Hôm nay,  

Tin Văn: Sài Gòn Phóng Solex Như Bay

25/12/200000:00:00(Xem: 5619)
Thi sĩ Joseph Brodsky, đứa con lạc loài của một thành phố mất tên, và trở thành "cố đô", St. Petersburg, khi được hỏi cảm tưởng về việc thành phố trở lại với cái tên lịch sử của nó, ông trả lời: Tôi hạnh phúc quá chừng quá đỗi. Tôi nói điều này với tất cả tấm lòng hân hoan hớn hở, không một chút dè dặt; mặc dù hoàn cảnh trớ trêu hiện thời: có một thành phố St. Petersburg ở trong vùng Leningrad Region... Nhưng đừng nghĩ tới chúng ta, hãy nghĩ tới những cư dân hiện thời, tới những người sẽ sinh ra tại đó. Họ sống trong một thành phố mang tên thánh, như vậy chẳng hơn là với một cái tên của quỉ. (Better they live in a city that bears the name of a saint than a devil).

Khi được tin nhà thơ Nguyên Sa mất, tôi bỗng nhớ đến câu thơ trên:
Sài-gòn phóng solex như bay

Nhớ đến thi sĩ J. Brodsky, và câu thơ của ông:
Xứ sở làm chi, phần mộ làm gì
Ta sẽ tới đảo kia để chết
(Neither country nor churchyard will I choose
I'll come to Vasilevsky Island to die).

Nhớ đến thành phố mất tên. Và tôi tự nhủ, câu thơ, và tác giả của nó, đã nhập vào Thần Đất, hay thiên tài của nơi chốn.

Đã vĩnh viễn thuộc về Sài-gòn rồi.

Ở đây, chúng ta hãy vượt lên mọi oan khiên, của nhất thời, và để ý đến một điều: cái tên gọi Sài-gòn, theo như người viết hiểu, không phải là một từ tiếng Việt, mà là gốc Chàm, hoặc gốc Miên. Tổ tiên của chúng ta, những người mở nước, đã biết kính trọng điều gọi là Thần Đất, hay thiên tài của nơi chốn, genius loci, và đã không đặt tên lại cho một vùng đất đã cưu mang họ, bằng một cái tên mang sẵn từ nhà, từ một vùng đất mà họ đành phải rời bỏ. Những Los Angeles, Ottawa, Mississauga, Canada... những địa danh ở Bắc Mỹ là một "an ủi" cho người Âu-châu, so với tội ác đối với thổ dân da đỏ.

Tôi thích câu thơ trên, vì Sài-gòn, lẽ dĩ nhiên. Và vì còn là một Sài-gòn của riêng tôi. Sài-gòn của tôi chẳng bao giờ phóng solex như bay, nhưng mỗi lần nhớ đến, câu thơ Nguyên Sa lại mới nguyên, như một vài kỷ niệm còn sót lại về cô bạn.

Nguyên Sa còn một câu thơ, được phổ nhạc: Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu. Nguyên bản, như sau này tôi được biết, là bởi vì đâu. Nhưng tôi cứ rì rầm với nỗi cô đơn của tôi như vầy:
Trời chợt mưa chợt nắng chợt vì đâu.

Và tôi cứ cố tình thích chữ chợt sau cùng. Bởi vì, cứ khơi khơi, trời chợt mưa chợt nắng, cô bạn chợt (phóng solex như bay) vào đời mình:

Chợt vì đâu solex mãi trong tôi.

Hoặc:
Chợt vì đâu xô-lệch mãi đời tôi...

Oan khiên nhất thời: So với chiều dài lịch sử, cuộc chiến quả thật chỉ là một oan khiên nhất thời. Giữa thời gian mà chiều dài lịch sử kèm theo nó, và những con chữ mà thời gian phải run sợ cúi đầu, lại là một chuyện lớn lao hơn nữa:

Khi thành phố mà tôi vinh danh sẽ lụi tàn; khi những con người mà tôi ca ngợi, sẽ chìm vào quên lãng, những con chữ sẽ vẫn còn hoài.
(When the city I celebrate shall have perished, when the men to whom I sing shall have vanished into oblivon, my words shall endure, Pindar.) (1)

Câu thơ cứ còn mãi, dù Sài-gòn không còn phóng solex như bay.

