Hôm nay,  

Pháp Gẫy Đòn Bẩy

23/05/200500:00:00(Xem: 5489)
Pháp muốn dùng Âu châu làm đòn bẩy để nâng thế lực của mình. Tuần tới, đòn bẩy đó sẽ gãy….
Chủ Nhật 29 này, dân Pháp có cuộc trưng cầu dân ý (référendum) để quyết định ủng hộ hay bác bỏ Hiến pháp Âu châu. Vài chục năm nữa, lịch sử sẽ còn nhắc đến biến cố này vì trong cả hai trường hợp chống hay thuận, nước Pháp đều đại bại.
Vốn ưa dí dỏm, dân Pháp đã chơi chữ với tên Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin mà gọi cuộc trưng cầu dân ý là "Raffarindum". Ông Thủ tướng vừa xuất viện nay có tỷ lệ ủng hộ nằm ngang tầm cỏ, 21%, và kết quả khảo sát từ gần hai tháng qua cho thấy đa số dân Pháp sẽ chống Hiến pháp. Người phải chịu trách nhiệm - mà không biết chữ thoái nhiệm - chính là lãnh đạo của Raffarin, Tổng thống Jacques Chirac. Dù Chirac có bám ghế tổng thống đến hết nhiệm kỳ - chứ không anh hùng bằng thần tượng Charles de Gaulle của ông ta mà từ chức khi ý dân đã tỏ - giấc mơ nước Pháp ấp ủ từ nửa thế kỷ sẽ ra màu sương khói.
Trước khi nói đến vụ trưng cầu dân ý và Hiến pháp Âu châu, hãy vẽ lại giấc mơ của Pháp.
Phú Lãng Sa láu cá
Người Việt ta chỉ biết đến Phú Lãng Sa (hay Pháp Lan Tây, nói kiểu Tầu) khi Pháp đã lụn bại mà mình chưa hay.
Nước Pháp kiệt quệ vì giấc mơ bá chủ Âu châu của Napoléon đẩy vào các cuộc viễn chinh kéo dài và 10 năm chinh chiến liên tục (1796- 1815), Pháp hết đụng Anh, Phổ (tiền thân của Đức) lại đánh Áo, Nga. Từ đấy, đã gần 200 năm rồi, Pháp hết ngự trị trên đỉnh Âu châu, nhưng… khỏe dùng sức, yếu dùng mưu, lãnh đạo Pháp có lắm mưu để thổi thế lực của con ếch thành con bò.
Bây giờ, đã đến lúc chúng ta kiểm lại thực tế ấy, khi ếch đang hoàn ếch.
Khi Pháp ra mặt tấn công Việt Nam thì cháu hờ của Napoléon lên lãnh đạo, là Hoàng đế Napoléon Đệ tam, mà Victor Hugo gọi mỉa là Napoléon le Petit - Napoléon Tiểu đế dưới cái bóng của Napoléon Đại đế. Lúc đó, dân ta chưa biết, cả triều Tự Đức còn khép nép trước cái thế lực mới lạ và dũng mãnh của Pháp và đành để cho họ sang "khai hóa" dân ta.
Thực ra, kể từ đấy, Pháp bị Đức tấn công ba lần và đều đại bại, 1870, 1914 và 1939.
Chúng ta chỉ nhìn rõ hơn về Pháp trong bối cảnh quốc tế từ 1945, khi quốc tế can thiệp vào Việt Nam.
Sau Thế chiến II và ba lần bị chiến tranh tàn phá, người Pháp chỉ mơ thế hợp tác toàn vùng Âu châu để nguy cơ chiến tranh khỏi tái diễn. Cộng đồng Than thép là bước đầu, dẫn tới Thị trường chung Âu châu (Cộng đồng Kinh tế Âu châu) xuất hiện đầu năm 1958. Nhưng, sáu tháng sau, khi Charles de Gaulle trở lại cầm quyền với nền Đệ ngũ Cộng hòa do ông thành lập. Con người ấy vốn không thích việc vặt, giấc mơ bá chủ Âu châu thời xưa lại nhen nhúm. Từ hợp tác kinh tế, Âu châu phải trở thành một thế lực ngoại giao, chính trị.
