Hôm nay,  

Ghét Con Không Giống Mình

12/08/200000:00:00(Xem: 4883)
Doãn Văn Tử có một đứa con, không thấy giống mình, lấy làm giận lắm, thường đánh đập luôn. Một hôm đang cầm gậy đánh, thấy Tử Tư đến chơi, bèn nói rằng:
- Nó không giống tôi, không phải là con tôi. Tôi lại ngờ mẹ nó có ngoại tình mà đẻ ra nó, nên tôi muốn bỏ mẹ con nó mà đi. Chứ nói thiệt với ông cả ngày ra vô gặp mặt, thì nỗi uất hờn kia dù không cố tình để ý, cũng cứ ầm ầm dậy sóng ở trong tim, thì làm sao tôi có thể yên tâm đón chờ ngày... thượng thọ"

Tử Tư trầm ngâm đôi chút, rồi chợt hỏi:
- Vậy chớ nó không giống ông là không giống làm sao"

Doãn Văn Tử đáp:
- Tôi từ nhỏ tới giờ nước da bánh mật, còn nó thì trắng nhởn trắng nhơ. Tôi chọn cách bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để tìm con đường sống. Còn nó tối ngày cứ đòi học chữ học lên. Tôi muốn gì thì nói đại cho xong, còn nó rào trước đón sau như là qua nhà... vợ. Tôi muốn ngoắt ngoéo đôi chút để mau giàu mau khá, nó lại đem chuyện thánh hiền ra đọc chỗ nọ chỗ kia. Tôi với nó như nước lửa trời trăng thì rõ ra thiếu vắng tình phụ tử. Thiếu hẳn giống lành giống tốt của nhà tôi, thì đừng hỏi tại sao tôi lại thích phang dồn phang dập...

Tử Tư nghe thôi một tràng quá đã, nhưng thấy bạn mình đang giận tức cành hông, thành ra có muốn giải phân cũng phải nghĩ suy điều chính chắn, chứ không thể ào ào như chén rượu giao bôi. Chừng đến khi hỏa bốc lên đã có phần hơi... xẹp, mới nhẹ nhàng mở miệng nói dzô:
- Cứ như ông nói thì vợ vua Nghiêu vua Thuấn cũng chẳng đáng ngờ ư" Hai ông là bậc thánh đế mà sao đẻ ra Đan Chu và Thường Quân thực không bằng kẻ thất phu. Có cha ấy tất phải có con ấy, thường thì vẫn thế. Nhưng không phải cái lý nhất định bao giờ cũng vậy. Có khi cha mẹ rất hay mà đẻ ra con rất dở. Hổ phụ sanh khuyển tử cũng nhiều. Chớ như ông ghét đứa con vì nó không giống mình, rồi cầm gậy đánh nó, lại rắp tâm đuổi mẹ nó đi, thì cũng chẳng là tự ái quá mà hóa ra si ư" Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Cố nhiên là thế. Nhưng nếu đẻ con mà chẳng dạy, để vậy mà nuôi, rồi trách con dở, giận con hư, thì đó là lỗi của người làm cha làm mẹ vậy! Tôi nói ông đừng để tâm để ý: Là giáo dục con người chẳng cứ gì phải vọt với roi. Phải hét lớn thị oai mới hướng được đứa con thơ vào vòng lễ giáo, mà lẽ ra ông chỉ cần yêu thương là đủ, rồi nhỏ nhẹ với con mình mới là tuyệt diệu đó nghe ông. Còn chuyện ngoại tình mà ông vừa nói đó. Chẳng hiểu có bằng cớ xác thực nào không" Hay cũng chỉ bóng gió ghen tương rồi đang tâm hủy hoại mái gia đình đang lành lặn…

