Hôm nay,  

Phỏng Vấn Chị Phạm Minh Lan, Trường Âm Nhạc Dân Tộc

14/11/200500:00:00(Xem: 5181)
LTS: Song song với việc duy trì chính nghĩa tỵ nạn và bồi đắp lòng yêu tự do dân chủ, ưu tư lớn nhất của người Việt hải ngoại là bảo tồn và phát huy được ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt. Với ưu tư đó, mỗi người Việt, trong từng hoàn cảnh, khả năng riêng biệt, đều có những cống hiến không nhiều thì ít vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong số những người Việt tích cực cống hiến cho văn hóa Việt, ta không thể không kể đến Chị Phạm Minh Lan. Do xuất thân là một nhà giáo, vừa giầu lòng yêu nghề, say mê trong việc truyền thụ kiến thức, lại hằng quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt, nên ngay khi đặt chân đến Úc, Chị Lan đã ngược xuôi tìm kiếm những người cùng chí hướng để trao đổi những ưu tư, những hoài bão của Chị. Kết quả, cùng với sự đồng tâm hợp lực của những người có tâm huyết, có khả năng như GS Hồ Đình Chữ, Cô Ngọc Anh, Cô Ánh Linh, Anh Hồ Ông, Cô Thu Hường, Anh Nguyễn Phước... Trường Âm Nhạc Dân Tộc (ANDT) đã được thành lập cách đây 10 năm. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trường, và cũng là dịp Trường kết hợp với một số hội đoàn, đoàn thể tổ chức Ngày Việt Nam vào Chủ Nhật 20-11 sắp tới, tại TTVH và SHCĐ, SGT hân hạnh được phỏng vấn Chị Lan qua email. Sau đây, SGT trân trọng kính mời qúy độc giả theo dõi bài phỏng vấn.
*

SGT: Thưa Chị, đầu tiên, xin Chị cho biết Trường ANDT đã được thành lập trong hoàn cảnh nào"
PML: Kính chào Anh Hữu Nguyên, và kính chào quí độc giả của Saigon Times. Vâng, xin Anh cho phép tôi hơi dài dòng ở phần mở đầu vì nói đến nguyên nhân thì cần phải rõ ràng và khúc chiết. Bây giờ tôi xin vào đề. Trước năm 1975 tôi là một người làm nghề dạy học. Bên cạnh công việc chính thức này tôi còn có cơ hội gần gũi với những người trẻ qua các sinh hoạt của những đoàn thể nên Anh dễ dàng chấp nhận khi tôi nói với Anh là chỉ sau một một tuần lễ đặt chân lên đất Úc tôi đã đi tìm môi trường để tiếp nối những gì tôi vừa bỏ dở... Tôi đến các Trung Tâm Việt ngữ, tôi đến các sinh hoạt đoàn thể của người Việt ở NSW. Chính những nơi đây đã thôi thúc tôi dấn thân trong những công tác VHGD, và HĐ/VHGD nhiệm kỳ 1995-1996 do Gs Hồ Đình Chữ làm Chủ Tịch đã yểm trợ kế hoạch mở Lớp Nhạc Dân Tộc do tôi đưa ra. Một sự ngẫu nhiên đối với tôi nhưng đó cũng là cách giải quyết tốt nhất cho một ngân khoản sắp đến ngày mãn hạn của HĐ/VHGD. Sau khi kế hoạch được chấp thuận, tôi cùng một lúc vừa ra thông báo tuyển sinh vừa đi tìm kiếm Giảng viên. Vì chẳng quen ai nhưng chí đã muốn, cuối cùng tôi cũng mời được Cô Ngọc Anh và Cô Ánh Linh cho bộ môn đàn Tranh. Anh Hồ Ông cho bộ môn Sáo và đàn Bầu. Cô Thu Hường cho Bộ môn Ngâm Thơ và Anh Nguyễn Phước cho bộ môn Nhạc Lý. Số học viên của năm đầu tiên lên đến 60 người.
Thanh toán xong khoản tài trợ của năm đầu tiên, học viên không muốn nghỉ và xin đóng tiền để tiếp tục học. Hội Đồng chấp thuận và vì sự phát triển quá độ của phong trào học Nhạc Dân Tộc, Lớp Nhạc Dân Tộc có thêm các môn: Đàn Lục Huyền Cầm (Ns Thanh Xuân) Luyện ca Cổ nhạc (Ns Bảo Trang). Do đó từ Lớp Nhạc Dân Tộc chuyển thành Trường Âm Nhạc Dân Tộc với 18 lớp và hơn 100 học viên.

