Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

23/10/200700:00:00(Xem: 3252)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Trong lúc đi đổ bô cũng như lúc lấy cơm, trả bát, tôi đều phải cuốn trong người, bởi vì bất chợt cán bộ hay vào ngó buồng, đôi khi lục tung chăn chiếu khám xét, khi mình còn ở trong buồng tắm. Lúc bện thừng, tôi thường phải làm trong chăn, hoặc ngồi thế gập chân lên cùm, rồi quay phía trong sát góc, từ chỗ cửa con nhìn vào không thể nhìn thấy. Cửa con thường bất chợt mở chẳng có một quy luật nào. Hoặc, cán bộ có thể đứng bên ngoài rình nhìn vào mà không cần mở cửa con, theo một cái khe phía trên cửa nhỏ, để quan sát theo dõi được nửa buồng. Vì chưa quen đánh thừng, sau nhiều lần rút kinh nghiệm, cuối cùng, tôi đã có một chiếc dây dài 1 mét 40 phân, đánh loại thừng 3 sợi vặn rất săn, đường kính chừng 2 phân rưỡi, rất nhẵn nhụi bền chắc. Tôi luôn quấn trong người để hễ có thời cơ là thực hiện tiếp kế hoạch.
Trong thời gian này, có hai lần gọi tôi đi cung. Cũng truy hỏi, cũng dọa nạt, cũng nhử mồi. Nếu những tên chấp pháp tinh ý, sẽ thấy tôi không còn những nét lo âu, sợ sệt, hoặc băn khoăn đấu trí như mọi khi, và nếu chúng sờ vào bụng tôi, sẽ thấy một cái dây to tướng đang được quấn chặt ở trong quần.
Tôi còn gần một bao diêm, từ ngày nào Hà Tĩnh lấy đồ chôn, tên Thành mua cho, tôi vẫn giữ, hàng ngày tôi vẫn thỉnh thoảng lấy ra nhìn nhãn hiệu trên bao diêm, hình một anh công nhân đang cầm búa giơ lên cao, chẳng biết sẽ… nện vào cái gì" Tôi cũng thường lấy ra nhìn chiếc lược và bó tăm, trong đó vẫn còn “lõi” chì mật. Bây giờ, tâm tư của tôi lúc nào cũng như sắp giã từ cõi đời này. Tôi nhìn bất kỳ một cái gì cũng với ánh mắt vĩnh biệt, từ cái chăn, chiếc chiếu, cho đến đôi dép Thái Lan đã mòn, đứt một quai, cả chiếc lược sừng con duy nhất còn lại, khi còn ở Sài Gòn. Tôi cứ thường lấy những que diêm ra xếp thành chữ trên sàn: “DDặng Chí Bình chi mộ!” trong một cái khung hình chữ nhật cũng bằng que diêm, như mộ bia, rồi ngồi nhìn những chữ đó hàng giờ, với bao nhiêu nỗi đầy vơi của kiếp người.
Trong cái tắc tị của tinh thần, tôi suy nghĩ đến thuyết luân hồi của nhà Phật. Tôi nhắm mắt, hình dung mơ màng, khi tôi chết đi, kiếp sau biết đâu tôi chẳng là vị tướng tài ba chỉ huy một đoàn quân hàng chục vạn người, đập tan lũ cộng thù, giải phóng đồng bào miền Bắc mà kiếp này, tôi đã không làm được. Hoặc biết đâu, tôi lại đầu thai làm con, của một trong lũ Bộ Chính Trị miền Bắc, lớn lên, chính tôi sẽ là người đào mồ chôn cái chế độ, gọi là xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Nếu tôi đầu thai là một phụ nữ, tôi sẽ là một cô gái hiền dịu, tôi sẽ khôn khéo đem cái sắc đẹp của tôi để phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân, góp phần tiêu diệt lũ cộng thù của dân tộc. Nếu không, ít ra tôi cũng có một lập trường rõ ràng, là chỉ yêu và lấy những ai một lòng thực sự vì dân vì nước, trong lúc quê hương dân tộc đang hồi lầm than nghiêng ngửa như lúc này. Chứ, dứt khoát tôi không lấy những loại chỉ suốt đời lao vào công việc, cũng như học hành, đạt những bằng cấp cao để cốt vinh thân phì gia, quên hết cả giống nòi. Loại này, nói đến quê hương, Tổ Quốc, chỉ nói ở cái lỗ miệng, còn thực tế lại chỉ lo tranh giành địa vị, nấp dưới những bình thường này nọ để xui người khác ăn cứt gà. Những loại đó, đừng hòng! Bởi vì, chính thái độ của người phụ nữ có tác dụng huyền diệu giáo dục và nâng cao tinh thần của nam nhi rất nhiều. Ngược lại, cũng do thái độ của nữ giới đã làm hư hỏng biết bao nhiêu người trai. Họ chỉ biết lăn xả vào tìm tiền và danh vọng để phục vụ… phụ nữ.
