Hôm nay,  

Q.đoàn 1 Vnvh & Q.đoàn 24 Hk Hành Quân Hạ Lào

23/12/199900:00:00(Xem: 5707)
Vương Hồng Anh tổng hợp

Trong số trước, VB đã lược trình toàn bộ kế hoạch yểm trợ của Quân đoàn 24 và Không lực 7 Hoa Kỳ dành cho các đơn vị VNCH tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 (Hạ Lào) do bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 VNCH tổng chỉ huy. Như đã trình bày, vào tháng 12/1970, Thượng viện Hoa Kỳ đã biểu quyết không cho sử dụng kinh phí dành cho Quân đội Hoa Kỳ để tham dự các cuộc hành quân quá lãnh thổ VNCH, nên các đơn vị Hoa Kỳ không thể tham gia cuộc hành quân này cùng với các đơn vị VNCH, mà chỉ được phép yểm trợ về Không quân, tiếp tế và Pháo binh. Theo sự chỉ định của bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Quân đoàn 24 Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 VNCH để yểm trợ cuộc tấn công bằng Không quân và Bộ binh dọc theo đường số 9 tới căn cứ địa 604 của CSBV ở về phía Tây Nam Tchépone. Nỗ lực chính của cuộc hành quân là các đơn vị VNCH thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh và 2 sư đoàn tổng trừ bị: Nhảy Dù, Thủy quân Lục chiến, Lữ đoàn 1 Kỵ binh, Liên đoàn 1 Biệt động quân. Về phía lực lượng Hoa Kỳ, kế hoạch yểm trợ chia làm 4 giai đoạn. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin lược ghi lại các giai đoạn này:
Giai đoạn 1: Ngày D (30-1/1971), Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 HK được phi cơ yểm trợ hành quân về hướng Tây, giữ đường số 9 từ Đông Hà đến biên giới Việt Lào, bảo vệ căn cứ Khe Sanh; Sư đoàn 384 Không lực HK đảm trách không vận. Giai đoạn 2: các đơn vị thống thuộc và tăng phái Quân đoàn 1 VNCH trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 được Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Không đoàn Tác chiến 7AF Hoa Kỳ yểm trợ để tiến nhanh chóng về hướng Tây chiếm Tchépone trên bộ, cũng như bằng không vận. Giai đoạn 3: Không quân Hoa Kỳ yểm trợ các cánh quân VNCH khai triển các cuộc tấn công, hành quân lục soát. Giai đoạn 4: Yểm trợ cuộc rút quân.
Sau đây là chi tiết về kế hoạch phối hợp giữa Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Quân đoàn 1 QL.VNCH trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Thông tin trình bày trong phần này được tổng hợp dựa theo hồi ký của đại tướng Westmoreland-nhà xuất bản Thế Giới, tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, bài viết về sự yểm trợ của Hoa Kỳ cuộc hành quân Lam Sơn 719 được phổ biến trong tạp chí KBC.
* Phối hợp giữa Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Quân đoàn 1 VNCH:
Theo nhận định của bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân hỗn hợp Việt Mỹ, được tổ chức quy mô với một số đặc điểm. Vùng hành quân trên đất Lào, do đó vai trò của QL.VNCH và Hoa Kỳ rất khác biệt. Lực lượng Hoa Kỳ bị giới hạn rất nhiều, không một quân nhân Hoa Kỳ nào được phép đặt chân trên đất Lào và do đó các cố vấn Hoa Kỳ không được đi theo các đơn vị VNCH.
