Hôm nay,  

Tin Úc Châu

24/01/200500:00:00(Xem: 5224)
LÃNH TỤ ĐỐI LẬP MARK LATHAM TỪ CHỨC!
INGLEBURN: Trong một cuộc họp báo ngắn gọn không đầy 3 phút đồng hồ, vào chiều Thứ Ba, 18 tháng 1, ông Mark Latham, lãnh tụ đảng Lao Động, đã chính thức công bố quyết định từ chức lãnh tụ đảng, đồng thời từ chức dân biểu vùng Werriwa. Như vậy là sau thời gian 13 tháng đầy biến động, tạo nên không biết bao nhiêu biến cố gây xôn xao dư luận ở Úc, ở Mỹ, với tham vọng của một chính trị gia muốn trở thành thủ tướng, cuối cùng ông Mark Latham đã phải chấp nhận cúi đầu trước định mệnh.
Theo tin tức của ký giả David Crawshaw, vào chiều Thứ Ba, Mark Latham cho truyền thông báo chí biết, sẽ có một cuộc họp báo chớp nhoáng nhưng vô cùng quan trọng ngay tại một công viên vùng Ingleburn, tây nam Sydney. Khi đại diện các cơ quan truyền thông tụ tập đông đảo, Mark Latham đã lái xe tới, bước ra, với một mái tóc húi cua vừa mới cắt, chiếc áo sơ mi xanh, không áo vét, không cà vạt, và tuyên bố ngắn gọn trong ba phút đồng hồ quyết định từ chức. Giây phút đó, bên cạnh Mark Latham không có một cố vấn, và cũng không có một ai là thân nhân.
Trong 3 phút ngắn gọn, ông Mark Latham đã trình bầy về những đóng góp của ông cho đảng Lao Động, cho cử tri, cũng như cho nước Úc. Ông trình bầy về những khó khăn một chính trị gia phải chịu đựng, đặc biệt là sự quấy rầy, hay nói đúng hơn là sự săn đuổi, của truyền thông, khiến ông không những mất tự do, mà còn cảm thấy có lỗi đối với gia đình và hàng xóm láng giềng. Ông cho biết, ngay cả khi ông nghỉ thường niên, truyền thông cũng tiếp tục dai dẳng quấy rầy ông và hàng xóm láng giềng của ông, khiến họ đã nhiều lần phải gọi cảnh sát.
Ông thú nhận, sau 17 năm dấn thân trong cương vị một chính trị gia, từng hai lần mang trọng bệnh tưởng "ngoẻo", nay ông thấy đã đến lúc phải đủ khôn ngoan nghĩ đến gia đình và sức khỏe bản thân.
Sau khi tuyên bố xong quyết định từ chức của mình, ông Mark Latham lạnh lùng quay lại xe của ông, từ chối không trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên, ký giả. Cả một đám đông phóng viên xôn xao với hàng loạt câu hỏi, "Sức khỏe của ông hiện giờ ra sao"", "Ai sẽ là người thay thế ông để lãnh đạo đảng Lao Động"", "Ông sẽ làm gì để sống""... Nhưng ông Mark Latham không thèm trả lời bất cứ ai. Thậm chí ông cũng không thèm nghe. Tất cả đối với ông bây giờ là chuyện trời ơi đất hỡi, "trăm voi không được bát nước sáo" cần phải bỏ ngoài tai. Ông thấy ông phải quên hết, quên hết, kể cả những gì ông đã hứa!
Sự ra đi của ông Mark Latham một lẫn nữa khiến đảng Lao Động bước vào cuộc khủng hoảng lãnh tụ. Ông Kim Beazley hiện là một trong người có tham vọng muốn trở lại lãnh đạo đảng. Theo một cuộc thăm dò được thực hiện cho tờ The Sunday Telegraph, 31 phần trăm những người được hỏi ý kiến xem ông Beazley là sự chọn lựa tốt nhất để lãnh đạo đảng Lao động liên bang. Người có hy vọng thứ hai là phát ngôn viên đặc trách về ngoại giao đối lập Kevin Rudd, với 13 phần trăm sự ủng hộ.
Sự thực, quyền lãnh đạo của ông Latham dường như đã chấm dứt sau 13 tháng lèo lái đảng, đi đến thất bại trong cuộc bầu cử liên bang. Sau đó, các nhân vật nhiều ảnh hưởng nhất trong đảng bắt đầu thương thảo về một người thay thế. Thậm chí đồng minh thân cận nhất của ông ta cũng thừa nhận tình trạng của ông Latham đã trở nên rất "lộn xộn". Một nhóm ở Victoria liên hệ với cựu thủ lãnh Simon Crean đang đánh giá cơ hội của phát ngôn viên đặc trách y tế Julia Gillard. Thế nhưng các thành viên nặng ký ở NSW và Queensland đang ủng hộ sự trở lại của ông Kim Beazley. Và ông ta đã nói rõ sẽ nhận công việc này nếu được đề nghị mà không bị phản đối.
Các ứng viên có thể khác, như các nhân vật ở Queenland - Kevin Rudd và Wayne Swan và Stephen Smith ở Tây Úc cho đến nay vẫn chưa có hành động rõ ràng nào. Đồng minh của ông Latham, dân biểu Joel Fitzgibbon của vùng Hunter, ngày hôm qua đã xác nhận các sự tính toán về người lãnh đạo đang xảy ra như một "kế hoạch khẩn cấp". Nhưng ông ta nói rằng ông Latham sẽ trở lại làm việc trong ngày Australia Day và bác bỏ sự gợi ý rằng các nhân vật cao cấp trong đảng muốn loại bỏ chức vụ thủ lãnh của ông Latham. Dĩ nhiên, khi hay tin ông Mark Latham từ chức, dân biểu Joel Fitzgibbon đã phải ngã bổ ngửa vì ngạc nhiên.
Ông Latham đã bị tái phát chứng bệnh viêm tuyến tụy, một chứng bệnh gây ra nhiều đau đớn và đã làm ông ngã quÿ trong thời gian vận động bầu cử liên bang. Tin tức về sự tái phát bệnh này đã chỉ xuất hiện sau khi các phóng viên hỏi văn phòng của Thủ lãnh Lao động tại sao ông Mark Latham đã không lên tiếng bình luận về thiên tai sóng thần"
Ông Fitzgibbon tiết lộ buổi tối thứ Năm rằng ông Latham không muốn cho các cử tri biết việc ông bị bệnh: "Ông ấy hy vọng sẽ hồi phục trong thời gian nghỉ hè, và sẽ trở lại làm việc như hoạch định. Nhưng trận sóng thần đã xảy ra, một biến cố bi thảm, và người ta bắt đầu nêu ra các câu hỏi tại sao ông ấy đã không đưa ra lời tuyên bố nào và tôi nghĩ đó là khi tình trạng bắt đầu trở nên lộn xộn."
Vị thế lãnh đạo của ông Latham cũng bị tổn hại rất nhiều bởi vì trong khi phòng làm việc của Thủ lãnh đối lập nói rằng ông Latham quá bệnh không thể đưa ra các lời tuyên bố, ông Latham cùng với vợ con được nhìn thấy đang nghỉ hè tại Terrigal. Nhiều thành viên trong đảng đã lên tiếng chỉ trích sự thiếu thông tin về tình trạng bệnh tật của ông Latham.
Mới đây thêm hai vị thủ hiến tiểu bang kêu gọi các đảng viên cấp liên bang phải giải quyết cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong đảng Lao động thật nhanh chóng. Thủ hiến Queensland Peter Beatie vừa trở lại làm việc sau thời gian nghỉ hè với rất ít sự đồng cảm dành cho đối tác liên bang của ông ta. Trong tháng Mười Hai năm ngoái, ông Beattie đã rất thẳng thắn về cuộc tranh chấp quyền lãnh đạo khi nói rằng đảng Lao động nên ủng hộ ông Latham, hoặc loại bỏ ông ta. Ngày hôm Thứ Hai, ông Beattie nói rằng: "Tôi nói lên các quan điểm rất thẳng thắn trong cuối năm ngoái và quan điểm của tôi vẫn không thay đổi."
Thủ hiến Victoria Steve Brack cũng đòi hỏi một giải pháp thật mau lẹ cho cuộc khủng hoảng lãnh đạo hiện nay. Ông phát biểu rằng: "Tương tự các lãnh tụ tiểu bang khác, tôi kêu gọi các nhân vật cao cấp trong đảng Lao động liên bang hành động thật mau lẹ để giải quyết các vấn nạn này, bởi vì chúng đang tạo tác động ngày càng rộng rãi hơn. Quý vị không thể giả định rằng những vấn đề này sẽ từ từ biến mất." Các lời bình luận này được đưa ra sau khi Thủ hiến Tây Úc Geoff Gallopp suốt tuần lễ qua đã cố gắng lánh xa ông Latham, lo sợ cuộc khủng hoảng lãnh đạo hiện nay có thể làm hại đến các cơ hội của mình trong cuộc bầu cử tiểu bang sắp diễn ra ở đó.
Nay ông Mark Latham đã ra đi, mọi chuyện coi như yên về phần ông, nhưng tất cả những người còn lại trong đảng Lao Động lại bước vào vòng lẩn quẩn của một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Trong khi đó, thủ tướng John Howard chỉ tủm tỉm cười với nụ cười vừa lạc quan, vừa có phần coi thường đảng Lao Động. Phải chăng hào quang của đảng Lao Động đã thực sự hoàng hôn cùng với sự ra đi của Bob Hawke, Paul Keating"...

