Hôm nay,  

Béc-lin, Béc-lin!

28/09/200400:00:00(Xem: 5851)
Tôi đến Béc-lin vào một sáng mùa thu, hôm thứ Sáu 17/9. Đã từ lâu tôi vẫn có mộng được đến nơi này, phần vì học tiếng Đức từ gần 50 năm về trước tôi đã được nghe không biết bao nhiêu chuyện về Béc-lin, từ mặt chính-trị đến kiến-trúc, nghệ-thuật, âm-nhạc, kịch-nghệ, văn-chương, triết-học... Nước Đức, người Đức là một dân-tộc với nhiều mâu thuẫn: Nếu mấy họa-phái như die Sezession (nhóm Tách-phái, trong đó có cả Gustav Klimt ở Áo) rồi die Bruecke (nhóm "Cây cầu" vào tương-lai) vào đầu thế-kỷ trước đã làm cho nước Đức (và Béc-lin) nổi tiếng thì cũng một người Đức (chính thật y gốc Áo), Hitler, một anh họa-sĩ hạng ba, gọi đó là "mỹ-thuật suy đồi" ("entartete Kunst") để rồi xua đuổi hầu hết những văn-nghệ-sĩ làm rạng danh nước Đức thời bấy giờ ra ngoại-quốc, đi vào kiếp lưu vong.
Nhưng thiên-tài thì có lẽ bao giờ cũng không chịu gò bó trong khuôn khổ (và có thể cũng vì thế mà họ mới mở rộng được chân trời hiểu biết của chúng ta) nên một kịch-tác-gia như Bertolt Brecht, sau khi đi lưu vong sang Mỹ lại bỏ về Đông-Đức CS khi gặp phong trào McCarthy tố Cộng ở Hoa-kỳ để rồi cũng khó chịu vì những nhỏ nhen, gò bó của nơi này. (Cuối đời, Brecht cũng cay chua với chế-độ CS như Chế Lan Viên ở Việt Nam vậy.)
Nhưng dù thế nào thì Béc-lin vẫn là trái tim của nước Đức, ngay khi nó phải bị chia ra làm bốn rồi hai (Đông-Bá-linh và Tây-Bá-linh như ta quen gọi trước kia), để rồi khi cái họa CS qua đi nó lại có thể đập trở lại, thình thịch, khỏe khoắn như con tim của một nước Đức phục hồi-trong tự do, dân-chủ và phồn vinh mà không mất một viên đạn. Một tấm gương như vậy, chắc hẳn phải là ước mơ của tất cả chúng ta-cho một nước Việt Nam tương-lai, trong đó con tim cũng được thống nhất.
Đi có việc
Dù tôi đã qua Đức nhiều lần, khi xưa thì học ở Muenchen (Munich trong tiếng Anh), sau này thì đã từng đến những thành phố như Stuttgart, Frankfurt-am-Main, Hannover, Dortmundt v.v. tôi vẫn chưa bao giờ đến thành phố Béc-lin của huyền-thoại. Tuy Béc-lin không có chiều dầy lịch-sử của Paris, London hay Hà-nội (nó chỉ lâu đời hơn Huế một chút), nó vẫn không thiếu huyền-thoại với những chiến-công lẫy lừng của Đại-đế Frederick (Friedrich der Grosse, 1712-86), một người mà Napoléon đã phải nói "Nếu ông ấy còn thì ta đã không có mặt ở đây" khi vào Béc-lin, hay sự thống nhất nước Đức dưới quyền Bismarck (1815-98), một công-trạng đủ lớn để đã vang vọng về đến tận Việt Nam (nên một ông bạn của tôi đã được đặt tên là Bích Mạc).
Thành thử khi Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ chấp thuận cho tôi đi thay mặt Nghị-hội (với cả sự ủy quyền của Ủy-ban Liên-kết Người Việt Tự do) đi dự buổi lễ ra mắt chính-thức của đảng Việt Tân (tắt cho Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng) vào ngày 19/9/2004 vừa qua, tôi đã chụp ngay cơ-hội để được đến Béc-lin. (Tôi không đến nỗi bán linh-hồn như Faust đã bán cho Mephistopheles, cốt để được đi, nhưng tôi cũng thực-tiễn đủ để có thể ráp bi-zi-nét với lạc-thú khi đi được việc đôi ba đằng như thế này.)
Brandenburger Tor và Bức thành Ô-nhục
Do đến sớm được hai ngày nên tôi cũng đã có thì giờ đi lang thang thăm thú thành phố. Ở khách-sạn Sylter Hof ngay gần trung-tâm, chúng tôi có thể đi ra khỏi khách-sạn đi về bất cứ phía nào cũng chỉ 5-10 phút là đã gặp một hai thắng-cảnh của thành phố. Như ở khách-sạn ra rẽ trái, đi ít block đã tới Europa Center (Trung-tâm "Âu-châu"), một khu sinh-hoạt mạnh về khuya tựa như Georgetown ở Hoa-thịnh-đốn, rồi cũng ở ngay đó chiêm ngưỡng "nhà thờ cụt đầu" (cách gọi rất VN do đồng-bào đặt ra cho nhà thờ Kaiser Wilhelm Gedaechtnis-Kirche, nhà thờ tưởng-niệm vua Wilhelm, bị đồng-minh ném bom trong Thế-chiến II nên gác chuông bị đổ gẫy chỉ còn có một phần ở trên nóc), hoặc đi thêm mấy bước nữa là tới vườn Bách thú (Zoologisches Garten) với cái cổng khá đặc-sắc vì làm theo kiến-trúc cổng tam-quan Trung-hoa.
Còn gì vui bằng khi được "tham quan" Béc-lin với tiến-sĩ Vũ Mộng Lan, người ở Paris qua và tự-nguyện hướng dẫn cho tôi vì đã từng đến Béc-lin trước đây cũng như lúc nào cũng kè kè một cuốn ghít (guidebook) "Berlin" bên người" Một con người duyên dáng, học rộng, biết nhiều, lại cũng đã từng học tiếng Đức ở Goethe Institut Sài-gòn trước khi đi du học ở Pháp vào năm 1969.
