Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Từ Thiện & Vinnies

01/02/200900:00:00(Xem: 3781)

Thời sự nước Úc: Từ Thiện & Vinnies - Hoàng Đ.Thư

St Vincent De Paul là một tên gọi mà hầu như không một người Việt tỵ nạn nào ở Úc lại không cảm thấy có ít nhiều quen thuộc thân thương. “Vinnies” – như tên gọi tắt bây giờ của nó – là một tổ chức từ thiện Công Giáo vốn đã năng nổ giúp đỡ chúng ta từ khi vừa chân ướt chân ráo đến hostel với những món quà thật hữu dụng như khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng và một vài bộ đồ lành lặn. Cho đến khi ra khỏi hostel, thuê mướn căn nhà đầu tiên thì ‘Vinnies” cũng là nơi đã giúp chúng ta có được một số bàn ghế tủ giường cần thiết. Khi nghĩ đến ‘Vinnies” là người ta lập tức mường tượng đến những phụ nữ lớn tuổi, hiền hoà, dễ mến, cống hiến thời giờ để làm việc trong những cửa tiệm bán đồ cũ của tổ chức.
Thế nhưng, trong nhiều năm qua, vì sự cạnh tranh ráo riết giữa các tổ chức từ thiện trong một kỹ nghệ mà riêng tại NSW đã trị giá lên đến hơn $100 triệu mỗi năm, thì hầu như tất cả các tổ chức từ thiện như Smith Family, Salvation Army (gọi tặt là Salvos), Vinnies .v.v. ngày càng doanh nghiệp hoá (corporatised) nếu không nói là thương mại hoá (commercialised) để có thể giành được thị trường, hầu có thể gây được nhiều quỹ cho các công tác từ thiện của họ (Trong tài khoá 2006-2007 thì số thu nhập của các cửa tiệm Vinnies lên đến $46 triệu). Sự thay đổi lớn lao của “Vinnies” đã khiến cho không ít người từng làm việc thiện nguyện cho tổ chức này này không khỏi bất mãn. Theo ông Les Mico, một người từng làm việc cho Vinnies, thì ông cảm thấy như tổ chức thân thương của ông đã bị “McDonald hoá”. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dỏi bản lược dịch bài tường thuật của ký giả David Marr, tựa đề “Taking The Heart Of Of Vinnies” - Cắt Đứt Cái Từ Tâm Của Vinnies – được đăng trên nhật báo Sydney Mornig Herald ngày 24/1/09 vừa qua.

*

Les Mico là người mang một mối thương tâm sâu đậm và có cả một đống giấy tờ để chứng minh điều đó. Có một dạo, người thương gia khiêm tốn này là một trong những người được trọng vọng trong tổ chức từ thiện St Vincent De Paul Society ở NSW. Ông đã từng bị trục xuất ra khỏi tổ chức và ông đã chiến đấu để được hoàn trả tư cách thành viên của mình. Cuộc chiến này đã khiến ông trở thành một khuôn mặt gây nhiều tranh luận trong nội bộ tổ chức mà ông tố giác chuyên hành xử theo quy tắc “Bạn có thắc mắc thì bạn sẽ bị đuổi” (Ask questions, get sacked.).
Trong vòng 5 năm qua, St Vincent de Paul in NSW đã vất vả để chuyển mình từ một mạng lưới của những uỷ ban thuộc giáo hạt địa phương trở thành một tổ chức từ thiện quy mô vĩ đại được điều hành từ trung ương. Sự thay đổi này là một điều tất yếu bởi vì tình hình tài chánh của tổ chức có phần mù mờ, rắc rối. Thế nhưng, sự thay đổi này quả thật là quá đau đớn cho tất cả mọi người bởi vì nó đã phơi bày nhiều sự thật khó chấp nhận được về chính tổ chức ấy. 
Những người kỳ cựu trong các giáo hạt ngỡ rằng họ là kẻ điều hành St Vincent De Paul đã khám phá rằng tổ chức này không phải là một tổ chức dân chủ đầy từ tâm như lới tâm nguyện của tổ chức mà thật ra là một tổ chức được chỉ đạo từ trên xuống. Sự tuân lệnh là một điều trọng yếu của tổ chức, và hồ sơ trong vài năm qua cho thấy  nó có thể là một tổ chức không thích bị thách thức.
