Hôm nay,  

Nhập Thất

28/04/200700:00:00(Xem: 6274)

Bìa sách Duy Ma Cật.

Phật tử sơ cơ như tôi chỉ hiểu hai chữ “Nhập thất”, đơn giản là tự giam mình trong phòng, trong một diện tích cố định nào đó, và không giao tiếp với bên ngoài, không quan tâm tới những gì đang xảy ra xung quanh. Còn mục đích nhập thất để làm gì là do tâm nguyện riêng của người nhập thất. Theo tôi, có lẽ danh từ nhập thất chỉ để nói tới những nhà tu hành đạo cao đức trọng. Trong năm, quý ngài thường chọn một thời điểm nào đó để nhập thất sau những bận rộn, bôn ba hoằng pháp. Khi đó, các ngài nhập thất để bồi dưỡng năng lượng an lạc cho thân tâm; nhưng thật ra, nhập thất chính là thời gian các ngài muốn dành cho việc trước tác, dịch kinh, viết sách, những việc cần sự an tịnh để hoàn thành.

Với sự hiểu biết ít ỏi, tôi nghĩ về sự nhập thất của Chư Tôn Đức là như thế. Chẳng phải tôi chỉ tình cờ hời hợt nghĩ vậy, mà do lòng tò mò khi được diễm phúc đọc những bộ kinh, luật, luận, trích dịch, tra cứu rất công phu của quý ngài. Tôi tự hỏi, với Phật-sự đa đoan suốt năm, các ngài tìm đâu ra thì giờ và môi trường thanh tịnh để trước tác"

Và thời gian nhập thất là câu trả lời cho tôi. Từ đó, tôi luôn hết sức thầm ghi ơn hai chữ ‘Nhập thất”, rất khiêm nhường nhưng công đức thật vô lượng.

Có lẽ, bằng những thời gian nhập thất, cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ, vị Thầy khai sáng con đường tu học Già Lam mà Tăng sinh nhiều thế hệ đã kính quý gọi bằng tiếng thân thương “Ôn Già Lam”, đã để lại cho đàn hậu học một gia tài vô giá khi dịch thuật các kinh Bát Nhã, Đàm Vô Đức Tứ Phần Luật; hoặc dẫn giải Tâm Như Trí Thủ toàn tập và Yết Ma Yếu Chỉ.

Đại lão Hòa Thượng Thích Minh Châu từng là Viện-trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh đã viết những bài dịch với nhiều đề tài rất nghiêm túc như Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, của Nalinaksha Dutt; So sánh Kinh Trung A Hàm Chữ Hán Với Kinh Trung Bộ Chữ Pali; Vai Trò Của Người Có Trí Tuệ Trong Đạo Phật v…v…

Đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Siêu viết không thiếu gì trong cả ba lãnh vực Kinh, Luật. Luận. Kinh thì chúng ta được đọc Tổng Luận về Kinh Lăng Nghiêm trực chỉ, Khảo dịch bản Việt Ngữ Kinh Bát Nhã gồm 24 tập với hơn 5 triệu chữ. Luật thì có Đại Cương Về Giới Luật Tu Sĩ và Luận thì ngài viết Luận Đại Trí Độ, Luận Thành Duy Thức v…v..

Hòa Thượng Thích Thắng Hoan quan tâm nhiều về Duy Thức Học nên ngài đã viết Khảo Nghiệm Duy Thức Học, Khái Niệm Về Pháp Tướng Duy Thức Học, Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức Học v..v..

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh mà đa số Phật tử rất quen thuộc qua các Kinh được tụng đọc mà ngài là tác giả dịch thuật, như Kinh Hoa Nghiêm (trọn bộ 8 quyển), Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) v…v…

Kho tàng kinh điển đồ sộ do công lao và trí tuệ của bao Chư Tôn Đức đã và đang thực hiện, không ai dám tự hào sẽ liệt kê được hết vì quá nhiều.  Hàng Phật tử được thọ hưởng phải trả ơn sâu này bằng tâm nguyện gắng sức tu hành tinh tấn.

Mới đây tôi vừa thỉnh được cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật, tác giả là Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ. Tình cờ tôi được biết hàng năm, Thầy thường nhập thất khoảng ba tháng. Kiểm điểm lại những cuốn sách của Thầy mà tôi may mắn có được thì tôi không thể không nghĩ rằng đây là kết quả những tháng ngày nhập thất.

