Hôm nay,  

Đa Nguyên, Đa Đảng Sẽ Đến Trong Một Tương Lai Gần...

05/05/200500:00:00(Xem: 4728)
Tòa Soạn Đối Thoại (http://www.doi-thoai.com/): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh. Nếu có sự sơ sót, xin tác giả, độc giả và đài RFA thông cảm.
RFA 29.04.2005
Giới thiệu: Dưới cái nhìn của một trí thức, nhà dân chủ Phương Nam - Đỗ Nam Hải đã đòi hỏi thêm nhiều đổi thay từ thượng tầng kiến trúc của xứ sở.
Mời quý vị nghe tâm tư của Phương Nam qua câu chuyện với Phạm Điền của đài RFA.
Phạm Điền: Như quí thính giả đã rõ, vì 5 bài tiểu luận nẩy lửa khi nhận định về các bế tắc ở Việt Nam. Từ sự vướng mắc của chủ nghĩa Cộng Sản đến những lầm lỗi trong việc thực hiện các chủ đề xã hội, kinh tế, chính trị trong quá khứ, và sau cùng là những lời kêu gọi thể hiện dân chủ để khai thông bế tắc của dân tộc. Nhà dân chủ trẻ Phương Nam - Đỗ Nam Hải đã bị chế độ chấm dứt công ăn việc làm với tư cách là chuyên viên ngân hàng. Tuy cố gắng trù dập và khóa cửa kinh tế để triệt hạ tiếng nói bất khuất này, nhưng chế độ đã không khóa được tư tưởng của ông. Ngày thứ hai, 25 tháng 4 trả lời trong cuộc phỏng vấn của Phạm Điền, ông cho biết Việt Nam 30 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt vẫn còn bị phân hóa nặng. Theo ông chỉ còn một liều thuốc chữa là thực thi nền dân chủ đa nguyên, đa đảng. Sau đây là những trao đổi:
Phạm Điền: Kính chào ông Phương Nam, xin ông vui lòng khai triển thêm nhận định và suy nghĩ trên.
Phương Nam: Theo tôi, để giải quyết tận gốc vấn đề dân tộc bị phân hóa hiện nay thì không chỉ đơn thuần là đổi mới về mặt kinh tế; mặc dầu kinh tế là gốc. Lại càng không thể kỳ vọng vào những đợt cải cách hành chính chắp vá hoặc những cái gọi là “Quy chế dân chủ cơ sở”, mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn đã và đang miệt mài tung ra. Tất cả những động tác “tu sửa vặt” này đều đã bị thực tiễn chứng minh là thất bại.
Cụ thể là chiến tranh đã có độ lùi 30 năm rồi nhưng hôm nay, dân tộc này vẫn bị phân hóa sâu sắc. Đất nước vẫn bị tụt hậu đến nhục nhã, quốc nạn tham nhũng vẫn tràn lan, bộ mặt luộm thuộm, nhếch nhác vẫn bao trùm ở cả thành thị lẫn nông thôn. Ngòai ra còn là sự cực kỳ lãng phí của công và một bộ máy quản lý, xét về cơ bản là hư hỏng tòan diện từ trung ương tới địa phương và cơ sở, v.v … Đó cũng là những bài tóan lớn mà một nước Việt Nam mới cần phải giải quyết từng bước vững chắc, khi mà bộ máy hiện hành đã hòan tòan bất lực.
Để có một nước Việt Nam mới thì theo tôi, vấn đề là cần phải thay đổi ở trên thượng tầng kiến trúc. Đây chính là vấn đề sống còn của dân tộc ta hôm nay. Tức là song song với đổi mới về kinh tế thì cần phải đổi mới triệt để về mặt chính trị. Điều đó sẽ tạo ra những khả năng và cơ hội để có thể giải quyết tốt những bài tóan lớn của dân tộc như trên đã trình bày. 30 năm là khỏang thời gian mà nhiều nước có nền chính trị tiến bộ đã có thể hóa Rồng, hóa Cọp. Đơn giản là vì họ đã xây dựng được một luật chơi ngày càng công bằng và hòan thiện ở tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng, thông tin, v.v … Vì vậy mà đất nước họ đã tạo được sự đồng thuận dân tộc cùng sự ủng hộ rất rộng rãi và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tất cả những điều đó tổng hợp lại đã giúp cho nền kinh tế của đất nước họ cất cánh.
