Hôm nay,  

Tin Nước Úc

15/11/200900:00:00(Xem: 2865)

Tin nước Úc

CỨU ĐẢNG LAO ĐỘNG, 4 CỰU THỦ HIẾN NSW ĐỀU HẬU THUẪN THỦ HIẾN REES

SYDNEY: Giữa lúc dư luận cho rằng đảng Lao động có nguy cơ bị diệt vong trong kỳ bầu cử tiểu bang  NSW trong 14 tháng tới đây thì bốn vị cựu thủ hiến Lao động vừa bí mật gặp gỡ thủ hiến Rees để hoạch định một kế hoạch phục hồi cho đảng Lao động ở NSW. Đây là lần đầu tiên mà các ông Neville Wran, Barrie Unsworth, Bob Carr, Morris Iemma, and Nathan Rees- những người mà nếu gộp chung lại là biểu hiện của 26 năm đảng Lao động nắm chính quyền- họp mặt với nhau cùng một lúc.
Trước thềm cuộc đại hội thường niên của chi nhánh đảng Lao động tại NSW vào cuối tuần này thì sự họp mặt của những người lãnh đạo thông tuệ (intellectual leadership) này đã là một sự mặc nhiên hậu thuẫn cho ông Rees, người đã phải bỏ ra suốt một năm qua chống đỡ những âm mưu lật đổ mình.
Người được gọi là vị thủ hiến thứ 6- ông Graham Wedderburn, đương kim đổng lý văn phòng của ông Rees và từng là đổng lý văn phòng của cựu thủ hiến Carr- cũng có mặt trong buổi họp nói trên.
Họ đã bảo với ông Rees một cách quả quyết rằng những âm mưu  thoán đoạt quyền lãnh đạo phải chấm dứt. Cuộc chiến sắp tới phải là cuộc chiến nhằm chinh phục tâm hồn và lý của cử tri. Một cựu thủ hiến nói: “Đảng Lao động trước kia cũng từng bị thua kém trong những kỳ thăm dò dân ý. Chúng tôi nhận định được các yếu điểm của phe bên kia. Bây giờ thì đảng và nội các phải hết lòng hậu thuẫn ông Nathan Ress”.
Trong một căn phòng trên lầu 8 của Nghị viện tiểu bang, họ trình bày một mặt trận đoàn kết thống nhất để chứng minh rằng đảng Lao động cần phải hậu thuẫn cho ông Rees hoặc sẽ bị tiêu diệt trong kỳ bầu cử tới đây.
Các vị cựu thủ hiến cũng thảo luận về những kết quả thăm dò dân ý gần đây vốn cho thấy có sự xoay chiều (swing) đến 12% chống Lao động. Họ đều bảo ông Rees phải mạnh dạn bước ra và bắt đầu rao bán thông điệp của chính phủ đến với cử tri.
Tất cả đều đồng ý rằng chiến dịch của ông John Della bosca nhằm thách thức tranh quyền với ông Rees phải chấm dứt ngay tức khắc.
Một nguồn tin cho biết cuộc họp này đã được chuẩn bị từ lâu rồi và không phải là một việc mới được dàn xếp gần đây hầu nâng cao uy tín của ông Rees trong thời tiền hội nghị.

CLUB MARCONI: CHỈ NÓI TIẾNG ANH!