Về hệ thống chỉ huy, toàn bộ lực lượng VNCH tham dự cuộc hành quân được đặt dưới quyền điều động của trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn 1 đồng thời là tư lệnh cuộc hành quân trên bộ. Về phía Hoa Kỳ, giám sát các hoạt động yểm trợ là đại tướng Creighton W. Abrams-tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN- dưới quyền của đại tướng này là trung tướng James W. Sutherland-tư lệnh Quân đoàn 24 Hoa Kỳ, trách nhiệm điều hợp kế hoạch yểm trợ và đại tướng Lucious D. Clay, Jr-tư lệnh Không lực 7, chỉ huy về yểm trợ không lực cho cuộc hành quân Lam Sơn 719. Trong tiến trình phối hợp, theo phân tích và ghi nhận của phía Hoa Kỳ, đã xảy ra nhiều trục trặc như sau:
Trước hết là vấn đề không yểm ở giai đoạn 2: bộ Tư lệnh Quân đoàn 24 Hoa Kỳ báo cáo rằng vị tư lệnh Quân đoàn 1 VNCH là trung tướng Hoàng Xuân Lãm đã không phối hợp với Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và bộ Chỉ huy Không yểm (DASC Victor) Hoa Kỳ về những quyết định của ông. Không lực 7 Hoa Kỳ cần được thông báo ít nhất ba tiếng đồng hồ để chuẩn bị đánh dọn bãi đáp và tránh hỏa lực phòng không của địch. Phía Hoa Kỳ cho rằng tướng Lãm thì muốn đưa quân vào từ sáng sớm trước khi thời tiết trở nên tốt cho các hoạt động yểm trợ của Không quân, từ sự việc này, bộ tư lệnh Quân đoàn 24 và Không lực 7 HK quy lỗi cho vị tư lệnh Quân đoàn 1 là đã ra lệnh đem quân vào mà không phối hợp với phía Hoa Kỳ, do đó nhiều đơn vị VNCH bị tổn thất nặng.
Để gia tăng hiệu năng trong vấn đề kế hoạch phối hợp, bộ Tư lệnh Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (COSUMMACV) và bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH cho thành lập ban điều hợp gồm sĩ quan cao cấp Việt-Mỹ làm sợi dây liên lạc giữa bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 của trung tướng Hoàng Xuân Lãm và Quân đoàn 24 Hoa Kỳ của trung tướng James W. Sutherland. Ban điều hợp bắt đầu làm việc từ ngày 6 tháng 3 gồm 1 chuẩn tướng cố vấn Pháo binh, một chuẩn tướng cố vấn không yểm Lục quân, một chuẩn tướng cố vấn không-yểm Không quân chiến lược và một chuẩn tướng VNCH cố vấn về Pháo binh cho các đơn vị Pháo binh VN. Khi làm việc, ban điều hợp họp với trung tướng Lãm hàng ngày, và trở nên bộ tham mưu của ông để cố vấn trong mọi kế hoạch, bảo đảm sự phối hợp được hoàn hảo với các đơn vị tham chiến. Phía Hoa Kỳ cho rằng vấn đề này nhằm yểm trợ cho Quân đoàn 1 với tất cả mọi nỗ lực.


* Điều hành Không quân Chiến lược:
Thủ tục điều hành Không quân Chiến lược trong nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị VNCH tham chiến trong hành quân Lam Sơn 719 dựa theo lệnh hành quân 1-71 cho bộ chỉ huy Không yểm Hoa Kỳ (DASC). Theo lệnh này, bộ chỉ huy Không yểm tại Đà Nẵng chuyển tiếp những nhu cầu không trợ cho giai đoạn 1 đến trung tâm Không yểm QL.VNCH. Trong giai đoạn 2, 3, và 4, một bộ chỉ huy Không yểm mới được thành lập ngày 31 tháng 1 lấy danh hiệu là DASC Victor đặt tại Quảng Trị để điều hành hoạt động không trợ cho các đơn vị VNCH. Bộ chỉ huy mới này bắt đầu hoạt động từ ngày 7 tháng 2/1971.
Máy bay quan sát thuộc phi đoàn yểm trợ trong căn cứ Không quân Nakhon Phanon ở Thái Lan-danh hiệu là Nail- được đem qua Quảng Trị để cung ứng cho nhu cầu không trợ cho các đơn vị bộ chiến trên đất Lào. Khi đến Quảng Trị, phi đoàn quan sát này lấy danh hiệu là Hammer. Sử dụng các phi cơ Hammer, bộ chỉ huy Không yểm điều hành các phi vụ chiến thuật, chiến lược ngoại biên. Ngoài ra, bộ chỉ huy Không yểm (DASC) sử dụng các phi cơ quan sát danh hiệu Barky để yểm trợ cho Lục quân Hoa Kỳ trong cuộc hành quân trên nội địa Việt Nam (Lam Sơn East). Trung tâm Không yểm DASC vẫn trực thuộc trung tâm Hành quân Không lực 7 Hoa Kỳ.
