắng cũng còn xuôi ngược. Dầu vậy, tui chẳng hề phiền muộn điều chi miễn hồ thấy con cháu an vui là đủ!
Mà xét cho cùng cho tận thì làm cha mẹ Việt nam ở xứ này thiệt là khổ quá sức quá tay. Còn trẻ thì lo cho con. Tuổi già lo cho cháu. Lo đến chừng nào... bình khô rượu mới thôi! Chẳng bù với mấy ông bà mắt xanh mũi lõ. Con đến tuổi rồi thì kệ mẹ tụi bây. Còn cháu mười bữa nữa năm mới gặp mặt, mà giả như còn nhỏ dại thì cứ chao-ke mà gởi chứ mắc mớ gì bà phải bận tâm! Mà theo lẽ thường tình thì đâu có gì bền vững! Tốt bằng trời cũng tới ngày phế thải vất đi. Đã vậy cái ở trong tay chẳng bao giờ biết quý, đến lúc mất rồi mới thấy mẹ thấy cha thì mọi sự - đã đi vào dĩ vãng...
Mõ Sàigòn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.