Thành thử câu chuyện của chúng tôi vui như pháo, đi từ chính-sách viện-trợ của chính-phủ Pháp đến tương-lai kinh tế Việt Nam, từ chuyện học chữ Nho, tiếng Nhật (bà viết luận-án kinh tế về nước Nhật thời Minh-trị), dịch thơ Pháp đến câu chuyện nước Đức hôm nay. Chả mấy lúc, vừa đi U-Bahn (Metro, tầu hầm) vừa cuốc bộ, chúng tôi đã đến Brandenburger Tor (Cổng Chiến-thắng, tương-tự như Arc de Triomphe ở Pháp) mà mặt tiền nhìn thẳng vào đại-lộ nổi tiếng Unter den Linden ("Dưới dặng [cây] đoạn"), được coi là một thứ Champs Elysées của Đức, và lưng xoay ra Siegessảule ("Cột Chiến-thắng") ở xa xa. Nên biết đây là trung-tâm của nước Phổ (Prussia) nên không lạ là có nhiều biểu-hiện của chiến-thắng, đánh dấu sự vươn lên từ một nước Đức chia năm xẻ bảy thành một quốc gia thống nhất hùng mạnh mà thế-giới sau đó phải kính nể. Cổng Brandenburg, chẳng hạn, là để ghi nhớ chiến-thắng của Phổ trên nước Pháp vào năm 1870, do đó ở trên chóp cổng mới có một cỗ xe ngựa bốn con ("Quadriga") do hai nữ-thần Chiến-thắng cầm cương và một tay nâng cao con đại-bàng, một bộ tượng tuyệt đẹp của điêu-khắc-gia hàng đầu của Đức, Johann Gottfried Schadow. Chỉ tiếc là sự thống nhất nước Đức sau đó là một sự thống nhất dưới giầy đinh và đã đưa nước Đức vào hai cuộc thế-chiến tàn khốc.
Chính lịch-sử tang thương của nước Đức đã đưa dân-tộc nhiều nhân-tài này đến sự chia cắt lúc đầu thành bốn khu-vực chiếm đóng của đồng-minh (Liên-Xô, Anh, Pháp, Mỹ) rồi hai (Đông và Tây) sau khi Anh, Pháp, Mỹ đã đồng-ý, qua kế-hoạch Marshall, tái-kiến-thiết Tây-Đức chỉ một năm sau khi Đức thua trong Thế-chiến II. Cầu không-vận Béc-lin (do Mỹ thực-hiện, một phút một chiếc máy bay bay vào tiếp-tế thành phố) sau khi bị Liên-Xô xiết vòng vây ("Berlin blockade") vào năm 1949 đã giữ vững được thành phố trong lòng địch và cho phép Tổng-thống Kennedy, khi sang thăm vào năm 1960, đến bên tường chia cắt đôi bên tuyên-bố: "Ich bin ein Berliner" ("Tôi là một công-dân Béc-lin"). 26 năm sau, ông Reagan cũng tới đây thách thức: "Mr. Gorbachev, tear down this wall!" ("Ông Gorbachev, hãy đập bỏ cái tường này đi!") Không cần đợi ông Gorbachev, ba năm sau, chính dân Đông-Đức đã mang búa tạ, kìm, cuốc, bất cứ cái gì có thể dùng để đập phá cái tường đó xuống.
Ngày nay, bức tường ô-nhục chỉ còn vài chục mét, đứng bơ vơ thảm thiết trên đường Zimmerstrasse với ở gần đó là Checkpoint Charlie, một cái nhà gác với bao cát vây quanh trước kia do lính Mỹ và Nga đứng gác chung, phân chia hai miền Đông-Tây Béc-lin. Giờ đây chỉ còn một cô lính Nga "dổm" đứng cạnh một anh lính Mỹ có lẽ cũng dổm nốt, để cho bà con đến chụp hình thì bỏ mấy cắc vào thùng đeo trên người cô "Nga." Chung quanh cũng còn mấy sạp bán đồ kỷ-niệm mũ, áo, huy-hiệu của Hồng-quân Nga...
Nhưng ngay tại đây, ta cũng thấy cái di-sản "đôi" (hay "đúp"-"double") của lịch-sử cận-đại nước Đức. Ngay dưới chân bức tường ô-nhục (phần còn duy trì để cho du-khách đến xem) lại là tàn-tích của một nhà tù Đức Quốc-xã, tường gạch dầy có đến nửa thước, với treo ngay đó, ở dọc tường, một cuộc triển lãm hình ảnh về sự trù dập và tàn-sát người Do-thái do Đức Quốc-xã. Thật là khủng khiếp! Cũng như không xa Cổng Chiến-thắng Brandenburg là một kỷ-niệm-đài đang được xây cất gồm toàn những mộ-phần bằng đá đen, cái cao cái thấp, kéo dài ra xa, tượng-trưng cho 6 triệu người Do-thái bị Đức Quốc-xã giết hại trong Thế-chiến II. Bao giờ, tôi thầm nghĩ, Việt Nam ta mới có những kỷ-niệm-đài như vậy để nhớ thương những nạn-nhân Cải Cách Ruộng Đất hay vụ tàn-sát Mậu Thân ở Huế" Hoặc vài trăm nghìn người đã bỏ xác ở biển Đông trên đường tìm tự do"
Đi Potsdam
Đã đến Béc-lin mà không thăm vùng "Đông-Bá-linh" ngày xưa cũng uổng mặc dù bây giờ, 15 năm sau ngày bức tường Béc-lin đã đổ, vùng này cũng đã đổi thay rất nhiều. Do vậy nên chiều 18/9, tôi cũng đã cùng một số đồng-bào đi theo tua thăm Potsdam, một ngoại-ô của Béc-lin nhưng cũng là thủ-phủ bang Brandenburg (nước Đức là một liên-bang, tựa như Nga và Mỹ, gồm 16 bang cả thảy).
Trên đường đi tới Potsdam, anh hướng-dẫn-viên (người Pháp nhưng nói lưu loát ba thứ tiếng, Anh, Đức và Pháp) chỉ cho chúng tôi xem nhiều bin-đinh mới xây cất hay đại-sứ-quán các nước chứng tỏ Béc-lin bây giờ đã thực-thụ thành thủ-đô của Đức sau khi chính-quyền Tây-Đức đã quyết-định dời đô từ Bonn (gần Pháp, ở phía Tây nước Đức) về Béc-lin, một vụ di-chuyển rất đắt tiền nhưng có ý nghĩa tượng-trưng sâu sắc vì nước Đức giờ đã thống nhất. Nhưng cũng vì cái gì cũng mới nên người ta có thể tính ra được những chuyện khá độc-đáo: cũng tựa như hầu hết Âu-châu giờ đã dùng đồng Euro, nghĩa là đã thống nhất về mặt tiền tệ, năm nước Bắc-Âu đã chung nhau xây một khu sứ-quán cho các nước Bắc-Âu (gồm Phần-lan, Thụy-điển, Na-uy, Đan-mạch, và Băng-đảo) để dễ bề làm việc và tham-khảo với nhau.
