Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: John Howard & 10 Năm Quyền Lực

07/03/200600:00:00(Xem: 5598)
LND: Thứ Năm 02/03/06 đánh dấu 10 năm Thủ tướng John Howard giành được quyền lèo lái nước Úc. Trong vài tuần qua, giới truyền thông Úc đã có nhiều bài viết để phân tích về những biến chuyển của xã hội Úc trong suốt một thập niên vừa qua, để suy xét về các thành quả cũng như những thiếu sót của ông Howard trong cương vị lãnh tụ quốc gia, để thảo luận về hướng phát triển của kinh tế, chính trị và giáo dục Úc trong thời gian ấy. Có không ít bài viết ngợi ca sự quyết tâm và ý chí kiên trì của ông Howard trong việc hoàn thành ước mộng của đời mình, sau khi nối tiếp chức lãnh tụ đảng Tự Do liên bang trong năm 1983 xuyên qua thời kỳ tranh chấp liên tục với ông Andrew Peacock để rồi bị giới truyền thông mỉa mai cợt nhả, “có khi nào chả phồng souffle nổi được sau hai lần hâm hay không"” và cuối cùng là sự đắc thắng tuyệt đối. Cũng có bài viết châm biếm chỉ trích những mâu thuẫn cùng tính đạo đức giả (double standard) của chính phủ Howard trong suốt thời gian vừa qua. Thế nhưng, hầu như không một ai, ngoại trừ bỉnh bút Shaun Carney của nhật báo The Age, nhắc đến công trạng của giới lãnh đạo đảng Lao động trong phe đối lập liên bang đã giúp cho ông John Howard nắm vững chính quyền xuyên suốt 3 kỳ tổng tuyển cử: Năm 1998, năm 2001 và năm 2004. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bài viết tựa đề “Little To Stop Howard” của ông Shaun Carney đăng tải trên The Age ngày 25/2/06.

* *

Trong buổi nói chuyện gần 90 phút đồng hồ trước một cử tọa bao gồm các doanh gia tầm cỡ ở Melbourne hôm thứ Năm 23/2/03 vừa qua, cựu tổng thống Bill Clinton có nhấn mạnh một điều hết sức đơn giản nhưng lại rất dễ bị quên lãng: dân chủ không phải chỉ có nghĩa là đa số thắng thiểu số mà nó còn có nghĩa là bảo vệ quyền lợi của những người thuộc phe thiểu số nữa. Và dân chủ thực sự có nghĩa là sự công nhận cũng như sự vững chãi hóa các giới hạn của quyền lực hầu ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực. Bài nói chuyện của ông Clinton cũng như việc trả lời những câu hỏi từ cử tọa bao gồm đủ mọi đề tài, từ vấn đề liên quan đến gia đình bin Laden ở ả Rập Saudi cho đến việc tăng nhiệt toàn cầu; từ những hậu quả ghê gớm của chính sách tài chính tiền tệ Hoa Kỳ hiện nay sang vấn đề căn cước cá nhân người dân.v.v... quả thật có sức lôi cuốn thật mãnh liệt khiến cử tọa gần như bị hớp hồn vì sự hiểu biết sâu rộng của ông Clinton về những vấn đề hệ trọng mà thế giới ngày nay phải đối đầu cũng như những thử thách chính trị mà chúng tạo nên.
