Hôm nay,  

Thế Sự Đảo Điên

22/09/201500:00:00(Xem: 6332)

...nhìn đi nhìn lại, vẫn thấy bà Hillary và ông Jeb có triển vọng nhiều hơn hết...

Cách đây nửa năm, bức tranh về cuộc tranh cử tổng thống có vẻ... chán hơn cơm nếp nát. Thiên hạ đều có cảm tưởng cuộc chạy đua năm nay và năm tới sẽ là một trong những cuộc chạy đua nhàm chán nhất lịch sử cận đại Mỹ.

Bên Dân Chủ (DC) đưa ra một người mà cả thế giới nghĩ nằm nhà ôm cháu ngoại ngày này qua tháng khác cũng chẳng sao, vẫn phải khiêm tốn nhận lời đề cử của 99,99% đảng viên trong Đại Hội Đảng mùa hè năm tới. Một bộ mặt cũ mèm, một người máy mỗi lần lên sân khấu gặp cử tri là ai cũng biết trước sẽ vẫy tay kiểu nào, chỉ trỏ vào khán giả mấy lần, khi nào thì nháy mắt, khi nào bật cười thật lớn, khi nào thì trố mắt có vẻ ngạc nhiên, v.v... Với một cái tên được nhắc đi nhắc lại cả triệu lần từ một phần tư thế kỷ nay. Một cuốn phim cũ hơn phim Lý Tiểu Long, đã được trình chiếu cả vạn lần.

Bên Cộng Hoà (CH) thì đưa ra một người với cái tên cả nước Mỹ đều nghe qua từ một nửa thế kỷ nay, từ đời ông nội làm thượng nghị sĩ đến đời bố và đời anh làm tổng thống. Một người với sách lược tranh cử dựa trên một câu duy nhất: “Tôi không phải là ông nội, là bố, là anh tôi, mà tôi là tôi”.

Dĩ nhiên cả hai đảng đều có những ứng viên khác, một bên gần nửa tá, bên kia gần hai tá. Nhưng tất cả đều có vẻ như cây kiểng trưng bày cho vui mắt.

Thế nhưng coi dzậy mà hổng phải dzậy! Chính trị Mỹ không đơn giản như vậy.

Chưa tới nửa năm sau, tuồng hát thay đổi hết các diễn viên chính, cả hai bên.

Bên DC, cái ghế Hoàng Thái Hậu của bà Hillary bất ngờ bị một chân gẫy, một chân cong! Trong đám ứng viên hạng ruồi chung quanh bà, tự nhiên nổi bật lên một cụ già vẫn còn đang sống trong lý tưởng xã hội chủ nghiã của thập niên sáu mươi, khi cụ còn là một thanh niên nhiệt thành tin tưởng và tranh đấu cho ảo tưởng Các-Mác.

Cụ Bernie Sanders chủ trương quốc hữu hoá hàng loạt kỹ nghệ, không phải quốc hữu hoá vài công ty trong một vài ngành, mà là quốc hữu hoá toàn diện tất cả các công ty trong vài ngành, gọi là thiết yếu như điện nước, quốc phòng,… Chắc cụ sẽ bổ nhiệm một bà công chức già làm tổng giám đốc hãng máy bay Boeing? Cụ cũng muốn tăng thuế mấy ông nhà giàu lên tới mức … không còn nhà giàu nữa. Chỉ thiếu điều nước Mỹ cải danh từ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ qua Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Hoa Kỳ, với nền kinh tế thị trường trong định hướng xã hội chủ nghiã.

Nghe như chuyện đùa, nhưng thực tế rất … “nghiêm túc”.