Còn ở Việt Nam thì dù thế kỷ 21 đã bước qua được 5 năm, nhưng giai cấp cầm quyền vẫn cứ loay hoay, rị mọ để cố tình “định hướng” đất nước này vào “bụi rậm”. Trong khi con đường quang đãng mà nhân lọai tiến bộ đã và đang đi thì lại bị họ dè bỉu, chê bai hết lời. Họ cho rằng: “Nếu Việt Nam mà đa đảng thì chỉ có lọan” (!").
Nhưng theo tôi, không cần phải lý luận dài dòng: một khi anh đã nói rằng chính quyền của anh là của dân, do dân và vì dân thì tốt hơn cả là anh hãy trao Quyền tự quyết cho dân tộc ấy. Ở đó, ý chí và nguyện vọng của họ sẽ được thể hiện thông qua một cuộc Trưng Cầu Dân Ý để xác định cụ thể xem hôm nay dân tộc ấy muốn gì" (chứ không phải là giai cấp cầm quyền muốn gì.)
Phạm Điền:Thưa Ông Phương Nam, đó là một niềm tin và là một nguyện vọng sắt son của ông. Nhưng ông thấy có hy vọng nào về một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng sớm thành tựu ở Việt Nam không"
Phương Nam: Tôi rất hy vọng. Tôi là người lạc quan nhưng không phải là người lạc quan tếu. Tôi tin tưởng rằng trong một tương lai gần, nền chính trị ở Việt Nam nhất định sẽ thay đổi về chất để chuyển từ nền chính trị độc đảng hiện nay sang nền chính trị đa đảng trong tương lai. Bởi vì, những hạt dân chủ đã được gieo trên mảnh đất này bao năm qua và nay thì chúng đã nảy mầm, bén rễ. Từ những mầm dân chủ ấy sẽ mọc ra những vườn cây, rồi từ cây sẽ thành rừng. Hơn nữa, đây cũng chính là xu thế tiến bộ của nhân lọai mà không một thế lực phản dân chủ nào có thể ngăn cản được. Theo tôi, trong thời đại ngày nay thì sự phản dân chủ cũng đồng nghĩa với sự phản dân tộc.
Phạm Điền: Thưa ông Phương Nam, ở Việt Nam bây giờ số người chia sẻ nguyện vọng và niềm tin tưởng mãnh liệt như ông có đông không" Bởi vì trong quá khứ, chỉ nội việc mơ đến một chế độ dân chủ thôi, chứ đừng nói đến chuyện nó được thực thi cũng đã làm cho nhiều người sợ hãi"
Phương Nam: Có một sự thay đổi rất đáng mừng là ở Việt Nam bây giờ tâm lý sợ hãi đối với chính quyền, đối với công an đã giảm đi rất nhiều. Năm 1994, tức là 11 năm về trước, khi tôi rời Việt Nam sang Úc thì tâm lý sợ hãi đó là rất nặng. Nhưng năm 2002, khi tôi về Việt Nam thì tâm lý ấy đã bớt đi rất nhiều. Đến nay, năm 2005 thì lại càng giảm hơn nữa. Hôm qua, bác Hoàng Minh Chính từ Hà Nội có viết thư cho tôi nói rằng: nhiều cô, bác cựu chiến binh, cách mạng lão thành, học sinh, sinh viên ở Hà Nội đã bày tỏ một cách công khai việc ủng hộ những quan điểm và cách làm, được thể hiện trong các bài viết của tôi. Điều đó đã động viên tôi rất nhiều.
Còn ở Sài Gòn, nơi tôi đang sinh sống thì tất cả bạn bè sau khi biết chuyện tôi thường bị công an theo dõi nhưng không có ai tìm cách xa lánh tôi cả. Họ vẫn đến với tôi, thông cảm, đồng tình và ủng hộ tôi. Những điều này là khác hẳn so với trước đây. Theo tôi, một khi mà sự sợ hãi trong nhân dân ngày càng giảm đi và tới lúc không còn sợ sự đàn áp những khát vọng dân chủ, từ phía chính quyền nữa sẽ là thời điểm báo hiệu thời cơ của một cuộc cách mạng dân chủ diễn ra.

