Hôm nay,  

Tin Văn: Các Đại Gia Tolstoy, Kim Dung, Chekhov

24/04/200100:00:00(Xem: 6600)
1. Nàng Kha Lệ Ninh tân thời
Kha Lệ Ninh, phiên âm tiếng Việt “Anna Karenina”, tác phẩm của nhà văn Nga, Tolstoy. Tân thời, là do tác phẩm này vừa có một bản dịch tiếng Anh mới (dịch giả Richard Pevear và Larissa Volokhonsky, nhà xb Viking). Bản dịch mới này vén màn, cho thấy từng lớp xiêm y của người đẹp; nói rõ hơn, nó cho thấy cấu trúc vô hình của cuốn tiểu thuyết.

James Wood, trong bài viết “Bốn bể là nhà” (“At home in the world”), trên tờ “Người Nữu Ước” số đề ngày 5 tháng Hai 2001, cho rằng, bất cứ một độc giả, khi đọc Tolstoy, đều cảm thấy, có cái gì khang khác, về mức độ và thể loại, so với tiểu thuyết của những tác giả khác. Thế giới tiểu thuyết của ông, những nhân vật, hành động, hoàn cảnh của họ… “thực như đếm”. Hiện thực ở đây như khí trời. Tìm cách giả thích, là rơi vào vòng luẩn quẩn. Ngay chính Tolstoy cũng lúng túng, khi bị ép buộc phải bảo vệ tác phẩm của ông. Trong một thư gửi bạn, là Nicolai Strakhov, viết khi đang sáng tác “Anna Karenina”, ông khẳng định, những gì ông viết không phải là những thu gom (collections) tư tưởng; và những tư tưởng như thế có thể tách ra khỏi bản văn; nhưng đây là một mạng lưới (a network): “tự thân, mạng lưới này không dệt bằng tư tưởng (hay là do tôi nghĩ như vậy), nhưng bởi một điều gì khác, và tuyệt đối không thể diễn tả cốt lõi mạng lưới, một cách trực tiếp bằng những con chữ: chỉ có thể làm một cách gián tiếp, bằng cách sử dụng những con chữ để miêu tả những nhân vật, hành động, hoàn cảnh.”

Thư trên, được dịch giả Richard Pevear trích dẫn trong lời giới thiệu bản dịch mới của ông và Larissa Volokhonsky.

Độc giả có thể tự hỏi, tại sao một tác phẩm cổ điển, được nhiều người đọc, và đã được dịch ra tiếng tiếng nước ngoài, nhiều lần, trở thành một tác phẩm của thế giới, vậy mà vẫn có người dịch lại"

Theo Wood, những dịch phẩm lớn đều “lão hoá”, trong khi những cuốn tiểu thuyết lớn thì cứ thế trưởng thành mãi lên. Gừng càng già càng cay. Thành thử cỡ những ông như Tolstoy, lại càng cần một bản dịch đương thời.

(Những độc giả mê truyện chưởng Kim Dung chẳng hạn, đọc bản dịch của Hàn Giang Nhạn, đã xuýt xoa, so với bản dịch của Tiền Phong Từ Khánh Phụng. Nhưng hiện nay trên trang web có một dịch giả mới là Nguyễn Duy Chính, ông này dịch kỹ, theo sát bản chính hơn, so với Hàn Giang Nhạn - dù sao vẫn chỉ là phóng tác. Người viết tin rằng, nếu có một “nhà văn” sử dụng bản của Nguyễn Duy Chính, rồi thổi vào đó “hồn văn” của chính mình, nó sẽ trở thành một tuyệt tác. Bởi vì cho tới bây giờ, chưa có một “nhà văn” nào chuyển Kim Dung thành một tác phẩm văn học tiếng Việt. Trước đây, Đỗ Long Vân mê Kim Dung, cặm cụi học chữ Nho để đọc ông; phải chi Đỗ quân thêm được vài tuổi trời, biết đâu có một Kim Dung “cây nhà lá vườn” rồi! Và đây là một thách đố văn chương, đối với những nhà văn Việt Nam rành chữ Nho).

Trên nói, độc giả bình thường hiện nay cần một bản dịch tiếng Anh bình thường hiện nay. Bản dịch mới này hơn những bản dịch cũ, bởi vì dịch giả, ngoài việc dịch cẩn thận, còn có riêng văn phong của họ. Nhờ vậy, hơn bao giờ hết, so với trước đây, độc giả đương thời đã có thể nắm bắt cái chất lãng đãng, chập chờn (the palpability) của những “nhân vật, hành động, hoàn cảnh” của Tolstoy.