Trong tiến trình tranh cử Mỹ, có hai cuộc bầu sơ bộ đầu tiên cực kỳ quan trọng là hai cuộc bầu tại Iowa và New Hampshire. Năm 2008, ông chính khách vô danh Barack Obama bất ngờ thắng tại Iowa, được truyền thông thổi lên tới chín từng mây xanh, từ đó quất ngựa truy phong tới Tòa Bạch Ốc luôn. Bà Hillary mà ai cũng nghĩ về đầu, bị lọt xuống hạng ba. Coi như giấc mộng vào Nhà Trắng kéo màn chấm dứt. Thế nhưng bà đã khéo léo đóng tuồng rớt nước mắt cá sấu, khóc sướt mướt, tỏ ý tiếc nuối khó có dịp hy sinh phục vụ cho nước Mỹ. Dân Mỹ áy náy, lương tâm cắn rứt. Ùn ùn đi bỏ phiếu cho bà lại, khiến bà về nhất tại New Hampshire, tiểu bang thứ nhì có bầu bán sơ bộ. Để rồi từ đó, bà như phượng hoàng, bay lên lại từ đống tro tàn. Ta thấy ngay Iowa mở cửa Toà Bạch Ốc cho ông Obama, New Hampshire cứu sống bà Hillary. Nói vậy để thấy tầm quan trọng của hai tiểu bang này.

Cuộc bầu năm nay cũng không khác, Iowa và New Hampshire cũng vẫn là hai tiểu bang có tiếng nói sinh tử.

Cách đây nửa năm, thăm dò tại hai tiểu bang này cho thấy bà Hillary vững hơn bàn thạch, với tỷ lệ hậu thuẫn xấp xỉ 60%-70%. Cụ Sanders thoi thóp trong mức 5%-7%. Hôm nay đây, gió đổi chiều, thăm dò mới nhất cho thấy cụ Sanders hạ bà Hillary tại cả hai tiểu bang sinh tử này: tại Iowa, 43%-33% (CBS), và tại New Hampshire, 43%-36% (Monmouth). Cụ Sanders gặm nhấm trên dưới 40% cử tri của bà Hillary, trong khi ba ông ứng viên còn lại vẫn còn trong bóng tối, chẳng ai nhìn thấy.

Nếu tình trạng này cứ như vậy, bà Hillary sẽ thua đậm tại hai tiểu bang đầu tiên. Ảnh hưởng dây chuyền của trận động đất này, qua chiên trống rầm rộ của truyền thông sẽ thật khó lường. Dù vậy, cho đến giờ này, vẫn chưa ai nghĩ cụ Sanders sẽ hạ được bà Hillary, nhất là qua tháng Ba năm 2016 khi hàng loạt các tiểu bang tương đối bảo thủ phiá nam sẽ bầu sơ bộ. Nhưng uy tín của bà Hillary sẽ bị sứt mẻ nặng, và sẽ ảnh hưởng lớn lên cuộc chạy đua với ứng viên CH. Đây sẽ là cuộc chạy đua hết sức gay go, không phải là chuyện đẩy xe đưa cháu ngoại đi tản bộ bờ hồ nữa.

Nếu tình trạng này xẩy ra, phe DC sẽ phải cân nhắc vấn đề lại, một cách rất kỹ. Ai cũng thấy rõ nếu bà Hillary bị mất hậu thuẫn trầm trọng thì vẫn không thể nào để cụ XHCN Sanders ra đại diện cho đảng DC được. Nước Mỹ không thể đi ngược dòng thời gian nửa thế kỷ để trở về thời mà các tư tưởng thiên tả còn ăn khách. Cụ sẽ bị thảm bại dưới tay bất cứ ứng viên CH nào.

Ngay từ bây giờ, DC đã lo xanh mặt và đang đi lùng các... lão đồng chí ra làm Lê Lai cứu chúa.

Cuộc chạy đua đó sẽ gay go đến đâu, một phần lớn cũng tùy thuộc ai sẽ là ứng viên của CH. Và đây cũng là một câu hỏi lớn, hoàn toàn bất ngờ.

Ông Jeb Bush, người có cái tên quá quen thuộc, cũng là người được hậu thuẫn mạnh của cả guồng máy chính trị của đảng CH, cũng như được ủng hộ tài chánh còn mạnh hơn nữa của các nhà tài phiệt CH lớn nhất. Tuy không chắc ăn như bà Hillary bên DC, nhưng cũng coi như trong tầm tay thôi.

