Hôm nay,  

Luôn Nhớ Ơn Thầy

09/11/200900:00:00(Xem: 9423)

Luôn Nhớ Ơn Thầy
Lê Huy


Chiếc bánh “Nhớ ơn Thầy.”

Trước tháng 8/2009 chừng mươi ngày, anh Cao Thế Định gọi tôi:
- Ninh hả… Anh Định đây!
- Dạ… Em đây! Anh khỏe không"
- Khỏe chớ… Khỏe mới… cầm phone gọi Ninh được chớ!
- Trời… Anh… khỏe dữ vậy sao! Khỏe đến mức… cầm nổi cái phone há… Chúc mừng anh nhen!
- Hà… hà… ! Ninh lúc nào cũng vui tính. Hạp với anh lắm.
- Dạ… Cám ơn anh.
- OK… Giờ anh nói nhanh chuyện này nhen.
- Dạ… Chuyện gì" Anh nói đi… Em nghe đây…
Ngưng một lát, anh tằng hắng lấy giọng, nói tiếp:
- Ninh biết không… ! Tính đến nay là năm thứ năm mươi thầy Đinh Văn Hiền đến với trường Cường Để mình đó.
- Vậy hả anh!
- Anh định tổ chức một buổi kỷ niệm cho thầy về dịp này. Ninh thấy sao, có dự được không"
Thấy lâu lắm mới có dịp đến thăm thầy và gặp lại các bạn cũ, tôi vui lắm reo lên:
- Được lắm chớ anh. Mình làm đi.
Anh Định tở mở:
- Dzậy thì hay quá!
- OK… Em sẽ dự và “ới” thêm các bạn của nhóm Tứ Ba em nữa. Mà anh định làm tại đâu, ngày nào"
- Anh định ngày 2 tháng 8 tới đây, tại nhà thầy. Được không"
- Được lắm chớ…
- À… Tình cờ có thầy Trương Quang Tá từ New Jersey đến Little Sài Gòn dự buổi họp mặt của cựu hoc sinh Khải Định - Huế, thầy sẽ đến chung vui với tụi mình đó.
- Ồ… Dzậy thì dzui quá!
Tôi thì không học thầy Tá môn nào giờ nào, nhưng may mắn được anh Định cho biết về thầy như thế này. Thầy đáo nhận trường Cường Để năm1960. Thầy dạy Việt Văn và là Giáo Sư Hướng Dẫn lớp Đệ Ngũ I niên khóa 1960 -1961. Lớp này, anh Đặng Tấn Tới (tức Thi Sĩ Vũ Thúy Thụy Ca) làm Lớp Trưởng, anh Cao Thế Định làm Lớp Phó. Sau thời gian ngắn dạy ở đây, thầy được động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ra trường thầy được tuyển về binh chủng Hải Quân. Năm 1966 thầy được giải ngũ, trở về nghiệp giáo tại trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Sau biến cố Mậu Thân, thầy được gọi tái ngũ cho đến năm “1975 tan hàng”. Hình như thầy là một trong số khá ít người lập “kỷ lục vượt biên”. Năm 1988, đến lần vượt biên thứ 13 thầy được tàu Pháp vớt đưa vô đảo tị nạn. Hai năm sau thầy được định cư tại Mỹ. Cô và các em còn kẹt lại ở Việt Nam và được đoàn tụ với thầy năm 1994. Gia đình thầy hiện đang ở tiểu bang New Jersey. Thầy cô thường về thăm Cali vào những ngày hè nắng ấm. Mỗi lần thầy cô về đây là thầy trò lại có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự.
Nói đến nhóm của tụi tôi, tôi lại không nhớ rõ là tại sao có cái tên “Tứ Ba” như vậy. Tôi gọi Lê Thị Lệ Huyền vì người này là “thủ phạm” của tên ấy:
- Hello… Chị Huyền hả… Ninh đây! Cho hỏi chút được không"
- Ờ… Huyền đây… Hỏi chi… hỏi đi!
- Hỏi là… Tại sao có tên là nhóm Tứ Ba. Lâu quá tui quên mất rồi.