Đi khoảng gần nửa tiếng thì đến Potsdam về phía Tây-nam thành phố, trên bờ sông Havel mà có khúc được gọi là hồ (như hồ Wannsee rất đẹp với hàng trăm cánh buồm trắng ở xa xa), một sự tương-phản lạ kỳ giữa cái giàu sang (mới) và cái xập xệ nhếch nhác (thời CS) mà người ta chưa kịp thanh-toán. Sở dĩ có hiện-tượng này là vì, cũng như Tsarskoye Selo ở ngoại-ô St. Petersburg bên Nga, các vua Phổ (và sau đó là Đức) lấy Potsdam làm nơi xây một lô hành-cung để dùng ít nhất cũng vào dịp mùa Hè hay những lúc cần nghỉ ngơi. Sau khi Hồng-quân Liên-Xô chiếm xong được vùng này, họ đã giữ Potsdam làm như một thứ tổng-hành-dinh của họ để từ đó ngự-trị Đông-Âu. Họ cho quân của họ vào chiếm đóng những ngôi nhà tốt nhất, sang nhất (không khác gì quân Lư Hán sang Hà-nội giải giới quân Nhật vào năm 1945, chiếm đóng những nhà đẹp, khang-trang nhất ở đây, biến tất cả thành trại lính với cứt đái từ trong nhà ra ngoài nhà, từ trên xuống dưới), thậm chí còn khoanh một vùng lớn làm thành cấm-địa ("Forbidden City") chỉ dành riêng cho các ông lớn và nhất là KGB (Ka-Ghê-Bê), tức Mật-vụ của Nga.

Và cũng vì là đất của Mật-vụ nên không lạ là trong đó, một trong những nhà lớn nhất được dùng làm tòa án kín của KGB và bên cạnh đó là nhà tù (cũng kín nốt), nơi nhiều nạn-nhân suốt thời CS (1945-1989) bị đánh đập, tra tấn và nhiều khi thủ tiêu. Giờ đây, hôm chúng tôi đến thăm vùng này, thì Amnesty International (Tổ-chức Ân-xá Quốc-tế) đang có trưng bầy một cuộc triển lãm lớn về những tù-nhân của lương-tâm trên thế-giới ở ngay mấy tòa nhà này. Thật là lịch-sử oái oăm nhưng đôi khi cũng có thấy hướng lên!
Cũng không lạ là với mấy ông KGB và CS gộc biến đi đâu mất (không rõ nữa), Potsdam trở thành một hoang-địa sẵn sàng để cho những chủ mới nhào vào. Chủ cũ thì cũng còn đôi ba nhưng đa-phần đã cao chạy xa bay (nếu không chết rồi) hoặc an cư lạc nghiệp ở nơi hay nước khác, do đó nên không hiếm trường-hợp có những nhà giàu mới ào tới mua rẻ những nhà và đất này rồi tìm cách trùng tu hoặc xây cất mới. Đó là trường-hợp những ông vua thời-trang dọn về đây hay cả ông vua báo của Đức, chủ-nhân tuần-báo Der Spiegel ("Tấm Gương") và báo ảnh của Đức Bild Post (báo này hơi giống tờ New York Post, bán nửa triệu số một ngày, có cả ấn-bản ở Tây-ban-nha và Ý để phục-vụ các du-khách Đức đi sang chơi các nước đó). Anh hướng-dẫn-viên bảo tôi: "Ông có muốn mua một cái lâu-đài nhỏ của bà bồ ông thái-tử Wilhelm không" Chỉ khoảng 600.000 Euro thôi." Thực ra không đắt nhưng nếu mua chắc cũng còn phải bỏ chừng ngần ấy vào trùng tu rồi thì mới ở được. (Thái-tử Wilhelm là thái-tử cuối cùng của dòng vua Hohenzollern, đáng lẽ lên làm vua nhưng rồi trong lịch-sử ông chỉ nổi tiếng là người ăn chơi, hút thuốc lá tối ngày-từ 70 đến 150 điếu một ngày-và có chừng 20 người con rơi bên cạnh sáu người con chính-thức.)
Hai lâu-đài Sanssouci ("Vô ưu") và Cecilienshof
Frederick Đại-đế (trị vì 1740-86), tuy thuở nhỏ bị vua cha luyện dạy với một bàn tay sắt, lớn lên lại tỏ ra là một minh-quân với một tầm nhìn rộng, thoáng. Sính tiếng Pháp, thích âm-nhạc (chính ông thổi sáo rất có hạng và còn sáng-tác nhạc nữa), ông mời triết-gia Voltaire của Pháp sang làm thầy dạy và coi việc làm vua là để nhắm vào phúc-lợi của người dân. Tính tình đơn giản, ông không chịu ở hoàng-cung mà lại thích ra hành-cung để ở, nơi đây ông có sách và âm-nhạc nên gọi là "Sans Souci" ("Vô ưu"). Đến ngay quy-mô của lâu-đài này, Schloss Sanssouci, cũng rất là khiêm tốn, chỉ có chừng 18 phòng mà thôi.
Đối nghịch với quy-mô có thể gọi được là nhỏ bé của Sanssouci, lâu-đài ("Schloss") Cecilienshof, xây dựng vào đầu thế-kỷ trước, lại rộng mênh mông, tới gần 170 phòng lận, xây theo kiểu "manor houses" (nhà trang trại) ở bên Anh, một kiểu nhà thấp, phần lớn một tầng, trông không đồ sộ lắm và sơ-đồ lại uốn éo, lẩn giữa những vườn hoa, nên ta không có cảm-tưởng bị choáng ngộp-nhìn từ góc độ nào cũng có vẻ ẩn nhẫn thôi.
Chính ở đây, ở Cecilienshof đã diễn ra một trong những hội-nghị lịch-sử của nhân-loại. Thế-chiến II có ba hội-nghị lớn giữa ba đại-cường, Anh, Mỹ, Nga (Liên-Xô), nằm trong một cuộc liên-minh chống các thế-lực phát-xít, Đức, Ý, Nhật. Hội-nghị thứ nhất là Hội-nghị Teheran (cuối 1943), hội-nghị thứ hai là Hội-nghị Yalta (đầu 1945) và hội-nghị thứ ba là Hội-nghị Potsdam (17/7 đến 2/8/1945), nơi đây thế-giới được chia vùng ảnh-hưởng, dẫn đến bộ mặt của thế-giới hậu-chiến cho đến gần 50 năm sau. Vào lúc diễn ra hội-nghị cuối cùng này, Liên-Xô đã chiếm xong vùng Potsdam nên Stalin thành chủ và Anh, Mỹ thành khách. Từ đó mới có một loạt ý-kiến của Stalin mà sau này người ta còn đem áp-dụng vào ngoại-giao thế-giới: tỷ-dụ như ý-kiến làm bàn tròn để tất cả mọi người ngồi chung quanh bàn vừa đủ xa bằng nhau so với trung-tâm-điểm của cái bàn, ba người chính ngồi trong ba cái ghế cao hơn một chút, với hai người phụ-tá mỗi bên (trái và phải) trong ghế thấp hơn, thậm chí đến mỗi phái-đoàn cũng lại có một cửa vào riêng để không ai có quyền vào trước hay "bị" vào sau. Cũng thế, mỗi trưởng phái-đoàn lại có một phòng làm việc riêng với độc-nhất một cái ghế và một cái bàn. Nhưng vì Mỹ không tin Nga nên Tổng-thống Truman (lên thay TT Roosevelt lúc bấy giờ đã mất) suốt thời-gian hội-nghị, vì e ngại là Nga đã đặt máy để nghe lén, đã đặt tổng-hành-dinh ở một chỗ khác (để rồi âm thầm quyết-định cho ném hai trái bom nguyên-tử lên Nagasaki và Hiroshima ở Nhật, nhằm buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện và cùng lúc ra hiệu cho Stalin biết là Mỹ còn rất khỏe). Để chiều Anh (tức Thủ-tướng Winston Churchill) và luôn thể cũng để chơi khăm ông, Stalin cho làm một cái bàn làm việc thật xinh bằng gỗ phong theo kiểu tân-gô-tích với một cái ghế khá nhỏ, ngụ ý là Anh không đáng kể vì sẽ chỉ làm theo Mỹ nên không cần chỗ rộng rãi để làm việc. Lại cũng để chơi ông Churchill, Stalin còn cho treo vào trong phòng một hình vẽ sơn dầu một con chó vì người ta bảo mặt ông Churchill bành bành như mặt con bulldog. Khi bước vào phòng và thấy vậy, ông Churchill không những đã không tỏ vẻ giận dữ, vẫn giữ được hoàn-toàn cái bình thản, cái "phớt tỉnh Ăng-lê" mà chỉ hỏi vặn lại: "Thế đồ nghề hút píp của tôi đâu""
Nhưng thế-giới đổi thay thật chóng mặt. Không chỉ ông Roosevelt đã ra đi (ông cầm đầu phái-đoàn Mỹ ở Teheran và Yalta) mà một tuần sau khi hội-nghị Potsdam bắt đầu, ông Churchill cũng thất cử và ông Clement Attlee thuộc Đảng Lao-động Anh lên thay, và chính ông Attlee đã bay sang Potsdam ngồi vào chỗ của Churchill.