Khốn nỗi, Âu châu đã suy sụp vì chiến tranh và siêu cường Hoa Kỳ đã xuất hiện với sức mạnh kinh tế và quân sự cực kỳ đáng cần nên đáng ghét.
Hoa Kỳ lập hệ thống phòng vệ quân sự cho Tây Âu là Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO và kiến trúc tài chánh toàn cầu (hệ thống thành lập tại hội nghị ở Bretton Woods nên vẫn được gọi là "kiến trúc Bretton Woods", cho đến nay vẫn còn) nhằm trước tiên là tái thiết và phát triển Âu châu. De Gaulle không thích vậy. Năm 1966, Pháp rút khỏi cơ chế quân sự NATO để lập hệ thống phòng thủ độc lập, với sức mạnh nguyên tử của riêng mình ("force de frappe francaise") và trái bom nguyên tử mà người Pháp gọi mỉa là" bombette" - bom con. De Gaulle còn đến một đòn bẩy để dùng cái lực vài ký nâng thành cái thế ngàn cân.
Trong tâm trí của ông, quan niệm Âu châu như hòn cân giữa cán cân Đông-Tây - hay Nga-Mỹ - và lực đối trọng với Hoa Kỳ đã rõ nét.
Cộng đồng Âu châu ra đời với sáu nước sáng lập là Pháp, Đức, Ý và ba nước nhỏ là Hòa Lan Bỉ và tiểu quốc Luxembourg. Với ba nước nhỏ vốn đã bị tàn phá vì hai đại chiến - vàø kể thêm cả Ý Đại Lợi - Pháp dễ dàng giữ thế chủ động. Với nước Đức, lúc đó đã suy nhược, bị chia hai và đang ăn năn về tội ác Đức quốc xã, Pháp thủ vai độ lượng và nói câu hòa giải để là đại diện tiêu biểu của Âu châu. Đấy là thời cực thịnh của Pháp trong giai đoạn hậu chiến.
Về đối sách với Hoa Kỳ thì trong cõi Âu châu nhỏ bé ấy, Pháp thủ vai bá chủ và thuyết phục các nước kia rằng 1) Mỹ ở quá xa, khi hữu sự trong chiến tranh quy ước, Tây Âu sẽ nằm dưới chiến xa của Hồng quân trước khi lính Mỹ kịp thời đổ bộ; 2) hệ thống bảo vệ của Mỹ chỉ có giá trị nhờ võ khí nguyên tử, nhưng Mỹ không hy sinh lãnh thổ mình để bảo vệ Tây Âu trong chiến tranh nguyên tử; 3) vì vậy Âu châu nên tìm cách hòa dịu với Liên bang Xô viết, dĩ nhiên là với sự chủ xướng của Pháp.
Trong cái đầu đầy ý thức lịch sử của de Gaulle, liên minh thần thánh và truyền thống giữa Pháp và Nga có thể ổn định Âu châu - và mặc nhiên khống chế nước Đức, đại cường đối thủ của Pháp. Liên minh ấy lại càng cần thiết trước sự xuất hiện của Hoa Kỳ. Sinh tiền, de Gaulle vẫn nói đến một Âu châu kéo dài từ Đại Tây dương tới rặng Urals và trùm lên mạn Tây của Nga là trong ý nghĩa ấy.
Vào thời đó, chính quyền Mỹ không nhìn lịch sử như vậy và còn cố thuyết phục lại các đồng minh Âu châu, rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ đồng minh bằng mọi giá, ở mọi nơi bị khối cộng sản khiêu khích. Khi bị Hà Nội khiêu khích, Việt Nam được Kennedy chọn làm nơi chứng tỏ quyết tâm của Mỹ! Nhìn lại bối cảnh lịch sử ấy, ta hiểu rằng dù de Gaulle là nhân vật chống cộng, chính quyền ông lại rất chống Mỹ và trong cuộc chiến Việt Nam, xã hội Pháp lại có cảm tình với Hà Nội hơn Sàigòn. Do đó, việc Lyndon Johnson chọn Paris làm nơi hòa đàm để kết thúc chiến tranh Việt Nam là sự xuẩn động sau nhiều xuẩn động khác trong cuộc chiến.
