Hôm nay,  

CHIỀU NHẠC NGÀN KHƠI “ĐÀN CHIM THA HƯƠNG”

22/11/201719:08:00(Xem: 7041)
NganKhoi 1
Hình trên: Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi với Nhạc Trưởng: Nguyễn Hoàng Hương. Soprano: Bùi Khánh Linh, Đỗ Thanh Thủy, Hà Tuyết Nga, Hồ Tâm, Hồ Thanh Thanh, Lâm Lệ Thanh, Lê Minh Thu Cúc, Lê Bích Trâm, Ngô Đan Tâm Tammy, Ngô Nguyễn Tặng, Nguyễn Bích Liên, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Minh Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Sương, Nguyễn Bích Liễu, Nguyễn Phương Châm, Nguyễn Quý Bằng, Phạm Thị Thư, Trần Ngọc Mai, Trương Thanh Châu, Vũ Ngọc hà, Vũ Thiên Nga, Vũ Thúy Hằng. Alto: Hồ Diệu Trâm, Nguyễn Thị Nhuận, Phạm T. Thái Hằng, Trần T. Kim Liên, Trịnh Thùy Dung, Vũ Châu Nga, Nguyễn Anh Thư, Phạm T. Hạnh Ngọc. Tenor: Lê Kim Anh, Lê Hoài Anh, Ngô Việt Hải, Vincent Cao, Bass: Bùi Quỳnh Giao, Phạm Ngọc Tuyến, Trần Vinh Tín, Vũ Duy Hiển, Nguyễn Bảo Trung, Hoàng Tiến Vân. Hình dưới trái: Ban Sóng Xanh; Hình dưới phải: Ban Cát Trắng.


