Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 84)

11/12/200700:00:00(Xem: 2890)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Tối hôm đó cuối mùa thu, đầu mùa đông, trời mưa phùn lất phất, gió lạnh buốt. Lúc ấy trong nỗi lạnh lẽo cô đơn, tôi muốn ở lại với Mẹ vô cùng. Tôi muốn đêm hôm đó, được gục đầu vào vai Mẹ, nghe Mẹ kể lại những câu chuyện vui buồn của cuộc đời mà Mẹ đã đi qua, để được lần cuối cùng, thu vào trong tâm trí tôi hình ảnh của Mẹ, trước khi tôi ra đi... Nhưng nhìn những mảng sáng tối bủa vây chung quanh, tôi linh cảm như có muôn vàn nguy hiểm đang bủa vây rình rập. Tôi thực sự hoảng hốt, nghĩ không sớm thì muộn, cuối cùng tôi sẽ bị cộng sản bắt giữ. Tôi lo sợ, nếu tôi còn chần chừ ở Hà Nội, tôi sẽ bị chúng bắt và sẽ làm liên luỵ đến những người thân yêu, trong đó có Mẹ của tôi... Đã từ lâu, tôi luôn luôn thầm nhủ với lòng, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi đắng cay, chịu đựng mọi nguy hiểm cho mình, nhưng không bao giờ làm cho những người thân yêu của mình bị liên luỵ. Mẹ tôi đã già yếu, nếu bị cộng sản bắt giữ hành hạ, và đau khổ khi chứng kiến tôi bị bắt, Mẹ sẽ đau khổ và tổn thọ vô cùng... Không, tôi không thể nào để Mẹ chứng kiến hay biết tin tôi bị bắt. Muốn vậy, tôi phải ra đi, để nếu có bị cộng sản bắt, giết, tôi sẽ bị bắt, bị giết ở một nơi nào đó, mà Mẹ không thể chứng kiến, không thể biết... Nghĩ vậy, tôi âm thầm gạt lệ, đi ra cửa. Đưa tay kéo cánh cổng gỗ, cài chốt cổng, tôi thấy bàn tay của mình run lên, và trong lòng nghẹn ngào, xúc động. Tôi lo ngại ra đi lần này là mãi mãi vĩnh biệt. Vĩnh biệt căn nhà! Vĩnh biệt Mẹ! Cho dù tôi có vượt biên thành công, để rồi tôi được sống sót ở một nơi nào đó trên thế giới, thì Việt Nam sống trong sự kìm kẹp của cộng sản, tôi cũng không thể nào trở về đoàn tụ với Mẹ hay về thăm Mẹ...
Như bị một sức mạnh vô hình níu kéo lần cuối, tôi vịn tay vào cánh cổng gỗ, ngửa mặt nhìn vào bầu trời đen kịt, mặc cho những giọt mưa phùn lạnh lẽo hoà cùng nước mắt, để thấy lòng mình thật đau đớn, cuộc đời mình thật bất lực, ngay cả những giấc mộng cỏn con, bình thường trong cuộc sống, được sống với Mẹ, tôi cũng không làm nổi...
Từ ngoài đầu hẻm có tiếng chân người đang đi tới... Tôi thở dài, nhìn lần cuối cùng căn nhà của Mẹ, rồi quay lưng, bước đi lầm lũi trong con hẻm đầy bóng tối. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió lạnh hú từng cơn vật vã, nhưng tôi vẫn lầm lũi bước đi trong niềm tuyệt vọng và nỗi nhớ nhung chất ngất. Chẳng hiểu sao, trong tâm trạng đó, tôi chỉ muốn đầy đoạ thân xác tôi, đầy đoạ cuộc đời tôi chìm ngập trong giông tố bão bùng và đau đớn...
Sự thực sau này mọi chuyện diễn ra đúng như những gì tôi đã lo ngại. Sau khi ghé thăm Mẹ lần cuối vào buổi tối hôm đó, tôi ra đi, và đi mãi... suốt thời gian ngót ba chục năm trời, để rồi cuối cùng, tôi bàng hoàng đau đớn khi nghe tin Mẹ tôi vĩnh viễn giã biệt cõi đời vào một ngày cuối năm âm lịch, cách đây không lâu. Em tôi nói với tôi qua tiếng khóc nức nở, cho đến những ngày hấp hối sắp qua đời ở tuổi ngoài chín mươi, trên giường bệnh, Mẹ tôi vẫn cứ nhắc đến tôi bằng những lời thều thào ứa nước mắt, "Thằng Chí đâu rồi"! Sao nó bảo đi một lúc, mà nó đi mãi không thấy về"!..."