Tôi cứ hình dung, tưởng tượng, đặt giả thuyết là tất cả những người Việt Nam thân yêu của chúng ta, từ gia đình đến học đường, cho đến ngoài xã hội, ngoài những vấn đề giáo dục học vấn, phải hun đúc những người thanh niên thấy rõ trách nhiệm với quê hương dân tộc, nhất là khi đất nước gặp cảnh lâm nguy, lầm than… và, riêng với nữ giới, ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình cũng như trong học đường, đã được giáo dục uốn nắn, khích lệ để được trang bị một quan điểm, lập trường là chỉ yêu và lập gia đình với những thanh niên có lòng vì dân vì nước thực sự, đồng thời, phải biết khinh bỉ chán ghét những người thanh niên nào chỉ nghĩ đến mình, đến địa vị, đến phú quý giầu sang, dù quê hương tan tành, dù dân tộc có rên xiết thê lương. Mặt khác, ngoài xã hội, từ báo chí đến các phương tiện tuyên truyền, cũng như quan niệm trong quần chúng, bằng mọi khía cạnh, phải đề cao cổ vũ những người phụ nữ nào đó những hành động cao đẹp ấy, nêu lên những tấm gương chói sáng cụ thể bằng người thực, việc thực,v.v… một cách đích đáng. Nếu được như vậy, tôi dám hy vọng rằng, chỉ trong một hay hai thế hệ là cùng, lúc đó thanh niên Việt Nam sẽ không thiếu gì người tài, không thiếu gì người lăn xả vào hiểm nguy khi vận nước gặp hồi nước sôi, lửa bỏng; và ngày mai của dân tộc ta, sẽ không thiếu những gương anh dũng, quyết tử vì Tổ Quốc như Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, Hoàng Thụy Năm, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ v.v… Thế giới lúc đó, khi nói đến Việt Nam, sẽ phải nói với thái độ như nói tới nước Nhật hay Do Thái vậy.
Hầu hết thế giới và chúng ta, khi nói tới dân tộc Nhật, thường chỉ chú ý tới tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật là sẵn sàng chết cho quê hương, mà quên là người con gái Nhật đã góp phần chủ yếu để cho nhân dân Nhật có nét tự hào đó. Chúng ta, ai cũng thấy rất đơn giản là, một người vợ miệt mài ra sức làm cho người chồng một bữa ăn ngon, nếu người chồng biết ca ngợi, đề cao đích đáng, hãy tin đi, sẽ có và còn nhiều bữa ăn như thế, hoặc hơn thế nữa. Ngược lại, người chồng lại thờ ơ, không có một thái độ, hay một lời nói để khen ngợi bữa ăn đó, lần sau it khi có; nếu còn có, người làm cũng chỉ vì ở cái thế bắt buộc mà thôi…..
Óc tôi cứ chảy dài theo dòng suy tưởng vào một giấc mơ. Giấc mơ ấy, có lẽ cuối cùng cũng vẫn chỉ là… một giấc mơ!
Thân tôi hèn, chí tôi thiển; hơn nữa, vì hoàn cảnh bất hạnh đau thương của tôi, tôi đang muốn tìm đến cái chết để lìa bỏ cõi đời này. Chỉ mai kia, tôi đã về với cát bụi mây ngàn. Trước khi trở về lòng đất mẹ, tôi chỉ biết kêu gọi những bậc Cha Anh, những nhân vật lỗi lạc, những người giầu có, người góp công, người góp của, cùng chung một mục đích để làm những việc này một cách tận tâm, tận lực, lăn xả cho mục đích, giấc mơ đó sẽ hiện thực được, và sẽ trở thành truyền thống yêu nước quên mình của quảng đại nhân Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Khi đó, hẳn là tôi không còn trên cõi đời này, nhưng, những uất khí không còn trong bộ xương nữa.
