Hôm nay,  

Tờ Medicaid Của Tôi

26/09/200800:00:00(Xem: 120356)
Tác giả tên thật Hoàng Huy Năng, sinh năm 1934, cựu sĩ quan VNCH và cựu tù chính trị, diện HO 5, định cư tại Houston từ 1992, hiện là Uỷ Viên Xã Hội Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Tập Thể ở Houston. Trước 1975, tại Việt Nam, ông đã cộng tác với nhiều báo quân đội và cho tới nay đã xuất bản 5 tập thơ và 1 tập truyện ngắn tại Hoa Kỳ. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một loạt 5 bài viết. Sau đây là bài viết thứ ba của ông

***

Tôi đủ điều kiện để được cấp "Thẻ Khám, Chữa Bệnh" (Medicaid) từ nhiều năm nay. Thẻ nầy được gởi cho tôi đều đặn, mỗi tháng một thẻ. Đây là thẻ do Tiểu Bang Texas cung cấp. Do đó chỉ có giá trị tại địa phương mà thôi. Ngoài ra, tôi được cấp thêm Medicare (dành cho những người từ 65 tuổi trở lên). Medicaid có hình thức một "tờ giấy, khổ giấy học trò", xài trong tháng, hết hạn thì vứt bỏ. Còn Medicare là một tấm thẻ nhỏ tương tự như bằng lái xe, có giá trị trong toàn Nước Mỹ và vô thời hạn. Những người được cấp cả hai thứ, có quyền đến khám bệnh bất cứ bác sĩ nào. Hai loại giấy "Bảo Hiểm Sức Khỏe" nầy bổ sung cho nhau để thanh thỏa các phí khoản khám bệnh, thử nghiệm (X Ray, thử máu, siêu âm, giải phẫu...) và nằm viện.

Trong bài viết nầy, tôi chỉ đề cập tới "Tờ Medicaid của riêng tôi" trong thời gian khoảng một năm nay mà thôi.

Từ nhiều năm trước, có những tháng, tôi không "Sờ mó" đến Medicaid vì không bị đau ốm gì cần đi bác sĩ, hoặc có đi, nhưng khoảng cách giữa các lần khám rất xa nhau, có khi 5, 6 tháng. Tuy nhiên, gần đây, điều kiện sức khỏe mang tỷ lệ nghịch với tuồi tác,  nghĩa là tuổi "lên cấp" thì sức khỏe "xuống cấp" đưa đến tình trạng yếu đau, bệnh nạn,  cần đi khám bác sĩ. Thực tâm mà nói, vốn liếng Anh Ngữ của tôi không nhiều, nên rất lười đọc, tìm hiểu, nghiên cứu những sách vở, tài liệu về y tế do các Cơ Quan hữu trách gởi đến,  có khi được "cập nhật hóa" kịp thời. Do đó, tôi không am tường về luật lệ và những "phúc lợi" (benefits) do Medicaid đem lại. Tôi hỏi một vài người bạn đồng niên thân quen và được biết ở Texas nầy có những "chương trình sức khỏe" (Health Plans) do Công Ty Tư Nhân làm trung gian, yểm trợ bằng Medicaid, như: Evercare, Amerigroup...Nói khác đi, Chính Phủ cung cấp dịch vụ y tế (khám, chữa bệnh...) cho bệnh nhân qua trung gian một Công Ty nào đó (Amerigroup chẳng hạn).

Tôi lấy tờ Medicaid của tôi ra xem thì thấy ở phía trái, chỗ ghi Số Thẻ (ID Number) có chữ "Evercare of Texas". Từ nhiều năm trước, tôi đã không gặp khó khăn, trở ngại nào trong việc xử dụng tờ Medicaid nầy. Tôi nhận Bác Sĩ Khanh có Phòng mạch ở Đường Bellaire, làm Bác Sĩ Gia Đình. Tôi được phục vụ chu đáo và không phải trả bất cứ phí khoản nào liên quan đến việc khám và chữa trị bệnh. Nhưng, tôi nhớ vào khoảng sau thời gian Chính Phủ cho thực thi một số thay đổi về Medicare, phòng mạch Bác Sĩ Khanh cho tôi biết là Medicaid của tôi không thuộc chương trình do Bác Sĩ phụ trách nữa. Do đó, tôi phải đổi qua "Health Plan" khác.