Kể từ khi sự cải tổ bắt đầu thì đã có rất nhiều vụ sa thải, tranh cãi, hăm doạ thưa kiện, một đống thư từ dầy đặc từ luật sư, nhiều vụ kiện tụng, nhiều cuộc điều  tra, nhiều mối thù hằn và vô số cuộc kháng cáo đến tổng hành dinh của tổ chức ở Ba Lê. Có vô số chuyện về những người đã từng hiến dâng 20 – 30 năm của đời họ cho tổ chức mà cuối cùng phải ngao ngán rũ áo ra đi với cõi lòng nặng chĩu.
Và những chuyện như thế vẫn còn đang tiếp diễn. Cách đây vài tháng, St Vincent De Paul (SVP) đã bãi nhiệm toàn bộ hội đồng thiện nguyện ở Parramatta bởi vì họ từ chối không tước đoạt quyền điều hành 25 cửa tiệm Vinnies từ tay của các thành viên vốn đã điều hành các cửa tiệm này từ khi khởi thuỷ. Một thành viên của hội đồng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tranh đấu đến tận cùng”. Nhiều cuộc bầu cử điền khuyết sẽ được tổ chức thế nhưng, không một ai có thể ra tranh cử nếu họ không chịu ký một bản cam kết sẽ tuân thủ theo lệnh từ trung ương.
Ông Raymond James, doanh nhân gốc Nam Phi, một trong những người đã hoạch định ra chương trình cải tổ vốn hiện đang tiến hành tuyên bố: “Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy nó (sự bất đồng ý kiến về sự thay đổi) trở thành chuyện cá nhân, Tôi hoàn toàn không ngờ được cường độ cùng sự cảm nhận sâu đậm xuất phát từ việc làm rất căn bản của tổ chức là giúp đỡ người khốn khó trên căn bản cá nhân”.
Ông James đến Úc trong khoảng cuối thập niên 1970, tái tạo sự nghiệp của ông trong lãnh vực may mặc và bắt đầu tham gia vào công việc của SVP để có thể giúp đỡ cho những khu lao động nghèo khó của người da đen ở quê hương ông. Ông là một người đầy nhiệt tâm và quyết tâm với một phong thái hành xử mà ông thừa nhận có thể làm người khác phật lòng.
Khi chủ tịch tiểu bang NSW là John O’Neill, tuyển mộ ông vào năm 2003 để dùng con mắt doanh nhân của ông kiểm điểm tình hình tài chánh của SVP ở tiểu bang thì ông thấy có hơn 2000 trương mục khác nhau. Mỗi uỷ ban giáo hạt trong số 600 uỷ ban đều có một trương mục. Thêm vào đó, mỗi cửa tiệm, mỗi viện dưỡng lão và mỗi hoạt động của SVP ở NSW đều có trương mục riêng. Ông nói: “họ hoàn toàn không biết được tổ chức có bao nhiêu tiền bởi vì không thể nào có được một phương pháp để tính toán chính xác cả. Đây là một chuyện hết sức kỳ cục và không thể nào tiếp tục như thế được”.
Thoạt tiên, những người muốn cải cách chỉ có một mục tiêu đơn giản là có một trương mục duy nhất cho SVP trên toàn tiểu bang và một bản báo cáo tài chánh toàn bộ đầu tiên. Ông James thuật lại về một quá trình thật dài để “nắm tay khẽ bảo” hầu có thể thuyết phục “những người có đầy hảo ý, luôn tận tuỵ nhưng là dân a-ma-tơ” để họ đồng ý trao lại những túi tiền nho nhỏ mà họ đã gây quỹ được hầu giúp người nghèo.
Chuyện xài chung một trương mục cuối cùng cũng được chấp thuận, nhưng những chi bộ ở St George, Sutherland và Liverpool đã bị bãi nhiệm, hoặc từ nhiệm để phản kháng sự sắp đặt mới mẻ này. Ông James nói: “Tôi không hề ngờ trước là có nhiều người hoàn toàn chống lại bất kỳ một sự thay đổi nào”. Phong tục tập quán của SVP bắt đầu bị căng thẳng.
