Hôm nay,  

Tin Nước Úc

11/04/201000:00:00(Xem: 3439)

Tin nước Úc

BẦU CỬ LIÊN BANG: TT RUDD SẼ VẤT VẢ TẠI MỘT SỐ TIỂU BANG QUAN TRỌNG

CANBERRA: Sự sụt giảm của mức yểm trợ mà cử tri NSW dành cho chính phủ Lao động liên bang cùng với sự bất ổn tại Queensland trong ba tháng đầu tiên mà ông Tony Abbott làm lãnh tụ đối lập là những lý do khiến cho hai tiểu bang nhà của TT Rudd và ông Abbott trở nên những chiến trường chủ yếu trong kỳ tổng tuyển cử tới đây.
Kể từ khi giật được chức lãnh tụ đối lập vào tháng 12/09, ông Abbot đã giật thêm được sự yểm trợ của cử tri từ tay Lao Động tại tất cả mọi tiểu bang trên đất liền của Úc, chỉ để lại cho chính phủ Rudd phần thắng rõ rệt về phiếu sơ khởi (primary vote lead) ở Nam Úc và Victoria mà thôi.
Cách đây ba tháng, dưới sự lãnh đạo của ông Malcolm Turnbull thì phe liên đảng đối lập thua xa chính phủ Lao động tại tất cả mọi tiểu bang trên đất liền, ngoại trừ Tây Úc, nơi cả hai phe ngang ngửa với nhau.
Sự yểm trợ dành cho ông Abbott đã gia tăng đáng kể trong số những cử tri tuổi trên 50, những cử tri ở các vùng quê miền tỉnh và ở Nam Úc và Tây Úc. Sự yểm trợ dành cho đảng Lao động từ những cử tri lớn tuổi cũng đã sụt giảm tại các tiểu bang Queensland, Victoria và NSW.
Tuy nhiên, những cử tri trẻ tuổi hơn vẫn còn trung thành chặt chẽ với Lao Động. Thế nhưng, mặc dầu có nhiều lời bình phẩm từ giới truyền thông rằng ông Abbott “có gặp khó khăn với phụ nữ”, nữ cử tri thấy thỏa mãn với ông nhiều hơn là với người tiền nhiệm của ông.
Sự thỏa mãn với ông Abbott lên đến 43% trong tam cá nguyệt của tháng 1/2010 so sánh với 35% dành cho ông Turnbull trong tam cá nguyệt của tháng 11/2009.
Các quân sư sách lược của đảng Lao động tin rằng số phiếu ở Queensland đã bị “gãy làm nhiều mảnh” và các ghế ở tiểu bang này sẽ được thắng và thua không tùy thuộc vào xu hướng chung của toàn quốc trong khi ở NSW thì cảm tính chống Lao động đang được thổi bùng bởi một chính phủ tiểu bang bất tài không được ai ưa thích.
Các nhà sách lược của đảng Tự Do tin rằng ông Abbott, vốn cần phải thắng được 8 hoặc 9 ghế để giành chính quyền, đã giật lại được những cử tri căn bản của đảng Tự Do, đặc biệt là trong số cử tri lớn tuổi hơn và từ những người sinh sống ở các vùng quê miền tỉnh.
Đảng Tự Do cũng cảm thấy hy vọng tràn trề với sự cải thiện thật lớn lao về uy tín của ông Abbott với cử tri tại Tây Úc, nơi mà đảng Lao động đã từng hy vọng sẽ được khá hơn sau một kết quả thảm hại năm 2007. Ở Nam Úc thì uy tín của Abbott cũng gia tăng.
Tuần qua, bà Julia Gillard đã phải bỏ ra gần cả một tuần ở Tây Úc để trấn an các công ty khai thác hầm mỏ rằng chính phủ Rudd sẽ vô cùng cứng rắn với những vụ đình công bất hợp pháp và đồng thời để xiển dương chương trình kiến thiết học đường trị giá $16,2 tỷ Úc Kim.
Theo sự phân tích các bản thăm dò dân ý của Newspoll trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba năm nay, ba tháng đầu tiên của sữ lãnh đạo của ông Tony Abbott, thì uy tín của phe liên đảng tăng 4% lên 40% trong khi uy tín của đảng Lao động sụt mất 5% còn 40%. Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2007 mà phe đối lập và phe chính phủ ngang ngửa với nhau.

