Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Chuyến Đi Định Mệnh

28/06/200900:00:00(Xem: 2851)

Chuyện kể hành trình Biển Đông: Chuyến đi định mệnh – Phó Thường Dân (Phỏng theo chuyện có thật xảy ra năm 1981)

Trời chưa hừng sáng, tiếng gõ cửa làm Quang tỉnh giấc. Ra mở cửa thì thấy vợ chồng Lô, em của Quang, vẻ mặt nghiêm trọng, ra dấu đi vào trong nhà có chuyện quan trọng.
- Anh chị Dũng mất rồi, Lô nói.
- Sao! sao mày biết! giọng Quang hốt hoảng.
- Cứ bình tĩnh, không việc gì phải cuống lên.
Quang có vẻ không bằng lòng cách trả lời của Lô, nhưng vì mong biết chuyện gấp nên đành im lặng.
Bao nhiêu kỷ niệm cuả mấy chục năm trời sống gần gụi nhau làm cho tim Quang rướm máu khi nghe tin đại nạn!
Dũng và Quang là hai anh em sát nhau, cách nhau chỉ có hai tuổi. Vì hoàn cảnh chiến tranh, hai anh em hồi còn nhỏ không được tới trường như những trẻ con cùng lứa tuổi. Đến năm 1952, hai anh em theo gia đình vào Sàigòn mới được tới trường đi học. Lúc đó, Dũng đã mười tuổi, Quang đã tám tuổi. Cha của Dũng và Quang thuộc thành phần giầu có lâu đời ở miền Bắc, vì chiến tranh, phải chạy vào miền Nam lánh nạn, sống với gia đình người con cả là Trung. Khi đó Trung là một sĩ quan QLVNCH.
Vì mất hết của cải, ruộng vườn, làng xóm quê hương nên cha của Quang trở thành bất đắc chí, không muốn cho Dũng và Quang đi học ở trường mà muốn cho học chữ nho ở nhà để thấu hiểu đạo thánh hiền!! Mẹ của Quang cho là viển vông và cho hai anh em ghi tên học tại trường tư thục Lê Bá Cang. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng hai anh em mới được đi học ở miền Bắc chừng vài tháng! Hệ tiểu học hồi đó gồm năm lớp, mới đầu là lớp năm rồi lên dần tới lớp nhất.
Vì lớn tuổi nên anh em Dũng Quang ghi tên học lớp nhì, coi như học nhẩy ba lớp. Giờ đầu vào học anh em Dũng Quang nghe chẳng hiểu gì cả, cô giáo hỏi cũng chẳng hiểu vì không nghe quen giọng miền Nam. Sau bài chính tả tiếng Pháp, Quang viết được đúng hai chữ "ma xưa" vì trong bài chính tả có hai chữ "ma soeur".
Với sự giúp đỡ của cha, hai anh em cố gắng học để theo kịp bạn bè. Lớp học gần 50 học sinh, từ chỗ không biết gì hết, đến cuối năm, Dũng được xếp hạng ba, Quang hạng mười trong lớp trước sự ngạc nhiên của cô giáo đối với hai đứa trẻ tỵ nạn bắc kỳ! Cả lớp chỉ có hai anh em nói giọng bắc kỳ nên lúc đầu cũng bị khá kỳ thị. Có lần chơi u, sau khi đã ngừng u, Dũng còn bị lũ trẻ nắm hai chân kéo dài dưới đất hàng chục thước, rách cả quần áo!
Sau hai năm, hai anh em đậu bằng tiểu học ở Sàigòn, cũng đã quen dần với giọng nói miền Nam, với những bài hát bình dân.
Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam, hàng triệu người di cư từ miền bắc vào miền nam, bỏ lại tất cả của cải, bỏ cả quê hương, có người lạc cả những người thân yêu! Trong đám di cư đó có họ hàng, bà con xa gần của Quang.
Dũng bản chất hiền lành, chăm làm, chăm học, không bao giờ bị cha mẹ rầy la chứ đừng nói tới đánh đòn. Quang thì lười học, có khá nhiều tính hư tật xấu, nhưng khá thông minh nên được mẹ hơi nuông chiều.
Hai anh em suốt từ thời thơ ấu luôn luôn sát cánh bên nhau, cho đến khi lên đại học mới học ngành khác nhau. Dũng và Quang tuy khác nhau nhưng lại rất thân, tính tình hai người nhiều khi bù đắp lẫn cho nhau.