SYDNEY: Theo nhật báo Daily Telegraph ngày 9/11/09 vừa qua thì một trong những câu lạc bộ đa văn hóa lớn nhất Sydney đã thông báo cho nhân viên biết rằng họ sẽ bị kỷ luật nếu họ không nói tiếng Anh ở những nơi công cộng.
Một lá thư luân lưu nội bộ của Club Marconi trong tháng 9/09 vừa qua ghi rõ “không một nhân viên nào được quyền nói bất kỳ một thứ ngôn ngữ nào ngoài Anh Ngữ trong lúc trên sàn làm việc hoặc ở những khu vực dành riêng cho nhân viên (Back of House area)”.
Cái lệnh này đã đưa đến một hoàn cành thật kỳ quặc là nhân viên không được phép nói tiếng Ý tại những khu vực công cộng của câu lạc bộ Ý lớn nhất Sydney.
Lá thư luân lưu này ghi nhận “một số nhân viên đã sử dụng ngôn ngữ ngoại quốc” và nhấn mạnh: “Phải hiểu cho rằng trong lúc chúng tôi thông cảm rằng những cuộc đối thoại này có thể rất vô tư nhưng những nhân viên khác và khách hàng không hiểu những ngôn ngữ này có thể bị xúc phạm”.
Lệnh nói trên đã khiến cho ông Carlo Schiliro, một thành viên của câu lạc bộ, phải phát biểu một cách sôi nổi và đầy cảm tính tại đại hội thường niên của câu lạc bộ. Ông là một cựu tuyển thủ hàng đầu của đội bóng hàng đầu của Úc AS Roma và gia nhập vào đội banh của Marconi năm 1973 để chơi trong giải túc cầu toàn quốc lúc bấy giờ là National League.
Ông Schiloro cho biết ông cảm thấy “bực mình vô cùng” vì lá thư luân lưu này và miêu tả nó như một hành động mang tính kỳ thị. Ông tuyên bố với đại hội rằng các nhân viên nói được bất kỳ ngôn ngữ nào khác “lẽ ra phải là một cái vốn hữu ích qua việc cung cấp thêm một đóng góp tích cực cho câu lạc bộ”. Ông mạnh dạn đòi hỏi chủ tịch câu lạc bộ Tony Campolongo, cựu nghị viên HĐTP Fairfield, phải lên tiếng xin lỗi.
Lá thư luân lưu nội bộ này cũng bị chủ tịch Ủy Ban Chống Kỳ Thị NSW (NSW Anti-Discrimination Board- ADB), ông Stepan Kerkyasharian chống đối. Ông miêu tả nói là một hành động “có tầm nhìn thiển cận vô cùng”.
Một trong những tài liệu hướng dẫn của ADB khẳng định rằng “đấy là  một chuyện phạm pháp để ngăn cản quý vị nói tiếng mẹ đẻ của quý vị nơi làm việc trừ phi chuyện đó ngăn cản công việc hoặc sự học hành được tiến triển đúng đắn”. Một tài liệu khác ghi rõ đấy là “một việc phạm pháp khi một chủ nhân cương quyết đòi hỏi quý vị phải nói tiếng Anh thành thạo, trừ phi đó là một sự việc hợp lý đối với công việc đặc biệt ấy”.
Ông Kerkyasharian nói: “Nhìn bề mặt của vấn đề thì bất kỳ một nhân viên nào ở đấy cũng có đủ lý do hợp lý (reasonable grounds) để đâm đơn than phiền cả”.
Một phát ngôn nhân của Club NSW- cơ quan đại diện các câu lạc bộ- cho biết Club Marconi đã đưa ra một lá thư luân lưu mới để làm sáng tỏ quan điểm của họ vào tháng 10/09. Ông này cho biết lá thư đầu tiên “được dùng chữ không đúng” và chỉ nhắm vào “nhân viên nói chuyện với nhau” mà thôi. Ông Campolongo nói: “Nếu có ai đó bị xúc phạm thì tôi xin lỗi”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Club Marconi được thành lập trong thập niên 1950 tại Bossley Park ở miền Tây Nam Sydney để làm nơi gặp gỡ cho những người Úc gốc Ý. Hiện nay nó có 25,000 thành viên, từ 18 chủng tộc và 24 ngôn ngữ khác nhau.

ANNA BLIGH: PHỤ HUYNH PHẢI DỤC CON EM HỌC!

BRISBANE: Thủ hiến Queensland, bà Anna Bigh vừa kêu gọi phụ huynh yểm trợ và khuyến khích con em học hành sau khi một giáo viên nhiều kinh nghiệm đã lên tiếng báo động về sự lãnh đạm thờ ơ và thiếu tôn trọng  từ phụ huynh và học sinh về chuyện học hành.
Ông Cooper Dawson, vốn đã từng giảng dạy tại 12 trường tiểu học công lập từ Gold Coast đến Cairns, gần đây đã lên tiếng than phiền về “thái độ đáng khiển trách về sự học cũng như sự suy đồi chao đảo của đạo đức” (pathetic learning attitudes and wavering morals) của học trò ở tiểu bang Queensland và báo động rằng chúng sẽ có một tương lai vô cùng đần độn (dumbed-down future).
Cuối tuần qua Bligh đã lên tiếng bào chữa về quyết tâm của đại đa số phụ huynh và học sinh trong vấn đề học hành, nhưng bà cũng thừa nhận là có sự khó khăn đối với một vài học sinh. Bà nói: “Đáng tiếc là có một số học sinh trong hệ thống giáo dục của chúng ta không được sự yểm trợ mà các em cần có từ phụ huynh để có thể có được một học vấn tốt. Lúc nào chúng ta cũng có thể cải tiến thêm, và dĩ nhiên là phụ huynh có một vai trò quan trọng”.
Thế nhưng, không ít phụ huynh và giáo viên đã hết lời ngợi khen ông Dawson đã can đảm nêu rõ sự thật về vấn nạn thờ ơ lãnh đạm đối với việc học.
Trong số những lời bình phẩm được ghi nhận trong trang mạng của nhật báo Courier Mail về vấn đề này thì một người tên M Higg viết: “giáo viên hiện nay không còn được cho cơ hội để giáo dục dạy dỗ trẻ em nữa bởi vì việc quản lý hành vi (behaviour management) đã trở thành ưu tiên một trong lớp học. Cần phải có sự thay đổi thật nhanh chóng. Là một giáo viên, tôi quá mệt mỏi và chán ngấy với việc bị học sinh mới lên 6 hoặt 7 tuổi chửi tôi bảo tôi “cút xém đi” (f.. off)”.
Một giáo viên khác ở Logan tên Chris tin rằng các học sinh nào có hành vi không tốt nên bị đuổi học. Ông viết: “Nhà trường nên ngưng ngay cách suy nghĩ rằng họ có bổn phận phải cứu giúp cho tất cả mọi học sinh từ chính bản thân chúng”.
Quan điểm của ông Dawson được nghiệp đoàn giáo chức Queensland yểm trợ. Chủ tịch chi nhánh Queensland của nghiệp đoàn, ông Steve Ryan, cho biết rằng một số học sinh không có sự quyết tâm. Ông nói: “Quả thực là đáng ngại phần nào khi có một con số ngày càng bành trướng những học sinh không có đủ quyết tâm, vì chúng có một gia cảnh khó khăn”.