Hơn mười năm trời, Pháp trở thành một thực thể đáng kể, có tiếng nói trên trường quốc tế, tiếng nói lớn hơn cái lực thực tế về kinh tế và quân sự của mình.
Nhưng, thời vàng son của nền ngoại giao láu cá này không kéo dài…
Pháp chỉ là bá chủ Âu châu trên danh hiệu khi Âu châu chỉ là một cộng đồng nhỏ. Năm 1973, khi Mỹ nhục nhã chứng tỏ sự bất lực của mình tại Việt Nam bằng Hiệp định Paris thì cũng là lúc Âu châu thoát xác thành một tập thể lớn hơn - tiền thân của Liên hiệp Âu châu ngày nay. Đó là năm Cộng đồng Âu châu đón nhận thêm hội viên, như Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan (Ireland) và, nổi bật nhất, cường quốc mà de Gaulle gọi là "ngựa chiến thành Troy" (nội tuyến) của Hoa Kỳ tại Âu châu: nước Anh.
Sinh tiền, de Gaulle kịch liệt chống việc Anh gia nhập Âu châu vì sợ Pháp mất vai trò chủ đạo chưa nói gì đến quan hệ khắng khít của Anh với Mỹ. Nhưng, ông không thể gác cửa Âu châu mãi: ông từ chức sau vụ khủng hoảng 1968 và cuộc trưng cầu dân ý về cải tổ hành chánh địa phương, rồi tạ thế hai năm sau. Ngược lại, Anh muốn vào Âu châu không để dùng diễn đàn Âu châu tăng cường thế lực như Pháp mà chỉ để muốn Âu châu khỏi thu hẹp quyền độc lập của mình. Đến giờ này, Anh vẫn không chịu thống nhất tiền tệ với Âu châu vì lẽ đó.
Và quả như de Gaulle e sợ, nước Anh trở thành cái gai của Pháp trong cơ chế Âu châu.
Đã vậy, khi Liên hiệp Âu châu chính thức thành hình, năm 1993, thì cũng là lúc cái loa Âu châu của Pháp bị rè. Âu châu ấy hết là sân chơi của Pháp.
Các nước có truyền thống trung lập như Áo (Austria), Phần Lan (Finland) hay Thụy Điển (Sweden) thì chả ưa gì kế hoạch thành lập một lực lượng quân sự phòng thủ Âu châu do Paris đề xướng; Tây Ban Nha (Spain) và Bồ Đào Nha (Portugal) thì có sân sau còn lớn hơn các cựu thuộc địa Á Phi của Pháp, là Mỹ châu La tinh; Hy Lạp thì nhìn xuống Địa Trung Hải hơn là theo đuổi kế hoạch an ninh của Pháp.
Chưa hết, nền ngoại giao láu cá của Pháp đã vàng vọt thì lại tàn phai với sự tan rã của Liên bang Xô viết vào năm 1991 và sự lúng túng của Nga trong cái "đại thế chính trị của Paris". Điều ấy khiến ta trở lại liên minh Nga-Pháp trong giấc mơ của de Gaulle, đối chiếu với thực tế mới.
Sự xuất hiện của "Âu châu mới"
Ít ai tin rằng Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld là người có viễn kiến lịch sử và nhiều người còn cho rằng ông thiếu tế nhị ngoại giao khi phũ phàng nói đến "Âu châu mới". Ông gây phản ứng mạnh vì hàm ý là Pháp cùng các sáng lập viên của Cộng đồng Âu châu là Âu châu già nua và đang lỗi thời trên địa bàn quốc tế, một giọng điệu rất cao bồi Mỹ, và nhìn từ Paris thì rất thiếu văn hóa.
Quả thật, Liên xô tan rã cũng là dịp lãnh đạo Pháp nhìn ra một vận hội mới, một cơ hội mới.
