Hôm nay,  

Tin Úc

24/01/201000:00:00(Xem: 2960)

Tin Úc

T.T.  RUDD CẢNH CÁO NHỮNG TRƯỜNG HỌC ĐÒI TIỀN LAPTOP PHỤ HUYNH

ADELAIDE: Thủ tướng Rudd vừa lên tiếng cảnh cáo các trường tư thục cũng như công lập rằng họ không được buộc phụ huynh học sinh phải trả tiền cho những máy điện toán lưu động laptop mà chương trình “digitals school” của chính phủ liên bang tài trợ cho học sinh trung học từ lớp 9 trở lên.
Lời cảnh cáo này được đưa ra sau khi một bài báo trên tờ The Australian ngày 18/1 tiết lộ rằng có ít nhất một trường công lập ở Nam Úc là trường Seaford 6-12 đã gửi thư cho phụ huynh học sinh đề nghị rằng nếu họ muốn các em mang những cái laptop về nhà để sử dụng thì họ phải trả cho nhà trường mỗi năm là $365 Úc Kim, kể từ lớp 9 trở đi, mặc dù những cái laptop này được cung cấp miễn phí theo chương trình của chính phủ liên bang.
Hiệu trưởng trường Seaford, bà Mary Asikas, giải thích quyết định của nhà trường về việc buộc học sinh đóng lệ phí để sử dụng những máy laptop này ngoài giờ học trong một lá thư gởi cho phụ huynh. Bà cho biết là trong lúc các em có thể sử dụng miễn phí những cái máy điện toán do tiền thuế của người dân đài thọ này tại trường nhưng “sau khi trả lệ phí hàng năm là $365 thì các em học sinh có thể mang cái Mac Book về nhà để xài sau giờ học, vào ngày cuối tuần hoặc trong thời gian nghỉ hè”.
Một trường công lập khác, cũng ở Nam Úc, là trường trung học Willunga High School thúc đẩy phụ huynh trả trước một khoản tiền mặt là $1.200 Úc Kim để mướn máy điện toán Apple Mac. Trong lá thư gửi phụ huynh thì nhà trường cho biết rằng mặc dầu đề nghị này “hoàn toàn tự nguyện”, nhưng việc được sử dụng máy điện toán “trong xã hội ngày hôm nay cũng quan trọng không kém việc biết đọc biết viết vậy”.
Hiệu trưởng Willunga, bà Janelle Reimann viết trong thư như sau: “Đấy không phải là một chuyện bắt buộc rằng phụ huynh phải chấp nhận bất cứ một sự mời mọc nào, nhưng chúng tôi tin rằng học sinh sẽ được lợi ích nếu các em có được máy điện toán của riêng các em”.
Phát ngôn nhân đối lập liên bang về giáo dục, ông Chris Pyne, đồng thời là dân biểu của một đơn vị ở Nam Úc, cho biết có vẻ như các trường học ở tiểu bang này cố mượn đầu heo nấu cháo để tìm lợi từ chương trình của chính phủ liên bang. Ông nói thêm là chuyện này hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của chính sách mà thủ tướng Rudd công bố năm 2007. Ông nói: “Phụ huynh bị ép phải trang trải chi phí mang máy điện toán về nhà và trong một vài trường hợp, bị yêu cầu phải mua đứt cái máy điện toán laptop ấy”. Ông Pyne cũng cho biết thêm là học sinh trường công ở NSW được quyền mang máy về nhà mà không phải trả thêm chi phí nào cả.
T.T. Rudd tuyên bố ông sẽ tìm hiểu thêm về chi tiết của hai trường hợp nêu trên, nhưng ông cũng đồng thời cho biết chính phủ liên bang rất hãnh diện với chính sách của họ. Ông nói: “Chúng tôi không hề có chút hối tiếc gì về phương cách gia tăng tối đa việc cung cấp máy điện toán cho nhà trường, đây là một sáng kiến của chính phủ Úc trị giá $2 tỷ Úc Kim. Khi chúng tôi cung cấp sự yểm trợ đến cỡ ấy cho các nhà trường để có được máy điện toán trong nhà trường thì tôi không thấy có bất kỳ một lý do gì để bất kỳ một trường học nào sau đó lại buộc phụ huynh phải trả tiền để sử dụng chúng cả... Chúng tôi rất hãnh diện với chính sách này, đấy là chuyện đúng đắn cần làm”.