NHA PHIẾN TRÀN NGẬP HỌC ĐƯỜNG VICTORIA

MELBOURNE: Theo nhật báo Herald Sun ngày 9/11/09 thì những con số thống kê của lực lượng cảnh sát Victoria cho thấy trong vòng 5 năm qua đã có vài trăm vụ việc học sinh sử dụng, buôn bán, tàng trữ nha phiến tại các trường học . Và các trường học ở vùng ngoại ô phía Đông và Đông Nam là những điểm nóng của các vụ  phạm pháp liên quan đến nha phiến này.
Chỉ riêng tại phạm vi của HĐTP Knox- bao gồm Bayswater, Ferntree Gully, Gembrook và Wantirna- đã có 30 vụ. HĐTP Cardinia kế cận- bao gồm Pakenham, Beaconsfield và Gembrook- được ghi nhận là có 15 vụ pham pháp liên quan đến nha phiến tại học đường. Bảy trường Công Giáo có những vụ việc liên quan đến nha phiến. Trường Xavier College đã phải trục xuất một học sinh đã bán cần sa và đồng thời tạm đuổi trong  một thời gian ngắn (suspend) hai học sinh khác vì đã mua cần sa.
Tháng 10/09 vừa qua thì trường Whitefriars College ở Donvale đã treo giò 6 học sinh bị tố cáo buôn lậu cần sa và trường Emmaus College ở Burwood xác nhận rằng cảnh sát đang điều tra một số học sinh của họ sau khi tìm thấy nha phiến trong trường.
Tưởng cũng nên nhắc lại, luật pháp đòi hỏi nhà trường phải thông báo cho cảnh sát biết về những vụ việc dính líu tới nha phiến trong khuôn viên nhà trường. Trong tài khóa 2008-2009 có 63 vụ việc được ghi nhận đã xảy ra tại trường hoặc trong sân trường so sánh với 40 vụ trong năm trước đó và 55 vụ trong năm 2007-2007.
Tổng cộng có 252 vụ trong vòng 5 năm qua.
Phần lớn các trường học đều có chính sách chính thức vể nha phiến, chẳng hạn như trường Trinity Grammar đã sản xuất một tập sách về việc lạm dụng nha phiến và rượu bia với 75,000 tập được phân phối trên toàn tiểu bang Victoria.
Phó hiệu trưởng Simon Le Plastrier cho biết vấn nạn về nha phiến ở học đường không còn là vấn nạn trầm trọng như một thập niên trước đây. Ông nói: “Chúng tôi thực sự không có một đứa trẻ nào phải đi qua dịch vụ cố vấn của chúng tôi mà lại có vấn đề trầm trọng với nha phiến cả. Có nhiều bằng chứng sơ khởi giai thoại cho thấy nha phiến bây giờ xảy ra sau khi học xong. Tuy nhiên bia rượu vẫn là một vấn nạn lớn với lũ trẻ”.
Ông Le Plastrier cho biết rượu bia có vẻ như là cái cổng mở đường cho những loại nha phiến nặng hơn như ice một khi giới trẻ thấy nhàm chán với rượu bia. Ông nói: “Một đứa bé đã từng bảo tôi như sau: “Nếu mua bất kỳ một loại nha phiến nào cũng đều rẻ hơn mua 6 lon VB cả”. Thế đấy”.

