Hôm nay,  

Tin Văn: Mùa Thu, Những Di Dân…

12/12/200000:00:00(Xem: 5281)
Nhưng than ôi, có một mùa Thu lá Thu rơi...
(Nhạc sĩ Chung Quân, Làng Tôi)

Di dân là "số" phần, (a matter of arithmetic), nói theo Kundera. Joseph Conrad, sống 17 năm tại Ba-lan, và tại Russia, lưu vong cùng với gia đình; 50 năm còn lại, ở Anh, hay trên những con tầu Anh. Đương nhiên, ông viết văn bằng tiếng Anh, về đề tài Anh. Ông bị dị ứng, khi đụng phải những gì có "mùi Nga": dấu vết Ba-lan độc nhất ở nơi ông. Tội nghiệp Gide, không thể hiểu tại sao Conrad "không thiện cảm" với Dostoievsky.

Bohuslav Martinu sống ở Bohemia đến năm 32 tuổi, sau đó, 36 năm ở Pháp, Thuỵ sĩ, Hoa kỳ, rồi lại Thuỵ sĩ. Ông luôn coi ông là một nhà soạn nhạc Czech, và hoài hương cũng là chất nhạc của ông. Nhưng sau chiến tranh, ông từ chối mọi lời mời hãy trở về. Nhưng đâu có được yên thân! Vào năm 1979, hai mươi năm sau khi ông chết, những "biệt kích" làm hỏng ước muốn được mồ yên mả đẹp ở Thụy sĩ và đã quật mồ, "bắt cóc", long trọng làm một cuộc "hôn nhân cưỡng ép" với đất mẹ cho cái xác chết của ông.

Gombrowicz sống 35 năm tại Ba lan, 23 năm tại Argentina, 6 năm tại Pháp. Tuy chỉ viết văn bằng tiếng Ba-lan; nhân vật, người Ba-lan, nhưng khi được "mời về", ông ngần ngại, cuối cùng từ chối, rồi an nghỉ đời đời ở miền Nam nước Pháp.

Ba phần đời sấp xỉ bằng nhau của Stravinsky: Nga, 27 năm, Pháp và Thụy sĩ-Pháp, 29 năm và Hoa kỳ, 32 năm. Chất Nga đậm đặc trong sáng tác của ông, những năm đầu xa xứ tại Pháp. Rồi chiến tranh cắt đứt dần những mối nối, tuy nhiên ông vẫn là một nhà soạn nhạc Nga với những sáng tác mang chất thơ dân giã của quê hương. Sau Cách mạng Nga, ông hiểu rằng, ông đã mất hẳn, nơi chốn ra đời, và cuộc đời di dân thực sự bắt đầu. Khi ông chết, vào năm 1971, bà vợ đã bác bỏ đề nghị của chính quyền Xô-viết, và thực hiện đúng ước nguyện của ông, được chôn tại một nghĩa địa ở Venice.

Trong "gió đông", số 1, 1997, có bài phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy, người "hát rong" vượt bực. Người viết xin phép anh em tòa soạn, trích một hai câu hỏi, và trả lời của ông:

gđ: Nhạc sĩ Phạm Duy đã là một trong những linh hồn của giới văn nghệ sĩ trong sáu năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi văn nghệ còn ít nhiều tự do, chưa bị siết trong sự quản chế của Đảng Cộng Sản. Đã sống và sáng tạo trong sự biến thiên sâu sắc của lịch sử hiện đại Việt Nam, bác nghĩ như thế nào về thời kỳ ấy" Liệu có thể coi đây là một trong những giai đoạn thành công, đáng ghi nhớ nhất trên hành trình sống và sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy"

Phạm Duy: Tôi hãnh diện vì được tham gia vào kháng chiến chống Pháp và vì đã đóng góp được vào nền âm nhạc nước nhà bằng ba mươi bài ca kháng chiến. Không lúc nào tôi phủ nhận điều này. Giờ đây, tôi vẫn cho rằng trong vòng năm trăm năm nay, nước mình chỉ có mười năm đoàn kết, thực sự yêu nhau, cùng gánh vác giang sơn và đó chính là khoảng thời gian từ bốn nhăm đến năm nhăm (1945-1955). Còn nhà cầm quyền và nhân dân đánh giá như thế nào về phần đóng góp của tôi thời kháng chiến, là ba mươi ca khúc ấy, thì nói thật: tôi xin chịu. Tôi chỉ biết cống hiến xong rồi, là xong (cười).