Khi nhận được tin Mẹ qua đời, tôi vô cùng đau đớn. Ngay buổi tối, tôi ngồi kể chuyện cuộc đời vô cùng đau khổ của Mẹ cùng những nỗi trái ngang trong tình mẫu tử giữa Mẹ và tôi cho các con của tôi nghe, để rồi tất cả mấy bố con chúng tôi cùng ôm nhau khóc... Những lời kể đầy xúc động, đứt nối trong sự nghẹn ngào của tôi, những câu hỏi ngây thơ của các con tôi, cùng những giọt nước mắt của các con và của tôi tối hôm đó đã thắt chặt hơn nữa sợi dây tình cảm thiêng liêng của tình Bà cháu, tình Mẫu tử, tình phụ tử, cùng tình yêu quê hương đất nước của các con tôi và tôi...

*

Đúng nửa đêm hôm đó, tôi đáp chuyến tàu tốc hành Hà Nội đi Hải Phòng. Cũng giống như những lần trước, tôi không mua vé và không vô ga Hà Nội bằng cổng chính. Trời khuya, tối đen như mực, cộng với mưa phùn, gió bấc lạnh như cắt da, đã giúp tôi lọt vào sân ga một cách dễ dàng. Nhờ đã có kinh nghiệm thường xuyên đi tàu trốn vé, nên tôi nhanh chóng qua mắt được nhân viên kiểm soát vé và an ninh của "cục đường sắt Việt Nam".
Tôi cũng xin nói thêm một chút ở đây để quý bạn đọc hiểu được, vì sao tôi phải trốn vé. Sau lần vượt biên lần thứ nhất, bị bắt tại Đông Hà, Quảng Trị, tôi không còn một đồng xu dính túi, và cũng không thể nhờ vả được ai. Tất cả thân nhân của tôi ở trong Nam ngoài Bắc đều vô cùng thiếu thốn. Trong Nam thì trải qua cuộc đổi đời, đổi tiền, cộng với hoàn cảnh phải nuôi chồng con trong các trại cải tạo, nên không một ai còn có đủ điều kiện giúp đỡ tôi. Thêm vào đó, khi hay tin sau 1975, tôi không chịu trốn ra ngoại quốc cùng với bằng hữu, đã vậy tôi còn ra Bắc vô Nam, nên ngay cả một số người thân yêu ruột thịt của tôi cũng nghi ngờ tôi là hồi chánh giả. Trong hoàn cảnh đó, làm sao tôi dám nhờ vả. Vì vậy, khi quyết định vượt biên bằng đường bộ từ Sàigòn đi Hà Nội, tôi chỉ có được 76 đồng bạc do một người bạn thân rút hụi trao cho. Đó là tất cả số tiền tôi có, dùng để chi tiêu cho chặng đường vượt biên mấy ngàn cây số. Ra đến Hà Nội, thấy cuộc sống muôn phần cơ cực túng thiếu của Mẹ, tôi cũng đâu dám nhờ vả. Tôi phải nói dối với Mẹ là có người bạn ở Hải Phòng giúp đỡ mọi chuyện vượt biên để Mẹ yên tâm. Trong hoàn cảnh eo hẹp tiền bạc như vậy, nếu tôi không trốn vé, thì chỉ một chiếc vé tàu Sàigòn đi Hà Nội là tôi hết tiền, lấy đâu tiền cho tôi ăn uống dọc đường.


Đề phòng có thể bị xét hỏi giấy tờ, rồi bị tịch thu bóp và bị bắt bất ngờ, tôi phải giấu số vốn 76 đồng cùng giấy tờ giả lưu không ở dưới vớ. Trong bóp, tôi chỉ để mấy hào lẻ, giấy tờ giả đang dùng, và một hai trang báo của cộng sản được gấp làm tám. Những trang báo này đều là những bản tin thời sự hay bài viết có nội dung "tích cực" thể hiện đúng đường lối chính trị của đảng cộng sản. Bỏ nó vô bóp để nếu chẳng may công an bộ đội khi xét giấy tờ, chúng có nghi ngờ bắt giữ tôi, thì những trang báo đó sẽ có công dụng gián tiếp "chứng minh" tôi là người có "lập trường cách mạng". Điều này sẽ khiến cho chúng phần nào thiếu cảnh giác. Và trong thời gian 24 tiếng đồng hồ đầu tiên kể từ khi bị bắt giữ, sự lơ là thiếu cảnh giác của chúng sẽ là điều vô cùng quý giá giúp tôi có thể trốn thoát.