DÂN BIỂU TÌNH TRƯỚC VĂN PHÒNG CỬ TRI CỦA THỦ TƯỚNG RUDD

BRISBANE: Một cuộc biểu tình vừa được tổ chức vào sáng thứ Hai 9/11/09 trước cửa văn phòng tại đơn vị bầu cử (electoral office) của TT Rudd ở Brisbane để chống lại một dự luật tu chính (legislative amendment) mà những người biểu tình cho là sẽ khiến cho việc sanh sản ở nhà bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật.
Mặc dù trời mưa lâm râm nhưng vẫn có khoảng 300 phụ nữ và trẻ em cùng một số nam nhân đã tham dự cuộc biểu tình trước cửa văn phòng ông Rudd ở Morningside. Nhiều người bồng ẵm con nhỏ, đẩy xe đẩy em bé hoặc cầm biểu ngữ phản đối dự luật tu chính này.
Nhiều người đã lần lượt phát biểu và tất cả đều nhấn mạnh một điều: phụ nữ phải được quyền chọn lựa phương cách mà họ sanh đẻ con cái. Tất cả đều cho rằng dự luật Medicare for Midwives Bill (Medicare cho Y Tá Hộ Sản) sẽ đưa đến một kết quả là việc sử dụng  quyền phủ quyết y tế (medical veto) để ngăn cản chuyện hành nghề của y tá hộ sản cũng như việc sanh sản tại tư gia.
Đoàn người biểu tình mạnh mẽ thách thức TT Rudd cùng tổng trưởng Y Tế Nicola Roxon có đủ để chống lại áp lực của Y Sĩ Đoàn (Australian Medical Association- AMA) loại bỏ dự luật tu chính nói trên.
Chủ tịch của Nghiệp đoàn Y Tá Hộ Sản (Australian College of Midwives), bà Jenny Gamble  tuyên bố rằng tu chính cho dự luật “Medicare for Midwives” sẽ khiến cho bác sĩ có quyền chọn lựa về phương cách mà phụ nữ sanh sản.
Đoàn biểu tình cho biết họ sẽ tiếp tục tranh đấu chống tu chính này cho đến sang năm.

DẠY CHO SỞ THUẾ BÀI HỌC

MELBOURNE: Sau khi một cựu sinh viên đã chiến thắng trong một vụ kiện lịch sử tại tòa án Liên Bang trong tuần qua thì từ nay giới sinh viên đã có thể liệt kê những chi phí học hành của mình như những chi phí khả dĩ khấu trừ khỏi lợi tức khi khai thuế (tax deduction).
Cô Symone Anstis, một cựu sinh viên tại đại học Công Giáo Úc (Australian Catholic University) đã thành công trong việc liệt kê $920 là chi phí tự giáo dục (self-education expenses) sau khi kiện sở thuế (Australian Tax Office- ATO) qua nhiều cấp Tòa khác nhau trong suốt 3 năm qua.
Trong lúc đang theo khóa học cử nhân giáo dục toàn thời để trở thành giáo viên tiểu học, cô Anstis cũng làm việc bán thời gian trong cương vị một người bán hàng cho chuỗi tiệm thời trang phụ nữ Katies với mức lợi tức là $14,946. Cô cũng nhận trợ cấp Youth Allowance $3622 trong tài khóa 2006. Cô đã liệt kê chi phí giáo dục, kể cả chi phí di chuyển từ chỗ làm đến chỗ học, đồ vật cung cấp cho học sinh khi đi thực tập, lệ phí hành chánh đại học (student administration fees) và sự sụt giảm giá trị (depreciation) của máy điện toán của cô.
Sở Thuế khước từ, không chấp nhận điều này. Thế là cô và cha cô là ông Michael Anstis, một người có bằng cấp và giấy phép hành nghề luật sư nhưng không hành nghề, đã khiếu nại lên đến tận tòa Liên Bang để cuối cùng thì vụ khiếu nại đã được xử trong tuần qua ở Melbourne.
Tòa Liên Bang (Federal Court) tuyên phán giữ nguyên phán quyết trước đó. Theo phán quyết ấy thì vì cô phải ghi danh theo học một khóa học toàn thời để được quyền nhận trợ cấp Youth Allowance, vốn là một món lợi tức phải thọ thuế (assessable income) thì bất kỳ một chi phí nào phải chi cho việc học phải được phép là chi phí khả dĩ khấu trừ (deductible).