Ông Jeb phải trực diện với 16 đối thủ. Nghe thì ghê gớm, nhưng thực tế, thiên hạ nghĩ chỉ có ba hay bốn vị là đáng lưu ý, còn lại chỉ là ứng viên vớ vẩn sẽ lần lượt rụng như sung thôi. Kiểu như ông cựu thống đốc Texas, Rick Perry, đã rớt đài rồi. Mấy ông đối thủ đáng gờm đó là các thống đốc Scott Walker của Wisconsin, thống đốc Chris Christie của New Jersey, thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida, và có thể thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas.

Nửa năm sau, tình hình cũng lộn ngược đầu xuống chân như bên DC. Còn tệ hơn nữa. Ông Jeb và cả ba bốn ngôi sao tương đối sáng giá vừa nêu trên, đều nhất loạt tuột dốc một cách thê thảm, bây giờ bám víu vào tỷ lệ 5%-7%.

Ngôi sao mới, nổi đình nổi đám ồn ào nhất là ông tỷ phú Donald Trump mà không ai nghĩ là một ứng viên nghiêm chỉnh. Cột báo này đã viết nhiều về ông này.

Người thứ nhì thì ngược lại hoàn toàn, là bác sĩ mổ óc Ben Carson, chững chạc, kín đáo, nói ít, nhẹ nhàng. Là ứng viên da đen trong một cái đảng gần như toàn da trắng. Chẳng ai nghĩ ông này có được mảy mai hy vọng nào. May ra, có được vài phiếu của vài ông CH cấp tiến nhất, hay mang mặc cảm kỳ thị nặng nhất. Có cảm tưởng như ông Carson này đi lạc đường, nhầm địa chỉ.

Trong hai cuộc tranh luận của đảng CH, ông Carson nổi bật lên chẳng những vì màu da khác lạ, mà cũng vì tính điềm đạm, và nhất là quan điểm chính trị tuy bảo thủ nhưng ôn hoà. Trong khi các đối thủ tranh nhau nói, vỗ ngực ầm ầm, rồi sỉ vả nhau, thì ông Carson đứng yên chờ đến phiên mình, nhỏ nhẹ nói vài câu, chẳng chỉ trích bất cứ ông đồng chí nào. Mà cũng chẳng ai chỉ trích ông. Phải nói cho ngày, không ai chỉ trích ông một phần vì ông không đánh ai, nhưng một phần khác cũng nhờ màu da của ông, khiến ông nào muốn đánh cũng phải suy nghĩ ba phút, kể cả cái ông ồn ào hung hăng nhất là ông Trump.

Cái mâu thuẫn lớn là mấy vị kia nói nhiều và ồn ào quá chẳng ai muốn nghe nữa. Thiên hạ quay qua lắng nghe cái ông chẳng nói lời nào. Ông đã thu hút sự chú ý của thiên hạ nhờ đứng yên, không dành nói, đến khi phải nói thì lại nói rất ít. Và họ thấy ông này nói những điều rất hợp lý. Kết quả, những thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ hậu thuẫn của ông Carson đã leo lên hạng nhì, sát nút với ông Trump.

Hậu thuẫn của hai ông Trump và Carson cộng lại gần 55%. Phần 45% còn lại, 14 ứng viên khác chia nhau, trung bình mỗi vị được... 3%. Cách đây nửa năm, kẻ viết này mà dám viết như vậy trên cột báo này thì chắc sẽ bị Việt Báo sa thải ngay vì viết chuyện tào lao. Nhưng bây giờ thì đã thành sự thật, khó tin nhưng có thật.

Hai ngôi sao nổi bật nhất của đảng CH cũng là hai thái cực khác biệt nhau nhiều nhất. Làm sao giải thích được chuyện oái ăm này?

