Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Hội Nhập Hay Bị Đồng Hoá?

28/02/200600:00:00(Xem: 6170)
Kể từ sau vụ bạo động ở Cronulla và những vụ tấn công trả đũa tiếp theo đó thì không phải chỉ có những tên kỳ thị xách động bạo động từ cả hai phe, không phải chỉ có những kẻ phạm pháp, phá rối trật tự trị an mới bị lên án, chỉ trích và truy tố mà chính sách đa văn hóa (multiculturalism) cũng bị liên tục tấn công. Chẳng phải chỉ có các tay “shock jock” “cổ đỏ” chuyên tìm cơ hội để lôi kéo thính giả, chẳng phải chỉ có giới truyền thông đại chúng vô tâm muốn tiện dịp tìm thế đứng trên thị trường tin tức thời sự, chẳng phải chỉ riêng bọn hoạt đầu chính trị mượn gió bẻ măng tóm lấy thời cơ để thủ lợi cá nhân mới tranh cãi ồn ào về những “hậu quả” của chính sách đa văn hóa mà ngay cả những người dân bình thường cũng mang chính sách cùng ý tưởng đa văn hóa ra mổ xẻ, phê bình trong lúc trà dư tửu hậu, trong giờ giải lao ở sở làm, trong lúc thư giãn ở nhà bên tách cà phê nóng hổi.
Dĩ nhiên là ở một quốc gia tự do dân chủ như Úc thì việc thảo luận tranh cãi sâu rộng trong quần chúng về một chính sách đã có nhiều ảnh hưởng đến cấu trúc của xã hội trong hơn hai thập niên qua là một việc cần phải có, cần phải xảy ra. Thế nhưng, kể từ khi Pauline Hanson khôn khéo tấn công chủ trương đa văn hóa để trục lợi chính trị đến nay thì gần như mỗi lần cụm từ “chính sách đa văn hóa” được sử dụng thì người sử dụng nó, từ giới chính trị gia cho đến giới truyền thông, hầu như không có một khái niệm nào cả về ý nghĩa đích thực của cụm từ này cũng như về những đường lối chính sách mà nó đại diện. Trong thời gian gần đây, cụm từ “đa-văn-hóa” thường được dùng để miêu tả (một cách rất sai lầm) một đường lối, chính sách khuyến khích và tạo cơ hội cho những người di dân từ các nguồn văn hóa khác bo bo giữ lấy tất cả mọi hủ tục của văn hóa gốc, tự cô lập ra khỏi xã hội, ra khỏi nền văn hóa “chính mạch”, tự tạo lấy một cái ổ kén văn hóa ngôn ngữ cho chính mình, tạo nên một thế giới riêng biệt cho chính mình, tự tạo một quốc gia riêng biệt trong một quốc gia chung. Và những người tấn công, chỉ trích đường lối “đa-văn-hóa” lại cũng là những kẻ đã bẻ quặt ngôn từ để biến nghĩa chữ “hội nhập” (integrate) thành “đồng hóa” (assimilate). Thực ra, như chúng ta, những người tÿ nạn đến định cư tại Úc trong thời kỳ phôi thai của chủ trương đa-văn-hóa (hoặc, nói một cách chính xác hơn chủ trương xây dựng một xã hội với nền-văn-hóa-đa-nguyên) thì cụm từ “đa-văn-hóa” có nghĩa là chia xẻ đồng đều giữa mọi nền văn hóa gốc, chứ không phải áp đảo, khuynh loát; tham gia đóng góp chứ không phải phục tùng khuất phục; chấp nhận dị biệt (accepting differences) chứ không phải bao dung dị biệt (tolerating differences); để từ đó, tạo nên một nền văn hóa vốn dĩ bao gồm tất cả những tinh túy từ các nguồn văn hóa khác, một nền văn hóa liên tục phát triển, liên tục tiến hóa. Đáng tiếc thay, trong một thập niên vừa qua, từ khi John Howard lên nắm chính quyền thì, theo sự thừa nhận của chính ông trong vài ngày qua rằng chính phủ của ông là một chính phủ “một phần nào đó ít nhiệt tâm sốt sắng hơn những chính phủ tiền nhiệm về chủ trương đa văn hóa” (a government and a Prime Minister that is in favour of what I might call a slightly less zealous multiculturalism than was practised by my predecessor), và chủ trương của ông là “không phải hoàn toàn trở lại chính sách đồng hóa, nhưng ở đâu đó khoảng giữa, và đó là điều mà dân chúng muốn” (not a return to assimilation so much, but somewhere in between, which is what people want). Và chính vì thế mà giới truyền thông mới có những loạt phóng sự, thoạt trông có vẻ như rất cân bằng về chính sách đa văn hóa, nhưng bản chất thì nhằm vào việc đục ruỗng chính sách cao đẹp đã hiện hữu từ hơn hai thập niên qua ở Úc. Một trong những thiên “phóng sự” kiểu này là đoạn phim thời sự tựa đề “Enclave Existence” - Nếp Sống Khu Ốc Đảo - trong chương trình Today Tonight hôm thứ Sáu 17/2/06 vừa qua.