18 TUỔI CHO PHI CƠ RỚT XUỐNG ĐẠI LỘ

HOBART: Người phi công 18 tuổi lái một chiếc máy bay nhẹ đã may mắn thoát hiểm sau khi cậu buộc lòng phải đáp cánh khẩn cấp ngay trên một xa lộ đông xe nhất thành phố Hobart hôm cuối tuần qua.
Chiếc máy bay hạ cánh khoảng 10g00 sáng trên xa lộ Brooker Highway, gần đường xe băng qua cầu Tasman (Tasman Bridge overpass) hướng về thành phố. Xa lộ Brooker Highway là con lộ chính nối liền trung tâm thị tứ Hobart với những vùng ngoại ô miền Bắc.
Các nhân chứng cho biết chiếc máy bay nhỏ này bay vài vòng quanh khu vực trước khi máy bị tắt và cuối cùng thì chúi đầu xuống xa lộ và lủi vào lề đường cao. Một cánh của máy bay bị chấn động gãy tung và miểng văng khắp nơi trên đường.
Cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đã không tiếc lời ngợi khen cậu phi công trẻ tuổi đã đáp được chiếc máy bay một cách an toàn. Họ cũng cho rằng việc cậu không đâm vào một chiếc xe hơi nào cả trên con đường vốn thường xuyên đầy xe cũng là một chuyện khá hi hữu.
Cậu phi công nhanh nhẩu nhảy ra khỏi phòng lái sau khi phi cơ đáp. Được biết cậu là cư dân Old Beach, vừa gia nhập không quân và về nhà hưởng lễ Phục Sinh với gia đình.
Chuyên viên điều tra tai nạn vẫn chưa tìm được nguyên nhân khiến máy bay bị rớt.
Ông Brad Almond, một nhân chứng tại nơi máy bay hạ cánh cho biết những mảnh vụn bị văng đến cả trăm thước cách xa máy bay. Ông nói: “Quả thật là may mắn để có được một khoảng trống như thế giữa các luồng xe ào ạt. Tôi thấy có một vài chiếc xe hơi cách đó không xa, ngay sau khi tai nạn xảy ra. Vì thế tôi nghĩ rằng nếu máy bay đáp trễ một tí là nó sẽ tông vào xe ngay”.

CHUYỆN HY HỮU: BỆNH NHÂN TẠI BỆNH VIỆN PHẢI GỌI SỐ CẤP CỨU!

LISMORE: Một người cựu chiến binh 87 tuổi đã phải dùng điện thoại lưu động của chính ông để gọi điện thoại cấp cứu 000 ngay từ giường bệnh của ông bởi vì y tá bệnh viện không đến giúp đỡ ông.
Ông Kevin Park, một người bị chứng ung thư vì asbestos (Asbestosis) nằm ngất ngư suýt chết tại bệnh viện Lismore Base Hospital hồi đầu tháng này sau khi tỉnh giấc vào nửa đêm, người ướt đẫm mồ hôi.
Bệnh nhân trong phòng bệnh của nhà thương bị buộc phải sử dụng những cái chuông cũ kỹ bằng đồng thau để gọi y tá sau khi hệ thống điện gọi y tá (paging system) bị hư hỏng.  Một người y tá thoạt tiên chăm sóc cho ông Park nhưng không ai thèm giúp ông thay cái áo bệnh đã ướt sũng mồ hôi và vì thế ông cố rung chuông để gọi người đến giúp.
Sau 45 phút không thấy ai đến, vì ở trong phòng có một mình, ông Park hoảng hốt, sợ hãi đến tột độ và không biết phải làm gì nữa. Cuối cùng ông quyết định dùng điện thoại di động của ông để gọi điện thoại cấp cứu 000.  Ông nói: “Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra lúc ấy nữa. Tôi chưa bao giờ lọt vào hoàn cảnh ấy trước đây cả, và tôi không biết được rằng đấy là máu hoặc mồ hôi nữa. Khi người ta tuyệt vọng quá thì người ta sẽ làm nhiều điều hết sức tuyệt vọng. Cuối cùng thì tôi gọi cho số điện thoại khẩn cấp để yêu cầu họ mang tôi ra khỏi nơi này và đưa tôi đến nơi nào mà tôi có thể được chăm sóc một chút”.
Chỉ sau khi cú điện thoại của ông được một người trực điện thoại khẩn bắt lên thì một y tá mới xuất hiện. Tuy nhiên, sự thử thách của ông Park vẫn chưa chấm dứt ở đấy. Người y tá lấy điện thoại của ông mang đi, rồi sau đó trả lại điện thoại đã bị gỡ mất thẻ SIM và pin.  Ông Park nói: “Đối với tôi, sự xúc phạm lớn lao nhất là chuyện họ tước mất cái điện thoại của tôi. Đối với tôi đó là hành động ăn cắp. Người ta không thể nào sử dụng điện thoại ở đây để gọi ra ngoài được, và cái điện thoại di động ấy là mối dây duy nhất nối liền tôi với thế giới bên ngoài”.
Một nữ phát ngôn nhân của Dịch Vụ Y Tế Vùng North Coast (North Coast Area Health Service- NCAHS) cho biết nhân viên bệnh viện lấy đi điện thoại của ông Park để bảo đảm rằng những bệnh nhân khác không bị quấy rầy vào nửa đêm. Bà nói: “NCAHS đã cáo lỗi về bất kỳ sự đau khổ lo âu nào đã gây ra cho ông Park và gia đình ông. Hệ thống gọi y tá ở phòng C8 đã được xác định là hư hỏng, thế nhưng phần cấp cứu của hệ thống này vẫn còn hoạt động”.
Người phát ngôn nhân này cho biết hệ thống này sẽ được thay vào tháng tới.

