Hôm nay,  

Việt Nam: Đầu Năm Nói Phét, Cuối Năm Chạy Làng

24/01/200300:00:00(Xem: 4470)
Dân bỏ Đảng, cán bộ gạt Nhà nước ra chỗ khác chơi.
Hoa Thịnh Đốn.- Có nhiều chuyện nói về Việt Nam trong những ngày đầu năm, nhưng chuyện Đảng và Nhà nước đua nhau nói phét, thổi phồng thành tích để che lấp thất bại rồi đổ tội cho nhau vẫn đáng nói hơn cả.
Trước hết hãy bàn về cụm từ "Đảng ta thật là vĩ đại" trong bài viết của Nguyễn Viết Thông, Tiến sĩ, do Trung ương đảng phổ biến kỷ niệm 73 năm ngày thành lập đảng (3-2-1930 - 3-2-2003) và 58 năm Chính phủ trưởng thành.

Cái "vĩ đại" mà Thông khai triển dựa vào câu nói của Hồ Chí Minh nhân ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960) :"Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói ":Đảng ta thật là vĩ đại." (Tài liệu đảng CSVN).
Hồ Chí Minh nói câu này sau khi làm xong ba chiến dịch đàn áp giết dân và hãm hại trí thức, văn nghệ sỹ ở miền Bắc từ 1953 đến 1956 trong các cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) , nổi dậy của đồng bào Công giáo ở Quỳnh Lưu (Thanh Hóa), Phát Diệm (Ninh Bình) và đầy ải nhóm Nhân văn Giai phẩm.
Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nhìn nhận có sai lầm sau khi đã giết xong hàng trăm nghìn dân vô tội, kể cả những người đã dâng hiến hết tài sản cho Bộ đội Việt Minh theo đuổi cuộc chiến được gọi là "đánh Pháp giành độc lập" và nuôi ăn, che chở Lãnh đạo như trường hợp Bà Cát Thành Long (Nguyễn Thị Năm). Hồ Chí Minh không trực tiếp nhận lỗi trước nhân dân đã làm sai mà lại đẩy Võ Nguyên Giáp, Đại tướng ra nhận lỗi thay cho Đảng trong cuộc mít tinh tại Nhà hát Nhân dân Hà Nội ngày 29-10-1956 (tài liệu Nguyễn Minh Cần).
Trường Chinh Đặng Xuân Khu, khi ấy là Tổng Bí thư đảng Lao động Việt Nam (tên cũ của đảng CSVN) , người trực tiếp chỉ huy CCRĐ bị thay thế để xoa dịu dư luận đang phẫn nộ vì những việc làm "quá tay" của đội ngũ thực thi cuộc tàn sát đẫm máu.
Bây giờ 43 năm sau, câu nói "Đảng ta thật là vĩ đại" lại được đám hậu duệ Hồ Chí Minh lập lại như một niềm hãnh diện lố lăng để che giấu những hành động hại dân hại nước trong chủ trương "xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh." (Cương lĩnh Đại hội Đảng lần thứ VII).
CHỨNG MINH
Để chứng minh cho những việc làm không thật của đảng CSVN, trước tiên hãy nói đến những ngôn ngữ suy tôn, hồ hởi của đội ngũ tuyên truyền làm công tác Tư tưởng đang lèo lái, uốn nắn suy nghĩ và hành động ccho dân cả nước:
Trung ương Đảng viết:" Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta phấn chấn đón Xuân Qúi Mùi - Xuân thứ ba của thế kỷ XXI; Xuân thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam....Xuân thứ 17 đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Nhân dân ta đón Xuân trong niềm tự hào, tự tin. Tự hào, tự tin bởi dân tộc ta ngày một khởi sắc; xã hội, chính trị ổn định, độc lập chủ quyền giữ vững; mọi gia đình, thôn bản, phố phường cuộc sống bình yên...."
"Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu lý tưởng cao cả được toàn Đảng, toàn dân ta lựa chọn và kiên trì phấn đấu. Đây là con dường duy nhất đúng để dân tộc ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; thoát khỏi sự phụ thuộc vào bên ngoài, để ngẩng cao đầu sách vai cùng phát triển với các nước anh em trong cộng đồng quốc tế... Chúng ta tin tưởng rằng, trên dường chúng ta đi, năm 2003 sẽ là năm đất nước giành nhiều thắng lợi to lớn và vững chắc rạng rỡ con đường đi tới tương lai của đất nước." (Đức Minh, Tạp chí Cộng sản số 1-2003)
"Điều cơ bản là dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Đảng ta đã nhanh chóng đưa ra chiến lược và sách lược lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đó là các quyết sách của Hội nghị Trung ương III, IV,V,VI, đặc biệt là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương V về phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư nhân; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; công tác tư chưởng lý luận trong tình hình mới...." (Vũ Phòng trong bài viết "Bức tranh tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam năm 2002", Tạp chí Cộng sản số 1-2003)
"Năm 2003 phải xứng đáng với vị trí là năm "bản lề" của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005. "Bản lề" càng chắc thì cánh cửa mở ra càng rộng, tầm nhìn càng xa, cái đà càng vững và bước đi càng nhanh." (Bình luận của Tạp chí Cộng sản số 1-2003)
Những lạc quan trên đây được căn cứ vào mức phát triển kinh tế 7% trong năm 2002 của Việt Nam, hơn hẳn các nước trong khu vực đạt trung bình 4,5%. Nhưng trong thực tế, Việt Nam đã mất đi 40% vốn đầu tư của nước ngoài vì không có luật lệ trong sáng, vẫn duy trì chính sách "bảo hộ, ưu đãi" đối với các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNH), dù vẫn tiếp tục làm ăn thua lỗ. Mức độ 7% đạt được lại nhờ phần lớn vào các công ty của nước ngoài hay đại diện của các công ty này của Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ v.v... Nếu chẳng may các Công ty này bỏ chạy thì nền kinh tế "tầm gửi" của Việt Nam sẽ sụp đổ ngay vì thiếu khả năng tự chủ, máy móc xưa cũ, tham nhũng, móc ngoặc lan tràn trong cán bộ.
Vì vậy, Tác giả Trần Nguyễn đã cảnh giác những việc cần phải làm trong một bài báo trên tờ Nhân Dân ngày 16-12-2002:" Tăng cường kỷ cương phép nước trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là quản lý vốn, tài sản quốc gia, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, gây lãng phí thất thoát, nhất là trong hoàn thuế giá trị gia tăng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Dấy lên phong trào coi năm 2003 là năm tiết kiệm các khoản chi chưa cần thiết, tập trung vốn cho đầu tư phát triển, tạo thế và lực mới để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới."
"Nhiệm vụ đặt ra cho đất nước năm 2003 là rất nặng nề. Bài học thành công và không thành công của năm 2002 cần được tổng kết, rút kinh nghiệm thật nghiêm túc, để từ đó tạo sự chuyển biến mạnh trong lãnh đạo và chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương, cơ sở và các doanh nghiệp nhằm đạt cho được mục tiêu tăng trưởng từ 7 đến 7,5% như Nghị quyết của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XI."
Ý kiến của Trần Nguyễn đã được Phan Văn Khải, Thủ tướng hứa với Quốc hội nhưng Khải còn nhấn mạnh đến hai chương trình trọng điểm khác là "Xóa đói giảm nghèo" và "hạn chế tai nạn lưu thông". Số dân đói nghèo vẫn ở mức chênh lệch với lợi tức của dân thành phố từ 12 đến 20 phần trăm, và mỗi năm có trung bình 12 ngàn người chết vì tai nạn lưu thông trong một nước không ai coi luật lệ ra gì !
THỰC TẾ
Đó là bối cảnh của Hội nghị lần thứ bẩy (phần hai) Ban Chấp hành Trung ương Đảng kéo dài 9 ngày mới kết thúc ở Hà Nội (13/1 - 21/1/2003). Trong các cuộc thảo luận, mặt trái của những "thành tích ảo" và "hy vọng hão huyền" về khả năng thực tế của Việt Nam đã được phơi bày.
Trước hết là sự tin tưởng vào Đảng của nhân dân đã xoi mòn. Câu nói thường nghe "chính sách của Đảng được nhân dân ta đồng tình ủng hộ" đã bị thay thế bởi Thông báo của Ban Chấp hành Trung ương:"Đánh giá thực trạng tình hình khối đại đoàn kết dân tộc trong hơn 16 năm đổi mới vừa qua, Hội nghị khẳng định : Nhìn chung, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã được mở rộng hơn, nội dung phong phú, đa dạng hơn....Bên cạnh đó, khối đại đoàn kết dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân tuy đã được chăm lo củng cố và phát triển, nhưng chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thử thách mới; lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc, có phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, vì bất bình trước những bất công xã hội, trước tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến và nghiêm trọng, kỷ cương, pháp luật, nhiều lúc, nhiều nơi bị buông lỏng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp...Ở một số nơi, cấp ủy đảng còn mất đoàn kết, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về lối sống và đạo đức làm giảm sút vai trò hạt nhân lãnh đạo...."