Chỉ trách… nhẹ tôi:
- Trời… Có chút dzậy mà cũng chẳng nhớ!
- Bị… già rồi… Chị ơi!
Chỉ lại… trêu:
- Già chi mà già… Cái giọng còn rổn rảng lắm mà già… Xíc!
- Thôi mà… Tha đi cho tui nhờ…
Tự nhiên bà chị đổi giọng… “tạc-dzăng”:
- Không tha chi hết… Nghe nì!
- Ờ… Thì nghe đây!
- Vì tui thấy từ Los xuống San Diego của tui chỉ có hai tiếng đồng hồ xe mà có tới mười người cùng học một lớp của tụi mình. Hiếm lắm nghe!
- Ờ… Hiếm lắm! Rồi sao nữa"
- Mà tui thì chỉ học có hai năm Ngũ Ba rồi Tứ Ba thôi, sau đó tui về Huế học, nên chi tui đặt là nhóm Tứ Ba để gọi là chút kỷ niệm cho tui đó mà. Nhớ chưa"
- Nhớ rồi… Cám ơn chị.
Thì ra lý do có tên nhóm Tứ Ba là vậy. Nghe cũng vui vui… hay hay… đó chớ.
Hôm sau, tôi gọi cho Hồng Quốc Anh -- là Lớp Trưởng cũ của chúng tôi – mà tôi thường gọi đùa là… “Lớp Trưởng Muôn Năm” -- cho ảnh biết chuyện họp mặt đó, ảnh vui vẻ đồng ý. Tôi nhờ ảnh “ới” giùm các bạn ở Quận Cam và San Diego, còn tôi thì “ới” các bạn ở Los và Long Beach. Rốt cục, chỉ có Hồng Quốc Anh và tôi dự được thôi, còn mấy bạn kia thì đã có family plan từ tháng trước rồi. Trần Viết Sơn thì đang ở Norway vài ngày nữa mới về. Trần Tư Cung và Đoàn Thị Lãm thì xin kiếu vì đau lưng ngồi lâu không được. Cao Trọng Thẩm thì đi chơi Grand Canyon. Ngô Đăng Tình thì đi Hawaii. Lê Thị lệ Huyền thì đi Arizona. Bùi Thị Kim Lan thì bận đón tiếp thân nhân từ xa về chơi cả tuần. Riêng trường hợp Nguyễn Thị Nhung ở Los thì, mấy năm trước, khi có dịp để “đàn đúm” với nhau, vợ chồng tôi thường chạy ngược khá xa lên nhà Nhung trên đó, đón, rồi chạy xuôi về Quận Cam hoặc San Diego. Đến khuya thì chở Nhung về lại Los. Mấy năm sau này vì “woải” quá, lại mắt kém khi lái xe ban đêm nữa, nên tôi không đưa đón Nhung được. Chắc Nhung buồn lắm vì không được đi thăm thầy và gặp mặt bạn bè… Mong Nhung thông cảm cho vợ chồng tôi nghen.
* * *
Nhân đây, tôi xin chân thành cám ơn anh chị Nguyễn Mạnh Dzạn đã ưu ái gởi cho tôi cuốn Đặc San Cường Để - Nữ Trung Học năm 2009. Quý lắm đó anh chị à! Bài nào tôi cũng thích hết. Bài nào cũng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của những năm tháng chung thầy chung lớp dưới mái trường ấm cúng cũng như trên các chiến trường sôi động và khốc liệt năm nao.
Trong đó có bài thơ Tưởng Niệm Anh của Thi Lan viết để nhớ tới anh Văn Eng – sĩ quan Biệt Kích, đúng ra là Viễn Thám. Viết đến đây tôi nhớ anh quá. Nhớ lần ba thầy trò đề lô tôi uống cà phê nghe nhạc với anh ở quán Phượng thơ mộng bên dòng Dakbla – Kontum. Vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, anh đã chiến đấu quyết liệt và anh dũng hy sinh trong trận đánh mở đường máu cho Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 22 Bộ Binh thoát khỏi vòng vây của địch tại Căn Cứ Phượng Hoàng – Tân Cảnh. Anh có cô em là Văn Thị Huệ hát bài Ngày Xưa Hoàng Thị hay nhất Quy Nhơn thuở ấy. Anh có người em là Thiếu Úy Hải Quân Văn In trầm trầm ít nói, không sôi nổi nhanh nhẹn và dứt khoát như anh.