Ông Les Mico là một doanh nhân trong lãnh vực cung cấp dụng cụ y tế (medical supply business). Ông có một vẻ bình tĩnh vốn khiến người ta thấy rằng ông không dễ dàng bỏ cuộc một khi ông nhập cuộc. Những công tác thiện nguyện mà ông làm cho SVP chỉ trong vài năm đã đưa ông vào chức vụ chủ tịch của hội đồng lớn nhất trong số 11 hội đồng của SVP ở NSW, là hội đồng của giáo phận Sydney (Sydney Archdiocese). Và với chức vụ này, ông trở thành thành viên của Hội đồng quản trị toàn bộ NSW vào tháng 10/2005.
Ông và một vài người khác bắt đầu cảm thấy quan ngại trong năm sau đó về những vấn đề liên quan đến sự minh bạch, sự tham khảo, các lệ phí, tài khoản và chuyện mà ông gọi là “sự thiếu rõ ràng về mục tiêu chiến lược” (a lack of clarity over the strategic intent) của phong trào cải tổ. Vào tháng 8/2006 ông phân phát trong nội bộ hội đồng và giới hạn ngoài hội đồng 14 trang dầy đặc những câu hỏi, than phiền và đề nghị về phương hướng và đường lối của SVP ở NSW.
Sự phải quấy của bản văn kiện của ông Mico quả thật rất phức tạp và sẽ không được phân giải trong bài báo này. Thế nhưng, chuyện đáng nói nhất về nó là phản ứng mà nó đã tạo ra. Nhiều khuôn mặt cao cấp, trong đó có ông James, cho rằng nó là một sự công kích trầm trọng và cảm thấy họ bị sỉ nhục vì sự thách thức có lẽ hiếm thấy này về việc điều hành tài chánh của SVP từ một người làm việc thiện nguyện không lương. Ông Mico bị lên án là đã xem thường hội đồng và dược yêu cầu phải từ chức. Ông từ chối.


Vài tuần sau đó thì tình trạng trở nên cay độc hơn khi ông Mico yểm trợ đơn đòi bồi thường lao động (worker’s compensation claim) từ người giám đốc của hội đồng của ông, lúc ấy phải nghỉ vì  bị căng thẳng (stress leave) với lời tố cáo là bà bị hai ông James và O’Neill “ỷ thế hiếp đáp” (victimisation and bullying). Hai người này luôn luôn phủ nhận lời cáo giác của bà và họ được sự hậu thuẫn của công ty bảo hiểm của tổ chức là Allianz. Ông Mico bị đình chỉ công vụ.
Cải hai phe đều bày tỏ sự phẫn nộ, thất vọng và đau buồn trong những tuần lễ này qua các lá thư thường xuyên được ký với hàng chữ cuối là “Yours in Christ". Ông Mico phủ nhận những lời tố giác phản kích là ông mới là người hiếp đáp nhân viên. Có một thời điểm chồng của người nữ giám đốc nói trên bị SVP hăm doạ sẽ kiện với tội phỉ báng mạ lị nếu ông ta tiếp tục tấn công SVP qua những lá thư mà ông ta gởi đến cho xướng ngôn viên Alan Jones của đài 2GB.
Một cuộc họp giữa ông Mico và ông James kết thúc bằng sự cãi vã to tiếng. Một lần nữa, khó thể nào phán đoán được phải trái về bên nào. Ông James nói: “Cuộc họp không thể nào nghiêm túc, đúng thủ tục hơn nữa”.
Ông Mico dĩ nhiên không đồng ý với lời nhận xét này. Khi những cuộc điều tra của SVP quy trách nhiệm rằng chính ông là người tạo ra khó khăn thì tư cách thành viên của ông bị thu hồi vào tháng 3/2007.
Tuy nhiên, ông không bị trục xuất lâu. Sau khi ông khiếu nại lên hội đồng toàn quốc (National Council) của SVP ở Canberra vào tháng 7/07 thì tư cách thành viên của ông được phục hồi. Không một lý do nào được đưa ra để giải thích cho sự thay đổi nhanh chóng ấy. Ông Mico xem đó là một sự biện minh thật rõ rệt về lẽ phải của quan điểm của ông và chờ đợi được phục hồi những chức vụ khác của ông. Thế nhưng, ông bị cấm tuyệt.