Mặt khác, việc nhận thức về sự bất lực của bộ máy chính quyền hiện nay trong việc giải quyết những bài tóan lớn của dân tộc nêu trên. Và sự tin tưởng vào nền chính trị đa đảng tiến bộ, có khả năng tạo ra được một bộ máy hữu hiệu, để giải quyết được tốt chúng đã ngày càng lan rộng trong xã hội. Điều đó càng tạo cho tôi một niềm tin tưởng mãnh liệt rằng: Dân tộc Việt Nam nhất định sẽ giành được nền tự do, dân chủ bằng con đường hòa bình, bất bạo động để tiến lên hòa nhập được tốt vào thế giới hiện đại.
Phạm Điền: Chúng tôi xin cám ơn ông Phương Nam và cầu chúc ông luôn khỏe mạnh, tiếp tục theo đuổi lý tưởng dân chủ của ông.
Phương Nam: Theo tôi, đây không phải là lý tưởng của riêng mình mà là lý tưởng của đa số dân tộc ở cả trong và ngòai nước hôm nay. Cuối cùng, xin cám ơn anh Phạm Điền và xin kính chúc quý thính giả của đài Á Châu Tự Do luôn luôn mạnh khỏe. Chúc cho nền dân chủ thực sự ở Việt Nam mau chóng thành công.
CÔNG AN ĐỘT NHẬP NHÀ PHƯƠNG NAM
Đặc biệt, trong bài phỏng vấn mới nhất, nhà bình luận Phương Nam Đỗ Nam Hải nói với Đài RFA rằng công an vừa xông vào nhà ông ban đêm. Tình hình hù dọa này được Đối Thoại ghi theo RFA, kể như sau.
Lên tiếng đòi hỏi dân chủ dưới mọi hình thức không những không được hồi âm mà thậm chí còn gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Đó là thực trạng những gì đang diễn ra với các nhà dân chủ tại Việt Nam.
Phương Nam - Đỗ Nam Hải, một nhà dân chủ mà Ðài chúng tôi đã có lần nhắc đến trong một số bài viết đòi hỏi dân chủ. Gần đây nhất là việc ông gửi thư lên các cấp chính quyền, đề nghị một cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam rằng: Việt Nam nên hay không nên theo chế độ chính trị đa đảng"
Phương Nam là bút hiệu của nhà trí thức trẻ Đỗ Nam Hải, từng có thời gian sống ở Úc. Ông đã từng nhiều lần lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo Hà Nội hãy thay đổi nhận thức, hầu đưa đất nước phát triển. Ông Phương Nam đã từng viết 5 bài tiểu luận vào các năm 2000 và 2001. Bài đầu tiên là Việt Nam Đất Nước Tôi (6.2000); bài thứ hai là Việt Nam Và Sự Đổi Mới (4.2001); bài thứ ba là Suy Nghĩ Về Nhận Thức Lại (4.2001); bài thứ tư là Viết Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh (7.2001) và bài thứ 5 là Viết Tiếp Về Nhận Thức Lại (8.2001).
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài RFA trước đây, Phương Nam cho biết ông đã mất 6 năm suy nghĩ, nghiền ngẫm để có một cơ sở so sánh giữa Việt Nam với cả thế giới bên ngòai, khi viết những bài tiểu luận này. Vậy có hồi âm nào từ chính quyền trước những đề nghị trên" Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Phương Nam - Đỗ Nam Hải đã nói trong câu chuyện với Việt Hùng của Đài chúng tôi:
Phương Nam: Thời gian qua, tính từ ngày 6/8/2004 là ngày mà tôi bắt đầu phải làm việc với Cơ quan điều tra - Bộ công an Việt Nam đến nay đã là 8 tháng. Cách đây 4 tháng, ngày 10/12/2004 tôi có viết một bức Thư Ngỏ gửi cho Quốc hội, Chính phủ, Đảng cộng sản Việt Nam và các cơ quan truyền thông ở trong và ngoài nước để nói về tình trạng khó khăn hiện nay của tôi. Cuối thư, tôi có kết luận rằng: vượt lên trên những khó khăn đó thì tôi vẫn kiên trì với ý kiến mà tôi đã nêu trong bài Việt Nam Đất Nước Tôi là đề nghị với Quốc hội, Chính phủ và Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý ở Việt Nam. Câu hỏi duy nhất cần nhân dân Việt Nam trả lời trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý đó là: Việt Nam nên hay không nên theo chế độ chính trị đa đảng"
Nếu ai đồng ý thì bầu Có. Ai không đồng ý thì bầu Không.