TỔNG TRƯỞNG KATE ELLIS CHỤP HÌNH THỜI TRANG

ADELAIDE: Nữ tổng trưởng Kate Ellis  đã dùng một phương pháp hết sức táo bạo để quảng bá cho chiến dịch cải thiện lối suy nghĩ của thiếu nữ về thân hình của họ: đồng ý chụp hình thời trang cho tạp chí Grazia, mang đôi giầy gót cao nhọn và một cái áo da bó sát thật khiêu gợi.
Trong loạt ảnh được chụp tại một sân vận động thuộc đơn vị Adelaide của bà thì trông bà Ellis giống như một người mẫu thời trang xinh đẹp hơn là một nữ dân biểu. Tuy nhiên, bà không phải là người nữ chính trị gia đầu tiên trưng diện, thoa son, thổi tóc để đăng hình lên tạp chí, mà bà chỉ theo chân tổng trưởng giáo dục Julia Gillard, dân biểu liên bang Belinda Neal cùng với thủ hiến NSW Kristina Keneally trong năm nay mà thôi.
Bà Ellis nói: “Tôi rất hồi hộp, tôi chưa thấy được những bức ảnh ấy ra sao nữa”.
Bà cũng cho biết thêm là bà chỉ chấp thuận cho chụp ảnh thời trang như thế với điều kiện là ấn bản ấy của tạp chí Grazia phải xiển dương những cái nhìn khỏe khoắn về cơ thể phụ nữ (healthy body image).  Bà Ellis nói: “Đấy là một vấn đề mà chúng tôi đã dồn nhiều công sức nặng nhọc vào, và nếu qua việc mặc một bộ đồ mà thông thường tôi không chọn tôi lại có thể giúp các tạp chí thời trang xiển dương một hình ảnh khỏe mạnh về cơ thể và đồng thời nâng cao sự nhận thức của độc giả của họ thì nó phải là một việc tốt. Tôi muốn phụ nữ có thể đọc các tạp chí thời trang của họ, nếu họ muốn, và vẫn có được sự tự trọng và tự tin sau đó. Đây là chuyện làm việc với kỹ nghệ”.
Vì thế, song song với loạt ảnh thời trang thật bắt mắt này là một bài phóng sự về những suy nghĩ của độc giả của tờ tạp chí về cơ thể của họ. Bài viết phù hợp với chiến dịch của bà Ellis để giúp các kỹ nghệ thời trang, quảng cáo và truyền thông cải thiện việc sử dụng người mẫu thiếu tuổi tác và thiếu cân lượng cùng với những hình ảnh được chỉnh sửa bằng điện toán để tạo ra một hình ảnh không thực tế về cơ thể phụ nữ.
Chủ bút tạp chí Grazia, bà Maxine Frith cho biết thoạt tiên họ không nghĩ rằng tổng trưởng Ellis sẽ đồng ý với đề nghị chụp ảnh thời trang, thế nhưng họ nhận được sự chấp thuận hết sức nồng nhiệt của bà Ellis. Bà Frith cũng cho biết thêm là bà hy vọng ấn bản này của tạp chí sẽ khiến phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn về cơ thể của họ. Bà nói: “Cuộc thăm dò thường niên của chúng tôi cho thấy chính phụ nữ là kẻ thù tệ hại nhất của họ, từ đặt áp lực về hình ảnh cơ thể của họ lên chính bản thân họ. Được thấy một phụ nữ mạnh mẽ, tự tin, thành công và thể tháo như bà Kate qua cái nhìn này là một cái gương sáng và là một sự khích lệ cho phụ nữ Úc”.
70% phụ nữ được tờ tuần san này phỏng vấn cho biết họ xét đoán những phụ nữ khác dựa vào sức nặng của người ta và phần lớn, khi được hỏi họ nghĩ gì về chính cơ thể của họ, đã trả lời “mập” và “đáng tởm”.
Bà Ellis cho biết bà thấy kinh hoàng về kết quả thăm dò của tờ tạp chí.

NHÀ CHỨA THƯ THAY VÌ HỘP THƯ!