CÔN ĐỒ CROATS “QUẬY” GIẢI QUẦN VỢT AUSTRALIA OPEN

MELBOURNE: Một đám thanh thiếu niên gốc người Croatian đã náo loạn phá rối trị an trong ngày khai mạc giải quần vợt mở rộng Australian Open 2010 hôm thứ Hai 18/1/10 vừa qua. Khoảng 60 thanh thiếu niên côn đồ hung hăng, nhiều đứa mặc áo có màu cờ ca-rô trắng đỏ của Croatia dàn hàng vừa đi vừa la lô, hát hò xuyên Melbourne Park, tay làm dấu hăm dọa, chửi bới người chung quanh, có đứa đốt những ngọn pháo khói (flare), khiến nhiều khán giả đang trên đường đến sân phải e dè dạt sang hai bên. Thậm chí, chúng còn nhổ nước bọt và đấm người phóng viên nhiếp ảnh của nhật báo The Herald Sun khi ông chụp hình bọn chúng. Nhân viên an ninh phải được tăng cường ngay cổng vào sân để lục soát bọn chúng xem có lén lút mang những đồ gì khác vào sân để quậy phá hay không.
Hành vi côn đồ của bọn người tự xưng là khán giả ái mộ các danh thủ quần vợt này, trước cả khi quả banh đầu tiên được đánh trên sân, là một dấu hiệu đáng e ngại rằng sẽ có thêm nhiều sự căng thẳng kèn cựa giữa các nhóm khán giả sắc tộc cũng như nhiều rắc rối trong năm nay, nhiều hơn những năm trước đây.
Tưởng cũng nên nhắc lại, năm ngoái thì khán giả người Bosnian và người Serbian bỗng dưng nhào vào ẩu đả tơi bời, chụp ghế quăng, phang tứ tung tại Garden Square trước mặt nhiều gia đình có con nhỏ đang khoan khoái thưởng thức nắng ấm. Ban tổ chức là Tennis Australia đã cảnh cáo tất cả những người ái mộ cầu thủ rằng họ sẽ bị trục xuất khỏi Melbourne Park nếu họ quậy phá. Trước đây thì các viên chức trong ban tổ chức cũng đã từng hứa hẹn rằng những người nào từng bị cấm cửa không cho vào xem giải quần vợt Grandslam Australian Open sẽ không thể nào vào được cổng sân lần này vì cảnh sát đã tăng cường nỗ lực để chặn đứng những vụ bạo động cũng như những hành vi chống xã hội. Con số cảnh sát canh gác năm nay có gia tăng và những khu vực có máy thu hình an ninh CCTV được triển khai thêm. Giám thị John Cooke thuộc lực lượng cảnh sát Victoria cho biết hôm cuối tuần qua rằng ông vững tin là năm nay sẽ không có những vụ ẩu đả bạo loạn vốn đã bôi nhọ hình ảnh của Australian Open trong những năm trước. Ông nói: “Một số người đã bị cấm cửa 24 giờ trong vài năm qua, và những người này chắc chắn sẽ không được hoan nghênh năm nay. Chúng tôi sẽ có cảnh sát ở trong lẫn ngoài xuyên suốt giải này để yểm trợ cho nhân viên bảo an”.

PHỤ NỮ DỄ BỊ TẤN CÔNG TÌNH DỤC TRÊN TAXI

SYDNEY: Nhiều tài xế taxi NSW tấn công tình dục nữ hành khách mà không bị truy tố hoặc khiển trách gì cả trong suốt hơn hai năm qua. Theo nhật báo Daily Telegraph ngày 19/1/10 vừa qua thì nhiều hồ sơ cho thấy có 72 vụ than phiền chính thức được đưa ra về những sự vi phạm liên quan đến tình dục, thế nhưng chỉ có một tài xế bị truy tố và sau đó thì vụ án này cũng bị bãi bỏ. Chuyện này cho thấy có một khiếm khuyết thật lớn lao trong những cuộc điều tra về các vụ tài xế taxi tấn công tình dục khách hàng, mặc dầu cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề giao thông của chính phủ tiểu bang là NSW Transport and Infrastructure, đã bắt đầu điều tra tất cả những lời than phiền về tài xế taxi liên quan đến tình dục từ hơn một năm qua.
Trước đó thì các công ty taxi thường điều tra những lời than phiền, nhưng người ta thấy cần phải có một cơ quan độc lập để sạch sẽ hóa kỹ nghệ này. Những lời than phiền thường liên quan đến những điệu bộ, cử chỉ, ngôn ngữ, sàm sỡ hoặc những sự tán tỉnh nham nhở của tài xế taxi đối với nữ hành khách. Nhiều tài xế taxi bị cáo buộc đã đề nghị giảm giá, hoặc chở miễn phí nếu họ được hưởng tí ân huệ tình dục và thường đòi được vào nhà của hành khách. Ba tài xế bị cáo buộc đã “khoe của” trong lúc lái xe chở hành khách và một số không ít bị cáo buộc đã bốc hốt, sờ soạng phụ nữ. Trong rất nhiều trường hợp thì sổ ghi nhận điện thoại than phiền của hành khách cho thấy những phụ nữ này quá sợ hãi nên đã tháo chạy và không nhớ được chi tiết cá nhân của tài xế hoặc số đăng bộ của chiếc xe taxi. Trong năm 2008 có 48 vụ than phiền và cho đến tháng Mười năm 2009 có 31 vụ, chiếu theo hồ sơ mà nhật báo Daily Telegraph thu thập được dựa vào luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information- FoI).
Bộ trưởng giao thông David Campbell cho biết việc tài xế taxi khiến hành khách cảm thấy khó chịu hoặc thiếu an toàn là một chuyện “hoàn toàn không chấp nhận được”. Ông nói: “Điều quan trọng là phải cung cấp càng nhiều chi tiết càng tốt, kể cả giờ giấc, ngày tháng và số xe taxi, cái số này thường được trưng bày đàng trước xe hoặc trên dashboard (bảng đặt các đồng hồ tốc độ) của xe”.