gđ: Nhắc đến Phạm Duy, không thể không nhắc đến Văn Cao. Có thể coi Văn Cao như là điển hình cho thế hệ văn nghệ sĩ của bác, tài hoa nhưng gặp bao nhiêu là tai họa bởi chế độ độc tài cộng sản. Nhiều người đã nghĩ rằng gia tài âm nhạc của Văn Cao sẽ không chỉ có thế, ngót nghét hai chục bài, nếu ông được sống cho âm nhạc trong những điều kiện khác. Thế còn bác, bác nghĩ thế nào về vấn đề hết sức tế nhị này"

Phạm Duy: (cười) Tôi phải công nhận là anh Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều lắm. Về nhạc, về vẽ. Về thơ. Đủ thứ. Đủ mọi phương diện. Nói anh ấy không may thì cũng không đúng. Anh ấy đã chọn con đường của anh ấy. Tôi cũng chọn con đường của tôi: làm một người tự do tuyệt đối. Vào thời điểm 1951, tôi cũng được chính quyền và nhân dân yêu lắm. Nhưng tôi muốn được tự do, để sáng tác, vâng thế là tôi đi. Đi cho tới lúc này, ngồi cạnh các anh ở Hannover, vẫn chưa ngừng nhé, (cười). Ông Văn Cao thì ở lại. Việc đánh giá ông ấy, cũng như kết quả đến với ông ấy ra sao thì tôi không dám nói. Văn Cao có cái vinh cái nhục của Văn Cao. Tôi cũng thế. Văn Cao được chết ở đất quê. Chứ còn tôi, nay mai chết sẽ được chôn ở Bắc cực chăng" (cười)...

Trước hết, những con số, và "đi", vì đây là "đề tài" của bài viết: Mùa Thu, tháng Tám 1945, ba mươi bài kháng chiến, năm trăm năm, sáu năm đầu, mười năm đoàn kết thực sự yêu nhau, ngót nghét hai chục bài...

Về Văn Cao, bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong Hợp Lưu (trích đoạn): Đêm ấy, trong cuộc tâm tình nghệ sĩ của Văn Cao với những ngư phủ trên Phá Tam Giang, tôi muốn biết một điều mà với tôi là một bí ẩn thuộc về đời ông:

-Tại sao kháng chiến chống Pháp, anh vẫn vẽ, vẫn làm thơ, nhưng người ta không nghe anh hát nữa"

-Hồi nhận viết Tiến Quân Ca, tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát, mà một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viên biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng, vào một thành phố, để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh, và căm thù, đơn giản thôi. Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó" Nói về chiến công, hay phải nói một điều gì khác" Nên tôi im lặng, và chỉ viết nhạc không lời.

(Khi Văn Cao mất, báo Time có loan tin, và trích dẫn một câu trong bài Tiến Quân Ca, người viết bài này ghi chú thêm).

Và Hoàng Phủ Ngọc Tường kết luận:... nhưng tôi nghĩ, chỉ có những nghệ sĩ lớn mới nuôi cho mình những bi kịch như vậy.

Những con số: một đêm, một người, một khẩu súng, một thành phố, một việc ấy, một gia đình mẹ goá con côi, những ngày đầu sau chiến tranh.

Không ai biết được, những người chết, "ở bên trong" con số 10 yêu thương đoàn kết. Khái Hưng và những đồng chí của ông, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu... Không phải chuyện chính trị đảng phái không thôi. Sống, chết. Đi, ở. Văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, ý thức hệ (quốc cộng), đất nước phân đôi, từ đó. Tâm trạng "thiên di", bầy chim bỏ xứ, bắt đầu từ Mùa Thu.