BRISBANE: Ngày tàn của hộp thư trước cửa mỗi căn nhà có lẽ đã rất cận kề. Theo sự tiết lộ của tuần báo The Sunday Mail (Qld) hôm Chúa Nhật 4/410 vừa qua thì dịch vụ giao thư tận nhà ở ngoại ô các thành phố lớn có nguy cơ bị hủy diệt vì Bưu Điện Úc (Australia Post) chuẩn bị thiết lập các trung tâm tự động trữ thư cộng đồng (fully-automated community mail centres).
Tờ The Sunday Mail cho biết Sở Bưu Điện Úc đã chọn lựa nhiều vùng ở miền Tây Nam Queensland cũng như miền Tây Sydney, những vùng được xem là khu hành lang phát triển nhanh chóng hàng đầu của Úc, để kiến thiết, cài đặt những “trục” thư này.
Thay vì người phát thư đưa thư đến tận nhà thì cư dân của những khu vực có “trục” thư sẽ phải đi đến “hộp thư cộng đồng” rồi sử dụng một cái thẻ kéo (swipe card), hoặc phải bấm mã số để có thể lấy thư của họ.
Cư dân sẽ được thông báo bằng điện thư ngắn (SMS) qua điện thoại di động khi nào thư từ sẵn sàng để được lấy. Trong trường hợp có những gói đồ lớn thì cư dân sẽ được thông báo cho biết khi họ bấm mã số lấy thư để sau đó họ đến hộp thư lớn hơn để nhận các kiện hàng này. Còn những thùng đựng các gói đồ gửi bảo đảm thì sẽ có trang bị hệ thống xác nhận chữ ký điện tử.
Các hội đồng thành phố và Học Viện Phát Triển Thành Thị (Urban Development Institute of Australia- UDIA) có lẽ sẽ yểm trợ cho những sự thay đổi nêu trên.
Tuy nhiên người ta ước lượng sẽ gặp sự chống đối từ nhiều cư dân, đặc biệt là người cao niên vốn gặp khó khăn khi phải di chuyển thường xuyên từ nhà đến trung tâm để lấy thư.
Công đoàn nhân viên bưu điện CEPU e ngại rằng nhân viên bưu điện sẽ bị mất việc và đã lên tiếng đe dọa sẽ cắt bỏ cuộc thương lượng về lương hướng sau khi bị Sở Bưu Điện Úc pha lờ không cho biết về dự tính nói trên.
Được biết hội đồng thành phố Ipswich và UDIA đã có một cuộc họp với Sở Bưu Điện Úc về “một thí điểm” cho trung tâm thư tín cộng đồng vào ngày 17/3/2010 vừa qua.
Nghị viên Paul Tully thuộc HĐTP Ipswich cho biết những khu gia cư đang được phát triển ở Augustine Heights, Redbank Plains South, Spring Mountain và Ripley Valley là những nơi được nhắm vào để thực hiện các “trục” trung tâm thư tín cộng đồng này. Ông cho biết thêm là các viên chức của Sở Bưu Điện Úc bảo với ông rằng họ lo ngại về “việc gia tăng phí tổn trong lúc số lượng thư gởi ngày càng giảm đi”. Ông nhấn mạnh: “Họ chắc chắn xem đây là tương lai của Sở Bưu điện Úc”.
Chủ tịch của chi nhánh Queensland của UDIA, ông Warren Harris đã yêu cầu là những “trục” thư này được phân phối rộng rãi xuyên suốt các khu ngoại ô mới.
Theo những kế hoạch hiện hành thì ít nhất là 1.200 hộp thư sẽ được cài đặt tại mỗi trung tâm.
Nhưng ông Harris cũng cho biết thêm có thể cần phải có thêm nhiều chỗ đậu xe hơn. Ông nói: “Những con đường lớn dẫn đến các khu phát triển sẽ là nơi mà người ta đến lấy thơ trên đường về nhà. Hiện này không còn bao nhiêu người muốn gởi thư nữa và tiếp tục giao thư đến từng nhà là một chuyện bất khả tồn tại về tài chánh”.
Thế nhưng, bí thư phân bộ truyền thông (communications division) của công đoàn CEPU, ông Ed Husic, đã lên án Sở Bưu điện Úc đang có lối hành sử “chĩa súng xong rồi dông” (run and gun) đối với công đoàn.
Ông nói: “Nếu Sở Bưu Điện Úc cho rằng họ có thể trói buộc chúng tôi qua các cuộc thương lượng về lương hướng thì quả thật chúng tôi không thấy thích chút nào cả. Tôi cho rằng rất nhiều người tiêu thụ sẽ cảm thấy bực bội chán chường vì vấn đề này”.
Thế nhưng, nhà nhân khẩu học (demographer) hàng đầu của Úc, ông Bernard Salt tin rằng chuyện thiết lập những cái “trục” thư tín này là một vấn đề “không cần suy nghĩ” gì cả và sẽ cắt giảm thật nhiều dấu chân khí thải của dịch vụ thư tín. Ông nói: “Tôi không nghĩ chuyện này sẽ mang đến cái chết cho nghề đưa thư, nhưng chắc chắn là ông đưa thư đang ngắc ngoải rồi”.

DỄ BỊ MUA PHẢI ĐỒ MẠO HÓA QUA MẠNG

CANBERRA: Trong thời gian từ 2007 đến 2009 thì số lượng hàng mạo hóa bị tịch thu ở Úc tăng lên hơn gấp đôi, với nhân viên Quan Thuế chặn bắt hơn 22.000 món đồ một tuần trong năm 2009 vừa qua.
Tổng Trưởng Nội Vụ Brendan O’Connor cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng hàng mạo hóa bị tịch thu này là việc con số người mua đồ qua mạng internet gia tăng nhanh chóng. Ông cũng lên tiếng kêu gọi giới tiêu thụ ở Úc phải cẩn thận khi đặt mua hàng có thể là hàng mạo hóa.  Ông nói: “Nhiều thứ đồ mạo hóa, như đồ điện, pin, điện thoại lưu động và những phụ tùng khác đều bị hư hỏng thật nhanh chóng sau khi được mua. Các cặp mắt kiếng râm có thể dán nhãn phân loại UV giả và có thể khiến cho mắt bị thương tật. Dầu thơm và phấn son mạo hóa thường bị ô nhiễm với chì hoặc những hóa chất đã bị cấm. Đồ chơi mạo hóa thường có chất lượng xấu và cũng bị  ô nhiễm với chì. Những thứ này còn có thể làm tăng nguy cơ bị nghẹn đồ, bị ngộ độc hoặc bị thương tổn thể xác”.