* * *

Rất nhiều người di dân ở Úc chọn lựa cuộc sống tại những khu vực có người di dân từ cùng nguồn gốc với họ. Gần đây đã có một cuộc nghiên cứu để tìm hiểu vì sao và ở những nơi nào mà chuyện này xảy ra.
Từ xưa, người di dân vẫn là xương sống của nước Úc, thế nhưng phong cách sinh sống cũng như nơi mà họ sinh sống đôi khi khiến cho quần chúng đương đại phải kinh hãi (causes alarm in the existing population). Trong một vài vùng ngoại ô của Úc có đến hơn 70% dân số là những người di dân từ những quốc gia mà Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ.
Giáo sư Jim Forrest thuộc đại học Macquarie vừa hoàn tất một cuộc nghiên cứu về người di dân sinh sống ở Úc và thái độ cũng như sự dung thứ độ lượng (của những người Úc gốc Anglo-Saxon) đối với những người Úc không biết nói tiếng Anh. Ông nói: “Vào năm 2001, có một vài vùng ở phía Nam Sydney, phía Trung Nam Sydney có khoảng 12 khu ốc đảo di dân (immigrant enclaves), và họ chiếm 70% (dân số trong vùng). Cứ 10 người di dân hiện nay thì có đến 4 người định cư tại Sydney, 2,5 người đến Melbourne, và khoảng 2 người đến Perth”.


Gia đình ông bà Đặng (Quang và Thảo) đang sống năm thứ 14 ở Úc. Ngay từ thuở đầu tiên, gia đình họ đã ở khu ốc đảo Việt Nam tại Cabramatta ở miền Tây Sydney. Sau một khoảng thời gian dài đăng đẳng như thế mà một vài người trong gia đình họ cũng vẫn còn vất vả với tiếng Anh.
Thế nhưng, như những người di dân gốc Việt khác, gia đình họ Đặng có một cảm giác thật sự sum vầy (a real sense of togetherness). Mối liên hệ trong gia đình chặt chẽ đến độ rất nhiều gia đình bao gồm thành viên từ ba thế hệ cùng quây quần dưới một nóc gia. Bà ngoại Tăng Hương, 76 tuổi, không nói được tiếng Anh, là người chính thức chăm sóc (primary carer) bé Tammy 5 tuổi và bé Sophia 2 tuổi trong lúc mẹ (Thảo) và cha (Quang) đi làm. Bà Thảo giải nghĩa: “Họ có thể giúp đỡ thật nhiều. Thay vì chỉ sống riêng rẽ một mình chúng ta thôi, nếu cha mẹ cùng chung sống với chúng ta thì họ có thể trông con giùm chúng ta”.
Tiến sĩ Ernest Healy thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Dân Số và Thành Thị thuộc viện đại học Monash tin rằng rất nhiều người di dân không hề dọn ra khỏi những khu ốc đảo vì họ dễ dàng sinh hoạt tại những nơi này hơn. Thế nhưng, vẫn có những cái giá mà họ phải trả vì đã sống tại những khu ốc đảo như thế. Ông nói: “Sự thoải mái này thật là một vấn nạn, vì nó khóa kín người ta theo văn hóa, trong một hoàn cảnh mà họ có rất ít cơ hội (để tiến thân). Và từ đó, nảy sinh ra hội chứng (syndrome) mà người ta không thể nào nhìn xa hơn những khó khăn trước mắt, trong hiện tại. Người ta không thể thấy một cách thật rõ rệt rằng có những người khác hành xử hoàn toàn khác".