Với tôi, hay nhất ở Phạm Duy, vẫn là những bản nhạc tình. Ông không thể, và chẳng bao giờ muốn đến cõi tiên, không đẩy nhạc của ông tới tột đỉnh như Văn Cao, để rồi đòi hỏi "thực hiện" nó, bằng cách giết người. Một cách nào đó, "tinh thần" Văn Cao là không thể thiếu, bắt buộc phải có, đối với "Mùa Thu", khi mà nhà thơ ngự trị cùng với đao phủ. Kundera đã nhìn thấy điều đó ở thiên tài Mayakovsky, cũng cần thiết cho Cách mạng Nga như trùm cảnh sát, mật vụ Dzherzhinsky. (Những Di chúc bị Phản bội). Nhạc không lời, ai cũng đều biết, mấy tướng lãnh Hitler vừa giết người, vừa ngắm danh họa, vừa nghe nhạc cổ điển. Cái đẹp bắt buộc phải 'sắt máu', phải 'độc tài' (tyranique. Valéry). Phạm Duy không nuôi những bi kịch lớn. Ông tự nhận, chỉ là "thằng mất dậy" (trong bài phỏng vấn kể trên). Với kháng chiến, Phạm Duy cảm nhận ngay "nỗi đau, cảnh điêu tàn, phía tối, phía khuất", của nó và đành phải từ chối vinh quang, niềm hãnh diện "cũng được chính quyền và nhân dân yêu lắm". Những bài kháng chiến hay nhất của Phạm Duy với riêng tôi: khi người thương binh trở về. Ở đây, ngoài nỗi đau còn có sự tủi hổ. Bản chất của văn chương "lưu vong, hải ngoại", và cũng là bản chất của văn chương hiện đại, khởi từ Kafka, là niềm tủi hổ, là sự cảm nhận về thất bại khi muốn đồng nhất với đám đông, với lịch sử, với Mùa Thu đầu tiên của định mệnh lưu vong.

Phạm Duy muốn làm một người tự do tuyệt đối nên đã bỏ vào thành. Nhưng Văn Cao, chỉ vì muốn đồng nhất với tự do tuyệt đối, nên đã cầm súng giết người. Thiên tài Mayakovski cần thiết cho Cách Mạng Nga cũng như trùm công an mật vụ, là vậy.

"Mặt trời chân lý chiếu qua tim". (Tố Hữu). Tính chất trữ tình không thể thiếu, trong thế giới toàn trị. Tự thân, thế giới đó không là ngục tù, gulag. Nó là ngục tù, khi trên tường nhà giam dán đầy thơ và mọi người nhẩy múa trước những bài thơ đó, (Kundera, sđd).

Bằng cung cách của một người hát rong vượt bực, Phạm Duy có thể cảm nhận "niềm nủi hổ" của Kafka, khi ông không làm hiện thực chủ nghĩa. Có thể ông cảm nhận, và "yêu" sự tự do tuyệt đối của ông, vì nó là tinh thần nghệ thuật hiện đại. Và chủ nghĩa hiện đại là nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa Cộng Sản. Cenek, trong "Chuyện Diễu" của Kundera, bị đưa đi tù vì say mê hội họa lập thể, "Kẻ Thù Số Một" của "nhân dân", của Cách Mạng. Kundera không thể nào quên nổi nhà thơ Konstantin Biebl, (ôi, biết bao dòng thơ của ông tôi đã học thuộc lòng!) Khốn khổ cho thi sĩ, ông là người say mê chủ nghĩa CS. Được Đảng giao trách nhiệm, làm những vần thơ tuyên truyền, cuối cùng, để trốn tránh thơ ca, và cách mạng, ông gieo mình từ cửa sổ căn phòng ông xuống hè đường Prague, và chết.

America, một cuốn tiểu thuyết kỳ kỳ (curious): Tại sao Kafka, khi đó mới 29 tuổi, lại "đặt để" cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông tại một đại lục ông chưa từng đặt chân tới" Một chọn lựa có chủ đích rõ rệt: Không làm hiện thực chủ nghĩa. Ông cũng chẳng thèm tra cứu, tìm tòi, để che giấu sự "ngu dốt". Ông bịa đặt ý nghĩ của ông, về America, từ những thứ phẩm, ba đồ phổ thông. Hình ảnh America ở trong truyện là từ những bản kẽm, những hình ảnh đã trở nên sáo mòn (clichés). Hứng khởi chính cho nhân vật và tình tiết câu chuyện: mượn đỡ Dickens, nhất là từ David Copperfield (ông thừa nhận điều này, trong nhật ký), Với ông, theo Kundera, nghệ thuật hiện đại: một phản kháng, chống lại sự bắt chước thực tại. Đây có lẽ là lý do tại sao độc giả "chịu không nổi" những tác phẩm cố vẽ lại những nhà giam, những ngày tù đầy, cải tạo. Kundera coi đây là sự khác biệt giữa "thi ca Kafka", trong Vụ Án, với 1984, của Orwell, cũng nói về bắt bớ, tù đầy, và vốn được coi như một tác phẩm chống cộng của một bậc thầy. 1984 là tư tưởng chính trị ngụy trang dưới hình thức tiểu thuyết, trong đó thiếu những cửa sổ mở sang khu vườn Thuý, thiếu windows.