Muốn là tiếng nói có thế giá trên trường quốc tế thì phải có thế lực. Hoa Kỳ là siêu cường có sản lượng kinh tế gấp rưỡi Liên hiệp Âu châu (11.000 so với 7.000 tỷ Mỹ kim). Việc huy động Liên bang Nga vào Âu châu vì vậy là một cám dỗ lớn cho Paris. Pháp và Nga vốn ở xa nhau nên khó có tranh chấp, mà lại cùng có một ác cảm dễ hiểu với Hoa Kỳ vì siêu cường này ưa ngang ngược xen lấn vào thiên hạ sự của cả hai. Liên minh Nga-Pháp trong khuôn khổ Âu châu sẽ xây dựng được cái lực đối trọng với cái thế độc bá của Mỹ. Trong thời chiến tranh lạnh thì liên minh khó thành, mà chỉ có thể là đòn ngoại giao, tức là thiếu thực chất. Nay tình hình đã đổi khác. Viễn ảnh thành lập một Đại Âu châu mở rộng - từ Đại Tây Dương đến Urals như de Gaulle mơ ước - là một thế trận mới. Ở trên giấy.

Chứ đi vào thực tế, nỗ lực thống hợp của Pháp lại dẫn tới hai hậu quả trái ngược.
Đầu tiên, khi Âu châu chuẩn bị thống nhất tiền tệ lại là lúc Nga bị khủng hoảng nặng về kinh tế: đồng rúp Nga chỉ là tờ giấy lộn, ngân sách quốc gia của Nga chỉ bằng ngân sách thành phố New York. Nước Nga không thể gia nhập câu lạc bộ tiền tệ của Âu châu vì thiếu tiêu chuẩn về quản lý kinh tế. Trong tình trạng ấy Nga không thể là thành viên Liên Âu được. Rốt cuộc, sau ba năm chuẩn bị, việc thống nhất tiền tệ hoàn thành vào đầu năm 2002 có thể là bước nhảy vọt - nhất thời và huê dạng - của Âu châu, nhưng lại cản trở mục tiêu của Pháp là kết hợp với Nga. Láu quá hóa dại là như thế.
Đã vậy, năm ngoái, Âu châu còn nhận thêm 10 hội viên Đông Âu và Nam Âu.
Bảy trong số 10 hội viên mới lại bị Liên xô thống trị từ sau Thế chiến II - một phần là nhờ công lao u tối của Tổng thống Franklin Roosevelt tại Yalta. Sau nửa thế kỷ nếm mùi cộng sản họ không tin gì ở thiện chí hợp tác của Moscow. Không phải ngẫu nhiên mà nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Đức quốc xã bại trận tại Âu châu mà vào đầu tháng Năm vừa qua, Tổng thống Bush chính thức bày tỏ sự ân hận của Mỹ khi đã thỏa thuận chia đôi Âu châu với Liên xô tại Yalta năm 1945 khiến nhiều nước mắc nạn. Ông vừa kết án Hitler, Stalin lẫn phê phán Roosevelt và lấy lòng các nước nạn nhân của Liên xô, các thành viên mới hay sẽ là thành viên Liên Âu trong tương lai.
Tai hại thật, cùng với nước Anh là "ngựa chiến thành Troy", họ trở thành kỳ đà cản mũi Pháp. Trong Âu châu ngày nay đang xuất hiện "Âu châu mới" và họ coi giấc mơ bá chủ Âu châu của Pháp hay kế hoạch liên kết Nga-Pháp là trò vui của ông già bất lực.
Chúng ta hãy nhớ lại đi. Đầu năm 2003 - hai tháng trước khi Mỹ tham chiến tại Iraq - lãnh tụ tám nước Âu châu đã ra thư ngỏ ủng hộ vai trò của Hoa Kỳ tại Âu châu, chống Pháp muốn cản trở Mỹ tại Iraq và chọc quê nỗ lực của Paris là bày đối sách ngoại giao thống nhất cho toàn khối Âu châu. Tám nước đó là Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi và Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đan Mạch, Cộng hòa Tiệp. Vài ngày sau, hàng loạt các nước ông Âu còn lại cho biết là nếu được mời, họ cũng đã ký lá thư ngỏ này. Âu châu mới đã lên tiếng.
Như vậy, Rumsfeld không bốc đồng nói bậy, ông trình bày quan điểm chính quyền Bush căn cứ trên thực tế mới và được nhiều nước Âu châu ủng hộ, trước sự tuyệt vọng và hậm hực của Paris.
Tuy vậy, mặc dù giấc mơ lãnh đạo Âu châu của Pháp đã tan, Tổng thống Chirac vẫn chưa tỉnh. Ông tung ra cuộc trưng cầu cho dân Pháp trả lời vào ngày 29 này.