Ông O’Connor cũng cho biết thêm là những món đồ mạo hóa thường được người tiêu thụ thiếu nhận thức đặt mua qua mạng internet hoặc mua tại các chợ trời. Ông nói: “Tôi muốn bảo đảm rằng người dân Úc không bị lường gạt. Vì sự gia tăng đặt hàng qua mạng internet cho nên có nguy cơ gia tăng về những hàng mạo hóa được rao bán và vì thế, đưa người tiêu thụ vào nhiều nguy cơ hơn nữa. Rất nhiều hàng mạo hóa được sao chép rất giống với hàng thật và đôi khi khó phân biệt được thật giả. Lời khuyên của tôi đối với người tiêu thụ là: nên mua hàng từ những cửa tiệm có uy tín tốt hoặc những người bán đáng tin cậy. Phải nghi ngờ khi thấy các mặt hàng mới mà lại được bán ở giá rẻ. Phải kiểm soát và đọc thật kỹ những cái nhãn, và thí dụ điển hình là khi có những lỗi lầm đánh vần (spelling mistake) thì đấy là dấu hiệu tốt nhất cho thấy rằng đấy là hàng mạo hóa”.
Ông O’Connor cũng cho biết thêm là người tiêu thụ sẽ không được bồi hoàn tiền nếu những mặt hàng mạo hóa bị Quan Thuế tịch thu. Ông nói: “Phải bảo đảm quý vị muốn nhập cảnh một mặt hàng thật thụ, nếu không thì Quan Thuế và Biên Phòng (Customs and Border Protection) sẽ tịch thu những mặt hàng ấy”.

