Hôm nay,  

Việt Nam: Tham Nhũng Cười Vào Mũi Nhà Nước

20/05/200500:00:00(Xem: 4843)
Nông Đức Mạnh : “Vẫn còn một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống... mắc nhiều lỗi lầm về tham ô, lãng phí, gây mất đoàn kết nội bộ...”
Hoa Thịnh Đốn.- Câu nói trích dẫn trên đây của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư đảng CSVN trong bài diễn văn kỷ niệm 115 năm ngày sinh nhật Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2005), tổ chức tại Hà Nội hôm 18-5 không làm ai ngạc nhiên vì Mạnh vẫn thường nói như thế trong suốt 4 năm qua,kề từ ngày lên làm Tổng Bí Thư (21-4-2001).
Như thế là các tệ nạn này đã qua tay 3 đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ 1985 đến Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu rồi chuyển sang cho Nông Đức Mạnh tìm cách đối phó tổng cộng là 20 năm mà nó vẫn bám trụ để sinh sôi nẩy nở thành “Quốc nạn” thì phải biết tình trạng này nghiêm trọng đến mức nào"
Nhân dân, báo chí và các Đại biểu Quốc hội đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và công sức ta thán mà đảng và nhà nước vẫn không sao phòng, chống đươc.
Mạnh nhìn nhận : “ Trên các chặng đường cách mạng vừa qua, phấn đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, số đông cán bộ, đảng viên ta đã giữ được phẩm chất và đạo đức của người cán bộ cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Có những đồng chí từng được giao giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo các cấp có quá trình chiến đấu anh dũng, nhưng trong thời kỳ mới lại vì tranh giành lợi quyền, không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, coi thường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước mà mắc nhiều lỗi lầm về tham ô, lãng phí, gây mất đoàn kết nội bộ...”
Sự suy thoái đạo đức trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên trước sức hấp dẫn của đồng tiền trong thời đại kinh tế thị trường không gây ngạc nhiên và sợ hãi cho đảng CSVN bằng “suy thoái về tư tưởng chính trị” mà trước đây thường được gọi là “chệch hướng tư tưởng”. Điều này có nghĩa là “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã suy nghĩ và hành động ra ngoài những định hướng, chủ trương và Nghị quyết của đảng vẫn dựa vào Chủ nghĩa lỗi thời Mác-Lênin và điều được gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước.
Dù vậy, Mạnh vẫn chỉ đạo : “ Mục tiêu mà chúng ta nhất định phấn đấu đạt bằng được là đến năm 2010 đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại...”
Tại sao mỗi ngày lại lùi thêm vài trăm bước trong chủ trương đưa đất nước thoát nghèo " Vào năm 1976, sau khi đảng CSVN làm chủ cả nước một năm, Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng đã phỏng đoán đến năm 2000, nhân dân Việt Nam sẽ có cuộc sống ngang bằng với các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Đến nay đã 29 năm mà đời sống người dân Việt Nam vẫn còn bò lê bò lết trong nhóm các nước nghèo nhất Thế giới. Bây giờ Mạnh lại kéo lùi thêm 15 năm nữa thì Việt Nam sẽ bị các nước trong khu vực Đông Nam Á Châu bỏ xa đến chừng nào "
Nhưng Mạnh vẫn không quên kể công : “Trong mấy năm qua, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh việc giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời kỳ đổi mới... nhằm đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ....”
Rất tiếc là những nỗ lực này, trong suốt 4 năm qua, vẫn chỉ là những lời “nói mà không làm” của đảng CSVN nên số cán bộ, đảng viên làm gương xấu càng ngày càng nhiều hơn số người cần mẫn sẵn sàng “làm đầy tớ” phục vụ dân.
Chẳng hạn như việc cán bộ vịn vào các thủ tục hành chính rườm rà đề “hành hạ” dân bằng cách tự chế thêm các điều kiện để cốt sao moi cho được tiền dân không còn là chuyện phát ra từ miệng các nạn nhân mà chính Nông Đức Mạnh và Phan Văn Khải, Thủ tướng đã nhiều lần nêu lên.
Báo Lao Động ngày 17-5 (2005) đã loan tin về một trường hợp “hành dân” điển hình của cán bộ ở Hà Nội. Bài báo viết : “ Lại thêm một "kỷ lục" đáng buồn về "thủ tục hành dân" vừa bị phát hiện: Để làm sổ đỏ (Chú thích : Sổ chủ quyền nhà đất) , một công dân 77 tuổi đã phải tìm lên UBND phường, đi đi lại lại tới 28 lần trong ròng rã gần 3 tháng trời, mà kết quả vẫn là số 0 tròn trĩnh...”
“ Người bị "hành" là ông Nguyễn Trọng Hiệp - 77 tuổi, hiện đang sống tại nhà số 8 phố Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, Hà Nội.”
Theo bài báo, ông Hiệp xin sổ đỏ đế xác minh ông làm chủ đất và chủ căn nhà của mình nhưng thủ tục và mánh lới đùn đẩy đề moi tiền đã nằm trong nút chận của UBND phường.
