Hôm nay,  

Tưởng Nhớ Họa Sĩ Đinh Cường

15/12/201600:02:00(Xem: 6885)

blank

Phan Chánh Khánh, Huỳnh Hữu Ủy, Đinh Cường, Trịnh Cung, Lữ Quỳnh và Khánh Trường. Trong triển lãm tranh Đinh Cường và Nguyễn Đinh Thuần năm 2007 tại tòa soạn Việt Báo thành phố Westminster Nam California.

   

TƯỞNG NHỚ HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG.

 

Phan Chánh Khánh.

 

Trong tâm trí tôi vẫn còn nguyên hình ảnh ba tấm tranh mang tựa đề  “Trăng qua vùng động đất “, “Đồng nhập” và “ Nghĩa địa của voi “  của họa sĩ Đinh Cường . Cả ba tấm đều là tranh trừu tượng được in lại trong một bài viết về họa sĩ Đinh Cường đăng trên tạp chí Thế Giới Tự Do cách nay lâu lắm rồi, tôi không nhớ năm nào. Từ cái thuở tôi bắt đầu chập chững đi vào thế gìới nghệ thuật tạo hình. Đinh Cường là thần tượng mà tôi mến mộ và ảnh hưởng khá sâu sắc trong những tấm tranh đầu tiên cuả tôi vẽ tại trường Mỹ thuật Huế vào năm cuối trước khi ra trường. Có lẽ không riêng tôi mà hầu hết các bạn đồng lớp rất thích lối vẽ của Đinh Cường, như một hiện tượng sáng tạo mới đương thời, một thứ ngôn ngữ rất mới trong hội họa.

 

Họa sĩ Đinh Cường được bổ dụng về dạy tại trường Mỹ thuật Huế đúng vào năm lớp chúng tôi học sáng tác tranh. Tôi nhớ hình ảnh thầy Đinh Cường với nụ cười hiền hòa thân thiện. Ông nói năng từ tốn chậm rãi. Cái nhìn của ông vào những bệt màu, những mãng chất liệu, những rung động và đam mê trong tranh của sinh viên với mấy sáng tác đầu tiên như khuyến khích, chia sẻ. Lối chỉ dạy hướng dẫn sinh viên trong sáng tác hội họa giáo sư Đinh Cường không áp dụng theo mô phạm trường lớp cổ đìển. Ông để cho sinh viên tự do làm việc và ông cũng lao vào với đống sơn màu, cọ vẽ, dao vẽ. Ông vừa làm việc vừa chỉ bày kỹ thuật sử dụng chất liệu để đưa lên tranh. Ông gợi ý cho chúng tôi những bố cục đầy sáng tạo, để từ đó chúng tôi có nhiều cảm hứng hăng say làm việc. Nhiều lúc thầy trò im lặng làm việc bên nhau không ai nói với ai một lời nào cả. Rồi sau đó ông thường rũ chúng tôi cùng ra quán cà phê Tôn quen thuộc, bên góc đường trước cổng Hiển Nhơn nhâm nhi và trò chuyện. Giáo sư Đinh Cường được trường bố trí một căn nhà nhỏ ở phía sau trường cho gia đình cư ngụ. Bên cạnh nhà là một căn phòng dùng làm studio để vẽ tranh. Nơi đây cũng là chỗ sinh hoạt văn nghệ. Thầy trò cùng bè bạn thỉnh thoảng có những bữa cà phê trà lá và uống rượu cùng nhau rất thân tình. Mùa hè năm đó lớp chúng tôi tổ chức một triển lãm tại Thư viện Văn hóa Hoa kỳ, lấy tên là nhóm họa sĩ trẻ Huế. Gồm có Phan Thế Bính điêu khắc, Hồ Đăng Hòa, Tôn Nữ Tường Hoa, Phan Chánh Khánh, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Nguyễn Khoa Nhy,Phan Chánh Nguyên, Dương Đình Sang, Trần Trọng điêu khắc và Hoàng Tuấn sơn mài. Cuộc triển lãm tạo được một niềm tin vào khả năng sáng tạo của lớp trẻ hồi đó. Giáng Sinh năm 1973 nhóm bốn người chúng tôi là Phan Chánh Khánh, Dương Đình Sang, và vợ chồng Tường Hoa Nguyễn Khoa Nhy cùng làm một triển lãm tranh sơn dầu và lụa để giúp vào qũy cứu trợ bão lụt miền trung. Qua hai cuộc trình bày các tác phẩm nghệ thuật tạo hình nói trên chúng tôi vẫn không quên sự trợ giúp tích cực về mặt tinh thần của họa sĩ Đinh Cường, một họa sĩ đàn anh đã nỗi tiếng. Anh thường xuyên có mặt tại cuộc triển lãm để trò chuyện. Ở Huế, những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật vào thời đó rất trang trọng. Ngày khai mạc và suốt thời gian triển lãm giới trí thức và văn nghệ sĩ thường tề tựu rất đông. Anh chị em học sinh sinh viên cũng rất thích thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật và cũng rất gần gũi với chúng tôi.

