Hôm nay,  

Công Ty Thực Phẩm Tây Hồ: Nhà Máy Đầu Tiên Của Người Việt Đất Mỹ Trong Ngành Sản Xuất Fast Food Và Thực Phẩm Đóng Hộp

01/12/200900:00:00(Xem: 19116)

CÔNG TY THỰC PHẨM TÂY HỒ: NHÀ MÁY ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT ĐẤT MỸ TRONG NGÀNH SẢN XUẤT FAST FOOD VÀ THỰC PHẨM ĐÓNG HỘP

sản phẩm mì Fu Chang và Phở Bò ăn liền


Người Việt ở Little Saigon  chắc hẳn ai cũng biết đến các tiệm Bánh Cuốn Tây Hồ. Bà con cũng đã làm quen thêm với cái tên Công Ty Thực Phẩm Tây Hồ, công ty sản xuất và phân phối các loại thức ăn nhanh, thực phẩm đóng lon cho cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ. Và ai chắc cũng đã từng đi chợ Sài Gòn City ở ngã tư Brookhurst-Mac Fadden.
Ít có người biết rằng ba doanh nghiệp này đều xuất phát từ cùng một doanh nhân, Ông Chiêu Nguyễn, chủ nhân của tiệm Bánh Cuốn Tây Hồ đầu tiên ở Quận Cam cách đây đã gần 30 năm. Hiện nay,  Công Ty Thực Phẩm Tây Hồ được điều hành bởi anh Dũng Nguyễn, con trai của người đã sáng lập ra công ty. Sự chuyển giao giữa hai thế hệ doanh nhân này của người Việt ở Mỹ có vẻ trôi chảy và thành công. Tôi đã gặp anh Dũng  để nói chuyện với anh về con đường hình thành và phát triển các ngành kinh doanh của Công Ty Thực Phẩm Tây Hồ…
 Có thể nói rằng Bánh Cuốn Tây Hồ gần như đồng thời với thời gian bắt đầu hình thành cộng đồng Người Việt Quận Cam. Vào năm 1983, Tiệm Bánh Cuốn Tây Hồ I ra đời, nằm ở ngã tư Fairview-First, thuộc thành phố Santa Ana, cạnh khu chợ Viễn Đông. Tiệm lúc nào cũng đông khách vì bánh cuốn là một món ăn cũng gắn liền với thói quen ăn uống của người dân Việt, chắc chỉ chịu thua kém phở. Năm 1986 việc xây dựng khu Phước Lộc Thọ đánh dấu cột mốc người Việt tị nạn quyết định “dời  đô” về thành phố Westminster, bắt đầu hình thành khu Little Saigon ngày nay của riêng mình. Tiệm Bánh Cuốn Tây Hồ II cũng đã có mặt ngay sát bên, và còn khai trương trước cả khu Phước Lộc Thọ. Bây giờ thương hiệu Bánh Cuốn Tây Hồ đã có mặt khá nhiều thành phố trên nước Mỹ, những nơi có đông Người Việt mình sinh sống.
Bước mở rộng kinh doanh kế tiếp của công ty phát sinh từ một liên hệ thực tế rất đơn giản: bánh cuốn thì luôn luôn đi với chả lụa. Để bảo đảm được chất lượng của thương hiệu Bánh Cuốn Tây Hồ, công ty phải sản xuất để kiểm sóat được chất lượng của sản phẩm này. Năm 1985, công ty Giò Chả Tây Hồ ra đời  để cung cấp giò chả cho các tiệm bánh cuốn, đồng thời bán ra bên ngoài cho người tiêu thụ. Đã làm được giò chả, thì làm được bò viên. Năm 1988, sản phẩm bò viên của công ty bắt đầu cung cấp cho các hiệu Phở Hòa, Phở 54, phân phối đi  khắp các tiểu bang có Người Việt sinh sống. Nói thì dễ, chứ thực hiện thì khó, vì người Việt mình rất sành ăn. Công ty Tây Hồ phải đáp ứng được cả yêu cầu về khẩu vị của người tiêu dùng lẫn tiêu chuẩn vệ sinh an tòan rất nghiêm ngặt của USDA đối với thực phẩm được bán tại Hoa Kỳ. Người Việt ăn chả lụa và bò viên thì phải dai mới là ngon. Cách đơn giản nhất để có độ dai cho bò viên và chả là sử dụng hàn the, một hóa chất có hại cho cơ thể con người mà nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng trong thực phẩm. Nhớ lại cách đây chừng chục năm, người dân ở trong nước Việt Nam hỏang hốt khi báo chí công bố kết quả kiểm tra của các Sở Y Tế cho thấy 80% giò chả bày bán ở nhiều của hàng nổi tiếng tại Sài Gòn, Hà Nội đều sử dụng quá nhiều hàn the! Người dân đã từng quay lưng lại với món ăn truyền thống này. Sau đó, tiệm nào muốn bán được hàng đều phải có giấy chứng nhận “không có sử dụng hàn the” như là một chiến lược marketing mới. Anh Dũng cho biết nguyên tắc để giò chả và bò viên có vị dai là thịt phải tươi. Với kỹ thuật điện lạnh tối tân tại Mỹ, thịt được chế biến và bảo quản trong nhiệt độ lạnh thích hợp, nên giữ được độ tươi lâu. Đó là lý do tại sao giò chả và bò viên của Tây Hồ ăn vẫn ngon mà không cần sử dụng thêm hóa chất, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an tòan cho người tiêu dùng hơn nếu so với sản phẩm trong nước Việt Nam. Anh Dũng còn nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi sản xuất với ý thức rằng chính chúng tôi, gia đình, bạn bè, họ hàng chúng tôi cũng là người tiêu thụ, cho nên tiêu chuẩn về vệ sinh, sức khỏe là yếu tố hàng đầu…”.   Với phương châm: “kỹ thuật Mỹ- hương vị Việt”, Công Ty Tây Hồ đã tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm để phục vụ cộng đồng người Việt ở Mỹ: giò chả, da bì, dồi heo, nem nướng, dồi xả chiên… trong suốt 20 năm qua.