Trong đó có bài Đánh Trong Thành Phố của Trần Hoài Thư viết về trận đánh giải vây thị xã Quy Nhơn vào Tết Mậu Thân 1968 tại cây xăng Ông Tề mà trung đội anh (thuộc Đại Đội 405 Thám Kích) là nổ lực chính. Năm 74, tôi biết nhưng không quen anh khi tôi nằm dưỡng thương ở bệnh viện Sư Đoàn 22 trên Tháp Bánh Ít - Cầu Bà Di. Anh vóc người dong dỏng cao, gương mặt xương xương, mang kính cận nặng, dáng dấp ra vẻ nhà giáo hơn là nhà binh; lúc nào anh cũng kẹp trong nách xấp bản thảo hoặc một cuốn sách nào đó.
Trong đó có bài Từng Giọt Ngậm Ngùi của Phan Tưởng Niệm -- bạn thân chiến đấu với tôi ở Trung Đoàn 41 - Sư Đoàn 22 Bộ Binh -- viết về Nhu là người bạn cùng thời với chúng tôi đã bỏ lại đôi chân hay bay nhảy của mình trên chiến trường để rồi phải ngồi xe lăn tay.
Trong đó có bài… có bài… Nhiều lắm, tôi không thể nào kể hết ra đây.
Nhân đây, tôi cũng xin mượn nơi này để thưa chuyện cùng anh Nguyễn Trác Hiếu.
“Thưa anh, em là Ninh -- một thằng em hướng đạo… “dở mã” của anh ngày xưa đây. Anh còn nhớ không, em và Nguyễn Ngọc Lưu đã thi đậu bằng Hướng Đạo Hạng Nhì trong số năm Thiếu Sinh dự thi vào một đêm khuya tối trời trên bãi biển Quy Nhơn, mà anh cùng với anh Nguyễn Đăng Khoa, anh Nguyễn Mạnh Hùng là ba Tráng Sinh đã “chăm sóc rất tận tình” tụi em trong kỳ thi khá cam go cho cấp hiệu ấy. Em cám ơn anh rất nhiều về những tấm hình sinh hoạt Hướng Đạo năm xưa mà anh đã scan gởi cho em từ Florida. Em quý lắm và đang giữ nó đây anh à!
Trong cuốn Đặc San CĐ – NTH năm 2009 này, bài viết Thầy Cô Chúng Tôi của anh đã làm mắt em sáng lên như bắt được vàng. Em nói thiệt đó, vì từ lâu em ước sao có anh chị nào đó nhắc lại tương đối đầy đủ về chân dung quý vị Giáo Sư kính mến của mình. Thì nay anh là người đã làm nên điều ước ao quý báu chân tình đó -- mà ước ao này không những của riêng em mà là còn của rất nhiều anh chị em cựu học sinh mình nữa đó anh. Lần nữa, em cám ơn anh nhiều lắm”.
Ở đây, tôi đã “gặp lại” thầy Dương Minh Ninh dạy nhạc. Năm Đệ Lục, Hà Vang (French) và tôi học riêng guitar tại nhà thầy. Thầy có cây đờn piano mà tôi thích lắm. Và tôi đã... lén rờ lên đó mà nghe lòng mình lâng lâng, rung lên một cách thích thú. Cách đây mấy năm, trong một dịp họp mặt Học Sinh Liên Trường Quy Nhơn, Văn Công Định và tôi đã quyên góp được chút ít tiền gởi về giúp thầy và gia đình.
Tôi cũng “gặp lại” thầy Lê Văn Tùng dạy Lý Hoá và Vạn Vật. Thầy dạy hay qua cách lập dàn bài gọn gàng dễ hiểu. Thầy cũng vẽ đẹp nữa, giản lượt hơn trong sách giáo khoa cho dễ nhớ, nhất là vẽ vòng tròn thiệt tròn mà chẳng cần đến compass. Mỗi lần giảng bài, đôi mắt thầy chăm chăm nhìn lên góc cao trên trần lớp rồi chậm rải giảng giải, tuồng như bài soạn của thầy “nằm sẵn” đâu trên đó.
