Hôm nay,  

Tội ác: Vụ Hãm Hiếp Tập Thể Kinh Hoàng tại tỉnh Martinsville

27/02/200700:00:00(Xem: 4344)

Tội ác: Vụ Hãm Hiếp Tập Thể Kinh Hoàng tại tỉnh Martinsville
(Tiếp theo... và hết)

Báo chí địa phương đã đưa tin về tội ác nghiêm trọng này một cách rất giật gân. Bài viết đầu tiên xuất hiện ngày 10 tháng Giêng, 1949 trong tờ Martinsville Bulletin, với hàng tít lớn của ngày hôm đó là "Bẩy người Đàn ông bị Buộc tội Hãm hiếp một Phụ nữ". Đoạn mở đầu của bài tường thuật như sau: "Bẩy người đàn ông da đen tuổi từ 18 đến 37 đã bị buộc tội tấn công tình dục người vợ 32 tuổi  của một viên quản lý cửa tiệm ở Martinsville buổi chiều thứ Bẩy".
Chủng tộc của các bị cáo và nạn nhân đã được nói thật rõ ràng, dù ở Martinsville ai cũng đã biết điều này. Dù một vụ bạo động chủng tộc đã không xảy ra, nhà chức trách đã rất quan tâm đến mối đe dọa này. Họ đã tách riêng các tù nhân và giam giữ họ trong hai nhà tù Patrick County và City of Roanoke. Tuy nhiên không giống các tiểu bang khác ở miền nam, Virginia xưa nay đã không hề có các vụ bạo động chủng tộc.
Trong khi bà Floyd được điều trị và được bảo vệ trong bệnh viện Martinsville. Tờ báo địa phương đưa tin rằng tình trạng của người phụ nữ này "được các y tá mô tả là khả quan". Trong giữa tháng Giêng, bà Floyd được cho xuất viện và di chuyển đến North California sống với người mẹ. Sau đó, bà phải nhập viện trở lại vì bị nhiễm trùng bên trong cơ thể, hậu quả của vụ hãm hiếp. Một vài ngày sau, ngày 14 tháng Hai, bà Floyd được gọi ra tòa làm nhân chứng cho công tố viện truy tố các bị cáo.
Theo cuốn sách của ông Eric Rise viết về vụ án, các bị cáo "Martinsville Seven" đã được bí mật chuyển vào thành phố buổi sáng hôm đó, và phiên tòa đã không được thông báo cho công chúng biết. Hàng chục cảnh sát đã bảo vệ phòng xử khi các bị cáo được đưa đến tòa án. Các lời thú nhận của họ đã được đưa ra làm chứng cớ, và gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với bồi thẩm đoàn cũng như quan tòa. Khi đứng khai với tư cách nhân chứng, bà Floyd đã trực diện với tất cả các bị cáo lần đầu tiên kể từ khi bị tấn công. Một luật sư của các bị cáo đã hỏi tại sao bà ta không la cầu cứu trong khi bị hãm hiếp. Bà Floyd trả lời: "Tôi đã không la hét bởi vì chúng đe dọa nếu tôi la chúng sẽ giết tôi". Đây là một lời chứng rất quan trọng, bởi vì nó cho thấy bạo lực đã đựơc sử dụng với nạn nhân, một yếu tố quan trọng để kết tội hãm hiếp.
Vụ án này đã được chuyển tới Đại bồi thẩm đoàn Henry County trong đầu tháng Tư, 1949. Chỉ có một nhân chứng được yêu cầu ra làm chứng - đó là Đại úy cảnh sát James Barnes. Dựa trên lời chứng của ông và các lời thú nhận viết tay của các bị cáo, tất cả bẩy người đàn ông đã chính thức bị truy tố tội hãm hiếp vào ngày 11  tháng Tư. Theo luật lệ Virginia, nếu họ bị kết tội, hình phạt cho trọng tội này là tử hình. Và mọi người đều biết rõ điều này.
Ngay từ  đầu, khía cạnh chủng tộc của vụ án đã làm nhiều người lo ngại. Điều mà ai cũng biết rằng những người da đen hãm hiếp các phụ nữ da trắng ở miền Nam thường phải đền tội bằng chính mạng sống của họ, hoặc bằng các cuộc hành hình được thực hiện bởi tòa án hoặc các đám đông khát máu. Nhưng các viên chức Martinsville quyết định để tiến trình luật pháp kết thúc như thường lệ. Trong ngày đầu của phiên xử đầu tiên, quan tòa Kennon Whittle đã nói với bên nguyên và các luật sư của bên bị cáo: "Hôm nay, hiện diện trong tư cách chánh án của phiên tòa quan trọng này, tôi khuyến cáo quý vị, vụ án  sẽ được xét xử một cách khách quan, tôn trọng sự thật, theo đúng tiến trình của pháp lý, để bảo đảm không tạo nên những phân hóa chủng tộc. Phiên tòa phải được xét xử như thủ phạm và nạn nhân có cùng chủng tộc."