Ngoài nhiều dịch phẩm viết trước thời điểm 1975 đã thất lạc, tôi có được cuốn Thắng Man Giảng Luận dày 415 trang mà bản thảo dở dang từ Phật lịch 2543, phủ đầy bụi bám đã được một thiện trí thức tình cờ tìm thấy khi Thầy còn lao đao phương xa theo giòng lịch sử nổi trôi. Bản thảo, với những cái Thầy gọi là “xong và chưa xong” đó đã được những đệ tử tâm huyết của Thầy trân quý, ấn hành tại hải ngoại. Từ đó, Phật lịch 2546 Phật tử chúng tôi được đón nhận Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Phật lịch 2547 là cuốn Thiền Và Bát Nhã, Phật lịch 2548 có Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo v…v…Tới nay, Phật lịch 2550 chúng tôi đang có trong tay cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật.

Đó chẳng phải là sự làm việc miệt mài của Thầy những khi nhập thất ư"

Không biết các đạo hữu của tôi thì sao" Riêng tôi, tôi từng âm thầm khổ tâm khi học Kinh Duy Ma Cật! Tôi tin rằng không người học Phật nào không công nhận Kinh Duy Ma Cật là một Kinh Đại Thừa chứa đựng mênh mông tư tưởng thâm sâu, uyên áo. Học Kinh Duy Ma Cật không thể học theo kiểu thuộc lòng vì mỗi giai thoại, mỗi câu nói trong đó đều ẩn dụ những huyền nghĩa sâu sa, Phật tử lơ mơ như tôi, không biết đến kiếp nào mới hiểu hết. Tôi biết thế, nhưng mỗi lần đọc Kinh Duy Ma Cật, tôi đều không tránh được cảm giác băn khoăn, khó chịu khi lần lượt những Đại Đệ Tử của Đức Thế Tôn đều không dám đi thăm bệnh cư-sỹ Duy Ma vì các vị đều từng bị ông cư-sỹ này chê trách!

Cảm giác khó chịu này luôn khởi lên song song với niềm nghi ngờ “Lẽ nào lại thế! Lẽ nào các vị xuất gia đã tinh thông nghĩa lý thâm diệu của Đạo Pháp lại trở thành như những đứa trẻ nhỏ khờ khạo trước một người cư-sỹ tại gia, dù người đó có tài trí đến đâu! Vậy thì, khi một Kinh Đại Thừa được trình bày như vậy, hẳn đằng sau những hình ảnh cố tình phô diễn này là những ẩn dụ gì đây"”

Tuy khởi được nghi ngờ như thế, nhưng vì quá vô minh, tôi đã chẳng tìm ra được một ẩn dụ nào, nên cuối cùng vẫn chỉ còn lại cảm giác khó chịu. Nhưng vì Kinh có những đoạn quá hay, nên tôi không để ngủ yên trên kệ được, mà thỉnh thoảng lại lôi ra đọc. Những đoạn hay như đoạn Thiên-nữ rải hoa. Hoa rắc trên thân Chư Bồ Tát thì liền rơi xuống đất mà rắc trên thân các vị Đại Đệ Tử thì vẫn bám vào áo. Ngài Xá Lợi Phất phủi mãi không được.“Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất:

-Sao ngài phủi hoa đi"

Xá Lợi Phất đáp:

-Hoa này không như pháp nên phải phủi đi.

Thiên nữ nói:

-Đừng bảo hoa này không như pháp. Vì sao" Vì chúng không có gì phân biệt mà chính ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp.” (*)

Hoặc đoạn đối đáp giữa ngài Xá Lợi Phất và cư-sỹ Duy Ma Cật:

“Duy Ma Cật hỏi Xá Lợi Phất:

-Ngài nghĩ thế nào, ánh mặt trời khi xuất hiện có hiệp cùng bóng tối hay không"

Xá Lợi Phất đáp:

-Chỗ nào có ánh mặt trời thì không còn bóng tối.

Duy Ma Cật lại hỏi:

-Vì sao ánh mặt trời soi dọi cõi Diêm-phù-đề này"

Xá Lợi Phất trả lời:

-Đem ánh sáng soi dọi để xua tan bóng tối.

Duy Ma Cật bảo:

-Bồ Tát cũng vật, tuy sinh nơi cõi Phật bất tịnh để giáo hóa chúng sinh nhưng không hiệp cùng với sự ngu ám, mà chỉ để diệt trừ bóng tối phiền não của chúng sinh.”(*)

Nhưng ở chương nói về Pháp Môn Bất Nhị thì tôi không thể an lạc được khi cư-sỹ Duy Ma Cật hỏi các vị Bồ Tát hiện diện “thế nào là Bồ Tát vào cửa Pháp-Bất-Nhị"”

Sau khi ba mươi ba vị Bồ Tát lần lượt dùng những hình ảnh và trạng huống tương phản để trả lời câu hỏi một cách rất minh bạch, rất xuất sắc thì ngài Văn Thù Sư Lợi là người cuối cùng mới hỏi lại Duy Ma Cật:

“Chúng tôi, mỗi người đã nói rồi, xin nhân-giả cho biết thế nào là Bồ-tát vào cửa pháp-bất-nhị"

Bấy giờ, Duy Ma Cật lặng im không nói.