 

Tuy chúng tôi đã tốt nghiệp nhưng chưa ra khỏi trường vì chương trình học còn kéo dài thêm ba năm nữa. Các trường Mỹ thuật trên toàn quốc đang đự định chuyển đổi từ hệ Cao đẳng sang hệ Đại học bốn năm.

Tôi chuyển vào Sài gòn học tiếp ở Mỹ thuật Gia định một năm…Rồi biến cố 1975 đã xáo trộn hết mọi việc. Sự khốn khó mỗi lúc mỗi khó khăn hơn.Tôi không còn liên lạc với trường Mỹ thuật nữa. Hoàn cảnh đã khiến tôi rời xa bút cọ dầu sơn, không còn thời gian và cơ hội để tiếp tục sáng tác tranh nữa. Những áp lực tinh thần từ cuộc sống buộc tôi phải làm công việc khác để kiếm sống. Mãi đến năm 1980 khi tôi gặp lại họa sĩ Tôn Thất Văn, cũng là thầy dạy hội họa ở Mỹ thuật Huế trước đây, tại Làng Báo Chí Thủ đức Sài gòn. Mối lương duyên này đã đưa tôi trở lại với hội họa và được gặp gỡ nhiều vị đàn anh trong giới văn nghệ và tranh tượng. Anh Đinh Cường, người họa sĩ mang đầy chất thơ cũng đưa gia đình vào Sài gòn sinh sống. Thời gian này tôi có dịp được xem rất nhiều sáng tác tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường. Tôi vẫn thường lui tới căn gác nơi gia đình ông cư ngụ và căn phòng nhỏ ở bên trong xóm Tân định là studio của họa sĩ Đinh Cường. Có lẽ chất thơ đã làm cho tranh của họa sĩ Đinh Cường quyến rũ người xem hơn. Khoảng thời gian này ông ít khi làm tranh trừu tượng hay siêu thực. Trong tranh ông xuất hiện nhiều thiếu nữ hơn và không gian của những nhân vật này là khung trời Đà lạt mù sương, có chóp nhà thờ ẩn hiện và xứ Huế với đền đài lăng tẩm rêu phong màu lục pha nâu sẫm.  Chất liệu xanh xám ẩn trong sương mờ, và một giải khăn choàng màu cam của thiếu nữ khuê các thật bất ngờ mà đằm thắm vô cùng. Họa sĩ Đinh Cường đã tạo cho riêng ông một thế giới rất Đinh Cường. Thấy tranh ông thì không thể nhầm lẫn với bất cứ ai. Đến phòng triển lãm tranh Đinh Cường tôi cảm thấy mình như bay lượn rồi biến mất chính mình, chỉ còn những chất màu lạ nó quyền rũ và những hình hài thơ mộng choáng ngợp cả tâm hồn. Nếu không có âm thanh người cười nói chung quanh, tôi tưởng mình không thoát ra khỏi thế giới màu sắc đó. Tuy thường đến thăm chơi studio của Đinh Cường nhưng không mấy khi tôi nhìn thấy ông đang vẽ. Ông nói với tôi rằng, ông thích làm việc một mình khi trời đã về khuya, với bao thuốc lá ông miệt mài say đắm vẽ và suy tư. Nhiều khi không vẽ mà chỉ ngồi làm thơ.  Tôi còn lưu giữ một bài thơ của Đinh Cường làm tặng tôi vào một buổi chiều anh đến nhà tôi chơi. Hai anh em ngồi uống rượu suông và ngoài trời đang mưa. Ngay bên bàn tôi vẽ tranh lụa, anh tiện tay viết ngay lên tờ giấy tôi thử màu. Ngày đó tôi chỉ vẽ lụa chứ không vẽ tranh sơn dầu. Anh Đinh Cường là một trong những người giới thiệu tranh lụa của tôi đến với khách mua. Và số tranh tôi bán được do anh giới thiệu khá nhiều. Cũng từ anh tôi có dịp được quen biết thêm một số nhà văn nhà thơ mà trước đó tôi chỉ biết họ qua sách báo văn học nghệ thuật. Phần đông họ là bạn bè khá thân thiết với anh Đình Cường. Như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Định Giang, Lữ Quỳnh… và hẳn nhiên phải kể đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.