Tôi mở mắt ra, như bừng tỉnh một cơn mê để trở về với thực tại. Tôi xoay lại thế ngồi, nhìn lên cửa sổ phía sau, từ mặt sàn xi măng đến mép dưới của cửa sổ cao độ 1 mét 50 phân. Bức tường dày 50 phân. Một hàng song sắt to tướng ở giữa, ngăn đôi cái độ dày của bức tường, phía trong 15 phân, phía ngoài 35 phân. Một lượt lưới thép ép sát phía trong song sắt. Lưỡi thép đan thành những lỗ hở vuông mỗi bề 3 phân.
Tôi xoay lại thế ngồi khác để nhìn cái chân trong cùm. Vì muốn tạo điều kiện cho kế hoạch ngày tới, từ hàng nửa tháng trước, tôi đã lấy cái quần đùi rách, quấn chân tôi thành một cục như một cái tổ. Mỗi lần mở cùm thay chân, tôi chỉ việc rút ra rồi lại đút chân kia vào. Cá biệt, có tên cán bộ cẩn thận, trước khi đóng chốt cùm, còn vào nhìn kỹ, khi trông rõ cái chân tôi nằm trong cùm rồi, mới chịu ra đóng chốt, và đóng cửa.

Bốn mươi hai: Chạm Mặt Tử Thần

Chờ mãi rồi thời cơ cũng đến. Hôm ấy là Chủ Nhật. Chiến, cán bộ trực xà lim nghỉ, một cán bộ khác vào thay thế trực ngày Chủ Nhật. Thực là trời giúp để tôi thực hiện được kế hoạch. Gần 8 giờ, tôi nghe tiếng mở cổng xà lim, tiếng chân nhè nhẹ và tiếng chùm chìa khóa lọc xọc. Khi vào tới bàn trực, tiếng xô ghế, rút ngăn kéo bàn, rồi đóng lại, tiếng ném chùm chìa khóa lên bàn, tiếng khì khì thở lúc nặng, lúc nhẹ. Không sai vào đâu nữa, đúng lão Kim già rồi!
Lão này, phần vì già phải đeo kính trắng, mắt nhìn tơ lơ mơ; nhưng phần chính, so với các tên công an khác, lại tương đối dễ tính. Có lần, y trông thấy một người đứng lên sàn nhìn ngoài, lại chỉ mắng và giáo dục mấy câu chứ không cùm. Cũng vì thế, hôm nào lão trực, hết buồng này báo cáo hỏi cái này, lại tới buồng kia hỏi cái khác, xà lim hôm ấy có vẻ rộn ràng hẳn lên. Lại còn điều này cũng rất đặc biệt, khác hẳn với những tên công an ác ôn kia, trước khi mở cửa cho các buồng ra đổ bô, lão đi mở cửa con suốt một lượt, thấy buồng nào bị cùm là cúi xuống rút chốt cùm ngay. Rồi cho tới khi tù ra đổ bô, lấy cơm ăn, xong lúc trả bát vô, bấy giờ lão mới cùm lại. Buổi chiều cũng như vậy.
Tôi suy nghĩ mãi vẫn chưa hiểu vì sao lão có lòng rộng rãi với người tù như thế. Có thể lão đã già rồi, trông lão phải hơn 60 tuổi; đầu lão tóc đã bạc hơn một nửa, mà lão chỉ có cái lon Thượng sĩ. Lão sắp sửa xuống lỗ, trong tâm tư chắc lão muốn có chút phúc đức để khi chết được thanh thản. Phần khác, theo tên Tân nói, lão là cán bộ lưu dụng, đã là cai tù ở Hỏa Lò. Vì thế, thời 1954 trở về nước, cũng có thể khi ấy, những tên Cộng Sản bị tù mua chuộc và lợi dụng lão, rồi kết nạp lão vào tổ chức. Như vậy, lão đã có nhiều thời gian sinh hoạt, giao tế trong quỹ đao quốc gia, đã thấy được lẽ thiện ác, ân oán ở đời. Bây giờ, 10 năm sau, cũng vẫn… coi tù, thực tế cũng vẫn là anh cai tù. Hơn nữa, hẳn phần nào lão đã thấy được thực chất cái chế độ mà trước đây lão tưởng bở. Cho nên, cuối cùng lão tự hiểu là trong đời: Ở hiền gặp lành; càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều. Dầu sao, đây cũng chỉ là sự suy đoán của tôi về lão, trong khi thiếu cơ sở cụ thể, vì vậy, chưa hẳn đã là đúng.