SÚNG BỊ THẤT LẠC TRONG TÙ!

BRISBANE: Theo trang mạng của tờ The Courier Mail lúc 12g38 trưa ngày 18/1/2010 vừa qua thì cảnh sát liên bang (AFP) đã được yêu cầu trợ giúp trong việc tìm lại một khẩu súng cầm tay (pistol) bị trộm mất từ kho súng có khóa cẩn thận của nhà tù Lotus Glen ở miền Bắc Queensland. Một chú quân khuyển chuyên ngửi tìm bom và súng đạn của AFP được sử dụng để lục lạo dò xét toàn bộ nhà tù hầu giải đáp được sự biến mất một cách bí mật của khẩu súng cầm tay bán tự động hôm cuối tuần qua.
Nhà tù đã bị khóa kín, tù nhân không được cho ra khỏi phòng trong suốt 3 ngày cuối tuần và lần lượt bị lục soát cặn kẽ. Tất cả mọi phòng giam cũng bị lục lạo khám xét sau khi các viên chức trong tù khám phá rằng một khẩu súng Glock 9mm đã bị thất lạc khỏi kho súng của nhà thù. Các viên chức của nhà giam trọng cấm ở phía Tây của tỉnh Mareebar thuộc miền Bắc Queensland đã thừa nhận hôm Thứ Hai 18/1 rằng khẩu súng bị thất lạc từ thứ Sáu 15/1. Đây là một sự vi phạm an ninh thật trầm trọng bởi vì nhà tù này là nơi giam giữ nhũng tên sát nhân và những kẻ bị giam vì có hành vi bạo loạn.
Theo một nguồn tin thì các viên chức của nhà giam đã cố tình giấu nhẹm vụ vi phạm an ninh này trong những ngày qua vì họ hy vọng rằng họ sẽ tìm lại được súng. Theo một bản thông cáo báo chí được phổ biến vào lúc 10g55 sáng thứ Hai 18/1/10 thì cả cảnh sát lẫn Dịch Vụ Lao Cải Queensland (Queensland Corrective Services- QCS) đang tiếp tục điều tra vụ việc này. Bản thông cáo này cho biết: “Thêm nhiều biện pháp an ninh đã được áp dụng và sự di chuyển của tù nhân trong tù cũng được giảm thiểu tối đa. Tất cả mọi cuộc thăm tù trong cuối tuần đều bị hủy bỏ. Cảnh sát Mareeba đã được thông báo. Khẩu súng Glock được xác nhận là thất lạc từ trong một tủ đựng vũ khí có khóa trong lúc kiểm tra súng ống. Chánh Thanh Tra  Các Nhà Giam (Chief Inspector of Prisons) và phòng Tiêu Chuẩn Đạo Đức Nghề Nghiệp (Ethical Standards) của  QCS cũng đang điều tra hoàn cảnh chung quanh vụ việc này”.

BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG VIC GIÃ TỪ CHÍNH TRƯỜNG

MELBOURNE: Bộ trưởng Giao Thông Công Cộng và Nghệ Thuật Victoria, bà Lynne Kosky đã tuyên bố giã từ chính trường hôm Thứ Hai 18/1 vừa qua. Bà cho biết nhiều khó khăn về sức khỏe của người thân trong gia đình là lý do chính của quyết định giã từ chính trường của bà. Trong buổi họp báo thật xúc động vào sáng thứ Hai 18/1 bà Kosky cho biết bà đã bị dằn vặt vất vả thật lâu giữa hai sự lựa chọn để cuối cùng đi tới quyết định đặt sức khỏe của gia đình bà lên trên kỳ vọng chính trị của bản thân. Bà nói: “Tôi đã suy nghĩ thật lâu, thật kỹ về khả năng của tôi trong việc dành cho gia đình tôi sự yểm trợ mà họ đáng được có, đặc biệt là vào thời điểm này, cũng như về sự chuyên cần chú ý mà công việc của tôi đòi hỏi và tôi đã đi đến kết luận rằng tôi không thể nào chu toàn cả hai được. Tôi rời bỏ chính trường với một chút buồn bã, nhưng không hề mảy may hối hận gì cả. Đây là một quyết định mà tôi cho là rất nghiêm trọng nhưng nó là quyết định đúng đắn nhất, thích hợp nhất cho gia đình tôi và cho tôi”.
Thủ hiến Victoria, John Brumby, nói rằng bà Kosky đã có nhiều sự đóng góp thật đáng kể trong vai trò một bộ trưởng, nhưng bà phải đặt gia đình của bà lên trên hết. Ông nói: “Đấy là một quyết định đúng đắn cho gia đình bà, và cho chính bà, khi bà từ chức bộ trưởng và đồng thời giã từ chính trường. Tôi có cho bà biết quan điểm của tôi là, trong công việc này, người ta phải luôn luôn đặt gia đình lên trên hết. Không bao giờ nên để có tình trạng mà 5, 10 năm nữa nhìn lại rồi tự nhủ: “Lẽ ra vào lúc ấy tôi phải nên làm như thế mà tôi lại không chịu làm thế”. Chúng ta chỉ có một cơ hội duy nhất để làm đúng mà thôi”. Trong khi ấy thì phe đối lập tiểu bang cho rằng sự ra đi hết sức đột ngột của bà đã khiến cho chính phủ Lao động Victoria lọt vào cơn khủng hoảng.
Phát ngôn nhân Giao thông của phe đối lập tiểu bang, ông Terry Mulder cho rằng thủ hiến Brumby khó lòng tìm được người thay thế cho bà Kosky cho chức vụ thật là khó khăn này. Ông nói: “Ông John Brumby hiện đang có một cuộc khủng hoảng trên tay, khi ông tiến tới đàng trước. Ông ta sẽ phải có quyết định xem ông ta sẽ đẩy ai vào bộ này. Tôi không tin là sẽ có nhiều người trong phe chính phủ giơ tay tình nguyện nắm giữ vai trò này”.

THỦ HIẾN KENEALLY ĐƯỢC LÒNG DÂN

SYDNEY: Quyết định của đảng Lao động trong việc đưa bà Keneally vào chức vụ thủ hiến NSW dường như đã có hiệu quả sau khi kết quả của một cuộc thăm dò dân ý quan trọng đầu tiên kể từ sau khi bà lên làm thủ hiến cho đến nay cho thấy đại đa số cử tri tín nhiệm bà hơn lãnh tụ đối lập Barry O’Farrell. Và chẳng những cử tri ưa thích bà và nghĩ rằng bà là thủ hiến tốt hơn là ông O’Farrell mà ba phần tư cử tri còn tin rằng bà là một người dễ thương và gần 50% cho rằng bà là người khả tín, cả quyết và mạnh mẽ.
Trong khi những kết quả này đã chứng minh rằng quyết định của những tay quyền thế trong đảng Lao động vốn dàn xếp sự thay vua đổi chúa này là chính đáng, thế nhưng cuộc thăm dò dân ý vẫn cho thấy rằng đảng Lao động sẽ có nguy cơ đại thảm bại trong kỳ bầu cử tiểu bang năm 2011 tới đây. Kết quả cũng cho thấy bà Keneally vẫn chưa rũ bỏ được cái nhãn là con rối với gần 50% cử tri vẫn còn tin rằng bà chỉ là một thủ hiến bù nhìn mà thôi và vẫn chịu sự chi phối của giới cán bộ cao cấp của đảng (party apparatchiks). Chính phủ Lao động NSW cũng bị cử tri cho là tham nhũng, và là một sự thảm bại trong việc điều hành quản lý kinh tế.
Cuộc thăm dò do Galaxy poll tổ chức riêng cho tuần báo The Sunday Telegraph là cuộc thăm dò đầu tiên được thực hiện kể từ khi bà Keneally thay thế cựu thủ hiến Nathan Rees cách đây 6 tuần. Kết quả cho thấy 42% cử tri tin rằng bà Keneally sẽ là thủ hiến tốt so với 34% yểm trợ ông O’ O’Farrell. Thêm vào đó, 73% cử tri cho rằng bà là một người dễ thương. Riêng trong số những cử tri yểm trợ liên đảng thì cũng có 70% cho rằng bà là người dễ mến.