Tôi mang tờ Medicaid đi hỏi một số bác sĩ có phòng mạch gần nơi tôi cư ngụ để xin họ làm "bác sĩ gia đình", khám bệnh cho tôi. Tôi nhớ có vài ba phòng mạch đã xem giấy tờ của tôi và từ chối, nói là Medicaid của tôi không nằm trong chương trình của họ. Tôi tiếp tục tìm kiếm thì được phòng mạch bác sĩ Trâm OK. Clinic bác sĩ Trâm chỉ cách nơi tôi cư ngụ 5 phút lái xe, nên tôi vô cùng thích thú. Tuy nhiên, với tờ Medicaid hiện tại, tôi vẫn gặp những khó khăn đáng kể.

Vào đầu tháng 5 năm nay, bác sĩ Trâm giới thiệu tôi đi chụp quang tuyến (X Ray) về xương. Thay vì được phục vụ tại một trong những cơ sở chuyên môn rất gần ở Khu Tây Nam Houston, bác sĩ phải gởi tôi đến một clinic ở vùng North. Đến hẹn, tôi phải vất vả, khó nhọc trong việc tìm kiếm lộ trình lái xe đi, về,  và tính toán thì giờ để được phục vụ như mong muốn. Sở dĩ khó khăn như vậy, là vì các cơ sở chụp quang tuyến vùng South west Houston đều từ chối "Chương trình Evercare". Do đó, bác sĩ phải điện thoại hỏi những clinic vùng North, coi nơi nào nhận thì mới giới thiệu bệnh nhân tới.

Trong lần khám bệnh vào tháng 7/2008, bác sĩ bảo tôi nên đổi Medicaid, từ chương trình Evercare qua Ameri- group để được phục vụ về y tế tốt hơn. Bác sĩ cho tôi biết Amerigroup dành cho khách hàng rất nhiều benefits. Những ca thử nghiệm, giải phẩu, nằm viện v.v... được tiếp nhận mau chóng, dể dàng. Trong tương lai không xa, chắc chắn tôi cần nhiều dịch vụ y tế hơn, bởi lẽ, tuổi càng cao thì bệnh tật gia tăng. Việc khám, tái khám, chữa trị phải kịp thời mới có kết quả mong muốn.

 Tôi đến một Hội Thiện Nguyện mang tên "Hiệp Lực" để nhờ giúp đỡ, nhưng Hội nầy bảo họ không phụ trách dịch vụ tôi nêu ra. Tôi nghĩ đến Cơ Quan "Social Security Administration" tọa lạc tại Freeway 59, cao ốc lầu 5. Tại đây, người ta đến xin làm thẻ an sinh xã hội, tiền già, Welfare, Foodstamp, Medicaid, Medicare. Hằng ngày, khách hàng đến chực chờ đông vô kể. Tôi đã đến đó nhiều lần và mỗi lần, phải mất tối thiểu 2 tiếng đồng hồ mới xong việc. Do đó, tôi đâm chán, không muốn đến nữa. May thay, tôi gặp một người bạn. Anh chỉ cho tôi một địa chỉ khác cũng lo những dịch vụ như vừa kể, nhưng họ làm rất nhanh,  chỉ trong vòng 5,10 phút (theo lời ông bạn) vì có nhiều "Quầy" do nhiều "Social Worker" đảm trách.

Theo sự hướng dẫn của bạn, tôi lái xe đến đường Stancliff, số 10703. Tòa nhà lớn, tường sơn màu hồng, mặt tiền mang hàng chữ to tướng "Social Security Administration". Trong phòng làm việc đã có đông khách hàng gồm Mỹ đen,  Mỹ trắng, Mễ, Ấn Độ. Không thấy Việt Nam. Một phụ nữ Mỹ đen đứng ở góc phòng có ghi chữ "Check In" và đặt cái máy "sản xuất" Phiếu đề số thứ tự bằng mực đen. Bà hỏi tôi về "loại nhu cầu". Tôi giơ Tờ Medicaid. Bà liền kéo máy,  lấy Số trao cho tôi. Trong lúc đó, máy phát thanh vang vọng bằng tiếng Anh, gọi Số và tên “quầy" (Window) dành cho khách hàng mang số được gọi.