Cửa mở, đến lượt buồng tôi đi đổ bô. Tôi ôm bô vào nhà tắm, thoáng nhìn bộ mặt lão, lòng tôi dâng lên một mối băn khoăn. Hôm nay, tôi sẽ phải lợi dụng cặp mắt kém và tính tốt của lão. Nếu thực hiện được mục đích của mình, lão sẽ phải bị kiểm thảo tơi bời, có khi còn bị kỷ luật hoặc hạ từng công tác nữa. Lương tâm tôi áy náy, thấp thỏm. Nhưng, tên cán bộ Chiến, trực chính xà lim, đầy khôn ngoan, quỷ quái, xem chừng tôi không thể lừa y được. Còn tên Điền, phụ trách việc nhận quà tiếp tế của thân nhân tù, và tên Bằng “mắt lồi” vẫn không kém phần tinh quái. Chỉ còn có lão Kim già này thôi. Đành vậy! Chẳng lẽ chỉ vì những suy nghĩ về lương tâm vụn vặt “tiểu tư sản” đó, lại bỏ cả mục đích của mình sao"
Vì thế, ngay từ lúc trưa, tôi lấy chiếc ba lô vẫn gối đầu, gấp cuốn lại thành một đoạn dài, thay cho khúc chân từ đầu gối xuống cổ chân. Buổi chiều, khi lão Kim đến rút cùm cho tù nhân đi đổ bô lấy cơm. Trong khi chờ đến lượt buồng mình, tôi tập thử mấy động tác cho thực nhanh, nhuần nhuyễn, hầu như chỉ trong một phút; cởi quần, co một chân vào sát mông, mặc quần, ngồi ngay vào sàn. Lấy cái ba lô đã buộc sẵn, đút vào chỗ ống quần không có chân, để nối với cái túi vẫn đút bàn chân mọi khi. Làm đi làm lại hai, ba lần cho thuần thục.
Từ sáng, tôi đã để ý khi lão mở một buồng nào cho ra trả bát, múc nước (ở thùng nước đặt tại mé hè chỗ bàn trực) lão thường ra theo, ngồi vào bàn, có khi cầm chùm chìa khóa đập chơi xuống bàn, có khi mở sổ trực ra nhìn. Dáng điệu chậm chạp, cho tới khi tù cầm gáo nước đi vào buồng, bấy giờ từ bàn lão mới đứng dậy, đi theo vào đóng và khóa cửa. Thời gian từ bàn lão đi theo tới cửa buồng khoảng hơn một phút. Thừa sức để tôi làm những động tác đã thực tập.
Gần 4 giờ chiều, đến giờ lão mở các buồng cho trả bát, tôi cũng hơi hồi hộp. Lão mở buồng số 1. Chẳng hiểu buồng số 1 báo cáo hỏi lão cái gì, một lúc lâu đến 5 phút, lão mới đóng cửa cài then và khóa. Buồng số 2 từ hôm tôi đến không thấy mở cửa bao giờ, vậy là không có người. Rồi cửa buồng tôi mở. Tôi lấy dáng đi chậm chạp. Lúc đặt bát cũng như khi múc nước, tôi liếc nhanh, thấy lão ngồi vào bàn, rút ngăn kéo đang lục tìm cái gì.
Tôi trở vào buồng. Hơi căng thẳng, tôi làm rất lẹ, trong khi tai vểnh lên nghe tiếng bước chân lão. Tôi vừa hoàn thành xong, và lấy cái chăn khoác lên người thì bước chân lão đi vào. Khi tới buồng tôi, lão thò cổ vào buồng nhìn tôi một lúc, rồi nhìn chân tôi. Tim tôi hơi thắt lại. Tại sao lão lại nhìn tôi lạ lùng thế" Tôi vẫn ngồi yên như vậy, chờ cho lão mở hết các buồng. Rồi đợi đến 5 giờ, một tên cán bộ khác đến nhận thay “ca”, đi mở các cửa con kiểm tra. Mãi đến 6 giờ, xà lim mới trở về yên tĩnh, vắng lặng. Từ chiều, bao nhiêu tâm tư, trí có mải tập trung để thực hiện xong bước đầu của kế hoạch, bây giờ tôi như mới hoàn hồn, trở về với nỗi đầy vơi của kẻ sắp giã từ cõi đời.