Doãn Văn Tử mới nói rằng:
- Tôi vẫn biết chuyện vợ chồng là duyên trăm năm, không phải duyên sớm tối, nên từ ngày cưới bà ấy đến giờ tôi hết mực lo toan, cúc cung hầu hạ. Vậy mà lúc sau này bà ấy có nhiều thay đổi - thật khác khi xưa - khiến lòng trí tôi không lúc nào yên được. Tôi còn nhớ thuở hàn vi gặp nhiều khốn khó, ăn uống lúc nào cũng chỉ cháo cùng rau. Vậy mà nghĩa phu thê vẫn ngọt ngào khôn tả đặng, rồi những lúc đi cày thuê vác mướn, hoặc hạn hán bất ngờ phải bỏ xứ mà đi, thì vợ chồng tôi vẫn giữ sự thủy chung không gì cách ly được. Tôi những tưởng đời mình trôi như thế. Cho đến cuối cùng mới đành bỏ bả mà đi. Nào dè chưa đến... cổ lai hy đã muốn bầm muốn dập. Chẳng là từ nào tới giờ cứ đường ta ta bước - đến lúc có chút tiền lại bày đặt... xâm nọ với bơm kia - rồi nhảy nhót lung tung quá hơn thời son trẻ. Đã thật nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, tôi vẫn không tìm được câu trả lời cho bản thân: Là hạnh phúc của trăm năm cần chi phải sửa này sửa nọ" Cần chi phải dặm thêm đồ... mút miếc" Khi tận cõi tâm hồn tôi vốn yêu thích những gì phù hợp với tự nhiên. Hay lại xao xuyến với ai kia mà trau dồi sắc đẹp" Đã vậy áo quần mốt này qua mốt khác, rồi còn hiệu nọ với hiệu kia, khiến bao công sức đổ ra đều trôi theo dòng nước bạc. Tôi chỉ lo ở tuổi già bóng xế, đã hông có tiền lại hậu quả tùm lum, thì biết chạy đâu ra đặng lo thầy cứu chữa! Đó là chưa nói đến thời gian ngồi trên ghế - trang điểm đã đời mới chịu đó à nghen - thì làm sao chăm sóc chuyện nhà cho được, nên mọi tốt đẹp khi xưa bỗng tan tành bóng nước. Bỗng mất hút hồi nào chẳng để lại tiếng tăm, khiến tôi chán ngán không làm sao tả được, thành thử tự chốn thâm tâm tôi muốn tìm đàng quay gót. Muốn bỏ tiền bỏ của chạy đi. Chứ thiệt ra chưa có quả tang gì hết cả!

Tử Tư nghe xong. Vừa cười, vừa nói:
- Từ nào tới giờ tôi làm bạn với ông. Cứ tưởng đâu ông là người hiểu biết. Là kẻ thông suốt chuyện đời chứ nào dè ông lại tệ thế ni. Chẳng trách gia đạo đang vui bỗng ầm ầm mang tai họa. Tôi chắc ông đã quên thôi thì nhắc ông nhớ: Người đàn bà ai cũng đến tuổi hồi xuân, thì mấy bả hoa lá chút chơi có gì đâu mà lạ. Chỉ lạ là tại sao ông lại... khó khăn dường ấy! Khi đấng anh hùng phải tỏ lòng quảng đại của trượng phu. Phải hiểu được vợ làm đẹp chẳng phải cho bản thân mà chính là cho... mình vậy. Tôi còn nghĩ lẽ ra ông phải mừng mới đúng, khi hiền nội ở nhà chưa hề biết bài bạc ăn thua. Chưa bỏ phế gia cang để thích thú cùng thiên hạ - mà chỉ vui chơi cùng chút son chút phấn - trước tô điểm cuộc đời sau mãn nhãn thị hiếu của... tha nhân. Hà cớ chi ông phải làm ồn lên như vậy" Chẳng những chị hông vui mà ông còn mang tiếng: Không phải mặt anh hào mà là thứ vũ phu, thì thử hỏi ông ngẩng mặt với thế nhân làm sao đặng" Chi bằng bao khúc mắc ông xả cho phẻ hồn phẻ xác. Cho tâm hồn nhẹ nhõm với người thương, rồi hẵng xắn tay lên cùng nhau vun xới lại. Được như thế thì đời ông mới khá. Chứ đánh đập vợ con hoài có giải quyết được gì đâu, rồi cái sảy nảy cái ung mới là tai hoạ...