“Mạng lưới” của Tolstoy được dệt bằng những chi tiết, và những chi tiết này được miêu tả rất đỗi thực; hơn thế nữa, những chúng được xô đẩy bằng chức năng – bằng việc làm (work). Còn điều này, không như những nhà hiện thực hiện đại, Tolstoy chẳng thèm để ý đến chuyện nói cho chúng ta biết, những sự vật giống như cái gì đối với ông, hoặc giống như cái gì đối với chúng ta. Chính vì vậy, [mượn câu nói của Goethe được Benjamin trích dẫn, “tất cả sự kiện tính thì đã là lý thuyết”], trong khi miêu tả những chi tiết, Tolstoy chuyển vào trong đó: ẩn dụ. Trong tiểu thuyết của ông cũng như của Chekhov, thực tại xuất hiện, như nó xuất hiện, không phải với nhà văn, mà với những nhân vật.

Tolstoy khởi sự viết “Anna Karenina” vào năm 1873, tuy nhiên trước đó, vào năm 1870, ông nói với vợ, ông dự tính viết về một người đàn bà có chồng nhưng bị ô nhục do ngoại tình. Như trường hợp “Bà Bovary” của nhà văn người Pháp, Flaubert, một chuyện thực đã gây hứng cho cuốn tiểu thuyết. Vào tháng Giêng 1872, Anna Stepanovna Pirogov, bồ của ông chủ đất láng giềng, đã lao mình xuống dưới bánh xe lửa, sau khi bị nhân tình bỏ rơi. Tolstoy đã ra sân ga để chứng kiến tận mắt thi thể người đàn bà.

Có những điểm tương tự, trong một số tiểu thuyết nửa sau thế kỷ 19. Như Bà Bovary, Anna cũng thích đọc tiểu thuyết. Như Tess, trong “Tess of the Urbervilles” của Hardy, Anna cũng phơi phới đang độ. Mấy bà “xồn xồn” này đều căng tràn nhựa sống đến mức trở thành vô trách nhiệm. Đàn ông không làm sao thoát khỏi tay mấy bà. Tuy nhiên cả ba, trong khi mang trong người cái mầm “làm đàn ông khốn khổ khốn nạn, sống dở chết dở”, đồng thời, họ cũng sản sinh ra một thứ “kháng sinh”, bởi vậy, những nhân vật trầm luân như thế đó [thứ đàn bà trời đánh, cướp giật chồng người… như người Việt mình thường gọi] cuối cùng lại gợi sự thương xót, làm người đọc có cảm tình hơn là bị xét đoán một cách nghiêm ngặt.

Thời đại lớn lao của nhân vật tiểu thuyết, tức thế kỷ 19, cũng là thời đại lớn lao của những nhân vật nữ, bị cầm tù bởi xã hội, và cố gắng chạy trốn, vượt ra khỏi nó. Chính vì họ cố gắng chạy trốn một xã hội đã đóng cứng họ vào những từ như là con đĩ thối tha, đồ cướp chồng người… cho nên họ đã trở thành những nhân vật thực.

2. Giữa địa ngục, chung quanh là biển.
Vào tháng Tư năm 1890, khi nhà văn thầy thuốc người Nga, Chekhov, khởi sự chuyến đi thăm dảo tù Sakhaline, chẳng ai hiểu lý do tại sao. Chính ông cũng không thể giải thích, và đành coi đây là một “mania”. Và nó là một giai đoạn lạ kỳ nhất trong cuộc đời của ông.

“Tôi chỉ muốn viết một, hai trăm trang, như một món nợ đối với nghề y của mình…”, ông viết cho Souvorine.

Trên đường đi, ông nhớ tới “con quỉ bí mật” đã xúi ông làm bao chuyện rồ dại.

Nhà văn y sĩ của chúng ta đi trong những điều kiện khùng điên. Không một thứ giấy tờ chính thức, ngoại trừ tấm giấy thông hành. Chẳng có công lệnh, giấy giới thiệu để trình cho nhà chức trách địa phương. Ông còn sợ, vừa đến nơi là bị đuổi về.

