Hôm nay,  

Xin Cám Ơn Australia

26/08/200000:00:00(Xem: 4540)
Mỗi người Việt sống trên đất Úc là một câu chuyện hứng thú với những tình tiết, hoàn cảnh hoàn toàn riêng biệt. Qua mỗi câu chuyện của mỗi người Việt tỵ nạn, độc giả đều không thể không ngạc nhiên khi nhận ra những đường nét đặc biệt, những cảm xúc mới lạ do câu chuyện mang lại... Thậm chí ngay cả tình yêu quê hương đất nước là một tình cảm chung của tất cả những người Việt xa quê, nhưng qua mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện, tình yêu quê hương đất nước đó cũng được thể hiện một cách phong phú, đa dạng, mang đậm đà cái "tôi rất riêng tư" của mỗi tác giả. Bài viết sau đây nhan đề "Xin cám ơn Australia" của tác giả Kim Vy sẽ cho qúy độc giả thấy được những giây phút vô cùng xúc động, những giọt nước mắt ứa ra âm thầm trong đêm của một người phụ nữ Việt Nam cùng chồng đến định cư tại Úc... Đặc biệt, sự thao thức suốt đêm không ngủ khi tác giả chờ đợi chuyến viếng thăm Cabramatta, những xúc động khi được nghe những người chung quanh trò chuyện bằng tiếng Việt, và nhất là cử chỉ "nâng niu mấy bó rau muống như sợ nó đau" của tác giả, đã khiến người đọc bồi hồi nhớ lại những cảm xúc, những rung động tương tự khi mới đặt chân đến Úc... Chính trong niềm cảm xúc bồi hồi đó, nhiều người không thể không bâng khuâng tự hỏi: Đâu là niềm hạnh phúc đích thực của một người Việt phải sống xa quê" Một cuộc sống thành công trong hội nhập, trong sự từng trải, hiểu biết, am tường tất cả, có đầy đủ tất cả, nhưng đầu tắt mặt tối, chẳng có lúc nào nghĩ đến quê hương và nghĩ đến nhau; hay một cuộc sống tuy bỡ ngỡ, lạ lùng, thiếu thốn, nhưng luôn luôn có những rung động mong manh, những thao thức trăn trở âm thầm dành cho những kỷ niệm, những người thân thương, những ngọn rau, cái bánh, đậm đà hương vị của quê nhà""... Sàigòn Times chân thành cảm ơn sự đóng góp của tác giả Kim Vy, và sau đây xin trân trọng giới thiệu những cảm xúc tuyệt vời dành cho quê hương đất nước của một phụ nữ Việt Nam khi mới định cư trên đất Úc...

*

Tôi sinh ra trong một gia đình có tám anh chị em, bố mẹ tôi nội chuyện lo ăn học cho một lũ đang tuổi lớn như chúng tôi cũng đã là một gánh nặng, nên chẳng còn lòng dạ đâu mà nghĩ đến chuyện lo cho chúng tôi vượt biên. Là một người con gái không được đẹp cho lắm, nhưng nhờ vào sự khéo léo ăn nói của tôi, nên cũng làm cho khối người oán trách giận hờn khi tôi quyết định lấy chồng. Đó là người chồng đã ở với tôi cho đến bây giờ là vừa chẵn mười bảy năm trời.

Từ khi lập gia đình, vì cuộc sống quá vất vả khó khăn cộng thêm sự xuống dốc của thời thế, nên chúng tôi đã phải đương đầu với bao vất vả của cuộc sống. Chúng tôi đã mất đi những thơ mộng của ngày yêu nhau, và lăn xả vào giòng đời đưa đẩy để chụp giựt với mọi cơ hội. Do một sự tình cờ quen biết, chồng tôi móc ngoặc được với một tổ chức vượt biên và trầy trật vất vả lắm anh mới đến được đảo Bidong sau 7 ngày lênh đênh đói khát trên biển cả. Thời gian đầu ở đảo, vì chỉ ăn rồi ngồi chờ thư nên ai nấy phát phì thấy rõ. Cùng với nắng gió của đảo Indonesia nên hình anh chụp gửi về thấy vạm vỡ như anh Vọi của nhà văn Khái Hưng thuở nào. Sau mấy tháng lăn lộn ở đảo, phần vì lúc đó các trại tỵ nạn đã đóng cửa vào năm 89, phần nữa là khi anh đi thì tôi đã có thai cháu thứ hai được 3 tháng rồi. Thế là anh tự ý hồi hương mà chẳng hề hỏi ý kiến tôi gì cả. Nhưng tôi cũng không ngờ rằng quyết định nông nổi của chồng tôi khi xưa đã là cứu cánh duy nhất để cho chúng tôi được hội ngộ trên đất Úc ngày nay.