Điểm đáng ngại cho phe liên đảng là có ít cử tri không hài lòng với bà Keneally hơn so với số cử tri không hài lòng với ông. Có 42% cử tri hài lòng với tài lãnh đạo của ông O’Farrell và 35% không hài lòng. Trong khi đó, con số người hài lòng với tài lãnh đạo của bà Keneally là 45% và con số không hài lòng chỉ có 25% mà thôi. Tuy nhiên, phe liên đảng vẫn còn nhiều tin vui với cuộc thăm dò ý kiến cử tri này, bởi vì nó cho thấy chính phủ Lao động NSW sẽ đại thảm bại trong kỳ bầu cử tiểu bang tới đây. Chỉ có 29% cử tri cho biết họ sẽ yểm trợ Lao động so với 37% sẽ dồn phiếu cho đảng Tự do.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong kỳ bầu cử tiểu bang năm 2007, có 39% cử tri dồn phiếu cho Lao Động và chỉ có 27% cho Tự Do mà thôi. Nếu một cuộc bầu cử được diễn ra ngay vào thời điểm này thì chính phủ Lao Động sẽ đại thảm bại vì chỉ giành được 44% tổng số phiếu so với 56% dành cho phe liên đảng. Tuy nhiên, vẫn còn một chút tia hy vọng mong manh cho bà Keneally, bởi vì hai phần ba số cử tri sẽ dồn phiếu cho phe liên đảng cho biết họ làm thế như một sự phản kháng đối với phong cách hiện nay của chính phủ Lao động. Để dẫn dụ được những người này quay về yểm trợ chính phủ thì bà Keneally phải vượt qua được cái quan điểm hiện nay của cử tri là bà đang lèo lái một chính phủ đã thối nát, mục rữa từ bên trong và không có khả năng điều hành nền kinh tế của tiểu bang. 65% cử tri cho rằng nạn bao che phe đảng và tham nhũng (cronyism and corruption) lan tràn trong chính phủ, và 70% cử tri không hài lòng với cách chính phủ lèo lái nền kinh tế của tiểu bang.
Tuy cử tri rất bất mãn đối với chính phủ tiểu bang nhưng họ sẵn sàng cho bà thêm thời gian để cải thiện tình hình.

CẢNH SÁT BỊ ĐIỀU TRA VÌ GIỜ PHỤ TRỘI

BRISBANE: Theo tuần báo The Sunday Mail hôm 17/1/10 vừa qua thì nhiều cảnh sát viên sẽ bị kỷ luật chiếu theo bản đúc kết của một cuộc điều tra kéo dài suốt 18 tháng qua về sự mánh mung công tác làm giờ phụ trội ở Gold Coast. Tư Lệnh Đặc Trách Hạnh Kiểm Nghề Nghiệp Cảnh Sát Queensland (Queensland Police Ethical Standards Command- ESC) đã lên tiếng yêu cầu có biện pháp kỷ luật đối với “một số cảnh sát viên”, và Ủy Ban chống Tham Nhũng Crime & Misconduct (CMC) đã lên tiếng yểm trợ cho việc này.
Được biết có ít nhất 5 cảnh sát viên sẽ bị biện pháp kỷ luật về chuyện mánh mung, lạm dụng những nhiệm vụ đặc biệt, thường được gọi tắt là “những cái đặc biệt”. (specials). Vào tháng 7/2008 thì CMC nhận được đơn tố giác rằng một trung sĩ cảnh sát đã lợi dụng nhiệm vụ đặc biệt tại một đồn cảnh sát ở Gold Coast. Đơn này tố giác rằng viên trung sĩ này đã mánh khóe, sắp xếp hệ thống trao nhiệm vụ đặc biệt để chính bản thân y cùng những người được y ưa thích sẽ nhận lãnh phần lớn những nhiệm vụ đặc biệt này và qua đó, nhận lãnh được thêm tiền phụ trội lên đến vài chục ngàn Úc Kim một năm. Đơn than phiền nặc danh này cũng nêu lên những vấn đề về an toàn khi các cảnh sát viên quá mệt mỏi sau khi làm giờ phụ trội cho nhiệm vụ đặc biệt lại quay trở lại làm việc bình thường mà không có thời gian nghỉ dưỡng sức đầy đủ.
Đơn tố giác này cho biết gã trung sĩ mánh mung này nhận lãnh tiền lương lên đến $150.000 Úc Kim trong tài khóa trước đó trong khi lương bình thường của trung sĩ lúc bấy giờ là $90.000 Úc Kim mà thôi.
Một phát ngôn của CMC cho biết: “Ủy Ban CMC đã nhận được và duyệt xét bản báo cáo của ESC và đã chuyển giao nó lại cho lực lượng cảnh sát Queensland để có biện pháp kỷ luật với một số cảnh sát viên, như sự đề nghị của ESC”. Một phát ngôn nhân cảnh sát cho biết bản báo cáo mới được chuyển lại cho lực lượng cảnh sát Queensland trong tuần qua và vì thế, con số cảnh sát viên sẽ bị kỷ luật, cũng như những biện pháp kỷ luật- bao gồm cắt lương, giáng chức hoặc đình chỉ công tác- vẫn còn đang được nghiên cứu.
Sau khi có đơn than phiền năm 2008 thì một ủy ban được thành lập, dưới sự lãnh đạo của một phụ tá TTL- điều tra về những vấn đề liên quan đến các nhiệm vụ đặc biệt, kể cả việc chia xẻ đồng đều và công bằng những công tác đặc biệt, độ dài của một ca làm việc và giờ nghỉ giữa các suất làm việc. Vào thời điểm mà cuộc điều tra được tiến hành thì lực lượng cảnh sát Quensland thu nhập hơn $17 triệu Úc Kim mỗi năm qua việc cung cấp cảnh sát “làm nhiệm vụ đặc biệt” cho các kỹ nghệ tư cũng như cho các cơ quan chính phủ. Các cảnh sát viên lúc ấy được trả tiền giờ làm việc phụ trội từ $46 đến $63 Úc Kim một giờ, tùy theo ngạch trật.