Cô Anstis nói: “Tôi rất vui sướng với kết quả này. Cha tôi đã tranh cãi thật hay. Khi mình là sinh viên thì tất cả mọi thứ, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng giúp cho mình được. Tôi nghĩ rằng tôi có thể lấy lại được $300. Tôi đã phải chờ đợi quá lâu cho món tiền này, và nó sẽ được tiêu thật nhanh”.
Các chuyên gia thuế vụ cho biết vài trăm ngàn sinh viên đại học nhận lãnh Youth Allowance sẽ được lợi từ phán quyết nói trên, nhưng họ cần phải có một lợi tức tối thiểu khả dĩ thọ thuế (taxable income) trên $15.000 Úc Kim.
Hiện nay có khoảng 440.000 sinh viên nhận lãnh trợ cấp Youth Allowance hoặc Austudy, chiếu theo những con số thống kê của chính phủ. Và theo giáo sư Dale Boccabella ở Trường Thương Mại Úc (Australian School of Business) thược viện Đại Học NSW thì rất nhiều người trong số 440,000 sinh viên này có thể hội đủ điều kiện nêu trên do phần lợi tức từ công việc bán thời gian của họ.
Ông nói bây giờ những chi phí như sự giảm giá trị của máy điện toán, tập vở bút mực và sách giao khoa có thể được liệt kê như những chi phí khả dĩ khấu trừ. Trong quá khứ, sở Thuế không hề cho phép chi phí giáo dục được liệt kê như chi phí khả dĩ khấu trừ lúc tính lợi tức từ tiền trợ cấp.

DÀN CẢNH ĐỤNG XE ĐỂ LỪA BẢO HIỂM

BRISBANE: Theo tuần báo The Sunday Mail hôm 8/11 vừa qua thì cảnh sát Queensland đang điều tra các mạng lưới tội phạm tham dự vào những vụ cố tình dàn cảnh tai nạn xe cộ để đòi tiền bồi thường bảo hiểm.
Nhiều thám tử thuộc đội Bài Trừ Tội Ác Nghiêm Trọng (Major Crime) hiện đang điều tra nhiều trường hợp trên toàn cõi tiểu bang này và cho biết đây là một xu hướng đang bành trướng trên toàn nước Úc.
Cảnh sát cho biết loại lường gạt kiểu này, vốn đã tràn ngập NSW và Victoria, nảy sinh từ những thay đổi về luật pháp và kỹ thuật nhắm vào bọn trộm xe và tái sinh xe ăn trộm (rebirthing).
Trung sĩ thám tử Peter Ziser cho biết các tai nạn được bọn tội phạm có tổ chức dàn cảnh  với những chiếc xe đã được bảo hiểm với giá trị được thổi phồng hơn giá trị thật sự. Ông nói: “Chúng nó thường dàn dựng các vụ đụng xe này qua những phương cách vốn giảm thiểu tối đa nguy cơ bị thương tật, nhưng vẫn đủ sức tạo thiệt hại cho xe để xe phải bị vứt đi (write off) rồi sau đó đòi tiền bồi thường từ hãng bảo hiểm. Có nhiệu vụ thì một chiếc xe tông vào xe không có người, rồi sau đó thì một người leo vào trong xe và tuyên bố rằng họ là người lái xe bị đụng”.
Trung sĩ Ziser thuộc đội chống trộm xe (Vehicle Theft Unit) cho biết cảnh sát cũng kiểm soát những chiếc xe mà bọn gian tông vào tường gạch hoặc những vật cứng khác để gia tăng sự hư hại. Ông tuyên bố: “Nhiều kẻ tông xe ở bãi đậu xe rồi sau đó tuyên bố là bị đụng ở những nơi khác. Chúng nó đâm xe vào hàng rào gạch để gây thiệt hại rồi sau đó mang xe ra giữa đường trước khi gọi cảnh sát”.
Một vài tên thậm chí còn đòi tiền chi phí y tế từ những vụ đụng xe dàn cảnh này nữa. Trung sĩ Ziser cho biết: “Tụi nó không phải chỉ cắn trái táo một lần mà chúng cắn nhiều miếng”.