TRÚNG SỐ NÊN TỪ BẠN HÓA THÙ

MELBOURNE: Ba người bạn vì “may mắn” trúng OzLotto nên giờ đây trở thành thù nghịch lôi nhau ra tòa kiện tụng vì ăn không đồng, chia không đều giải thưởng trị giá 13 triệu Úc Kim.
Ông Brett Pretty cho biết anh ta mua được một chiếc xe mới và một cái nhà di động (campervan) nhưng tất cả phần còn lại của số tiền thắng được đã bị tòa niêm phong. Ông tuyên bố ông đã trả cho hai người kia các phần tiền  của họ nhưng “tụi nó trở lòng tham” và đòi thêm nữa.
Ông Garry Garlick, vẫn còn phải thuê một căn nhà nhỏ bé để ở, cho biết ông mua một chiếc rờ-moọc, một cái máy truyền hình và vài bộ quần áo mới mà ông sẽ phải mặc để ra tòa trong tháng tới đây. Ông cũng mua một chiếc xe hiệu HSV Clubsport sau khi trúng số, nhưng chẳng bao lâu sau đó thì nó bị đụng hư nặng nề và hiện chỉ nằm một xó trong nhà xe của ông. Ông Garlick cho biết ông ước mơ có thể mua được căn nhà để ở và sẽ làm thế “nếu tôi thắng Tatsslotto một lần nữa”.
Ông Eugene Te Pairi, hiện đang trả dần nợ cho một căn nhà mới, cho biết ông và ông Pretty là bạn từ hơn 20 năm qua và từng ở chung nhà với ông trước khi có vụ tranh cãi về tiền thắng được. Ông cũng nói thêm là cả ba người lẽ ra có thể tiết kiệm được hơn 1,5 triệu Úc Kim chi phí luật sư nếu họ có thể thỏa thuận được chuyện chia chác tiền giải.
Theo hai ông Te Pairi và Garlick thì ba người hùn một số tiền tổng cộng là $340 vào ngày xổ Oz Lotto để “có một bữa tiệc ngẫu hứng” tại nhà của ông Pretty ở Carrum. Họ bỏ ra $26 trong số tiền này để mua một vé do máy tự động chọn gồm 24 ván (24-game quick pick ticket) trong kỳ xổ giải độc đắc với tiền giải nhất cao hãn hữu.
Hai ông Te Pairi và Garlick cho biết qua những lời khai hữu thệ trước tòa Thượng Thẩm Victoria rằng họ có một “thỏa thuận làm ăn chung” với ông Pretty để cùng chia đồng đều tiền giải nếu trúng.
Ông Te Pairi và ông Garlick cho rằng cái vé số được mua tại một tiệm bán báo ở Carrum bởi hai ông Pretty và Garlick, và được ghi nhận vào thẻ Tatts của ông Garlick rồi sau đó được ông Pretty đưa cho ông Te Pairi.
Một phát ngôn nhân của Tattersall ngày hôm sau cho ông Garlick biết rằng cái vé ghi tên ông ta đã thắng giải độc đắc với tiền trúng được là $13.185.273.
Ông Te Pairi và ông Garlick đều tự động mỗi người kiện ông Pretty và mỗi người đều cho rằng họ được quyền lãnh 1/3 của số tiền trúng, có nghĩa là mỗi người được $4.395.091.
Còn nếu không chia đồng đều thì họ cho rằng phải chia cho mỗi người tùy theo tỷ lệ tiền mà họ cùng bỏ vào số tiền $340 ăn nhậu và mua vé số. Và cả hai đều cho rằng, nếu tính theo tỷ lệ như thế thì ông Te Pairi phải được $7.174.107 (54,41%), ông Garlick phải được $3.102.494 (23,53%) và ông Pretty chỉ được $2.908.671 (22.06%) mà thôi.
Ông Te Pairi và ông Garlick cho rằng đến tối 23/7, một ngày sau khi xổ số thì ông Pretty lại khẳng định là ông Garlick không được quyền chia tiền trúng.  Rồi thì cả ba giằng co tranh cãi trong suốt 24 giờ đồng hồ cho đến khi, theo hai nguyên đơn, thì họ có được một sự thỏa thuận. Hai người này nói rằng họ sẽ ngưng tranh cãi về chủ quyền của tờ vé số để ông Pretty nhận tiền trúng giải từ Tattersall. Ngược lại thì ông Pretty phải trao cho ông Te Pairi $3 triệu và bỏ $3 triệu khác vào một chương mục có lãi suất cao trong 12 tháng rồi thì sẽ trao tiền cho ông ta khi ông ta đòi hỏi.
Và, cũng theo lời hai nguyên đơn thì ông Pretty cũng đồng ý sẽ trả cho ông Garlick $1,3 triệu và mua cho ông này một cái xe mới tùy theo sự lựa chọn của ông Garlick
Ông Pretty cũng được cho là đồng ý chia sẻ một phần tiền là $185.273 để ba người giải trí và ông sẽ giữ tất cả phần còn lại của tiền giải, khoảng $5,5 triệu.
Hai nguyên đơn cũng cho biết thêm là khoảng một tuần sau đó thì cả ba người cùng đồng ý sửa đổi sự thỏa thuận nói trên để ông Pretty trả cho ông Garlick một số tiền tổng cộng là $2 triệu.
Ông Pretty lãnh tiền từ Tattersall vào ngày 6/8 và hai ngày sau đó có trả cho ông Garlick $1,3 triệu. Và cũng cùng ngày ấy thì ông trả ông Te Pairi $3 triệu.
Ông Te Pairi cho rằng sự thỏa thuận của ông với ông Pretty được thay đổi vào ngày 24/11 để giảm số tiền gởi vào chương mục và trả khi đòi hỏi xuống từ $3 triệu còn $2,5 triệu. Ông cho rằng ông Pretty đã hủy bỏ thỏa thuận này khi không giữ số tiền $2,5 triệu trong một chương mục có sinh lãi và từ chối không chịu trả cho ông cả số tiền $2,5 triệu lẫn phân nửa còn lại của tiền vui chơi ăn nhậu.
Ông Garlick tố rằng ông Pretty từ chối không chịu trả ông $700.000 trong số tiền $2 triệu mà ông được hứa sẽ được trả.
Đơn biện hộ của ông Pretty đệ nộp lên tòa cho biết ông đồng ý cho ông Te Pairi “một món quà là $3 triệu” từ tiền thưởng sau khi ông hỏi ông Te Pairi rằng ông ta cần bao nhiêu tiền để có thể an bình thoải mái cả đời.
Ông Pretty cho biết ông bảo ông Garlick một ngày sau khi trúng số rằng ông sẽ cho ông ta “một món quà là $1 triệu”.
Ông Pretty cũng cho biết thêm là 6 ngày sau đó thì ông có ký một lời khai hữu thệ xác nhận ý định của ông là cho ông Te Pairi $3 triệu và ông Garlick $1,3 triệu.
Cũng trong lời biện hộ của ông Pretty thì vào tháng 11/2008 hai người này đòi hỏi ông phải trả thêm cho ông Garlick $700.000. Ông Pretty cho biết tuy ông có ký tên vào một bản chứng nhận viết tay về sự thay đổi chi tiết trong lời khai hữu thệ, đồng ý cho thêm, nhưng ông làm thế “một cách miễn cưỡng và bằng một chữ ký khác hẳn chữ ký thông thường của ông ta”.
Thêm vào đó, ông Pretty cũng đòi ông Te Pairi phải hoàn trả $45.000 mà ông cho là tiền ông đã cho ông Te Pairi mượn. w
Vụ việc này sẽ được tòa xét xử trong tháng này, bắt đầu từ ngày 19/4/2010.

