Hôm nay,  

Phim Về Cuộc Chiến Vn: “xin Thông Báo Và Chia Buồn”

23/12/199900:00:00(Xem: 5042)
HOLLYWOOD - Đó là một cuốn phim về nỗi buồn cuộc chiến VN với nhan đề: “Xin Thông Báo Và Chia Buồn,” nói lên những mảnh đời phụ nữ tan tác sau khi nhận tin chồng mình chết trận tại VN. Phim này hy vọng đoạt giải Oscar về phim tài liệu. Dưới đây là giới thiệu của hãng phim.
Phim sẽ được chiếu lần đầu tiên trên những băng tần PBS toàn quốc vào ngày 24, tháng 1, 2000 vào đúng 10 giờ tối.
Vào năm 1968, vào chính ngày sinh nhật của mình, bà Barbara Sonnenborn nhận được hung tin là chồng bà ông Jeff Sonnenborn đã tử trận ở Việt Nam trong khi ông ấy cố gắng cứu một người đồng đội là chuyên viên truyền tin bị thương nặng trong một cuộc pháo kích. “Xin thông báo để chia buồn” đó là câu mở đầu của bức điện văn do cơ quan chức trách quân sự gửi đến cho bà. Hai mươi năm sau, bà Sonnernborn, một nhiếp ảnh gia và một nghệ sĩ tạo hình bắt đầu một chuyến hành trình để tìm hiểu sự thật trong chiến tranh khi chính mình tìm thấy những hậu quả của chiến tranh và trong cuộc hành trình này bà đã dựng lại một câu chuyện rất thực của chiến tranh trong bộ phim thời sự đầu tay của bà được gọi là “Xin thông báo để chia buồn”. Lồng trong một khung cảnh của một chuyến đi xuyên Việt Nam đến làng Quế Sơn nơi mà chồng bà đã hy sinh, nghệ sĩ Sonnenborn đã nối kết nhiều cốt chuyện sống thực của những phụ nữ đồng cảnh ngộ của cả đôi bên trong cuộc chiến Mỹ-Việt. Kết quả của nỗ lực này là một cuốn phim đầy cảm xúc chứa đựng ảnh hưởng của chiến tranh qua bao nhiêu năm.
P.O.V. là một tổ chức chuyên môn phân phối phim ảnh sẽ hân hạnh trình chiếu cho khán giả truyền hình toàn quốc phim tài liệu “Xin thông báo và Chia Buồn” (Regret to Inform) vào ngày thứ Hai 24 tháng Giêng, năm 2000 vào lúc 10 giờ tối (xin xem lại chương trình truyền hình của những băng tần sở tại trong vùng mình cư ngụ). Phim của bà Sonnenborn đã được đề nghị vào cuộc thi tuyển chọn của giải thưởng Academy Award hàng năm trong giải phim tài liệu. Phim cũng đã đoạt được thêm hai giải thưởng của Hội Nghị Điện Ảnh Quốc Tế Sundance, Hoa Kỳ năm 1999 trong giải đạo diễn xuất sắc (Best Director) và giải thu hình (Best Cinematography). Giải thưởng này được công bố hàng năm tại thành phố Sundance.
Vào khoảng năm 1998, khi bà Sonnenborn bắt đầu công trình phim tài liệu này bà mới gặp được một bà quả phụ Mỹ khác cùng đồng hoàn cảnh. Mặc dù có rất nhiều tổ chức chuyên lo giúp đỡ những cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam, tuy nhiên trong trường hợp những quả phụ Mỹ mất chồng trong chiến tranh thì bà hoàn toàn không biết có những tổ chức nào có thể giúp được những người cùng chung hoàn cảnh như bà. Vì vậy bà quyết định tìm những bạn đồng cảnh ngộ của đôi bên cùng chung số phận mất mát trong cuộc chiến và trong nỗ lực này bà muốn tìm hiểu thêm những thảm cảnh và hậu quả của một cuộc chiến tranh ác liệt, cũng như tìm được những bài học mà mình có thể rút tỉa được trong những mẫu chuyện về chiến tranh. Bà Sonnenborn liền thành lập một nhóm chuyên gia phim ảnh trong năm 1990. Bà gửi ra khoảng vài ngàn lá thư kêu gọi sự cộng tác của những góa phụ Mỹ cùng chịu chung hoàn cảnh với bà. Trong thời gian đầu thì ít có thư trả lời. Sau đó bà được sự giúp đỡ của những tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng như những cơ quan truyền thông toàn quốc, cùng sự cộng tác của những người sống sót sau cuộc chiến. Bà Sonnenborn đã gặp và nói chuyện được với trên 200 góa phụ người Mỹ trong thời gian chuẩn bị quay phim. Bà Sonnenborn cho biết: “Rất nhiều bà góa phụ cùng những cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam và những con em của những chiến binh hy sinh đã chia sẻ và nói lên tâm trạng của họ mà từ trước đến giờ họ chưa có dịp nói ra với bất cứ một ai.” Tôi rất cảm động khi thấu hiểu và chia xẻ những cái đau khổ của những người còn sống sót và thân nhân khi được nghe những tâm trạng đó.” Một bà góa phụ có nói: “Không như người ta thường tưởng rằng một khi chiến tranh chấm dứt thì mọi chuyện đều xong hết. Đối với tôi một cuộc chiến tranh mới nổi lên trong lòng, trong lương tâm bắt đầu xuất hiện lại khi chiến tranh súng đạn thật chấm dứt ở phía bên ngoài.”