Chuyến đi mất hai tháng rưỡi. Mệt nhoài. Tới Iaroslav, ông dùng xe lửa. Tới Perm, dùng tầu đi trên sông Volga và Kama. Từ Perm tới Tioumen, lại dùng xe lửa. Sau đó, đúng là một cuộc phiêu lưu. Mưa tầm tã, đường xá thê thảm, không biết tối nay sẽ ngủ nơi nao, có xe hơi đi tiếp nữa không… Ngay từ đầu chuyến đi, người hành khách đã ho, rồi ho ra máu… Từ Tioumen tới Tomsk, lạnh khủng khiếp, lại thêm gió. Sông lũ tràn bờ, lâu lâu lại phải xuống xe hơi, dùng thuyền vượt qua những khúc lội. Từ Tomsk tới Krasnoiark, xe và người lội trong bùn. Phía xa xa, là nóng, bụi, những trận cháy rừng. Chỉ từ sông Tình trở đi, cuộc du ngoạn mới tỏ ra dễ chịu.
Và sau cùng, đảo tù, giữa vùng Sibérie bạt ngàn: “Chung quanh là biển, ở ngay giữa địa ngục.”
Viên Toàn quyền cho phép nhà văn thăm viếng tất cả các nơi, vào tất cả các nhà tù, và những thuộc địa. “Tôi chỉ không cho phép ông một điều, đó là tiếp xúc với tù chính trị, bởi vì tôi không có quyền.” Ông cũng đưa ra gợi ý, về tên cuốn sách tương lai của nhà văn: “Mô tả cuộc đời của những kẻ bất hạnh”.

Chekhov đã ở đảo tù Sakhaline ba tháng và hai ngày. Ông đã hoàn tất một công việc với một sự chi ly, tỉ mỉ đến phát sợ. Ông cho in tất cả những hồ sơ (fiches), và ghi chú mọi trường hợp đi tù. Gần như chỉ chỉ một mình, ông hoàn tất mười ngàn hồ sơ, qua những cuộc hỏi tra cặn kẽ; lục lọi những con số thống kê về trồng trọt, câu cá, khí hậu, chế độ tù, tình trạng hình sự, tử vong, trốn trại… Như ông cho biết, thống kê chỉ là một phương tiện để gặp gỡ con người. Nhờ vậy, trong những lần hỏi tra tìm tòi như thế, bật ra câu chuyện một người tù, làm mồi cho một truyện ngắn. Những tác phẩm như “Tống xuất”, “Một vụ sát nhân”… là từ chuyến đi này.

Sakhaline, trước hết, là một bản hoà tấu của tiếng động phát ra từ những sợi xiềng, của gió, của biển. Một khí hậu cách biệt (thường là không độ), nơi tống xuất những con người, vì hai lý do trái ngược hẳn nhau: để thi hành bản án tù, và để xây dựng những thuộc địa. Một thế giới phi lý và độc ác.

“Tôi viết [về] Sakhaline, và tôi buồn bực, buồn bực” (Tháng Tám, 1891).

Cuốn sách của ông, lạnh và nhức nhối, như một báo cáo, đã đưa đến một kết quả không ngờ, là bãi bỏ những sự trừng phạt thân xác, và cải thiện điều kiện sinh sống ở trên đảo tù. Chekhov hy vọng cuốn sách của ông, một trăm năm sau, sẽ trở thành “vang bóng một thời”, nhưng thảm thay, một trăm năm đã qua, vẫn còn đảo tù Sakhaline, gần như khắp nơi, trên mặt đất.

Có thể đã đọc báo cáo của Chekhov mà họa sĩ Lévitan đã vẽ nên bức tranh “Đường lên Cổng Trời” (La Route de Vladimirka). Cắt ngang đường chân trời, trơ trọi, dưới bầu trời đầy mây, con đường, chỉ là một lối đi bụi bặm, cứ thế mà lao mãi vào vô tận. Không một bóng người. Nhưng tất cả mọi người đều hiểu. Cổng Trời, hay La Vladimirka, đó là tên của của con đường dành cho những người tù, chân bị xiềng, nối đuôi nhau, tiến về Sibérie.

Ngày nay, Sakhaline chối bỏ [không còn] nhà tù. Lạ một điều, du khách tới đó, để tưởng nhớ Chekhov, để kỷ niệm 100 năm chuyến đi của ông (1990). Có một nhà bảo tàng dành cho ông ở Alexandrovsk-Sakhalinski, trung tâm hành chánh của đảo tù.

Biết đâu đấy, trong số những du khách, có một người tên là Chekhov.

Jennifer Tran

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.