CÁC HÃNG BẢO HIỂM HẠ GIÁ GREEN SLIP!
NSW: Bảo phí green slip đang được giảm tới mức thấp nhất trong 10 năm qua - trung bình khoảng $19. Giá green slip cho một chiếc xe hơi ở Sydney hiện nay rẻ hơn $100 so với những năm giữa thập niên 1990, khi mà giá trung bình khoảng $440. ở các vùng thôn quê giá đã giảm chỉ còn $203 cho một tài xế trên 55 tuổi. Hai trong số các công ty cung cấp loại bảo hiểm đệ tam nhân bắt buộc này đã giảm giá, GIO vừa tuyên bố đã giảm giá green slip $19 - xuống tới mức rất thấp $295,60. AAMI cũng đã giảm giá bảo hiểm CTP hồi đầu tháng này.
Trong năm 1999, Thủ hiến Bob Carr đã ra lệnh rằng giá của green slip sẽ được bớt $100. Hội đồng Bảo hiểm Úc Đại Lợi đã ca ngợi Chính phủ thực hiện các cải cách, mặc dù những người làm việc trong ngành luật pháp tỏ ra ngờ vực về lợi ích lâu dài của các cải cách này, chúng đã giảm thiểu công việc làm của họ. Hội đồng bảo hiểm nói rằng giá green slip rẻ hơn là do một loạt các cải cách trong lãnh vực bảo hiểm đệ tam nhân bắt buộc (CTP), bắt đầu trong năm 1999 và đã bỏ bớt các luật sư ra khỏi các cuộc tranh cãi về chi phí y khoa. Các cải cách cũng giảm bớt sự cần thiết để đưa các vụ tranh cãi ra tòa.
Các công ty bảo hiểm đang bị áp lực chuyển số tiền tiết kiệm được từ việc hạ giá green slip cho các tài xế. Tuy nhiên nhiều công ty vẫn đang tính giá bảo hiểm rất cao - lên tới $550 ở một số khu vực thành phố. Thủ hiến Bob Carr nói rằng: “Chính phủ đã hứa giảm bớt bảo phí green slip và chúng tôi đã thực hiện điều này. Trong thập niên 1990 chúng tôi nhận thấy giá bảo hiểm green slip quá cao, làm cho các chiếc xe của gia đình trở nên rất tốn kém. Chúng tôi đã giải quyết được vấn đề này.” Ông cho biết giá bảo hiểm đệ tam nhân bắt buộc rẻ nhất trong giữa thập niên 1990 tương đương với 50 phần trăm mức lương trung bình hàng tuần. Ngày nay nó chỉ ít hơn một phần ba số lương trung bình đó.