TRƯỜNG TƯ ĐƯỢC TRỢ CẤP NHIỀU HƠN TRƯỜNG CÔNG 12 TỶ

CANBERRA: Một bản báo cáo mới do Nghiệp Đoàn Giáo Dục Úc (Australian Education Union- AEU) ủy thác, cho thấy chính phủ liên bang tài trợ cho các trường tư thục nhiều hơn các trường công lập. Bản tường trình này cho biết xuyên suốt hợp đồng thỏa thuận tài trợ 5 năm hiện nay thì các trường tư sẽ nhận lãnh được 12 tỷ Úc Kim nhiều hơn các trường công. Trong khoảng thời gian 6 năm cho đến năm 2013 thì các trường tư thục sẽ được lãnh $47 tỷ Úc Kim trong khi các trường công lập chỉ nhận được $35 tỷ. Trong khi đó chỉ có 1/3 học sinh ở Úc theo học trường tư.
Chủ tịch liên bang của nghiệp đoàn, ông Angelo Gavrielatos tuyên bố rằng chính phủ liên bang cần phải cải tổ và tu bổ lại chương trình tài trợ của họ. Ông nói: “Một chương trình tài trợ học đường đầy tai tiếng, bất khả biện hộ phải được thay thế bởi một hệ thống tài trợ với bổn phận chính yếu, với trọng tâm chủ yếu là các trường công lập trên toàn nước Úc. Bởi vì, nói cho cùng thì sự cung cấp một nền giáo dục công bằng, đồng đều chỉ có thể được đảm bảo khi nào mà các trường công lập mới là những trường đặt ra tiêu chuẩn chất lượng cao”.
Ông Gavrielatos cho biết chương trình hiện nay trao quá nhiều tiền cho những ngôi trường không cần đến số tiền ấy. Ông nói: “Ông Kevin Rudd đã từng nói rằng chính phủ liên bang có bổn phận chủ yếu là phải tài trợ thích đáng và đầy đủ cho các trường công lập. Ấy vậy mà chính phủ liên bang lại tiếp tục tài trợ ở mức thật cao khủng khiếp cho những trường tư thục vốn ít cần tiền  nhất”.
Ông Gavrielatos cũng tuyên bố thêm rằng chuyện các trường tư thục được nhiều tiền tài trợ hơn là một sự phi lý bởi vì trường công lập mới dạy dỗ cho nhiều học sinh hơn. Ông nói: “Vào thời điểm mà chương trình tài trợ hiện nay chấm dứt thì các trường tư thục sẽ nhận được 64% tổng số tiền tài trợ cho học đường của chính phủ liên bang. Trong khi đó các trường công lập, dạy dỗ 2/3 học sinh Úc lại chỉ nhận được có 36% tổng số tiền tài trợ của chính phủ liên bang”.