Lợi ích thứ hai là những trang báo bỏ vô bóp sẽ khiến cho bóp thêm dầy. Nhờ vây, những tên công an, bộ đội một khi giữ bóp, chúng sẽ đinh ninh chúng giữ trong bóp đủ loại giấy tờ, tiền bạc, cùng cả sinh mạng của tôi. Vì thế, chúng tin là tôi sẽ không dám trốn một khi chúng đã giữ được bóp. Dĩ nhiên, khi chúng đã đinh ninh như vậy thì chúng chẳng để ý khám xét thân thể của tôi, và chúng cũng không canh gác tôi quá chặt chẽ. Khi đó, tôi sẽ lợi dụng lúc lộn xộn trong đồn công an, trong trạm gác, xin đi tiểu để trốn, hoặc nếu gặp cơ hội thuận tiện, tôi sẽ bỏ chạy ngay trước mắt bọn chúng.
Có điều khi đáp chuyến tàu tốc hành từ Hà Nội đi Hải Phòng tôi gặp một khó khăn bất ngờ. Trước đây, khi đáp các chuyến tàu chợ từ Sàigòn ra Hà Nội, tôi đã đi theo kiểu sâu đo từ Sàigòn ra Đà Nẵng, rồi ra Huế, Vinh, Nam Định, và cuối cùng là Hà Nội. Những chuyền tàu chợ đó bao giờ cũng đông đặc khách buôn thúng bán bưng, ngồi chật ních các toa, nên việc kiểm soát vé vô cùng khó khăn. Trái lại, tàu tốc hành thì lại ít khách, nên việc kiểm xoát vé rất chặt chẽ. Thêm vào đó, tàu tốc hành không dừng lại các ga xép, nên việc nhảy lên nhảy xuống để lánh mặt nhân viên xoát vé là chuyện không tưởng.
Đặc biệt, nhân viên soát vé tàu tốc hành bao giờ cũng đi hai người. Một người thuộc "cục đường sắt". Một người thuộc "cục công an đường sắt". Qua quan sát tôi thấy, ngay cả một số người có vé xe lửa đàng hoàng, cũng bị tên công an hỏi giấy tờ. Điều đáng lo hơn là sau mỗi lần tàu dừng lại ở ga chính để đón khách mới lên, việc soát vé ở các toa lại tái diễn rất kỹ lưỡng.
Sau mấy lần suýt bị nhân viên soát vé chộp được, tôi phải lùi dần đến mấy toa nằm hạng nhất. Trong lòng đang lo lắng, không biết còn phải lùi đến đâu trước khi bị bắt, thì tình cờ tôi trông thấy mấy người ở toa nằm hạng nhất đang đứng ngoài hành lang nói chuyện, hút thuốc, cãi lộn cười đùa ầm ĩ. Điều lạ lùng là khi nhân viên soát vé cùng tên công an đi qua những toa nằm, chúng đều không hề hỏi vé những hành khách ở các toa nằm, và những người ở toa nằm cũng thản nhiên không thèm để ý gì đến nhân viên soát vé và tên công an...
Sau một hồi quan sát tôi hiểu tại sao. Thì ra, ở những quốc gia tự do, những người đi tàu tốc hành mà ở toa nằm có thể là những người giầu có. Nhưng trong xã hội cộng sản vào thời điểm lúc bấy giờ, những người ở toa nằm đều là những người có vai vế thế lực trong xã hội. Dù cho họ có giầu có đi nữa, thì sự giầu có đó cũng phát xuất từ thế lực chính trị. Vì vậy, nhân viên soát vé và công an không bao giờ để ý đến việc xoát vé và hỏi giấy tờ những người ở toa nằm.
Biết được như vậy, tôi nhanh chóng đi dọc theo hành lang của mấy toa nằm để kiếm người làm quen, tán gẫu. Gặp hai người đầu, tôi chỉ lân la hỏi chuyện để biết được số toa, loại giường nằm, giá vé... Nhờ những dữ kiện này, khi gặp người thứ ba tên Quốc, là một cán bộ lương thực đi từ Hà Nội đến Hải Phòng, tôi dễ dàng đóng vai một hành khách cũng đi tàu loại toa nằm, nhưng ở một toa nằm khác, đi dạo chơi và tình cờ gặp Quốc trò chuyện làm quen.
Quốc còn rất trẻ, xấp xỉ tuổi tôi, nhưng nhờ ông bố là uỷ viên đảng uỷ phòng lương thực Hà Nội, nên anh nhanh chóng được cất nhắc lên địa vị then chốt. Gia đình vợ của Quốc ở Hải Phòng, nên anh thường xuyên đi lại để mang lương thực anh "chôm chĩa" được về "tiếp tế" cho gia đình vợ.