Từ khi gửi bức Thư Ngỏ ấy đi thì tôi không phải làm việc một cách trực tiếp với Cơ quan điều tra của Bộ công an nữa. Thế nhưng, tôi lại gặp phải những khó khăn mới. Thí dụ như mỗi bước tôi đi và ngôi nhà tôi ở tại 441 Nguyễn Kiệm – Phường 9 – Quận Phú Nhuận – Tp. Hồ Chí Minh trong suốt mấy tháng qua là thường có công an mặc thường phục theo dõi. Cách đây mấy hôm, có người còn báo cho tôi biết là công an còn quay phim toàn cảnh nhà tôi ở phía ngoài nữa. Hoặc dịp giáp Tết Ất Dậu vừa qua, khi tôi ra Hà Nội thì trong suốt chuyến đi ấy cũng thường thấy bóng dáng công an xung quanh mình. Điều này thì tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang cũng đã trực tiếp chứng kiến, khi tôi đến thăm nhà ông.
Việt Hùng: Thế rồi sau khi mà ông gởi lá Thư Ngỏ ấy cho các cấp chính quyền cho đến nay thì ông có nhận được sự hồi âm nào đó hay không"
Phương Nam: Hoàn toàn không có sự hồi âm nào từ phía chính quyền cả. Nhưng từ phía độc giả thì tôi đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất rộng rãi của đồng bào ta ở cả trong và ngòai nước; của các tổ chức bảo vệ dân chủ, nhân quyền quốc tế, v.v … Qua cuộc trả lời phỏng vấn này, tôi xin 1 lần nữa được gửi lời cảm ơn chân thành của mình đến tất cả mọi người và các tổ chức đã ủng hộ tôi trong thời gian qua.
Việt Hùng: Bên cạnh những điều mà ông vừa cho biết là những khó khăn, sự theo dõi với trường hợp của ông cụ thể thì có những chuyện gì khác hơn ngoài những chuyện đó hay không"
Phương Nam: Vào tháng 12/2004, sau khi tôi gửi bức Thư Ngỏ trên đi thì có 1 hôm, vào lúc 11giờ 30 phút khuya, tôi nghe thấy tiếng chuông dưới nhà. Lúc ấy tôi đang ở trên lầu 2. Khỏang 5 phút sau, tôi thấy cô em tôi gõ cửa phòng. Tôi mở cửa ra thì thấy một nhóm 3 người gồm: 1 công an phường mặc cảnh phục, ông tổ trưởng dân phố và 1 dân phòng của phường. Tôi liền phản ứng bảo rằng:
“Tại sao các anh lên đây như thế này"” Họ trả lời là: “Chúng tôi đi kiểm tra hành chính theo thông lệ.” Tôi nói là: “Không, xin mời các anh xuống dưới nhà. Các anh không có quyền lên đây như thế này. Nhà tôi bao năm qua có ai đi kiểm tra hành chính như thế này đâu.” Họ thanh minh rằng: “Thật ra, chuyện kiểm tra hành chính như thế này là chuyện bình thường.” Tôi bảo là: “Điều đó rõ ràng là không bình thường. Các anh cần xem lại luật đi, có chuyện gì thì gặp nhau ở phòng khách là đủ rồi.” Cuối cùng thì họ đi về.
Ngòai ra còn một vài chuyện khác như: tôi nhận được Giấy Mời lên công an quận Phú Nhuận, vào tháng 1/2005 hoặc bị mất việc ở ngân hàng, tháng 2/2005. Những chuyện này, tôi cũng đã viết lại cụ thể và đã có một số trang web ở bên ngòai đăng tải rồi.
(Còn nhiều bài liên hệ ở trang: http://www.doi-thoai.com/)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.