Chiều Chủ Nhật, 19 tháng 11, nhà hát Sài Gòn Performing Art rộn ràng khách yêu nhạc thính phòng từ khắp nơi hẹn về. Điều đặc biệt hiếm thấy ở đây chính là khán giả của chương trình thực thụ là những người nghe nhạc nghiêm chỉnh, vì chưa đến giờ khai diễn, mà cả rạp đã chật ních người, ngồi trật tự im lặng chờ đợi. Đúng 4 giờ chiều, tiếng hát vang lừng của ca đoàn Ngàn Khơi cất cao: “Ta đi, khắp nơi xa vời, gió bốn phương kìa gió bốn phương, ào ào cuốn lá rơi...”, cả rạp bừng lên một không khí vừa hào hùng, trang trọng, vừa sôi nổi, ấm cúng, đưa người nghe nhạc trở về với không khí đầy nhiệt huyết của Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, khi nền âm nhạc nghệ thuật của miền Nam Việt Nam đang bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất.
Bản hợp ca “Đoàn Lữ Nhạc” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận do ban hợp xướng Ngàn Khơi trình bày đã mở đầu cho chương trình Đàn Chim Tha Hương và kết thúc bằng tiếng vỗ tay rào rào không ngừng trong lúc Lê Đình Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng, hai người điều hợp chương trình bước ra sân khấu gởi lời chào mừng đến khán thính giả.
Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi là một tổ chức bất vụ lợi, được thành lập vào năm 1989 với mục đích khuyến khích việc hát hợp xướng trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Ngàn Khơi tin rằng âm nhạc là nguồn gốc nuôi dưỡng sự thăng hoa tâm linh và tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng, vì vậy hơn 30 năm qua từ khi được thành lập đến nay, Ngàn Khơi đã tổ chức những chương trình nhạc tầm vóc hàng năm, mỗi năm mang một chủ đề đầy ý nghĩa. Vào những năm gần đây, Ngàn Khơi đã có những chương trình mang chủ đề đặc biệt, thực hiện công phu như Nhạc Chiều Xuân, Hướng Về Đất Mẹ, Hành Trình Quê Mẹ. Năm nay, chương trình mang chủ đề Đàn Chim Tha Hương, lấy từ tựa đề của một nhạc phẩm của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín, được tổ chức như một lời tri ân dành cho người nhạc sĩ tài hoa đã mang lại cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều đóng góp đáng kể.
Người yêu nhạc Việt sành điệu hẳn đã biết đến Hồ Đăng Tín, ông là một nhạc sĩ có kiến thức âm nhạc uyên thâm, có gia tài sáng tác lớn về thanh nhạc lẫn khí nhạc, với nhiều thể loại khác nhau, từ những tác phẩm hòa âm cho hợp xướng và nhạc đệm cho các ca khúc, đến những bản giao hưởng, concerto, tứ tấu v.v... Chủ đề của những tác phẩm của ông đa dạng, nêu cao sức sống và tình tự dân tộc quê hương. Chương trình Đàn Chim Tha Phương tập hợp nhiều sáng tác và phần soạn hoà âm tiêu biểu của Hồ Đăng Tín.
Trở lại chương trình là nhạc phẩm Hương Xưa của Cung Tiến do Hồ Đăng Tín soạn hoà âm cho ban hợp xướng dưới sự điều khiển của ca trưởng Bùi Quỳnh Giao. Chúng ta thường được nghe Hương Xưa trình bày qua những giọng hát đơn, nên khi nghe Hương Xưa được trình bày với ban hợp xướng, người nghe có cảm tưởng lạc vào một không gian vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, nơi “lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa” qua tiếng đàn vĩ cầm điêu luyện của nhạc sĩ Nguyễn Bảo Thi. Dàn nhạc đệm cho ban hợp xướng còn có thêm tiếng đàn vĩ cầm thứ hai của nhạc sĩ Sam Yoon, tiếng đàn Viola dày dặn của nhạc sĩ Lindy Grishkoff, và tiếng Cello của Esther Chu, tiếng sáo của nhạc sĩ Ben Barth, tiếng đàn Bass/Contrebass của nhạc sĩ Matt Hare và phần đệm dương cầm của Bạch Đằng.
Sau phần hợp xướng hào hùng mở đầu, không khí bỗng dưng lắng lại với phần trình bày đơn ca của ca sĩ Bích Vân với nhạc phẩm thiền ca “Mây Trắng Non Xanh”. Bích Vân với giọng ca trong vắt, điêu luyện đưa người nghe đến những “ngày tháng như huyễn mơ” nơi “lòng ta đó vẫn tiêu dao”.
Tiếp nối với không khí thiền ca là sự xuất hiện của ca sĩ Bích Liên qua bài Hoa Bướm, được NS Hồ Đăng Tín phổ nhạc từ một bài kệ của Xuyên Thiền Sư vào cuối thập niên 70 lúc đang ở tù cải tạo tại Lao Cai, vì thế nên giai điệu mang âm hưởng dân ca Bắc, rất phù hợp với giọng ca trong trẻo, cao vút, réo rắt của ca sĩ Bích Liên. Nhưng theo nha sĩ Olivia Lan Hương, một khán giả có mặt hàng năm trong mọi chương trình do bhx Ngàn Khơi thực hiện cho rằng tiết mục kế tiếp “Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng” trình bày bởi giọng ca tươi và sáng của ca sĩ Bích Liên mới là cao điểm của phần 1 chương trình. Thật vậy, khán giả yêu nhạc Phạm Duy đã nghe CD Đạo Ca của Bích Liên hôm nay có dịp nghe “live” không tránh được cảm xúc dạt dào “bỗng thấy yêu thương vô bờ”. Cũng từ bài hát này, MC Nguyễn Hoàng Dũng trở lại giới thiệu sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy trải dài 70 năm, gắn liển với nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước.
Chương trình trở lại dòng nhạc Hồ Đăng Tín với bài độc tấu dương cầm Lý Quạ Kêu - Lý Qua Đèo với tiếng đàn dương cầm thánh thót của Nguyễn Hải Hoàng thay đổi không khí của buổi hòa nhạc. Cả thính phòng duường như đổi sang một buổi chiều dân gian nắng vàng êm ả. Đây chính là bản tính đặc sắc của các chương trình nhạc Ngàn Khơi trong những năm gần đây, được soạn rất công phu, đa dạng, biến chuyển liên tục. Nối tieếp không khí cổ điển này là một bài nhạc nữa của Hồ Đăng Tín, bài Concerto in D từng đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam năm 1971 soạn cho vĩ cầm và dàn nhạc giao hưởng, với sự trình bày của nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn Bảo Thi và tiếng đàn dương cầm của Nguyễn Hải Hoàng. Nguyễn Bảo Thi là cây đàn vĩ cầm đã dành được rất nhiều giải thưởng ở Hoa Kỳ và quốc tế, trong đó có giải Victor International dành cho đàn Vĩ Cầm ở Đức, giải Horizon Award do hội đồng nghệ thuật Fresno trao tặng.

NganKhoi 2
Hình ca nhạc sĩ từ trên xuống, trái sang phải: Ca sĩ Thương Linh, Bích Vân, Phạm Hà, Trần Thái Hòa, Bích Liên, Mộng Thủy.