Báo Lao Động viết : “ Gặp chúng tôi, ông không kìm nổi sự bức xúc: "Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang tìm mọi cách để đơn giản hoá quy trình, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ theo quy chế 1 cửa, thì không hiểu sao UBND phường Lê Đại Hành cứ cố tình vòng vèo, đưa đẩy tôi mãi chỉ vì một chữ ký. Tôi đã thực sự hết kiên nhẫn".
THAM NHŨNG NGẬP ĐẦU
Để chứng minh cho tình trạng “đánh trống bỏ dùi” của đảng Cộng sản trong công tác “phòng,chống tham nhũng”, không gì rõ hơn bằng kể lại lời than của Tác giả Thái Duy, một người dân vừa viết cho Quốc hội (họp kỳ 7, 5-2005) : “ Ngày 30 tháng 12 năm 1993, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống tham nhũng. Kèm theo có Quy chế về việc phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết quan trọng này. Cử tri vững tin vào Nghị quyết vì Đảng vẫn chủ trương: Nghị quyết của Quốc hội là mệnh lệnh tối cao mang tính pháp lý, không một tổ chức hoặc cá nhân nào được phép thay đổi hoặc không thực hiện. Các quyền của Quốc hội phải được tôn trọng và thực hiện đầy đủ. Chính phủ coi việc thực hiện Nghị quyết là một trong những công tác trọng tâm của Chính phủ và chính quyền các cấp. Các nơi hưởng ứng Nghị quyết có vẻ rầm rộ nhưng chỉ một năm sau, nghị quyết không đi vào cuộc sống nổi vì chỉ nói nhiều, còn tham nhũng và lãng phí không giảm.”
“Ba năm sau tham nhũng trầm trọng hơn, đầu tháng 2 năm 1997, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm và chống lãng phí và Pháp lệnh chống tham nhũng ra đời. Với hai Pháp lệnh, Đảng và Chính phủ quyết tâm đẩy lùi hai quốc nạn này nhưng vẫn chưa xoay chuyển được tình hình, tham nhũng và lãng phí vẫn năm sau tăng hơn năm trước. Cử tri cả nước rất lo lắng khi hàng ngày tận mắt thấy tham nhũng và lãng phí đang trực tiếp đe dọa vận mệnh của Tổ quốc. Đề nghị của đông đảo cử tri đã trở thành hiện thực, Đảng và Nhà nước ta quyết định Luật chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2005, bắt đầu bàn đến từ kỳ họp thứ 7.”

“Tham nhũng và lãng phí không những làm mất tiền của và đáng sợ hơn còn làm mất nhiều cán bộ, và lại là những cán bộ chủ chốt. Tham nhũng không thể tiếp tục gia tăng mãi, nền kinh tế ta không thể chịu đựng những tổn thất quá lớn trong khi ta còn đang phải vay nợ nước ngoài để có đủ vốn đầu tư vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đông đảo cử tri rất quan tâm đến hai luật này vì vận mệnh của đất nước đặt vào hai luật chống tham nhũng và chống lãng phí. Nhân dân từng rất kỳ vọng vào Nghị quyết của Quốc hội chống lãng phí, chống tham nhũng, rồi lại kỳ vọng vào hai Pháp lệnh chống tham nhũng, chống lãng phí của Chính phủ nhưng đều chưa được như mong đợi. Kỳ họp Quốc hội thứ 7 có hai luật chống tham nhũng, chống lãng phí, một lần nữa cử tri cả nước lại kỳ vọng, rất tin tưởng qúy vị sẽ góp phần xây dựng và thông qua hai luật có đủ cơ sở vững chắc để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dựa vào đấy để chặn đứng và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.”
Sự trông đợi của Thái Duy và của người dân mong thấy Dự thảo luật sớm thành Luật trong kỳ họp lần 7 này vẫn chỉ là giấc mơ mà thôi bởi vì thay vì thảo luận đề biểu quyết thì Quốc hội kỳ này chỉ “xem xét” rồi đề lại kỳ sau!
Năm 2004, Cử tri cũng đã kiến nghị với Quốc hội “Sớm ban hành luật chống tham nhũng, luật bảo hiểm xã hội, luật quy hoạch, luật thi hành án, luật cán bộ công chức…; tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật để nhanh chóng đưa pháp luật vào cuộc sống; nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát nhằm đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực trên các lĩnh vực.”
Nhưng kiến nghị này nay đã mục nát mà Quốc nạn tham nhũng có bớt đi chút nào đâu!
Trần Trung, viết trong báo Pháp luật Việt Nam ngày 10/05/2005 : “ Theo Bộ Tài chính, qua đánh giá 6 năm thực hiện Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhất là về một số cơ chế chính sách nhằm thực hiện các biện pháp về kinh tế để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng có thể nói Pháp lệnh vẫn còn chậm đi vào cuộc sống, tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người, là mục tiêu của mỗi tổ chức; kết quả thực hành tiết kiệm chưa cao, tình trạng lãng phí còn khá phổ biến và là vấn đề bức xúc, thậm chí có nơi, có lĩnh vực trở nên nghiêm trọng, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức ... Từ thực tế đó đòi hỏi công tác thực hành tiết kiệm , chống lãng phí trong tình hình hiện nay cần phải thực hiện một cách triệt để tập trung nguồn lực cho sự nghiệp CNH-HĐH (Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá) đất nước.”