Tin Dũng bị nạn như sét đánh trên tâm hồn Quang!
- Có người đi chung tầu vượt biên với anh chị Dũng viết thơ về cho gia đình biết, Lô nói tiếp.
- Câu chuyện ra làm sao, Quang nóng nảy hỏi.
Sau đó vợ chồng Lô chậm rãi kể... Theo bức thơ của ông giáo sư Sơn, đi vượt biên một mình, từ trại tỵ nạn ở Mã Lai gởi về cho người nhà ở Việt Nam thì biết Dũng là một giáo sư đại học, lại là một giáo sư rất ăn khách của giới trường luyện thi ở miền Nam trước năm 1975, bọn chủ tầu nghĩ rằng vợ chồng Dũng có mang theo vàng nên sau khi ra hải phận quốc tế chúng bắt vợ chồng Dũng phải mua mỗi ly nước uống bằng mấy chỉ vàng. Vì không có vàng nên không có nước uống, rồi sau đó lại bị cướp, trong hoàn cảnh sống với kẻ cướp của giết người, một giáo sư đại học hiền lành thì làm sao mà đương đầu nổi với bọn trộm cướp. Vì thiếu nước uống, vì chật chội, vì đói nên Anh, đứa con trai lớn (chưa được mười tuổi) của Dũng chịu không nổi bị xỉu, Dũng kêu cứu một cách vô vọng! Dũng cố gắng bồng đứa bé đưa lên cao cho có không khí để thở. Vì đói khát, thiếu không khí thở, lại cố gắng quá mức hy sinh cho con nên ít lâu sau, Dũng cũng bị xỉu! Bọn trộm cướp bèn thủy táng bố con Dũng, không cần biết là còn sống hay đã chết, mặc tiếng khóc lóc kêu gào níu kéo của vợ Dũng. Những người vượt biên đồng cảnh không dám nhúc nhích vì cũng đều kiệt lực và vì sợ cho ngay thân phận của chính mình! Thôi đành chứng kiến những hành động tủi hổ của loài người!! Khi đoàn người vượt biên trông thấy được đất liền thì vợ Dũng kiệt lực, giã từ cuộc đời ô trọc, để lại hai đứa con 6 tuổi và 7 tuổi bơ vơ giữa chợ đời!!!
Quang lịm người khi nghe chuyện tàn bạo xảy ra cho người anh thân yêu, một nhà khoa học hiền lành gương mẫu, một trong những đứa con quý của mẹ Việt Nam!!! Quang được hung tín đúng vào ngày hẹn để đóng vàng đi vượt biên!
Sau nhiều lần thất bại, tù tội vì vượt biên, lần vượt biên này Quang có may mắn quen biết với người tổ chức nên hy vọng không bị lừa gạt. Để kiếm đường đi vượt biên sau khi đã bị lường gạt nhiều lần, Quang xin đi làm ở công trường xây dựng cư xá cho Liên Xô ở Vũng Tầu. Sau mấy tháng làm việc, vẫn chẳng có manh mối gì, Quang xin nghỉ việc và nói rõ cho người chủ thầu tên là Ẩn biết mục đích đi làm ở Vũng Tầu của mình. Ẩn báo cho Quang biết là hắn cũng đang chuẩn bị đi và rủ Quang đi cùng! Quang bèn nhận lời và hẹn ngày đóng tiền!
Đến trưa thì Ẩn và Đường Nghiệp (chủ tầu) đến nhà Quang để thu vàng! Lòng Quang đang tang thương, tan nát, kể lể chuyện tang tóc của gia đình Dũng cho Ẩn biết, rồi Quang nói:
- Tôi mới được hung tín sáng nay, hiện giờ tôi cảm thấy cự kỳ đau khổ, tuyệt vọng. Tôi chưa biết tính sao, nhưng trước mắt là phải tổ chức cầu siêu cho anh tôi đã. Chuyến đi dự định trong hai ngày nữa, chắc tôi không tham gia được. Tôi rất tiếc không đi với các anh được.
- Chúng tôi hết sức thông cảm hoàn cảnh của anh, Ẩn nói. Anh cứ lo làm lễ cầu siêu đi, bây giờ chúng tôi rất bận nên phải đi ngay.