CỰU BỘ TRƯởNG LĐ BỊ BUỘC TỘI Sở HỮU HÌNH ảNH KHIÊU DÂM TRẻ EM!
ÚC ĐẠI LỢI: Cựu bộ trưởng cao cấp Lao động Bob Collins thề sẽ chiến đấu tới cùng để chống lại các sự buộc tội sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Ông Collins, 58 tuổi, một bộ trưởng cao cấp dưới thời Thủ tướng Paul Keating, đã chính thức bị buộc tội sở hữu hình ảnh trẻ em khiêu dâm tại Tòa Sơ thẩm Darwin hôm thứ Ba tuần qua. Tuy nhiên các chi tiết của vụ án này đã chỉ được công bố hôm thứ Hai vừa qua.
Ông Collins đã không bị đòi hỏi phải xuất hiện trong phiên xử tuần qua. Một tai nạn xe hơi ở Kakadu trong tháng Sáu năm ngoái đã khiến ông bị thương tích trầm trọng và đang hồi phục từ tai nạn suýt cướp đi mạng sống của ông. Luật sư bào chữa John Lawrence đã nói với tòa rằng thân chủ của ông sẽ chống lại sự buộc tội này. Nhưng ông tranh luận rằng tình trạng được công chúng biết đến có thể ảnh hưởng có hại đến sự xét xử công bằng.
Trước đây luật sư Lawrence đã yêu cầu thẩm phán Greg Cavanagh đưa ra một án lệnh để ngăn chặn việc đưa tên tuổi của ông Collin trong giới truyền thông Northern Territory. Lời thỉnh cầu này đã được chấp nhận mà không bị phản đối bởi công tố viên Michael Carey. Ông Cavanagh nói rằng: “Nếu chỉ có lý do duy nhất ông ta là một người nổi tiếng, tôi sẽ không đưa ra án lệnh này. Nhưng với các lý do khác nữa, tôi cấm việc phổ biến tên của bị cáo và bất cứ các chi tiết nào có thể đưa đến sự nhận diện ông ta cho tới khi có một án lệnh khác được đưa ra.”
Ông Collins, người được xem là nhân vật huyền thoại của đảng Lao động Northern Territory, có vợ với ba người con. Ông trở nên nổi tiếng bởi cách ăn nói thẳng thắn, và hoạt động rất hữu hiệu trong suốt 5 năm là lãnh tụ đối lập Northern Territory trong thập niên 1980, và đã vào Thượng viện trong năm 1987.

TÀI XẾ CÓ MỨC LỢI TỨC CAO NÊN BỊ PHẠT GIAO THÔNG NHIỀU HƠN"
ÚC ĐẠI LỢI: Một nhóm chuyên gia cố vấn thuộc cánh tả vừa đề nghị rằng những người lái xe giầu có vi phạm luật lệ giao thông nên phải trả tiền phạt cao hơn những người vi phạm có mức lợi tức thấp. Tổ chức cố vấn The Australia Institute nói rằng nước Úc nên có một hệ thống tiền phạt dựa trên khả năng trả tiền của những người vi phạm.
Theo đề nghị này, một số tiền phạt có thể tăng gấp ba lần hoặc thậm chí gấp bốn lần nếu người vi phạm có mức lợi tức cao. Tổ chức cố vấn này nói rằng hệ thống tiền phạt hiện thời không thích hợp, bởi vì áp dụng số tiền phạt bằng nhau đối với mọi người sẽ tạo sự đau đớn cho những người có mức lợi tức thấp nhiều hơn những người có nguồn thu nhập cao. Tiến sĩ Clive Hamilton, giám đốc viện nghiên cứu này, giải thích rằng: “Số tiền phạt chạy xe quá tốc độ $125 tương đương với một phần ba lợi tức hàng tuần của một số người kiếm được $20,000 đô-la một năm, nhưng chỉ có sáu phần trăm của những người có mức lương lên tới $100,000 một năm.”
Ông nói rằng một số người Úc giầu có vi phạm luật lệ bởi vì tiền phạt không ảnh hưởng gì đến lối sống của họ: “Các tài xế giầu có từ vùng sang trọng Mosman xem các số tiền phạt như tiền bỏ túi tiêu vặt của họ. Trong khi số tiền phạt đậu ẩu $68 có thể làm rất đau đớn một sinh viên hoặc người lãnh trợ cấp xã hội.”
Viện nghiên cứu này ngày hôm qua đưa ra một bản tường trình, theo đó đề nghị áp dụng các số tiền phạt lưu thông dựa trên lợi tức và khả năng trả của người vi phạm. Chẳng hạn số tiền phạt lưu thông $125 hiện nay sẽ chỉ còn $75 cho người vi phạm có mức lợi tức dưới $30,000 một năm trong khi một người vi phạm có mức lương trên $100,000 sẽ phải trả $385 đô-la. Như vậy chiếu theo đề nghị này, tất cả những người vi phạm luật lệ giao thông bị phạt ở mức 16% lợi tức hàng tuần của họ, so với hệ thống tiền phạt hiện nay thì những người có mức lợi tức thấp bị phạt tới 31 phần trăm lợi tức hàng tuần và những người có mức thu nhập cao bị phạt chỉ có 5% lợi tức hàng tuần. Chương trình tiền phạt lưu thông này hiện đã được áp dụng ở Âu Châu.

TÌNH TRẠNG BẮT TRỘM CHIM QÚY ĐANG LAN TRÀN KHẮP SYDNEY!
SYDNEY: Một gia đình ở Sydney đang đề nghị số tiền $20,000 đô-la để chuộc lại con chim bị bắt trộm trong tuần qua. Con Razz, một con vẹt macaw 5 tuổi có mầu vàng và xanh lá cây rất đẹp, đã bị bắt mất vào lúc 12:30am hôm thứ Năm tuần qua từ Birdville, một cửa tiệm bán thú kiểng ở Roseberry chăm sóc con chim này trong thời gian chủ của nó đi du lịch ngoại quốc.
Bà Pam, chủ nhân của con vẹt không muốn tiết lộ tên họ, đã phải cắt ngắn chuyến du lịch một tuần lễ. Cô con gái 21 tuổi của bà, người đã tự tay nuôi con vẹt Nam Phi này khi nó được 12 tuần tuổi, hiện đang rao bán chiếc xe hơi để lấy tiền chuộc chim. Bà Pam nói rằng: “Nhiều người có thể nghĩ việc trả số tiền thưởng $20,000 là lạ lùng, nhưng nó là một thành viên trong gia đình chúng tôi. Con gái tôi đang rất đau buồn.”
Gia đình này là nạn nhân của một tệ nạn mà các nhà bán chim kiểng đang lo sợ sẽ trở thành “một kỹ nghệ rất phát đạt” - một thị trường chợ đen cho các con chim hiếm quý bị mất trộm. Ông Les Lenton, chủ nhân cửa tiệm Birdville, nói rằng các tên trộm đã không thèm để ý đến các con chim có giá trị khác trong tiệm và chỉ bắt mỗi con Razz. Ông Lenton cho biết các con vẹt macaw được bán với giá từ $5000 đến $9000 một con: “Chúng không phải là loại chim rẻ tiền, và bạn có thể kiếm lợi to từ chúng.”
Razz là con vẹt macaw thứ hai bị mất ở Sydney trong thời gian bẩy tuần qua. Trong thời gian này các cửa tiệm bán chim kiểng bị đột nhập ít nhất bốn lần. Các tên trộm đã đột nhập vào cửa tiệm Crystal Bird and Wire Centre, tại Rooty Hill, ngày 1 tháng Mười Hai và bắt mất một con vẹt macaw đang được rao bán với giá $7750 đô-la. Chủ tiệm Charlie Sultana nói rằng: “Các tên trộm biết rõ những gì chúng muốn, chúng bắt trộm con chim này vì ưa thích hoặc một người nào đó đã đặt mua nó.”
Trong khi đó cửa tiệm Better Birds, tại Rooty Hill, cũng bị đột nhập hai lần trong ngày lễ Giáng sinh và ngày 6 tháng Giêng. Chủ nhân Kevin Devnie nói rằng: “Tôi đã hoạt động trong ngành kinh doanh này hơn 20 năm, và chưa bao giờ nhìn thấy các con chim bị mất trộm như hiện nay. Các con chim này được mang đến đâu, chúng tôi không biết bởi vì chúng không xuất hiện.” Ông Devnie không nghĩ các con chim này được mang bán ở hải ngoại bởi vì chúng có giá trị nhiều hơn ở Úc.

