Hôm nay,  

Iraq: Thử Thách Lớn

11/03/201000:00:00(Xem: 4278)

Iraq: Thử Thách Lớn

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Cuộc bầu cử Chủ nhật vừa qua tại Iraq là một diễn biến đầy ý nghĩa cho cuộc chiến chống khủng bố Mỹ đã lâm vào trong 10 năm qua khởi sự từ Afghanistan. Tại Iraq, từ nhiều ngày trước, bọn khủng bố đã đánh lớn để ra tay phá hoại cuộc bầu cử này, hơn 100 quả bom đã nổ gây một số thương vong. Nhưng dân chỉ sợ lúc đầu, vì có người nói "dân Iraq đã quá chán ghét rồi, không sợ bom nữa". Quả nhiên từ sáng ngày bầu cử, dân đi bầu rất đông, bất chấp các vụ đánh phá lẻ tẻ của khủng bố ở nhiều nơi đã làm chết 36 người. Tại Washington TT Barack Obama ca ngợi cuộc bầu cử: "Tôi rất kính trọng hàng triệu người Iraq bất chấp sự uy hiếp của bạo lực, đã sử dụng quyền đi bầu của họ. Sự tham gia đông đảo của dân chúng Iraq đã chứng tỏ họ đã quyết định sáng tạo tương lai của họ theo thể thức chính trị".
Cuộc bầu cử này để chọn 325 dân biểu Quốc hội Iraq. Số ứng cử viên: 6,200 người. Trước đây Quốc hội Iraq chỉ có 275 người. Theo Ủy hội bầu cử, lần bầu trước có 19 triệu cử tri, nhưng lần này vào buổi chiều kết quả cho thấy chỉ có 62% đi bầu. Các giới chức cho biết sự suy giảm đó là do một loạt những nguyên nhân. Trước hết vì có các vụ đánh bom tuy rải rác, nhưng cũng làm dân chúng tại chỗ sợ bỏ chạy. Ngoài ra các phòng đầu phiếu đòi phải có thẻ cử tri mới được vào, để phòng ngừa bọn khủng bố len lỏi vào phòng bỏ phiếu, nên dân cũng sợ và bỏ cuộc ra về. Tất cả có khoảng 10,000 trung tâm và lối 52,000 phòng nhỏ để dân bỏ phiếu. Nhân viên phụ trách các phòng bỏ phiếu: 300,000 người.
Vào buổi chiều Chủ nhật, các ước lượng sơ khởi của các chính đảng cho thấy liên minh do Thủ tướng Nouri-al-Maliki lãnh đạo sẽ nắm đa số phiếu, mặc dù phải vài ngày nữa mới có thể biết kết quả chính thức. Một sự đắc thắng của al-Maliki có thể là dấu hiệu dân Iraq đã bắt đầu loại trừ những đảng phái tôn giáo đã làm chủ đất nước này kể từ ngày quân Mỹ đánh vào Iraq năm 2003. al-Maliki đã nỗ lực chứng tỏ ông đã tách rời khỏi đảng phái tôn giáo (Shi-a) của ông, và tự chứng nhận ông chỉ là một người quốc gia, tức là theo dân tộc chủ nghĩa.
Trong một cuộc họp báo Ủy hội bầu cử nói kết quả sơ khởi của một số tỉnh cũng như của một vài quận ở Baghdad có thể được loan báo vào chiều Thứ Ba. Nhưng kết quả tổng quát phải chờ vài ngày nữa mới có. Theo một nhân vật khối Liên minh Luật pháp Quốc gia của al-Maliki, tin tức sớm nhất cho thấy các ứng cử viên của Liên minh ở Baghdad - 68 ghế trong số 325 ghế của toàn quốc - đã có kết quả tốt, cũng như ở Miền Nam Iraq, nơi đa số dân chúng theo hệ Shi-a. Ở các địa phương khác các giới chính thức của các đảng khác theo dõi cuộc kiểm phiếu cũng nhìn nhận liên minh này có thể thắng.
Một giới chức của đảng theo Hồi giáo hệ Shi-a đối lập với al-Maliki (cũng là người theo hệ Shi-a) nói khối Liên minh Luật pháp Quốc gia có vẻ đã dẫn đầu. Các giới chức của cựu Thủ tướng Ayad Allawi trong khối Liên minh Iraq trước đây nói các ứng cử viên của họ đã thành công ở những vùng có đông người theo hệ Sun-ni sinh sống. Allawi là người chỉ trích al-Maliki nặng nề, nói chính quyền của al-Maliki cần phải làm việc thêm nhiều nữa để tạo sự hòa giải giữa các hệ phái khác nhau ở Iraq hiện nay. Nhưng dù các giới chính thức trong Liên minh Luật pháp Quốc gia của al-Maliki nhìn nhận họ đã không có đủ ghế dân biểu để tạo ra một khối đa số vững chắc trong Quốc hội, nghĩa là họ phải thương lượng với các khối liên minh khác để thành lập một chính phủ, việc cứu xét mối quan hệ đổ vỡ với các phe phái đối lập cũng thật khó khăn.