Văn Thù Sư Lợi tán thán:

Lành thay! Lành thay! Cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào cửa pháp-bất-nhị.” (*)

Tôi thấy chỗ này … bất công qúa! Chắc gì sự im lặng của Duy Ma Cật đã là câu trả lời tuyệt chiêu" Biết đâu 33 câu trả lời của Chư Bồ Tát đã quá đủ, không còn câu nào dành lại cho Duy Ma Cật nên cư-sỹ đành … im lặng"

Hôm nay, sau khi đọc rất từ tốn cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thầy Tuệ Sỹ, tôi đã bật lên lời tán thán Thầy: “Lành thay! Lành thay!”

Tôi muốn chia xẻ niềm vui bất tận này với quý đạo hữu vì từ nay, đọc Kinh Duy Ma Cật, tôi sẽ không còn băn khoăn, đau khổ nữa vì Thầy Tuệ Sỹ đã vừa hóa giải hầu hết cho tôi.

Hãy chỉ đan cử trường hợp ba Đại-đệ-tử hàng đầu của Đức Thế Tôn là các ngài Xá-Lợi-Phất, Ma-Ha-Ca-Diếp và Mục-Kiền-Liên bị Duy Ma Cật chất vấn đến mức không dám đi thăm bệnh cư-sỹ khi Đức Thế Tôn đề nghị.

Ngài Xá Lợi Phất đã từ chối, vì một lần Duy Ma Cật gặp ngài ngồi thiền định nơi vắng vẻ, đã chê trách rằng:

“Bất tất ngồi như vậy mới là tĩnh tọa. Không hiện thân và ý ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện các oai nghi mà không xuất diệt tận định, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm việc phàm phu mà không xả Đạo pháp, ấy mới là tĩnh tọa …”

Trong Huyền Thoại Duy Ma Cật, thầy Tuệ Sỹ đã hóa giải rằng:

“Bậc Thánh đã xuất ly ba cõi, vượt xa ngoài thế giới đầy xáo động này, đó là nguồn an lạc do viễn ly và xuất ly. Nhưng nếu bậc Thánh ấy trở lại thế gian này, hiện thân và ý như phàm phu ngay giữa thế gian này mà tâm tư vẫn xuất ly ngoài ba cõi. Đó là đời sống viễn ly chân thật. Qua đó, những lời phát biểu của Duy Ma Cật là tán dương hay chỉ trích Xá Lợi Phất"” (+)

Ôi, lành thay! lành thay! Có thế chứ! Những con mắt vô minh như tôi, đứng trước cồn cỏ che khuất, làm sao thấy được núi Tu Di là cao! Làm sao thấy hết “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” của bậc Thánh!

Rồi đến Ma-Ha-Ca-Diếp, người đệ tử duy nhất được Đức Phật trao cho chiếc y phấn tảo của ngài, cũng bị cư-sỹ Duy Ma Cật chê bai.

“Theo truyền thuyết thường kể, Đại Ca Diếp có tâm ưu ái đặc biệt với người nghèo nên thường chỉ khất thực từ nơi nhà nghèo. Cho đến cả Thiên Đế Thích, khi muốn cúng dường Đại Ca Diếp cũng phải biến hóa thành một bà lão nghèo khó để được ngài thọ nhận.

Ngay khi ấy, Duy Ma Cật xuất hiện và nói: 

Kính thưa ngài Ma Ha Ca Diếp, có tâm từ bi mà không rộng khắp nên ngài bỏ nhà hào phú mà xin nhà bần hàn.” (+)

Giai thoại này, trong Huyền Thoại Duy Ma Cật, Thầy Tuệ Sỹ hóa giải chỉ bằng một câu ngắn:

“Nếu nói là phương tiện thị hiện, Phật từ bỏ Tịnh-độ mà hiện nơi uế trược thì có khác gì Ca-Diếp bỏ nhà giầu để đến với người nghèo"”(+)

Ôi, lại lành thay! lành thay! Đơn giản có thế mà tôi đau khổ bấy lâu vì không biết làm sao biện minh cho vị Đại-đệ-tử, từng nhận được Chánh-pháp-nhãn-tạng Đức Phật trao truyền và trở thành vị Tổ Thiền đầu tiên, gieo trồng bao hoa trái nhiệm mầu cho hàng hậu học.