Quan điểm chính thức, mặc dầu có vẻ không hề được ghi nhận trên giấy trắng mực đen ở đâu hết, là việc ông Mico được phục hồi tư cách hội viên chỉ là một hành động đầy tính từ bi, bác ái mà thôi.. Ông James nói: “Trong tinh thần yêu thương và tha thứ của thánh Vincent ông ta được cho phép làm thành viên một lần nữa. Đấy là lý do duy nhất, chứ không phải vì lập luận của ông ta có mảy may chân lý nào cả”.
Trong khi đó thì nhân viên của SVP bắt đầu đoàn ngũ hoá. Con số gia nhập công đoàn ngày càng gia tăng bởi vì các nhân viên ngày càng cảm thấy những sự thay đổi dường như được mang đến bằng búa tạ nhiều hơn. Và sự kiện bùng nổ vào tháng 7/2007 khi công đoàn Australian Services Union (ASU) đã khiến SVP bị thảm bại chua cay trước Uỷ Ban Quan Hệ Lao Tư (Industrial Relations Commission of NSW - IRC).
Ông George Owen có đầy thiện ý khi ông yêu cầu nhân viên trong đội của ông thuộc dịch vụ xã hội “Learning and Community Services” thẳng thắn góp ý với ông về phong cách điều hành, giám thị của ông. Thế nhưng, khi tan buổi họp thì ông có cảm tưởng ằng mình đã bị “đánh đập dã man” (beaten up) và đặc biệt quy lỗi cho một thành viên của đội vì đã có quá nhiều sự la lối. Một lần nữa, những lời cáo buộc về sự ỷ thế hà hiếp lại bị phản kích bằng những lời cáo buộc hà hiếp khác. “Hà hiếp” (bullying) có vẻ là một từ ngữ đặc thù quan trọng của SVP.
Ban quản trị đã bị IRC chỉ trích vì đã tuyệt đối yểm trợ ông Owen và “không hề có nỗ lực điều tra bất kỳ một điều gì” yểm trợ những nhân viên đang tranh cãi với ông. Ông David Patterson và bà Maria McNuff bị yêu cầu phải ký giấy cam kết rằng họ sẽ “không tranh luận cãi cọ các vấn đề” với ông Owen nữa. Họ từ chối để rồi sau đó cả hai đều bị sa thải.
Bà Janice McLeay, uỷ viên IRC, ra lệnh rằng hai người này phải được tái hồi chức vụ. Trong phán quyết, bà tuyên bố: “Tôi thấy rằng việc sa thải bà McNuff và ông Patterson là một việc khắt khe, bất công và phi lý. Chuyện này lẽ ra không bao giờ xảy ra. Các nguyên tắc về công lý đã gần như bị xem thường trong việc xét giải những than phiền của họ cũng như trong sự sa thải họ. hoàn toàn không có lý do chính đáng nào cho việc sa thải bà McNuff hoặc ông Patterson. Không có một sự công bằng trong quá trình ấy”.
Cuộc cải tổ vẫn tiếp tục. Thế nhưng tổ chức này không có một đại hội mở rộng (assembly) để tất cả thành viên có thể tụ tập hầu tranh luận về những kế hoạch vốn đã thay đổi tổ chức từ thiện này một cách thật sâu đậm đến tận xương tuỷ. Thay vì thế, những cải cách chỉ được mang đến một cách rời rạc và từ trên áp đặt xuống. đối với những người lãnh đạo như ông James thì điều này phù hợp với chuyện mà họ cho là sự hài lòng của phần lớn thành viên trong việc chuyên chú vào công việc làm tốt cũng như sự phát triển tâm linh của chính họ.
Việc sử dụng một trương mục duy nhất được nối tiếp bằng bản giao kèo thuê mướn nhân viên đồng nhất  trên toàn tiểu bang, việc bán toàn bộ các viện dưỡng lão của SVP cho Catholic Healthcare và, có lẽ một trong những thay đổi tạo nhiều đau đớn nhất, chuyển quyền kiểm soát hơn 260 tiệm đồ cũ “Vinnies” trên toàn tiểu bang NSW vào tay 11 hội đồng giáo phận thay vì để từng giáo hạt kiểm soát. Đối với vô số thành viên lâu đời, điều này có nghĩa là một sự mất mát lớn lao về chủ quyền của họ.