SINH VIÊN TRÁC TÁNG

SYDNEY: Sinh viên cư trú tại những nhà nội trú danh tiếng hàng đầu (elite residential colleges) ở viện đại học Sydney hiện điều hành một mạng lưới điện toán bí mật để chia sẻ các phim đồi trụy dâm loàn cũng như những bản nhạc và phim ảnh tải lậu từ mạng internet. Và mặc dù đã có nhiều sự cải tổ về thủ tục áp dụng biện pháp kỷ luật sau vụ xì-căng-đan năm ngoái liên quan đến nhà nội trú St Paul’s College và trang mạng Facebook tán dương việc cưỡng dâm, nhưng chiếu theo điều lệ về hạnh kiểm và kỷ luật (code of conduct) của chính viện đại học Sydney  thì họ vẫn không thể có biện pháp kỷ luật đối với những sinh viên cư ngụ tại các nhà nội trú này.
Mạng lưới chia sẻ hồ sơ từ máy điện toán này sang máy khác (peer to peer) do các sinh viên thiết lập được sử dụng qua hệ thống liên kết máy điện toán nội bộ (intranet) của các nhà nội trú. Theo tuần báo The Sun-Herald ngày 17/1/10 thì có cả vài ngàn giờ phim điện ảnh, phim kích dâm và âm nhạc được chia sẻ theo kiểu này. Ngoài những cuốn phim con heo hạng XXX còn có thêm tất cả những cuốn phim điện ảnh đã được trình làng trong vòng ba năm qua cùng nhiều tập chưa hề được trình chiếu tại Úc từ những bộ phim tập truyền hình được ưa chuộng như Gossip Girl.vv…
Giới thẩm quyền cho biết số lượng phim ảnh và bản nhạc được các sinh viên này chia sẻ một cách bất hợp pháp đủ để cho nhà chức trách mở một cuộc điều tra hình sự về việc vi phạm luật tác quyền.
Cựu sinh viên Jess Eicher, vốn đã rời khỏi nhà nội trú dành riêng cho phái nữ là Sancta Sophia College năm ngoái, biết được về mạng lưới này và cho rằng nó “rất tiện lợi để trám vào thời gian rảnh rỗi”. Cô nói: “Người ta có thể tải được bất kỳ cuộn phim nào hay tập phim nào mà người ta thích. Và có luôn cả những phim kích dâm nữa, nhưng tôi không biết gì về mấy cái phim ấy bởi vì tôi không có coi chúng”.
Chủ tịch Hội Đồng Đại Diện Sinh Viên (Students’ Representative Council), cô Elly Howse cho biết cô có biết về sự hiện hữu của mạng lưới này, nhưng cô rất bực dọc vì những nhà nội trú này nằm ngoài thẩm quyền kiểm soát của viện đại học. Cô nói: “Như mạng internet, cái mạng lưới này thực ra chỉ được thiết lập với một mục đích duy nhất mà thôi: để tung những phim dâm lên”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, vào tháng 11/09 thì văn phòng của viện phó (Vice-Chancellor) Michael Spence cho biết đã có một sự thỏa thuận với các hiệu trưởng của những nhà nội trú này về nhu cầu có một phương pháp đồng nhất về việc báo cáo và điều tra những lời tố cáo về sự sách nhiễu hoặc tấn công tình dục. Cho đến lúc ấy thì mỗi trường có quy luật và thủ tục riêng về các vấn đề này. Và sự thỏa thuận này chỉ được đi đến sau khi giới truyền thông liên tục loan tin về sự kỳ thị giới tính đầy vẻ nghi lễ và thủ tục (ritualistic sexism) tại những nhà nội trú này, kể cả những lời cáo buộc rằng nhiều vụ cưỡng dâm tại các nơi này được bưng bít che đậy.
Một phát ngôn nhân của văn phòng viện phó cho biết cuối tuần qua đã có một mạng lưới bị tháo gỡ nhưng không có ai bị kỷ luật cả. Phát ngôn nhân này nói: “Cái mạng này, vốn không sử dụng mạng lưới nội bộ của đại học và được phát tuyến từ một máy điện toán cá nhân của một sinh viên, đã bị nhận diện và dẹp bỏ”. Ông Neil Gane, tổng giám đốc của Australian Federation Against Copyright Theft, đại diện cho kỹ nghệ phim ảnh cho biết số lượng dữ liệu liên hệ có thể dẫn đến một cuộc điều tra hình sự. Ông nói: “Nó không phải là một tội ác  không có nạn nhân. Đây là một tội ác ảnh hưởng đến 50.000 công dân Úc làm việc trong kỹ nghệ phim ảnh và truyền hình”.
Bà Sabiene Heindl, tổng giám đốc của đơn vị chuyên điều tra thâu nhạc lậu tại Australian Copyright Council cho biết có thể có sự truy tố hình sự. Tuy vậy, hiệu trưởng của những nhà nội trú liên hệ, bao gồm Sancta Sophia, Women’s, St Paul’s, St Andrew’s và Wesley đã không hồi âm cho giới truyền thông.