CảNH SÁT KHÁM PHÁ NHIỀU CƠ Sở BÀO CHẾ MA TÚY TẠI GIA ở KHẮP NSW
NSW: Nhiều loại ma túy mạnh đang được sản xuất tại các tư gia ở khắp tiểu bang NSW, hầu như mỗi tuần cảnh sát đều khám phá các cơ sở bào chế ma túy được điều hành bởi “cha và mẹ”. Thanh tra cảnh sát Paul Willing ham, người chỉ huy biệt đội chống ma túy NSW, cho biết các cơ sở gia đình này, nơi mà các loại ma túy như speed được chế biến từ các viên thuốc cảm lạnh thông thường, giờ đây chiếm khoảng nửa các cơ sở bào chế thuốc bất hợp pháp.
Ông William nói rằng: “Trẻ em sống trong những gia đình của các nhà bào chế thuốc a-ma-tơ này có nguy cơ bị ô nhiễm và thậm chí chết từ các vụ nổ bất ngờ. Các cơ sở bào chế dã chiến này được thành lập bởi những tay ngang. Chúng tôi gọi chúng là các cơ sở hoạt động ‘mum and dad’. Khi họ lập các phòng bào chế thuốc trong phòng khách, phòng ăn hoặc phòng tắm, nguy cơ bị ô nhiễm bởi trẻ em rất cao. Trong tiến trình lấy chất pseu- doephedrine ra từ các viên thuốc cảm và ho, họ sử dụng nhiều thùng methylated spirits.”
Đơn vị cảnh sát chống ma túy trung bình bắt được bốn cơ sở bào chế ma túy mỗi tháng - khoảng phân nửa là các phòng bào chế tại gia của “mum and dad”. Ông William cho biết có tới 95 phần trăm các phòng bào chế tại gia sản xuất loại thuốc methylamphe- tamine, được biết là speed và trong hình thức nguyên chất là ice. Speed được làm từ pseudoephedrine, chất lấy từ các viên thuốc cảm được mua với số lượng hàng ngàn viên.
Thanh tra William cho biết: “Trong thập niên 1990, chúng tôi hầu hết nhìn thấy các hoạt động sản xuất cỡ trung bình - giờ đây chúng tôi đang chứng kiến các hoạt động hoặc thật lớn hoặc thật nhỏ. Và chính những hoạt động cò con là điều mà chúng tôi quan tâm nhất, bởi vì rất khó phát hiện và chúng dính tới tội ác có tổ chức ở mức thấp.”
Trong năm ngoái, 52 cơ sở bào chế thuốc bất hợp pháp sản xuất tổng số thuốc trị giá hàng chục triệu đô-la- đã bị khám phá ở khắp tiểu bang NSW, so với 42 vụ trong năm 2002 và 26 vụ trong năm 2000. Một số vụ nổ và các báo cáo ô nhiễm từ khói hóa chất đã được ghi nhận tại các cơ sở bào chế bất hợp pháp trong vài năm qua, đưa đến nhiều trường hợp bị tổn thương. Ngày 20 tháng Mười Hai, 2002, cảnh sát đã đột kích một cơ sở bị tình nghi sản xuất chất methylaphetamine tại Bolton, Newcastle sau khi các người hàng xóm ngửi thấy mùi hóa chất. Một đứa bé sáu tháng tuổi ở nhà bên cạnh đã phải vào bệnh viện điều trị sau khi hít phải khói hóa chất này.
Trong tháng Bẩy, 2003, một người đàn ông đã chết vì bị phỏng trong khi cố lấy chất pseudoephedrine từ hóa chất lỏng dễ bốc cháy tại một căn flat ở St Marys. Và trong ngày 7 tháng Giêng vừa qua, cảnh sát đã tịch thu một số lượng lớn hóa chất và các thiết bị bào chế thuốc trị giá hơn $15 triệu đô-la từ hai căn nhà sát cạnh nhau ở Lower Portland, thuộc vùng tây-bắc Sydney. Và các vụ khám phá khác trong thời gian gần đây tại căn nhà ở Carlingford, một nhà để xe ở Grafton, một căn flat ở Surry Hills và một chiếc caravan ở Taree.