Sau vài câu chuyện làm quen, tôi khéo léo lái sang đề tài truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Quả nhiên, chỉ trong thời gian ngắn ngủi không đầy năm phút đồng hồ, Quốc bị cuốn hút vào câu truyện... Thì ra Quốc cũng là một người mê đọc truyện kiếm hiệp. Nhưng vì lúc đó, tất cả sách vở ở Miền Nam đều bị chụp cho cái mũ là "văn hoá đồi truỵ" và bị thiêu huỷ, nên truyện kiếm hiệp được đưa về Bắc rất lén lút, ít ỏi và thường là không đủ bộ. Tuy là cán bộ lương thực, một nghề ngon lành nhất trong chế độ cộng sản, Quốc tốn kém rất nhiều tiền bạc, "tem phiếu" để mua chác, đánh đổi hoặc mượn những bộ truyện kiếm hiệp về coi, nhưng không bao giờ được đọc đủ bộ. Một người mê kiếm hiệp mà đọc không đủ bộ thì đủ biết người đó ấm ức đến như thế nào. Vì vậy, sau khi hỏi tôi mấy câu, nghe tôi trả lời đâu vào đấy, Quốc khoái quá, đưa hai tay cầm lấy tay tôi lắc lấy lắc để và reo lên:
- Thú quá, thú quá. Anh đúng là ông bạn vàng của tôi. Tôi vẫn ước ao vào Nam một chuyến để lùng kiếm bằng được mấy chục bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung rồi về nhà xin nghỉ hưu, để đọc truyện cho đã...
Nghe anh nói "mấy chục bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung", tôi biết ngay anh hiểu rất lơ mơ về những pho kiếm hiệp mà Kim Dung đã trước tác nên đinh ninh cả những tác phẩm "hậu Kim Dung", "nguỵ Kim Dung" cũng là của Kim Dung. Tôi liền thong thả giải thích cho anh hiểu, truyện kiếm hiệp của Kim Dung không phải là mấy chục bộ, mà ông chỉ sáng tác có 14 bộ cộng với truyện Việt Nữ Kiếm sáng tác đầu tiên không kể. Sau này nhà văn Nghê Khuông lấy tên đầu của mỗi bộ hợp lại thành hai câu thơ "Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc. Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên". Tôi cũng nêu tên từng bộ kiếm hiệp theo thứ tự của hai câu thơ.... Anh nghe thích quá, vội kéo tôi vô trong toa của anh, lấy nước trà, bánh kẹo mời tôi rất trịnh trọng, rồi vội lấy giấy bút, ghi chép cẩn thật tên từng tác phẩm. Chép xong, anh đưa cho tôi coi lại cẩn thận. Anh hí hửng nói:
- Trong số 14 bộ này, tôi chỉ mới đọc được có ba bộ là Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ và Anh Hùng Xạ Điêu. Mà cả ba bộ này tôi cũng chỉ đọc lõm bõm một vài tập, chẳng bộ nào đủ cả. Đọc lõm bõm vậy mà tôi đã thấy thật là hay, thật là tuyệt vời. Càng đọc tôi càng thấy tụi "nguỵ" ở Miền Nam chúng nó sướng thật. Chỉ nguyên cái khoản được đọc truyện kiếm hiệp thôi, chúng cũng sướng gấp vạn mình đứt đuôi nòng nọc rồi, đừng nói đến những thứ khác. Giá mà ngày xưa tôi biết ở Miền Nam có truyện kiếm hiệp hay như vầy thì tôi đã theo ông chú vượt tuyến vô Nam theo "nguỵ" rồi...
Nói chuyện với anh, tôi cũng rất ngạc nhiên và buồn cười khi anh nói trong ba bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung mà anh đã đọc, anh khoái nhất nhân vật Điền Bá Quang. Vì anh đọc lõm bõm, hiểu biết chắp vá, nên tôi phải kể cho anh nghe về nhân vật quái kiệt  Khoái Đao Điền Bá Quang có biệt danh "Giang Dương Đại Đạo, Vạn Lý Độc Hành, Thái Hoa Dâm Tặc" này. Câu chuyện của tôi khiến cả mấy người cùng toa với anh đều nhỏm dậy say sưa nghe, quên cả ngủ... Và quả nhiên, trong suốt chặng đường từ Hà Nội đi Hải Phòng, nhân viên soát vé và công an tuy đi qua toa nằm nơi chúng tôi trò chuyện nhiều lần, nhưng không một lần nào dừng lại hỏi vé và giấy tờ của tôi. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.