Năm 67 tôi thi Tú Tài II ở Nha Trang. Vào chiều ngày thi cuối tôi gặp thầy đi dạo biển. Thầy nói khi chấm bài thi Vạn Vật, nhìn tuồng chữ biết ngay là bài của tôi, và qua cách trình bày thấy y chang như bài giảng của mình, thầy cho 18 điểm. Tôi nghe mà mừng rướm nước mắt.
Cũng trong kỳ thi đó, vào thi vấn đáp Anh Ngữ, tình cờ tôi gặp thầy Hoàng Thạch Thiết làm giám khảo. Thầy chỉ cho tôi đọc một đoạn ngăn ngắn, hỏi mấy câu dê dễ rồi cho 14 điểm. Mừng quá, tôi về chỗ ngồi mà hai cái mắt cá cứ như đập vào nhau. Tháng 1/94 tôi đến nhà thầy ở hẻm 491 Lê Văn Sĩ (Trương Minh Giảng cũ) thăm và chào thầy trước khi đi Mỹ. Tôi lên tiếng chào thầy và ngạc nhiên lắm khi thấy thầy rất khác so với hồi dạy Cường Để. Thầy mập ra, da dẻ hồng hào, mái tóc dài phủ kín gáy và bạc phiếu như tài tử Đoàn Châu Mậu, trông rất đẹp lão. Thầy nheo mắt nhìn tôi hồi lâu rồi khẽ hỏi: “Ninh đó hả"” – “Dạ… Thưa thầy Ninh đây!”. Ôi… Sung sướng biết bao khi thầy vẫn còn nhớ và nhận ra mình trong số không ít học trò của thầy. Thầy nói tôi nay phong trần và bụi đời lắm – thì ở tù ra ai mà chẳng phong trần và bụi đời -- thầy nhận ra tôi vì cái cười của tôi vẫn vậy.
Ở phần viết về thầy Đinh Văn Hiền, có đoạn “… Tôi nghe nói trong một sinh nhật của thầy, nhiều cựu học sinh cư ngụ gần nơi thầy ở đã cùng nhau đến tổ chức sinh nhật cho thầy… ” (Nguyễn Trác Hiếu). Đúng vậy, mấy năm trước đây, năm nào nhóm Tứ Ba của chúng tôi và các anh chị khác cũng rủ nhau đến mừng sinh nhật của thầy tại tư gia. Chúng tôi cũng xin thầy Lê Văn Tùng ngày tháng sinh của thầy, nhưng có lẽ thầy không muốn chúng tôi phải bận rộn phiền hà nên thầy nói: “Cám ơn Uyển, cám ơn Ninh. Trong bằng lái xe của Tùng không có ghi ngày tháng này”. Thầy vẫn thường xưng Tùng và gọi học trò bằng tên khi nói chuyện như thế. Thầy từ chối khéo đó thôi, chớ ai lại không nhớ ngày tháng sinh của mình. Biết thầy ngại nên chúng tôi không “hỏi tới” nữa.
Trong ý nghĩa truyền thống cao quý của tình nghĩa thầy trò “rất Việt Nam” của mình, hằng năm vào dịp Tết Ta, nhóm Tứ Ba chúng tôi rủ nhau đi chúc tết gia đình thầy Tùng ở Anaheim rồi kéo nhau đi chúc tết thầy cô Hiền ở Costa Mesa. Bằng tấm chân tình cố hữu, chúng tôi đã “Đi Tết Thầy” rất trọn vẹn, không màu mè kiểu cách, y chang như những năm còn cắp sách đến trường. Chúng tôi vẫn còn cảm thấy mình rất nhỏ bé khi đứng trước quý thầy cô. Thay mặt nhóm chúng tôi là “anh rể” Bửu Uyển – ông xã của chị Lê Thị Lệ Huyền – đã lễ phép vòng tay trước ngực, cung kính thưa với thầy cô lời chúc tết trang trọng và chân tình nhất.