Bị cáo đầu tiên bị xét xử là Henry Hampton, vào ngày 20 tháng Tư, 1949. Một bồi thầm đoàn toàn là người da trắng đã đựơc chọn lựa buổi sáng hôm đó. Hampton bị chọn xét xử đầu tiên vì hắn là kẻ tấn công đầu tiên. Mỗi bị cáo đều được chỉ định một luật sư và được xét xử riêng biệt dựa trên lời yêu cầu của các luật sư bào chữa. Luật sư bào chữa cho bị cáo tin, nếu cả nhóm bị xét xử cùng một lần, bồi thẩm đoàn sẽ rất dễ xem cách ứng xử của một hoặc hai người là của tất cả bẩy người. Tuy nhiên, John Taylor và James Hariston đã đồng ý được xử chung.
Người đầu tiên ra làm nhân chứng trong phiên xử của Hampton chính là nạn nhân. Trong giọng nghẹn ngào uất hận, bà Ruby Floyd đã tố cáo Joe Henry Hampton là người đầu tiên trong nhóm 7 người đàn ông da đen đã hãm hiếp bà tại East Martinsville trong ngày 8 tháng Giêng. Bà miêu tả chi tiết những điều sỉ nhục mà các kẻ tấn công này đã làm với bà. Nạn nhân đã khóc khi kể rằng bà đã bị những người đàn ông này bịt mồm và giữ chặt tay chân trong khi Hampton hãm hiếp. Bà nói bằng một giọng ướt sũng nước mắt: "Chúng đã bịt miệng tôi bằng tay và bằng lưỡi, mút lưỡi tôi và nước dãi của chúng dính đầy người tôi." Bà Floyd đã chỉ tay vào Hampton trong tòa án và nói hắn là kẻ đầu tiên đã hãm hiếp bà.
Đến buổi trưa trong phiên xử, bị cáo Hampton đã đứng ra làm nhân chứng để tự bào chữa chính mình. Hampton nói với tòa rằng hắn say rượu trong ngày hôm đó và không thể nhớ có hãm hiếp bà Floyd hay không. Hắn nói đã uống rượu suốt ngày hôm đó với Milner, Frank và Howard Hariston và không thể nhớ tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng Công tố viên I.W. Cubine đã đưa ra lời thú tội viết tay của Hampton ngày 10 tháng Giêng. Trong đó, Hampton đã kể toàn bộ câu chuyện về những gì xảy ra gần đường rầy xe lửa.
Hampton viết rằng: "Khi người đàn bà này bắt đầu la lớn, một người trong bọn đã dùng tay bịt mồm bà…. Khi bị chúng tôi lôi vào rừng, bà vẫn cố gắng thoát khỏi tay những thanh nhiên này…. Bà năn nỉ chúng tôi đừng làm bất cứ gì với bà, và nói bà có các đứa con ở nhà và bà là một tín đồ thường xuyên đi lễ nhà thờ." Sau khi lời chứng của Hampton được đọc, vào lúc 5:20pm cùng ngày, bồi thẩm đoàn bắt đầu nghị án. Không đầy ba mươi phút sau, bồi thẩm đoàn tuyên bố: Hampton có tội!
Ngày hôm sau, Frank Hairston, 19 tuổi, bị đem  ra xét xử. Một bồi thẩm đoàn khác đã được chọn lựa thật mau lẹ, và lần nữa không có người da đen nào được chọn trong bồi thẩm đoàn. Phiên xử bắt đầu với sự xuất hiện của bà Floyd vừa khóc, vừa thuật lại câu chuyện mà bà đã kể ngày hôm trước. Bà Floyd đưa ra lời chứng khỏang 40 phút trong khi luật sư bào chữa William Carter cố gắng bào chữa cho thân chủ bằng cách gài đặt để bà thú nhận đã nhìn lầm người. Nhưng trước sau một mực, bà Floyd trả lời: "Đúng hắn! Tôi biết chắc lúc đó hắn có để râu mép."
Đại úy cảnh sát Barnes cũng ra làm nhân chứng và lập lại lời thú nhận của Hairston với tòa. Ông ta nói rằng mặc dù Hairston dường như đã uống rượu, hắn đã không say và rất bình tĩnh. Đến trưa hôm đó, Frank Hairston đưa ra lời khai với tư cách là nhân chứng và lời khai của hắn trái ngược với những gì ông Barnes đã nói. Frank nói với tòa rằng: "Tôi không nói ông ấy là một kẻ nói dối… Tôi cũng không nói tôi đã không nói điều đó. Tôi không nhớ đã nói những gì."