 

blank 
th
ơ

tặng phan chánh khánh

ngươi nhỏ hơn ta chừng đó tuổi

ta về uống rượu với ngươi suông

ngươi cứ cày trên từng thớ lụa

đừng quên đồi núi còn trăng sao

đừng quên đời có dòng sông rộng

chở từng con sóng của bao la

chở nguồn sáng tạo vô cùng tận

hay chỉ là ta

chiều đã tà

mai lại hừng lên con sóng dữ

hừng lên một mặt trời chói lòa.

ĐC 5/7/87

 

Gần mười năm ở Sài gòn, kể từ khi tôi trở lại với hội họa là khoảng thời gian tôi được làm việc gần gũi với anh Đinh Cường dài nhất. Mặc dù không động tay vào sơn dầu nhưng cái thứ chất liệu ấy và mùi thơm của dầu huile de lin, chúng tôi hay gọi là dầu cá, vẫn quanh quẫn trong tôi, vẫn là một thứ quyến rũ mãi mãi trong đời. Hồi đó tôi vẽ tranh lụa như một cách để kiếm sống thôi và cũng quá bận rộn với công việc này nên tôi không còn thời gian để ngồi vẽ tranh sơn dầu nữa. Anh Đinh Cường hiểu cho tôi điều này, những giòng thơ anh như nhắn nhũ tôi đừng quên giòng sông sáng tạo vẫn cuồn cuộn trong đời. Hai anh em thỉnh thoảng đi uống rượu quán Tư Râu ở ngã tư Hàng Xanh, hay đi ăn thịt bò beefsteak Chateaubriand, anh hay nói chuyện về sơn dầu, về một bức tranh anh mới vẽ xong.

 

Khoảng năm 1989 gia đình họa sĩ Đinh Cường định cư ở Mỹ, tiểu bang Virginia. Anh có gởi thư về thăm hỏi và kể cho tôi về đời sống khá năng động bên đó. Mấy năm sau khi ở California tôi chỉ liên lạc được với anh thời gian đầu rồi sau đó tôi bị cuốn vào cuộc sống quá nhiều thôi thúc, buộc tôi phải lao đi làm bất cứ việc gì để sinh tồn và nuôi gia đình. Lại một lần nữa tôi phải rời xa bút cọ, tạm quên đi hội họa và cũng không còn tin tức gì của anh Đinh Cường nữa. Tôi sống lầm lũi và khô khan. Thời gian và không gian nơi đây chỉ còn là hoài niệm. Cũng chỉ vì đời sống mà tôi phảì bôn ba qua kiếm việc tận phía Bắc Texas. Không sống nổi vì quá cơ cực tôi lại trở về Cali. Cuộc sống tạm ổn. Năm 2007, tôi được gặp họa sĩ Đinh Cường trong triển lãm tranh sơn dầu của anh và họa sĩ Nguyễn Đình Thuần tại tòa soạn Việt Báo ở thành phố Westminster phía Nam tiểu bang California. Thấy anh, tôi hơi ngỡ ngàng, bẵng đi một thời gian quá dài, mười bảy năm, anh thay đổi nhiều, trông anh không còn khỏe mạnh như xưa, chân anh bước đi đã hơi khập khiểng, tóc anh thưa đi. Nhưng đôi mắt vẫn sáng, vẫn nụ cuời hiền hậu. Biết tôi không còn vẽ vời gì cả, anh chỉ lắc đầu mà không nói gì cả. Trong suốt cuộc gặp gỡ anh cũng không chuyện trò gì nhiều. Thấy anh bận tiếp khách và tôi mặc cảm vì nghĩ mình không làm gì được cho nghiệp dĩ của mình tôi cũng đành im lặng.