Xét tình hình trên người ta thấy một hiện tượng hiếm lạ giữa hai hệ Shi-a và Sun-ni của Hồi giáo ở Iraq. Hệ Shi-a có sự chia rẽ, và hệ Sun-ni cũng có sự chia rẽ chỉ vì nạn khủng bố của al-Qaida đã hoành hành sau khi Saddam Hussein bị bắt và chịu án tử hình. Trong khi đó các phần tử lẻ tẻ của hai hệ phái này trong đại đa số quần chúng Iraq lại không muốn có sự tranh chấp đẫm máu, họ mong có sự đoàn kết trong tinh thần dân tộc của cả nước. Chúng tôi thiết nghĩ đây là một biến chuyển quan trọng nhất trong tư duy của con người vào đầu Thế kỷ 21, không phải chỉ riêng cho Iraq mà cho tất cả những dân tộc khác còn đang bị chia rẽ dù ngấm ngầm về tôn giáo hay ra mặt về khuynh hướng chính trị.
Và cũng nhân dịp này chúng tôi muốn nhìn đến tình hình ở hai nước đang bị khủng bố quấy rối, phá hoại là Afghanistan và Pakistan. Tại Afghanistan cuộc tấn công của liên quân NATO dưới quyền tư lệnh của Mỹ vào thành phố Marjah, căn cứ chính của Taliban ở tỉnh Helmand, khởi sự từ trung tuần Tháng Hai đến nay đã thành công rực rỡ. Taliban đã bỏ chạy, quân đồng minh cùng quân chính quy của chính phủ Karzai kiểm soát hoàn toàn Marjah. Dân chúng kéo ra đường tiếp tay với quân chính quyền tháo gỡ những mìn và bẫy bom do du kích Taliban để lại. Một số chỉ huy của Taliban trên đuờng chay về biên giới Pakistan cũng bị bắn chết.
Đầu tuần này Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã đến Kabul, hội kiến với Tổng Thống Karzai và Đại tướng Stanley McChrystal để duyệt lại kế hoạch tấn công thẳng vào thành phố Kandahar, trái tim tinh thần và cũng là nơi phát xuất của bọn Taliban. Theo lời tướng McChrystal cuộc hành quân này sẽ khởi sự vào mùa hè. Sự "hẹn trước" cũng là một chuyện lạ trong nghệ thuật dụng binh. Báo cho địch biết trước để chúng chạy chăng" Có thể, nhưng đúng hơn hết là theo kinh nghiệm đã có ở trận đánh Marjah, báo trước để dân chúng có thời giờ di tản. Du kích Taliban có chiến thuật vô cùng tàn bạo là lấy dân chúng làm cái mộc che thân cho chúng. Chúng núp sau dân để tấn công quân đồng minh.
Tại Pakistan sát bên Afghanistan, bọn cầm đầu Taliban ẩn náu ở biên giới và lập ra một hệ thống Taliban riêng của chúng ở nước này. Cuối tháng trước một xe bom tự sát của khủng bố đánh vào một trụ sở Cảnh sát ở Karak thuộc miền Tây-Bắc Pakistan giết chết 4 người và làm hơn 20 người bị thương. Karak ở gần vùng Nam Waziristan, là sào huyệt của Taliban. Từ tháng 10 năm ngoái, quân đội Pakistan đã mở một cuộc hành quân quy mô tiễu trừ dư đảng Taliban. Hiện nay chính phủ Pakistan nói cuộc hành quân đã hoàn tất, nhưng quân đội vẫn không rút ra khỏi vùng này.
Trong khi đó Mỹ tiếp tục dùng phi cơ không người lái (drone) bay trên cao bắn vào những khu vực có bọn Taliban hoạt động. Một lãnh tụ Taliban đã bị giết ở vùng này. Tóm lại ở vùng Nam Á, Afghanistan cũng như Pakistan, chiến thuật đánh khủng bố của Mỹ đã thay đổi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.