GIÁ NHÀ TĂNG VỌT Ở MELBOURNE

MELBOURNE: Những khu ngoại ô Melbourne nơi mà cư dân vốn thuộc giới lao động vất vả lại là những khu vực nằm hàng đầu trong danh sách do Real Estate Institue of Victoria (REIV) soạn thảo về 20 vùng mà giá nhà cửa tăng cao nhất trong suốt năm qua ở Victoria.
Ngoại trừ các khu Armadale, Brighton East và Surrey Hills, thì tất cả những khu ngoại ô còn lại trong danh sách này đều có giá nhà trung bình (median house prices)  dưới $900.000 Úc Kim.
Chín vùng có giá nhà dưới giá trung bình của Melbourne là $480.000. Và ba vùng Melton, Sunbury và Deer Park nằm trong danh sách 10 khu vực mà nhà cửa có giá phải chăng nhất.
Kết quả của khu Armadale dựa vào việc 29 căn nhà được bán với giá trên $1 triệu Úc Kim so sánh với 18 căn trong tháng 9/08 vào thời điểm mà thị trường nhà cửa suy sụp.
Cô Lara Pascalis rất vui mừng về việc cô và người chị cùng mua căn nhà ba phòng ở Glenroy với giá $435.000 hồi tháng 7/09 vừa qua.
Khu ngoại ô miền Bắc này đã có sự gia tăng giá trị nhà cửa so với năm ngoái là 22.5% khi giá nhà trung bình ở đấy tăng từ $ 365.000 lên $447.184.
Hai cô Lara và Francesca Pascalis dọn vào căn nhà townhouse của họ trong tháng rồi với sự vững tin rằng họ đã chọn được một khu vực với tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho vốn của họ.  Cô nói: “Chúng tôi chọn được căn nhà tốt. Căn nhà này rất dễ thương, tân thời và vì nó chỉ cách trung tâm thành phố có 13 cây số, chúng ta có thể biết chắc rằng nó sẽ còn phát triển mạnh mẽ nữa. Có rất nhiều gia đình trẻ dọn vào khu này và nó gần tất cả mọi nơi”.
Theo một chuyên viên địa ốc của YPA là ông Jae doyle thì những người mua căn nhà đầu tiên sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn mua nhà ở khu ngoại ô đang phát triển ở miền Tây Bắc là Sunbury vì kế hoạch Trợ Giúp Người Mua Căn Nhà Đầu Tiên (First Home Owners Boost) sẽ chấm dứt vào ngày 1/1/2010. Ông nói: “Rất nhiều người đổ xô đi mua và hiện giờ bị rơi vào hoàn cảnh là họ sẽ phải tranh giành với nhau để mua những căn nhà cuối cùng trước Giáng Sinh”.
Và theo phát ngôn nhân của REIV, ông Robert Larocca, thì giá nhà sẽ còn tăng thêm nữa ở những khu mà giá nhà hiện đang rẻ ở mức có thể chịu đựng được. Ông nói: “Chuyện khiến chúng tôi ngạc nhiên lần này là tầm vóc rộng lớn của những vùng mà giá cả phát triển nhanh chóng”.

CẤM TIẾNG VIỆT, MỘT LÒ BÁNH MÌ BỊ PHẠT $28,000

SYDNEY: Theo một bài báo của nữ ký giả Kirsty Needham đăng tải trên nhật  báo Sydney Morning Herald hôm 10/11/09 vừa qua thì một lò bánh mì ngay tại một trong những khu ngoại ô được xem là có nền văn hóa đa dạng nhất Sydney đã bị tuyên phạt phải trả tiền bồi thường $28,000 sau khi một giám đốc ra lệnh cấm nhân viên người Việt không được nói tiếng Việt và ra lệnh cho “bất kỳ ai nói tiếng Việt phải cút xéo ngay”.
Hôm thứ Hai 9/11 vừa qua thì đơn khiếu nại vì bị kỳ thị chủng tộc của một trong những người thợ làm bánh mì là ông Vương To Tu đã được tòa Administrative Decisions Tribunal tuyên bố y án.
Chủ tịch của Ủy Ban Chống Kỳ Thị (NSW Anti-Discrimination Board), ông  Stepan Kerkyasharian cho biết ông cảm thấy thật nản chí khi thấy sự tái sinh mạnh mẽ của những thái độ tệ hại của 40 năm về trước khi người di dân bị ngăn cấm không được nói chuyện bằng ngôn ngữ nào ngoại trừ tiếng Anh trên xe buýt.  Ông nói: “Nếu có vấn đề về sức khỏe và an toàn thì tôi có thể hiểu được rằng việc dùng một ngôn ngữ chung để nói chuyện là điều cần thiết.. nhưng nếu có hai nhân viên có thể truyền đạt, đối thoại với nhau bằng một ngôn ngữ khác hơn là Anh Ngữ và họ có thể hoàn tất công việc đòi hỏi thì người ta không nên ngăn cản chuyện ấy”.
Lò bánh mì Vieto Bakery ở Fairfield đã mướn thợ làm bánh mì gốc Việt trong một thời gian rất dài trước khi xảy ra vụ việc năm 2007 khi một viên giám đốc, sau này tuyên bố rằng y chỉ nói đùa, đã bảo với nhân viên rằng y “ghét người Việt Nam”.
Tòa được trình rằng gã giám đốc tên Zaal Ngozi bảo những người thợ bánh mì rằng họ là công dân Úc và nước Úc đã cho họ tất cả mọi thứ mà họ đã làm lụng để có được. Y bảo họ “khi chúng ta làm việc quanh cái bàn này thì không một ai được quyền nói tiếngViệt nữa. Chúng ta phải đều nói tiếng Anh hết”.
Hai nhân viên người Việt quá phẫn nộ nên đã không thèm quay trở lại làm nữa. Ông Vương, tuy yếu tiếng Anh, trở lại làm việc chỉ để bị buộc phải lấy ngày nghỉ thường niên. Lương hàng tuần của ông bị cắt giảm mất $25 Úc Kim và khi ông từ chối không chịu thu hồi một đơn khiếu nại về việc bị kỳ thị chủng tộc thì ông bị đuổi việc.
Ông Kerkyasharian cho biết quả thật là một sự ngạc nhiên khi thấy vụ kiện lò bánh mì Vieto này phải lên đến tận tòa án thì các tay chủ công ty mới nhận thức được rằng công ty đã có sự sai quấy. w
Chủ tịch Hội đồng Các Cộng đồng Sắc tộc ở NSW (Ethnic Communities Council of NSW), ông Jack Passaris cho biết thái độ này.. quả thật khó mà tưởng tượng được và là tàn dư của một thời khác biệt hoàn toàn. Ông nói: “thế giới này đã thay đổi từ lâu rồi”.
Một phát ngôn nhân của lò bánh Vieto Bakery tuyên bố rằng gã Ngozi không còn làm việc ở đấy nữa.