* * *
Đến hẹn là đi.


Ngày 2/8, sau khi chở con gái đến chùa để học Việt Ngữ, tôi phóng xuống Little Sài Gòn ghé tiệm bánh mua một cái bánh đông sương khá to có bắt bông hoa xinh xắn, nhờ cô bán bánh chạy thêm dòng chữ theo ý mình rồi vọt xuống nhà Hồng Quốc Anh.
Trên đường đến nhà thầy Hiền, hai đứa tôi nhắc đến những chuyện cũ về thầy. Niên khóa 63 – 64 thầy là Giáo Sư Hướng Dẫn lớp Đệ Tứ Ba của chúng tôi. Thầy dạy Đại Số và Thể Dục. Thầy rất năng nổ, hăng say trong những sinh hoạt của tuổi trẻ thanh niên. Thầy là huấn luyện viên của đội bóng tròn Cường Để, và đã làm nên tên tuổi của đội bóng trong các trường trung học ở miền Trung. Thầy thường gợi ý cho học trò tổ chức các buổi sinh hoạt như của Hướng Đạo với những chuyến thám du Cù Lao Xanh bằng ca nô, cắm trại Vườn Xoài, du ngoạn Tháp Bánh Ít… bằng xe đạp thật lành mạnh vui tươi bổ ích. Một đồng nghiệp của tôi là cựu hướng đạo sinh và cũng là cựu sinh viên sĩ quan Đại Học Chiến Tranh Chính Trị kể lại, thầy là cựu sĩ quan huấn luyện viên của trường này, phụ trách môn Chính Huấn -- Sinh Hoạt Đơn Vị. Thầy đã áp dụng phương pháp hoạt động thanh niên và sinh hoạt hướng đạo vào bộ môn này rất sinh động. Các khóa sinh thích lắm những buổi hướng dẫn rất hào hứng của thầy.
Say 75, thị giác của thầy suy yếu trầm trọng trong những năm đi tù, chúng tôi rất đau lòng và thương quý thầy nhiều thêm khi biết được tin này. Có một điều đã khiến chúng tôi rất lấy làm khâm phục là, ở nơi thầy toát ra một nghị lực rất cao mà chúng tôi nhận thấy được qua vẻ lạc quan yêu đời tuy đôi mắt của thầy không còn nhìn rõ sự vật và quang cảnh quanh mình. Có lần tôi thưa với thầy: “Cái nghị lực và tính lạc quan của thầy chắc không bao giờ chúng em học được, thầy à!”. Với giọng nói rõ và khỏe xưa nay không đổi, thầy tươi cười ôn tồn nói: “Có chi mô nờ! Mình cứ bằng lòng và an vui với những gì mình đang có là qua hết. Còn nhiều người kém may mắn hơn mình nữa đó, các em à!”. Thầy còn chịu khó đi xe bus để theo học lớp ESL giành cho người khiếm thị nữa. Thầy nói: “Đi học cho vui, chớ ở nhà thui thủi một mình buồn lắm… Mà cô thì phải đi làm nữa”.
Khoảng 11 giờ rưỡi hai đứa tôi đến nơi. Tưởng mình là người đến trễ nhất, té ra còn có vợ chồng anh Đoàn Thế Định cũng mới đến nữa. Vừa bước đến sân cỏ thì đã nghe tiếng cười nói vui nhộn từ phòng thầy trên lầu hai vọng xuống. Thầy ở trong một chung cư thuộc khu vực khá yên tĩnh. Mỗi lần bước trên cầu thang lên phòng thầy tôi lại nhớ những khi dìu thầy lên xuống nơi này, thì thầy nói: “Cám ơn em. Thầy quen rồi. Thầy tự đi được mà. Chiều chiều thầy hay dạo quanh xóm theo từng bước chân thầy đếm. Bao nhiêu bước là đến nơi nào, bao nhiêu bước là đến góc nào, đó em” – “Vậy hả thầy… Thầy hay quá hà!”. Những lần như thế tôi lại nghe lòng mình vui lên vì biết thầy vẫn còn khỏe.