Câu trả lời khá rõ: đảng CH hiện nay đang bị phân hoá khá nặng. Chỉ đoàn kết trong việc chống TT Obama và bà Hillary, còn ngoài ra chẳng có gì gọi là mẫu số chung. Những thành phần cực đoan nhất, chống TT Obama, chống phe cấp tiến mạnh nhất thì nhắm mắt tung hô ông Trump, bất kể ông này có hy vọng đắc cử tổng thống hay không. Trong khi những người chín chắn hơn, ôn hoà hơn, ưu tư nhiều hơn về vấn đề thắng cử thì lo sợ cái hăng tiết vịt vô trách nhiệm của ông Trump, và tin tưởng ông Carson hơn.

Đi đến cuộc tranh luận lần thứ hai của đảng CH. Thiên hạ háo hức xem cuộc đấu chưởng giữa ông số một Trump và ông số hai Carson.

Kết cuộc, hy vọng hụt. Hai ông được xếp đứng cạnh nhau, nhưng tuyệt đối không đánh nhau gì hết.

Trong bất ngờ hoàn toàn –lại một bất ngờ- cuộc đấu chưởng chấn động võ lâm lại xẩy ra giữa ông Trump và... bà Carly Fiorina.

Bà này trước đây thuộc loại ứng viên “làm cảnh” để thiên hạ thấy CH cũng có tiếng nói của phụ nữ. Cách đây vài năm, bà ra tranh cử thượng nghị sĩ tại Cali chống bà Barbara Boxer của DC (con gái bà Boxer là vợ đã ly dị của em trai bà Hillary), nhưng bị hạ sát ván. Bà được xếp vào hạng ứng viên hạng ruồi, cho tham gia vào cuộc tranh luận đầu tiên được tổ chức trên đài tv Fox dành cho các ứng viên với tỷ lệ hậu thuẫn thấp nhất, trong khung giờ... không có ai xem tv. Bên phiá đông nước Mỹ thì thiên hạ giờ đó mắc ăn cơm tối, bên phiá tây thì thiên hạ đang kẹt xe trên đường đi làm về.

Trong đám ứng viên hạng nhì đó thì bất ngờ bà Fiorina nổi bật lên như ngôi sao sáng chói nhất. Tỷ lệ hậu thuẫn bất thình lình vọt lên trên cả 4-5 ông được xếp loại hạng nhất.

Đài tv CNN là đài được chỉ định tổ chức cuộc tranh luận lần thứ hai, bối rối. Trong số 10 ứng viên với tỷ lệ hậu thuẫn cao nhất của CNN không có bà Fiorina. CNN tính tỷ lệ dựa trên tỷ lệ trung bình từ sáu tháng trước, trong khi bà Fiorina chỉ mới nổi lên từ sau cuộc tranh luận thứ nhất. Trước sự phản đối của bà Fiorina cũng như trước thực thể chính trị trước mắt, tức là sự nổi bật của bà, CNN không thể loại bà, nên đành sửa luật lệ cho bà tham gia cuộc tranh luận của 10 ứng viên chính, nâng số người lên 11.

Và lại thêm một bất ngờ nữa, trong cuộc tranh luận lần thứ hai, bà Fiorina đánh ông Trump bạt mạng khiến ông này bối rối chống đỡ, một thành tích chưa ai làm nổi. Và cũng đánh luôn cả TT Obama và bà Hillary thẳng tay.

Hai câu nói gây ấn tượng mạnh nhất, được hội trường vỗ tay hoan hô nồng nhiệt nhất, đều là của bà Fiorina.

Trước đó vài hôm, ông Trump, quen thói ăn nói vung vít, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình đã lớn tiếng chê bai khuôn mặt của bà Fiorina, khiến cả giới truyền thông cũng phải chưng hững vì thái độ ngạo mạn thiếu lịch sự tối thiểu của ông Trump. Được hỏi về câu nói đó trong cuộc tranh luận lần thứ hai, bà Fiorina không trả lời thẳng, mà chỉ nhẹ nhàng nói đại khái “tất cả các phụ nữ đều đã nghe được câu nói này”. Ý muốn nói tất cả các bà đã thấy rõ ông Trump coi rẻ phụ nữ như thế nào. Cả hội trường vỗ tay rầm rộ.