Tân-Hoàng-cung "Neues Palais" và cái ngông của Frederick Đại-đế
Ở Potsdam còn nhiều cung vua khác, kể cả một cái khá lớn làm hoàn-toàn theo lối Ý như cung Uffici ở Florence hay những Orangeries, lúc đầu là một loại nhà kính dùng để trồng các thứ cây nhiệt-đới nhưng về sau dùng vào nhiều công-dụng khác, nhưng ta sẽ không có thời giờ nán lại ở đây mà có lẽ chỉ nên đảo qua Neues Palais một chút mà thôi.
Neues Palais (đọc "Noi-ớt Pa-le") có nghĩa là "Tân-Hoàng-cung" do được xây sau chiến-thắng của Frederick Đại-đế trong Chiến-tranh 7 năm ("Seven Years War," 1756-63) chống lại Pháp, Áo và Nga. Để chứng tỏ sức mạnh của mình, Frederick Đại-đế đã cho xây Tân-Hoàng-cung này, một tòa nhà đồ sộ với trên 400 bức tượng chạy chung quanh và cả trên nóc nữa. Tại đây, ông cho xây một phòng lớn kêu là "Phòng động" hay "Phòng hang" (Grotto Room, "Grottensaal" trong tiếng Đức) là một phòng tiếp khách làm toàn bằng ngọc vàng châu báu. Trong phòng này người lớn có thể đi xe ngựa cỏn con do ngựa lùn kéo còn trẻ con thì đi xe dê kéo.
Đối diện với Tân-Hoàng-cung này là hai cái lâu-đài mà nhiều người cho là cũng đẹp bằng hay còn đẹp hơn nữa, tuy ở quy-mô nhỏ hơn, mà chỉ dành cho người ở, kẻ hầu hạ của nhà vua. Hỏi tại sao ông làm vậy, Frederick Đại-đế nói: "Để cho chúng thấy là đầy tớ của ta cũng sang hơn vua chúa của chúng!" Nhưng cái ngông của ông vua này cũng có phần bất lợi, vì khi đồ ăn nấu xong ở bên nhà bếp mà phải đưa sang bên Tân-Hoàng-cung, dù là đi đường hầm nối giữa hai lâu-đài cũng vẫn thành nguội tanh nguội ngắt.
Đỉnh cao của cái ngông kia là ở trên chóp Tân-Hoàng-cung, Frederick Đại-đế cho đắp tượng của ba người đàn bà gần như khỏa thân đang nâng lên cao một cái vương-miện. Vương-miện đây, hiển-nhiên, đại diện cho quyền vua nước Phổ của ông còn ba người phụ nữ kia, theo lệnh của ông, là tượng của nữ-hoàng Nga Catherine II, bà Pompadour bồ ruột của vua Louis XV của Pháp, và hoàng-hậu Maria-Theresa của Áo. Ông gọi ba bà này là "ba con đĩ châu Âu," do đó nên họ có phận-sự phải giương lên cao vương-miện của ông.
Cuối ngày, chúng tôi về đến khách-sạn chân tay rã rời nhưng cũng phải nói là đã được xem và được thấy, được học rất nhiều... về lịch-sử nước Đức và nhất là Béc-lin.
Kẻ Đông, người Tây
Tối hôm đó, tôi được anh Phùng Nhi Lợi (do anh Lâm Đăng Châu giới-thiệu) của "Nhà Việt Nam" (Vietnam Haus) đến đón đi xem thành-phố và đi thăm thú một vài gia-đình người Việt ở địa-phương. Người cao dỏng, đẹp trai, ăn nói hoạt bát với một nụ cười luôn ở trên môi, anh Lợi dễ chiếm cảm-tình của người đối-diện. Đi xe "van" thuê (để chuyên chở máy móc âm thanh cho ngày hôm sau), anh cho tôi và anh Hòa (một người Việt gốc Hoa bà con với anh nhưng từ Nam Cali sang) đi một vòng thăm thú "Berlin by Night."
Cũng một số địa-điểm đã được xem trong ngày nhưng ban đêm nhìn thì lại có một ấn-tượng khác. Tỷ-dụ như đi xem đại-lộ Unter den Linden ban đêm thì tuy đẹp (do lòng đường khá rộng) nhưng vẫn không sáng trưng được như Ku'damm (tắt cho đại-lộ Kurfürstendamm) trải dài cả mấy cây số, từa tựa Fifth Avenue ở New York. Đó là vì Ku'damm là ở Tây-Bá-linh (trước kia) nên đã phất từ cả mấy thập niên sau chiến-tranh trong khi Unter den Linden là ở bên Đông, mãi mấy năm gần đây mới được phục hồi, vả lại khi phục hồi thì sự phát triển lại chuyển sang đường Friedrichstrasse, nơi nhiều tiệm sang trọng đã dọn sang từ bên phía Tây (trước đây). Vì trọng-tâm của nước Đức thống nhất là tái-thiết Đông-Đức cũ nên tiền đổ vào bên "Đông-Đức" cũng khá bộn, "Đông-Đức" trở thành biên-giới mới trong phát triển kinh tế thu hút tiền tài và nghị-lực của Nhà nước làm cho không ít người "Tây-Bá-linh" và "Tây-Đức" đâm bực, nhiều khi rủa thầm: "Biết thế cho 'chúng nó' ở với CS, cho mình đỡ khổ không!" hoặc "Giá mà cứ được trở lại như trước nhỉ!"