Khi được hỏi hắn có bất cứ sự liên hệ nào với bà Floyd, Frank phủ nhận không dính dáng bất cứ gì với người đàn bà này. Tuy nhiên hắn thú nhận rằng một số người khác đã giao cấu với bà Floyd. Hắn nói đã rời khỏi đường rầy xe lửa và bắt đầu đi trở về Cherrytown, khu vực da đen của Martinsville: "Chúng tôi bắt đầu đi tới Cherry town, đi ngang qua tiệm sơn của thị trưởng Prilaman… Gặp xe cảnh sát, một cảnh sát viên đã gọi chúng tôi lại. Và đó là khi họ bắt giữ chúng tôi." Khi được hỏi lúc đó là mấy giờ, Frank nói hắn quá say nên không nhớ: "Thật tình mà nói tôi không biết. Lúc đó tôi đã quá say. Trời rất tối." Trước khi rời bục nhân chứng, Frank đã xin tòa khoan dung. Hắn nói: "Nếu không say rượu, tôi có thể đã không làm điều đó. Tôi xin tòa khoan dung và hứa sẽ là một người tốt hơn."
Bồi thẩm đoàn nghị án vào lúc 5:37pm, và chỉ khoảng tiếng rưỡi sau, vào lúc 7:17pm, một phán quyết đã được công bố. Bồi thẩm đoàn kết án Frank Hairston có tội đối với tất cả những tội trạng mà công tố viện cáo buộc. Trong vài ngày kế tiếp, toà án tiếp tục xét xử các bị cáo Booker T. Milner, Howard Hairston, James Hairston, John Taylor và Francis Grayson. Khi ra làm nhân chứng biện tội cho chính mình, Milner nói đã không thể hoàn tất hành động hãm hiếp bà Floyd, mặc dù hắn đã cố gắng. Hắn vừa khóc vừa nói: "Tôi đã không có bất cảm giác nào đối với người đàn bà này, do đó tôi đã đứng dậy và bỏ đi… Tôi biết đã làm điều sai trái."
Mỗi phiên xử là bản sao của phiên xử trước đó. Bà Floyd, Đại úy Barnes, cậu bé Charlie Martin và thậm chí một số bị cáo đã ra làm nhân chứng để nói câu chuyện của họ. Trong tổng cộng sáu phiên xử, không một người đàn ông hoặc đàn bà da đen nào ngồi trong bất cứ  bồi thẩm đoàn nào. Trong mỗi vụ án, kết quả đều giống nhau, và phán quyết của bồi thẩm đoàn dành cho các bị cáo luôn luôn là có tội.

CÁC BẢN ÁN TỬ HÌNH DÀNH CHO NHÓM "MARTINSVILLE SEVEN"