Một lần khác, được hỏi về chuyện phá thai, bà Fiorina thách thức bà Hillary và TT Obama dám xem cuốn phim video về tổ chức Planned Parenthood, chuyên giúp các bà phá thai, bị tố cáo là chuyên bán các bộ phận thai nhi cho các phòng thí nghiệm y khoa, để thấy “hình ảnh một thai nhi trên bàn mổ, tim vẫn còn đập, tay chân vẫn cử động, rồi nghe tiếng nói đâu đó vang vọng vào nhắc nhở nhớ để bộ óc nó sống đấy ”, ý nói để có thể bán bộ óc đó. Câu nói gây xúc động mạnh. Cả hội trường lại vỗ tay rầm rộ, lần này còn mạnh hơn nữa.

Bây giờ còn quá sớm, chưa có thăm dò dư luận mới sau cuộc tranh luận. Nhưng có thể chắc chắn là tỷ lệ hậu thuẫn của bà Fiorina sẽ tăng vọt trong khi tỷ lệ của ông Trump và ông Carson có thể sẽ suy giảm, tuy chưa ai biết nhiều ít bao nhiêu.

Nói tóm lại, ngoài ông Trump ra, hai ngôi sao đang nổi mạnh là ông Ben Carson và bà Carly Fiorina. Hai người này có hai đặc điểm, một người là da đen, một người là phụ nữ. Nhưng mẫu số chung của cả hai, cùng mẫu số với ông Trump là cả ba người chẳng có ai là chính trị gia chuyên nghiệp, chẳng ai có kinh nghiệm chính trị gì ráo.

Qua sự thành công vượt bực của bộ ba Trump-Carson-Fiorina, cũng như sự tuột dốc của các thống đốc Jeb, Walker, Christie, và thượng nghị sĩ Rubio, và sự... không ngóc đầu lên nổi của các thống đốc Kasich, Jindal, Pataki, Gilmore, và các thượng nghị sĩ Cruz, Paul, Graham, ta thấy rõ ràng khuynh hướng mới trong đảng CH. Đó là khuynh hướng chán ngán các chính trị gia chuyên nghiệp, không có tư tưởng hay quan điểm rõ rệt, chỉ lo chuyện phải đạo, vuốt ve hết phe này đến nhóm nọ, sợ đụng nhóm này chạm khối kia, không dám để mất lòng ai hết. Tất cả cũng chỉ là mồm mép, không ai có khả năng trị quốc, hay khả năng chuyên môn gì như bộ ba hàng đầu hiện nay.

Dường như “chính trị” đã trở thành một thứ bệnh dịch, nên thiên hạ bây giờ mê mấy người chẳng biết chính trị là gì. Kinh nghiệm chính trị trở nên yếu tố phụ, chẳng có gì quan trọng. Trước đây dân Mỹ có thể bầu cho một ông tổ chức cộng đồng không biết mô tê gì về chính trị được, thì bây giờ bầu một ông bác sĩ mổ óc hay một ông doanh gia, hay một bà tổng giám đốc một đại công ty, chắc chắn là được thôi, mà cả ba đều có vẻ giỏi hơn, thành công hơn ông tổ chức cộng đồng nhiều.

Nếu nhìn vào tỷ lệ hậu thuẫn thì ai cũng nghĩ bộ ba phi chính trị này có hy vọng lọt vào Nhà Trắng hơn tất cả mấy vị khác. Thực tế không dễ dàng như vậy. Tỷ lệ hậu thuẫn qua thăm dò là một chuyện, chiến thắng trong các cuộc bầu sơ bộ là chuyện hoàn toàn khác.