Những khuyết điểm này của Đảng không chỉ nhằm nói về người Kinh mà đích thực, trong kỳ họp này, là nhắm tới "các Dân tộc anh em", hay thiểu số ở Việt Nam là những người tiếp tục bị khinh miệt, kỳ thị, chịu bất công trong xã hội Cộng sản. Thông báo viết:"...công tác dân tộc trong thời gian qua còn những hạn chế, yếu kém. Nhìn chung nền kinh tế ở miền núi và các vùng dân tộc còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ đói nghèo ở nhiều vùng dân tộc và miền núi còn rất cao so với bình quân chung của cả nước. Một số bản sắc tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc thiểu số đang bị mai một. Chất lượng, hiệu quả về giáo dục và đào tạo còn thấp. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc và miền núi còn nhiều mặt yếu kém v..."


Một trong những nguyên nhân của tệ trạng này, theo Thông báo vì "Cán bộ trong hệ thống Đảng và chính quyền các cấp ở nhiều nơi còn quan liêu, xa dân, chưa sâu sát thực tế, chưa nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đồng bào."
TÔN GIÁO
Từ đời sống bất ổn định, khó khăn và liên tục bị thiệt thòi, người dân miền núi ở nước ta còn bị kìm kẹp cả về đời sống tinh thần ở Cao Nguyên miền Bắc và một số tỉnh vùng Tây nguyên trong nam như Darlac (Ban Mê Thuột), Kontum và Pleiku là những vùng đã xẩy ra những cuộc xung đột gây ra án mạng và thương tích cho nhiều người trong ba năm qua.
Đảng CSVN coi những bất ổn này là không đáng kể vì đã "đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước". Thế nhưng Ban Chấp hành Trung ương họp lần này lại nhìn nhìn nhận :"tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây bất ổn định."
Thông báo viết:" Việc khiếu kiện và tranh chấp liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất tôn giáo ngày càng tăng, có nơi gay gắt, phức tạp. Ở một số nơi, nhất là vùng dân tộc thiểu số, một số nhà tu hành đã lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối."
Đảng nói như thế nhưng lại không dám nhìn nhận tại sao đồng bào dân tộc ở những nơi này đã phẫn nộ chống lại Đảng và Nhà nước. Nguyên do cốt lõi vì Đảng đã chủ trương và chỉ huy cuộc cấm theo đạo và hủy diệt những nơi thờ phượng của đồng bào theo đạo Thiên chúa và Tin lành trên Tây nguyên miền nam và ở một số Tỉnh ở miền Thượng du phía bắc. Chính sách diệt đạo lại được gắn liền với chủ trương chiếm đất, chiếm nhà, đuổi ra khỏi nơi cư trú, tịch thu hộ khẩu nếu người dân tộc không bỏ đạo.
"Hội nghị chỉ rõ những yếu kém nêu trên là do:Công tác tôn giáo chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong khui các thế lực thù địch ráo riết tranh thủ, giành giật, lôi kéo quần chúng, tín đồ...", Thông báo viết tiếp.
Để đối phó với tình trạng này, Đảng ra lệnh :"Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ."
Cùng ngày bế mạc kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2002 và "triển khai chương trình công tác năm 2003". Hội nghị này đã đề ra 8 nhiệm vụ :"Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các hoạt động tôn giáo; kiểm tra các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân trong nước, các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong việc tuân thủ và chấp hành các quy đinh của pháp luật về hoạt động tôn giáo."
Theo lời Vũ Khoan, Phó Thủ tướng tại Hội nghị này thì năm 2003 sẽ là năm tập trung vào việc "cần tổ chức quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đồng bào tôn giáo, nêu rõ những chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa IX, (phần hai) về công tác tôn giáo..."
Những việc làm này không có nghĩa gì khác là tăng cường hơn nữa sự kiểm soát đã có của Đảng đối với các sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ và các Nhà lãnh đạo các tôn giáo ấy.