CHỨNG BÉO PHÌ TRONG NAM GIỚI ÚC ĐÃ ĐẾN MỨC BÁO ĐỘNG!
ÚC ĐẠI LỢI: Các số liệu mới nhất cho thấy cứ ba người đàn ông Úc thì có tới hai người quá trọng lượng hoặc béo phì. Chứng béo phì trong nam giới đã gia tăng gấp đôi trong thời gian 10 năm qua, và tỷ lệ này đã lên đến quy mô của một nạn dịch, gia tăng 80 phần trăm trong 15 năm qua.
Một bản tường trình mới đây bởi Viện nghiên cứu Sức khỏe Úc Đại Lợi cho biết 67 phần trăm đàn ông bị quá trọng lượng hoặc béo phì so với 53 phần trăm phụ nữ. Các số liệu này trái ngược với bản tường trình 2001, với 59 phần trăm đàn ông quá trọng lượng so với 52 phần trăm phụ nữ. Bà Lyn Robert, tổng giám đốc Heart Foundation, cho biết sự gia tăng số đàn ông quá trọng lượng rất có thể đưa đến sự gia tăng tương ứng số trường hợp bị bệnh tim.
Bản tường trình này đã xem xét 270 cuộc nghiên cứu được thực hiện khắp thế giới về sự liên kết giữa quá trọng lượng và các nguy cơ đưa đến chứng cao máu, cao cholesterol, tiểu đường loại hai và các chứng bệnh khác. Bác sĩ Robert nói rằng trong khi các phụ nữ rất quan tâm đến trong lượng cơ thể, nam giới thường đợi cho tới khi nó gây ra các vấn đề sức khỏe rồi mới hốt hoảng hành động.
Khi Greg Edwards, một cư dân 35 tuổi từ Hornsby, gia tăng trọng lượng tới 160 ký, anh ta mới nhận thấy sự quá trọng lượng đang làm nguy hại đến sức khỏe của mình. Giờ đây anh Greg đặt mục tiêu giảm ít nhất 40 ký và cho biết vóc dáng của cơ thể trở nên có vấn đề khi anh ngày càng lớn tuổi hơn. Anh tâm sự rằng: “Tôi nghĩ trọng lượng là một vấn đề không nhỏ cho các đàn ông Úc nhưng tôi không nghĩ nhiều người nhận thấy điều này. Tôi thường đá banh và cảm thấy càng lớn con càng tốt - nhưng khi lớn tuổi hơn nó bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi.”


Trong khi đó Stephen Cox, một cư dân 45 tuổi từ Strathfield, đã giảm được 56 ký trong thời gian vài năm qua, và 26 ký nội trong sáu tháng qua. Áp dụng chương trình Weight Watchers được tạo ra để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng béo phì trong nam giới, ông Cox cho biết ông đã bị quá trọng lượng trong một thời gian rất lâu. Khi người vợ mang thai đứa con thứ hai ông quyết định giảm bớt sức nặng cơ thể mà đã làm ông không thể đi lên các ngọn đồi và vui chơi với đứa con gái. Người chuyên viên pháp y này cho biết cần giảm thêm 4 ký lô nữa mới đạt được mục tiêu trọng lượng, nhưng với số ký lô mà ông ta đã giảm được cũng đã đáng khâm phục.

CẤM Sử DỤNG MÁY CHỤP HÌNH TRÊN BÃI BIỂN BONDI!
NSW: Các máy chụp hình có thể bị cấm sử dụng ở Bondi Beach sau khi một số người bị bắt quả tang chụp hình các trẻ em mặc đồ tắm. Phó thị trưởng Waverley, ông George Newhouse, đang đề nghị các chiếc máy chụp hình, gồm cả điện thoại di động chụp hình, nên bị cấm sử dụng tại các hồ bơi của trẻ em, các công viên, các phòng thay quần áo và những khu vực trẻ em vui chơi ở Bondi.
Đề nghị này được đưa ra sau khi một số người đàn ông chụp hình các trẻ em tại bãi biển. Anh Angus Graham, một nhân viên cứu đắm, cho biết cách đây hai tuần anh đã ngăn chặn một người đàn ông chụp hình một bé trai trên bãi biển. Anh kể rằng: “Người đàn ông này đi bộ ngang qua đứa bé đang xây lâu đài cát. Anh ta đã cúi người xuống để chụp hình đứa bé, do đó tôi đã nhảy tới trước mặt và gã này tỏ ra sợ hãi bỏ đi mất.” Anh Graham cho biết đã nhìn thấy nhiều trường hợp khác nữa.
Lệnh cấm máy chụp hình của hội đồng thành phố Waverley có thể bao gồm các bãi biển Tamarama và Bronte và cũng cả các nhà giữ trẻ, trường học và công viên. Theo kế hoạch này, các nhân viên (rangers) của hội đồng thành phố và các nhân viên cứu đắm (lifesavers) sẽ có quyền để ghi giấy phạt tại chỗ. Một số câu lạc bộ trượt sóng đã cấm sử dụng máy chụp hình tại các ngày lễ hội. Ông Sean O’Connell, phát ngôn viên của Surf Lifesaving- nói rằng những kẻ xấu chụp hình trẻ em đang là một vấn đề ngày càng gia tăng.
Trong năm ngoái một người đàn ông đã bị phạt vì có hành vi rất chướng sau khi sử dụng chiếc máy điện thoại di động chụp hình các phụ nữ tại bãi biển Coogee. Một người đàn ông thứ hai sẽ phải ra tòa trong tháng tới vì chụp hình các phụ nữ để ngực trần nằm phơi nắng trên bãi biển Coogee.

Kẻ ĐỘT NHẬP GIA CƯ GIẾT CỤ 84 TUỔI
SYDNEY: Một bà cụ 84 tuổi đã bị đánh đập tới chết trong nhà riêng ngày hôm thứ Hai vừa qua, và cảnh sát tin tưởng đây là một vụ cướp. Người phụ nữ lớn tuổi này đã bị đánh liên tục vào đầu bằng một vật cùn tại căn nhà riêng ở Collaroy Plateau, một vùng ở vùng biển phía bắc Sydney. Bà cụ này được các người hàng xóm yêu mến gọi là bà Grace.
Người con dâu của bà Grace đã tìm thấy xác chết nằm trên sàn phòng khách của căn nhà trên đường Parkes Rd vào lúc 2pm. Chánh thám tử David Cockrane nói rằng dường như kẻ giết người đã đột nhập vào căn nhà của nạn nhân. Nhiều đồ đạc trong nhà đã bị làm lộn xộn. Bà cụ này sống một mình và lần cuối cùng được thăm viếng bởi một thân nhân lúc chiều Chủ nhật. Cảnh sát đang cố xác định thời điểm xảy ra cái chết.
Người hàng xóm Ross Fairhall cho biết các cư dân của con đường này đã bị choáng váng bởi vụ tấn công giết người nghiêm trọng này. Ông nói rằng: “Hành động giết người chưa bao giờ được nghe nói đến ở vùng Plateau này. Trong những năm gần đây có một số vụ tấn công bạo động, nhưng chưa bao giờ xảy ra giết người. Tôi lớn lên từ vùng Plateau và chẳng bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì như thế này.” Các cư dân khác cho biết bà cụ trước đây sống chung với đứa cháu nội nhưng bắt đầu sống một mình trong thời gian gần đây. Các thám tử thuộc biệt đội điều tra giết người đã lục soát khắp khu vực yên tĩnh này để tìm chứng cớ. Được biết khu ngoại ô lận cận Narrabeen cũng đã bị quấy rầy bởi rất nhiều vụ tấn công bạo động và hãm hiếp trong thời gian gần đây.