Phòng khách thầy đã đông các anh chị lắm rồi, chừng hai mươi người. Hai đứa tôi vừa bước vô vừa ngượng ngùng xin lỗi: “Xin lỗi thầy cô… Xin lỗi quý anh chị… Hai em đến trễ”. Thầy Hiền vui vẻ cười nói: “Có chi mô nờ… Đến chơi là quý rồi!”. Thầy Tá thì xòe rộng hai bài tay ra vẩy vẩy chào chúng tôi: “Vô đi… Vô đi các em!”. Mấy anh có máy hình thì bấm nháy lia lịa, “welcome” bốn người đến trễ này. So về “vai vế” thì hai đứa tôi là học… sau nhất. Chúng tôi đến chào từng người và được đón chào bằng những cái bắt tay chân tình cởi mở cùng những nụ cười rạng rỡ tươi tắn.
Các bạn đến đông quá, toàn là bậc đàn anh đàn chị mà tôi đâu biết tên hết được, sợ thiếu sót khi thuật lại buổi họp mặt này rồi sẽ bị “mắng” là: “Tau cũng có mặt sao mi hổng kể dzô… Hả… !"”; để cho chắc ăn tôi phải nhờ anh Định viết giùm tên các anh chị ấy cho tôi như thế này: Anh chị Cao Thế Định + cháu nội, anh chị Võ Trung Doãn, anh chị Nguyễn Đức Tín + cháu ngoại, anh chị Trần Lý Nhi Nguyễn Thị Hạnh, anh chị Đoàn Thế Định, anh Huỳnh Văn Chánh, anh Võ Ngọc Uyển, anh Phan Minh Đông, anh Đặng Đình Lực, anh Hồng Quốc Anh, anh Phạm Đình Ninh, chị Vương Thị Tấn, chị Đỗ Thùy Hân, chị Lê Thị Huệ, chị Võ Thị Sẻ.
Như đã bàn trước, chúng tôi đến đây với “mỗi người một bàn tay… potluck” để thầy cô khỏi phải bận bịu chuyện bếp núc. Thôi thì đủ thứ mặn-lạt-chua-cay-lẫn-ngọt-bùi. Anh Võ Trung Doãn thì lúc nào cũng “dzui dzẻ nhìu chiện”, sau khi lướt qua các món bày biện trên bàn ảnh trọ trẹ “phán”:
- Cọ thiệu chi mô nờ!
Ấy vậy mà cô Hường – phu nhân thầy Hiền – cũng chịu khó làm gỏi và chè cho thêm xôm tụ. Nhớ trước đây những lần chúng tôi đến thăm thầy cô, lần nào ra về cũng có quà của cô trao tặng; khi thì nem chua , khi thì tré, khi thì giò thủ… -- “Cám ơn cô, cô thiệt khéo tay. Thầy của chúng em thiệt là có phước”.
Khỏi nói thì ai cũng biết là thầy trò chúng tôi… lai rai “vừa đánh vừa đàm”, vừa tấm tắc trầm trồ khen ngợi ngon ơi là ngon từ món “to go” cho đến món “homemade”.
Khi thấy các bạn đã đến đông đủ với lòng mong muốn được gặp lại thầy cô và bạn bè theo lời mời gọi của mình, nét mặt anh Cao Thế Định vui lên và xúc động thấy rõ. Xoa xoa hai bàn tay lại với nhau như để làm dịu cơn xúc động ấy, anh chân tình chậm rãi nói:
- Kính thưa quý thầy cô và các bạn, đã khá lâu thầy trò chúng ta chưa có dịp họp mặt để hàn huyên với nhau. Lấy cớ là vừa nhận được một số Đặc San Cường Để -- Nữ Trung Học 2009, tôi xin phép mời các bạn đến đây, để được trao tận tay các bạn cuốn Đặc San này, mà mục đích chính là để kỷ niệm năm mươi năm thầy Đinh Văn Hiền đến với trường Cường Để của chúng ta, và cũng để chào mừng thầy Trương Quang Tá từ tiểu bang New Jersey xa xôi về thăm miền Nam Cali nắng ấm này. Xin anh chị một tràng pháo tay để chúc mừng thấy Hiền và chào mừng thầy Tá (vỗ tay…). Chúng ta cũng mong sao tình thầy trò nghĩa bằng hữu mãi mãi được duy trì và phát huy. Và hy vọng rằng chúng ta sẽ tổ chức mỗi năm một lần một buổi họp mặt “bỏ túi” nhưng đông vui như thế này, vì những ngày xưa thân ái dưới mái trường Cường Để thân yêu ấy không thể nào phai mờ trong tâm trí của chúng mình.