Trong khi đó,qua hai ngày 12 và 13/5 hội thảo tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã có tổng kết hết sức thất vọng về việc thực hiện Pháp lệnh chống tham nhũng.
Bài viết của Nguyễn Tú đã phản ảnh sự cay đắng của nỗ lực này. Tú viết : “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài việc công khai tài sản cá nhân thì vấn đề công khai, minh bạch trong các dự án đầu tư, kể cả cơ chế, chính sách... và loại bỏ xin - cho là hết sức cần thiết. Theo Thanh tra Chính phủ, thời gian qua những lĩnh vực trọng điểm dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, thực hiện các chương trình dự án, tài chính, tín dụng…”
“Đại biểu thanh tra của Bộ Công an cho rằng: “Trong các biện phòng ngừa và chống tham nhũng cần phải có cơ chế để bảo vệ người tố cáo, người chống tham nhũng, bởi theo ông, những kẻ tham nhũng là những người có chức, có quyền. Nếu không có biện pháp bảo vệ người tố cáo, tố giác thì ai dám chống tham nhũng đây!”
“Tuy nhiên việc thực hiện Pháp lệnh chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong tình hình nạn tham nhũng diễn ra có phần trầm trọng, tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Mức độ tham nhũng ngày càng lớn và phổ biến, tài sản thất thoát nhiều. Số người phạm tội ngày càng gia tăng, trong đó không ít là những cán bộ, đảng viên chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của các Nhà nước, gây sự bất bình của nhân dân.”
Theo các bài tường thuật của báo chí trong nước ngày 12-5-05 thì Đại biểu Quốc hội Bà Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) phát biểu: "Theo tôi, vừa qua, tình trạng tham nhũng, thất thoát vốn nhà nước có phần nguyên nhân quan trọng do tình trạng thông tin không được công khai. Do đó, công khai, minh bạch hóa thông tin phải là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động, trong các kết quả báo cáo của KTNN (Kiểm toán Nhà nước) ".
Theo bà Phượng: “Các thông tin, kết quả kiểm toán của KTNN phải được cung cấp đầy đủ tới Chính phủ, đại biểu QH, HĐND và UBND (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân) các cấp và cho cả nhân dân để thực hiện giám sát, nhất là về những nguồn vốn do người dân đóng góp”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Tào Hữu Phùng còn công khai chống việc để Cơ quan kiềm toán trực thuộc Chính phủ như hiện nay. Ông nói : “ Qua thăm dò, 95% đại biểu tán thành việc Cơ quan Kiểm toán sẽ trực thuộc QH nhằm bảo đảm tính khách quan. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước thuộc Chính phủ tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là không được, không khách quan.”
Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thì bảo : “ Rất nhiều vụ việc tham nhũng gần đây là do các quan chức, công chức cao cấp cấu kết với nhau, lợi dụng kẽ hở luật pháp để trục lợi từ nhiệm vụ, quyền hạn..”
Còn Ông Lý Văn Hạnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thì nói : “Các giải pháp chống tham nhũng vừa qua chưa đủ mạnh và chưa hiệu quả”.
Ông cũng cho hay : “ Đoàn đại biểu QH Quảng Ngãi cũng ghi nhận cử tri đã có nhiều kiến nghị phải giải quyết nạn tham nhũng một cách thật mạnh mẽ. Tôi cũng thấy việc thực hiện các giải pháp chống tham nhũng vừa qua là chưa đủ mạnh và chưa hiệu quả. Tôi hy vọng rằng, sắp tới dự án Luật phòng, chống tham nhũng phải được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.”
Ông Trần Hữu Hậu - đoàn ĐBQH Tây Ninh: “ Tình hình tham nhũng hiện nay là nghiêm trọng và là quốc nạn chứ không phải chỉ là nguy cơ như trước đây vẫn nói. Một điều rất đáng lo ngại là dạng tham nhũng có tổ chức đang phát triển nên phải có giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi; ít nhất là trong thời gian tới, phải "đánh" cho mạnh vào loại hình tham nhũng này, nâng mức xử lý về hình sự với loại tội phạm này lên cao hơn để răn đe.”
Thật vậy, tham nhũng ở Việt Nam bây giờ chẳng còn là nguy cơ nữa mà là quốc nạn, nhưng cái quốc nạn này có mới gì đâu. Chính Đỗ Mười, khi còn tại chức cũng đã than như thế mà hết năm này đến năm khác, quốc nạn không những không thuyên giảm đề chỉ còn là nguy cơ mà nó đã lớn mau,lớn mạnh đến nỗi đang đe dọa cả sự tồn tại của đảng CSVN.
Như thế có phải là Tham nhũng đang cười vào mũi Đảng và Nhà nước không "
Phạm Trần (5/05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.