Vào năm 1992, bà Sonnenborn đi Việt Nam cùng với bà Nguyễn Ngọc Xuân, một phụ nữ Việt Nam có chồng đã hy sinh trong trận chiến khi ông phục vụ cho miền Nam Việt Nam. Bà Xuân sau đó tái giá với một người đàn ông Mỹ và sang định cư tại Hoa Kỳ vào thập niên 70. Bà Xuân đồng ý làm người thông dịch cho Sonnenborn trong chuyến đi và cũng đã kể lại kinh nghiệm chiến tranh của mình trong phim. Trong chuyến đồng hành thăm Việt Nam - nơi mà khoảng từ 2 cho đến 3 triệu người đã chết trong cuộc chiến tranh - họ đã gặp được rất nhiều phụ nữ Việt Nam sẵn sàng chia xẻ kinh nghiệm của họ và muốn nói lên tâm trạng và cảm nghĩ của họ. Những góa phụ Việt Nam cũng rất ngạc nhiên khi được biết là phụ nữ Mỹ cũng rất muốn nghe những câu chuyện của họ. Và họ đã kể lại trong chi tiết những nỗi khổ dau của họ trong chiến tranh, một cuộc chiến mà họ gọi là “Chiến tranh Mỹ tại Việt Nam” Một phụ nữ trong phim có nói: “Cái dã man của cuộc chiến có thể được so sánh và nói nôm na là dài hơn sông, cao hơn núi và sâu hơn biển. Một bà khác nói: “Nếu mình chưa chết là mình chưa được an toàn.”
Trong phim “Xin Thông Báo và Chia Buồn” (Regret to Inform), những bà góa phụ của cả đôi bên nói lên tâm trạng của mình và họ đưa lên một khía cạnh hoàn toàn xác thực và đầy nhân tính. Họ là những người còn sống sót và cũng là nạn nhân của chiến tranh thường bị lãng quên. Phim có những cảnh rất đẹp, nên thơ của miền quê Việt Nam được xen kẻ với những khúc phim tài liệu ác liệt của những năm chiến tranh. Những câu phát biểu của những phụ nữ đã kêu lên một lời kêu thiết tha cho hòa bình. “Xin Thông Báo và Chia Buồn” là một suy nghĩ sâu xa phản ảnh về sự mất mát và cái tan hoang tàn phá của tất cả chiến tranh qua cái nhìn của một cá nhân. Đó là một chuyện tình, một tìm hiểu sâu đậm của sức mạnh lòng vị tha hàn gắn.
Là những nhân chứng thực, những phụ nữ trong phim tài liệu đã chuyển đổi những niềm đau thương của mình thành một sức mạnh chung nói lên tiếng nói chung, là cái giá của chiến tranh luôn luôn rất cao và rất đắt. Bà Nguyễn Ngọc Xuân đã phát biểu: “Khi xưa ở Việt Nam, người chồng một bà hàng xóm của tôi chết, con của bà hàng xóm cũng chết. Nhiều khi tôi không biết phản ứng như thế nào trong khi mình cũng khóc cho cái đau thương của mình, có biết là cái đau thương của họ có thể bội phần nhiều hơn hay không"” Bà Sonnenborn cũng nói tiếp rằng “Làm cuốn phim này cũng y như là nhận được một món quà của chồng tôi là Jeff. Phim này đã làm cho tôi hiểu được thế nào là đau thương và thế nào là tiếc nuối, thế nào là tình thương và thế nào niềm vui và tôi mong mỏi những khán giả sẽ hiểu được chiến tranh một cách khác, khác với những bộ phim mà họ đã xem từ trước. Tôi muốn họ nhìn trực diện với chiến tranh và tự hỏi: Mình có thể làm thế nào để chiến tranh không còn tái diễn nữa hay không" Tôi muốn ai ai cũng nhận thức được cái nhân tính của người đồng loại với mình và như vậy khi muốn giết ai mình không thể nhẫn tâm như vậy được.”
Phim nhận được sự cộng tác của: April Burns, Lula Bia, Norma Banks, Phan Ngọc Dung, Dian C.Van Reenselaar, Grace Castillo, Nguyen My Hien, Xuan Ngoc Evans, Charlotte Begay, Tran Nghia, Truong Thi Thuan, Truong Thi Le, Le Thi Ngot, Nguyen Thi Hong.
Phim dài 72 phút, màu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.