Trường hợp Đại-thần-thông Mục Kiền Liên mới thật là vi tế. Học Phật, chúng ta đều biết Đức Thế Tôn nhiều lần từ chối xử dụng thần thông để thuyết pháp vì “Không ích gì khi có khả năng biến hóa một người tí hon thành khổng lồ hoặc làm thân hình bốc lửa các thứ. Chỉ đáng tán thưởng khi phép lạ là khả năng biến một con người hung ác thành một bậc Thánh từ tâm quảng đại. Đó là phép lạ của sự giáo dục. Đó  là Giáo Giới Thị Đạo.” (+)

Nhưng để có đủ mọi phương tiện uyển chuyển, Đức Thế Tôn đã chỉ trao truyền  thần thông cho Mục Kiền Liên mà thôi. Nhưng khi Duy Ma Cật chất vấn Mục Kiền Liên lại không là lúc ngài xử dụng sở trường mà ngài đang thuyết pháp cho hàng cư-sỹ về các pháp tu để nhận thức được thân này là không thực, là tồn tại với một tự ngã. Duy Ma Cật đến trước Mục Kiền Liên mà nói rằng:

“Thưa ngài Mục Kiền Liên, Pháp không chúng sinh vì xa lìa cáu bẩn của chúng sinh. Pháp không thọ mạng vì xa lìa sinh tử. Pháp không có con người vì tiền tế và hậu tế đều cắt đứt. Pháp thường tịch nhiên vì diệt các tướng. Pháp lìa ngoài tướng vì không sở duyên. Pháp không ngôn thuyết vì lìa các quán. Pháp không hình tướng vì như hư không …Pháp như vậy, làm sao thuyết"”

Nhưng thực tế, suốt 49 năm hoằng hóa, Đức Phật đã không ngừng thuyết pháp và trước khi nhập diệt, ngài bảo các đệ-tử: “49 năm qua, ta chưa từng nói lời nào”. Vậy lời Duy Ma Cật chất vấn Mục Kiền Liên có phải là chê trách không" Hay đây chính là lời tán thán về “Phép lạ của sự giáo dục” trong tinh thần:

“Người thuyết pháp thì không diễn thuyết, không khai thị. Người nghe thì không nghe, không sở đắc. Như con người huyễn giảng pháp cho người huyễn nghe. Sự thuyết pháp như vậy quả là thần thông diệu dụng.” (+)

Sự dẫn giải của thầy Tuệ Sỹ rất cô đọng ở ngay câu:

“Duy Ma Cật không đợi lúc Mục Kiền Liên đang hiện thần thông để đối biện, mà đến ngay lúc Mục Kiền Liên đang thuyết pháp. Chính ở đó Duy Ma Cật chỉ lối đi vào cảnh giới thần thông của Phật” (+) 

Cứ tuần tự, nhẩn nha như thế, trong cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật, thầy Tuệ Sỹ đã hóa giải, đã cho thấy trong mọi môi trường, người cư-sỹ trí tuệ vô song đó đều “cùng làm việc” với Chư Bồ Tát và các Đại-đệ-tử của Phật, chứ không phải là chê trách nhau. Quý ngài cùng làm việc trong chủ trương đưa ra những hình ảnh và ngôn từ tương phản, hầu làm sáng tỏ hơn những tư tưởng quá thâm sâu, uyên áo trong giáo pháp Đại-thừa, mà với những phương cách bình thường khó đạt được. Như trên sân khấu phải có vai người thiện, kẻ ác, có người khôn, kẻ dại thì người xem mới nhìn ra chân lý. Có thế, khán giả vô minh như tôi mới được hoan hỷ ra về bằng lời dẫn giải của thầy Tuệ Sỹ về chương Pháp Môn Bất Nhị. Đó chính là chương tôi cảm thấy bất công sau khi ba mươi ba vị Bồ Tát trả lời câu hỏi về Bất-nhị, chẳng được công nhận gì; còn Duy Ma Cật, chỉ im lặng mà được ca ngợi là không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào cửa Bất-nhị!

Thì đây, trong Huyền Thoại Duy Ma Cật, thầy Tuệ Sỹ nhẹ nhàng nói thế này:

“Nếu Văn Thù không cất tiếng ngợi khen, dễ có ai khám phá ra ngôn ngữ của vô ngôn trong sự im lặng của Duy Ma Cật" Nếu bậc giải Không đệ nhất không tỏ ra khiếp đảm ở đây, phàm phu nào khám phá được cảnh giới tịch mặc vô ngôn trong ngôn ngữ lý luận ly kỳ của Duy Ma Cật"” (+)

Như kẻ mù vừa được sáng mắt, như người lần mò trong tối tăm vừa được dắt ra khỏi hang động, tôi đọc mãi câu này không chán, tưởng như từng nét chữ với hình thù rõ rệt đã dính vào mỗi tế bào. 

Xin đa tạ thầy Tuệ Sỹ trong kỳ vừa nhập thất.

Thời gian trôi qua, bình đẳng với mọi người, nhưng sự hữu ích và vô ích thì thật quá khác biệt.

NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.

(Như-Thị-Am, mùa Phật Đản 2007)

(*) Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Thích Tuệ Sỹ

(+) Huyền Thoại Duy Ma Cật - Thích Tuệ Sỹ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.