Một lần nữa, ông James lại lên đường. Và một lần nữa, đại đa số thành viên đồng ý về việc trao đi chủ quyền của các cửa tiệm, ngoại trừ những người ngoan cố của giáo phận Parramatta vốn vẫn còn cầm cự tại Parramata, Blacktown, Nepean -Penrith và Blue Mountains. Trung ương SVP NSW từ chối không thảo luận về tình hình này với lý do là đã có nhiều cam kết luật pháp để không tiết lộ về những chuyện đang xảy ra ở đấy, thế nhưng, một lần nữa, câu chuyện lại có nhiều dấu hiệu thông thường của một cuộc tranh cãi của SVP.
Có nhiều lời tố giác về hà hiếp. Và cũng có nhiều lời tố giác phản bác về hà hiếp! Nhiều nhân viên ăn lương cũng như nhiều nhân viên thiện nguyện đã từ chức. Một viên chưởng quản (administrator) đã đến, đưa ra nhiều đề nghị về việc tiếp nhận (takeover) các cửa tiệm và đã ra đi. Các lời đe doạ kiện tụng về mạ lị phỉ báng lại một lần nữa được tung ra. Hội đồng giáo phận đã bị bãi nhiệm. Các cuộc điều tra đang được tiến hành. Các cuộc bầu cử mới chưa được thông báo.
Trong khi đó vô số thành viên đang lo âu về một sự thay đổi khác đang ló dạng ở chân trời. Kể từ năm 1942, tổ chức từ thiện này nấp bóng một cách hơi phi lý (sheltered incongruously) dưới sự bảo vệ của đạo luật Roman Catholic Lands Act, vốn được đặt ra để hậu thuẫn pháp lý cho các dòng tu. Trong vòng 12 tháng qua, nhằm mục đích gia tăng sự minh bạch và trách nhiệm (transparency and accountability), các hội đồng tiểu bang và toàn quốc đang điều tra những lợi điểm của việc biến chuyển St Vincent de Paul thành một công ty từ thiện (charitable company) chiếu theo đạo luật Corporations Act.
Ông John Picot, tổng giám đốc của SVP NSW nói: “Nó vĩ đại lắm”.
Ông từ chối không cho phóng viên của Sydney Morning Herald xem bản kế hoạch này bởi vì “đấy sẽ là một chuyện bất công đối với các thành viên”. Thành viên của SVP cũng chưa được thấy bản kế hoạch ấy, và ông Picot không chắc khi nào họ sẽ được xem. Ông nói rằng việc luân lưu toàn tiểu bang “sẽ được tiến hành trong nửa đầu của năm nay”.
Một đội ngũ mới hiện đang giám đốc các cuộc cải tổ. Ông John O’Neill đã về hưu từ lâu, không còn nắm giữ chức chủ tịch tiểu bang nữa. Ông Raymond James đã tiến lên những nấc thang danh vọng cao hơn nữa. Ông hiện là thủ quỹ quốc gia của SVP và còn là chủ tịch của Uỷ Ban Quốc Tế về Minh Bạch Tài Chánh của SVP tại Ba Lê. Ông nhìn lại những khó khăn trong vài năm qua và cho đó là sự chống đối, đôi lúc đầy tính độc địa, của một thiểu số rất nhỏ. Ông nói: “Khoảng 80 người, ít hơn 1% tổng số thành viên”.
Giữa công đoàn và SVP cũng đã có hoà bình.
Ông Les Mico đã trở thành một tụ điểm, một cố vấn cho những sự than phiền. Ông có tất cả mọi giấy tờ liên quan đến các vụ việc này. Ông nói: “Người ta luôn hỏi ý kiến tôi. Dù muốn dù không thì tôi cũng trở thành một người cố vấn”.
Ông xác quyết rằng ông không hề chống sự cải tổ, và ông quan ngại rằng vẫn còn thiếu sự minh bạch và trách nhiệm. Ông lo ngại rằng hàng triệu Úc Kim sẽ bị phung phí cho lệ phí luật sư. Ông nói: “Chúng ta đã mất đi tâm linh. Họ có thể làm việc này một cách thong thả, chậm rãi, thay vì nhào vào dùng búa tài xồi để đóng một cây đinh nhỏ”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.