Hiến pháp và thiến Pháp
Năm xưa, Tháng Tư 2002, Chirac chủ quan tổ chức bầu cử sớm và Pháp bị khủng hoảng khi lực lượng cực hữu Mặt trận Quốc gia thắng cử vẻ vang. Thủ tướng Lionel Jospin của đảng Xã hội rút lui và qua vòng hai, cánh tả bùi ngùi dồn phiếu cho Chirac để ngăn làn sóng Jean-Marie Le Pen. Thực ra, làn sóng ấy chỉ là mặt nổi. Sóng đáy chính là sự bất mãn lan rộng của dân Pháp khi thấy bản sắc mình bị hòa tan trong những chuyển động mới của xã hội và thế giới.
Năm nay, thay vì để Quốc hội Pháp dễ dàng bỏ phiếu thông qua, Chirac lại muốn hỏi ý dân về Hiến pháp Âu châu. Dù ông đích thân vận động dân chúng ủng hộ văn kiện này, kết quả vẫn bấp bênh vì cho đến lúc cuối, tỷ lệ ủng hộ chưa đạt đa số - dù có gia tăng từ vài tuần nay.
Hãy nói về văn kiện đó. Bản Hiến pháp đồ sộ và rườm rà này do cựu Tổng thống Valérie Giscard d'Estaing là trưởng ban soạn thảo: Pháp đóng chốt kỹ để chi phối được tương lai Âu châu trong cái khung pháp lý do vị tổng thống cùng xu hướng trung hữu - dù không cùng đảng - với Chirac soạn ra. Pháp quả là bậc đại trí Âu châu nên vạch ra con đường mới cho các nước cùng đi. Khốn nỗi, thế giới lại không thấy ra sự khôn ngoan ấy vì mải nhìn vào hai biến cố mới, vụ khủng bố của al Qaeda năm 2001 và phản đòn của Mỹ với chiến dịch tấn công Iraq năm 2003.
Khi sự việc bùng nổ, Chirac tích cực lên lưới chặn banh Mỹ trên chiến trường Iraq, với hậu thuẫn của Thủ tướng Đức năm đó đang phải tái tranh cử và tận dụng lá bài chống Mỹ để hốt phiếu. Sự sốt sắng chống Mỹ của Paris làm nhiều nước Âu châu giật mình, rồi khó chịu. Chả lẽ Âu châu thống nhất sẽ có tiếng nói đối ngoại thống nhất là tiếng nói của Paris sao"
Quan điểm của các nước chống Pháp được trình bày trên báo và cũng ảnh hưởng đến bản Hiến pháp mà dân Pháp sẽ phê chuẩn tuần tới.
Nhiều nhà bình luận đã hời hợt cho rằng dân Pháp sở dĩ chống bản Hiến pháp là vì bất mãn với chính quyền của Tổng thống Chirac và Thủ tướng Raffarin. Thực ra, nỗi phân vân của dân Pháp lại phức tạp hơn vậy vì trong cả hai phe tả hữu - thậm chí ngay trong đảng cầm quyền của Chirac - cũng có người chống.
Mà họ phân vân cũng phải vì trong cả hai trường hợp chống hay thuận, Pháp đều bị kẹt và hết quyền tự tung tự tác trong cơ chế Âu châu.
Theo Hiến pháp, các thành viên Liên hiệp Âu châu đều có ngoại giao độc lập. Liên Âu chỉ có đối sách chung trên từng lãnh vực được toàn thể 25 thành viên đồng ý. Như vậy, nếu Hiến pháp được dân Pháp đồng ý, từ nay Pháp khó thuyết phục được Ba Lan, Hung Gia Lợi hay Romania, Estonia ủng hộ kế hoạch liên kết với Nga (dù chính thức là không để chống Mỹ). Bulgaria và ba hội viên vùng Baltic sau này (Estonia, Latvia và Lithuania) sẽ cùng Anh cản trở kế hoạch chống Mỹ của Pháp. Paris có ve vãn Turkey trước khi nhận xứ này vào Liên Âu thì lại gặp trở ngại với hai hội viên Địa Trung Hải là Hy Lạp và Cypress…
Tức là cái khung pháp lý trong tương lai sẽ là cái cùm ngoại giao. Con gà sống Gaulois, biểu tượng của Pháp, hết tiếng gáy. Hiến pháp mới cũng sẽ là cái cùm kinh tế cho Pháp vì sự đối chọi giữa hai hình thái kinh tế khác nhau ngay trong nội bộ Liên Âu.