Tôi ngồi gục đầu rũ rượi, ngụp lặn trong một trời khổ đau, uất hận. Óc tôi cứ bập bềnh nổi trôi trên giòng sông thê lương. Trước đây, tôi từng nghe nói đến những người chán đời tự tử, mỗi người mỗi tình huống khác nhau. Còn tôi, tôi vẫn tha thiết với cuộc đời, tôi không chán đời, lòng tôi vẫn khao khát với cuộc sống con người. Nhưng, chỉ vì một cái thế, điều kiện hoàn cảnh đã dồn tôi đến chỗ phải xa lìa cuộc sống. Yêu thương đời tha thiết, mà phải xa lìa! Một nỗi đau dầy vò, cấu xé dâng lên đè tôi gục xuống sàn, lịm dần vào đêm thâu… để chờ giờ khởi sự.
Đêm khuya im vắng, thỉnh thoảng một tiếng rên rỉ vọng lên từ một buồng nào đó. Đôi khi một tiếng rú giật lên, dài lê thê vang vào đêm trường của một ai đó, chắc trong một cơn ác mộng hãi hùng.
Lúc này, chắc hẳn 1, 2 giờ khuya, có tiếng bước chân lạo xạo bên ngoài, phía sau xà lim. Có lẽ là tiếng bước chân của một tên công an vũ trang đi tuần tra. Tôi bò dậy, cởi cuộn thừng, tôi vận cuốn chung quanh bụng ra, giấu dưới chân. Tôi tìm bó tăm, cởi ra, lấy sợi ny lông “chì mật”. Tôi muốn mẩu “chì mật” này sẽ theo tôi về lòng đất, vì thế, tôi đút sâu vào hậu môn. Tôi đang loay hoay đút mẩu “chì mật” thì thoáng nghe có tiếng bước chân, động lá khô ngoài sân xà lim, tôi vội vàng nằm xuống, lấy chăn đắp che kín cả người, cả cùm, chỉ để hở cái mặt. Một lúc, cửa sổ nhỏ bật mở. Như vật là một tên cán bộ đến thay “ca” trực. Cứ hai tiếng một “ca”.
Tôi lại bò dậy, lấy cuộn dây dưới chăn ra. Trước hết, tôi thắt chặt nút một đầu dây, rồi lại buộc thành một nút tuột thòng lọng. Vừa buộc, tôi vừa nhìn lên hàng song sắt ở cửa sổ là một mét rưỡi. Từ mặt sàn xuống đến nền nhà là 60 phân. Như vậy, từ mép dưới của cửa sổ xuống tới mặt nền là 2m10. Tôi hiểu, thường thường người ta muốn thắt cổ tự tử, phải làm sao khi đã thắt rồi, dù muốn cởi ra cũng không được nữa. Bởi vì, con người ai cũng thế, khi sắp tắt thở, do phản xạ tự nhiên, không còn theo ý định của mình nữa, sẽ tìm mọi cách để thở. Như vậy, việc thắt cổ ấy sẽ khó thực hiện được, nếu tôi đứng trên sàn, buộc dây lên song cửa sổ, rồi đạp chân cho người treo lủng lẳng xuống nền nhà, lúc đau đớn vì không thở được, tôi sẽ vùng vẫy với hai tay lên mép cửa sổ, để kéo người lên; hoặc dạng hai chân ra để đứng vào hai sàn bên, làm sao chết được. Vì thế, tôi phải trèo lên mép cửa sổ, rồi thắt theo lối chuyên môn đặc biệt do nghề nghiệp dạy cho, mới hy vọng… chết được!