Tối hôm ấy Văn Tử không làm sao yên giấc, bởi lời nói của bạn hiền cứ văng vẳng vào tai, khiến lòng trí xôn xao không làm sao ngủ đặng. Đã vậy bà xã cứ làm thinh không nói, tuồng như chẳng có gì rắc rối xảy ra, nên cá ngọt cơm canh cứ đúng giờ đúng bữa. Chừng tiếng trống cầm canh từ xa vang tới, như thôi thúc rộn ràng khiến Văn Tử đượm nét lo âu, bèn ngước mắt lên... trên rồi thì thào tự nhủ:
- Cả đời ta lầm lạc cũng nhiều. Nhưng cái... lạc lớn nhất là chọn Tử Tư làm bạn. Vậy mà lâu nay ta cứ một lòng phó thác - tâm sự của mình cho thằng bạn đất hỡi trời ơi - nên đến hôm nay mới mang điều cơ khổ. Chẳng là ở quê ta lúc này khốn khó. Ngay cả cột đèn cũng muốn bỏ nước mà đi. Huống chi phận liễu yếu mong manh trước phong ba tuôn dồn tuôn dập. Đã vậy ông bà xưa thường hay lên tiếng: Lấy vợ lấy chồng xem... hộ chiếu các con ơi! Nên ta muốn bỏ quách thứ... cũ này đi chứ tiếc thương làm chi nữa. Ngặt một cái chưa tìm ra lối thoát. Chưa kiếm được: Tại, Vì, Bị... đặng ly dị ly thân, nên phải dộng khơi khơi chứ làm chi hơn được. Vậy mà thằng bạn nối khố không hiểu tình hiểu ý. Lại lên mặt dạy đời nói nọ nói kia, khiến lòng ta muốn đứt từng khúc ruột. Thôi thì kế này không xong ta bày ra kế khác, miễn hồ cưới được người trong mộng thì thôi. Chứ chẳng lẽ có hộ chiếu trong tay lại ở gốc cây nhìn... tấm lụa. Phất phơ giữa chợ đời mà nuối tiếc tuổi xuân!

Chí đến một hôm tiết trời dịu mát. Văn Tử dẫn vợ mình ra con suối đằng sau, rồi hướng về cõi phương Nam mà khóc mùi khóc mẫn. Bà vợ như trên trời rơi xuống, khi nước mắt của chồng tuôn đổ xuống tâm can, khiến bà bối rối không làm sao suy đoán đặng. Đã vậy tiếng kêu la của chồng ra chiều thảm thiết, như có gì đè nặng ở bên trong. Như chất chứa nỗi u uất khó lòng san sẻ được. Bà vội nắm tay chồng... thơm một cái, rồi giọng oanh vàng nhỏ nhẹ rót vào tai:
- Chúng ta nguyền ước ba sinh. Há lại có chuyện chi mà không chia sớt được. Nay thiếp thấy chàng tỏ vẻ bi ai. Dáng vóc tiều tụy, khiến thiếp chẳng khỏi tự xét thấy mình có lỗi, khi lấy chồng rồi mà chẳng biết sửa túi nâng khăn. Biết mang đến cho lang quân chút hạnh phúc ở cõi đời ô trọc. Thôi thì có gì khúc mắc chàng cứ bày cứ nói, đặng thiếp coi sức mình có giúp được tí xíu nào không" Chứ nhìn thấy chàng khổ cực đớn đau lòng thiếp không làm sao an nghĩ được. Lại nữa, niềm vui của chàng là nguồn vui của thiếp. Bực bội của chàng thì... tùy chuyện mà thiếp xẻ chia, thành thử chàng cứ mạnh dạn nói lên biết đâu thiếp nhúng vô thì đầu xuôi đuôi lọt. Chứ chàng cứ lặng người đi như thế, trước nguy hại cho mình sau thiếp cũng chẳng mừng chẳng mấy được vui, thì uổng phí đi nghĩa trăm năm đang đỏ ào đỏ ạt...