 Có tất cả 34 quầy trải dài theo bờ vách phía trong phòng,  và được đánh số từ 1 đến 34. Nơi mỗi quầy  có đặt 2 ghế dựa để khách hàng ngồi làm việc. Tôi chờ khoảng 10 phút thì được gọi số. Tôi bước vội đến Window liên hệ, gặp cô Case Worker người Mễ. Tôi trình bày "nhu cầu dịch vụ" của tôi. Nàng xem qua Tờ Medicaid, rồi trao cho tôi một miếng giấy nhỏ và vừa nói với tôi vừa cười: Here is the phone number. “You must call for assistance. It's better.”

Tôi ra về và ngay chiều hôm đó, tôi gọi số điện thoại viễn liên miễn phí như cô case worker người Mễ đã hướng dẫn. Tôi nghe một giọng nữ bên kia đầu giây đáp trả. Tôi nói ngay là tôi cần đổi Medicaid từ evercare qua Amerigroup. Tiếp theo câu nói nầy, tôi hỏi có người Việt Nam nào thông dịch không vì tôi không nói và hiểu tiếng Anh nhiều. Bên kia đầu giây đáp: xin vui lòng chờ trong chốc lát... Mấy phút trôi qua. Người nữ nhân viên trong cuộc điện đàm, cho tôi biết là hiện giờ chưa liên lạc được với thông dịch viên tiếng Việt thường lệ. Nàng hỏi tôi có thể chờ lâu không. Tôi đáp: tôi cần thay thế gấp Medicaid. Không có thông dịch tiếng Việt cũng được, nhưng xin phát âm Anh ngữ chậm rãi, lớn tiếng và rõ ràng để tôi có thể "nắm bắt" trọn vẹn vấn đề. Thế là người nữ nhân viên Sở An Sinh Xã Hội ở Austin (Thủ Phủ của Tiểu Bang Texas) "làm việc",  qua điện thoại, với tôi một cách thong thả, thoải mái.

Nàng hỏi các chi tiết như: ngày, tháng,  năm sinh, địa chỉ hiện tại của tôi,số hiệu (ID) của tờ Medicaid, lý do thay thế Evercare bằng Amerigroup. Về điểm nầy, tôi nêu ra những khó khăn, trở ngại tôi đã gặp phải như: bị một số bác sĩ từ chối khám bệnh, không chọn được cơ quan chụp quang tuyến gần nhà ở v. v... Ngoài ra, tôi cố dốc hết vốn liếng Anh Ngữ "ăn đong" để "cà kê dê ngổng" về thân già sắp xuống lỗ cần có Medicaid cung cấp nhanh chóng, kịp thời "dịch vụ nằm viện", mới hy vọng thoát khỏi bóng dáng Tử Thần luôn rình rập sát cạnh lứa tuổi "tám bó" trở lên. Cuộc điện đàm kéo dài, mang tính nghiêm túc, pha lẫn ít nhiều "ấn tượng buồn cười" bắt nguồn từ cách phát âm tiếng Anh " không giống ai" hoặc từ lỗi văn phạm hay ngữ vựng của tôi. Kết cuộc, người nữ "case worker" không thấy mặt, nói với tôi trong khoàng 15 ngày tới, You sẽ nhận được tờ Medicaid mới thuộc Chương Trình Amerigroup.

Quả đúng như nàng nói, chiều ngày 25 tháng 8 năm 2008, tôi mở Hộp Thư trước cữa tư gia đường Gaby Virgo, và rất "hồ hởi, phấn khởi" tiếp nhận tờ Medicaid mới, từ Thủ Phủ Austin gởi tới. Xin cảm tạ Cơ Quan An Sinh Xã Hội của Tiểu Bang Texas nói riêng, và của Mỹ Quốc nói chung ./.

LƯU THÁI DZO

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.