Một tuần sau, họ hàng Quang tổ chức lễ cầu siêu cho vợ chồng Dũng tại chùa Xá Lợi. Những người dân lương thiện, gương mẫu lặng lẽ cúi đầu, lệ tuôn trào...
Hôm sau ngày cầu siêu, Quang đạp xe qua nhà Bửu. Bửu học cùng ngành với Quang, ra trường trước chừng vài năm. Lúc còn nhỏ, Ẩn ở gần nhà Bửu, cả hai quen biết nhau từ lâu. Bửu dự trù đi chung chuyến vượt biên với Quang và Ẩn, vì điều kiện tài chánh, Bửu đi một mình với hy vọng sẽ đem được vợ con sang sau. Quang sang nhà Bửu để hỏi thăm vợ Bửu đã có điện tín từ đảo về chưa.
- Chưa, anh ấy còn ỏ Vũng Tầu, chuyến đi hoãn tới cuối tuần này, mời anh vào nhà chơi, vợ Bửu ân cần nói.
Về tới nhà, Quang tự nhủ: "hay là trời xui đất khiến chuyến đi hoãn lại nên mình có dịp tham gia, bây giờ ở lại đây khóc lóc vật vã thì cũng chẳng được gì!"
Tuy là một con người khoa học, nhưng đã tới đường cùng, Quang không còn biết nên đi hay nên ở! Hai vợ chồng Quang đầu đội khăn tang, thắp nhang trước bàn thờ, để hai cái thăm "đi" và "ở", rồi khấn vái, phó mặc cho số phận định đoạt, giống như nàng Kiều khi nhẩy xuống sông Tiền Đường: Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu!
Sau khi mở thăm, vợ chồng Quang thấy mình đã bốc trúng thăm "đi". Nhưng vì là một con người khoa học nên Quang tự hỏi không biết đây là phúc hay là họa! Vợ chồng Quang làm thêm ba lần nữa, lần nào mở ra cũng là thăm "đi"! Thôi thì đúng là ý trời!
Liên lạc lại với Ẩn, Quang được biết chuyến vượt biên sẽ khởi hành từ Vũng Tầu trong hai ngày nữa. Vì đã chuẩn bị từ lâu nên Quang nhận lời ngay. Vợ chồng Quang và đứa con hai tuổi vội vàng lấy xe đò đi xuống Vũng Tầu.
Gia đình Quang, Bưủ và Tâm, một người bà con của Ẩn, ngủ chung trong một phòng của công trường xây dựng. Đêm đó mưa to gió lớn giống như giông bão, Tâm rên rỉ:
- Chú Bửu ơi, giờ này ra biển chắc làm mồi cho cá mập...
Đợi mấy ngày sau vẫn chưa được khởi hành. Công nhân ở công trường bắt đầu xầm xì thắc mắc. Gia đình Quang phải về tạm trú tại nhà Lủ, cháu của chủ tầu Đường Nghiệp. Vì khi đi từ Sàigòn, mọi người dự trù hai ngày sau là lên tầu vượt biên nên gia đình Quang chỉ dự trù tiền bạc dùng trong vòng mười ngày. Hết mười ngày, vẫn chưa khởi hành, vợ chồng Quang phải tháo nhẫn cưới đem bán để sống tạm chờ ngày lên đường. Cái kỷ niệm đau đớn đó như có sức mạnh gấp muôn lần chiếc nhẫn cưới để gắn bó vợ chồng Quang trọn đời tình nghĩa.
Ngày 25 tháng sáu năm 1981, nhà chủ tầu Đường Nghiệp bắt đầu bị công an theo dõi, cuộc vượt biên phải thực hiện ngay, không chần chờ được nữa.
Theo sự hướng dẫn của tổ chức, Quang và đám đàn ông con trai giả dạng công nhân đi làm, đi theo lộ trình đặc biệt, phân tán mỏng để tránh theo dõi. Đến một bãi cỏ, mọi người nghỉ ngơi, chờ trời tối mới đi ra chỗ hẹn dưới chân cầu. Nằm trên bãi cỏ, khi trời vừa tối, Bửu chỉ cho Quang cách xem sao để định hướng cho thuyền đi. Đàn bà và con nít thì được nhét chật hơn cá mòi trên xe hơi để chở tới chân cầu vào lúc tối. Con của Quang bị bắt uống thuốc ngủ, vì nếu ồn ào khóc lóc thì sẽ đổ bể hết.