HAI MẸ CON ĐƯỢC BỒI THƯỜNG VÌ BỊ SA THẢI BẤT CÔNG
SYDNEY: Một bà “single mum” và cô con gái đã được bồi thường $10,000 sau khi cả hai bị đột ngột cho nghỉ việc trong cùng một ngày bởi một người chủ. ủy ban Quan hệ Kỹ nghệ NSW đã đưa ra quyết định này trong tháng qua sau khi biết người mẹ đã bị trừng phạt vì đã “dám” điện thoại để tìm hiểu về quyền hạn của một nhân viên không thường xuyên (casual employee).
Bà Lynette Donovan làm việc bán thời tại Kensington Pharmacy and Newsagency trong hai năm và đã được người chủ khen tặng là nhân viên làm việc rất siêng năng. Cô Kyrie Whitelaw, con gái 16 tuổi của bà Lynette, làm việc ở đó hai ngày một tuần trong suốt thời gian 18 tháng và cũng đã được khen ngợi bởi người chủ, ông George Khouzame.
Nhưng khi bà Lynette lo sợ số giờ làm việc sẽ bị giảm bớt sau khi cửa tiệm này được sửa sang và biến nó thành hoạt động 24/24, bà đã điện thoại tới văn phòng của Industrial Relation Office để hỏi thăm về các quyền hạn của mình. Khi được các nhân viên khác cho biết về chuyện này, ông Khouzame đã tức khắc gọi điện thoại đến nhà bà Lynette và sa thải bà ta.
Bà Lynette nói cho cô con gái biết những gì đã xảy ra và bảo cô ta không nên đề cập đến chuyện này khi đi làm buổi chiều hôm đó. Nhưng khi cô Kyrie không đáp lại lời chào hỏi của người chủ và ông ta hỏi: “Điều gì đã xảy ra với cô"”, Kyrie nói rằng: “Tôi không thích phương cách mà ông đã nói chuyện với mẹ tôi.” Và thế là ông Khouzame tức giận nói: “Cô cũng có thể đi ra khỏi cửa tiệm của tôi ngay bây giờ.” Sau đó cô Kyrie đã gửi lời nhắn trên điện thoại cho bà mẹ, cho biết cô cũng đã bị đuổi việc.

Ông Khouzame một mực nói cả hai nhân viên này đều đã không bị cho nghỉ việc. Tuy nhiên ông Peter Sam, chủ tịch của ủy ban Quan hệ Kỹ nghệ, quyết định, cả hai nhân viên đã bị sa thải bất công và ra lệnh người chủ bồi thường cho bà Lynette số tiền $8500 và cô Kyrie $1500 đô-la.

XE HƠI GÂY RA TRẬN CHÁY RỪNG
NAM ÚC: Ống khói của một chiếc xe hơi được cơ quan điều tra coi là nguyên nhân đã gây ra trận cháy rừng cướp đi chín mạng sống ở Nam Úc. Ông Neil Ellis, Chỉ huy trưởng lực lượng cứu hỏa vùng thôn quê, nói rằng đám cháy bùng phát trên bán đảo Eyre hôm thứ Hai tuần qua có thể vô tình gây ra bởi một tài xế xe hơi gần Wangary. Ông Ellis cho biết cảnh sát đã biết căn cước của người tài xế chiếc xe này.
Tuy nhiên một phát ngôn nhân cảnh sát lại nói rằng nguyên nhân của trận cháy rừng này vẫn đang được điều tra và ông ta hiện không cho biết cảnh sát có đã tiếp xúc với người tài xế này hay không. Một số chủ nông trại bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng khủng khiếp này đã chỉ trích Lực lượng cứu hỏa vùng thôn quê đã từ chối sự trợ giúp từ các nông dân hôm thứ Hai, trước khi trận cháy rừng lan rộng trong hôm thứ Ba.
Ông Brian Calder wood, một trại chủ ở Tumby Bay, cho biết một người đàn ông đã đề nghị lực lượng cứu hỏa cho gửi ba chiếc phi cơ chở nước để giúp chiến đấu với đám cháy hôm thứ Hai, và có nhiều người đề nghị các chiếc xe ủi đất để ngăn chặn đám cháy lan tràn, nhưng tất cả đều đã bị từ chối.
Ông Calderwood cho biết viên phi công đề nghị bom-nước cuối cùng được phép trợ giúp trong hôm thứ Ba. Nhưng đến lúc đó thì đã quá trễ. Thế nhưng ông Ellis nói rằng có rất nhiều phương tiện và tài nguyên cứu hỏa trong tay, và dù có thêm một máy bay chở bom nước, ông không nghĩ có sự khác biệt đáng kể nào đối với hỏa hoạn.


THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 14. 1. 2005

Phòng TTPGQT xin trả lời chung về chuyến đi VN của Sư Ông Thích Nhất Hạnh

Mấy ngày vừa qua, nhiều Báo, Đài quốc tế và thân hữu khắp nơi gọi về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hỏi ý kiến và yêu cầu bình luận về chuyến viếng thăm Việt Nam trong vòng 3 tháng của Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai. Chúng tôi xin được trả lời chung về thái độ của chúng tôi như sau:
Ngày 11.1.2005, Sư Ông Thích Nhất Hạnh cùng với Tăng thân Làng Mai rời Pháp về Việt Nam trong một chuyến thăm viếng và truyền pháp kéo dài 3 tháng. Chuyến viếng thăm rầm rộ với hàng trăm người trong phái đoàn đang cố tình làm cho thế giới tưởng rằng Nhà cầm quyền Hà Nội thay đổi chính sách tôn giáo. Nhưng trong thực tế, thì cuộc đàn áp khốc liệt nhất đang được thi hành đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, người Thượng Tây nguyên, cũng như các tín hữu Tin Lành Mennonite.
Ông Võ Văn Ái đã tuyên bố với báo chí tại Paris rằng: "Đây là món quà hậu hĩ nhân dịp Tết mà Sư Ông Thích Nhất Hạnh trao tặng cho Nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng Sư Ông chẳng giúp đỡ tí gì cho nhân dân Việt Nam trên phương diện cơm áo, nhân quyền, tự do và dân chủ".
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cực lực phản đối sự đánh giá vu khống của Sư cô Chân Không đối với các Giáo hội không được thừa nhận và đang bị khủng bố tại Việt Nam. Sư cô Chân Không, nhũ danh Cao Ngọc Phượng, là người phụ tá đặc biệt của Sư Ông Thích Nhất Hạnh từ năm 1960 và là người điều khiển và quản lý toàn bộ cơ sở Làng Mai. Trước khi phái đoàn lên máy bay về Việt Nam hôm 11.1.2005, phóng viên hãng thông tấn AFP đã làm cuộc phỏng vấn Sư Ông và Sư cô tại phi trường Charles De Gaulle ở Paris. Bản tin AFP phát hành chiều ngày 11.1.2005 có đoạn viết rằng: "Nhà sư (tức Sư Ông Thích Nhất Hạnh) không là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội đang bị chính quyền cấm không cho hoạt động từ năm 1981, vì Giáo hội này từ khước sự kiểm soát và điều khiển của Đảng Cộng sản. Hơn một năm trước đây, Công an Việt Nam đã mở cuộc đàn áp sâu rộng Giáo hội này, hàng giáo phẩm bị bắt quản chế và hàng trăm ngôi chùa bị phong tỏa. Khi được hỏi vì sao một số phong trào tôn giáo bị cấm đoán tại Việt Nam, Sư cô Chân Không trả lời: "Vì một số các Giáo hội này tàng trữ những lá cờ của chế độ cũ (sic). Còn chúng tôi, thì chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả".
Tại Hà Nội, theo báo Nhân Dân phát hành ngày 13. 1. 2005, Sư Ông Nhất Hạnh tuyên bố rằng: "Ông đã từng đấu tranh với những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây về "vấn đề tôn giáo ở Việt Nam". Ông kể, ông đã từng nói với một số quan chức Hoa Kỳ rằng: "Người Việt Nam muốn được giải phóng khỏi cái mà người Mỹ gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam".
Ý kiến của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế về hai quan điểm nói trên xin được trình bày như sau:
Ngày 30. 4. 1975, chiến tranh chấm dứt, Nhà nước CHXHCNVN thực hiện cuộc "thống nhất" và thống trị hai miền Nam Bắc. Nếu ngày nay, người Việt Nam nào "muốn được giải phóng khỏi" cảnh sống phản nhân quyền và phi dân chủ hiện tại, thì ước nguyện tha thiết của họ là được "giải phóng khỏi cái mà Nhà nước Cộng sản Việt Nam gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam", chứ sao lại dính dáng đến người Mỹ ở vào thế kỷ XXI này"
"Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam" mà Sư Ông bênh vực, là một thực tế đau thương và khốc liệt, không thể bình luận khinh suất theo điệu luân lý sơ đẳng của sự lắng nghe và cảm thông "chín bỏ làm mười", khi mà hàng giáo phẩm bị thảm sát, lưu đày, quản chế và hàng nghìn Phật tử bị giam cầm, giết chóc. Thảm nạn đàn áp tôn giáo và chà đạp nhân quyền đã khiến cho Liên Hiệp Quốc hai lần gửi Đặc sứ cao cấp đến Việt Nam điều tra. Một lần do ông Louis Joinet, Chủ tịch Tổ Hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ, đến điều tra về chế độ nhà tù và trại cải tạo. Một lần khác là Giáo sư Abdelfattah Amor đến điều tra về đàn áp tôn giáo. Sau cuộc điều tra, hai bản phúc trình về thực tế đàn áp bất công tù nhân chính trị và tôn giáo đã được đọc trước diễn đàn thường niên của Ủy ban Nhân quyền LHQ tại Genève.
Hơn một năm trước đây, hạ tuần tháng 11. 2003, Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu ra hai bản Nghị quyết đồng thời tố cáo CHXHCNVN đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Tháng 9. 2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách "các quốc gia cần đặc biệt quan tâm", vì đàn áp tôn giáo quy mô, và gia hạn đến 15.3.2005, nếu Việt Nam không thay đổi chính sách tôn giáo thì sẽ áp dụng các biện pháp chế tài theo Đạo luật tự do tôn giáo trên thế giới thông qua tại Quốc hội năm 1998.
Thượng tuần tháng 10. 2004, tại Hội nghị Thượng đỉnh Âu Á ASEM tổ chức ở Hà Nội, 109 vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu viết thư ngỏ yêu cầu Liên hiệp Châu Âu đưa vấn đề đàn áp tôn giáo và nhân quyền ra thảo bàn với Hà Nội, rồi yêu sách trả tự do cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và tất cả các tù nhân chính trị.
Tất cả những phản ứng quốc tế nói trên là sự phản ảnh từ thực tại Việt Nam và được hậu thuẫn trong tinh thần huynh đệ, tương sinh tương trợ, của thế giới văn minh, nói theo danh từ Phật học của Sư Ông là thi hành sự "tương tức". Mặc nhiên không là "những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây" như Sư Ông mập mờ giải thích một cách thiếu "tương tức".
Nếu Sư Ông chịu "lắng nghe để hiểu", bỏ thì giờ đọc kỹ Pháp lệnh tôn giáo vừa thông qua tại Quốc hội Việt Nam hôm 18.6.2004 và áp dụng kể từ ngày 15.11.2004, thì Sư Ông ắt biết ngay cái vũ khí "Hiểu và Thương" của Sư Ông còn có giá trị ở các nước văn minh, dân chủ, nhưng chẳng thay đổi được một sợi lông mày nào trên bộ mặt áp bức và độc đoán của Pháp lệnh. Pháp lệnh được Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, gọi là "chiếc thòng lọng mới thắt vào cổ các tôn giáo". Vì Pháp lệnh ấy chỉ cho phép các giáo hội được Nhà nước và Đảng công nhận, hay dựng nên, mới có quyền sinh hoạt; giáo lý các tôn giáo phải quy phục theo "tinh thần yêu nước" của Đảng; các nơi thờ tự, nghi lễ do Đảng và Nhà nước chỉ định; và rằng "không được lợi dụng tôn giáo để vi phạm luật pháp" là chiếc gươm treo lơ lửng chém xuống bất cứ tôn giáo nào phản đối hay góp ý về các chính sách của Đảng và Nhà nước, kể cả góp ý trên lĩnh vực thuần túy tôn giáo.