CẢNH SÁT CŨNG PHẠM TỘI!

SYDNEY: Họ là những cảnh sát viên tham nhũng, móc ngoặc nhất NSW. Họ thi hành nhiệm vụ bảo vệ luật pháp trong lúc bí mật buôn bán nha phiến, chỉ mối, tiết lộ bí mật cho các băng du đãng xe gắn máy và nhận tiền hối lộ. Tên tuổi của họ, vốn được nêu rõ trong bản báo cáo thường niên của Ủy Ban Kiểm Soát Hạnh Kiểm Cảnh Sát (Police Integrity Commission- PIC), cho chúng ta thấy rõ được tình trạng tham nhũng, móc ngoặc và sự vi phạm kỷ luật trong lực lượng cảnh sát của NSW.
Vấn đề về những quan hệ bất chính giữa cảnh sát và bọn tội phạm là vấn đề đứng đầu danh sách của những vụ than phiền gởi đến PIC, cơ quan kiểm soát cảnh sát, vốn thường bị cảnh sát chỉ trích thường xuyên nhất.
Trong một trong những trường hợp đáng quan ngại nhất thì một cảnh sát viên, mà danh tính đã bị cấm không được phổ biến, đã tiết lộ nhiểu tin liệu quan trọng cho một thành viên của băng du đãng xe gắn máy trước khi tòa xử một vụ án sát nhân. Đấy là vụ án mà nạn nhân là một thanh niên 21 tuổi tên Ashur Audisho bị thành viên của một băng đảng gốc Assyria bắn chết ở Fairfield Heights vào tháng 4/2006.
Nhà chức trách e ngại rằng  những tin liệu này đã được sử dụng để uy hiếp, đe dọa nhân chứng lúc ấy đang chuẩn bị ra làm chứng trước tòa chống bọn sát nhân đã giết anh Audisho.
Sự tiết lộ này đã khiến cho giới thẩm quyền phải tổ chức một cuộc điều tra sâu rộng bắt đầu từ tháng 5/08 vừa qua. Kết quả là cảnh sát viên ấy phải từ nhiệm. Tuy nhiên, y đã không hề bị truy tố với tội gì hết.
Kế đến là trường hợp của gã Nathan McCulloch, 39tuổi. Trường hợp này cho thấy ngay cả các cảnh sát viên dầy dạn kinh nghiệm cũng có thể bị dụ dỗ để chuyển sang “phe đen tối”.
Theo bản báo cáo, được trình lên quốc hội trong tuần qua, thì viên hạ sĩ cảnh sát (senior constable) ở Tamworth với 15 năm thâm niên công vụ bị điều tra trong một chiến dịch bí mật của PIC là chiến dịch Oklahoma.
Y bị theo dõi và điều tra vì những mối quan hệ của y với thành viên của một băng du đãng xe gắn máy ngoài vòng pháp luật cùng với nhiều lời tố giác rằng y nhập cảng lậu những loại kích thích tố bị cấm là anabolic steroids để bán lại cho bạn đồng ngũ.
Y và vợ của y là Elisa McCulloch, 40 tuôi, cũng là một hạ sĩ cảnh sát ở Tamworth với 20 năm công vụ đều thú nhận tội hôm 19/7/09 rằng chúng đã dự phần vào tổ chức buôn lậu nha phiến.
Elisa McCulloch không bị kết tội nhưng chồng của thị, vốn tú nhận nhiều tội danh đã sở hữu và bán các chất kích thích steroid, đã phải trả một món tiền phạt vạ thật cao.
Trong năm ngoái, có gần 3.000 đơn tố giác, than phiền với PIC về những hoạt động phi pháp của cảnh sát, kể cả việc bao che cho bọn buôn bán nha phiến, tham nhũng hối lộ và xâm phạm tình dục.