Một khía cạnh khác trong hệ thống điều hành là bộ chỉ huy Yểm trợ Chiến trường thuộc Không lực 7 Hoa Kỳ, danh hiệu là Hillsboro hoặc Moonbeam kiểm soát không phận bên Lào. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nhiệm vụ chính của bộ chỉ huy này được giao cho phòng phối hợp với trách nhiệm là nhận yêu cầu yểm trợ rồi chuyển cho phi cơ quan sát trong vùng hành quân. Bộ chỉ huy Không yểm DASC chỉ huy phi đoàn quan sát Hammer, chia vùng trách nhiệm cho phi đoàn này, thông báo những vị trí mục tiêu. Thực tế, tình hình chiến trường trên bộ thay đổi nhanh chóng nên phi cơ quan sát phải thông qua bộ Chỉ huy Yểm trợ chiến trường. Tùy theo tình hình trận địa bộ chiến, phi cơ quan sát thường quyết định trong trường hợp nào thì phải sử dụng phi cơ chiến lược.
Khoảng giữa tháng 1/1971, sĩ quan cao cấp đại diện Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Quân đoàn 1 VNCH họp bàn về kế hoạch không yểm cho cuộc hành quân Lam Sơn 719. Lúc đó, Quân đoàn 1 dự trù sử dụng hai sư đoàn và 1 lữ đoàn biệt lập. Một lực lượng sẽ bao mặt Bắc, một dọc theo đường số 9, và còn lại sẽ chạm mặt Nam. Các trung tâm hành quân sẽ đặt trên đất Lào, điều này gây trở ngại cho không yểm, việc liên lạc với phi cơ quan sát không thực hiện được vì các sĩ quan Hoa Kỳ không đi theo các trung tâm Hành quân qua Lào. Điều này phải cử các sĩ quan tiền sát viên Việt Nam thạo Anh ngữ bay kèm theo phi cơ quan sát Hoa Kỳ để thông dịch. Đến ngày 23 tháng 1/1971, Quân đoàn 1 cho biết các trung tâm hành quân cấp sư đoàn sẽ ở lại Việt Nam, đặt trong khu vực Khe Sanh, điều này tạo dễ dàng cho vấn đề liên lạc Không-Lục. Tuy nhiên vẫn cần phải có có sĩ quan tiền sát viên Việt Nam khá Anh ngữ giúp đỡ phi công quan sát Hoa Kỳ liên lạc với cấp chỉ huy các đơn vị VNCH trên bộ. Để yểm trợ Quân đoàn 1, Không lực 7 cung cấp hai chiến đấu cơ làm việc với phi cơ quan sát và thay thế theo chu kỳ mười lăm phút.
Ngày 27 tháng 1, ba ngày trước ngày D của giai đoạn 1, vị tư lệnh Quân đoàn 1 thông báo cho bộ chỉ huy Không yểm DASC rằng nỗ lực chính của lực lượng bộ chiến VNCH trong cuộc hành quân là gồm có 3 sư đoàn: Sư đoàn 1 BB, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến. Khi đó, thêm 1 trung tâm Không trợ mới được thành lập tại Khe Sanh. Trong suốt cuộc hành quân, có 3 trung tâm hành quân và 3 trung tâm không yểm bên cạnh.
Trong thời gian diễn ra cuộc hành quân, yêu cầu không trợ từ bộ chỉ huy của Không quân Việt Nam tới trung tâm hành quân rồi được chuyển qua trung tâm Không trợ. Sĩ quan liên lạc Không quân Hoa Kỳ sẽ liên lạc trực tiếp với phi cơ quan sát hoặc qua trung tâm hành quân Không yểm DASC Victor. Phi cơ quan sát cũng liên lạc trực tiếp với đơn vị đang chiến đấu dưới đất. Trường hợp có phi cơ chiến đấu trong vùng, phi cơ quan sát có thể yêu cầu thêm từ trung tâm Không yểm chiến trường từ Thái Lan. Trung tâm này có thể điều động các phi cơ khác vào vùng tiếp ứng tùy theo mức độ khẩn cấp của chiến trường. Mức độ khẩn được xác định như sau: (1) bị tấn công, (2) cứu phi cơ lâm nạn, (3) mục tiêu định sẵn, (4) trinh sát, (5) theo yêu cầu của cấp chỉ huy trên bộ.
Yêu cầu đánh phá các mục tiêu tính trước được chuyển từ trung tâm hành quân Không yểm ngoài Đà Nẵng. Trung tâm này sẽ chuyển tiếp yêu cầu tới trung tâm Không yểm Victor trước 10 giờ sáng mỗi ngày, rồi từ đó chuyển đi Không lực 7 để họ xếp đặt cho các cuộc oanh kích hoặc đổ quân trong ngày.
Kỳ sau: Lực lượng Việt-Mỹ tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.