Sự kiện này lại một lần nữa chứng minh cho người ta thấy rằng ngay cả những chính trị gia tài ba lỗi lạc nhất cũng có khi phát triển sự thông thái của họ một cách chậm trễ: họ chỉ trở thành thông thái sau khi họ không còn quyền lực nữa! Thủ tướng John Howard dĩ nhiên đang sung sướng nắm giữ quyền lực nhiều hơn bao giờ hết trong nhiệm kỳ thứ bốn này của ông và có vẻ như còn rất lâu ông mới trở thành một cựu chính trị gia. Ngoại trừ trường hợp ông Peter Costello có biện pháp thọc gậy bánh xe khiến ông mất cân bằng và lọt khỏi ghế Thủ Tướng, nếu không thì ông Howard có lẽ sẽ ngồi chặt trên cái ghế này thêm ít nhất là năm năm nữa. (1) Theo tình hình hiện nay thì chính phủ nắm chắc phần thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007 tới đây.
Dịp kỷ niệm đệ thập chu niên ngày ông Howard nắm chính quyền khiến người ta không khỏi thắc mắc, không hiểu sau này, khi giã từ chính trường, ông Howard sẽ nghĩ như thế nào về suốt các nhiệm kỳ thủ tướng của chính ông.
Không có một thứ khoa học nào có thể giải thích được hoặc tiên đoán được những biến chuyển trên chính trường cả. Phần lớn, trên chính trường, người ta thường dựa nhiều vào sự may rủi hơn tất cả mọi thứ khác. Nhiều sự kiện xảy ra ngoài sự kiểm soát của người ta. Và một trong những nguyên tố chính của sự thành công hay thất bại trên chính trường cũng tùy thuộc vào khả năng hữu hiệu cũng như trình độ của đối thủ của mình.
Nói cho cùng thì chính trường là một đấu trường mà người ta phải sử dụng sự nhạy bén của đầu óc. Liệu mình có thể tận dụng một cơ hội nào đó để chiếm thế thượng phong so với đối phương và từ đó, bảo đảm được một lợi thế lâu dài hơn hay không" Và đấy là những lúc mà sự khéo léo quỷ quyệt (cunning), những mưu kế gian giảo (guile), sự thông minh lanh lẹ (smarts) trở thành những thứ vũ khí đáng gờm.
Thành công vượt bực của ông Howard trong suốt 10 năm làm thủ tướng là việc ông đã xơi tái phe đối lập liên bang như người ta ăn gỏi gà vậy. Gần như trong suốt thời gian một thập niên vừa qua, phe đối lập là một đội banh hiện diện trên sân chơi cho có lệ, góp mặt chỉ để trận đấu có thể tiếp diễn, để có thể lượm quả bóng vừa bị chính phủ sút một cú thủng lưới rồi trao lại cho chính phủ để họ thêm một cú sút nữa, thế thôi.
Kể từ khi nước Úc được thành lập - từ khi các tiểu bang đồng ý kết hợp thành liên bang (Federation) - cho đến khoảng đầu thập niên 80 thì chính trường liên bang Úc gần như theo một khuôn khổ nhất định: đảng Lao động cấp tiến cố nới rộng những lằn ranh cố định về nhiều chính sách cải tổ xã hội và chỉ nắm chính quyền trong một thời gian ngắn ngủi để rồi sau đó nhường chỗ lại cho phe liên minh bảo thủ đang đứng bên lề chờ cử tri gọi về để bồi đắp lại nền kinh tế đã bị Lao động làm hao hụt. Thế nhưng, từ thập niên 80 thì thông lệ này đã bị đảng Lao động phá vỡ. Đảng Lao Động liên bang đắc cử liên tiếp 5 nhiệm kỳ trong suốt thập niên 80 sang đến đầu thập niên 90. Trong suốt 13 năm nắm chính quyền - một kỷ lục chưa hề thấy trong lịch sử của đảng - phe Lao động liên tục tu chính luật pháp, cải tổ kinh tế cùng hệ thống tài chánh cũng như chính sách tiền tệ cùng một loạt những bình diện khác như hệ thống công quyền (public service), hệ thống công đoàn, các chính sách về y tế, về môi sinh, về giáo dục.v.v.