RUDD BỔ NHIỆM TỔNG TRƯỞNG DÂN SỐ

CANBERRA: Cuối tuần qua TT Kevin Rudd đã bổ nhiệm TT Tony Burke vào thêm một chức vụ nữa là tổng trưởng dân số đầu tiên của Úc nhằm đáp ứng với những sự quan ngại ngày càng gia tăng là dân số Úc sẽ dâng cao đến mức bất khả duy trì (unsustainable).
Ông Burke sẽ chịu trách nhiệm hoạch định một sách lược dân số toàn quốc và vẫn giữ những nhiệm vụ khác của ông là Nông Lâm Ngư Nghiệp (agriculture, fisheries and forestry).
Tưởng cũng nên nhắc lại ông Rudd trong thời gian gần đây đã chịu nhiều áp lực để khảo sát một cách rõ rệt hơn dân số của nước Úc, vốn được dự trù là sẽ lên đến mức 35,9 triệu người vào năm 2050.
Ông tuyên bố trong cuộc họp báo chớp nhoáng tại Dinh Thủ Tướng rằng sự bổ nhiệm này là thành quả của cả một tháng trời suy xét. Ông nói: “Rất nhiều người dân Úc có một số quan ngại chính đáng về khả năng tồn tại của các mật độ dân số tại nhiều phần khác nhau của nước Úc. Đặc biệt là những ảnh hưởng của nó đến việc nghẽn kẹt trong thành phố, ảnh hưởng của nó về tình trạng thỏa đáng của các cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng của nó đến mức cung cấp thỏa đáng về gia cư, ảnh hưởng của nó đến các dịch vụ chính phủ, ảnh hưởng của nó đến nước và nông nghiệp cũng như của cả những vùng quê miền tỉnh của chúng ta nữa”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đây ông Rudd từng tuyên bố là ông yểm trợ một “nước Úc lớn” và ông không nghĩ rằng sự phát triển dân số là một điều xấu.
Ông Rudd cũng cho biết thêm là trong việc hoạch định sách lược thì ông Burke phải “rất là nhạy bén trong việc để ý” đến những điểm tích cực mà sự gia tăng dân số mang đến cho nền kinh tế của Úc.  Ông nói: “Thử thách của chúng ta là phải đảm bảo rằng chúng ta có được những mật độ dân số trong tương lai càng chính xác càng tốt, và với sự phân tích ấy, bảo đảm rằng chúng ta có hoạch định kế hoạch một cách đúng đắn”.
Ông Burke cho biết trách nhiệm mới này của ông có liên quan đến tất cả mọi lãnh vực trong việc cung cấp dịch vụ và ông sẽ khảo ý thật rộng rãi trong lúc ông hoạch định và phát triển sách lược trong 12 tháng tới đây.  Ông nói: “Những vấn đề này trước đây chưa hề được điều hợp ở cấp chính phủ và chúng đòi hỏi một mức độ hợp tác thật cao với tất cả mọi cấp chính phủ.”.
Một trong những ưu tiên trước nhất của sách lược sẽ là việc nhận định những cơ hội từ một dân số đang tiếp tục phát triển và bằng cách nào mà các vùng quê miền tỉnh có thể được phát triển. Sách lược cũng sẽ nghiên cứu về các hạ tầng cơ sở kinh tế và xã hội mà nước Úc sẽ cần đến trong tương lai và đồng thời đáp ứng với những thử thách mà sự phát triển sẽ mang đến cho môi sinh, nguồn nước và sự tắc nghẽn ở thành thị.

TRẺ NHÀ NGHÈO XEM TV NHIỀU

ADELAIDE: Các phụ huynh nào hay lo ngại rằng con em mình làm bài tập quá  nhiều hoặc chơi thể thao quá nhiều có thể vui mừng vì kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy các hoạt động nêu trên sẽ giúp  các em ít dán mắt vào máy truyền hình hơn.
Cuộc nghiên cứu cho thấy trẻ em từ những gia đình trong 30% khá giả nhất nước Úc mỗi ngày bỏ ra trên nửa giờ nhiều hơn những bạn học khác ở trường cho những việc học hành, đọc sách, làm bài tập và học nhạc.
Những trẻ em từ các gia đình khá giả này cũng bỏ ra trên 20 phút hơn bạn đồng trang lứa mỗi ngày để chơi thể thao có tổ chức và thêm 10 phút nhiều hơn để ăn uống.
Và chúng sẽ xem truyền hình hoặc chơi trò chơi video ít hơn những trẻ em khác đến 42 phút mỗi ngày.
Tác giả của cuộc nghiên cứu- vốn chưa được phát hành- giáo sư Tim Olds thuộc trường khoa học y tế (health sciences) tại đại học Nam Úc đã phân tích các dữ kiện từ cuộc thăm dò năm 2007 về Dinh Dưỡng và Hoạt Động Thể Lực  của trẻ em từ 9 đến 16 tuôi (2007 Australian National Children’s Nutrition and Physical Activity Survey). Ông cho biết ông rất quan ngại về khoảng cách giữa thời giờ ngồi lì trước máy truyền hình của những trẻ em khá giả nhất và nghèo khổ nhất. Ông nói: “Thêm 40 phút một ngày có nghĩa là mỗi tuần là 3 tiếng đồng hồ, và xuyên suốt thời gian đi học  thì tổng cộng sẽ tương đương với một năm làm việc toàn thời. Và vì thế, chuyện này cũng giải thích được một phần nào những khác biệt trong thành quả học vấn [giữa các học sinh khá giả hơn và nghèo khó hơn]. Kết quả này cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần phải tìm nhiều phương pháp hầu giúp đỡ phụ huynh kéo con em họ ra xa máy truyền hình”.
GS Olds cho biết những chi phí của các môn thể thao có tổ chức và những trường tư dạy các môn học ngoại khóa như hội họa, âm nhạc.vv. là hàng rào cản trở cho trẻ em từ những gia đình ở những tầng lớp xã hội kinh tế thấp.
Tưởng cũng nên nhắc lại, cuộc thăm dò năm 2007 về Dinh Dưỡng và Hoạt Động Thể Lực cho thấy trung bình thì các em trai bỏ ra khoảng 4 tiếng mỗi ngày để xem truyền hình hoặc chơi trò chơi trên máy, gấp đôi số lượng thời gian tối đa mà các cơ quan y tế khuyên nhủ. Các em gái thì trung bình là 3,5 tiếng.
Tổng giám đốc Hội Đồng Thiếu Nhi và Truyền Thông Úc Châu (Australian Council on Children and the Media) bà Barbara Biggins cho rằng thời gian mà trẻ em ngồi trước màn ảnh “không cân bằng” với những chuyện mà chúng cần làm trong thực tại. Bà nói: “Trẻ em cần phải học cách liên lạc và kết nối với người thật. Phương cách khó khăn và phiền hà cho phụ huynh là họ phải giới hạn thời gian của chúng trước màn ảnh”.