"Không ai có thể đi xa hơn Kafka, trong Vụ Án. Ông tạo một hình ảnh "cực kỳ thơ", về một "thế giới cực kỳ không thơ". Bằng thế giới cực kỳ không thơ, tôi muốn nói, một thế giới trong đó không có chỗ cho tự do cá nhân, không có sự độc nhất vô nhị: là một cá nhân. Nơi con người chỉ là dụng cụ của những sức mạnh phi nhân: Thư lại, Kỹ thuật, Lịch sử. Bằng hình ảnh cực kỳ thơ, tôi muốn nói, không thay đổi yếu tính, cũng như bề ngoài không thơ, Kafka đã "nắn lại" thế giới đó, bằng sức tưởng tượng bao la, đầy thi tính của ông."(Kundera, sđd).

K. hoàn toàn bị vụ án ám ảnh, không lúc nào anh không nghĩ về nó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tuyệt vọng như thế đó, đột nhiên, bất thình lình, có những cửa sổ hé ra đối với anh, dù chỉ một thoáng thôi, nhưng cho thấy thi tính của thế giới bên ngoài, "sự tự do tuyệt đối", hay chỉ là một cuộc sống bình thường mà một con người đang bị săn đuổi, tầm nã, mơ ước" Theo nghĩa đó, 1984 của Orwell, tự nó, đã gia nhập vào tinh thần toàn trị. Nó giản lược (và dậy người ta giản lược) cuộc sống của xã hội bị thù ghét, xã hội CS, thành một bản liệt kê những tội ác của nó.

Bài phỏng vấn trên "gió đông", khi nhắc đến Văn Cao, những người chủ trương tờ báo có thể chỉ muốn "khoanh vùng" con người hát rong Phạm Duy vào một mùa, Mùa Thu. Tôi không hiểu, Văn Cao, khi đề tặng "Buồn Tàn Thu" cho Phạm Duy, liệu ông có "thấu thị" Phạm Duy sẽ "thoát ra" được và giúp ông gieo nhạc buồn đi khắp chốn"

Với tôi, Phạm Duy hay nhất vẫn là những bản nhạc tình. Giống những cửa sổ, đối với K. trong Vụ Án.

Lần đó, ở trong trại cải tạo, nằm kế một anh bạn. Chẳng bao giờ anh hát. Một buổi tối, cả hai không ngủ được. Nói chuyện lăng nhăng một hồi, và đột nhiên anh thủ thỉ một mình. Những gì ..."đưa nhau tới bên cầu", "giờ đây cơn mộng tan rồi"...

Sau này, mỗi lần nghe nhạc Trịnh Công Sơn, tôi có cảm tưởng cuộc chiến còn nguyên đó, đối với riêng tôi, những ngày ở Trung Tâm Ba Quang Trung, lần đầu tiên xa Sài-gòn, xa cô bạn. Nhưng, nếu không có nhạc Phạm Duy, không hiểu những ngày ở trong trại cải tạo còn thê thảm tới bực nào, đối với hai bạn tù...

Khi viết về Văn Cao, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: chỉ những nghệ sĩ lớn mới nuôi cho mình những bi kịch lớn như vậy. Tôi không tin. Ít ra là với trường hợp của Văn Cao. Bi kịch, với một nghệ sĩ, theo tôi, tương tự như đề tài mà người đó cưu mang trăn trở. Có người sinh ra đã có sẵn đề tài ở trong máu: Dickens với London, Dostoevsky với St. Petersburg.. Giả sử không có những 'nơi chốn' như vậy, họ cũng sẽ 'bịa đặt' ra ra. Có người phải đi tìm đề tài. Những nghệ sĩ như Văn Cao: đề tài 'tóm' lấy ông. Ông bị Mùa Thu 'chiếu cố': một cuộc cách mạng lớn lao như thế cần một thiên tài như vậy, để cùng ngự trị với đao phủ. Với khủng bố.