Cũng theo bản báo cáo của PIC thì việc tiết lộ tin liệu khi không được phép làm như thế, tương tự như trong trường hợp vụ án Audisho nói trên, là vấn nạn lớn thứ nhì, với 174 lời tố giác. Mặc dù có rất nhiều lời tố giác về tham nhũng, nhưng chỉ có 9 người, trong đó có 5 cảnh sát viên đang tại nhiệm, bị truy tố trong năm 2008 và 2009.
Cảnh sát cao cấp cho biết đại đa số cảnh sát viên tuân thủ theo đúng lời tuyên thệ với xã hội mỗi ngày.
Ông Paul Carey, tư lệnh bộ phận Tiêu Chuẩn Chuyên Môn (Professional Standards) cho biết có rất nhiều cuộc điều tra công khai và kín được tiến hành để kiểm soát những cảnh sát viên bị tình nghi đã bị sa ngã vào thói tham nhũng.
Ông cho biết ông được khích lệ vì những vụ điều tra này thường được tiến hành sau khi những cảnh sát viên đương nhiệm bị bạn đồng ngũ tố giác.  Ông nói: “Rất nhiều cuộc điều tra nẩy sinh từ những dữ liệu từ sự kiểm soát của chính chúng tôi, hoặc từ những tin tức do các cảnh sát viên cung cấp, từ bạn bè trong hàng ngũ của họ hoặc từ thượng cấp khi những người này thấy những chuyện sai trái xảy ra”.
Ông dùng vụ tóm bắt hai thám tử cảnh sát tham nhũng ở Liverpool là “L1” và Nasser Battal, vốn bị tố cáo đã cướp tiền và tống tiền từ những người bán thuốc lá trong vùng, như thí dụ điển hình cho việc cảnh sát viên tố giác bạn đồng ngũ xấu xa.
Tuy nhiên, ông Carey cũng thừa nhận rằng cảnh sát viên ở mọi cấp bậc, với đủ loại kinh nghiệm thâm niên đều có thể bị sa ngã vào vòng tham nhũng và vi phạm quy luật. Tuy nhiên, ông quy trách nhiệm của chuyện này vào những đổi thay trong cuộc sống riêng tư cá nhân của họ.
Một gã thám tử cảnh sát khác, George Kahila, hiện đang bị truy tố với 89 tội danh liên quan đến một vụ lường gạt tiền bạc lên đến vài trăm ngàn Úc Kim mà nạn nhân là thường dân. Y bị tố giác đã sản xuất vô số giấy báo thuế (tax return) giả mạo trong vòng 7 năm qua để lấy tiền từ ngân hàng ANZ và những cơ quan tài chánh khác. Vụ án của y hiện đang chờ tòa định ngày xét xử.
Một vụ lường gạt thứ nhì vừa chấm dứt trong năm nay dính líu đến một cảnh sát viên có nhiệm vụ đặc biệt (specialist officer) tên Rafiq Ahmed. Gã thám tử thuộc biệt đội bài trừ lường gạt (fraud squad) bị tòa tuyên bố phải giữ hạnh kiểm trong 12 tháng (12-month good-behaviour bond) vì dính líu vào một vụ lường gạt tiền mua nhà khác.
Còn một vụ việc khác nữa đang chờ ngày tòa District Court thẩm định xem bị cáo có đủ sức khỏe để hầu tòa (a fitness hearing) hay không. Đó là vụ xử Barry blanchette, một cảnh sát viên thâm niên bị truy tố với tội trộm và đột nhập trầm trọng (aggravated break and enter).
Mặc dù hồ sơ tòa án của hắn không được tiết lộ cho giới truyền thông, nhưng theo tuần báo The Sudnay Telegraph thì vụ án của hắn liên quan đến vụ trộm vàng thoi và nữ trang trong một vụ cướp năm 2002.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.