VIC: NGƯỜI ĐI XE ĐẠP PHẢI ĐĂNG BỘ

MELBOURNE: Một tổ chức vận động chủ yếu của giới doanh nhân muốn  những người chạy xe đạp phải có bằng và phải đăng bộ xe đạp của họ trước khi được cưỡi xe trên đường phố.
Hiệp Hội Chủ Nhân Thương Nghiệp và Kỹ Nghệ Victoria (The Victorian Employers’ Chamber of Commerce and Industry- VECCI) kêu gọi mở cuộc tranh luận công cộng về vấn đề này và hiện đang làm một cuộc thăm dò qua mạng trên trang blog của họ..
Phát ngôn nhân của VECCI, ông Chris James cho biết ngày càng có nhiều người cưỡi xe đạp trên đường phố, chen lấn giành đường với xe hơi và vì thế, họ phải được đối xử tương tự như người lái xe hơi với bằng lái thích hợp, với giáo dục về luật sử dụng đường phố và một chiếc xe đạp có đăng bộ, có biển số hẳn hoi. Ông nói: “Không có lý do gì mà một loại người sử dụng đường phố  lại được đối xử đặc biệt hơn loại kia”.
Ông James cho biết người cưỡi xe đạp nên trả một lệ phí đăng bộ “tượng trưng”, và số tiền này sẽ được sử dụng để tu bổ và nâng cấp những con đường mà họ sử dụng song song với người lái xe hơi. Ông nói: “Cưỡi xe đạp rất tốt cho sức khỏe, tốt cho môi sinh và tốt cho việc ứ nghẽn đường phố. Thế nhưng, họ sử dụng đường công cộng mà không phải trả lệ phí nào hết. Và cưỡi xe đạp đã trở thành phương tiện chính mạch của lượng lưu thông những người đi làm, và vì thế, nó trở thành một vấn đề đòi hỏi có một sự lưu tâm đến”.
Ông James cho biết trong lúc người lái xe hơi có thể dễ dàng bị báo cáo về những vi phạm luật giao thông qua biển số xe của họ, nhưng những người cưỡi xe đạp ẩu lại thường trốn tránh khỏi việc bị nhận diện.
Tuy nhiên, TGĐ tổ chức Xe Đạp Victoria (Bicycle Victoria) ông Harry Barber cho rằng phần lớn người cưỡi xe đạp đều đã có bằng lái xe hơi và bất kỳ lời kêu gọi nào về chuyện buộc họ phải đăng bộ xe đạp đều không thích hợp cả. Ông nói: “Cái ý tưởng mỗi xe đạp phải có biển số khi người ta có hàng tá xe đạp và xe đạp của trẻ con quả thật là cả một cơn ác mộng”.
Ông Barber cũng nói thêm là đại đa số người dân Melbourne cưỡi xe đạp trên đường phố để đi làm đều làm đúng. Ông cũng nói thêm là tổ chức Bicycle Victoria ủng hộ việc giáo dục tốt hơn cho người cưỡi xe đạp. Ông nói: “Họ phải học luật, họ phải học quy ước và phép tắc. Chúng tôi biết rằng có người là kẻ lái xe đua Grand Prix và có lắm kẻ cư xử như những thằng đần độn một khi ngồi vào sau tay lái xe hơi. Và chúng  tôi cũng biết có một vài người có cách hành xử thiếu trách nhiệm khi cưỡi xe đạp”.
Tuy nhiên, bộ trưởng giao thông Victoria, ông Tim Pallas cho biết ông không yểm trợ ý tưởng đăng bộ xe đạp. Ông nói: “Không có một quốc gia nào trên thế giới này có chuyện đăng bộ xe đạp cả. Chúng tôi chỉ muốn khuyến khích người dân xem việc cưỡi xe đạp như sự chọn lựa tốt để di chuyển”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.