Thế nhưng, vấn nạn khác cho người di dân, khi họ quyết định dọn ra khỏi những khu ốc đảo - như gia đình Naja đã phải kinh qua - là việc họ sẽ bị xa lánh, xua đuổi và bị chính gia đình của họ chỉ trích, quở mắng cay nghiệt (castigated by their own family).
Salem và Hale Naja là di dân gốc Hồi Giáo thế hệ thứ nhì, thế nhưng họ đã dành ưu tiên cho việc dọn ra khỏi thủ đô của người Li-Băng (Lebanese heartland) là Lakemba ở Sydney và hội nhập với mọi người khác ở vùng ngoại ô. Chị Hale nói: “Tôi cần phải và thực sự muốn dọn đi nơi khác. Tôi không bao giờ muốn là thành viên của một khu ốc đảo nào cả”.
Thế nhưng, khi anh Salem dọn đi thì anh có cảm giác bị ruồng bỏ, xa lánh. Anh nói: “Đã nhiều năm rồi tôi sống như con chiên ghẻ của đại gia đình. Tôi phải tốn gần 15 năm trời thì mẹ tôi mới chịu viếng thăm tôi thường xuyên."
Ông Mustapha Kara-Ali cho biết nếu giới lãnh đạo cộng đồng không quá cố chấp và cương quyết khư khư giữ ý tưởng “tụi nó và chúng ta” thì có lẽ đã có nhiều gia đình khác sẵn sàng hội nhập như gia đình Naja. Ông nói: “Những người chỉ biết chú trọng vào sắc tộc của mình thực sự đang cản trở quá trình và xu hướng tự nhiên - vốn là xu hướng đồng hóa vào nước Úc (to be part and parcel of Australia) - những người cản trở quá trình này, tôi tin rằng, đa số là những người chỉ nghĩ đến công việc cộng đồng của chúng tôi với tầm nhìn mang tính bảo thủ, tự vệ”.
Sydney là thành phố đa sắc tộc nhất nước Úc. Tại những khu ngoại ô Campsie, Lakemba, Burwood, Auburn, Bankstown, Fairfield, Liverpool và Cabramatta, có đến 70% dân số là người di dân từ nhiều nguồn gốc khác nhau.
Tại Melbourne thì Dandenong, Whittlesea, Springvale, Box Hill và Elsternwick có dân số di dân đông đảo. ở Brisbane có West End, Sunnybank, Inala, Darra, Morrooka và Annerley. ở Adelaide thì Ottoway, Athol Park Campbelltown, Paradise Townsville và Fullham là những nơi mà di dân tụ tập về. Và ở Perth thì dân số di dân đông nhất ở Freemantle, Northbridghe, rockingham và Mandurah.
Gia đình họ Đặng cho biết sống trong ốc đảo như thế (living the enclave life), họ tận hưởng những gì tốt đẹp nhất từ cả hai thế giới, thế nhưng, họ tự cho mình là người Úc đa văn hóa trong mọi ý nghĩa của cụm từ này. Bà Thảo giải thích lý do mà họ chọn Cabramatta; “Chúng tôi gần với (cộng đồng) người Việt, chúng tôi gần với cộng đồng người Hoa, và chúng tôi cũng có một vài truyền thống ở đây. Và nếu chúng tôi sống ở bất kỳ nơi nào khác, chúng tôi sẽ quên hết văn hóa, và đó là tại sao mà chúng tôi sống ở đây”.
Thế nhưng, gia đình Naja, những người đã bước ra khỏi khu vực thoải mái của họ (their comfort zone), cho biết rằng đấy là một quyết định tốt nhất từ trước đến nay của họ, sinh sống ở vùng ngoại ô và chia sẻ cuộc đời với xã hội chung quanh. Anh Salem nói: “Những người Úc da trắng rõ ràng là không thoải mái với tình trạnh “ghetto” (LND: tương tự nghĩa như khu ốc đảo, nhưng thường gợi nhớ đến những khu ổ chuột của dân lao động da đen ở Hoa Kỳ, vốn được dân da trắng xem là nguy hiểm tột cùng) và, trên một bình diện nào đó thì chuyện này rất dễ thông cảm”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Healy vẫn cẩn thận nhắc nhở: “Thế nhưng, vẫn chưa ai biết được rằng tình trạng ốc đảo mà chúng ta đang quan sát và nghiên cứu hiện nay có trở thành tình trạng “ổ chuột ghetto” hay không. Đây là một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.