SGT: Thưa Chị, với một sinh hoạt có ý nghĩa như vậy, Trường có nhận được những sự giúp đỡ nào của Chính phủ và nhất là của CĐ"
Chị PML: Ngoài khoản tài trợ sẵn có từ nhiệm kỳ trước để lại ($9,500) để hình thành lớp nhạc trong giai đoạn đầu, những năm kế tiếp, Trường chỉ nhận được thêm $2,000 từ Hội Đồng Thành Phố Fairfeild cho để may trang phục biểu diễn. Do đó lệ phí học viên được bình quân theo số lượng. Học viên ít thì lệ phí cao mà học viên nhiều thì lệ phí thấp nhưng chưa bao giờ lệ phí lên quá $220 cho một bộ môn trong một khóa nên tài chánh năm nào giải quyết trọn năm đó. Năm nào chúng tôi cũng nộp đơn xin tài trợ nhưng không được. Mãi sau này mới hiểu rằng những tài trợ về văn hoá có tính cách giai đoạn như thực hiện một chương trình nào đó trong một thời gian ngắn hạn thì dễ dàng được chấp thuận còn xin tài trợ thường xuyên cho một công cuộc lâu dài như Trường Nhạc thì khó khăn nhiều nếu không muốn nói là không được. Cũng vì thế mà lần này chúng tôi đã xin được khoản tài trợ $4,000 qua sự bảo trợ của CĐ/NVTD/NSW để tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập Trường. Ngoài ra không có một khoản tài trợ nào khác từ mọi phía, kể cả CĐ.

SGT: Được biết ngoài giảng dạy về Âm Nhạc Dân Tộc, Trường còn có những lớp khác không phải là đàn Dân tộc cổ truyền. Chị có thể cho đồng hương tìm hiểu thêm về vấn đề này"
Chị PML: Như tôi đã trình bày, vì sự phát triển quá độ nên Lớp Nhạc Dân Tộc chuyển qua thành Trường Âm Nhạc Dân Tộc. BCH Hội Đồng VHGD đã nắm bắt được nhu cầu của đồng hương nên mở rộng ra thành Trung Tâm Việt Học để nhận học viên cho các lớp khác như: Lớp Trau dồi Văn Sử Việt (Gs Hồ Đình Chữ, Gs Hoàng Quốc Cung); Lớp Tiếng Việt cho người lớn và những người ngoại quốc (Thầy Dương Đình Học, Cô Tôn Nữ Ly và Cô Nguyễn minh Tâm); Lớp bồi dưỡng kiến thức chính trị xã hội (Ông Nguyễn văn Thiện); Lớp Nữ Công Gia Chánh, Tiả hoa, củ và Cắm hoa (Bà Quốc Việt); Lớp Rèn luyện Năng khiếu Chụp ảnh (Nhiếp ảnh gia Trần Phát); Lớp Vẽ cho các em Thiếu niên và cho người lớn (Họa sĩ La Thảo Nhi và Họa sĩ Trần Đoàn); Lớp Đàn Guitar (Ns Vũ Hùng và Ns Phạm Quang Ngọc)... Đó là lý do tại sao gọi là Trường Âm Nhạc Dân Tộc mà lại có các bộ môn khác. Tuy nhiên Trường ANDT vẫn là đơn vị nồng cốt của Trung Tâm Việt Học.

SGT: Để bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, theo Chị, Phụ Huynh nên làm những gì để giúp con em mình"


Chị PML: Trong vấn đề giáo dục, nhất là với khó khăn giữa 2 luồng văn hoá, tôi không dám có một ý kiến chủ quan nào bởi vì hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau và mỗi thành viên trong gia đình đều có những điểm khác nhau nên tôi chỉ xin nêu những kinh nghiệm trong cuộc sống để Quí đồng hương cùng chia sẻ. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tuổi trẻ VN tại hải ngoại phải cần được Cha Mẹ nâng niu, săn sóc ngay từ khi còn nhỏ. Tạo điều kiện thuận lợi để các em phát triển năng khiếu nơi những sinh hoạt chung như các đoàn thể, các sinh hoạt chuyên môn về văn hoá, xã hội. Chính những nơi này sẽ bồi dưỡng và gìn giữ tâm hồn Việt Nam cho các em một cách tự nhiên. Theo năm tháng, các em sẽ trở thành những Thanh niên, những công dân Úc gốc Việt rất vững vàng về dân tộc tính và mạnh dạn, tự tin trong xã hội. Cũng qua những sinh hoạt trong Trung Tâm Việt Học, tôi rất tin tưởng ở sự dấn thân của quí phụ huynh.

SGT: Chị có thể cho biết những dự tính tương lai để phát triển nhà Trường"
Chị PML: Trả lời câu hỏi đầu tiên của anh, chúng tôi đã trình bày nguyên nhân hình thành của Trường Nhạc không phải là một dự án được chuẩn bị và sắp xếp trước mà nó được hình thành trong một sự ngẫu nhiên nên hoạt động một cách tự phát với những tấm lòng và chỉ có những tấm lòng từ mọi phía. Ban Điều Hành, thì làm việc hoàn toàn thiện nguyện. Các Giảng viên, tuy có thù lao nhưng chỉ là tượng trưng, không bao nhiêu so với thời giờ họ bỏ ra. Các học viên, thì hy sinh thời giờ trong cuộc sống quá bận rộn. Còn các phụ huynh, thì khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến lớp trong những ngày cuối tuần mà đáng lý các em phải được nghỉ ngơi.
Từ những dấn thân tự phát đó, chúng tôi đi vào kế hoạch làm việc nên không hề có cao vọng đào tạo mà chỉ suy nghĩ một cách khiêm nhường là làm thế nào để Trường Nhạc, Trung Tâm Việt Học là nơi xứng đáng được sự tin cậy của mọi người. Tiếp nối được những nét văn hoá truyền thống cho thế hệ mai sau, và một điều không kém phần quan trọng là chính những người lớn cũng đến đây để tìm lại những dư hương của một thời xa xưa. Chúng tôi đã làm được điều này và hy vọng còn tiếp nối được ở tương lai.