Vợ chồng Quang gặp lại nhau ở chân cầu, mừng mừng tủi tủi. Một lát sau, bỗng có đứa bé trong đám người chạy trốn, khóc ồn ào. Có tiếng người nói:
- Bịt miệng nó lại, không chết cả đám.
Tiếng khóc vẫn chưa dứt, vẫn tiếng nói đó:
- Đưa tôi bịt mũi nó cho!
Quang rùng mình nghĩ đến cảnh chết chóc của gia đình Dũng! Cũng may sau đó, mẹ đứa bé giỗ cho nó im được.
Chờ chừng một tiếng đồng hồ, thì mọi người được chiếc thuyền taxi ghé lại đón. Đi chừng mười lăm phút thì có người la lên: thuyền bị thủng, nước bắt đầu tràn vào. Mọi người xôn xao. Nước vào thuyền nhiều hơn. Người lái thuyền yêu cầu tất cả đàn ông con trai phải nhẩy xuống nước cho thuyền bớt nặng, vừa bơi vừa đẩy thuyền vào bờ. Nước tiếp tục tràn vào thuyền, dâng cao gần đến vai người đứng trong thuyền. Vợ Quang cố gắng bồng con đưa lên cao cho cháu bé không bị ngộp. Nước cứ dâng lên dần, vợ Quang tự nhủ chắc sắp chết đến nơi, nhưng không thể nào chấp nhận để con mình chết đuối được!
- Anh Quang! anh Quang, anh ẵm con, nước ngập tới gần miệng em rồi!
Quang vừa bơi vừa cố sức đẩy thuyền, nghe tiếng gọi, rụng rời cả tay chân...
- Anh ơi! anh ơi! cứu lấy con!!
Tiếng kêu thất thanh của người mẹ trước khi lìa cõi đời có thấu chăng trời xanh"! Bỗng nhiên, thuyền chạm đáy bờ sông, nước không còn dâng thêm để nhận chìm những con người vô tội.
Người này đỡ người khác, từ từ mọi người lần lượt lên một bãi lầy, được dẫn đi trong rừng thưa. Quang kiệu cháu bé trên cổ, cháu bé bỗng tỉnh dậy:
- Mình đi đâu hả bố!


Đi một quãng thì Quang bị lún trong vũng lầy tới đầu gối, không nhấc chân lên nổi, mấy người phải xúm lại kéo lên. Lát sau tới được chỗ tụ tập, Quang thấy rất đông người đã đến trước. Vợ chồng Quang ướt như chuột, lạnh run cầm cập, đồ đạc chuẩn bị vượt biên như sữa, chanh đường phơi khô đều chìm xuống sông hết.
Khoảng hai giờ sáng thì Ẩn gọi Bửu và Quang lại cho biết: lương thực chuẩn bị đi vượt biên đã mất hết vì thuyền taxi bị chìm, số người đi lậu quá nhiều, nếu tất cả lên thuyền có thể thuyền sẽ bị đắm khi ra biển, nếu không bị đắm thì cũng chết đói vì không có lương thực. Ẩn và gia đình gồm tất cả bẩy người dự định bỏ cuộc trở lại Vũng Tầu bằng xe lam chờ sẵn ở ngoài đường lộ.
- Hai anh là người thân, tôi mới nói cho biết, hai anh có muốn theo tôi ra xe lam trở lại Vũng Tầu không" Ẩn hỏi Bửu và Quang.
- Như thế vàng chúng tôi đóng có lấy lại phần nào được không" Quang hỏi lại.
- Vàng các anh đóng là cho chủ tầu Đường Nghiệp, làm sao lấy lại được.
Quang và Bửu không biết trả lời sao, xin được suy nghĩ một lát. Bửu không có vàng, đi vay nợ để đóng, bây giờ bỏ cuộc thì làm sao trả nợ được đây! Quang đã bị lừa gạt nhiều lần, bây giờ mất nữa thì lấy gì nuôi con đây!
Trước khi đi Ẩn có đi hỏi ý kiến một người ở gần ngã tư xa lộ Biên Hoà. Vị này đoán sự việc bằng cách bói toán và cho Ẩn một số ngày kỵ, trong đó có ngày 25 và 26. Nếu đi vào những ngày đó thì tính mạng khó an toàn! Trước cảnh thuyền taxi bị chìm, lương thực rớt xuống sông hết, số người đi lậu quá đông, Ẩn tin tưởng tuyệt đối vào lời tiên đoán của vị đó! Lúc Đường Nghiệp quyết định ra đi vào tối 25, Ẩn đã lo, nhưng công an đã đến nhà Đường Nghiệp dò la nên không thể nào chần chừ được nữa!