Anh Lợi cũng cho biết: "Em sang bên này cũng được 22 năm rồi. Đi vượt biên, đến trại tỵ nạn, em khai có người anh đi học ở Béc-lin trước kia. Nhưng đưa địa-chỉ, họ kiếm mãi cũng không ra. Xong họ vẫn nhận em vào Đức rồi đưa qua đây. Hồi đó Béc-lin thích lắm anh, vì Tây-Bá-linh được qui-chế đặc-biệt. Cái gì cũng rẻ hơn nơi khác ở Tây-Đức [có lẽ vì người ta muốn dùng Tây-Bá-linh làm "showcase," tôi đoán thế.- NNB], đồ ăn, điện, nước, nhà ở. Công ăn việc làm có dư, và dân Bá-linh không phải đi lính. Giờ đây, mọi sự đã khác nên người dân cũng lầu bầu."
Có lẽ cũng vì thế mà giờ đây, Nam-Hàn rất sợ "được" hay "bị" thống nhất với Bắc-Hàn! Ngày nào Bình-nhưỡng còn là một nước riêng biệt thì Nam-Hàn không ngại viện-trợ cho lương thực, thịt thà, rau cỏ-nói lên tình gắn bó ruột thịt giữa đôi bên, mà Nam-Hàn lại còn chứng minh được (không cần nói ra) là mình thành công hơn miền Bắc! Thêm vào đó, may ra lại còn đánh đổi được điều-kiện là Bình-nhưỡng sẽ không tiếp-tục phát triển hỏa-tiễn đầu đạn và bom hạch-nhân. Chứ nếu thống nhất và phải gánh "cái của nợ" do thất bại trên nửa thế-kỷ của cha con Kim Nhật-thành-Kim Chính-nhật thì cuộc đời của người dân miền Nam sẽ "không khá được."
Người Việt "cũ," "mới"
Có một lúc không ít người tin rằng với sự sụp đổ của bức tường Béc-lin, một phó-sản sẽ là sự hòa-đồng của Đông với Tây trong cộng-đồng Việt Nam ở Đức. Này nhé! Hãy cứ xem lại một vài khúc phim như của Võ Tuấn mang về Mỹ, thấy các anh chị em Việt Nam ở Đông-Âu lũ lượt kéo nhau nhảy tường để thành "tường-nhân" ít ngày trước khi bức tường thực-sự đổ (vào năm 1989) rồi xem các anh chị em khác lại tiếp nối nhau chạy từ Tiệp-khắc (lúc bấy giờ còn là một chứ không phải hai nước như bây giờ) sang Nam-Đức, không ai không tưởng là chúng ta đang có một phong trào đi tìm tự do ngay trong cộng-đồng nhỏ bé của người Việt Đông-Âu.
Nhưng khi đã sang được tới một con số nào đó thì họ, người Việt Đông-Âu, lại tìm về với nhau và sau đôi ba năm vụng về thử nghiệm đến với "người Việt cũ" (nghĩa là những người ra đi từ miền Nam), hai bên xem chừng lại lẳng lặng chia tay nhau. Tại sao vậy"
Có sang đến nơi, có hỏi mới rõ nguồn cơn và đầu đuôi câu chuyện. Phải nói là lúc đầu, không ít người Việt ở bên Tây-Đức, nhất là các anh chị em trẻ, sẵn sàng dang tay ra tiếp đón đồng-bào ra đi từ miền Bắc. Nhưng ngôn ngữ bất đồng (vâng!), rồi thấy tâm tính của nhau cũng khác nhau xa, bà con bắt đầu hơi "dội."
Không phải chỉ có bên miền Tây "dội." Các anh chị em bên miền Đông cũng bị "dội" không kém. Thí-dụ: họ chạy một chế-độ kềm kẹp, tham nhũng, bị kiểm-soát (tới mức báo Đức đôi khi cũng phải báo động và than phiền là công-an Hà-nội làm việc ngang-nhiên ở Đức và nhất là ở sứ-quán) dể lại gặp một cộng-đồng ngờ vực, chính-trị-hóa tới cực-độ (do kinh-nghiệm với CS ở VN trước khi ra đi) đòi hỏi họ quay lưng với nhiều thứ mà họ đã quen thuộc bấy lâu nay, trong đó có gia-đình, anh em, bố mẹ họ-đó là chưa kể họ có thể bị lợi-dụng như kêu gọi xuống đường, biểu tình, đi "Đã đảo CS!" (Kể nói cho cùng cũng lạ, chính các anh chị em này, khi còn ở Tiệp-khắc, có thể đã từng xuống đường biểu tình chống sứ-quán VC ở Praha, nhưng khi sang Tây-Đức lại có cảm-tưởng là bị "giựt dây." Cũng có thể là họ chống đối nhưng âm thầm hơn, họ không quen lối "activisme" dứt khoát, ra mặt của những người ra đi từ miền Nam.)
Đến khi bức tường Béc-lin đổ thì bỗng-nhiên, con số của họ tăng lên hẳn-lên đến gần ngang bằng số người ra đi từ miền Nam mà người ta bắt đầu quen gọi là "người Việt cũ" (nghĩa là sang trước). Hiện nay, con số người Việt ở Đức được tính ra là khoảng 120 tới 150 nghìn người, chia ra khoảng một nửa "người cũ" và một nửa "người mới." Không ít người, trong đó có tôi, đã có lúc nghĩ: vì cả hai loại người Việt này sống trong một nước tự do dân-chủ là Đức nên thiết tưởng là dễ đến với nhau, để rồi hòa-đồng thành một cộng-đồng thống nhất, sẽ thành mẫu mực cho một nước Việt Nam sau này. (Ở trong nước, ta hiện giờ có một sự thống nhất lãnh-thổ nhưng chưa chắc đã có thống nhất lòng người vì vẫn còn những sự phân chia, kỳ-thị Đảng với không đảng, Bắc với Nam, mafia và người dân thường thấp cổ bé họng, với một phía là phe thống-trị còn một phía, đông hơn nhiều, là phe bị trị.)
Nhưng xem chừng ước mơ đó còn xa vời quá! Cả hai cộng-đồng người Việt ở Đức bây giờ xem chừng đã trở thành hai cộng-đồng tách biệt, phần nào ổn-định với cộng-đồng "cũ" nói chung xem ra thành công hơn (một phần do gốc gác là những người đi từ miền Nam thường có ăn học hơn) và cộng-đồng "mới" hãy còn một số bất trắc trong cuộc sống.