Ngoài việc hòa âm, soạn nhạc cho khí cụ, nhạc thiền ca, Hồ Đăng Tín còn sáng tác những nhạc phẩm trữ tình lãng mạn. Bài “Một Lần Yêu” của Hồ Đăng Tín được cất lên ấm áp với một giọng nam quen thuộc thường hát trong các chương trình Ngàn Khơi, ca sĩ Phạm Hà. Từ phía khán thính giả, những cặp mắt dán chặt lên sân khấu, những thân hình ngồi thẳng lên, chăm chú lắng nghe người ca sĩ gởi gắm tâm tư, nghe “tình yêu vụt đến, vụt đi, được đấy, mất đấy, tất cả như chỉ là một giấc mơ. “
Đến bây giờ, người nghe để ý thấy chương trình hôm nay có hai ban nhạc. Bên tay trái sân khấu là dàn nhạc thính phòng đệm xuất sắc cho bài hát “Một Lần Yêu” của Phạm Hà. Nhưng khi ca sĩ Thương Linh bước ra sân khấu với bài Tuổi Hồng Hoang, tiếng đàn quen thuộc của các nhạc sĩ Quốc Vũ, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Nam và Gary Wing cất lên, thổi làn điệu jazz vào không khí chiều thu Cali, đưa người nghe nhạc trở về không gian của phòng trà Sài Gòn thời nào, nơi mà người nhạc sĩ ví nó là “một thuở vàng son, một thời để nhớ" của mình. Giọng hát nhẹ, khàn, nghe có vẻ thơ thơ thẩn thẩn của người ca sĩ trẻ từ lúc nào đã tài tình chui lọt vào tai, vào lòng người nghe. Không khí cổ điển trang nghiêm trước đây được ca sĩ Phạm Hà tưới thêm chất ngọt ngào nay lại được cô ca sĩ trẻ Thương Linh thổi vào đó một không khí jazz ấm áp, nhẹ nhàng, lãng đãng khiến khán giả trở nên thư giãn, thoải mái. Một lần nữa, đây chính là tính đặc sắc đa dạng của chương trình, liên tục đưa vào chương trình những âm thanh, không gian, và câu chuyện âm nhạc biến chuyển.
Trong tinh thần tre già măng mọc, MC Ysa và Nguyễn Hoàng Dũng một lần nữa nhấn mạnh về việc Ngàn Khơi luôn dành “sân chơi” cho những tài năng trẻ, trưởng thành tại hải ngoại. Thành công của BHX Ngàn Khơi kể từ ngày thành lập cho đến nay, tức khoảng ba thập niên qua, không chỉ làm phong phú hoá nhạc Việt Nam qua những ca khúc trình bày bằng hợp ca, mà còn là khuyến khích sự tham gia của các thanh thiếu niên yêu nhạc Việt, tìm về văn hoá, cội nguồn qua âm nhạc. Năm 2007, với sự khuyến khích của nhạc trưởng Vũ Tôn Bình, một số thành viên trẻ của Ngàn Khơi đã sáng lập nhóm Sóng Xanh, gồm các giọng ca Đan Tâm, Việt Hải, Đỗ Quyên, Coco và Việt Trường, những nhạc phẩm các em trình bày đều mang âm diệu tươi vui, trong sáng. Khi giai điệu bài hát Gọi Tên Bốn Mùa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cất lên, nhìn xuống phía khán thính giả, cả thính phòng vừa nghe vừa lắc nhịp, hình như ai ai cũng thích thú với lối hòa âm vui tươi, mới mẻ của một ca khúc rất cũ, được trình bày theo nhịp điệu mới.
Một tiết mục được yêu chuộng nữa là ca khúc Nguyệt Cầm của nhạc sĩ Cung Tiến, do Hồ Đăng Tín soạn hòa âm, được trình bày bởi giọng ca ấm, trữ tình, thiên phú đang được mến mộ: Trần Thái Hòa. ũng như Bích Vân, Trần Thái Hòa đã nhiều lần xuất hiện trên sân khấu của Ngàn Khơi, cũng có thể xem như là “home coming" - “trở về nhà" trong chương trình này.

NganKhoi 3
Trái sang phải: MC Nguyễn Hoàng Dũng, MC Ysa, Ban Nhạc Cát Trắng, ca sĩ Tâm Đan.