 
C:\Users\Khan\Documents\Scan0001.jpg
 Anh Đinh Cường, Phan chánh Khánh và ha sĩ Nguyn Đình Thun
 

Tôi không nghĩ đây là cơ hội cuối cùng tôi được đứng cạnh họa sĩ Đinh Cường. Mấy năm sau anh có gởi tranh về triển lãm nhưng anh ít khi về Cali. Đi làm xa ở tiểu bang Indiana và mãi đến cuối năm 2015 tôi mới trở về Cali nên tôi không được biết nhiều về những sinh hoạt nghệ thuật ở đây. Một hôm tôi tình cờ thấy một tấm hình post trên Face Book của cô em họ, họa sĩ Hoàng Ngọc Nga là vợ của họa sĩ Đinh Tráng em trai của anh Đinh Cường. Tôi không nhận ra người đàn ông trong tấm hình là anh Đinh Cường. Hoàng Ngọc Nga cho tôi biết anh Đinh Cường bị bạo bệnh, phải cạo trọc đầu. Đến tháng Giêng ngày mồng 7 năm sau Đinh Tráng nhắn với tôi là anh Đinh Cường đã qua đời tại bệnh viện ở Virginia.
 

Trên các phương tiện truyền thông ở hãi ngoại cũng như trong nước đều đưa tin về sự ra đi của họa sĩ Đinh Cường. Tôi được đọc rất nhiều bài viết về họa sĩ Đinh Cường đăng trên các tờ báo Việt ngữ lớn tại Hoa kỳ. Sau đó Hội VAALA có tổ chức một buổi lễ tưởng niệm họa sĩ Đinh Cường tại tòa soạn Việt Báo ở Orange County California. Cô Lê Đình YSa Giám đốc VAALA mở đầu buổi lễ với giọng đầy nước mắt khi nhắc lại những kỹ niệm về họa sĩ Đinh Cường.Tại buổi lễ này tôi được nghe nhà thơ Du Tử Lê nói về những bài thơ của  Đinh Cường. Được nghe họa sĩ Ann Phong, cũng là giáo sư hội hoạ tại Đại học Mỹ thuật Cal Poly Pomona, phân tích đường nét, chất liệu sơn dầu, kỹ thuật sử dụng sơn dầu và sự sáng tạo trong các họa phẩm của họa sĩ Đinh Cường. Được xem những bức tranh tuyệt đẹp của các chủ nhân sưu tập cho mượn. Trong đó có tấm chân dung nữ tài tử Kiều Chinh. Một bài thơ cuả Đinh Cường làm vào những ngày anh trên giường bệnh, được phóng lớn treo lên tường. Tôi đọc một bài của anh Đinh Cường viết trên website của anh cách nay khá lâu, anh nhắc tới họa sĩ Dương Đình Sang (đã qua đời) anh không muốn dùng chữ cố họa sĩ, vì theo anh các họa phẩm của họa sĩ còn sống mãi thì họa sĩ vẫn sống trong tranh của hắn. Cho nên không ai gọi cố họa sĩ khi nhắc tới những tác phẩm của họ. Không ai nói tác phẩm hội họa nỗi tiếng “Guernica” của cố họa sĩ Pablo Picasso cả. Nên vậy Họa sĩ Đinh Cường là Họa sĩ Đinh Cường cho dù anh không còn nữa.  

 

Santa Ana, tháng cuối năm 2016

Phan Chánh Khánh.



.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.