Cộng-đồng bên Đông
Một lý-do căn-bản tại sao cộng-đồng người Việt bên "Đông-Đức" lại ổn-định về mặt địa-dư là bởi: Họ không được đi đâu cả! Dù như nước Đức đã thống nhất, chính-phủ Đức từ năm 95 đã ký một hiệp-định hồi hương đối với khoảng 40 nghìn người Việt "lao động xuất khẩu" có mặt ở Đông-Đức trước ngày hai nước Đức thống nhất. Trên danh-nghĩa, tất cả những người này phải "ở tại chỗ" ("stay put") chờ ngày hồi hương-bằng tiền của chính-phủ Đức đồng-ý chi ra (khoảng 40 triệu đô-la vì Hà-nội chơi trò cù nhầy, cứ ỳ ra, bảo là không có tiền hồi hương công-dân của chính mình). Trong khi chờ đợi tới lượt mình thì họ được quyền đi làm nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng nếu cảnh-sát di trú tới tìm, hoặc để kiểm-soát hoặc để "cưỡng bách hồi hương." Trong tình-cảnh này, một số thủ thân đành chấp nhận (vì ở được thêm ngày nào là làm được thêm tiền ngày ấy gửi về cho gia-đình song cũng vì thế, vì cuộc sống bấp bênh như vậy nên phải tìm cách làm tiền nhanh, dễ đi vào các đường dây buôn lậu thuốc lá hay ngay cả ma-túy, rất nguy hiểm) còn một số khác thì tìm cách ở lại hợp pháp.
Mà muốn ở lại hợp pháp thì chỉ có một cách, đó là chứng minh sao cho tòa án di trú của Đức tin là tính mạng của mình có thể bị đe dọa nếu về trong nước lúc này, tóm lại xin tư-cách tỵ nạn chính-trị. Chính vì lý-do đó mà đã có một lúc, khoảng vài năm vào cuối thập niên 90, các anh chị em "Đông-Âu" này đã ồ ạt ra báo nhằm khẳng-định lập-trường "chống Cộng" của mình. Đi sang dự một hội-nghị về báo chí Đông-Âu của họ vào năm 2000 ở Mannheim, tôi đã hỏi có bao nhiêu tờ lúc bấy giờ và được trả lời là không ai rõ, nhưng lúc đông nhất cũng đã có thể lên đến 80-100 tờ. Đã đành trong số đó có nhiều tờ lá cải, chữ không ra chữ, nghĩa không ra nghĩa, nhưng những tờ đứng đắn như Cánh Én hay Thiện Chí hoặc Phụ Nữ và Dân Chủ v.v. thì phải nói cũng có trình độ và đáng đọc.
Nhưng rồi phong trào này cũng xẹp vì chả mấy lúc tòa án Đức cũng tìm ra những mánh khóe của những người "giả tỵ nạn" rồi đồng-bào cũng bị kẹt giữa hai ba lằn đạn, mà quay về đâu cũng mất tiền cả. Có người phải trả tiền để sứ-quán lờ đi cho trường-hợp của mình, rồi lại phải đút lót để cho báo (CS) bên nhà đăng là báo XYZ trong đó mình có viết là "báo phản-động," phải chi tiền cho cả vài ông chủ báo để có tên mình trên măng-sét, để bài mình (đôi khi không lấy gì làm hay và lỗi chính-tả còn đầy dẫy) vẫn được đăng, chi tiền cho luật-sư Đức tranh đấu ở tòa... vậy mà vẫn tiền mất tật mang, tranh đấu vài ba năm, chi không biết bao nhiêu tiền mà rồi giữa đêm, cảnh-sát Đức vẫn có thể đến gõ cửa xốc cả nhà ra phi-trường đưa lên máy bay đi về Việt Nam. (Cảnh-sát thường đến bốc giữa đêm để không ai thoát cả.)
Trong thời-gian "trên đe dưới búa" này, không lạ là một số các anh chị em Đông-Âu bị lợi-dụng, dễ bị "dụ" đi biểu tình chống Cộng nhưng trong lòng chưa chắc đã hoàn-toàn tin tưởng. Nhưng con người, khi bị dồn đến chân tường, đôi khi cũng không có bao lựa chọn. Họ làm là họ phải làm nhưng xong việc của họ, họ cũng hết chống Cộng: hoặc là vẫn phải về (trường-hợp đó thì còn phải giấu đi cái "quá-khứ chống đối" của mình) hoặc là được ở lại thì cũng hết động-lực đấu tranh, nhất là nếu sứ-quán ngụ ý cho biết là vẫn có thể trù dập người nhà ở bên VN được.
Đó là những lý-do mà hai bên cộng-đồng "cũ, mới" đã khó hội-nhập với nhau. Thảng hoặc mới có những chỗ như chùa hay nhà thờ là những đất trung-lập, người ta dễ đến với nhau vì tôn-giáo, vì mến cha, mến Chúa, mến thầy và người ta có những nhu-cầu tín ngưỡng và tâm-linh rất rõ ràng. Như ở chùa Viên Giác mà có lần tôi đã đến thăm thượng-tọa trụ-trì ở Hannover, nơi đây tôi đã gặp một vài anh chị em Phật-tử rất thuần thành, những người ra đi từ miền Bắc mà có khi phải lái hàng trăm cây số đến để làm Phật-sự và lo cầu an hay cầu siêu cho người thân.
Cộng-đồng "cũ" lúng túng khi cần giúp
Trong tình-cảnh trên, không lạ là nhiều người "cũ"-ngoại-lệ thì bao giờ cũng có và tôi cũng được biết một vài trường-hợp người "cũ" giúp đỡ rất thành công người "mới" hay người "cũ" người "mới" lấy nhau mà vẫn rất hòa-hợp-đã lúng túng khi có cơ-hội giúp đám người "mới." Trong lòng có thể muốn vì hiểu rất rõ hoàn-cảnh của người kia (tỷ-dụ, con mình học và chơi với con người ta) nhưng lại ngại "cộng-đồng" cho là mình đã mất lập-trường, lung lay về "chính-nghĩa."
Thành thử trong những trường-hợp này, mỗi chúng ta, đứng trước lương-tâm của mình, cần can đảm, đủ can đảm để vượt lên những cái e ngại của chính mình để mà ra giúp người. Như năm 1999 là năm cao-điểm chính-quyền Đức muốn giải-quyết toàn-bộ vấn-đề hồi hương người Việt "lao động hợp tác" (hiệp-định năm 95 dự-phóng đưa khoảng 7, 8 nghìn người về trong một năm) nên cảnh-sát di trú Đức được lệnh đặc-biệt xông xáo, thậm chí đi đến chỗ vô nhân đạo (như tách vợ tách chồng, tách bố mẹ với con cái để đưa về bằng mọi giá, bất kể ốm đau hay hoàn-cảnh nào khác), Uỷ-ban Liên-kết Người Việt Tự do đã làm được một điều rất ý nghĩa. Trong khi các cơ-quan và tổ-chức của người Việt "cũ" gần như bất động trước thảm-cảnh kia, Ủy-ban Liên-kết NVTD đã có thư từ qua lại phản-đối và can-thiệp với bộ Nội-vụ của Đức do sự cầu cứu của một người Đức, anh Heinz Kamm thuộc một tổ-chức nhân-quyền Đức (SMHT) lên tiếng kêu gọi. Kết-quả, sau nhiều lần can thiệp, là ngày 19/11/1999, tại Goerlitz, một thành phố nhỏ gần biên-giới Ba-lan, trong một cuộc hội-nghị toàn-quốc về vấn-đề di-dân, Bộ Nội-vụ Đức đã đồng-ý chấp nhận 3000 hồ-sơ tỵ nạn của người Việt Nam, hầu hết là của người "mới."