Trong lúc lúi húi buộc dây, tôi nhìn sợi dây oan nghiệp sẽ kết liễu đời mình. Một niềm xúc động tự nhiên trào vào lòng. Hình ảnh mẹ tôi hiện ra nhìn tôi đăm đăm. Rồi hình ảnh bố tôi, các em tôi. Tôi nghĩ đến Cục Tình Báo miền Nam. Nghĩ đến miền Nam thân yêu cách xa vời vợi… Tôi khóc. Không phải vì tôi sợ chết (chứng tỏ tôi đang tìm đến với tử thần). Cũng không phải tôi tiếc thương cõi đời này. Đó chỉ là những giọt lệ tủi hận, của một kiếp người chết trong tăm tối, âm thầm uất nghẹn. Rồi đây, không một ai của miền Nam, kể cả bố mẹ và các em tôi, biết là tôi chết trong tủi hận thế này. “Xin bố mẹ tha tội cho đứa con bất hạnh này!” Tôi lẩm bẩm, quỳ lên, hướng về miền Nam lạy 3 lần, xin vĩnh biệt cuộc đời!...
Tôi đứng lên, thọc một đầu dây vào lưới thép, thắt thật chặt vào chân một cái song sắt. Tôi trèo lên cửa sổ. Ngoài mối thòng lọng, bên trên tôi thắt một nút nữa. Nút này tôi chỉ thắt hờ một lần, để nếu kéo mạnh hai đầu, dây sẽ rút chặt lại. Tôi leo hai chân lên như ngồi xổm ở mép cửa sổ. Tôi đút đầu vào cái mút thắt hờ phía trên. Hai tay quàng xuống phía dưới hai đầu gối, rồi đút vào cái thòng lọng và rút buộc chặt hai cổ tay lại. Lúc này, tôi chỉ cần đẩy nhẹ cho người lạng ngã ra là xong. Khi ấy, nút thòng lọng đã buộc chặt hai tay mình, muốn rút ra cũng không được nữa vì cả sức nặng của cơ thể. Hai chân càng đè nặng hai tay, sẽ rút chặt cái nút ở cổ. Vì sức mạnh của cơ thể, càng giẫy dụa, nút ở cổ tay càng chặt và nút ở cổ càng rút vào. Lúc này, người tự tử dù không muốn chết nữa cũng đành phải gặp tử thần để về lòng đất thôi. Trừ khi… có người khác cứu.
Chỉ 5 phút ngồi trên mép cửa sổ, tôi đã làm xong tất cả, chỉ cần đẩy nhẹ người ra một cái là xong hết mọi chuyện!
Bỗng, một tiếng quát to vang lên trong đêm khuya, ngay dưới cửa sổ, phía đàng sau xà lim:
- Anh kia! Trèo lên đó làm gì đấy!
Tôi giật mình, vội hất người ra lao xuống nền, đầu thoáng nghĩ: Chỉ mười phút thôi! Nghĩa là chỉ trong 10 phút, không còn cứu được nữa.
Tôi chỉ thấy cổ mình bị giật mạnh, rồi đầu tôi nóng ran như lửa đốt. Và, tôi không biết gì nữa…
Bốn mươi ba: Chưa dứt... nghiệp!
Mãi tới khi thấy mũi cay xè, tôi mở mắt thấy lố nhố mấy người, rồi tôi cứ nấc lên, và không thở được nữa. Tôi lại mê man. Đầu tôi vẫn nóng như nung, và như vang vang một hồi còi ai thổi rất dài, đôi lúc ngân nga như tiếng sáo diều… Rồi tôi tỉnh lại. Mãi một lúc lâu, tôi mới nhìn rõ một người mặc quần áo xanh đang đè chặt ngực tôi. Tôi cảm thấy khó thở. Cố gắng lắm, tôi cũng chỉ thở được khò khè. Bây giờ, tai tôi mới nghe được tiếng người nói, nhưng rất nhỏ:
- Sống rồi!
Người mặc quần áo xanh mặt trắng trẻo, chừng tuổi tôi, cầm tay tôi và nhìn tôi với một vẻ đầy thương cảm. Anh ta cúi sát tai tôi nói:
- Đừng dại mà tự tử. Hãy cố gắng mà sống!