Sáng sớm ngày 4 tháng 5, 1949, hàng ngàn người đã tụ tập quanh tòa án và dọc theo Public Square để nhìn tận mắt những người đàn ông sẽ lãnh án tử hình. Bẩy bị cáo đã bị đưa trở lại tòa để nghe Chánh án Kennon Whittle tuyên án. Mặc dù mỗi bồi thẩm đoàn biểu quyết bằng phiếu kín và riêng biệt trong các phiên xử, bản án tử hình không trở thành chính thức cho tới khi được thông qua bởi vị Chánh án. Nhiều người suy đoán tòa có thể sẽ khoan hồng, vì nạn nhân đã không bị giết, và các bị cáo không hề có ý định giết người.
Trong khi phòng xử chứa đầy những người đến dự khán, nhóm 7 người đàn ông tay chân bị xiềng, bị cảnh sát dẫn vào tòa. Các gia đình của họ ngồi khóc trong phòng xử. Người đầu tiên bị tuyên án là Joe Henry Hampton. Chánh án Whittle nói rằng: "Theo luật lệ của Virginia, phán quyết của tòa án là ông sẽ bị tử hình bằng ghế điện. Ngày hành quyết được định là thứ Sáu, 15 tháng Bẩy, 1949. Lời cầu nguyện của tôi là Thượng Đế sẽ tỏ lòng nhân từ đối với các ông." Mỗi bị cáo đều nhận một bản án giống nhau. Khi Grayson được hỏi có bất cứ điều gì để nói không, hắn trả lời: "Tôi đã không làm bất cứ điều gì hại người khác. Tôi đã nói sự thật. Tôi luôn luôn siêng năng làm việc và đã có một gia đình hạnh phúc gồm 5 đứa con."
Thủ tục tuyên án không kéo dài quá 30 phút. Sau đó những người đàn ông này nói lời vĩnh biệt với gia đình và trở về dẫy xà lim dành cho các tử tội. Nhóm luật sư bào chữa đã chống lại các phán quyết này. Nhưng tất cả nỗ lực kháng án của họ đều đã bị thất bại. Tử tội đầu tiên bước lên ghế điện là Joe Henry Hampton, 22 tuổi, người đàn ông đã khởi xướng vụ hãm hiếp tập thể tàn bạo này. Đầu của hắn bị cạo trọc và hai tay bị còng. Hampton bị buộc vào chiếc ghế điện lúc 8:02am ngày 2 tháng Hai, 1951.
Khoảng 12 phút sau, đến lượt Howard Hairston, 21 tuổi, Booker Milner, 22 tuổi và Frank Hairston, 19 tuổi. Trong khi họ được dẫn tới ghế điện,  vị mục sư của nhà tù đã đọc bài kinh cầu nguyện cho những người tử tội. Theo tờ The Worker, lời nói cuối cùng của Frank Hairston là "Tôi đã chẳng bao giờ động đến người đàn bà đó. Tôi hoàn toàn vô tội. Nhưng giờ đây tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết và sẽ gặp lại các ông ở thế giới bên kia." Cũng bị hành hình trong ngày hôm đó là người đàn ông da đen 27 tuổi, kẻ đã giết chết một cô gái 14 tuổi ở Halifax County.
Buổi sáng thứ  Hai, ngày 5 tháng Hai, 1951, John Clabon Taylor 24 tuổi, James Luther Hairston 23 tuổi và Francis DeSales Grayson 40 tuổi, bị đưa từ xà lim tới nhà tù Old State Penitentiary. Taylor là người đầu tiên bị hành hình vào lúc 7:30am, Hairston và Grayson đã mau lẹ đi theo y. Tờ Bulletin đưa tin: "Giống bốn người trước, ba người cuối cùng này rất im lặng và họ chẳng có gì để nói trong những tiếng đồng hồ trước khi chết." Một nhà hòm địa phương ở Martinsville sau đó đã đến lấy các xác chết đưa trở về tỉnh.
Sau vụ hành hình nhóm bẩy người đàn ông, ngày 6 tháng Hai, 1951, tờ Daily Worker đã có bài xã luận viết: "Tất cả họ giờ đây đều đã chết, bẩy người đàn ông da đen ở Virginia, sáu người chỉ mới qua tuổi thiếu niên. Họ đã chết chỉ bởi vì chế độ "ưu thế của người da trắng" cần các nạn nhân mới. Một số tổ chức chính trị đã dùng nhóm "Martinsville Seven" như một cây búa để đánh các đối thủ của họ. Đảng Cộng sản đã dùng nó để làm nổi bật tình trạng tiến thoái lưỡng nan của người Mỹ da đen, những người mà họ nhìn thấy bị mắc kẹt trong một chế độ bất công và đối xử phân biệt mà không có hy vọng thoát khỏi."
Trong quyết định bác bỏ một trong các đơn kháng án của nhóm "Martinsville Seven", Quan tòa Edward Hudgins thuộc tòa Phúc thẩm Tối cao ở Virginia nói rằng án tử hình "không tùy vào chủng tộc của các bị cáo, nhưng tùy vào tình huống, mức độ trầm trọng và sự tàn ác dã man của hành động phạm tội… Luật pháp áp dụng với tất cả mọi người bất kể chủng tộc và tín ngưỡng. Trong vụ hãm hiếp tập thể bà Floyd, không có điều gì cho thấy bị cáo có sự thương xót đối với nạn nhân. Francis Grayson,  một người đàn ông 37 tuổi, đã chứng kiến bốn người đàn ông tấn công bà Floyd. Thay vì giúp đỡ bà ấy, y đã bỏ đi, thông báo cho hai người đàn ông khác những gì đang xảy ra, và cả ba người đã đi đến hiện trường, và mỗi tên thay phiên nhau hãm hiếp bà Floyd."
Nhưng tờ Amsterdam News ở Nữu Ước đã nghĩ khác hẳn. Một bài xã luận ngày 10 tháng Hai viết: "Khi chúng tôi xét đến sự  thật trong toàn thể lịch sử của tiểu bang Old Dominion, không có một người da trắng nào đã bị án tử hình vì tội hãm hiếp, thì chúng ta cảm thấy cần thiết để kết luận rằng hình phạt tử hình bẩy người đàn ông này vì một tội duy nhất là không đúng, không thể hiện lòng thương và cũng không khôn ngoan".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.