Chính những việc làm và kinh-nghiệm đó chứng tỏ là chúng ta vẫn có thể làm việc với nhau, dù "mới" hay "cũ" nếu chúng ta có lòng và vững niềm tin ở lẽ phải của mình. Cho nên vui biết mấy khi hôm 19/9, ngay tại buổi ra mắt của Đảng Việt Tân, tôi đã gặp một số anh chị em ở "Đông-Đức" đến với chúng ta. Như một em, tên Kim, giọng Bắc sệt, nói với tôi: "Cháu mất đến 9 năm mới xong được giấy tờ hôm rồi. Bây giờ thì cháu không ngại gì nữa, cháu có thể ra mặt hoạt-động công-khai như thế này."
Mừng cho anh nhé, anh Kim!
Tôi còn đang lang bang suy nghĩ với những ý tưởng trên thì chúng tôi đã đi qua Fernsehturm, tức Cột đài truyền hình ở Alexanderplatz, cao ngất và làm khá mỹ-thuật, được xem là một kỳ-công dưới thời CS ở Đông-Đức (giờ là Đài truyền hình số 3 ở Béc-lin), rồi sứ-quán Cộng-hòa XHCN Việt Nam (một ngôi nhà không lấy gì làm đồ sộ lắm, trông hơi giống một cái villa với nhà trên dùng làm văn-phòng và nhà dưới để cho người ở, người canh gác, cờ đêm đó vì không có gió nên cũng ủ rũ, thảm thương) trước khi về nhà anh chị Hoàng Kim Thiên (anh đang được vận-động để ra làm chủ-tịch ban Quản-trị Nhà Việt Nam). Trước khi đến chỗ anh chị, anh Lợi cũng cho tôi rẽ qua Nhà Việt Nam để xem sinh-hoạt ỏ đây một chút. Nhà Việt Nam thì khiêm tốn thôi, có một phòng lớn để họp và dùng làm lớp học luôn thể, có chừng 2-3 phòng sinh-hoạt nhỏ, một văn-phòng và một phòng kho. Thường cuối tuần thì có sinh-hoạt ở đây song hôm nay chỉ có một số các anh em đang bù khú, chuyện trò vui vẻ. Theo anh Lợi cho biết, chính-quyền thành phố trả cho 90% tiền thuê nhà và chi-phí linh-tinh (điện, nước...) còn cộng-đồng phải gây quỹ để bù đắp vào 10% còn lại.
Nhà anh chị Thiên ở ngoại-ô, cho tôi cảm-tưởng như ở vùng Sceaux ở Paris, nhỏ nhỏ xinh xinh chứ không rộng rang nhiều sân cỏ như các ngoại-ô ở Mỹ, tuy-nhiên vào trong thì thật ấm cúng vì cả hai anh chị chủ nhà đều là người rất hiếu khách, đôi mắt tinh anh, nụ cười lúc nào cũng chớm nở. Tôi không hỏi nhưng nghe anh nói thì có lẽ là người miền Quảng, có ăn học lâu năm ở nước ngoài nên có cái nhìn rộng. Nhà anh chị hôm đó còn có chị Hương ở Pháp ghé qua chơi và hai chị nữa ở Hannover đến, cộng một cháu gái chừng 18, một cháu trai chừng 15-16 và một con chó mực. Cách trang trí (sơn mài, v.v.) cũng cho thấy là anh chị đã ở đây lâu và nghe nói, chị có một vườn rau rất tốt sau nhà. Chị Hương hôm đó đãi món bung và chị chịu lắm khi tôi gọi đúng tên món Bắc này, "sườn bung."
Câu chuyện kéo dài đến gần nửa đêm, rất nhiều tiếng cười và cũng có một hai giọt nước mắt vì những trao đổi rất duyên dáng giữa anh Lợi và chị Thiên cùng hai chị ở Hannover. Mấy chị có mặt ở đó cũng là một thành-phần trong ban hỏa-đầu-quân rất hùng-hậu cho ngày hôm sau. Tôi chỉ biết ngồi nghe.

Ngày ra mắt Việt Tân, 19/9/2004
Ngày lớn là ngày ra mắt Việt Tân, tức Đảng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, sau 22 năm hoạt-động trong bóng tối, tổ-chức ở hội-trường Urania vào sáng Chủ-nhật 19/9. Tôi sẽ không nói gì về đại-hội và ngày lễ ra mắt tổ-chức rất chu đáo này. Công việc này, tôi chắc nhiều cơ-quan báo chí đã làm (kể cả "thông-cáo báo chí" của chính Việt Tân do cô Đặng Thanh Chi, phát-ngôn-nhân VT, làm rất chuyên-nghiệp và đầy đủ) và tôi xem công việc của tôi khi viết bài này là chỉ nhắm vào Béc-lin, đôi chuyện bên lề ngày lễ ra mắt kia và, nếu độc-giả cho phép, tường-trình về bài phát biểu của tôi tại buổi lễ.
Hội-trường chứa cũng phải đến 1000 người và có thể nói được là ngồi xem chặt như nêm. Riêng lo an-ninh không, tôi được biết, là cũng có đến 100 người và sự phối-hợp với cảnh-sát, công-an Đức rất chặt chẽ. Nhưng cảm-tưởng chung là khá thoải mái và tinh-thần chung là như một ngày hội, gặp ai cũng thấy niềm nở, chỗ phát hồ-sơ, tài-liệu, chỗ bán áo bán huy-hiệu, chỗ triển lãm, và anh Đức Âm, một nghệ-sĩ Việt Nam ở Pháp, người phụ trách trang-trí hoành-tráng cho cả hội-trường, chắc phải là một trong những người "populaire" nhất hôm đó, cũng như anh Phan Văn Hưng, nhạc-sĩ, sau khi đã chỉ-huy ca-đoàn quốc-tế (thật vậy vì các ca-sĩ đến từ năm châu, tứ xứ ráp lại trong có một ngày) hát bốn bài hát tuyệt diệu. Ai sau đó, nhất là mấy khách quốc-tế ở Ba-lan và Canada qua, đều khen nức nở: "Quý Vị mà hát được như vậy thì chúng tôi tin chắc rằng một Việt Nam tự do dân-chủ sẽ là một Việt Nam rất quy củ."