Năm 2006 đánh dấu thêm một bước phát triển mới của công ty Tây Hồ. Đó là việc ra đời của công ty USA Canning Food, chuyên sản xuất đồ hộp, thức ăn nhanh, với mục tiêu phục vụ cho bữa ăn nhanh theo khẩu vị Việt Nam ngon hơn, thuận tiện hơn. Thí dụ như mì ăn liền Fu Chang, ngoài phần mì gói và gia vị thông thường, còn có thêm gói thịt bò, heo, gà để tô mì ăn liền thành một bữa ăn hòan chỉnh hơn, đủ chất dinh dưỡng. Tương tự là phở ăn liền Tây Hồ với hai loại bò và gà.
Sản phẩm đồ hộp công ty đã có bán hai loại: sản phẩm nước súp gà và nước cốt phở bò trong lon hiệu New Choice. Cũng là nước súp gà 100% từ việc hầm gà lấy nước cốt, sản phẩm chicken brooth New Choice có hương vị hợp với khẩu vị của Người Việt hơn là các sản phẩm tương tự của Mỹ hoặc Thái Lan, rất thích hợp để nấu nhanh cơm gà, nước dùng cho bún thang, phở gà… Sự tiện ích tương tự cũng tìm thấy ở sản phẩm nước cốt phở bò. Chỉ cần một lon nước cốt phở bò, một ít thịt tái, một ít bánh phở, ai cũng có thể tự nấu một tô phở tái ngon lành ngay tại nhà, chế biến chỉ trong vòng vài phút, khỏi phải đi ra tiệm. Do vậy, dù chỉ mới có mặt trên thị trường vài năm, các sản phẩm New Choice đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ đây đến năm 2010, công ty sẽ tiếp tục thử nghiệm để cho ra đời các món ăn đóng lon mới như: cà ri gà, thịt kho, ra gu, mắm kho, mắm chưng…
Theo anh Dũng, định hướng phát triển trong tương lai của Công Ty Thực Phẩm Tây Hồ tiếp tục vẫn là các sản phẩm phục vụ cho bữa ăn của cộng đồng Người Việt ở Mỹ. Công ty đã phát triển bền vững và ổn định  suốt gần 30 năm qua vẫn theo con đường này, và đây là nhà máy đầu tiên của Người Việt Đất Mỹ trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đóng gói và fast food. Bí quyết của sự thành công"  Anh Dũng nghĩ rằng sản phẩm của công ty được thị trường chấp nhận rộng rãi là do công ty đặt yếu tố vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, kế đến mới là khẩu vị. Bên cạnh đó, việc quản lý theo đúng kiểu cách kinh doanh của người Mỹ giúp cho công ty có chiến lược phát triển lâu dài trên đất Mỹ. Kiểu làm ăn nhỏ, dựa trên cảm tính của người Việt ngày xưa không còn thích hợp ở chốn thương trường cạnh tranh khốc liệt ngày hôm nay. Thế hệ trẻ của cộng đồng chúng ta đã và đang bắt đầu thay đổi phong cách kinh doanh của thế hệ đi trước để có thể đi xa hơn. Bản thân anh Dũng, để có thể kế tục được sự nghiệp của cha mình để lại, cũng phải có đủ trình độ học vấn, phải bắt đầu từ gian khó như bao doanh nhân khởi nghiệp. Từ năm 1986, anh cũng đã từng làm bồi bàn, rửa chén ở các Tiệm Bánh Cuốn Tây Hồ, đi bắt ống nước cho nhà máy của công ty. Đến ngày hôm nay, ít có người nắm vững mọi ngõ ngách trong sản xuất, kinh doanh của Công Ty Thực Phẩm Tây Hồ bằng chính anh. Sự chuyển giao giữa hai thế hệ nhờ vậy mà thành công. Dù đã tồn tại gần 30 năm, những người đã khai sinh ra Công Ty Thực Phẩm Tây Hồ vẫn có thể tin rằng sự phát triển của công ty mình sẽ còn lâu dài hơn thế nữa trong vài chục năm tới…
An Nhiên


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.