Quang và Bửu chưa quyết định đi hay trở lại Vũng Tầu với Ẩn, cả hai đi gặp Đường Nghiệp để xem tình hình thế nào. Nghiệp thì trái lại với Ẩn, cương quyết đi, có lẽ vì nhà đã bị công an theo dõi. Nghiệp khuyên Quang và Bửu nên đi chung vì Nghiệp cũng tin hai người có khả năng tổ chức cho chuyến đi được thắng lợi. Quang hỏi Nghiệp:
- Thế vấn đề lương thực và vấn đề người đi lậu đông quá thì anh định giải quyết ra sao"
- Mình cứ đi, ra tới ngoài khơi mình xô tụi đi lậu xuống biển! Nghiệp đáp lại.
Quang lạnh mình nghe Đường Nghiệp nói, cảnh chết chóc cả gia đình Dũng như cuốn phim chiếu lại trong đầu Quang. Quang kéo Bửu ra chỗ khác rồi bàn:
- Không được anh Bửu ạ, có chuyện xô xát trên thuyền thì chắc chết hết!
Cả hai im lặng, Quang đi lại gần vợ con. Ôm đứa bé Quang thầm suy nghĩ, ra đi dù mạng treo sợi tóc, Quang cũng chẳng còn sợ, nhưng việc quyết định có thể liên hệ tới mạng của cháu bé. Quang nghĩ mình có quyền quyết định chuyện sống chết cho mình, nhưng mình không có quyền quyết định chuyện sống chết cho người khác, kể cả con mình! biết làm sao đây!
Nhớ lại những tháng ngày tù tội vì những lần vượt biên trước, Quang bàn với vợ:
"Lát nữa trời sáng mà chưa đi được, chắc thế nào cũng bị công an bắt hết; nhưng đàn bà có con nhỏ bị bắt hy vọng bị giam ít hơn đàn ông nên Quang dự trù sẽ bơi một mình qua sông rồi tìm cách trở về Vũng Tầu sau".
Lát sau không thấy Quang và Bửu trả lời, gia đình Ẩn đi băng qua rừng thưa để ra lộ, đáp xe lam về Vũng Tầu. Thấy gia đình Ẩn đi rồi, Quang bàn với Bửu:
- Giải pháp của Đường Nghiệp không được, có khi chết hết hoặc mình chết trước, tôi và anh ra thuyết phục họ bỏ về thì mình mới có hy vọng đi thoát được.
- Anh định thuyết phục làm sao.
- Mình nói là người tổ chức đã bỏ trốn rồi, chính họ cũng nhìn thấy. Mình than là nếu không trốn ngay thì khi trời sáng sẽ bị công an nhốt hết ; và nhờ họ giúp đỡ mình đi trốn. Mình chẳng muốn lừa gạt ai, nhưng nếu họ không rút lui thì thuyền không đủ sức chở, ra khơi có thể bị đắm khi sóng lớn ; còn nếu theo kế hoạch của Đường Nghiệp thì không tránh khỏi cảnh giết chóc lẫn nhau!
Bửu đồng ý và hai người hết nói chuyện với người này lại nói với người khác trong đám đi lậu. Đám này bàn bạc với nhau, rồi quyết định rút lui. Trước khi chạy, họ cũng thông báo cho Quang chạy theo. Quang cảm kích sự tử tế đó, rất tiếc đã phải xử dụng mưu trí, phải nói dối!
Sau đi đám người đi lậu bỏ về thì chỉ còn lại 37 người kể cả trẻ con, nên tất cả lần lượt được thuyền taxi đưa ra thuyền vượt biên. Người lái thuyền taxi biết đám vượt biên đã mất hết lương thực nên cho mấy lít gạo để cầm hơi đi vượt biên.
Ra đến bãi trước thì trời đã hừng sáng, mọi người đều phải núp dưới hầm thuyền. Người tài công, đáng lẽ lái thuyền đi hướng Singapore, lại lái đi về hướng bắc giống như những thuyền đánh cá để đánh lạc hướng theo dõi của công an VC.