Còn câu trả lời của Thân tín viên Sư Ông, Sư cô Chân Không Cao Ngọc Phượng trên đây, là sự vu cáo trắng trợn và lăng nhục các Giáo hội không được nhà cầm quyền Cộng sản thừa nhận và bị nhà cầm quyền này đàn áp khốc liệt suốt ba mươi năm qua tại Việt Nam. Các Giáo hội này là những xã hội công dân thực thụ đang còn nghiễm nhiên tồn tại dưới chế độ độc tài toàn trị, sau khi Đảng và Nhà nước dập tắt và tiêu diệt tất cả các đảng phái đối lập.
Đặc biệt trong số các giáo hội thực sự bị đàn áp khốc liệt ấy, là trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chưa hề có một tài liệu nào được công bố, kể cả những tài liệu vu khống xưa nay của công an cộng sản, cho biết rằng Giáo hội "tàng trữ lá cờ của chế độ cũ". Cuộc vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ năm 1975 đến nay thuần túy đòi hỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền, là những điều chưa hề có trên đất nước. Sự kiện thiếu nhân quyền và dân chủ suốt ba mươi năm qua, đã được chính những đảng viên cao cấp 50, 60 tuổi đảng, như cựu Tướng Trần Độ, các ông Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, Lê Giản, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Phan Đình Diệu, v. v... xác nhận và không ngừng kêu gọi cải cách. Chứ chẳng riêng gì các nhân sĩ, trí thức hay các nhà lãnh đạo tôn giáo ở miền Nam cũ.
Chuyến viếng thăm và truyền đạo tại Việt Nam của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, Sư cô Chân Không Cao Ngọc Phượng và Tăng thân Làng Mai xẩy ra vào thời điểm Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, cùng Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, và các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Viên Định, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, Thích Hải Tạng, Thích Liễu Minh, Thích Thiện Minh, Đại đức Thích Đồng Thọ, v.v... bị tù đày hay quản chế khắc khe.
Hôm 22.11.2004, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Viên Định và phái đoàn Giáo hội trên đường ra Bình Định thăm Đức Tăng thống trong cơn thập tử nhất sinh tại bệnh viện Quy Nhơn đã bị ngăn chận, bắt bớ và dẫn độ về Saigon. Cấm không cho đi thăm người già lâm bệnh là điều chưa hề xẩy ra trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhất là khi người già ấy ở vào vị thế Tăng thống, Thầy tổ, Pháp huynh của người đi thăm.
Bốn ngày trước đây, hôm 10.1.2005, một ngày trước khi Sư Ông Thích Nhất Hạnh lên đường về Việt Nam, Thượng tọa Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đi cứu trợ nạn lũ lụt các tỉnh miền Trung đã bị công an Bình Định chận bắt tại Ngã ba Phú Tài gần cầu Bà Di, khám xét hành lý và bị "làm việc" tại đồn công an phường trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Hiển nhiên cuộc bắt bớ làm việc này không có trát lệnh hay lý do, cách ăn nói của công an phường và đại diện Mặt trận Tổ quốc rất vô lễ. Mục đích cuộc thẩm vấn cốt tra hỏi lý do Thượng tọa Không Tánh ghé Tu viện Nguyên Thiều gặp Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và ngài đã gửi những tài liệu gì ra.
Các cuộc sách nhiễu, đàn áp, lăng nhục như thế xẩy ra thường xuyên từ 30 năm qua đối với chư Tăng, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã không mảy may chấn động "tấm lòng từ" của Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không Cao Ngọc Phượng. Những sự kiện thường xuyên ấy không là những hành động riêng lẻ và sai lạc xẩy ra ở cấp địa phương, mà thể hiện đồng bộ từ một chính sách đàn áp tôn giáo quy mô và có toan tính của Đảng và Nhà cầm quyền trung ương.
Dù rằng trên phương diện tình cảm, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có thể hiểu và thông cảm chuyến viếng thăm Việt Nam của Sư Ông Thích Nhất Hạnh. Đây cũng là giấc mơ của ba triệu người Việt tị nạn chính trị ở nước ngoài. Ai lại không gắn bó với mảnh đất chôn nhau cắt rún của mình" Ai lại không mơ ước viếng thăm mồ mả tổ tiên, mừng tuổi cha mẹ, thăm viếng bà con, xóm giềng trong những ngày đầu năm"
Thế nhưng, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế rất lấy làm tiếc cho chuyến đi của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, và không thể không nói lên sự bất mãn, nếu không là chống đối, sự việc Sư Ông Thích Nhất Hạnh cùng Sư Cô Chân Không Cao Ngọc Phượng đang phụ tay với Đảng và Nhà cầm quyền Hà Nội tuyên truyền cho chế độ, nhằm che giấu những sự thực đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng.
Chẳng có chút tự do thăm viếng hay truyền đạo gì trong chuyến đi của Sư Ông Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai này. Vì rằng, tất cả các bài thuyết pháp, pháp thoại và nghị trình đi đứng, thăm viếng của Sư Ông đều được gửi trình Bộ Văn hóa và Thông tin cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ từ trước để được chấp thuận. Các cuộc tiếp xúc gặp gỡ chỉ xảy ra với Nhà nước, nghĩa là giữa Sư Ông với Ban Tôn giáo Chính phủ hay việc Sư Ông đi đảnh lễ các vị Chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước do Đảng dựng lên năm 1981. Tuyệt nhiên trong bản chương trình sinh hoạt ba tháng được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, không có một khoản nào cho cuộc thăm viếng hàng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Thế thì làm sao người Phật tử có thể tin vào lời thuyết giáo của Sư Ông khi Sư Ông phát biểu tại hải ngoại rằng: "Chư Tăng trong Giáo hội Nhà nước hay trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều là người ANH EM của tôi". Chủ trương và lý thuyết "tương tức" của Sư Ông mất đâu rồi trong hành động thực tiễn của Sư Ông Thích Nhất Hạnh"
Cuộc đón tiếp Sư Ông, Sư Cô và Tăng thân Làng Mai đã được Nhà nước chuẩn bị bằng cách cho một số báo chí Đảng từ giữa tháng 12.2004, rồi mới đây, ngày 11.1.2005, qua tiếng nói của Đài Phát thanh Huế, lên tiếng chửi rủa, vu cáo, bôi nhọ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Văn phòng II Viện Hóa Đạo.
Xem như thế thì chuyến đi của Sư Ông Thích Nhất Hạnh chỉ nhắm vào hai mục tiêu: Đồng lõa với Đảng và Nhà cầm quyền Hà Nội che giấu cuộc đàn áp khốc liệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để ngày 15.3.2005 [CS] Việt Nam có thể thoát ly các biện pháp chế tài do Đạo luật tự do tôn giáo của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998 cho phép thi hành đối với các nước bị đặt vào danh sách "các quốc gia cần đặt biệt quan tâm" (CPC).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.