Kết thúc phần 1 của chương trình, ban hợp xướng Ngàn Khơi dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương trở lại sân khấu với hai trong bảy tiểu khúc của trường ca Mẹ La Vang của Hồ Đăng Tín, “Nguyện Cầu” dựa trên điệu ru con của dân ca Nam Bộ và “Về Nhà Mẹ” viết theo tiếu khúc Tây Nguyên rộn ràng của người dân tộc Ja-rai. Cả hai bài đều cho thấy sự tập luyện và soạn bè công phu, khiến người nghe không thể không công nhận vị trí hàng đầu của ban hợp xướng Ngàn Khơi tại hải ngoại.
Trở lại với chương trình phần 2 là hai nhạc phẩm được yêu mến “Hòn Vọng Phu 3” của nhạc sĩ Lê Thương và “Nhớ Người Thương Binh” của Phạm Duy được trình bày qua bhx Ngàn khơi với phần lĩnh xướng của Phạm Hà, cả hai bài đều do nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm cho hợp xướng, vẽ lại hình ảnh người đàn bà chờ chồng đi chinh chiến và hình ảnh người đàn ông đi theo tiếng gọi của non sông để gìn giữ đất nước. Âm điệu tiết tấu theo lối hò, mở đầu vui vẻ trong cảnh thanh bình, rồi biến chuyển vào những khúc bè nữ cao như tiếng khóc nức nở. Điều thú vị là ban hợp xướng hát “chay” theo kiểu acapella không nhạc đệm. Nếu Ngàn Khơi có ý hát ca khúc này như lời tri ân của người hậu phương đến người thương binh, thì ban hợp xướng đã làm công việc này hoàn toàn xuất sắc, khiến cho cả thính phòng ngậm ngùi, cảm động.
Ca sĩ Bích Vân trở lại sân khấu với bài “Hà Nội Ngày Tháng Cũ” của ns Song Ngọc với âm điệu lãng mạn, da diết đưa người nghe trở lại không gian của Hà Nội những năm đầu thập niên 50. Thương Linh một lần nữa trở lại với biệt tài thổi làn điệu Jazz/Blues vào ca khúc Việt qua bài Tiếng Hát Ru Người” của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Người nghe cũng không thể không thắc mắc ban tổ chức Ngàn Khơi/Đàn Chim Tha Hương đã làm thế nào thuyết phục được các ca sĩ trẻ như Thương Linh, Bích Vân tập hát những ca khúc mới và hát rất “nhuyễn” như thế. Điều này một lần nữa lại thể hiện qua bài “Em Là Dòng Suối Nhỏ”, nhạc và lời của Hồ Đăng Tín do Đan Tâm (của ban Sóng Xanh) trình bày.
Một giọng hát mới xuất hiện trong phần 2 mang lại cho khán giả sự ngọt ngào bất ngờ là tiếng hát của Mộng Thủy, với hai bài Sài Gòn Chiều Mưa, nhạc và lời của Hồ Đăng Tín và bài Cửa Mùa Xuân, nhạc Hồ Đăng Tín phổ thơ Nhã Ca. Người yêu nhạc thính phòng đã làm quen với giọng hát rất ngọt của Mộng Thủy qua các chương trình của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, Ngàn Khơi, vv. hôm nay một lần nữa gặp lại và thấy mình hòa quyện vào chất giọng rất gần, rất thật, phát âm rõ chữ của người ca sĩ này. Hình ảnh Sài Gòn ngập nước khi trời mưa cũng như tâm tình của nhà thơ “Ôi tình yêu ngọt ngào như một vết thương” được Mộng Thủy gởi vào lòng của người nghe tự lúc nào mà cả thính phòng như bị thôi miên.
Bài Chú Cuội của nhạc sĩ Phạm Duy với sự trình bày của Ban Cát Trắng cũng thổi vào không khí buổi chiều nhạc sự sinh động, sôi nổi, tươi vui. Trần Thái Hòa trở lại với bài Thương Yêu-Hồ Đăng Tín và Bích Vân với bài Đóa Hoa Dâng Mẹ-Hồ Đăng Tín một lần nữa cho thấy sự gắng công tập luyện những bài nhạc mới mà các ca sĩ này chưa bao giờ hát trước đây.
Hai bài hát của Hồ Đăng Tín là “Chiến Sĩ Biệt Kích” và “Đàn Chim Tha Hương” với sự trở lại của Ban Hợp Xướng Ngàn khơi do ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển đã kết thúc chương trình với nốt nhạc hy vọng cho một quê hương đất nước Việt Nam thanh bình.
Sau 3 tiếng đồng hồ, sau những tràng vỗ tay không dứt, khán thính giả chia tay nhau trong không khí hào hùng của bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” và cùng nhau nói lời hẹn gặp trong chương trình Ngàn Khơi 2018.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.