Tôi muốn với anh ta lời cảm ơn, nhưng tôi không nói được, chỉ đưa mắt nhìn anh ta với vẻ biết ơn. Một lúc sau, tôi thấy một người mặc áo “blouse” trắng ôm khay thuốc đi vào. À, ông Huệ y tá. Ông ta cầm chiếc ống nghe trên khay thuốc đeo vào tai, rồi vạch ngực áo tôi lên, đặt ống nghe chỗ này, chỗ khác. Lúc này tôi đã nghe rõ hơn chung quanh, có hai tên áo vàng là tên Nhiễm vẫn trực xà lim III và tên Kế trực ở ngoài trại chung. Tên Kế tay đang cầm sợi dây thừng bằng vải của tôi, một phía đầu dây có vết cắt.
Y tá Huệ nghe ngực tôi một lúc, rồi lấy một gói thuốc gì, bột vàng vàng đổ vào một chiếc ly nhỏ cùng với một chút nước còn lại, trong cái gáo dừa ở buồng tôi. Y quấy một lúc rồi đổ vào miệng tôi, dịu giọng:
- Anh uống cái này đi!
Cổ họng đau quá không nuốt được, nên tôi chỉ nhấp từng ngụm nhỏ. Ly nước chỉ có một chút mà tôi uống mãi mới hết. Mùi thuốc gì hăng hăng như mùi rau cải bẹ sống.
Sau đó, y lấy chai dầu nóng, dùng bông xoa chung quanh cổ của tôi. Vừa xoa, y vừa nói:
- Anh chết thiệt thân anh thôi! Đừng nghĩ quẩn mà dại như thế!
Tôi nằm nghe, chẳng muốn nói gì. Vả lại, cũng không nói được. Một lúc sau, chúng ra hết và đóng cửa buồng lại. Lúc này trời đã sáng! Phần đau, phần mệt, tôi lại lịm đi lúc nào không biết…
Mãi tới khi nghe tiếng người gọi, tôi mở mắt ra, trời đã sáng rõ. Tên Chiến, cán bộ trực xà lim, quắc mắt nhìn tôi:
- Hôm qua, anh dám đánh lừa cán bộ Kim rồi thắt cổ hả"
Tôi nhìn y nhưng không nói được. Y có vẻ bực tức, một lúc, có lẽ hiểu tôi không nói được vì thấy cái cổ sưng to lên của tôi. Y trở ra đóng cửa, và mở các buồng cho ra đổ bô.
Đến khoảng 9 giờ, cửa lại mở. Lần này là tên Trì, Thượng Úy Phó Giám Thị và tên Chiến đứng sau lưng y. Tên Trì với giọng miền Trung nặng chịch:
- Anh định tự tử theo chân Ngô Đình Diệm"
Tôi nhìn y, lắc đầu. Y cười nửa miệng, nói với giọng giễu cợt:
- Anh muốn trung thành với Ngô Đình Diệm, anh ôm bí mật xuống lỗ để báo cáo với y hỉ"
Thái độ của lão thật đểu cáng, tôi quay mặt vào phía trong nằm im. Trước khi ra, y còn quay lại đe:
- Rồi đây, đến lúc muốn sống cũng không được sống!
Tôi hiểu, với cộng sản, dù tòa án của chúng đã xử anh tử hình và chờ ngày đem bắn, anh tự tử chúng cũng vẫn cứu sống, để rồi chính chúng thi hành bản án. Chúng muốn bóc lột cả chủ quyền thiêng liêng nhất là sự sống, quyền sở hữu sơ đẳng của con người. Huống chi, tôi vẫn còn đang trong thời gian bị khai thác. Chúng phải cần tôi sống để moi chứ.
Cả buổi sáng hôm ấy, chúng không cho tôi ăn uống gì. Vì thế, tôi càng mệt lả, nằm li bì mãi tới chiều. Tới giờ cơm, tên Chiến mới mở cửa, nhìn tôi quát:
- Bò dậy, ra lấy cháo!
Cả người mệt lả vì đau và vì từ chiều qua tới giờ không có gì trong bụng, tôi cố gượng dậy mà mắt hoa lên. Nhưng, tôi hiểu là nếu không cố gắng ra lấy cháo ăn, càng đói càng khổ mình, chứ chúng không bao giờ bưng vào cho. Những người tù hình sự làm việc bưng thùng cơm ở ngoài kia thì không được phép trông thấy người trong xà lim, nên chắc chắn chúng cũng không cho mang giúp vào.... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.