Sáng hôm đó, cảnh-sát Béc-lin còn nhận được một cú điện-thoại từ Bộ Nội-vụ Hà-nội gọi sang để phá đám. Họ nói, họ muốn thông-báo cho cảnh-sát địa-phương biết là có một bọn khủng-bố đang sửa soạn nhóm họp ở ngay Béc-lin. Hỏi: Có biết nhóm nào không, và liệu họ có bao nhiêu người" Hà-nội trả lời: Ít nhất 400 người! Chỉ thiếu một nước là cảnh-sát Đức cười vào mũi mấy anh nhà quê ở Hà-nội: "Thôi, ông ơi! Khủng-bố gì mà đi 3, 4 trăm người, lại còn xin phép trước nữa! Khủng-bố thì giỏi lắm là 5-3 tên đi lén lút, đến 10 người là hết cỡ! Chuyện chúng tôi hãy để cho chúng tôi làm." Ẹ quá!
Bài phát biểu của tôi
Trong khung-cảnh đó, tôi thật cảm-động và khi được mời lên phát biểu, tôi đã không tránh nhắc được đôi câu thơ Đức. Và đây là những điều tôi chia xẻ với cử tọa hôm đó:
"Thật là một vinh-dự bất ngờ cho tôi được đứng đây, trong một hội-trường lớn ở Béc-lin, trung-tâm-điểm giữa Đông - Tây trong suốt thời-gian Chiến-tranh Lạnh, cũng như trở lại đất nước quê hương của Goethe, Heine và Hoelderlin để có đôi lời nhân ngày lễ ra mắt của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng.
"42 năm về trước, tôi có dịp sang đây học ở Đại-học Muenchen và từ đó, tôi đã yêu tiếng Đức. Không phải chỉ có những bài thơ tuyệt diệu của Goethe như "Der Erlkoenig":
Wer reitet so spảt durch Nacht und Wind
Es ist der Vater mit seinem Kind...
Đêm khuya khoắt mà sao còn vang tiếng vó"
Đó một người cha bồng ẵm đứa con thơ...
hay cô bé Grete nhớ Faust:
Meine Ruh' ist hin,
Hồn em thôi trầm lắng
Mein Herz ist schwer;
Lòng em nặng sầu
Ich finde sie nimmer
Không giờ em còn thấy lại
Und nimmermehr.
Được cái yên xưa...
mà còn vì những dòng thơ yêu nước nồng nàn của Heinrich Heine, một nhà thơ lâu năm phải đi lưu đày ở Pháp:
Xưa tôi có một tổ-quốc thân yêu tuyệt điệu.
Ở đó cây sồi mọc thật cao,
Địa-đinh đưa đẩy, đưa nhè nhẹ.
Ôi mộng một đời!
Tổ-quốc tôi hôn tôi lối Đức, dùng tiếng Đức
Thủ thỉ bên tôi.
Đẹp sao, ai nào thấu được.
Ôi mộng một đời!...
"Vì thế nên nhân danh Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ, tôi xin đem những lời chào mừng nồng nhiệt nhất đến từ bên kia bờ Đại-tây-dương, chúc thành công lớn đến một tổ-chức bạn mà đã nhiều năm chung vai sát cánh với Nghị-hội và các đoàn-thể bạn nhằm đem lại tự do, dân-chủ và nhân-quyền đến cho Việt Nam, quê hương yêu dấu của chúng ta cùng 82 triệu dân sinh sống trên dải đất linh thiêng chữ S đó.
"Sự ra mắt và công-khai-hóa Đảng Việt Tân hôm nay đánh dấu một bước trưởng-thành thật lớn của tổ-chức các bạn vì đứng đằng sau quyết-định đó, hẳn đã có một sự suy nghĩ và bàn bạc thật lung khởi. Chúng ta biết vậy là vì sống với Cộng-sản, tất cả chúng ta ở đây có mặt cũng như ở ngoài phòng hội này và về đến trong nước, những ai đã có kinh-nghiệm đấu tranh với Cộng-sản đều hiểu rõ, rất rõ cuộc sống ở quê nhà bị bủa vây ra làm sao, rằng mạng lưới công-an, nhất là loại công-an nhân-dân, tai mắt của chính-quyền, nó dầy đặc như thế nào.
"Mặc dầu vậy, dù như phải trải qua bao gian lao, nguy khốn, Đảng Việt Tân vẫn âm thầm xây dựng cơ-sở trong những năm qua, ở ngay trong nước để chuẩn-bị cho một ngày mai tất-yếu phải tới, một ngày không xa mà Đảng Cộng-sản phải từ bỏ độc-quyền để chấp nhận trò chơi dân-chủ. Chính sự kiên trì thành-lập và xây dựng các đảng-bộ Việt Tân đã chứng tỏ sự sáng suốt của người lập ra nó vì ông đã trông ra cách đây cả hơn 20 năm, ngay từ đầu thập niên 80 của thế-kỷ trước, nhu-cầu phải có một đảng chính-trị đủ tầm vóc thì mới hòng cạnh tranh và đối đầu nổi với Đảng Cộng-sản đương-quyền ngày nào mà, trước áp-lực của quốc-tế, Việt Nam sẽ phải chấp nhận bầu cử tự do, có Liên-hiệp-quốc giám-sát.
"Vì tình-hình Việt Nam, nếu giải-pháp chiến-tranh trong lúc này không thể tính đến được và do đó phải loại ra, thì chỉ còn có một ngõ ra: ngõ lựa chọn những người lãnh-đạo hay một chính-quyền mới, qua lá phiếu. Đó, chắc hẳn, phải là ước-vọng sâu xa nhất của toàn-dân trong lúc này và đó, tôi nghĩ, cũng là mong muốn thiết tha nhất của gần như tuyệt-đại-đa-số chúng ta ở hải-ngoại.
"Song người CS và nhất là Đảng CSVN sẽ không từ bỏ quyền-lực và những đặc-quyền đặc-lợi đi kèm theo đó, cho phép họ ăn trên ngồi trốc, đục khoét đất nước như ngày hôm nay, một cách dễ dàng. Bộ máy mafia tư-bản đỏ của họ càng bám rễ sâu vào trong nước thì sứ-mạng của chúng ta ngày càng nặng nề, khó nhọc, đòi hỏi nhiều hy sinh, gian khổ. Trong viễn-ảnh đó, tôi không nghĩ là con đường trước mặt của Đảng Việt Tân sẽ là thong dong, dễ dàng được.
"Nhưng được biết Mặt Trận và một số anh em trong Đảng Việt Tân, tôi tin chắc sự tận tụy hy sinh nơi các anh không phải là một điều ta có thể ngờ vực. Từ hy sinh gian khổ ta đứng lên, từ ngay cả những thất bại chua cay ta cũng không sờn lòng, những đức-tính đó chắc hẳn sẽ đưa các bạn đi xa, rất xa. Và trên con đường vạn dặm đó, xin các bạn hãy tin chắc rằng có những người như chúng tôi, không riêng trong Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ mà còn cả trong các đoàn-thể thành-viên khác trong Ủy-ban Liên-kết Người Việt Tự do trên khắp năm châu, trông vời về các bạn mà hô lớn:
QUYẾT THẮNG! QUYẾT THẮNG! QUYẾT THẮNG!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.