Đường Nghiệp thường xuyên bàn bạc với Quang và Bửu để cho chuyến vượt biên dễ thành công. Trước hết là vấn đề ăn uống, lương thực đã mất hết, chỉ có bốn lít gạo để cho 37 người sống sót, nên ngay từ lúc đầu mỗi người chỉ được một chén cháo mỗi ngày để sống cầm hơi. Quang đo vận tốc thuyền để tính thời gian đi tới đường hải hành quốc tế Singapore- Hồng Kông. Vì không có dụng cụ, một người ngồi đầu thuyền thả một miếng giấy và Quang đo thời gian miếng giấy trôi tới cuối thuyền. Mặc dù phương tiện thô sơ nhưng kết quả rất tốt đẹp, ra tới hải hành quốc tế, Quang yêu cầu tài công đổi hướng đi về Singapore, và gặp được nhiều tầu buôn trên hải hành.
Rời khỏi Vũng Tầu khoảng 24 giờ thì có người nhìn thấy có tầu ở hướng đất liền đi ra, mọi người nghĩ có thể bị thuyền công an rượt theo, tất cả lại phải chui xuống hầm thuyền. Sau một ngày đói khát, mọi người đã yếu hơn nên cảm thấy vô cùng ngạt thở. Cũng may, một lát sau thì không thấy có bóng tầu nào nữa, mọi người được lên trên thở không khí trong lành của biển cả.
Mấy tuần trước khi đi thì mưa bão dữ dội ở Vũng Tầu, nhưng khi thuyền vượt biên ra ngoài khơi nước biển lại lặng như nước ở hồ tắm, Quang tự nhủ chắc hết xui rồi thì hên phải đến. Nước biển mầu xanh tím, đẹp hơn tranh vẽ, thuyền lướt sóng nhẹ nhàng, hai bên hai đàn cá bơi theo thuyền như đón mừng người tỵ nạn...
Ra đến hải hành quốc tế, không còn sợ bị tầu công an rượt nữa, Đường cho tầu ngừng lại và gắn lan can chung quanh để mọi người ngồi thoải mái. Nhân dịp này Quang và vài người khác nhẩy xuống Thái Bình Dương để tắm, một lần tắm để nhớ đời! Vợ Quang sợ cá mập nguy hiểm, kêu gọi mọi người lên thuyền gấp.
Trên hải hành quốc tế, Đường Nghiệp lấy sơn vẽ ba chữ S.O.S. trên một tấm gỗ nhỏ để giơ lên mỗi khi gặp tầu buôn. Vừa đi trên hải hành quốc tế được vài giờ thì gặp tầu Trung Cộng nên Quang phải hạ bảng S.O.S. xuống!
Rồi tiếp tục gặp hàng chục tầu khác, nhưng chẳng tầu nào chịu dừng lại!
Quang vừa lo giơ bảng S.O.S. vừa kiểm soát hướng tầu đi, vừa phụ lái tầu. Sau hai ngày vừa làm việc vừa đói khát, mọi người đều vô cùng hốc hác. Giữa nửa đêm, Đường Nghiệp mang lại cho Quang một chén cơm nguội với một miếng chao. Ở Việt Nam, chưa bao giờ Quang thích và chịu ăn chao cũng như cơm nguội! Nhưng chén cơm nguội với miếng chao đêm nay sao mà ngon thế, có lẽ là bữa cơm ngon nhất đời của Quang!
Cho tới sáng ngày thứ ba, sau khi kêu cứu gần chục chiếc tầu gặp trên đường đi, thuyền vượt biên gặp được một tầu buôn Hy Lạp, tầu này đã dừng lại, cho lương thực nước uống, nhưng không vớt được vì tầu đang đi tới Việt Nam. Dù không được vớt nhưng có miếng cơm ăn, có thêm vài chục lít nước uống nên mọi người trên thuyền cũng lấy lại được đôi phần hy vọng.
Thuyền tiếp tục hướng về Singapore rẽ sóng đi, gặp tầu nào cũng xin cầu cứu. Thương thay thân phận của hàng trăm ngàn người con ưu tú của mẹ Việt Nam bỗng trở thành ăn mày quốc tế!!