Về Văn Cao thiên tài, mọi người đều biết. Về đao phủ, chỉ mình ông hay, (ngoài 'tổ chức' ra nữa, lẽ tất nhiên! Hãy nhớ lại trường hợp Vũ Bằng, khi ông mất rồi, tổ chức vẫn không quên, dù ông chẳng muốn, và hình như chỉ muốn sống để dạ, chết mang theo: kỷ niệm những ngày nằm vùng.) Văn Cao có lẽ là người độc nhất nói ra, cái kinh nghiệm 'tay chót nhúng chàm' như bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường cho thấy. (Chúng ta hãy tự hỏi: tại sao Hoàng Phủ Ngọc Tường lại nhè đúng 'vết thương lòng' của Văn Cao, để mà xoáy sâu thêm" Theo tôi, bởi vì đây cũng là kinh nghiệm cay đắng của chính ông, và của rất nhiều người đã từng ăn phải bùa mê cách mạng. Trên tờ Partisan Review số Mùa Hạ 2000, Adam Michnik, khi viết về Jan Kott, một nhà văn Cộng Sản đào thoát qua Tây Phương, đã nhắc tới một bài viết của Kott nhan đề là 'Bàn về Nọc Độc' (On Venom, 1982), qua đó, Kott ghi nhận: 'Rắn cắn làm hư cái đầu. Bên trong cái vòng tròn huyền hoặc, cái đầu tiến về một thế giới ảo. Cái đầu tin vào những lời dối trá, và không thể phân biệt thực với ảo.' Ông cho rằng, những mắc míu của tầng lớp trí thức với chủ nghĩa Cộng Sản: gia nhập rồi rời bỏ, trong chán chường và vỡ mộng: 'thời điểm vỡ mộng có lẽ là quan trọng nhất' (the moment of disullusion is perhaps the most important).

Với Văn Cao, đây chính là bi kịch mà ông đã lựa chọn (khi quyết định 'nói ra' giấc mộng bể, cái thời điểm quan trọng nhất của đời ông), theo nghiã Hoàng Phủ Ngọc Tường hiểu về bi kịch lớn, nghệ sĩ lớn. Như nhà soạn nhạc Stravinski, ông mang theo nó, suốt lữ sau đó, sau Mùa Thu, bằng lòng làm một người câm. Ai đã từng coi cuốn băng video về ông, chắc là cảm nhận (ra) con người nghệ sĩ thiên tài này: cô đơn cùng cực. Tôi có cảm tưởng như trái tim của ông giá băng, như trái tim của một kẻ Trung Thực (Le Juste), trong một huyền thoại của người Do Thái.

André Schwarz Bart, trong cuốn Người Trung Thực Cuối Cùng, kể một truyền thuyết theo đó, thế giới ngự trị trên 36 kẻ trung thực. Kẻ trung thực, le juste, hay lamed-waf: người què gánh tội (waf: with all faults). Tuy là 'những cội rễ nhà trời' (les racines du ciel, chữ của Romain Gary), nhưng bề ngoài, họ chẳng khác gì những con người bình thường. Giữa họ cũng chẳng thể nhận ra nhau. Nhưng chỉ cần một người trong số 36 kẻ trung thực thiếu đi, là nỗi đau khổ của con người 'làm độc' ngay cả đến tâm hồn của những trẻ thơ, và nhân loại nghẹt thở vì tiếng khóc bi thương này. Bởi vì 'lamed waf' là trái tim của thế gian, nơi mọi đau khổ đều đổ xuống đó. 'Khi một kẻ Trung Thực vô danh về trời, trái tim của người đó giá lạnh đến nỗi Thượng Đế phải ấp ủ một ngàn năm trong lòng bàn tay của Người, để sưởi ấm cho nó. Và như người ta được biết, hầu hết trong số họ, trái tim chẳng làm sao ấm lại được nữa. Thượng Đế cũng chịu thua. Và Người thỉnh thoảng lại phải vặn nhanh lên 'một phút' chiếc đồng hồ báo Cuộc Phán Xét Cuối Cùng.

Với riêng tôi, Văn Cao là một người què gánh tội, của một 'Mùa Thu'.

'Mẹ Teresa là một con người nhỏ bé, nhưng trái tim thật lớn; và khi trái tim lớn này ngưng đập, trái tim của nhân loại bữa đó đã đập loạng quạng', một nhà văn đã viết về cái chết của Mẹ. Tôi cầu mong, một chút ấm của trái tim lớn đó, biết đâu làm cho trái tim của Văn Cao đỡ lạnh đi một chút.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.