Hôm nay,  

Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại: Lực Lượng Dân Xã Đảng Tại Vùng Hậu Giang

05/03/200500:00:00(Xem: 6207)
Kỳ 44:
LTS. Tiếp theo phần 1 của loạt bài " Vĩ tuyến 17, Hiệp định Genève, 50 năm nhìn lại", đăng vào số báo thứ Bảy hàng tuần, kể từ đầu tháng 9/2004, VB giới thiệu tiếp phần 2 về tình hình tại miền Nam từ sau Hiệp định Genève đến thời kỳ 1955-1956. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực VNCH trong giai đoạn 1946-1955 (Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Đông Dương Hấp Hối của cựu Đại tướng Quân đội Pháp Henri Navarre; hồi ký của các cựu Tướng lãnh VNCH: cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, cựu Đại tướng Cao Văn Viên; Việc từng ngày 1945-1964 của tác giả Đoàn Thêm; tài liệu riêng của VB.
*Tiến trình hình thành lực lượng vũ trang Dân Xã Đảng của Giáo phái Hòa Hảo
Theo tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH trình bày trong Quân sử 4, tiến trình hình thành và phát triển lực lượng Dân Xã Đảng của Giáo phái Hòa Hảo được ghi nhận như sau.
Ngày 21 tháng 9/1946, Đức Huỳnh Giáo Chủ cùng với ông Nguyễn Văn Sâm và một số trí thức thành lập đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, gọi tắt là Việt Nam Dân Xã Đảng. Trong một thời gian ngắn, Việt Nam Dân Xã Đảng phát triển mạnh, và được sự hậu thuẫn rất lớn tại miền Tây Nam phần Việt Nam. Các đảng viên Dân Xã Đảng chính là thành phần nòng cốt của lực lượng quân sự giáo phái Hòa Hảo. Từ năm 1947 đến năm 1954, lực lượng võõ trang của giáo phái Hòa Hảo có 4 hệ phái gồm: lực lượng Trần Văn Soái, tức Năm Lửa, hoạt động tại Cần Thơ, Vĩnh Long, đặt bản doanh tại Cái Vồn; lực lượng Lâm Thành Nguyên, tức Hai Ngoán, hoạt động tại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc, bản doanh đặt tại Cái Dầu.; lực lượng Lê Quang Vinh ( tức Ba Cụt) đóng bản doanh tại Thốt Nốt (Long Xuyên), kiểm soát vùng Rạch Giá, Long Xuyên; lực lượng Nguyễn Giác Ngộ đặt bản doanh tại Chợ Mới, đóng tại một vài khu vực trong tỉnh Long Xuyên.
*Kế hoạch phối trí lực lượng Dân xã đảng trong năm 1955
Sau Hiệp định Genève, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam đã có kế hoạch sát nhập các lực lượng giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo. Tuy nhiên, trong tháng 8/1954, chỉ có một số binh đoàn giáo phái sát nhập vào hệ thống Quân đội Quốc gia. Về giáo phái Hòa Hảo chỉ có 1 binh đoàn 3 ngàn người của lực lượng Trần Văn Soái và 3 ngàn người thuộc lực lượng Nguyễn Giác Ngộ Nguyễn Thành Phương, về quy thuận Chính phủ và được cải biến thành các Trung đoàn Bộ binh.
Khi Quân đội Quốc gia Việt Nam khai diễn chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 1 (23/5-12/8/1955) đã trình bày trong phần trước, qua chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 1, lực lượng giáo phái Hòa Hảo chống Chính phủ Quốc gia VN bị phân tán. Đầu tháng 9/1955, lực lượng Hòa Hảo của ông Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt), trung tướng lực lượng giáo phái, dưới danh xưng là Quân đội Dân Xã Đảng Việt Nam đã tản mác khắp nơi, đã về tập trung vùng Nam Thái Sơn và Ba Thê. này.Trước áp lực của các binh đoàn giáo phái ly khai đè nặng xuống nhiều khu vực của miền Tây, Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đợt 2 được khai diễn vào ngày 29-9-1955 và kéo dài đến 17-10-1955. Cuộc hành quân này có mục đích tiêu diệt lực lượng Hòa Hảo của ông Ba Cụt đồng thời chiếm đóng trụ đường Rạch Giá-Hà Tiên để phá huỷ các cơ sở của đối phương..
Như đã trình bày, ông Lê Quang Vinh khi được tin Quân đội Quốc gia VN lại tiếp tục mở cuộc hành quân tại miền Tây, ông quyết tử chiến và đã thảo một bản quân lệnh với danh xưng là Trung tướng Tổng tư lệnh Quân đội Dân Xã Việt Nam gửi cho các cơ quan, đơn vị quân sự trực thuộc ở trong các vùng ảnh hưởng của ông, để theo đó mà thi hành. Lực lượng Quân đội Quốc gia ít lâu sau bắt được bản quân lệnh này được phổ biến ngày 6-11-1955. Sau đây là phần lược trình về sự phối trí của lực lượng Dân Xã Đảng theo quân lệnh của ông Lê Quang Vinh. Một số chi tiết trong phần này đã được trình bày trong bài tổng lược về chiến dịch Đinh Tiên Hoàng.