Sài-gòn không còn phóng solex như bay, thi sĩ biết rõ điều này; hãy đọc thơ ông, thay cho những lời tưởng niệm:

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
Em đã gói thơ trong áo bay
Ba phần gió thổi một phần mây
Hay là em chở mây trong áo
Rồi thổi cho làn áo trắng bay

Thi sĩ biết rõ, sẽ một ngày, người mà câu thơ ca tụng, sẽ cách xa, nhưng không hề chi, câu thơ sẽ còn mãi mãi:

Anh vẫn được nhìn mây trắng bay.
Không phải chỉ em, mà luôn cả anh-nhà thơ, sẽ cách xa:

Nghệ sĩ phải làm cho hậu thế tin rằng, không có một nghệ sĩ như thế có mặt ở trên cõi đời này - rằng anh ta đã không sống. (L'artiste doit faire croire à la postérité qu'il n'as pas vécu. Flaubert). Maupassant ngăn cấm chuyện chân dung của ông có trong những tuyển tập những nhà văn nổi tiếng: Đời riêng của một người và bộ mặt của người đó không phải là để chường ra cho thiên hạ thấy. Nabokov nói: Tôi ghét chuyện dí mũi vào đời riêng của mấy ông nhà văn lớn, và chẳng có một cuốn tiểu sử nào có thể chiếu giọi, chỉ một mẩu đời tư của tôi. Italo Calvino giải thích thêm: ngu gì mà thố lộ, dù chỉ một lời về đời tư của mình! Faulkner chỉ mong, làm một người bị triệt tiêu (annulé), được lịch sử xóa sổ (supprimé par l'histoire), chẳng để lại một dấu tích, ngoại trừ những cuốn sách đã được in ra. Theo một ẩn dụ nổi tiếng, nhà văn phá huỷ căn nhà của mình, với những viên gạch từ đó ra, xây dựng một căn nhà khác: cuốn tiểu thuyết của mình. Khi mà Kafka được người đời chú ý đến, nhiều hơn là (nhân vật) Joseph K., tiến trình cái chết lần thứ nhì, cái chết di cảo, hậu-cái chết (mort posthume), của nhà văn, bắt đầu.

Nguyên Sa đã chiêm nghiệm điều đó, trong bài thơ Di chúc:
Tôi đến đây không ai mời
Cũng mong đi đừng ai giữ.

Solomon Volkov, tác giả cuốn Chuyện trò với Joseph Brodsky, cho biết, có lần ông hỏi nhà thơ, về một lời chỉ trích ông, của một ký giả lưu vong. Ông này buộc tội nhà thơ tới được vinh quang, bằng cách đạp lên ngôn ngữ Nga (nguyên văn: là do leo lên những bực thang của ngôn ngữ Nga: over the steps of the Russian language); nhà thơ mặt đỏ bừng, tính xổ nho, nhưng đột nhiên, ông bật cười, la lên: Thú quá, Trời ơi! Làm gì có chuyện nào đẹp hơn thế, phải không" (Lord! What could be better, right").

Trong quá khứ, có lần người viết đã gọi ông, nhà thơ Nguyên Sa, là một nhà văn dễ dãi và sung sướng. Bây giờ, mượn giai thoại tuyệt vời của Brodsky, như một bông hoa, tôi thực sự tin rằng: Nguyên Sa là một con người dễ dãi, và hạnh phúc.

Nguyễn Quốc Trụ

Chú thích:
1. Steiner trích dẫn, trong bài viết Người Đọc Chẳng Bình Thường, The Uncommon Reader, in trong Mê Đắm Chẳng Hoài, No Passion Spent, (nhà xb Yale University Press, 1996).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.