Bẵng đi một thời gian dài từ khi hồi hương về năm 91 đến năm 95, hơn 4 năm trời lo chạy cơm hàng ngày cho lũ nhóc, nên thời gian này chúng tôi không còn mơ tưởng gì đến những ước vọng cao xa ngoài tầm tay với nữa. Lòng luôn thầm nghĩ, thôi phận số mình hẩm hiu thì ráng mà cam chịu rau cháo hàng ngày nuôi nhau. Bất ngờ vào một ngày cuối tháng 8.95 tôi nhận được lá thư từ Úc của anh chị chồng tôi viết về riêng cho vợ chồng tôi. Trong thư ngoài phần hỏi thăm như thường lệ, còn có phần tái bút quan trọng đã làm thay đổi cả cuộc sống của gia đình tôi trong những ngày tháng sau đó. Nội dung thơ như sau: "Hai em hãy chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hồi hương, và toàn bộ giấy tờ tùy thân của gia đình vì có thể anh chị theo diện S.A.C. (người hồi hương có anh em trực hệ tại Úc) của chính phủ sắp ban hành vào tháng 11.95 này. Ôi tôi có nằm mơ không" Có trúng số tôi cũng không mừng bằng tin tức quý giá này. Tối hôm nhận được tin quan trọng đó, tôi không nấu cơm mà khao cả nhà bằng một bữa bánh xèo mua trên Lạc Quang, và khi mang về đến nhà đã nguội ngắt nhưng ăn vẫn thấy ngon vô cùng.

Thế là mọi việc xảy ra đúng như lời chị tôi đã viết. Chúng tôi bận rộn cho những việc lo soạn thảo giấy tờ, khám sức khỏe và kể sao cho hết những vất vả khó khăn trong những ngày tháng làm giấy tờ và chờ đợi cho đến khi đầy đủ mọi hồ sơ cần thiết cho một cuộc định cư ở nước ngoài.

Ngày chia tay ra phi trường, trời mưa tầm tã và trong lòng tôi cũng tan nát như mưa, vì phải xa cách những người thân yêu đã hơn 30 năm trời gắn bó đùm bọc cho nhau. Ôi có cuộc chia ly nào mà không đầy nước mắt.

Sau một đêm bay bổng với nhiều hoang mang, gia đình tôi đặt chân đến Úc vào một sáng chủ nhật đẹp trời. Ngồi trên xe do anh chị tôi đi đón, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là sao nước Úc buồn quá, không thấy bóng dáng người đi tất bật ở đường vậy. Đã thế những cơn gió lạnh cuối đông thỉnh thoảng chợt thổi đến làm cho tôi se lạnh. Tôi nghe chị tôi nói: "Chưa thấm gì đâu em, mai mốt vào đầu mùa đông em sẽ thấy còn lạnh hơn nữa". Tôi rùng mình lo ngại vì đã không kịp chuẩn bị quần áo ấm cho chồng và 2 con tôi. Xe chạy vun vút khoảng 45 phút thì về đến nhà anh chị tôi. Ở đấy đã có sẵn những người bạn, những người đồng hương của chị em chúng tôi chờ đón, và một bàn tiệc đã dọn sẵn ngoài vườn. Tôi liếc mắt quan sát thì thấy nào là đùi gà, cánh gà, thịt bò và thịt trừu ướp sẵn cùng những cây xúc xích bóng nhẫy, một hộp lớn rau xà lách trộn sẵn với dưa leo cà chua, và những lát cà rốt thái mỏng thật hấp dẫn, có đến 5, 6 chai nước ngọt lớn các loại bày la liệt trên bàn (một bữa ăn mà mãi sau này tôi mới biết nó được gọi bằng tên BBQ)

Chúng tôi tắm rửa cho tỉnh táo và ra ăn bữa ăn đầu tiên trên đất Úc. Những chuyện vui buồn, cộng với không khí khác lạ làm cho tôi không cảm nhận được những món ăn có ngon hay không. Nhưng tôi thấy được một điều là sao đồ ăn nhiều quá, thịt thà dư thừa cả hộp, tôi nhìn những đĩa thịt của mấy nhóc hàng xóm ăn không hết đổ vào bịch rác và thấy thương cho những người còn lại bên nhà. Họ luôn gặp cảnh thiếu thốn chứ làm gì có được bữa ăn thịnh soạn dư giả như ở đây.

Tối hôm đầu hai con tôi vì mệt nên chúng lăn ra ngủ ngon lành chẳng chút suy tư. Còn tôi trằn trọc bên này bên kia không sao ngủ được. Phần thì lạ nhà, phần không nằm nệm quen nên tôi xoay ngang trở dọc. Sát bên tôi, chồng tôi cũng không tránh được cảm xúc ấy, tôi nghe tiếng anh hỏi nhỏ: "Nhớ nhà rồi phải không"". Tôi chợt nghe mặn chát và như có cục đá chặn ngang cổ cho nước mắt ứa ra thật âm thầm như giã từ những ngày tháng nghèo nàn năm xưa. Vang vọng bên tai tiếng chồng tôi an ủi: "Thôi đừng khóc nữa, từ nay chắc mình thoát khỏi kiếp nghèo rồi đấy em ạ". Tôi bồi hồi nằm ôn lại những ngày qua và cảm thấy một tương lai sáng sủa đang bắt đầu mở ra trước mắt cho vợ chồng tôi, và nhất là cho những đứa con tôi sau này.