Văn Tử nghe xong càng khóc to thêm nữa. Đôi mắt nhạt nhòa hướng đến khuôn mặt của người xưa, rồi trong tiếng nấc tâm sự buông trôi như vào cơn gió cuốn:
- Thấm thoát mà Đại lễ Vu Lan đã gần kề. Ta chợt nhớ đến chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ thuở xưa, mà nghe lòng hổ thẹn, bởi ta có ngày nên danh nên tiếng - là nhờ công chăm bón vun bồi của mẹ cha - của lòng tận tụy hy sinh suốt đời đùm bọc. Vả lại, lúc sau này ta được Trời cao ngó xuống, ban cho chút tiền rủng rỉnh ở trong tay, mà nỡ đang tâm quên đi tình cốt nhục, thì thiệt là đáng trách. Nay ta tính nhân mùa báo hiếu, lại cũng là ngày xá tội vong nhân, nên muốn học đức hiếu hạnh của Mục Kiền Liên để mong đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục. Vậy nàng hãy kíp thu góp chút kim ngân để ta làm lộ phí, rồi thẳng một lèo về chốn cũ quê xưa, đặng chóng kịp thời gian dâng lên lời vấn an sức khoẻ, cùng đốt nén hương trầm trên ngôi mộ của cha, thì đạo làm con mới mong chu toàn được. Mà giả như sức khoẻ của mẹ bỗng ngày đêm sa sút, hẳn lượt về khó lường nói trước được đâu, thì nàng cứ yên tâm thu vén trong ngoài cho tròn trịa. Được như thế ta mới yên lòng cất bước, mới bên tình bên hiếu nặng... bằng nhau. Chứ ta không thể tự ý ra đi bỏ nàng trong hiu quạnh…

Nói rồi nước mắt tuôn trào ướt cả áo. Tưởng như khó lòng ngăn được nỗi buồn dậy sóng ở trong tim, khiến nỗi bi ai vốn thê lương chuyển ra chiều ảm đạm. Phần người vợ, nhìn chồng mình ràn rụa đôi dòng nước mắt, mới cầm tạm vạt áo trước mà lau, rồi dõi mắt vào chốn hư vô mà rì rầm tự nhủ:
- Từ ngày ta gá nghĩa với chàng đến nay, đã trải qua bao mùa hiếu thảo, mà chưa lần nào dữ dội như lần ni, thì khéo ra có cõi âm đặt tay vô phù trợ. Nếu ta không đáp trả lại sinh điều sinh tiếng, ra vẻ kỳ đà tình phụ tử của người ta, thì hậu quả lớn lao kia khó lòng qua đặng. Bằng ngược lại phải chi ra vàng ròng châu báu, cho ổng mang về phụng dưỡng mẹ cha, thì lòng trí ta khó mà yên được. Thôi thì quá nửa năm nay ta buồn lo tính kế. Làm thế nào để thằng chả dzọt đi. Chứ cứ lẩn quẩn bên chân khó lòng bay nhảy đặng. Đã vậy bạn bè ta cứ ào ào í ới. Chủ nhật tụ nơi này thứ Bảy hẹn chỗ kia, thì thử hỏi bụng dạ ta không bồn chồn sao được" Nào dè đâu Trời cao có mắt - đập cho chả một đòn về chữ hiếu chữ con - thành thử hao hớt chẳng bi nhiêu mà công thành danh toại. Chi bằng ta cũng bộ tịch ra chiều đau xót. Cho yên lòng kẻ sắp ruỗi ngựa ở miền xa, rồi khi hắn đã bái-bai thì mặc sức tha hồ bay lượn. Mà giả như gặp được người hết lòng hết ý, ta thu vén tiền tài rồi... cuốn mẹ nó luôn. Chứ tội lệ chi phải chôn sâu cuộc đời đang còn son trẻ. Chỉ tội đứa con riêng làm sao toan tính" Bởi đem nó theo mình thì có khác gì bảo Duyên phận đi chơi, rồi lỡ ra lại mang mang điều hối hận. Chi bằng đã chơi thì chơi tới bến. Chứ cứ dùng dằng đến bao giờ mới can đảm dzọt đi, bởi... xuân bất tái lai biết khi nào trở lại! Vậy tại sao không tận dụng cho đời tươi sáng" Cho rạng mày rỡ mặt đến ngàn sau"

Mõ Sàigòn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.