Đến chiều ngày thứ ba, bỗng Đường Nghiệp mời Quang, Bửu và vài người thân tín lại bàn việc. Thì ra chiếc la bàn mới mua trước khi đi của Đường Nghiệp bị hư, tài công không còn biết phương hướng nào để lái thuyền nữa. Đường Nghiệp yêu cầu mọi người không nên cho ai biết, trong thuyền sẽ rối loạn. Cả bọn mắt tái xanh, chắc chắn sẽ bỏ mạng trên biển cả, không còn thiết làm gì cả, riêng Quang và Bửu thì nghĩ đến chuyện dùng sao trời để định hướng cho thuyền đi, nhưng hy vọng giữ thuyền đi theo hải hành quốc tế sẽ vô cùng khó khăn.
Bỗng xa xa có thấy một chiếc tầu. Quang bèn bảo người tài công cứ nhắm tầu đó tiến tới, không cần biết phương hương gì nữa. Tất cả đều tuyệt vọng vì đã gặp hơn chục chiếc tầu, nào có được vớt, bây giờ không biết hướng đi chỉ còn chờ chết! Một mình Quang vẫn giữ niềm hy vọng, hai tay cầm bảng S.O.S. yêu cầu mọi người nằm ra sàn thuyền giả chết, may ra có hy vọng hơn. Tất cả mọi người tuân theo, vì thực ra thì cũng gần chết cả rồi, Riêng con của Quang, đứa bé trẻ nhất thuyền, mới hai tuổi thì khóc ầm ĩ.
Khi tiến gần đến tầu lớn thì hình như tầu lớn dừng lại, mọi người vẫn nằm im bất động, một mình Quang vừa cầm bảng S.O.S. vừa kêu cứu. Trời đã gần tối, trên tầu lớn người ta dùng micrô để hỏi Quang trong thuyền có bao nhiêu người, rồi họ bằng lòng vớt.
Sau khi cho đàn bà và trẻ con lên họ cho đàn ông và con trai lên trên tàu lớn. Quang là một trong những người cuối cùng bước lên tầu lớn. Vừa lên tới nơi, Quang nghe tiếng hét "sit down!"
Quang nói nhỏ với Bửu:
- Nếu là tầu Cuba thì chắc chết! có lẽ mình nhẩy xuống biển tự vận cho thoát nợ đời, vì nếu bị bắt sau khi đã ra ngoài khơi thì tù rục xương, chưa chắc còn sống đến lúc được tạm tha!
Sau khi bắt đám đàn ông con trai ngồi xuống, ông thuyền phó kiểm soát để đề phòng hải tặc, rồi cho mọi người đoàn tụ với nhóm đàn bà, trẻ con!
Khi đi vào phòng Quang mới nhận ra đó là một chiếc tầu Argentine ở Nam Mỹ. Sau khi được ăn uống đầy đủ, vị thuyền trưởng xuống thăm đoàn tỵ nạn của Quang. Ông thuyền trưởng cho biết: lần trước tầu của ông đã từng vớt một thuyền tỵ nạn và ông đã gặp rất nhiều khó khăn về thời gian cũng như về tài chánh, vì vậy ông thuyền phó đã phản đối việc vớt thuyền tỵ nạn của nhóm Quang; nhưng khi nhìn thấy đoàn tỵ nạn qua ống nhòm, ông thuyền trưởng tự nhủ nếu không vớt những người đau khổ này thì tối nay chắc ông không thể nào ngủ được!
Mắt Quang như được mở rộng để thấy tình nhân loại bao la, rộng lớn hơn tình dân tộc mà Quang hằng ấp ủ, tôn thờ! Hình như quê hương của Quang bắt đầu rộng lớn hơn để trải khắp qủa địa cầu!
Mấy hôm trước trên chiếc thuyền nhỏ, nhóm Quang luôn luôn thấy biển im gió lặng. Đêm nay, trên chiếc tầu lớn gấp trăm lần chiếc thuyền vượt biên, nhưng mọi người đều cảm thấy tầu nghiêng ngả lắc lư vì sức xô đẩy của sóng gió. Ai ai cũng tự nhủ thầm, nếu hồi chiều không được vớt thì chắc bây giờ làm mồi cho cá mập!! và chắc ông thuyền trưởng đã biết trước là đêm nay sẽ có bão nên nếu không vớt đám người khốn khổ này thì chắc chắn họ sẽ không qua khỏi đêm nay!
Cho đến sau này, khi đặt chân đến bến bờ tự do, Quang vẫn không quên cảm ơn Thượng đế và ông thuyền trưởng chiếc tầu Argentine Nam Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.