Sau những lời chân tình của anh, không khí trong căn phòng nhỏ bé ấm cúng của thầy cô Hiền chợt nghe “xôn xao” với tràng pháo tay vui nhộn rộn rã nổi lên. Hòa với niềm vui của buổi gặp gỡ bất ngờ này, và với nét mặt vui tươi rạng rỡ thầy Tá ngỏ lời:
- Cám ơn các em đã đến thăm thầy. Thầy chúc gia đình các em hạnh phúc và vạn sự như ý.
Một tràng pháo tay chợt nổi lên để cám ơn thầy. Cùng hoà với niềm vui ấy, thầy Hiền đứng lên với đôi môi mấp máy vì xúc động, thầy nói với chúng tôi:
- Tự nhiên mấy bữa trước Định gọi điện thoại hỏi, thầy tới trường Cường Để năm 1959 phải không thầy -- Phải -- Vậy thì được năm chục năm rồi. Do đó tụi em định tổ chức ngày họp mặt để kỷ niệm năm chục năm thầy đến với trường. Lúc bấy giờ thầy hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng cũng thấy trong lòng nó xao xuyến làm sao đó. Vui nhiều ghê lắm. Là tại vì thầy có đi dự những buổi họp mặt cựu học sinh của các trường khác mà thầy cũng có đóng góp một số công sức trong đó. Thì ai cũng nói như thế này, chỉ có người Việt Nam mình là thân thiện hơn tất cả các nơi khác. Có cái câu “Tôn Sư Trọng Đạo”, nên dù ở nơi đâu hoặc là lớn tuổi bao nhiêu cũng nhớ nhau ghê lắm, từ thầy đến trò, trò đến thầy. Nhứt là học trò mà nhớ thầy thì thầy mới nhớ đến học trò hơn là những kỷ niệm của những năm xưa. Lấy ví dụ, có nhiều thầy nói rằng, tui dạy ở đây, mà cũng dạy học trò ở đại học Mỹ đàng hoàng chớ. Thế mà đi trên đường gặp, hắn cứ “Hi…!”… là rồi. Chớ không có những ngày họp mặt vui vẻ như thế này đâu. Vậy thì đây là cái kỷ niệm mà thầy ghi nhớ rất nhiều. Mong rằng thầy còn sống thì còn gặp mặt các em, nghĩa là không kể thời gian bao lâu. Thầy mong rằng các em cũng giữ được tình thầy trò như thế này. Thì mình để cho các con các cháu mình nó noi gương theo. Cha mẹ làm sao thì con cháu nó sẽ nhớ đến cái ngày mà nhớ thầy nhớ cô như vậy. Thôi, thầy cám ơn các em.
Lại một tràng pháo tay vui nhộn rộn rã nổi lên.
Và thầy trò chúng tôi vẫn tiếp tục… lai rai “vừa đánh vừa đàm”.
Anh Võ Ngọc Uyển chợt cao hứng ứng khẩu một bài thơ kính tặng thầy Tá. Bài thơ khá dài, tôi xin trích một đoạn như sau:
… … …
Chiều buồn xuống phố Bolsa
Hai bên phố thị như là Việt Nam
Nhìn người qua lại quen thân
Nỗi niềm lưu lạc cứ âm ỉ hoài
Cà phê giọt ngắn giọt dài
Giọt rơi xuống mộng, giọt ngoài hư không
Tôi giờ cành củi trôi sông
Lạc trăm nhánh rẽ vào lòng đại dương
… … …
Thấy thời gian họp mặt “bỏ túi”cũng khá dài, anh Định lại xoa xoa hai bàn tay vào nhau, vui vẻ nói:
- Cuộc vui nào thì cũng tàn, họp mặt nào rồi cũng chia tay thôi. Thì học trò với quý thầy cô họp mặt tại đây cũng khoảng hơn hai tiếng đồng hồ rồi. Cái giờ phút chót thì người ta nói ăn rồi có tráng miệng. Mấy em có làm một cái bánh, không biết của bạn nào đây, nhưng mà trên này có ghi dòng chữ “Luôn nhớ ơn Thầy”.