Pháp dẫn đầu Âu châu về đường lối kinh tế thiên tả, với vai trò bao cấp rất mạnh của chính quyền, dù là một chính quyền trung-hữu. Anh dẫn đầu chủ trương phát triển tự do, dù Thủ tướng đương thời Tony Blair là lãnh tụ đảng Lao động. Chủ trương này gần với đường lối Hoa Kỳ hơn. Một khi chung gạo thổi cơm, các thành viên Liên Âu chưa chắc đã đồng ý với đường lối bao cấp của Pháp. Hầu hết các thành viên mới gia nhập năm 2004 và kể thêm Bulgaria hay Romania sẽ gia nhập năm 2007 đều nghiêng về đường lối kinh tế Anh-Mỹ: họ đã dày kinh nghiệm bao cấp của xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, trong khi Paris đòi làm cái loa ngoại giao cho toàn khối Âu châu thì cũng bị đa số các thành viên Liên Âu than phiền về đường lối kinh tế của mình. Đã thế, Hiến pháp Âu châu không đòi nhất trí kinh tế y như nhất trí ngoại giao - trừ chánh sách thuế khóa, vốn là yếu tố khiến doanh nghiệp Pháp bị giảm sức cạnh tranh. Ngay trước mắt, dân Pháp đã thấy mệt khi công ty Pháp sang đầu tư ở xứ khác của Âu châu để trả thuế nhẹ hơn, lương thấp hơn!
Như vậy, nếu được áp dụng, bản Hiến pháp sẽ khiến Pháp bị chìm trong đa số thân Mỹ, lại còn bị các nước kia áp đặt loại chánh sách kinh tế mà dân Pháp không ưa! Mất tiếng gáy, con gà Gaulois còn hết đất múa.
Gật hay lắc cũng thua
Cần nhắc lại rằng ngay trong trường hợp bản Hiến pháp được đa số dân Pháp đồng ý, Âu châu vẫn hết là bàn đạp của Pháp. Con gà sống Gaulois sẽ là con gà sống thiến. Chỉ còn bộ mã là đáng kể.
Tại sao dân Pháp có lắc hay gật thì nước Pháp vẫn như con gà nuốt dây thun" Lý do là nếu dân Pháp chống Hiến pháp - hay bất cứ nước nào khác không đồng ý - bản văn này sẽ vô giá trị. Gặp kịch bản ấy, Thỏa ước Nice hiện hành vẫn là khung pháp lý có giá trị.
Cứ theo Hiến pháp mới thì mọi quyết định của Liên Âu phải hội đủ đa số 55% các nước hội viên đại diện cho ít nhất 65% dân số của toàn khối. Với luật chơi ấy, liên minh Pháp Đức còn có chút hy vọng khuynh đảo vì tất cả các nước còn lại phải nhất trí thì mới đủ túc số phủ quyết. Nhưng nếu dân Pháp bác bỏ Hiến pháp vào Chủ Nhật này thì một điều khoản sinh tử của Thỏa ước Nice lại còn giá trị cưỡng hành: các nước nhỏ có cái thế biểu quyết mạnh hơn dân số của họ, và càng nhỏ càng có lợi. Dân số Pháp là gần 60 triệu cũng không bằng 20 triệu dân của ba nước Baltic và Cộng hòa Tiệp, vốn dĩ vẫn nghi ngờ xu hướng thỏa hiệp và thân Nga của Pháp! Huống hồ Liên bang Nga đang bị Hoa Kỳ bào mỏng từng lớp lại từng lớp…
Cho nên, thắng bại gì trong màn trưng cầu dân ý tuần tới, Pháp cũng rơi vào thực tế bẽ bàng: đòn bẩy Âu châu bị gãy, Pháp đành lầu bầu chống gậy đứng cùng hàng ngũ các nước trung bình của Âu châu. Và ứa lệ nhìn sang Liên bang Nga nay sắp thành Cộng hòa Nga, một nước trung bình và bình thường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.