ĐẠI NẠN PHÌ NỘN BỘC PHÁT

MELBOURNE: Gần 500.000 người Úc bị rơi vào tình trạng “siêu phì” (super obese). Con số này cao gấp 5 lần con số những người siêu phì cách đây hai thập niên và giới chuyên gia giải phẫu giúp giảm cân (weight-loss surgeons) cho biết họ hiện đang chữa trị cho nhiều bệnh nhân có nguy cơ bị chết bất đắc kỳ tử hơn bao giờ hết. Các nhà chuyên gia về phì nộn ước lượng có khoảng 2-3% dân số quá mập đến độ vượt ra khỏi hạng phì nộn (obese) và phì nộn đến bệnh hoạn (morbidly obese) để trở thành hạng “siêu phì”. Đây là những người có chỉ số BMI (Body Mass Index) từ 50 trở lên.  Một số nặng đến 200kg.
Tưởng cũng nên nhắc lại chỉ số BMI được tính bằng cách chia trọng lượng (tính bằng kg) của một người với chiều cao (đo theo mét). BMI trong khoảng từ 20-25 được xem là khỏe mạnh, 30 là phì nộn, 40 là phì nộn đến bệnh hoạn và 50 trở lên là siêu phì.
Một chuyên gia về phì nộn, giáo sư John Dixon thuộc học viện Baker IDI Heart and Diabetes Institute, tiên đoán rằng con số người siêu phì này sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập niên nếu không có sự can thiệp. Ông nói: “Chúng ta không thể nào làm ngơ với họ được, họ là nhóm người với sức khỏe yếu kém nhất, với chất lượng cuộc đời tàn tệ nhất và thường có rất nhiều vấn đề về thể lực và tâm thần. Theo giáo sư Dixon thì tất cả mọi dấu hiệu cho thấy Úc sẽ bước vào vết xe đổ của Hoa Kỳ, nơi mà chứng siêu phì đã trở thành việc phổ thông trong suốt cả một thập niên qua.
Bác sĩ chuyên khoa Harry Frydenberg, có phòng mạch tư ở khu Epwoprth nhưng cũng đồng thời làm việc tại bệnh viên công lập Box Hill  cho biết mỗi năm, ông gặp ít nhất là 50 bệnh nhân siêu phì muốn được giải phẫu gắn vòng kẹp bao tử (lap-banding) trong khi một thập niên trước đó thì rất hiếm khi nào gặp được những bệnh nhân như thế. Ông cũng cho biết thêm là gần đây ông đã chữa trị cho một bệnh nhân nặng 297kg. Ông nhấn mạnh là rất nhiều người bệnh siêu phì bị nhiều chứng bệnh kinh niên khác như tiểu đường, nghẹ thở khi ngủ (sleep apnoea) và trầm thống. Một số bệnh nhân này không thể được giải phẫu vì quá nguy hiểm. Ông nói: “Chúng tôi đã có nhiều bệnh nhân mà nguy cơ thiệt mạng quá cao vì họ có nhiều khó khăn trầm trọng về tim mạch (cardiac) hoặc hô hấp (respiratory) và nếu được gây mê thì họ sẽ không có cơ hội để sống sót. Nếu một người có chỉ số BMI trên 40 thì họ bị giảm tuổi thọ đến 12 năm. Một khi mà BMI lên đến 50 thì người ta có nguy cơ tử vong gấp 2,5 người có BMI là 20. Và ít có người 70 tuổi mà có có chỉ số BMI trên 50 cả, bởi vì những người ấy không sống lâu được đến thế”.
Tiến sĩ Tim Gill, một giáo sư tại học viện Boden Institute of Obesity thuộc viện đại học Sydney cho biết xu hướng phì nộn này đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Ông nói: “Như người giàu thì ngày càng giầu thềm, người mập sẽ ngày càng mập hơn và càng mập thì lại càng khó có biện pháp để ngăn chận việc tăng thêm trọng lượng. Người ta mất đi cái khả năng nhận thức được khi nào cơ thể của họ bảo họ phải ngừng ăn, và họ đã hủy diệt những cơ cấu kiểm soát ấy rồi”.
Ông cho biết thêm là vấn nạn hiện nay vẫn không được phơi bày rõ rệt chỉ vì nhiều người quá hổ thẹn để rời nhà hoặc không có khả năng để bước ra khỏi nhà đi gặp bác sĩ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.