Dù vậy, Nông Đức Mạnh --Tổng Bí thư Đảng - vẫn không ngại ngùng nói ra những điều cam kết chưa bao giờ được thực hiện:"Chúng ta luôn luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật; thực hiện đoàn kết các tôn giáo khác nhau và trong nội bộ từng tôn giáo, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo..." (Phát biểu hôm bế mạc 21-1-03)
PHẢN ỨNG
Phản ứng trong nhân dân về Hội nghị lần thứ 7 (phần hai) sẽ không bao giờ thấy ở bề mặt trong xã hội hiện nay, nhưng trước đó, ngày 25-12-2002, Đức Tổng Giám mục (TGM) giáo phận Sài Gòn Phạm Minh Mẫn, trong lá thư đáp lại lời mời đến dự đại hội của Ủy Ban Đoàn kết Cộng giáo Việt Nam, Ngài đã nói lên tất cả hiện trạng u tối của xã hội và Giáo hội Công giáo.
Theo TGM Mẫn "hiện tượng" làm "tha hóa con người" trong xã hội hiện nay phải được đặt trên căn bản của "chân lý và phẩm giá con người", ngược lại nếu tự do chỉ để mưu cầu lợi ích cho "bản thân, cho phe phái" thì "tự do chỉ còn là sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền lực và thế lực". Ngài viết:"Tự do như thế, thay vì đem lại an cư lạc nghiệp và hạnh phúc cho mọi người, có nguy cơ tạo ra những bất công chồng chất trong xã hội."
TGM Mẫn còn lưu ý rằng "cơ chế xin-cho" đang được áp dụng giành đặc quyền, đặc lợi cho những cán bộ của Đảng, Nhà nước và các Doanh nghiệp Nhà nước hay hỗn hợp là "biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép."
Ngài viết:"Như thế cơ chế xin-cho vừa xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình."
TGM Mẫn đưa ra bằng chứng bất công của chế độ xin-cho:"Theo thông tin của báo chí cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% từ cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống qui mô trong xã hội ngày nay là một cản trở hết sức to lớn cho việc phát triển đất nước cũng như cho các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% của phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều nầy có nghĩa là một thiểu số nhỏ những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu chỉ hưởng 25%. Thực tế nầy tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu việc phát huy phẩm giá con người."
Khi nói vế vấn đề tôn giáo, Nhà lãnh đạo Công giáo ở trong nam viết:" Phát huy tính phụ đới của tổ chức xã hội. Việc xây dựng tính liên đới và đoàn kết trong lòng một dân tộc chỉ đạt kết quả khi mọi tổ chức xã hội thể hiện được tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm ấm thẩm quyền và tính tự lập của tập thể cấp thấp, song tạo điều kiện cho nó có được tự do phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của các tập thể khác trong xã hội. Trong tổ chức xã hội mang tính phụ đới, mọi công dân, mọi tập thể công dân, tôn giáo hay không tôn giáo, không phân biệt giai cấp, được tự do sáng kiến và hoạt động nhằm phát triển và thăng tiến con người và gia đình, củng cố nền tảng pháp lý quốc gia. Tính phụ đới không cho phép một tổ chức hay tập thể xã hội, dù là tổ chức cao cấp nhất như Nhà Nước, chiếm độc quyền trong cộng đồng dân tộc. Vả lại, độc quyền là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn vừa đánh mất phẩm giá con người vừa cản trở việc phát triển đất nước."
Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng nầy, Nhà Nước của dân, do dân và vì dân, từ một tổ chức phục vụ nhân dân, trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành công cụ mù quáng và miễn cưỡng phục vụ cho cỗ máy đó. Sự đảo ngược đó làm tha hóa con người và phân hóa xã hội." (Tài liệu do Ông Nguyễn Lý Tưởng phổ biến)
Với lập trường này, TGM Phạm Minh Mẫn đã cho mọi người thấy những khác biệt giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước. Nội dung bức thư còn phản lại những mâu thuẫn có ẩn ý của đảng CSVN, đưa ra sau Hội nghị thứ 7 (phần hai) và của Ban Tôn giáo Chính phủ về chính sách Tôn giáo, trong đó hiện rõ chủ trương kìm kẹp và khống chế là chính./-
Phạm Trần (01-03)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.