SGT: Tại sao Chị lại lấy tựa đề "Ngày Việt Nam" để đặt tên cho sinh hoạt kỷ niệm 10 năm thành lập Trường"
Chị PML: Đã 30 năm trôi qua. Con số 30 nhắc nhở cho chúng ta một khoảng thời gian khá dài, đủ để cho một thế hệ trưởng thành. Một thế hệ người Việt sinh sống tại hải ngoại. Dù muốn dù không chúng ta cũng mất đi nét truyền thống VN trong mọi khiá cạnh văn hoá và xã hội. Bởi vậy, trong tâm tình chung của người Việt tỵ nạn kỷ niệm 30 năm xa xứ, và cũng là sự ngẫu nhiên Trường Âm Nhạc Dân Tộc vừa tròn 10 tuổi, nên chúng tôi muốn ghi lại thời điểm bằng dấu ấn của tình yêu. Đó là tình yêu Quê Hương, Dân Tộc. Đối với hoàn cảnh sống chạy đua với thời gian, đối diện với văn minh khoa học thì một ngày trọn vẹn cho sinh hoạt Việt Nam sẽ đem lại cho mọi người tham dự sự vọng tưởng kiếm tìm về Việt Nam của thời xa xưa thân thương và yêu dấu.

SGT: Đồng hương thắc mắc là trong chương trình đăng trên các báo là kỷ niệm 10 năm Trường Nhạc mà không thấy gì là đặc biệt của Trường Nhạc. Ít ra cũng thấy được hình dáng của những cây đàn. Chị nghĩ sao về thắc mắc này"Chị PML: Chương trình Ngày Việt Nam có 2 phần rõ rệt: Phần 1 từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều là những sinh hoạt chung của cộng đồng do các đoàn thể phụ trách như: Hội Cao Niên, Gia Đình Phật Tử, Phong Trào TNTT, Đoàn Hậu Duệ/ TTCS, Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ. Phần 2 là phần văn nghệ: Do Thầy Cô và học viên Trường Âm Nhạc Dân Tộc đảm trách với sự cộng tác của những nghệ sĩ thân hữu như Ca Sĩ Bích Hà, Ca sĩ Phi Phi, Nghệ sĩ hài Mỹ Linh... Đặc biệt với tuồng Cải Lương Hàn Mặc Tử do học viên lớp Cổ nhạc trình diễn.

SGT: Chị có thể cho biết cảm tưởng của Chị sau 10 năm trong công tác điều hành Trường ANDT"
Chị PML: Sau 10 năm lăn lộn với nhà Trường, được cùng mọi người sống những giờ phút thân thương, tuy rất mệt mỏi nhưng có nhiều an ủi trong tâm hồn mà ít người có được. Sự an ủi đó là mình đã làm được những điều mình mong muốn. Đã thực hiện được điều tâm niệm thứ ba của bài học thuộc lòng khi còn bé: Lúc bé là của Mẹ Cha, lúc lớn là của Quốc Gia, lúc già là của Hậu Thế.

SGT: Chị muốn chuyển đạt điều gì đến các bạn trẻ khi đưa ra các trò chơi truyền thống trong thời điểm văn minh và khoa học đang ngự trị"
Chị PML: Từ những trò chơi truyền thống, các bạn trẻ sẽ có cơ hội tìm hiểu về thời thơ ấu của Cha Anh để thấy được sự ưu đãi của xã hội văn minh dành cho mình. Những trò chơi khoa học, vi tính, mang tính cách cá nhân, đắt tiền. Còn tuổi thơ của những bậc Cha Anh khi xưa tuy nghèo nàn nhưng đơn sơ, hồn nhiên và mang nặng tính đoàn kết, gắn bó với mọi người.

SGT: Cuối cùng, Chị có những điều gì muốn nhắn gửi đến quí độc giả của Saigon Times"
Chị PML: Niềm mong ước cuối cùng là chúng tôi mong mỏi được sự tiếp tay, tiếp sức của những nghệ sĩ, những người có những chuyên môn về âm nhạc hoặc bất cứ một hình thức văn hoá truyền thống nào để giúp cho thế hệ nối tiếp có cơ hội duy trì và phát triển những đặc tính về văn hóa Việt Nam nơi xứ lạ quê người. Cũng kính mong Quí đồng hương đến tham dự Ngày Việt Nam với những sinh hoạt hoàn toàn Việt Nam và thưởng thức vở cải lương đặc sắc nhân kỷ niệm lần giỗ thứ 65 của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

SGT: Chân thành cảm ơn thì giờ quí báu của Chị, và xin cầu chúc Trường Âm Nhạc Dân Tộc cùng BTC thành công trong Ngày Việt Nam sắp tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.