Muốn chiến thắng trong 50 cuộc bầu sơ bộ đòi hỏi ba điều kiện quan trọng nhất:

- Cơ sở và tổ chức địa phương tại cả 50 tiểu bang;

- Tiền bạc để nuôi dưỡng các tổ chức đó, cũng như để quảng cáo, thuê chuyên gia, cố vấn, cổ động viên, nhân viên, rồi chi phí đi vận động, và một triệu chuyện khác;

- Thêm vào đó, còn phải được hậu thuẫn của các chính khách điạ phương như thống đốc, dân biểu, nghị sĩ địa phương, là những người nắm giữ guồng máy của đảng tại cả 50 tiểu bang và cả ngàn quận hạt.

Đây là những điều cả ba người, các ông Trump, Carson và bà Fiorina đều không có. Chẳng ai có cơ sở địa phương nào, cũng chẳng ai được các “thân hào nhân sĩ” nào của CH ủng hộ hết. Về tiền bạc, cả ba người đều là triệu phú, tuy ông Trump tự khoe là tỷ phú. Nhưng cho dù là tỷ phú cũng không đủ tiền túi để ra tranh cử. TT Obama năm 2008 chi khoảng 700 triệu đô, năm 2012 chi gần 1 tỷ đô. Tiền bạc phải do cử tri đóng góp qua một guồng máy gây quỹ cực kỳ hữu hiệu, là điều cả ba người, chẳng ai có.

Nhìn vào ba điều kiện này, thực tế chỉ có đúng ông Jeb Bush là có đầy đủ cả ba. Và điều đáng nói là ông thực sự chưa ra tay vì còn quá sớm. Cho đến nay, chỉ để tranh cử sơ bộ thôi, ông Jeb đã có sẵn gần 100 triệu, chưa xài bao nhiêu.

Bên DC cũng vậy, thực tế, vẫn chỉ có bà Hillary là có đủ cả ba điều kiện.

Cuối cùng thì... nhìn đi nhìn lại, vẫn thấy bà Hillary và ông Jeb có triển vọng nhiều hơn hết. Ông Trump và cụ Sanders có lẽ... đến rồi đi. Ông Carson và bà Fiorina thì tràn trề hy vọng ra làm... ứng viên phó. (20-09-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
24/09/201520:16:21
Khách
Về phía ƯCV Cộng-hòa. Số tham gia lúc đầu là 17 vị, nhưng nay chỉ còn 15 mà thôi {ƯCV Rick Perry và Scott Walker đã rút lui}. Trong số còn lại này, Mr. Trump trước sau gì cũng phải rút lui vì tư cách Lãnh-đạo không có : nói năng bừa bãi, chê bai bạn đồng môn và sẵn sàng vùi dập bất cứ ai chống lại Ông. Tôi nhận thấy Ben Carson (african/US) có tư cách Lãnhh-đạo hơn, so với các đồng môn, nhưng lại có yếu điểm là thiếu nghệ thuật nói trước quần chúng nên khó lôi cuốn số cử-tri trẻ tuổi và các bà trung niên. Cuối cùng có thể là Jeb Bush sẽ được tiến cử vì Ông này được đa số Latino (Mễ) ủng hộ và Cộng-hòa chì hy vọng vào số cử-tri Latinno (Mễ) mà thôi. Thêm nữa, Jeb Bush nắm chắc số cử-tri đòan Florida vì là Thống-đốc 2 nhiệm kỳ tại tiểu bang này. Một liên danh Bush-Rubio sẽ có hy vọng thành công hơn. Đơi xem. Vubinh
22/09/201510:32:01
Khách
Nhung bai viet ve Chinh Tri thuong thuong kho khan (dry), kho hieu, vi vay it thu hut su tap trung cua nguoi doc tu dau cho den cuoi.

Nhung qua bai viet nay, tac gia da loi cuon nguoi doc ngay tu luc dau qua cach viet ro rang, mach lac (articulate), di dom (humor), etc. va cuoi cung dua toi mot ket luan chinh xac. Phai la nguoi theo doi sat tinh hinh, nhieu kinh nghiem ve cuoc chay dua vao nha Bach Oc moi co the trinh bay duoc nhu vay.

Cam on tac gia !!!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.