Theo sự phân nhiệm của ông Lê Quang Vinh, Tư lệnh Lực lượng Dân Xã Đảng , nỗ lực chính của lực lượng là Trung đoàn Lê Quang, được giao nhiệm vụ phòng thủ tại Ba Thê. Tiểu đoàn Các đơn vị khác gồm: Tiểu đoàn 205 Lê Lợi tác chiến tại cả ba kinh Ba Thê Mới, quyết chiến tại mặt trận Núi Tróc, Núi Tượng.Tiểu đoàn 210 tác chiến tại kinh Mốp Văn. Tiểu đoàn 206 Lê Lợi chịu trách nhiệm phá con đường từ cầu số 5 đến ngã ba lộ cái Long Xuyên-Châu Đốc. Tiểu đoàn Năm Núi đào lộ đánh xe nhà binh, phá cầu làm chứơng ngại sự lưu thông trên con đường từ Ô Môn tới Cần Thơ. Tiểu đoàn 20 tác chiến tại Ô Long Vĩ (Châu Đốc) . Tiểu đoàn Hồng Châu chịu trách nhiệm phá cầu, đào lộ từ Sa Đéc đến Vàm Cống và nã trọng pháo vào châu thành Sa Đéc. Trung đoàn Lê Lợi trách nhiệm điều động trọng pháo bắn tàu binh đường Long Xuyên-Núi Sập Trung đoàn Nguyễn Huệ bố trí các đồng rừng Giồng Triêng Gò Quéo. Tiểu đoàn chủ lực Thất Sơn phân ra hai bộ phận: đột kích ngã ba kinh Tám Ngàn, liên tiếp nã trọng pháovào Xà Tôn.
Trong tháng 12/2955, sau những cố gắng qua các cuộc hành quân liên tiếp của chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, lực lượng Quân đội Quốc gia VN vẫn không tiêu diệt được chủ lực của đối phương.
Miền Tây Nam thuộc ảnh hưởng của ông Ba Cụt. mặc dù bị săn đuổi, nhưng các đơn vị của Dân Xã Đảng do ông Ba Cụt tổng chỉ huy vẫn chưa bị tiêu diệt, vẫn còn khả năng quay rối các đồn bót và các thôn xóm, nhất là tại vùng biên thùy Cam Bốt- Việt Nam, gây bất an trên các trục lộ giao thông bằng lối đánh du kích.
*Lực lượng Dân Xã Đảng tại Hậu Giang sau chiến dịch Đinh Tiên Hoàng.
Để chỉnh đốn và phân định chiến trường hoạt động, Tư lệnh Lực lượng Dân Xã Đảng Lê Quang Vinh đã chia vùng Hậu Giang ra làm bốn khu chiến với sự phối trí như sau.
-Khu Giồng Riềng (Rạch Giá): Khoảng 200 người có Tiểu đoàn 21 đóng tại An Giồng Riêng.
-Khu Ba Thê: khoảng 400 người có Tiểu đoàn Hồng Châu đóng tại vùng Thới Long (Cần Thơ), Đại đội 30 Dân xã đóng trên kinh Bốn Tổng, Đại đội đặc biệt đóng trên kinh Tri Tôn.
-Khu Hà Tiên: Khoảng 200 người trong đó có quân số của Tiểu đoàn chủ lực Thất Sơn đóng tại Vĩnh Phú.
-Khu Châu Đốc: Khoảng 400 người có quân số của Tiểu đoàn 19 đóng tại Tân An, Tiểu đoàn 7 đóng tại Phú Hữu, Tiểu đoàn 20 đóng tại Vĩnh Ngươn, Đại đội 31 Dân xã, Đại đội 2 phòng vệ đóng tại vùng kinh Thần Nông, Tiểu đoàn Phan Thanh Giảng đóng tại Mương Kinh dọc theo bờ sông Tiền Giang, Tiểu đoàn Lê Văn Duyệt đóng tại vùng rạch Sở Thượng.
Ngoài quân số trên, lực lượng Dân Xã Đảng còn 4 trung đoàn chủ lực di động trên khắp khu vực vùng Hậu Giang. Đó là:
-Trung đoàn Bắc Tiến còn khoảng trên 200 người.
-Trung đoàn Nguyễn Huệ có quân số còn khoảng 200 người (các tiểu đoàn 201, 2002 và 204 sau cần lần thất bại, quân số hao hụt nên đã bị giải tán)
-Trung đoàn Lê Quang còn khoảng trên 300 quân.
-Trung đoàn Lê Lợi còn khoảng 100 người.
Ông Lê Quang Vinh gọi lực lượng của mình là Nghiã quân cách mạng hoạt động trong Dân Xã Đảng, và ông có danh xưng là Trung tướng Tổng tư lệnh Quân lực Dân Xã Đảng. Ông Lê Quang Vinh đã về hợp tác với Pháp ngày 30-1-1948, nhưng cũng từ ngày này đến cuối tháng 3/1953, ông đã 3 lần quy thuận và 3 lần ly khai. Cứ mỗi lần quy thuận và ly khai như vậy, ông lại lấy thêm được tiền tài và vũ khí để phát triển binh lực của ông. Điều đáng nói là người Pháp không lấy thế làm tức giận và vẫn kiên nhẫn đón nhận mỗi lần quy thuận của ông, chỉ cốt kiềm hãm lực lượng của ông không theo Cộng sản, mà ngược lại khai thác lực lượng này đánh kẻ địch chính là Việt Minh.
Vào lúc chưa xảy ra các cuộc giao tranh với lực lượng Quân đội Quốc gia, ông đã củng cố lực lượng Dân Xã Đảng. Lực lượng này đã có các tỉnh đảng bộ và quận bộ thuộc 6 tỉnh miền Tây: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sa Đéc, Rạch Giá và Hà Tiên. Sự tổ chức này cho thấy ông Lê Quang Vinh đã lập đảng bộ ngay cả tại những vùng thuộc sự kiểm soát của lực lượng Trần Văn Soái. (Kỳ sau: Các cuộc hành quân của QL.VNCH tảo thanh lực lượng Dân Xã Đảng tại Hậu Giang trong năm 1956).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.