Có tiếng mấy chị trầm trồ: “Chà… Chà… !”. Rồi có tiếng ai đó tiết lộ: “Của Ninh… Của Ninh… !” – Rồi lại có tiếng ai đó “hài tội”: “Ninh đâu… Ninh đâu… " Đứng dậy cho nhìn cái mẹt chút coi… !”. Tôi đành phải đứng dậy chường cái bản mẹt… “sáu bó lẻ ba” của mình ra cho thiên hạ… nghía.
Anh Định tiếp:
- Đây là một kỷ niệm mà tất cả anh chị em và thầy trò đều nhớ. Hy vọng rằng cuộc họp mặt này như là một tiền lệ cho những năm kế tiếp. Như lời thầy Hiền có nói hồi nãy là, nếu thầy trò còn sức khỏe thì còn có dịp gặp nhau, chúng ta luôn luôn gặp nhau. Mà tụi em cũng quan niệm rằng, với cái tuổi của tụi em cũng trên sáu chục hết rồi, bây giờ là những ngày sống… “bonus” của cuộc đời. Cho nên khi nào còn sống được vui vẻ là mình cứ sống thoải mái với anh em bạn bè. Cho nên… Ví dụ như chị bạn Sẻ của nhà tôi, tôi xin nhắc lại một lần nữa là bạn từ chối không đi cuộc này, nhưng mà rồi cũng phải đi. Lý do là không có cơ hội nhiều để gặp nhau nữa. Năm nay sáu mươi mấy rồi, hồi xưa là “Thất thập cổ lai hy”, bây giờ mình gần tới thất thập rồi. Nên bây giờ vui được ngày nào là vui ngày đó thôi. Cho nên rất là hoan hô tinh thần các bạn ở xa. Thứ nhứt là bạn Sẻ một mình lái xe một tiếng rưỡi đến đây, vợ chồng Nhi cũng lái một tiếng rưỡi – Có giọng oanh dzàng nào đó đệm vào “Lái… hai mình thì đừng có kể!” -- Tất cả cái đó là những sự cố gắng của các bạn để cho cuộc họp mặt nào cũng thành công vui vẻ. Và hy vọng rằng năm tới tôi cũng sẽ đứng ra tổ chức một lần nữa sau khi Đặc San Cường Để - Nữ Trung Học bên kia phát hành để gởi đến tận tay quý thầy cô và các anh chị bên này. Xin chúng ta hãy cám ơn nhau, cám ơn tình thầy trò và bạn hữu rất quý báu này.
Lại một tràng pháo tay vui nhộn rộn rã nổi lên, tưởng như không dứt.
Tôi nhờ chị Hạnh và chị Tấn cắt bánh từng phần nhỏ, còn tôi thì cùng anh Định, anh Anh… bưng dĩa bánh mời thầy cô và các anh chị khác. Cô Hường thiệt tình khen:
- Ngon quá! Bà xã Ninh làm bánh ngon quá!
Tôi cũng thiệt tình thưa lại:
- Dạ… Cám ơn cô! Chính em tự… mua đó cô à!
Cả phòng cười rộ lên, và hình như có vài tiếng “rủa yêu” tôi:
- Quỷ… Xứ… !
Thế rồi chúng tôi chia tay nhau trong một buổi chiều vàng Cali có nắng đẹp gió mát, lòng thầm mong năm tới và những năm kế tiếp sẽ lại họp mặt nữa, dù cho… “bỏ túi” cũng được.
Lê Huy
Hè Cali, 2009

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.