Khi đảng Lao động mất chính quyền năm 1996 thì tân lãnh tụ đảng lúc bấy giờ là ông Kim Beazley, vốn là phó thủ tướng của ông Keating, có vẻ như quyết định sẽ tiếp nối đường lối năng nổ đưa đề nghị cải tổ chính sách như thời đang nắm chính quyền. Một trong những hành động đầu tiên của ông trong cương vị lãnh tụ đối lập là ra lệnh cho tất cả dân biểu liên bang không được quyền chỉ trích, phê bình những sơ sót của chính phủ Keating trước đó. Ông bảo họ phải tiếp tục hãnh diện với những thành quả mà đảng Lao động đã đạt được trong thời gian 13 năm ấy và không nên tấn công, dè bỉu ông Keating.
Trong lúc ấy thì các ông Howard và Costello bắt đầu bài hát muôn thuở của những kẻ vừa từ phe đối lập giành lấy chính quyền. Đó là bài hát “Tình Trạng Tài Chánh Của Chính Phủ Tệ Hơn Sự Tưởng Tượng Của Chúng Tôi”. Thêm vào đó, hai ông bắt đầu sử dụng lá bài “Cái Lỗ Không Đáy Của Beazley” để chỉ trích khả năng kinh tế tài chánh của ông Beazley. Ông Beazley gần như câm nín trước sự tấn công này và chỉ phản pháo một cách sơ sài lấy lệ mà thôi.
Lá bài “Cái Lỗ Không Đáy” là một trong số những tuyệt chiêu của cặp bài trùng Howard và Costello. Việc ông Beazley câm nín không phản kháng có lẽ là hành động sai lầm nhất trong cuộc đời chính trị của ông. Và hệ quả là uy tín về khả năng quản trị kinh tế của đảng Lao Động - vốn sáng ngời trong suốt 13 năm trước đó - ngày càng bị suy giảm cho đến độ mà kỳ tổng tuyển cử năm 2004 vừa qua họ không dám, hoặc không thể, dùng khả năng quản trị kinh tế như một vấn đề chính yếu để đối chọi với chính phủ Howard.
Hơn thế nữa, trong suốt một thập niên làm phe đối lập, đảng Lao động liên tục thối lui, lật ngược vị trí của mình trước những vấn đề hệ trọng để rồi cử tri không còn phân biệt được sự khác biệt giữa chính sách của hai đảng trong nhiều vấn đề. Trong nhiệm kỳ đầu của thủ tướng Howard, ông thường bị giới phê bình chính trị cùng giới truyền thông mỉa mai, giễu cợt, chế nhạo vì ông chỉ là một Thủ Tướng “lãnh đạo từ đàng sau”, chỉ biết chạy theo đuôi ý kiến của quần chúng (poll-driven) mà thôi và không bao giờ dám có một hành động nào, đề ra một chính sách nào nếu không có kết quả thăm dò dân ý trước đó.
Trong thời gian gần đây người ta không còn châm chọc chỉ trích ông Howard như thế nữa. Không phải vì ông đã liên tục thắng bốn kỳ tổng tuyển cử, nhưng mà vì chính đảng Lao động cũng “theo đuôi quần chúng” mất rồi. Và, như ông Beazley đã tuyên bố một cách xanh dờn trong kỳ tổng tuyển cử năm 2001 là người ta khó lòng nhét được một tờ giấy vào khe hở khác biệt giữa chính sách của chính phủ Howard và chính sách của phe đối lập Beazley về vấn đề bảo vệ biên cương và vấn đề chống khủng bố. (LND: Nói một cách nôm na thì chính sách của Beazley là “bác sao tôi vậy”, miễn sao giật được phiếu là đủ). Chính vì thế mà nhiều người đã mỉa mai cho rằng nếu các cuộc thăm dò dư luận quần chúng Úc cho rằng chính sách quan hệ lao tư Workchoices được cử tri yểm trợ thì có lẽ phe đối lập duới sự lãnh đạo của ông Beazley cũng đã theo sát đuôi chính phủ Howard rồi!
Thế nhưng, thật tình mà nói thì trong nhiều lãnh vực mà đường lối chính sách của chính phủ Howard vượt xa (về phía hữu khe khắt) so với đường lối của đảng Lao Động - chẳng hạn như về bảo vệ an ninh quốc gia, dân quyền, xiết chặt trợ cấp xã hội, các loại thuế tiêu thụ.v.v. - thì phe Lao động sau đó cũng chạy theo sát nút, vô hình chung thừa nhận rằng những chính sách ấy là đúng đắn. Điều này có nghĩa là đất dụng võ của đảng Lao động ngày càng bị xâm thực bào mòn trong khi ruộng vuờn của ông Howard ngày càng được phù sa bồi đắp, phát triển mầu mỡ phì nhiêu.
Đến đây, người dịch cũng xin nói thêm, là chuyện đảng Lao động liên tục cấu xé xào xáo, củi đậu nấu đậu khiến cho cử tri ngày càng chán ngán. Sau khi bị cử tri Úc liên tục khước từ 2 nhiệm kỳ phải nhường chức lãnh tụ cho ông Simon Crean, ông Beazley đã thiếu trung thành với người cộng sự và liên tục để phe cánh bè đảng tìm cơ hội hạ uy tín ông Crean để ông này phải cay đắng giã từ chức lãnh tụ nhường chỗ cho Mark Latham hạ gục Beazley, để rồi dẫn đảng Lao động đi tới thảm bại. Bây giờ, trong lúc chính phủ Howard đang xính vính về vụ AWB hối lộ Saddam Hussein thì đảng Lao động thay vì dồn nỗ lực tấn công chính phủ, lại quay ra mở cuộc thanh trừng nội bộ, tìm cách đánh đổ các dân biểu đã từng chống Beazley trong kỳ tranh quyền với Mark Latham, kể cả ông Simon Crean, bà Julia Irwin, ông Laurie Ferguson.v.v.
Tóm lại, John Howard dĩ nhiên yêu thương đảng Tự Do của ông. Thế nhưng, có lẽ ông yêu thương đảng Lao động - đặc biệt là giới lãnh đạo đảng như ông Beazley - gấp 5 gấp 10 lần, vì họ đã giúp đỡ cho ông quá nhiều.

(1) Trong một cuộc thăm dò dân ý được đăng tải trên nhật báo Daily Telegraph số 27/2/03 vừa qua thì cử tri Úc tuy không ưa thích một số chính sách của John Howard, nhưng đa số những người được hỏi ý kiến đều cho biết cuộc sống của họ tốt đẹp hơn và họ cảm thấy an tâm hơn nếu ông tiếp tục lèo lái chính quyền (chú thích của ND).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.