Cuộc sống từ từ trôi qua với những mới lạ mỗi ngày làm tôi chóng mặt. Nhờ sự chỉ dạy của anh chị, dần dần tôi cũng quen với những công việc như sử dụng bếp điện, máy hút bụi, lò Micowave và đi shop mua đồ cho cả tuần cùng những tiện nghi khác mà ở VN không biết đến đời nào tôi mới sắm được. Vì khu vực anh chị tôi ở rất ít người Á châu nên tôi thèm được nghe giọng nói Việt Nam quá sức. Một hôm lúc hai chị em tôi chuẩn bị nấu cơm bữa tối, tôi mới gợi chuyện hỏi xem ở đây có chỗ nào bán đồ ăn Việt Nam không, chứ mấy tuần nay ăn riết đồ ăn nấu kiểu Úc đã thấy cơ thể mình phát phì ra quá rồi. Chẳng ngờ chị tôi nói: "Ôi tưởng gì chớ, đâu có gì khó em, để cuối tuần chị sẽ chở em đi chợ Cabramatta cho em tha hồ mà mua".

Tôi nôn nao chờ cho đến ngày cuối tuần, đêm thứ sáu rạng sáng thứ bảy tôi trằn trọc không ngủ được, cứ nằm nghĩ xem mình sẽ mua những gì cho ngày mai đây, và cuối cùng thì tôi cũng đã đến chợ. Một góc Việt Nam được thu nhỏ nơi đây. Cảm giác như gặp những người thân hiện ra trước mắt. Tôi nghe đây đó những tiếng cười đùa, những lời chào hỏi tay bắt mặt mừng khi tình cờ gặp lại người quen. Một không khí rất ư là ấm áp thân thương mà cho đến giờ tôi mới biết. Tôi sà vào một shop thực phẩm Á châu và nâng niu mấy bó rau muống như sợ nó đau. Tôi xách thêm hai gói đậu hũ chiên sẵn màu vàng tươm mỡ nhìn rất bắt mắt, và nhờ cô bán hàng gói thêm cho mấy hộp chè xôi nước, chè táo soạn. Dù chẳng cần gì đến húng quế, rau thơm tôi cũng mua mỗi thứ 2 bó vì cái mùi nó gợi cho tôi nhớ quê nhà quá đỗi. Chợt nhìn thấy mấy đòn bánh tét bày trên quày kế bên mấy cây giò, tôi cũng mua thêm mỗi thứ một cây, bụng thầm nghĩ tối nay về chắc bội thực vì cái tật ham ăn uống của mình. Tôi như một người hạn hán gặp mưa, tôi mua thôi là mua, đến 5, 6 bịch đầy những món ăn mà mới cách xa có hai tháng, tôi cảm tưởng như hàng mấy năm trời trôi qua.

Sau hơn hai tháng ở chung với anh chị, tôi đã được cho ra ở riêng tại một căn hộ nhỏ thuê ở Canley Vale, dù rằng trước đó tôi chẳng biết nó nằm ở hướng nào trên bản đồ nước Úc.

Thời gian đầu ra ở riêng trên đất nước hoàn toàn xa lạ, chúng tôi cũng gặp không ít những khó khăn và thiếu thốn. Nhưng nhờ có những hội đoàn và sự chỉ dẫn của những người bạn mới quen nên chúng tôi cũng vượt qua được rất nhiều những thử thách và chúng tôi đã gặp được những sự giúp đỡ thật cần thiết trong lúc mới hội nhập.

Cho đến nay đã bốn năm sống trên đất Úc, chồng tôi cũng đã kiếm được việc làm tương đối ổn định. Hai con tôi, đứa lớn đã lên trung học với kết quả mỗi kỳ thi rất đáng khen, chúng đã quen với trường lớp mới, bạn mới với tất cả nhiệt thành của tuổi trẻ.

Giờ đây sau một ngày tất bật với công việc, tôi ngồi ôn lại tất cả và chỉ biết nói lên những tiếng nói rất thật của lòng tôi. Xin cám ơn! Ngàn lần xin cám ơn nước Úc, xin cám ơn anh chị tôi và tất cả những người đã giúp cho tôi có mặt được trên mảnh đất hiền hòa đầy ắp tình người này. Tôi thầm nhủ với lòng rằng nhất định sẽ đi học tiếng Anh để có chút vốn liếng hầu có thể tiếp xúc với mọi người. Nhưng giờ đây một mầm sống thật nhỏ bé đang chòi đạp trong tôi, với tất cả những nô nức và chờ đợi ngày được góp mặt với cuộc đời. Tôi tự hỏi tôi có vội vã quá không""

Kim Vy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.